Các Sách Hướng Dẫn và Các Chức Vụ Kêu Gọi
28. Các Giáo Lễ Đền Thờ dành cho Người Chết


“28. Các Giáo Lễ Đền Thờ dành cho Người Chết,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).

“28. Các Giáo Lễ Đền Thờ dành cho Người Chết,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.

Hình Ảnh
hồ báp têm

28.

Các Giáo Lễ Đền Thờ dành cho Người Chết

28.0

Lời Giới Thiệu

Việc kết hợp gia đình cho thời vĩnh cửu là một phần công việc cứu rỗi và tôn cao (xin xem phần 1.2). Các giáo lễ được thực hiện trong các đền thờ giúp cho các gia đình có thể ở bên nhau vĩnh viễn và kinh nghiệm niềm vui trọn vẹn trong chốn hiện diện của Thượng Đế.

Để con cái của Cha Thiên Thượng trở lại với Ngài, mỗi người trong số họ phải hối cải, trở nên xứng đáng để tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao, cũng như tôn vinh các giao ước liên quan với mỗi giáo lễ. Các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao là:

  • Phép báp têm.

  • Lễ xác nhận và ân tứ Đức Thánh Linh.

  • Lễ truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và lễ sắc phong một chức phẩm (cho những người nam).

  • Lễ thiên ân trong đền thờ.

  • Lễ gắn bó trong đền thờ.

Cha Thiên Thượng biết rằng nhiều con cái của Ngài sẽ không nhận được các giáo lễ này khi còn ở trên trần thế. Ngài ban cho họ một cách khác để tiếp nhận các giáo lễ và lập các giao ước với Ngài. Trong đền thờ, các giáo lễ có thể được thực hiện thay cho người chết. Điều này có nghĩa là một người còn sống nhận các giáo lễ thay cho người đã chết. Trong thế giới linh hồn, những người đã chết có thể chọn chấp nhận hoặc từ chối các giáo lễ đã được thực hiện cho họ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:19, 32–34, 58–59).

Các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao không cần thiết hoặc không được thực hiện đối với những người không hiểu biết trách nhiệm trong cuộc đời này (xin xem phần 18.1, các đoạn 28.3.2, và 28.3.3).

Các tín hữu Giáo Hội được khuyến khích nên tìm ra những người thân đã qua đời mà chưa nhận được các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao. Sau đó, các tín hữu thực hiện các giáo lễ thay cho những người thân đó. (Xin xem Ma La Chi 4:5–6; 1 Cô Rinh Tô 15:29; Giáo Lý và Giao Ước 2:1–3; 128:15–18; xin xem thêm 25.1 trong sách hướng dẫn này.)

Nếu các tín hữu chưa chuẩn bị tên những người trong gia đình họ cho công việc đền thờ (xin xem đoạn 28.1.1), thì tên của những người đã chết cần các giáo lễ sẽ được cung cấp tại đền thờ.

Các tín hữu được khuyến khích nên tham dự đền thờ thường xuyên nếu hoàn cảnh của họ cho phép, cho dù họ đang thực hiện các giáo lễ làm thay cho những người thân của mình hay cho những người có tên được cung cấp tại đền thờ.

Các tín hữu Giáo Hội được ban phước khi họ thực hiện các giáo lễ trong đền thờ cho những người đã chết. Trong khi thực hiện các giáo lễ làm thay, họ có thể suy ngẫm lại các giao ước đền thờ của chính họ và sự cam kết của họ phải tuân giữ các giao ước đó.

Các chủ tịch giáo khu và giám trợ giúp các tín hữu chuẩn bị để có được những kinh nghiệm tích cực khi thực hiện các giáo lễ đền thờ. Họ làm điều này bằng cách giảng dạy giáo lý cơ bản về công việc đền thờ và bảo đảm rằng các tín hữu hiểu các hướng dẫn cho công việc này. Xin xem chương 25 để có thêm thông tin.

28.1

Những Hướng Dẫn Tổng Quát để Thực Hiện Các Giáo Lễ Làm Thay

Những người đã qua đời lúc 8 tuổi trở lên đều có thể có các giáo lễ làm thay cho họ. Ngoại trừ như đã được ghi trong phần 28.3, các giáo lễ làm thay có thể được thực hiện cho tất cả những người đã qua đời ngay sau khi 30 ngày trôi qua kể từ ngày chết của họ nếu hội đủ một trong hai điều kiện sau đây:

  • Một người thân của người đã chết (người phối ngẫu không ly dị, người con đã đến tuổi thành niên, cha hay mẹ hoặc anh chị em ruột) nộp tên để làm các giáo lễ đền thờ.

  • Sự cho phép để thực hiện các giáo lễ được nhận từ một người thân của người đã chết (người phối ngẫu không ly dị, người con đã đến tuổi thành niên, cha hay mẹ hoặc anh chị em ruột).

Nếu không hội đủ điều kiện nào trong hai điều kiện trên, thì các giáo lễ làm thay trong đền thờ có thể được thực hiện 110 năm sau ngày sinh của người đã chết.

Để có thêm thông tin, xin xem các bài viết sau đây trên trang mạng FamilySearch.org (việc truy cập các bài viết đòi hỏi phải đăng nhập vào FamilySearch.org):

28.1.1

Chuẩn Bị Tên của Những Người đã Chết cho Các Giáo Lễ Đền Thờ

Có sẵn nhiều nguồn tài liệu để giúp các tín hữu tìm ra những người thân đã chết mà cần các giáo lễ được thực hiện thay cho họ (xin xem phần 25.4 và phần 28.3). Những người lãnh đạo sau đây giúp các tín hữu học cách chuẩn bị tên của những người trong gia đình đã chết cho các giáo lễ đền thờ:

  • Chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ tiểu giáo khu (xin xem đoạn 25.2.2)

  • Người lãnh đạo công việc đền thờ và lịch sử gia đình trong tiểu giáo khu (xin xem đoạn 25.2.3)

  • Những người tư vấn công việc đền thờ và lịch sử gia đình trong tiểu giáo khu (xin xem đoạn 25.2.4)

Nếu có thể được, thông tin để nhận ra những người thân trong gia đình đã chết nên được nhập vào trang mạng FamilySearch.org trước khi thực hiện các giáo lễ đền thờ (xin xem đoạn 25.4.2).

28.1.1.1

Nộp Tên của Những Người trong Gia Đình

Khi nộp tên cho các giáo lễ làm thay của đền thờ, các tín hữu thường chỉ nên nộp tên của những người mà họ có mối liên hệ.

28.1.1.2

Nộp Tên của Những Người Nổi Tiếng và Các Nhóm Không Được Phép

Nói chung, các tín hữu Giáo Hội không được nộp tên vào FamilySearch.org từ các nhóm sau đây:

  • Những người nổi tiếng

  • Những cái tên được thu thập từ các dự án trích xuất chưa được chấp thuận

  • Các nạn nhân của Cuộc Thảm Sát Tập Thể Holocaust Do Thái

Để biết thêm thông tin, xin xem bài viết sau đây trên FamilySearch: “Tôi có thể làm công việc đền thờ cho các nạn nhân của Cuộc Thảm Sát Tập Thể Holocaust Do Thái không?

28.1.2

Ai Có Thể Tham Gia vào Các Giáo Lễ dành cho Người Chết

Tất cả các tín hữu có một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành đều có thể tham gia vào lễ báp têm và lễ xác nhận cho người chết. Các tín hữu được làm lễ thiên ân với một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành đều có thể tham gia vào tất cả các giáo lễ dành cho người chết. Xin xem phần 26.3.

28.1.3

Sự Tham Gia của Các Tín Hữu Bị Khuyết Tật về Thể Xác hoặc Trí Tuệ

Các tín hữu bị khuyết tật đều có thể làm công việc đền thờ thay cho người chết nếu họ:

  • Có một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành (xin xem đoạn 28.1.2).

  • Có đủ năng lực trí tuệ để hiểu giáo lễ.

  • Có thể tự chăm sóc bản thân hoặc được người thân hoặc bạn bè cùng giới tính đi cùng là người có giấy giới thiệu đi đền thờ và có thể giúp đỡ nếu cần.

Xin xem đoạn 27.1.3 và mục 27.2.1.3.

28.1.4

Lập Lịch Trình

Các tín hữu có thể cần đặt lịch hẹn trước khi thực hiện các giáo lễ cho người chết. Xin xem trang mạng temples.ChurchofJesusChrist.org để biết thông tin liên lạc và những điều kiện để sắp xếp lịch trình của mỗi đền thờ.

28.1.5

Phụ Giúp Phiên Dịch hoặc Thông Dịch

Xin xem đoạn 27.1.4.

28.1.6

Quần Áo để Mặc Đi Đền Thờ

Xin xem đoạn 27.1.5.

28.1.7

Trông Coi Trẻ Em

Xin xem đoạn 27.1.6.

28.2

Thực Hiện Các Giáo Lễ Đền Thờ dành cho Những Người Chết

Các phần sau đây giải thích các giáo lễ được làm thay cho những người đã chết trong các đền thờ. Khi thực hiện các giáo lễ làm thay, một tín hữu chỉ có thể làm thay cho một người đã chết có cùng giới tính với người tín hữu đó.

Các giáo lễ đền thờ dành cho người chết thường được thực hiện theo thứ tự sau đây:

  • Phép Báp Têm

  • Lễ Xác Nhận

  • Lễ sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (dành cho nam giới)

  • Lễ Mở Đầu

  • Lễ Thiên Ân

  • Lễ gắn bó

Nếu các giáo lễ dành cho người chết được hoàn tất không theo thứ tự, thì các giáo lễ này không cần phải được thực hiện lại. Các giáo lễ này có hiệu lực khi các giáo lễ tiên quyết được hoàn tất.

28.2.1

Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận dành cho Người Chết

Bất cứ tín hữu nào có giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành đều có thể được mời phục vụ trong những nhiệm vụ trong phòng báp têm. Một số nhiệm vụ có thể gồm có:

  • Thực hiện giáo lễ làm thay cho phép báp têm và lễ xác nhận.

  • Làm nhân chứng cho phép báp têm làm thay.

  • Phụ giúp những người đi đền thờ.

  • Phân phát quần áo và khăn tắm.

  • Giúp ghi lại các giáo lễ báp têm và xác nhận trong hệ thống máy vi tính.

Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và các thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn đều có thể được mời làm phép báp têm cho người chết. Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cũng có thể được mời làm lễ xác nhận cho người chết.

Chỉ những người nam được làm lễ thiên ân mới có thể được mời:

  • Phục vụ với tư cách là người ghi chép tại hồ báp têm.

  • Phục vụ với tư cách là người ghi chép lễ xác nhận.

Các nhóm đã được tổ chức, chẳng hạn như các gia đình, tiểu giáo khu và giáo khu, là những người mong muốn tham gia vào các giáo lễ trong phòng báp têm thường lập lịch trình trước với đền thờ (xin xem đoạn 28.1.4). Một hoặc nhiều người lớn có giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành nên đi cùng với các nhóm này.

28.2.2

Lễ Thiên Ân (Kể cả Lễ Mở Đầu)

Khi thực hiện lễ thiên ân làm thay cho người chết, phần lễ mở đầu của lễ thiên ân được thực hiện và ghi lại riêng (xin xem phần 27.2). Bất cứ tín hữu nào đã được làm lễ thiên ân với giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành cũng có thể là người làm thay để tiếp nhận các giáo lễ này.

28.2.2.1

Kiểm Chứng Các Giáo Lễ Cần Thiết để Tiếp Nhận Lễ Thiên Ân

Một người đã qua đời phải được báp têm và làm lễ xác nhận, khi còn sống hoặc được làm thay, trước khi lễ thiên ân, kể cả lễ mở đầu, được làm thay cho người đó.

Đôi khi, sau khi một người đã qua đời nhận được lễ thiên ân làm thay cho, nhưng sau đó được khám phá ra rằng phép báp têm và lễ xác nhận người ấy đã nhận được trong khi còn sống là không thể kiểm chứng được. Trong trường hợp đó, người ấy phải được người khác làm thay phép báp têm và lễ xác nhận. Không cần phải thực hiện lễ thiên ân lần nữa sau khi đã có phép báp têm và lễ xác nhận làm thay.

28.2.3

Lễ Gắn Bó với Người Phối Ngẫu và Lễ Gắn Bó Con Cái với Cha Mẹ

Trong đền thờ, những người đã qua đời có thể được làm lễ gắn bó với những người phối ngẫu và những người mà họ đã kết hôn trong khi sống (xin xem mục 38.4.1.3 nếu một người trong hai vợ chồng vẫn còn sống và mục 38.4.1.7 nếu cả hai vợ chồng đều đã qua đời). Những người đã qua đời cũng có thể được làm lễ gắn bó với con cái còn sống hoặc đã qua đời của họ (xin xem mục 38.4.2.2). Một tín hữu đã được làm lễ thiên ân đang nắm giữ giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành có thể làm thay các giáo lễ gắn bó.

Các giáo lễ báp têm, xác nhận, mở đầu và thiên ân thường được thực hiện, khi còn sống hoặc được làm thay, trước khi một người đã qua đời có thể được làm lễ gắn bó với người phối ngẫu hoặc với cha mẹ của người đó (xin xem phần 28.2). Tuy nhiên, một người chết trước khi 8 tuổi hoặc không hiểu biết trách nhiệm trong khi còn sống thì không cần nhận bất cứ giáo lễ nào khác trước khi được làm lễ gắn bó với cha hay mẹ của người đó (xin xem phần 18.1, các đoạn 28.3.2, và 28.3.3).

Hình Ảnh
phòng làm lễ gắn bó

28.3

Những Trường Hợp Đặc Biệt

Phần này giải thích các trường hợp mà một số hướng dẫn trong phần 28.1 có thể không được áp dụng.

28.3.1

Trẻ Em Chết trước khi Sinh (Trẻ Em Chết Non và Trẻ Em Chết Vì Sẩy Thai)

Các giáo lễ đền thờ là không cần thiết hoặc không cần được thực hiện cho những đứa trẻ chết trước khi sinh. Để có thêm thông tin, xin xem đoạn 38.7.3.

28.3.2

Trẻ Em Đã Chết trước Tám Tuổi

Trẻ nhỏ được cứu chuộc nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và “đều được cứu rỗi trong vương quốc thượng thiên” (Giáo Lý và Giao Ước 137:10). Vì lý do này, phép báp têm hoặc lễ thiên ân không được làm thay cho một đứa trẻ đã chết trước 8 tuổi. Tuy nhiên, lễ gắn bó với cha mẹ có thể được thực hiện cho những trẻ em không được sinh ra trong giao ước hoặc không nhận được giáo lễ đó trong khi còn sống (xin xem phần 18.1).

28.3.3

Những Người Bị Thiểu Năng Trí Tuệ đã Qua Đời

Các giáo lễ trong đền thờ có thể được thực hiện cho những người đã qua đời là những người được biết là đã hiểu biết trách nhiệm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:71). Các giáo lễ đền thờ cũng có thể được thực hiện cho những người không rõ là có hiểu biết trách nhiệm hay không.

Nếu biết rõ rằng một người đã qua đời bị thiểu năng trí tuệ và không hiểu biết trách nhiệm, thì giáo lễ duy nhất được thực hiện là lễ gắn bó với cha mẹ (xin xem đoạn 38.2.4). Điều này chỉ được thực hiện nếu người đó không được sinh ra trong giao ước hoặc không được làm lễ gắn bó với cha mẹ của người đó trong khi còn sống. Các giáo lễ khác của đền thờ là không cần thiết hoặc không được thực hiện ngay cả khi người đó sống đến 8 tuổi hoặc lớn hơn.

28.3.4

Những Người Được Cho Là Đã Qua Đời

Các giáo lễ đền thờ có thể được thực hiện cho một người được cho là đã chết. Các giáo lễ không thể được thực hiện cho đến 10 năm sau kể từ thời điểm người đó được cho là đã chết hoặc được tuyên bố một cách hợp pháp là đã chết. Chính sách này áp dụng cho những người:

  • Bị mất tích trong trận chiến hoặc trên biển.

  • Biến mất trong những trường hợp có cái chết rõ ràng nhưng không tìm thấy xác.

Trong tất cả các trường hợp khác về người mất tích, các giáo lễ đền thờ có thể được thực hiện sau 110 năm kể từ ngày sinh của người đó.

Chủ tịch giáo khu có thể liên lạc với Sở Đền Thờ nếu có thắc mắc về chính sách này:

Email: TempleDepartment@ChurchofJesusChrist.org

28.3.5

Những Người Đã Bị Thu Hồi Tư Cách Tín Hữu Giáo Hội hoặc Những Người Đã Từ Bỏ Tư Cách Tín Hữu

Nếu những người đã bị thu hồi tư cách tín hữu Giáo Hội hoặc đã từ bỏ tư cách tín hữu trước khi chết, thì cần phải có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trước khi các giáo lễ đền thờ, kể cả sự phục hồi các phước lành nếu thích hợp, có thể được thực hiện cho họ. Một người trong gia đình có thể yêu cầu sự chấp thuận này trong một lá thư gửi tới Văn Phòng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn sau một năm kể từ khi người quá cố này qua đời. Nên giải thích hoàn cảnh trong bức thư này. Không cần mẫu thư. Vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu có thể phụ giúp với lời yêu cầu này nếu cần.

28.3.5.1

Thu Nhận Lại Những Người Đã Qua Đời Chưa Được Làm Lễ Thiên Ân

Những người đã qua đời mà chưa được làm lễ thiên ân nhưng tư cách tín hữu Giáo Hội đã bị thu hồi hoặc đã từ bỏ tư cách tín hữu đều có thể được thu nhận lại bằng phép báp têm và lễ xác nhận. Cần có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, như đã được ghi lại trong đoạn 28.3.5. Những người đã qua đời này không cần phải được làm lễ gắn bó lại với cha mẹ nếu họ được sinh ra trong giao ước hoặc được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ khi còn sống.

28.3.5.2

Phục Hồi Các Phước Lành Đền Thờ cho Những Người Đã Được Làm Lễ Thiên Ân

Những người đã qua đời và được làm lễ thiên ân mà bị thu hồi tư cách tín hữu hoặc đã từ bỏ tư cách tín hữu và sau đó được thu nhận lại bằng phép báp têm và lễ xác nhận đều chỉ có thể nhận được các phước lành chức tư tế và đền thờ qua giáo lễ phục hồi các phước lành. Những người như vậy không được sắc phong cho bất cứ chức phẩm chức tư tế nào hoặc được làm lễ thiên ân một lần nữa, vì các phước lành này đã được phục hồi qua giáo lễ này.

Như đã được ghi lại trong đoạn 28.3.5, cần có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để thực hiện giáo lễ này cho những người đã qua đời. Để có thông tin về việc thực hiện giáo lễ này cho người sống, xin xem đoạn 32.17.2.