2003
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tháng Năm năm 2003


Chiến Tranh và Hòa Bình

Tôi hy vọng rằng dân của Chúa có thể hòa thuận với nhau trong thời kỳ rối ren, bất kể những sự trung thành nào của họ với các chính quyền hay đảng phái khác nhau.

Thưa các anh chị em, Chúa Nhật vừa qua, khi tôi ngồi trong phòng làm việc của tôi ở nhà và suy nghĩ về những điều tôi có thể nói trong dịp này, thì tôi nhận được một cú điện thoại cho biết rằng Trung Sĩ Nhất James W. Cawley thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã tử thương tại Iraq. Anh được 41 tuổi, bỏ lại một vợ và hai con nhỏ.

Cách đây hai mươi năm, Anh Cả Cawley là một người truyền giáo của Giáo Hội tại Nhật Bản. Giống như nhiều người khác, anh ấy đã lớn lên trong Giáo Hội, đã từng chơi đùa khi là học sinh, đã chuyền bánh với nước khi là thầy trợ tế, và đã được thấy xứng đáng để đi phục vụ truyền giáo, giảng dạy phúc âm bình an cho những người ở Nhật Bản. Anh trở về nhà, phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, kết hôn, làm cảnh sát, và rồi nhận được lệnh tái ngũ mà anh đã đáp ứng chẳng một chút do dự.

Cuộc sống, công việc truyền giáo, sự phục vụ quân đội, cái chết của anh dường như là một sự tương phản của sự bình an của phúc âm với làn sóng chiến tranh.

Và vì thế tôi quyết định nói một điều gì đó về chiến tranh và phúc âm mà chúng ta giảng dạy. Tôi đã nói một phần về điều này vào đại hội của chúng ta vào tháng Mười năm 2001. Khi tôi đứng ở bục giảng này vào lúc ấy, cuộc chiến tranh chống khủng bố mới vừa bắt đầu. Cuộc chiến tranh hiện nay thực sự là kết quả tự nhiên và sự nối tiếp của cuộc xung đột đó. Hy vọng rằng giờ đây nó đang đi đến một kết thúc.

Trong khi thảo luận vấn đề này, tôi tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Tôi đã cầu nguyện và suy ngẫm nhiều về việc này. Tôi nhận thức rằng đây là một đề tài rất tế nhị đối với một giáo đoàn gồm các tín hữu sống trên khắp thế giới, kể cả những người không thuộc cùng tín ngưỡng với chúng ta.

Các quốc gia trên thế giới đã bị chia rẽ bởi vì tình trạng hiện nay. Có những cảm nghĩ rất mạnh mẽ. Có những cuộc biểu tình ủng hộ và chống đối. Chúng ta giờ đây là một Giáo Hội toàn cầu với các tín hữu sống trong đa số các quốc gia mà đã tranh cãi về vấn đề này. Các tín hữu của chúng ta cũng đã bày tỏ cảm nghĩ. Họ có những băn khoăn.

Dĩ nhiên chiến tranh không phải là điều mới mẻ. Vũ khí thay đổi. Khả năng chém giết và tàn phá luôn luôn được cải tiến. Nhưng đã có cuộc xung đột trong suốt các thời đại cũng do các vấn đề này mà ra.

Sách Khải Huyền đã nói vắn tắt về điều mà chắc có lẽ là một cuộc xung đột khủng khiếp cho tâm trí và lòng trung thành của các con cái của Thượng Đế. Câu chuyện này đáng được lặp lại:

“Bây giờ có một cuộc chiến đấu trên trời: Mi Chen và các sứ người tranh chiến cùng con rồng, rồng cũng cùng các sứ mình tranh chiến lại:

“Song chúng nó không thắng, và chẳng còn thấy nơi chúng nó ở trên trời nữa.

“Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa Tan, dỗ dành cả thiên hạ; nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó” (Khải Huyền 12:7–9).

Ê Sai nói thêm về cuộc xung đột lớn đó (xin xem Ê Sai 14:12–20). Sự mặc khải hiện đại rọi thêm ánh sáng vào (xin xem GLGƯ 76:25–29), cũng như sách Môi Se (xin xem 4:1–4), mà cho biết về kế hoạch của Sa Tan để hủy diệt quyền tự quyết của con người.

Đôi khi chúng ta có khuynh hướng để ca ngợi các đại đế quốc thời xưa, chẳng hạn như Đế Quốc Ottoman, các Đế Quốc La Mã và Phương Đông, và gần đây hơn, Đại Đế Quốc Anh. Nhưng mỗi một đế quốc đều có mặt trái của nó. Có một khía cạnh tàn khốc và bi thảm của cuộc xâm chiến tàn bạo, cuộc chinh phục, áp bức, và một chi phí khổng lồ về mạng sống và của cải.

Nhà viết tiểu luận xuất sắc người Anh, Thomas Carlyle, đã có lần mỉa mai chia sẻ lời nhận xét: “Thượng Đế chắc phải cười phá lên, nếu chuyện đó có thể xảy ra, khi thấy loài người múa may ở dưới đây” (trích trong Sartor Resartus [1836], 182). Tôi nghĩ rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta chắc đã khóc khi Ngài nhìn xuống các con của Ngài mà qua nhiều thế kỷ đã lãng phí quyền thừa tự thiêng liêng của họ bằng sự tiêu diệt lẫn nhau một cách không thương xót.

Trong dòng lịch sử, thỉnh thoảng, các bạo chúa lên cầm quyền là những người đàn áp dân mình và đe dọa cả thế giới. Đây là trường hợp mà người ta nghĩ cũng là hiện trạng của thế giới, và vì vậy các lực lượng liên quân hùng mạnh đang lâm trận với vũ khí tinh vi và gây nhiều khiếp đảm.

Nhiều tín hữu của Giáo Hội chúng ta đang tham dự vào trận đánh này. Chúng ta đã thấy trên truyền hình và trên báo chí hình ảnh của những đứa bé mắt đẫm lệ đang ôm chặt lấy cha của chúng đang mặc quân phục, sắp sửa ra chiến trường.

Trong một bức thư đầy cảm động mà tôi vừa nhận được tuần này, một người mẹ đã viết về đứa con trai của mình trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến mà đang phục vụ lần thứ nhì trong cuộc chiến tranh Trung Đông. Người mẹ này nói rằng vào lúc người con của bà bị điều động đi đánh trận lần đầu: “Nó về nhà nghỉ phép và xin tôi đi dạo với nó… . Nó vòng tay ôm tôi và nó kể cho tôi nghe về việc nó đi đánh trận. Nó … nói: ‘Thưa mẹ, con phải đi để mẹ và gia đình có thể được tự do, tự do để thờ phượng theo ý mình… . Và nếu con có thiệt mạng … thì việc hy sinh mạng sống của con cũng đáng làm.’” Giờ đây, nó lại đến đó nữa và mới vừa gửi thư về cho gia đình mình và viết: “Con hãnh diện được có mặt nơi đây để phục vụ quốc gia và lối sống của chúng ta … con cảm thấy an toàn hơn khi biết rằng Cha Thiên Thượng đang ở cùng con.”

Có những người mẹ, những thường dân vô tội, đang ôm chặt con cái họ, lòng đầy sợ hãi, mà ngước nhìn lên trên trời với lời khẩn nài thiết tha trong khi mặt đất rung chuyển dưới chân họ và những trái hỏa tiển đầy nguy hiểm gầm thét xuyên qua bầu trời tối tăm.

Đã có thương vong trong trận đánh kinh khiếp này, và có lẽ sẽ có thêm nhiều hơn nữa. Những phản đối của công chúng có lẽ sẽ tiếp tục. Những lãnh tụ của các quốc gia thẳng thừng lên án chiến lược của liên quân.

Câu hỏi được đặt ra: “Lập trường của Giáo Hội như thế nào trong tất cả những sự việc này?”

Trước hết, phải hiểu rằng chúng ta không có mối bất hòa với những người Hồi Giáo hay với những người thuộc bất cứ tín ngưỡng nào khác. Chúng ta nhìn nhận và giảng dạy rằng tất cả mọi người trên thế gian đều thuộc vào gia đình của Thượng Đế. Và vì Ngài là Cha của chúng ta, nên chúng ta là anh chị em với các trách nhiệm trong gia đình đối với nhau.

Nhưng là công dân, chúng ta đều thuộc quyền chỉ huy của các nhà lãnh đạo quốc gia theo từng lãnh vực. Họ biết về các tin tình báo thuộc chính trị và quân sự rõ hơn những người dân thường. Những người trong quân ngũ có trách nhiệm chấp hành theo lệnh của thượng cấp. Khi gia nhập quân đội, họ đã ký vào một hợp đồng mà buộc họ phải thi hành bổn phận.

Một trong Những Tín Điều của chúng ta, mà tiêu biểu cho giáo lý của chúng ta, nói rõ: “Chúng tôi tin ở sự phục tùng các vua chúa, các tổng thống, các nhà cai trị và các pháp quan, cùng ở sự tuân theo, tôn kính và tán trợ luật pháp” (Những Tín Điều 1:12).

Nhưng điều mặc khải hiện đại nói rõ rằng chúng ta phải “từ bỏ chiến tranh, rao truyền hòa bình” (GLGƯ 98:16).

Trong chế độ dân chủ, chúng ta có thể từ bỏ chiến tranh và rao truyền hòa bình. Chúng ta được quyền bất đồng ý kiến. Nhiều người đã phát biểu một cách dứt khoát. Đó là đặc ân của họ. Đó là quyền của họ, miễn là họ làm điều đó một cách hợp pháp. Tuy nhiên, chúng ta cũng đều phải lưu tâm đến một trách nhiệm khác quan trọng hơn, mà tôi xin thêm vào, là điều đang chi phối những cảm nghĩ riêng của tôi và điều khiển lòng trung thành của cá nhân tôi trong tình trạng hiện giờ.

Khi cuộc chiến diễn ra ác liệt giữa quân Nê Phi và quân La Man, biên sử có chép rằng “quân Nê Phi lại được khích lệ bởi một chính nghĩa tốt đẹp hơn, vì họ không chiến đấu cho … một quyền thống trị nào, mà họ chiến đấu cho gia đình, cho tự do, cho vợ con của họ, và cho tất cả những gì họ có; phải, và cho giáo hội cùng những nghi lễ thờ phượng của họ.

“Và họ đã làm gì mà họ nhận thấy đó là bổn phận đối với Thượng Đế của họ” (An Ma 43:45–46).

Chúa đã khuyên dạy họ rằng: “Các ngươi phải bảo vệ gia đình mình dù có phải gây ra sự đổ máu” (An Ma 43:47).

Và Mô Rô Ni “xé áo ngoài lấy một miếng vải viết lên những chữ như vầy: Hãy tưởng nhớ đến Thượng Đế, tôn giáo, nền tự do, hòa bình, và vợ con chúng ta! Rồi ông cột mảnh vải ấy vào đầu một cây sào.

“Xong ông đội mão, mang áo giáp, tay cầm mộc, và đeo binh giáp quanh bụng. Rồi ông cầm cây sào có buộc miếng vải đã xé ở áo ra mà ông gọi là biểu hiệu của nền tự do, rồi ông cúi rạp mình xuống đất thiết tha cầu nguyện Thượng Đế xin Ngài ban phước lành cho nền tự do được tồn tại lâu dài cho anh em ông” (An Ma 46:12–13).

Rõ ràng là từ những lời ghi chép này và những lời ghi chép khác thì có những thời kỳ và trường hợp mà các quốc gia có lý do chính đáng, thực ra là có bổn phận chiến đấu cho gia đình, cho tự do và chống lại sự cai trị chuyên chế, đe dọa và áp bức.

Xét cho cùng, chúng ta thuộc Giáo Hội này là những người yêu chuộng hòa bình. Chúng ta là các tín đồ của Đấng Cứu Chuộc, Chúa Giê Su Ky Tô, là Hoàng Tử Bình An. Nhưng ngay cả Ngài cũng phán rằng: “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm dáo” (Ma Thi Ơ 10:34).

Điều này đặt chúng ta vào vị thế của những người mong mỏi hòa bình, những người giảng dạy về hòa bình, những người vận động hòa bình, nhưng cũng là những công dân của các quốc gia và phải phục tùng theo các luật pháp của chính quyền mình. Ngoài ra, chúng ta là những người yêu chuộng tự do, đã cam kết để bảo vệ tự do bất cứ lúc nào có nguy cơ mất tự do. Tôi tin rằng Thượng Đế sẽ không bắt những người nam và những người nữ nào trong quân đội chịu trách nhiệm với tư cách là đại diện cho chính quyền của mình để thi thành điều mà họ có bổn phận phải làm. Còn có thể là Ngài sẽ bắt chúng ta chịu trách nhiệm nếu chúng ta cố gắng cản trở hay ngăn chặn những người đang tham gia vào cuộc chiến với những lực lượng tà ác và đàn áp.

Giờ đây, có nhiều điều mà chúng ta có thể và phải làm trong thời kỳ đầy hiểm họa này. Chúng ta có thể phát biểu ý kiến của mình về nhiều khía cạnh khác nhau của hiện trạng như chúng ta nhìn thấy, nhưng chúng ta đừng nên bao giờ dự phần vào việc phát biểu hay tham gia trong những sinh hoạt tà ác có liên quan đến các anh chị em của chúng ta trong nhiều quốc gia khác nhau ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Sự dị biệt chính trị không biện minh cho lòng oán giận hay ác ý . Tôi hy vọng rằng dân của Chúa có thể hòa thuận với nhau trong thời kỳ rối ren, bất kể những sự trung thành nào của họ với các chính quyền hay đảng phái khác nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã được kêu gọi chiến đấu bởi chính quyền của chính họ và cầu xin sự che chở của thiên thượng đối với họ để họ có thể trở về an toàn với những người thân của họ.

Đối với các anh chị em của chúng ta đang trong cảnh lửa đạn, chúng tôi nói rằng chúng tôi cầu nguyện cho các anh chị em. Chúng tôi cầu nguyện để Chúa sẽ trông nom các anh chị em và giữ gìn các anh chị em khỏi thương tích, và các anh chị em có thể trở về nhà và trở lại với cuộc sống của mình. Chúng tôi biết rằng các anh chị em không đến nơi cát bụi nắng gió đó bởi vì các anh chị em vui thích với các trò chơi chiến tranh. Sức mạnh của lòng cam kết của các anh chị em được đo lường bằng sự sẵn lòng của các anh chị em để hy sinh chính mạng sống của mình vì những điều mà các anh chị em tin tưởng.

Chúng ta biết có một số đã chết, và có thể một số khác nữa sẽ chết trong trận dầu sôi lửa bỏng này. Chúng ta có thể làm tất cả những gì trong khả năng mình để an ủi và ban phước cho những người đã bị mất thân nhân. Cầu xin cho những người than khóc sẽ được khuyên giải với sự an ủi mà chỉ đến từ Đấng Ky Tô Cứu Chuộc. Chính Ngài là Đấng đã phán cùng các môn đồ yêu dấu của Ngài:

“Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa.

“Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ … hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.

“Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:1–3, 27).

Chúng ta cầu khẩn Chúa, là Đấng có sức mạnh vạn năng và quyền năng vô hạn, để mang cuộc chiến này đến nơi kết thúc, một kết thúc mà sẽ đưa đến một đời sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người trong cuộc. Chúa đã phán: “Vì ta là Chúa ngự trị trên trời, giữa những đạo quân của thế gian” (GLGƯ 60:4).

Chúng ta có thể hy vọng và cầu nguyện cho ngày vinh quang đó mà đã được tiên tri Ê Sai tiên đoán khi loài người “sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước này chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến tranh” (Ê Sai 2:4).

Mặc dù chúng ta đang sống trong một thế giới tà ác, chúng ta vẫn có thể sống cuộc sống của mình xứng đáng với sự chăm sóc che chở của Cha Thiên Thượng của chúng ta. Chúng ta có thể giống như những người ngay chính sống giữa những điều tà ác của Sô Đôm và Gô Mô Ra. Áp Ra Ham đã nài xin cho hai thành phố này, vì những người ngay chính, mà được cứu. (Xin xem Sáng Thế Ký 18:20–32.)

Và, trên hết, chúng ta có thể phát triển trong lòng mình, và rao truyền cùng thế giới, sự cứu rỗi của Chúa Giê Su Ky Tô. Qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, chúng ta biết chắc chắn rằng cuộc sống sẽ tiếp tục ở bên kia thế giới. Chúng ta có thể giảng dạy rằng phúc âm sẽ đưa dẫn đến sự tôn cao cho người biết vâng lời.

Ngay cả khi vũ khí chiến tranh đang ồn ào khua động và bóng tối và lòng căm thù ngự trị trong lòng của một số người, thì vẫn có hình ảnh thanh thản của Vị Nam Tử của Thượng Đế , Đấng Cứu Thế, đứng vững vàng, chắc chắn, đầy an ủi cùng với tình yêu thương bao la. Chúng ta có thể thốt lên với Phao Lô:

“Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép,

“Bề cao, hay bề sau, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô, là Chúa chúng ta” (Rô Ma 8:38–39).

Cuộc sống này chỉ mới là một phần nhỏ trong kế hoạch vĩnh cửu của Đức Chúa Cha. Cuộc sống này đầy mâu thuẫn và dường như phi lý . Một số người chết sớm. Một số người khác sống thọ. Chúng ta không thể giải thích điều đó. Nhưng chúng ta chấp nhận điều đó với sự hiểu biết chắc chắn rằng qua sự hy sinh chuộc tội của Chúa, tất cả chúng ta đều sẽ tiếp tục sống, và điều này với sự bảo đảm đầy an ủi của tình yêu thương vô bờ bến của Ngài.

Ngài đã phán: “Hãy học hỏi nơi ta và lắng nghe lời ta; hãy bước đi trong sự hiền dịu của Thánh Linh ta, rồi ngươi sẽ được bình an trong ta” (GLGƯ 19:23).

Thưa các anh chị em, chúng ta đặt đức tin của mình vào nơi đó. Bất luận hoàn cảnh ra sao, chúng ta cũng có được sự an ủi và sự bình an của Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc, Vị Nam Tử hằng sống của Thượng Đế hằng sống. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Ngài, chính là tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.