2003
Hôn Nhân Vĩnh Cửu
Tháng Năm năm 2003


Hôn Nhân Vĩnh Cửu

Nếu ta muốn một thứ gì đó tồn tại mãi mãi, thì ta đối xử với nó một cách khác biệt… . Nó trở nên đặc biệt bởi vì ta đã làm cho nó đặc biệt

Cách đây vài năm vợ tôi và tôi đã tham dự một buổi tiệc cưới ngoài trời. Trước đó hơn trong ngày hôm ấy chúng tôi đã có mặt tại đền thờ nơi hai người bạn trẻ mà chúng tôi quen biết đã được kết hôn cho thời tại thế và thời vĩnh cửu. Họ yêu nhau nhiều. Hoàn cảnh gặp gỡ của họ thật là huyền diệu. Nhiều giọt lệ vui mừng đã rơi xuống. Chúng tôi đứng trong hàng tiếp tân vào cuối của một ngày hoàn hảo. Đứng trước chúng tôi là một người bạn thân của gia đình. Anh ta dừng lại khi đến gần cô dâu chú rể, và bằng giọng thật tuyệt vời và cao vút đã hát cho họ nghe những lời đầy xúc động từ Sách Ru-Tơ, “Vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi. Mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó” (Ru-Tơ 1:16–17).

Chúng tôi đã thật sự xúc động và cảm thấy yên tâm về viễn ảnh của họ đối với hạnh phúc—một phần là vì vợ tôi và tôi cũng có những lời tương tự được treo trên tường nhà trong hơn 40 năm.

Buồn thay, ý nghĩa của những lời đẹp đẽ này đang giảm dần. Có quá nhiều hôn nhân ngày nay chấm dứt bằng sự ly dị. Tính ích kỷ , tội lỗi, và lợi lộc cá nhân thường đánh bại các giao ước và cam kết.

Hôn nhân vĩnh cửu là một nguyên tắc đã được thiết lập trước khi thế gian được sáng lập và đã được tiến hành trên trái đất này trước khi có sự chết. A Đam và Ê Va được ban cho nhau bởi Thượng Đế trong Vườn Ê Đen trước khi có sự sa ngã. Thánh thư nói: “Ngày mà Đức Chúa Trời dựng nên loài người, thì Ngài làm nên loài người giống như Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ” (Sáng Thế Ký 5:1-2; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Các vị tiên tri đều dạy rằng yếu tố hoàn hảo nhất và tột bậc của kế hoạch vĩ đại của Thượng Đế dành cho phước lành của con cái Ngài là hôn nhân vĩnh cửu. Chủ tịch Ezra Taft Benson đã nói: “Sự trung tín với giao ước hôn nhân mang đến hạnh phúc trọn vẹn nhất nơi đây trên thế gian, và những phần thưởng vinh quang cho cuộc sống mai sau” (The Teachings of Ezra Taft Benson [1988], 533–34). Chủ tịch Howard W. Hunter mô tả hôn nhân thượng thiên là “giáo lễ phúc âm tối thượng,” và giải thích rõ rằng “mặc dù việc đạt được một cuộc hôn nhân thượng thiên chiếm một thời gian hơi lâu dài hơn [đối với một số người,] có lẽ ngay cả vượt ra ngoài cuộc sống trần gian này,” nhưng việc đó không bị từ chối đối với bất cứ cá nhân xứng đáng nào (Teachings of Howard W. Hunter, do Clyde J. Williams xuất bản [1997], 132, 140). Chủ tịch Gordon B. Hinckley đã gọi hôn nhân vĩnh cửu là một điều tuyệt vời (xin xem “What God Hath Joined Together,” Ensign, tháng Năm năm 1991, 71) và một “ân tứ quý báu hơn tất cả các món quà khác” (“The Marriage That Endures,” Ensign, tháng Năm năm 1974, 23).

Tuy nhiên, mặc dù món quà có cao quý và vinh quang, nhưng nó không được ban cho không. Thực ra, nó có điều kiện, và sau khi được ban cho, nó có thể bị lấy lại nếu chúng ta không tuân giữ các điều kiện của giao ước mà đi kèm với nó. Tiết 131 của Sách Giáo Lý và Giao Ước cho chúng ta biết rằng: “trong vinh quang thượng thiên có ba tầng trời hay đẳng cấp; để đạt được đẳng cấp cao nhất, loài người cần phải gia nhập vào phẩm trật này của chức tư tế [có nghĩa là sự giao ước mới và vĩnh cửu về hôn phối]” (GLGƯ 131:1–2).

Giao ước là một lời hứa thiêng liêng. Chúng ta hứa làm một số điều nào đó và Thượng Đế hứa làm những điều khác. Đối với những người tuân giữ giao ước hôn nhân Thượng Đế hứa ban cho vinh quang trọn vẹn của Ngài, cuộc sống vĩnh cửu, tiếp tục sinh con cái trong thời vĩnh cửu, sự tôn cao trong Vương Quốc Thượng Thiên và một niềm vui trọn vẹn. Chúng ta đều biết điều đó, nhưng đôi khi chúng ta không suy nghĩ nhiều về việc chúng ta cần phải làm gì để nhận được những phước lành này. Thánh thư dường như nói rõ ràng rằng có ít nhất ba nghĩa vụ vốn gắn liền với giao ước này.

Thứ nhất, hôn nhân vĩnh cửu là vĩnh cửu. Vĩnh cửu bao hàm sự tăng trưởng và cải tiến liên tục. Điều đó có nghĩa là người chồng và người vợ sẽ thành thật cố gắng để hoàn thiện bản thân mình. Điều đó có nghĩa là không vứt bỏ một cách nông nổi mối quan hệ hôn nhân khi có dấu hiệu bất đồng ý kiến đầu tiên hoặc khi gặp khó khăn. Điều đó có nghĩa rằng tình yêu sẽ trở nên vững mạnh hơn cùng với thời gian, rằng nó tiếp tục ngay sau khi chết. Điều đó có nghĩa là mỗi một người phối ngẫu sẽ được ban phước với sự đồng hành của người kia mãi mãi, và rằng những vấn đề và sự khác biệt có thể được giải quyết cũng tốt thôi bởi vì chúng sẽ không bỏ đi. Vĩnh cửu có nghĩa là hối cải, tha thứ, nhịn nhục, kiên trì, hy vọng, bác ái, thương yêu và khiêm nhường. Tất cả những điều này liên quan đến bất cứ điều gì mang tính chất vĩnh cửu, và chắc chắn là chúng ta phải học hỏi và thực hành những điều này nếu chúng ta có ý định đạt đến một hôn nhân vĩnh cửu.

Thứ hai, hôn nhân vĩnh cửu được Thượng Đế quy định. Điều này có nghĩa là những người lập giao ước hôn nhân đồng ý để mời Thượng Đế đến với hôn nhân của họ, để cùng cầu nguyện, để giữ các giáo lệnh, để kiềm chế những ý muốn và cảm xúc trong những giới hạn nào đó mà các vị tiên tri đã vạch ra. Điều đó có nghĩa là làm những người bạn đời bình đẳng, và công chính và trong sạch khi ở bên ngoài nhà cũng như bên trong nhà. Đó là ý nghĩa của một phần những gì đã được Thượng Đế quy định.

Thứ ba, hôn nhân vĩnh cửu là một cách cộng tác với Thượng Đế. Ngài hứa ban một sự tiếp nối cuộc sống cho những người được làm lễ gắn bó với nhau trong đền thờ. Có một mối dây ràng buộc với Đấng Sáng Tạo được nói đến trong giáo lệnh đã được ban cho A Đam và Ê Va để sinh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy mặt đất. Có một bổn phận để giảng dạy con cái về phúc âm bởi vì chúng cũng là con cái của Ngài. Vì vậy, chúng ta có buổi họp tối gia đình và học hỏi thánh thư, những cuộc chuyện trò về phúc âm, và phục vụ người khác. Dường như có một bổn phận để ủng hộ và tán trợ lẫn nhau trong những chức vụ kêu gọi và vai trò mà mỗi người được giao phó để thực hiện. Làm sao chúng ta có thể khẳng định là chúng ta trở nên một với Thượng Đế nếu chúng ta không thể tán trợ lẫn nhau khi người vợ được kêu gọi để phục vụ trong Hội Thiếu Nhi hoặc người chồng trong giám trợ đoàn?

Như vậy giao ước hôn nhân bao hàm ít nhất những điều này và có lẽ những điều khác nữa. Tôi không nghĩ rằng tôi lầm, khi tôi nói rằng những người ngược đãi người vợ hay người chồng của mình bằng lời nói hay hành động; hoặc những ai làm mất phẩm giá hoặc hạ thấp danh dự hoặc thống trị một cách bất công trong hôn nhân là không tuân giữ giao ước. Cũng như những người sao lãng đối với các giáo lệnh, hoặc những người không tán trợ các vị lãnh đạo của họ. Ngay cả những người chỉ khước từ các chức vụ kêu gọi, thờ ơ với những người chung quanh, hoặc tham dự một cách vừa phải những lề lối của thế gian đều đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Nếu chúng ta không giữ phần giao ước của mình, thì chúng ta chẳng được lời hứa hẹn nào cả.

Hơn hết, tôi nghĩ hôn nhân vĩnh cửu không thể đạt được nếu không có sự cam kết để làm cho nó được thành công. Phần lớn những gì tôi biết về điều này tôi đã học được từ người bạn đời của tôi. Chúng tôi đã kết hôn với nhau nay đã được gần 47 năm. Từ lúc ban đầu vợ tôi đã biết những gì vợ tôi muốn có.

Chúng tôi bắt đầu là những sinh viên nghèo, nhưng viễn ảnh của vợ tôi cho cuộc hôn nhân của chúng tôi đã được tiêu biểu bởi một bộ muỗng nĩa bằng bạc. Cũng như ngày nay, khi chúng tôi kết hôn, vợ tôi đã đăng ký việc nhận quà tặng với một cửa hàng địa phương. Thay vì đăng ký tất cả những nồi niêu, soong chảo và đồ dùng bằng điện mà chúng tôi cần đến và hy vọng nhận được, vợ tôi đã chọn một thứ khác. Vợ tôi đã xin bộ muỗng nĩa làm bằng bạc. Vợ tôi đã chọn kiểu và số lượng những bộ muỗng nĩa và liệt kê những con dao, nĩa và muỗng trong bản danh sách quà tặng đám cưới và không có thứ gì khác. Không khăn, không máy nướng bánh mì, không máy truyền hình—chỉ có toàn dao, nĩa và muỗng.

Đám cưới đã xong. Bạn bè của chúng tôi và bạn bè của cha mẹ chúng tôi đã tặng quà. Chúng tôi đi một chuyến nghỉ tuần trăng mật ngắn và quyết định mở quà khi trở về. Khi mở quà, chúng tôi rất sửng sốt. Không có một con dao hay một cái nĩa nào trong đống quà tặng. Chúng tôi nói đùa về điều đó, và rồi tiếp tục với cuộc sống của mình.

Hai đứa con ra đời trong khi chúng tôi còn đi học luật. Chúng tôi đã không có tiền để dành. Nhưng khi vợ tôi làm việc bán thời gian với tư cách là người giúp trông coi việc bỏ phiếu bầu cử trong một khu vực hoặc khi có ai đó cho vợ tôi vài đồng trong ngày sinh nhật, vợ tôi lặng lẽ cất đi, và khi có đủ tiền thì vợ tôi đi xuống phố mua một cái nĩa hay một cái muỗng. Cũng phải mất một vài năm để chúng tôi gom góp đủ muỗng nĩa để sử dụng. Cuối cùng khi chúng tôi có đủ muỗng nĩa cho bốn người, chúng tôi bắt đầu mời bạn bè của mình đến ăn tối.

Trước khi họ đến, chúng tôi có một buổi thảo luận nhỏ trong bếp. Chúng tôi nên dùng loại muỗng nĩa nào, loại muỗng nĩa bằng thép không rỉ (inốc) méo mó và không đủ bộ hay loại muỗng nĩa bằng bạc đặc biệt? Thời xa xưa đó, tôi thường chọn loại bằng thép không rỉ. Nó dễ dàng hơn. Chỉ cần bỏ nó vào máy rửa chén sau bữa ăn là xong. Mặt khác loại bằng bạc thì thật là tốn công. Vợ tôi giấu chúng ở dưới gầm giường nơi mà kẻ trộm khó tìm thấy. Vợ tôi khăng khăng đòi tôi mua một cái khăn lau sạch sẽ để gói chúng lại. Mỗi chiếc được bọc trong một cái bao riêng, và cũng không dễ dàng để lấy chúng ra hết. Khi muỗng nĩa bằng bạc được sử dụng, chúng cần phải rửa bằng tay và lau khô để khỏi bị đốm trắng, và đặt lại vào các bao để không bị đốm, và gói lại và cẩn thận cất giấu đi để khỏi bị ăn cắp. Nếu phát hiện ra chiếc nào bị đốm, tôi bị sai đi mua thuốc đánh bóng đồ bạc và chúng tôi cùng nhau lau cẩn thận những chỗ bị đốm.

Qua nhiều năm chúng tôi tăng thêm bộ muỗng nĩa, và tôi hết sức ngạc nhiên theo dõi cách thức vợ tôi giữ gìn những muỗng nĩa bằng bạc. Vợ của tôi không bao giờ là người dễ nổi giận. Tuy nhiên, tôi nhớ ngày mà một trong những đứa con của chúng tôi không biết làm sao đã tìm được một trong những cái nĩa bằng bạc và muốn dùng nó để đào đất trong vườn sau. Việc đó đã bị bắt gặp bởi cái nhìn giận giữ và lời cảnh cáo là chớ bao giờ nghĩ tới điều đó. Chớ bao giờ!

Tôi để ý thấy rằng những muỗng nĩa bằng bạc không bao giờ được dùng tại nhiều bữa ăn tối mà vợ tôi nấu trong tiểu giáo khu, hoặc không bao giờ đi kèm nhiều bữa ăn mà vợ tôi làm và gửi đi cho những người bị bệnh hoặc túng thiếu. Chúng không bao giờ được dùng tại các buổi ăn ngoài trời và các buổi cắm trại. Thực ra, chúng không bao giờ được dùng ở bất cứ nơi đâu; và thời gian trôi qua, chúng còn không được sử dụng thường xuyên tại bàn ăn nữa. Một số người bạn của chúng tôi đã bị chúng tôi đánh giá và kết luận là không xứng đáng để được dùng loại muỗng nĩa bằng bạc, và ngay cả họ còn không biết điều đó nữa. Họ được dùng loại bằng thép không rỉ (inốc) khi họ đến ăn tối.

Đã đến lúc chúng tôi được kêu gọi đi phục vụ truyền giáo. Một ngày nọ khi tôi về đến nhà và được cho biết rằng tôi phải mướn một cái hộp an toàn ở ngân hàng cho những muỗng nĩa bằng bạc. Vợ tôi đã không muốn mang chúng theo với chúng tôi. Vợ tôi đã không muốn bỏ chúng lại, và cũng không muốn đánh mất chúng.

Trong nhiều năm tôi nghĩ vợ tôi có hơi lập dị, và rồi một ngày nọ tôi nhận thấy rằng vợ tôi đã biết bấy lâu nay một điều gì đó mà tôi chỉ mới bắt đầu hiểu. Nếu ta muốn một thứ gì đó tồn tại mãi mãi, thì ta đối xử với nó một cách khác biệt. Ta che chở và bảo vệ nó. Ta không bao giờ lạm dụng nó. Ta không phơi bày nó ra dưới thời tiết mưa nắng. Ta không làm cho nó thành tầm thường. Nếu nó bị đốm, ta nhẹ nhàng đánh bóng nó cho đến khi nó rực sáng như mới. Nó trở nên đặc biệt bởi vì ta đã làm cho nó đặc biệt, và nó trở nên có giá trị hơn theo năm tháng.

Hôn nhân vĩnh cửu là cũng y như thế. Chúng ta cần phải đối xử nó theo cách thức đó. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể nhìn thấy hôn nhân vĩnh cửu là món quà vô giá, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.