2003
Đức Tin qua Nỗi Thống Khổ Mang Lại Bình An và Niềm Vui
Tháng Năm năm 2003


Đức Tin qua Nỗi Thống Khổ Mang Lại Bình An và Niềm Vui

Dù cho tình thế trong thế giới ngày nay dường như đen tối đến đâu chăng nữa, bất luận cơn giông bão nào mà cá nhân chúng ta đang gặp, … thì niềm vui này giờ đây có thể thuộc về chúng ta.

Sau khi giảng dạy đám đông xong, Chúa Giê Su và các môn đồ của Ngài giương buồm đến bờ biển phía đông của Biển Ga Li Lê. Lúc ấy là ban đêm và Đấng Cứu Rỗi nằm nghỉ thoải mái gần sau thuyền, gối đầu trên gối mà ngủ. Đúng lúc, “có cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt vào thuyền.” Hoảng sợ, các môn đồ đánh thức Ngài dậy: “Thầy ôi, Thầy không lo chúng ta chết sao?”1 Câu trả lời của Ngài bình thản như thường lệ: “Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ?”2 “Ngài bèn thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi! Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ.”3

Đấng mà đã tạo dựng thế gian một lần nữa đã ra lệnh cho các hiện tượng thiên nhiên.4 Với nỗi kinh ngạc, các môn đồ của Ngài đã hỏi: “Người này là ai, mà gió và biển đều vâng lệnh người?”5

Chúng ta hiện đang sống trong những thời kỳ hỗn loạn. Một cơn giông tội lỗi đã đến với thế gian. Những trận cuồng phong tà ác rít lên quanh chúng ta; những làn sóng chiến tranh đập vào con thuyền của chúng ta. Như Phao Lô đã viết cho Ti Mô Thê: “Trong những ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ , tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, … Bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó.”6

Đúng là những đám mây xấu tụ tập quanh chúng ta, nhưng giống như những lời của Đấng Cứu Rỗi đã mang bình an đến cho các Sứ Đồ trong thuyền, chúng cũng mang bình an đến cho chúng ta ngày nay: “Khi các ngươi nghe nói về giặc và nghe tiếng đồn về giặc, thì đừng bối rối: những sự ấy phải xảy đến; nhưng chưa là cuối cùng.”7 “Nếu các ngươi đã chuẩn bị rồi thì các ngươi không còn sợ hãi nữa.”8

Đức Giê Hô Va đã phán cùng Ê Li rằng: “Hãy đi ra, đứng tại trên núi trước mặt Đức Giê Hô Va.” Ê Li tuân theo và sau một trận giông và động đất và đám lửa, cuối cùng ông đã được viếng bằng “một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ.” Chúa đã phán hỏi Ê Li đang ẩn mình bên trong một hang đá: “Hỡi Ê Li, ngươi ở đây làm chi?” Và Ê Li đáp: “Vì dân Y Sơ Ra Ên đã bội giao ước Ngài, phá hủy các bàn thờ Ngài; chỉ một mình tôi còn lại, và họ cũng kiếm thế cất mạng sống tôi.” Nhưng Chúa có công việc quan trọng cho Ê Li để làm, và vì thế “Ngài phán cùng ông: Hãy đi ra.”9 vậy nên Ê Li đã đi.

Chúng ta cũng thế, phải đi ra khỏi hang đá kiên cố của mình; bởi vì chúng ta có công việc quan trọng để làm. Qua tiếng êm dịu nhỏ nhẹ của Thánh Linh của Ngài, Chúa sẽ bảo vệ, giúp đỡ và hướng dẫn chúng ta.

Hãy nhớ rằng Ngài đã dạy anh của Gia Rết cách thức đóng các chiếc tàu cho gia đình ông để giúp họ vượt đại dương một cách an toàn, để giữ gìn họ khỏi sóng to gió lớn, và mang họ đến đất hứa.

Những chiếc tàu này được thiết kế lạ lùng nhưng rất an toàn: “Và chuyện rằng, những khi họ bì chìm sâu xuống lòng biển, thì nước biển chẳng làm hại họ được, … Và không một con thủy quái nào làm vỡ thuyền họ được, ngay cả cá voi cũng không làm hại họ được.”10

Tuy nhiên, các chiếc tàu này không có ánh sáng. Điều này làm anh của Gia Rết lo lắng. Ông không muốn gia đình mình hành trình trong bóng tối; và như thế, thay vì chờ đợi được truyền lệnh, ông đã trình mối quan tâm của mình lên Chúa: “Và Chúa bảo anh của Gia Rết rằng: Ngươi muốn ta làm gì cho ngươi có ánh sáng trong thuyền?”11

Sự đáp ứng của anh của Gia Rết cho câu hỏi này đòi hỏi nỗ lực sốt sắng nơi phần của ông: Ông đi lên Núi Se Lem “và lấy một tảng đá đục ra mười sáu viên đá nhỏ.”12 Rồi ông cầu xin Chúa sờ vào các viên đá đó để chúng có thể mang lại ánh sáng.

Là cha mẹ và những người lãnh đạo, chúng ta phải nhớ rằng “[Chúa] không cần phải ra lệnh về mọi việc.”13 Giống như anh của Gia Rết, chúng ta phải xem xét kỹ nhu cầu của các gia đình tín hữu của mình, hoạch định một kế hoạch để đáp ứng các nhu cầu đó, và rồi trình kế hoạch của chúng ta lên Chúa bằng lời cầu nguyện. Điều này sẽ đòi hỏi đức tin và nỗ lực nơi phần chúng ta, nhưng Ngài sẽ giúp chúng ta khi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài và làm theo ý Ngài.

Sau kinh nghiệm của ông với Chúa, anh của Gia Rết đã tiếp tục chăm chỉ tự chuẩn bị cho cuộc hành trình trước mặt.14 Chúng ta cũng thế phải lắng nghe những lời giảng dạy của các tiên tri của mình. Các tiên tri tại thế đã nhiều lần khuyên bảo chúng ta phải sắp xếp cuộc sống của mình có thứ tự—loại bỏ nợ nần, dự trữ thức ăn và những thứ cần thiết khác, đóng tiền thập phân, đạt được học vấn thích đáng, và sống theo các giáo lệnh. Chúng ta có vâng theo những lời chỉ dạy thiết yếu này chưa?

Khi nhìn vào mắt của con cháu mình, chúng ta thấy nỗi nghi ngờ và sợ hãi của thời kỳ chúng ta. Bất cứ nơi đâu trên thế giới mà những người yêu dấu này đi đến, họ đều nghe về nạn thất nghiệp, cảnh nghèo khó, chiến tranh, sự đồi bại và tội ác. Họ tự nghĩ: “Làm thế nào chúng ta có thể đối phó với những vấn đề này?”

Để tìm ra giải đáp, họ nhìn lại vào mắt chúng ta và lắng nghe những lời của chúng ta. Họ có nghe chúng ta nói một cách trung tín và đầy hy vọng, mặc cho những nỗi thống khổ của thời kỳ chúng ta không?

Họ cần phải thấy chúng ta tiếp tục cầu nguyện và học hỏi thánh thư với nhau, tổ chức buổi họp tối gia đình và các buổi họp hội đồng gia đình, phục vụ trung tín trong các chức vụ kêu gọi của mình trong Giáo Hội, thường xuyên tham dự đền thờ, và vâng theo các giao ước của chúng ta. Khi họ thấy sự trì chí của chúng ta trong việc tuân giữ các giáo lệnh, nỗi sợ hãi của họ sẽ giảm đi và sự tin tưởng của họ nơi Chúa sẽ gia tăng.

Bằng cách cho thấy đức tin của mình qua nỗi thống khổ, chúng ta quả quyết với họ rằng cơn thịnh nộ của kẻ nghịch thù không làm chết người. Chúa Giê Su đã cầu nguyện lên Đức Chúa Cha của Ngài thay cho chúng ta: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác.”15 Lời cầu nguyện đó sẽ được đáp ứng theo kỳ định của Cha Thiên Thượng, tùy theo đức tin của chúng ta.

Trong khi ấy, có một ý nghĩa và mục đích trong những thử thách cho chúng ta trên thế gian. Hãy xem Tiên Tri Joseph Smith: trong suốt cuộc đời của ông, ông đã gặp sự chống đối làm cho nản lòng—đau ốm, tai nạn, nghèo khó, hiểu lầm, bị cáo gian và ngược đãi. Một người có thể bị cám dỗ để hỏi: “Tại sao Chúa không bảo vệ tiên tri của Ngài khỏi những chướng ngại, cung ứng cho ông vô số phương tiện, và chặn đứng lời lẽ của những người buộc tội ông?” Câu trả lời là: Mỗi người chúng ta phải trải qua một số kinh nghiệm nào đó để được trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi của mình. Trong đời sống, nỗi đau đớn và thống khổ thường là để rèn luyện chúng ta, nhưng các bài học là nhằm tinh luyện, ban phước và củng cố chúng ta, chứ không phải hủy diệt chúng ta. Chúa đã phán cùng Joseph trung tín:

“Hỡi con của ta, hãy yên lòng; những nỗi thống khổ và nghịch cảnh của ngươi chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi.”16

“Nếu ngươi phải bị xô xuống vực thẩm; nếu những đợt sóng tử thần cuộn chảy dồn dập trên ngươi; nếu ngọn gió hung bạo trở thành kẻ thù của ngươi; nếu trời trở nên tối đen, và mọi vật đều cùng nhau cản trở con đường của ngươi; … thì hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và vì sự lợi ích cho ngươi.”17

Mặc dù nhiều nỗi thống khổ trong đời của Tiên Tri Joseph, những sự việc lớn lao đã được mang lại cho Sự Phục Hồi phúc âm trong những ngày sau này. Joseph tiến đến sự hiểu biết và đã giảng dạy chúng ta rằng khi ông vất vả với thử thách, Chúa đã không để cho ông chết. Tương tự như thế, những thử thách của đức tin chúng ta là các cơ hội vô giá để nhận ra cách thức mà Đấng Thầy quan tâm sâu xa đến sự an lạc của con người chúng ta để giúp chúng ta kiên trì đến cùng.

Trong thời đại của chúng ta, cánh tay phù trợ của Chúa với tới chúng ta qua các giáo lễ của các đền thờ thánh của Ngài. Tiên Tri Joseph đã nói cùng các Thánh Hữu thời xưa ở Nauvoo: “Các anh em cần một lễ thiên ân ngõ hầu các anh em có thể được chuẩn bị và có khả năng để khắc phục mọi việc.”18 Ông đã nói thật đúng! Được ban phước với các giao ước đền thờ và được ban cho quyền năng đã làm cho Các Thánh Hữu Ngày Sau có thể kiên trì chịu đựng nỗi thống khổ với đức tin. Vào cuối cuộc hành trình tiền phong của mình, Sarah Rich đã ghi chép lại: “Nếu không nhờ vào đức tin và sự hiểu biết mà đã được ban cho chúng tôi trong ngôi đền thờ ấy … thì cuộc hành trình của chúng tôi đã giống như là … lao mình vào bóng tối.”19

Tôi rất xúc động bởi mức thống khổ trong kinh nghiệm của Đấng Cứu Rỗi. Mặc dù Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha, những người gian ác cũng đã tìm cách giết Ngài từ lúc ban đầu. Trong suốt giáo vụ của Ngài, cả một rừng tiếng đồn, lời dối trá và ngược đãi đi theo Ngài bất cứ nơi đâu Ngài đi.

Tôi đặc biệt cảm kích khi tôi nhìn lại tuần lễ trước khi Ngài chết: các thầy tế lễ cả thách thức thẩm quyền của Ngài, cố gắng gài bẫy Ngài, và đã hai lần âm mưu giết Ngài. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, trong khi các môn đồ của Ngài ngủ, Ngài đã gánh chịu tội lỗi của tất cả loài người và đã rướm máu từng lỗ chân lông. Ngài đã bị phản bội, giam cầm, tra vấn, đánh roi, nhổ vào mặt, và đánh đập. Sau cuộc thẩm vấn bởi hội đồng chỉ huy, Ngài đã bị vua Hê Rốt nhạo báng và cuối cùng bắt giải đến Phi Lát nơi mà Ngài phải đứng chịu xét xử trước một đám đông đầy giận dữ. Bị đánh bằng roi và cho đội mão gai, Ngài đã bị bắt phải vác cây thập tự của Ngài đến Gô Gô Tha. Đinh đã đóng vào tay chân Ngài. Thân thể Ngài bị treo lên giữa những tên trộm cắp tầm thường. Quân lính đã rút thăm để lấy vật sở hữu của Ngài trên trần thế, và Ngài đã được cho uống giấm để hết khát. Sau sáu giờ đồng hồ,20 Ngài đã giao linh hồn Ngài lại trong tay của Đức Chúa Cha, trút linh hồn và chết.

Khi quan sát tuần lễ cuối cùng của cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi từ viễn ảnh trần tục của chúng ta, ấn tượng đầu tiên của chúng ta có thể là nỗi đau đớn và sự tàn phá. Chúng ta chỉ có thể thấy mẹ của Đấng Cứu Rỗi và những người khác khóc tại cây thập tự, quân lính sợ hãi, đất chấn động lớn, đá vỡ vụn, tấm màn che trong đền thờ bị xé làm hai, và bóng tối bao phủ toàn xứ trong ba tiếng đồng hồ. Một cảnh tượng tương tự của giông bão và tàn phá cũng xảy ra ở Tân Thế Giới. Nói tóm lại, chúng ta thấy cơn giông tố dữ dội đầy kinh hoàng.

Nhưng hãy nhìn lại lần nữa—lần này bằng con mắt của đức tin.

Trong những tuần lễ cuối cùng, đầy đau đớn đó của cuộc sống Ngài, hãy xem xét những gì mà Chúa Giê Su đã giảng dạy, làm chứng, khuyến khích, ban phước và củng cố những người chung quanh Ngài. Ngài đã làm cho La Xa Rơ sống dậy từ kẻ chết, giảng dạy về Đức Chúa Cha của Ngài, sắp xếp trật tự trong đền thờ, đưa ra một số chuyện ngụ ngôn, chứng kiến cảnh người đàn bà góa dâng của, chỉ dạy các môn đồ của Ngài về những điềm triệu của Ngày Tái Lâm của Ngài, đi viếng nhà của người phung tên Si Môn, lập Tiệc Thánh, rửa chân các Sứ Đồ, và dạy các môn đồ của Ngài phải yêu thương nhau. Ngài đã làm chứng về thiên tính của Ngài với tư cách là Vị Nam Tử của Thượng Đế và giảng dạy về Đấng An Ủi—Đức Thánh Linh. Trong Lời Cầu Nguyện Hộ quan trọng của Ngài, Ngài đã cầu xin cùng Đức Chúa Cha thay cho các Sứ Đồ của Ngài và cho tất cả những người tin vào lời của họ: “hầu cho trong lòng họ được đầy dẫy sự vui mừng của [Ngài].”21

Trong giờ phút đen tối nhất của Ngài, ánh sáng bình an và vui mừng không phai tàn. Nó còn sáng rực hơn! Sau khi Ngài chết, Ngài đã hiện đến cùng Ma Ri Ma Đơ Len. Thật là một niềm vui vô hạn vào buổi sáng đó khi tin được phổ biến ra: “Ngài đã sống lại”!22 Đúng lúc đó, Ngài đã hiện đến cùng những người phụ nữ trên đường; cùng Cơ Lê Ô Ba và một môn đồ là những người đang hành trình đi Em Ma Út, cùng các Sứ Đồ và các môn đồ trên căn gác, cùng Thô Ma là kẻ nghi ngờ, và cùng những người khác. Một lần nữa, đã có niềm vui và sự hân hoan trong Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh. 23

Nhưng đây chưa phải là hết. Chủ Tịch Joseph F. Smith—một tiên tri, tiên kiến, và mặc khải—đã thấy trong khải tượng cuộc viếng thăm thế giới linh hồn của Đấng Cứu Rỗi:

“Và muôn vàn linh hồn những người ngay chính quy tụ lại một chỗ với nhau. Họ là những người đã trung thành với lời chứng nói về Chúa Giê Su khi họ còn sống trên thế gian… .

“Tất cả những người này đã rời bỏ cuộc sống hữu diệt, nhưng họ tin chắc trong niềm hy vọng về sự sống lại vinh quang, …

“… [Và] lòng họ tràn đầy niềm vui sướng và cùng nhau hớn hở bởi vì giờ giải cứu họ đã gần kề.

“Họ nhóm lại chờ đợi Vị Nam Tử của Thượng Đế đến thế giới linh hồn, để Ngài tuyên phán về sự cứu chuộc họ ra khỏi dây trói buộc của sự chết.”

Những linh hồn trung tín này biết rằng trong một thời gian ngắn nữa “thể xác ngủ yên của họ đã từ lâu trở thành tro bụi sẽ được khôi phục lại hoàn toàn, xương hiệp lại với xương và bên trên thì có gân với thịt. Linh hồn và thể xác sẽ phối hiệp lại với nhau và không bao giờ bị phân rẽ nữa, để họ có thể nhận được trọn vẹn niềm vui.

Và, “trong khi đám người đông đảo này đang đợi chờ và vui mừng đàm luận với nhau về ngày mà họ sẽ được giải thoát khỏi xiềng xích của sự chết, thì Vị Nam Tử của Thượng Đế hiện ra rao truyền sự tự do cho những kẻ phu tù là những kẻ đã trung thành.”24

Thưa các anh chị em, dù cho tình thế trong thế giới ngày nay dường như đen tối đến đâu chăng nữa, bất luận cơn giông bão nào mà cá nhân chúng ta đang gặp, trong nhà và gia đình mình, thì niềm vui này giờ đây có thể thuộc về chúng ta. Đôi khi chúng ta không hiểu về cái chết, bệnh tật, sự tàn tật tinh thần và thể xác, những thảm cảnh của cá nhân, chiến tranh và cuộc xung đột khác. Một số trong những điều này là một phần cần thiết cho thử thách trần thế của chúng ta. Những điều khác, như Hê Nóc đã nhìn thấy trước, là một phần của sự chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi, khi “các tầng trời sẽ tối sầm lại, và bức màn tối tăm sẽ bao phủ thế gian, và các tầng trời sẽ rung chuyển, và luôn cả đất cũng vậy, và những nỗi thống khổ lớn lao sẽ đến với con cái loài người, nhưng,” Chúa đã phán, “ta sẽ gìn giữ dân của ta.” Và khi Hê Nóc nhìn thấy tất cả những điều này, ông “đã nhận được sự vui sướng trọn vẹn.”25

Vào buổi sáng này, trong mùa giáng sinh và Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi, tôi xin đưa ra lời chứng đặc biệt với niềm vui và nỗi hân hoan rằng Ngài quả thật đã giáng thế, đã gánh chịu tội lỗi của chúng ta, và sẽ trở lại lần nữa. Đức tin của chúng ta nơi Ngài và việc tuân theo các giáo lệnh của Ngài sẽ mang đến “một niềm hy vọng hết sức sáng lạn”26 và xua tan bóng tối và sự ảm đạm của nỗi tuyệt vọng trong những thời kỳ nhiễu nhương này. Đấng mà có quyền năng để làm cho các hiện tượng thiên nhiên của thế gian phải lặng như tờ, thì có quyền năng để làm cho tâm hồn chúng ta được lắng đọng, để ban cho chúng ta nơi trú ẩn khỏi cơn giông bão: “Hãy êm đi, lặng đi.”27

Tôi làm chứng như vậy, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Mác 4:37–38.

  2. Ma Thi Ơ 8:26.

  3. Mác 4:39.

  4. Xin xem James E. Talmage, Jesus the Christ, xuất bản lần thứ 3 (1916), 309.

  5. Mác 4:41.

  6. 2 Ti Mô Thê 3:1–2, 5.

  7. Mác 13:7.

  8. GLGƯ 38:30.

  9. Xin xem 1 Các Vua 19:11–15.

  10. Ê The 6:7, 10.

  11. Ê The 2:23.

  12. Ê The 3:1.

  13. GLGƯ 58:26.

  14. Xin xem Ê The 6:4.

  15. Giăng 17:15.

  16. GLGƯ 121:7.

  17. GLGƯ 122:7.

  18. History of the Church, 2:309.

  19. Sarah DeArmon Pea Rich, “Autobiography, 1885–1893,” Văn Khố Sở Lịch Sử Gia Đình và Giáo Hội, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 66.

  20. Xin xem Jesus the Christ, 660.

  21. Giăng 17:13.

  22. Ma Thi Ơ 28:6.

  23. Xin xem “New Testament Times at a Glance: The Savior’s Final Week,” Liahona, tháng Tư năm 2003, 26–29.

  24. GLGƯ 138:12, 14–18; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  25. Môi Se 7:61, 67.

  26. 2 Nê Phi 31:20.

  27. Mác 4:39.