2003
Trì Chí trong Các Giao Ước của Chúng Ta
Tháng Năm năm 2003


Trì Chí trong Các Giao Ước của Chúng Ta

Trì chí nơi Đấng Ky Tô có nghĩa là tuân giữ các giao ước … Khi chúng ta làm những điều này, … phần thuộc linh của chúng ta được nâng cao và tâm hồn chúng ta được tràn đầy tình thương.

Kể từ khi nhận được sự kêu gọi của mình chỉ sáu tháng trước đây, tôi đã cảm nhận tình yêu thương sâu xa mà Thượng Đế ban cho các em, các em yêu dấu của tôi. Ước muốn lớn của tôi đối với các em thiếu nữ ở khắp nơi là các em biết rằng các em được yêu mến—không chỉ bởi tôi, mà còn bởi các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo, và nhất là bởi Cha Thiên Thượng của các em.

Đôi khi rất khó để cảm nhận được tình yêu thương này. Tôi biết một em thiếu nữ nọ dường như có được một cuộc sống toàn hảo. Em mới được trúng tuyển trong cuộc bầu cử hội học sinh, em được chấp nhận khi đi thử giọng để hát cho ca đoàn của trường học, và em đã được chọn làm hoa hậu trong buổi khiêu vũ do khối lớp mười một tổ chức. Một ngày nọ, em đi học về và vật mình xuống giường mà khóc. Mẹ của em hỏi lý do và người con gái này kể lể: “Con bị thất bại; không ai thích con cả; con không bắt kịp trong lớp học; và ngoài ra, con xấu xí.” Không ai lại có thể nghĩ là em ấy đã cảm thấy bất an trong lòng, cô đơn và thiếu thốn; nhưng đa số các em thiếu nữ đều cảm thấy như vậy vào một lúc nào đó.

Và một số những người trẻ thậm chí còn chịu đựng nhiều gian khổ hơn nữa. Chẳng hạn như trong số các thiếu nữ tôi quen biết, thì có một em gái mà người mẹ sắp chết vì bệnh ung thư. Một em khác có cha mẹ ly dị. Một em gái ở nhà một mình cuối tuần trong khi tất cả các bạn bè của em đi nhậu nhẹt. Một thiếu nữ bị tai nạn xe hơi thảm khốc. Cha của một em gái bị gọi nhập ngũ. Một người em gái tốt lo lắng về người anh bướng bỉnh của mình.

Điều gì có thể giúp cho giới trẻ mà có nhiều vấn đề khác nhau và nghiêm trọng này? Chủ đề của Hội Hỗ Tương Thanh Thiếu Niên trong năm này, mà cũng là trọng điểm của chúng ta tối nay, cung ứng cho một câu trả lời. Đó là: “Các [anh chị] em phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sáng lạn, và với tình yêu mến Thượng Đế và mọi người” (2 Nê Phi 31:20). Tôi rất thích câu thánh thư này. Nó mô tả cách thức chúng ta phải đối phó với những thử thách của đời. Khi tôi tiến tới với hy vọng và tình yêu mến, tôi cũng cảm nhận được hy vọng và tình yêu mến.

Trì chí nơi Đấng Ky Tô có nghĩa là tuân giữ các giao ước. Mỗi tuần chúng ta tái lập các giao ước báp têm của mình để “tình nguyện mang danh Con của Cha,” để “luôn luôn tưởng nhớ Ngài,” và để “tuân giữ các giáo lệnh của Ngài” (xin xem GLGƯ 20:77). Chúng ta trì chí nơi Đấng Ky Tô khi chúng ta làm những điều này và phần thuộc linh của chúng ta được nâng cao và tâm hồn chúng ta được tràn đầy tình thương. Nói một cách giản dị, khi tôi tuân giữ các giao ước của mình, thì tôi cảm nhận được hy vọng và tình thương.

Một người bạn trẻ của tôi mà tôi gọi là Lindsey cần có hy vọng. Em sống trong một gia đình không có Thánh Linh và tình thương. Các bạn bè của em thì phóng túng, và ngay cả hầu hết những người lãnh đạo Hội Thiếu Nữ của em cũng “đánh giá hời hợt” về em. Nhưng tận cùng đáy lòng mình, em cảm thấy rằng Chúa yêu thương em, mặc cho tình cảnh tệ hại của em. Khi em chú tâm đến việc luôn luôn tưởng nhớ Ngài, em đã chọn không tham gia với các bạn bè của mình khi họ làm những việc xấu. Em cố gắng thờ phượng Cha Thiên Thượng một cách kín đáo trong phòng ngủ của mình, vì em muốn cảm nhận được Thánh Linh của Ngài trong cuộc sống của em. Em muốn được thiện lành, để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Ngay cả với sự hiểu biết hạn hẹp của mình và thiếu sự giúp đỡ nơi những người chung quanh mình, em cũng cố gắng tuân giữ giao ước báp têm của mình. Em cảm thấy hy vọng để cố gắng và em cảm nhận được tình yêu thương từ Cha Thiên Thượng.

Chúa đã hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ không quên chúng ta vì Ngài đã “chạm [chúng ta] trong lòng bàn tay Ngài” (Ê Sai 49:16). Và lời hứa của chúng ta cùng Ngài là chúng ta sẽ không quên Ngài vì chúng ta đã khắc sâu Ngài vào trong lòng mình.

Các Tín Hữu thời xưa được giảng dạy điều này khi gian khổ ở Missouri. Chúa khuyên dạy họ hãy “kiên nhẫn hầu Chúa, vì những lời cầu nguyện của các ngươi đã thấu đến tai Chúa… .

“Vậy thì Ngài ban cho các ngươi lời hứa này, với giao ước không lay chuyển được, rằng những lời cầu nguyện đó sẽ được đáp ứng; và tất cả những gì đã làm cho các ngươi phải đau buồn sẽ hiệp lại làm lợi ích cho các ngươi” (GLGƯ 98:2–3). Lời hứa này không làm những thử thách của họ chấm dứt, nhưng nó an ủi họ, cho họ hy vọng đến tương lai.

Cũng như vậy, Áp Ra Ham đã tiến tới với một sự trì chí, tin tưởng mãnh liệt nơi những lời hứa mà Thượng Đế đã ban cho ông. Mỗi khi tôi đọc về việc Áp Ra Ham đi lên Núi Mô Ri A để dâng con trai của mình là Y Sác làm của lễ thiêu, tôi cảm thấy lo âu cho ông. Ông đã không biết được kết quả của cuộc thử thách đó như chúng ta biết từ viễn ảnh lịch sử. Ông đã bước đi mà không biết kết quả sẽ ra sao. Thế mà, ông vẫn trì chí. Ông đã sống theo những lời hứa mà Chúa ban phước cho ông. Dù bất cứ sự hoang mang nào mà ông có thể đã cảm thấy cũng không ngăn cản ông tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô.

Giống như các Thánh Hữu ở Missouri, Lindsey biết rằng mặc dù tình cảnh tệ hại của em, Cha Thiên Thượng cũng đã không bỏ rơi em. Tình yêu thương của Ngài luôn bền vững. Em đã được an ủi trong “giao ước không lay chuyển” của tình yêu thương Ngài—để “tất cả những gì đã làm cho các ngươi phải đau buồn sẽ hiệp lại làm lợi ích cho các ngươi” (GLGƯ 98:3). Cũng như đối với Áp Ra Ham, con đường em đi cũng không phải dễ dàng, thế mà em vẫn tiến tới. Khi em làm như vậy, em đã tìm được sự giúp đỡ. Một vị lãnh đạo Giáo Hội đặc biệt đã yêu thương và hướng dẫn em. Em đã đến gần Cha Thiên Thượng và cuối cùng tìm được một thanh niên yêu thương em, dạy em nhiều về phúc âm và kết hôn với em.

Cuối cùng, nhiều phước lành mà em mong mỏi nhận được trong thời thơ ấu đã đổ trút xuống em. Em đã thấy rằng em có thể có Thánh Linh ngự trong gia đình của mình và nuôi dạy những đứa con sống ngay chính. Trong thời thơ ấu em đã bị cô lập và bị bỏ bê, thì giờ đây em cảm thấy bao phủ bởi tình thương. Điều này xảy đến từ việc tiến tới trong khi kiên nhẫn hầu việc Chúa. Việc trì chí trong Đấng Ky Tô mang hy vọng đến cho Lindsey cũng như nó sẽ mang hy vọng đến cho mỗi người chúng ta khi chúng ta vất vả đối phó với những thử thách trong đời. Những lời hát của ca đoàn đêm nay sẽ khuyến khích chúng ta đến cùng Ngài:

Điều gì xảy đến thì cũng không quan trọng,

Nguy hiểm nào đe dọa tôi;

Ngài luôn luôn là thành lũy bảo vệ tôi,

Là nơi trú ẩn của tôi khỏi kẻ thù.

Hãy đến cùng Ngài tất cả những ai chán nản,

Những ai là linh hồn lầm lạc mà mắt bị mờ,

Những ai mệt mỏi đang khát khao được nghỉ ngơi.

Hãy đến cùng Ngài! Hãy đến cùng Ngài!

(“Come unto Him,” Hymns, số 114)

Trong khi việc tuân giữ các giao ước cho chúng ta hy vọng để cố gắng, thì nó cũng thay đổi tấm lòng. Chúa phán dạy trong Giê Rê Mi: “Này là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y Sơ Ra Ên… . Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng” (Giê Rê Mi 31:33). Các giao ước mở rộng lòng chúng ta và để cho chúng ta cảm nhận được “tình yêu mến Thượng Đế và mọi người” (2 Nê Phi 31:20). Hãy nhớ rằng khi chúng ta tuân giữ các giao ước của mình, thì chúng ta cảm thấy hy vọng và cảm nhận được tình thương.

Chúa Giê Su đã dạy trong Bài Giảng trên Núi về các đức tính của tâm hồn như là tình yêu thương, sự tha thứ và lòng trắc ẩn. Ngài đã dạy chúng ta là các môn đồ của Ngài phải mang lấy danh và đặc tính của Ngài. Điều này thay đổi tâm hồn chúng ta và ban phước cho mối giao tình của chúng ta với những người khác. Anh Cả Marvin J. Ashton đã nói: “Khi chúng ta thực sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô, cam kết cùng Ngài, thì một điều thú vị sẽ xảy ra: sự chú tâm của chúng ta hướng về sự an lạc của đồng loại mình, và cách thức chúng ta đối xử với những người khác trở nên càng ngày càng đầy dẫy sự kiên nhẫn, tử tế, [và] sự chấp nhận hiền lành” (“The Tongue Can Be a Sharp Sword,” Ensign, tháng Năm năm 1992, 20).

Các em có thể tỏ ra trì chí hơn trong Đấng Ky Tô tại nhà mình, với những người trong gia đình mình không? Khi các em hứa mang danh và các đặc tính của Ngài lên mình, điều đó có nghĩa là các em phải nói chuyện nhỏ nhẹ hơn, hành động tử tế hơn, phục vụ anh chị em mình một cách vị tha hơn và biết ơn và giúp đỡ cha mẹ các em một cách cởi mở hơn.

Cách đây lâu lắm, con trai của chúng tôi đã làm điều này trong một chuyến đi với gia đình. Chúng tôi đã đi rất xa để xem một tòa lâu đài xinh đẹp. Cuối cùng, khi chúng tôi đến nơi, một trong mấy đứa con gái nhỏ của chúng tôi cảm thấy mệt mỏi và cáu gắt. Nó từ chối không muốn ra khỏi xe để đi bộ một khoảng đường ngắn để đến nơi mà chúng tôi đã phải đi thật xa để đến xem. Hầu hết chúng tôi cảm thấy sốt ruột đối với nó. Nhưng với sự dịu dàng, đứa con trai 14 tuổi của chúng tôi đã cõng nó trên lưng đi đến tòa lâu đài. Giây phút căng thẳng đã dịu lại. Sự bày tỏ tình thương một cách trầm lặng của đứa con trai sống mãi trong ký ức của chúng tôi hơn là quang cảnh của tòa lâu đài.

Đôi khi đó là điều khó nhất cho chúng ta để đối xử tốt trong nhà mình. Điều đó đòi hỏi nỗ lực thường xuyên của việc “tiến tới.” Nhưng khi các em tuân giữ giao ước của mình, thì các em sẽ học biết yêu thương một cách trọn vẹn hơn những người mà các em có sự gắn bó vĩnh cửu. Rồi các em sẽ có thể nới rộng tình yêu thương của mình ra khỏi gia đình mình để tới những người khác.

Cách đây nhiều năm, gia đình chúng tôi sống ở Ba Tây trong một thời gian ngắn. Hai tuần trước khi dự định trở về nhà, chúng tôi bị tai nạn xe hơi. Trên đường về nhà trong cơn mưa tầm tã từ buổi lễ Tiệc Thánh, chúng tôi lái vào một ngã tư đường của khu xóm. Một chiếc xe xông ra từ sau một chiếc xe khác đang đậu và đụng vào bên hông xe chúng tôi. May thay không ai trong cả hai xe bị thương, nhưng cả hai xe đều bị móp méo khá nhiều. Khi chồng của tôi là John bước ra để nói chuyện phải trái với người lái xe kia, thì tôi nhắc anh là không phải do lỗi của chúng tôi. Chẳng mấy chốc, anh quay lại xe và lái chậm chạp trở về căn nhà nơi nông trại mà chúng tôi đang sống, với tiếng ken két của kim khí chạm vào bánh xe mỗi khi quẹo. Chiếc xe kia lái theo sau. John chỉ nói: “Anh sẽ giải thích sau.”

Khi chúng tôi về đến nhà, John đi kiếm cái bì thư nhỏ đựng tiền mặt khi cần kíp và trả tiền cho gia đình kia để sửa chiếc xe họ. Họ vui vẻ ra về. Tôi lấy làm ngạc nhiên. Rồi John họp gia đình lại. Anh tỏ ra phần nào biết lỗi khi anh giải thích về hành động của mình. “Anh biết là tai nạn này không do lỗi của chúng ta, nhưng khi anh đang dàn xếp với gia đình này, thì một ý nghĩ độc nhất trong đầu anh là chỉ cách đó hơn một tiếng đồng hồ, anh đã giao ước với Cha Thiên Thượng là luôn hành động giống như Ngài. Anh biết rằng nếu Ngài đứng ở vào vị thế anh, Ngài cũng sẽ có lòng trắc ẩn đối với gia đình này và sẽ làm tất cả những gì Ngài có thể làm để giúp họ.” Thật là một người chồng và người cha gương mẫu! Anh đã nhớ đến giao ước của mình. Khi hành động với tình thương giống như của Đấng Ky Tô, anh đã xoa dịu những tấm lòng.

Tôi làm chứng cùng với các em rằng khi tôi ghi nhớ các giao ước của mình mỗi ngày, tôi cảm thấy hy vọng và cảm nhận được tình thương. Tôi biết rằng sự trì chí trong Đấng Ky Tô mang đến tâm hồn tôi một niềm hy vọng hết sức sáng lạn cho tôi và tình yêu mến Thượng Đế và mọi người.

“Đức Chúa Cha đòi hỏi chúng ta làm điều gì? Thánh thư dạy điều gì? Có đức tin, có hy vọng, sống giống như Vị Nam Tử của Ngài, giúp những người khác trong mọi việc” (“He Sent His Son,” Children’s Songbook, 35; Liahona, tháng Tư năm 1992, F11). Tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ đến cùng Ngài để có được hy vọng và noi theo tấm gương yêu thương của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.