2003
Đi Tìm Kho Tàng
Tháng Năm năm 2003


Đi Tìm Kho Tàng

Học hỏi từ quá khứ, chuẩn bị cho tương lai, sống với hiện tại.

Khi còn niên thiếu, tôi rất thích đọc quyển sách Treasure Island của Robert Louis Stevenson. Tôi cũng đã xem các cuốn phim phiêu lưu nơi mà một vài người có được những phần riêng rẽ của tấm bản đồ sờn cũ mà sẽ dẫn đường đến kho tàng được chôn giấu nếu tất cả những phần bản đồ ấy có thể được tìm thấy và ghép lại với nhau.

Tôi nhớ đã lắng nghe một chương trình radio dài mười lăm phút mỗi trưa trong tuần. Chương trình mà tôi nói đến là Jack Armstrong, the All-American Boy. Nó bắt đầu với bài hát ngắn quảng cáo cho sản phẩm: “Bạn đã thử ăn Wheaties chưa, món điểm tâm ngon nhất trong nước?” Rồi, bằng một giọng nói đầy bí ẩn phát ra từ radio: “Giờ đây chúng ta cùng đi với Jack và Betty trong khi họ tiến gần lối vào bí mật vĩ đại đến chỗ chôn voi, nơi mà kho tàng được giấu. Nhưng khoan; nguy hiểm đang rình rập trước lối đi.”

Không một điều gì có thể làm cho tôi xao lãng việc lắng nghe chương trình này. Thể như tôi đang dẫn đầu cuộc đi tìm kho tàng ngà voi đã được giấu kín.

Vào một lúc khác và một bối cảnh khác, Đấng Cứu Thế đã nói về kho tàng. Trong bài giảng trên núi của Ngài, Ngài đã phán:

“Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy:

“Nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.”1

Phần thưởng được hứa không phải là kho tàng ngà voi hay vàng bạc. Nó cũng không gồm có hằng mẫu đất hay danh mục vốn đầu tư về cổ phần và trái phiếu. Đấng Thầy đã nói về của cải mà mọi người có thể đạt được—chính là niềm vui không tả xiết nơi đây và hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.

Hôm nay tôi đã chọn đưa ra ba phần của tấm bản đồ kho tàng của các anh chị em để hướng dẫn các anh chị em đến hạnh phúc vĩnh cửu. Đó là:

  1. Học hỏi từ quá khứ.

  2. Chuẩn bị cho tương lai.

  3. Sống với hiện tại.

Chúng ta hãy xem xét mỗi phần của tấm bản đồ.

Thứ nhất, học hỏi từ quá khứ.

Mỗi người chúng ta có được một di sản—hoặc là từ các tổ tiên tiền phong, những người cải đạo sau này hay những người khác mà đã giúp hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Di sản này cung ứng một nền tảng được xây dựng trên sự hy sinh và đức tin. Chúng ta có đặc ân và trách nhiệm để xây đắp các nền tảng rắn chắc và vững vàng như thế.

Một câu chuyện do Karen Nolen viết được đăng trong New Era năm 1974, kể về một người tên là Benjamin Landart, vào năm 1888, được 15 tuổi và là người chơi vĩ cầm tài ba. Cuộc sống ở nông trại tại Miền Bắc Utah với mẹ và bảy anh chị em đôi khi là một thử thách đối với Benjamin, vì ông không có nhiều thời giờ như ông muốn để chơi vĩ cầm. Thỉnh thoảng mẹ của ông phải đem cất chiếc vĩ cầm cho đến khi nào ông làm xong công việc nhà nông, vì Benjamin luôn bị cám dỗ để chơi đàn.

Cuối năm 1892, Benjamin được mời đến Salt Lake để đàn thử trước khi được nhận vào một chỗ trong giàn nhạc của lãnh thổ. Đối với ông, đây là một mơ ước đã thành hiện thực. Sau vài tuần tập dượt và cầu nguyện, ông đi Salt Lake vào tháng Ba năm 1893 cho buổi đàn thử đã được dự liệu. Khi nghe Benjamin chơi đàn, người nhạc trưởng, là Ông Dean, đã bảo Benjamin là người đánh đàn vĩ cầm tài ba nhất mà ông biết đang sống ở phía tây Denver. Benjamin được cho biết là phải đi Denver vào mùa thu để tập đàn và được biết rằng ông sẽ kiếm được đủ tiền cho ông tiêu xài, và một số tiền dư để gửi về nhà.

Tuy nhiên, một tuần sau khi Benjamin nhận được tin vui thì vị giám trợ của ông gọi ông vào văn phòng của mình và yêu cầu ông hoãn lại việc chơi đàn cho giàn nhạc một vài năm. Vị giám trợ bảo Benjamin rằng trước khi ông bắt đầu kiếm tiền, thì có một điều gì đó mà ông nợ Chúa. Rồi vị giám trợ yêu cầu Benjamin chấp nhận sự kêu gọi đi truyền giáo.

Benjamin cảm thấy rằng việc bỏ đi cơ hội để chơi đàn trong giàn nhạc của lãnh thổ thì là một điều gần như quá sức có thể chịu đựng của ông, nhưng ông cũng biết ông phải chọn quyết định nào. Ông hứa với vị giám trợ rằng nếu có cách nào để kiếm tiền cho ông đi phục vụ truyền giáo thì ông sẽ chấp nhận sự kêu gọi đó.

Khi Benjamin kể cho mẹ mình biết về sự kêu gọi đó, bà rất đỗi vui mừng. Bà bảo ông rằng cha ông đã luôn luôn muốn đi phục vụ truyền giáo nhưng đã chết trước khi có cơ hội đó đến với mình. Tuy nhiên, khi họ thảo luận về vấn đề tài chính của công việc truyền giáo, gương mặt của bà sầm buồn. Benjamin bảo bà là ông sẽ không để cho bà bán bất cứ phần đất nào của họ nữa. Bà chăm chú nhìn vào mặt ông trong một lát và rồi nói: “Ben, có một cách chúng ta có thể kiếm ra tiền. Gia đình này có một thứ mà có đủ giá trị để gửi con đi truyền giáo. Con sẽ phải bán cây vĩ cầm của con.”

Mười ngày sau đó, vào ngày 23 tháng Ba năm 1893, Benjamin viết vào nhật ký của mình: “Tôi thức dậy buổi sáng hôm ấy và lấy cây vĩ cầm ra khỏi thùng của nó. Suốt ngày tôi đàn những bản nhạc mà tôi yêu thích. Buổi chiều, khi ánh nắng tắt và tôi có thể thấy rằng mình không còn đàn được nữa, tôi đặt nhạc khí vào thùng của nó. Vậy là đủ rồi. Ngày mai tôi sẽ ra đi [truyền giáo].”

Bốn mươi lăm năm sau, vào ngày 23 tháng Sáu năm 1938, Benjamin viết trong nhật ký của mình: “Quyết định lớn nhất mà tôi đã chọn trong cuộc sống của mình là từ bỏ một thứ nào đó mà tôi yêu tha thiết cho Thượng Đế là Đấng mà tôi còn yêu mến hơn. Ngài không bao giờ quên tôi vì sự hy sinh đó.”2

Hãy học từ quá khứ.

Thứ hai, chuẩn bị cho tương lai.

Chúng ta sống trong một thế giới luôn thay đổi. Kỹ thuật đã thay đổi hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Chúng ta phải đương đầu với những kỹ thuật tiến bộ này—ngay cả những thay đổi đầy đảo lộn này—trong một thế giới mà các tổ tiên chúng ta không bao giờ tưởng tượng được.

Hãy nhớ lời hứa của Chúa: “Nếu các ngươi đã chuẩn bị rồi thì các ngươi không còn sợ hãi nữa.”3 Nỗi sợ hãi là kẻ thù nguy hiểm của sự tiến bộ.

Chúng ta cần phải chuẩn bị và hoạch định để chúng ta không lãng phí đời mình. Nếu không có một mục tiêu đặt ra, thì không thể có sự thành công thật sự. Một trong những định nghĩa về sự thành công mà tôi đã tìm ra thì giống như thế này: Sự thành công là thành quả tăng dần của một lý tưởng xứng đáng. Một người nào đó đã nói điều phiền phức của việc không có một mục tiêu là các anh chị em có thể bỏ cả đời mình để tất bật làm đủ thứ chuyện mà không hoàn thành được điều gì đáng bõ công.

Cách đây nhiều năm, có một ca khúc lãng mạng và viển vông mà chứa đựng những lời “Ước mơ sẽ thành hiện thực / Vậy nên cứ tiếp tục ước mơ / và sẽ hết lo âu.”4 Tôi muốn nói ngay đây rằng niềm ước mơ sẽ không thay thế sự chuẩn bị chu đáo để đương đầu với những thử thách của đời. Sự chuẩn bị là công việc khó nhọc nhưng tuyệt đối cần thiết cho sự tiến bộ của chúng ta.

Cuộc hành trình của chúng ta tiến đến tương lai sẽ không phải là một con đường bằng phẳng, trải dài từ nơi đây đến thời vĩnh cửu. Thay vì thế, sẽ có những ngã ba đường và chỗ rẽ trên đường, chưa kể đến những ổ gà bất ngờ. Chúng ta phải cầu nguyện hằng ngày lên Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng muốn mỗi người chúng ta thành công trong đời.

Hãy chuẩn bị cho tương lai.

Thứ ba, sống với hiện tại.

Đôi khi chúng ta để cho những ý nghĩ về tương lai của mình chiếm quá nhiều thời giờ của hiện tại. Việc nuối tiếc thời quá khứ và mơ ước nơi tương lai có thể mang lại niềm an ủi nhưng sẽ không thay thế cho cuộc sống hiện tại. Đây là ngày cơ hội của chúng ta và chúng ta phải chụp lấy.

Giáo sư Harold Hill, trong vở nhạc kịch The Music Man của Meredith Wilson, đã cảnh cáo: “Nếu bạn chỉ luôn lo nghĩ về tương lai thì bạn sẽ thấy rằng quá khứ của mình trống không.”

Không có tương lai để ghi nhớ nếu chúng ta không làm một điều gì ngày nay và để sống trọn vẹn nhất ngày nay, chúng ta phải làm điều gì quan trọng nhất. Chúng ta chớ nên trì hoãn để làm những điều quan trọng nhất.

Mới đây tôi đọc bài tường thuật về một người mà ngay sau khi người vợ lìa trần, đã mở hộc tủ của bà ra và thấy nơi đó một y phục mà bà đã mua khi họ đi viếng miền Đông Hoa Kỳ chín năm về trước. Bà đã không mặc bộ y phục đó mà để dành nó cho một cơ hội đặc biệt. Dĩ nhiên, giờ đây, cơ hội đó đã không bao giờ đến nữa.

Khi thuật lại kinh nghiệm đó cho một người bạn, người chồng đã nói: “Đừng để dành một thứ gì chỉ cho một cơ hội đặc biệt. Mỗi ngày trong cuộc sống của bạn là một cơ hội đặc biệt.”

Sau này người bạn đó nói rằng những lời nói ấy đã thay đổi cuộc sống của mình. Chúng đã giúp người bạn đó ngừng trì hoãn làm những điều quan trọng nhất đối với mình. Người bạn đó nói: “Bây giờ tôi dành thêm thời giờ cho gia đình tôi. Mỗi ngày tôi lấy ly thủy tinh ra xài. Tôi sẽ mặc áo quần mới để đi chợ nếu tôi cảm thấy tôi muốn thế. Những chữ ‘một ngày nào đó’ và ‘một ngày kia’ đang biến dần khỏi ngữ vựng của tôi. Bây giờ tôi dùng thì giờ để gọi điện thoại cho bà con và bạn bè thân thiết nhất của mình. Tôi đã gọi điện thoại cho những người bạn cũ để làm hòa vì những cuộc cãi nhau lúc trước. Tôi bảo cho những người trong gia đình mình biết là tôi yêu thương họ biết bao. Tôi cố gắng không lần lữa hay trì hoãn làm bất cứ điều gì mà có thể mang đến tiếng cười và niềm vui cho cuộc sống của chúng tôi. Và mỗi buổi sáng, tôi tự nói rằng đây có thể là một ngày đặc biệt. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, đều là đặc biệt.”

Một ví dụ tuyệt vời về triết lý này đã được Arthur Gordon chia sẻ cách đây nhiều năm trong một tạp chí trong nước. Ông đã viết:

“Khi tôi khoảng 13 tuổi và em tôi lên 10, Cha tôi đã hứa sẽ dẫn chúng tôi đi xem xiệc. Nhưng vào giờ ăn trưa, thì có một cú điện thoại: một thương vụ cần kíp nào đó đòi hỏi sự hiện diện của ông ở dưới phố. Chúng tôi nghĩ là chắc sẽ rất thất vọng. Rồi chúng tôi nghe ông nói [trên điện thoại]: ‘Không, tôi sẽ không đến đâu. Phải chờ thôi.’

“Khi ông trở lại bàn ăn, Mẹ tôi mỉm cười nói: ‘Đoàn xiệc sẽ trở lại nữa, anh biết chứ.’

Cha tôi nói: ‘Anh biết, nhưng tuổi thơ thì không.’”5

Anh Cả Monte J. Brough thuộc Đệ Nhất Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi kể về một mùa hè nọ tại nhà ông lúc thiếu thời ở Randolph, Utah, khi ông và người em trai tên Max quyết định cất một cái nhà chòi để chơi trên một cái cây ngoài sau vườn. Họ thảo kế hoạch cho hầu hết công việc sáng tạo tuyệt diệu nhất trong đời mình. Họ thu lượm vật liệu xây cất từ khắp nơi trong láng giềng và mang chúng lên chỗ phần của cái cây mà có hai nhánh cung ứng một địa điểm lý tưởng cho căn nhà. Đó là điều khó khăn và họ lo lắng để hoàn thành công việc của mình. Hình ảnh của căn nhà chòi trên cây được hoàn tất cung ứng động cơ thúc đẩy lớn lao cho họ để hoàn thành dự án.

Họ đã làm việc suốt mùa hè và cuối cùng vào mùa thu, ngay trước ngày khai giảng cho niên học mới, căn nhà của họ được hoàn thành. Anh Cả Brough nói rằng ông sẽ không bao giờ quên cảm nghĩ vui mừng và hài lòng của họ khi cuối cùng họ đã có thể hưởng thụ kết quả của việc làm của họ. Họ ngồi trong căn nhà chòi trên cây, nhìn chung quanh trong một vài phút, leo xuống khỏi cây—và không bao giờ trở lại. Dự án hoàn thành đó, tuyệt vời như thế đó, đã không thể làm họ thích thú dù chỉ một ngày. Nói cách khác, tiến trình hoạch định, thu lượm, xây cất và làm việc—không phải là một dự án đã được hoàn thành—đã cung ứng sự toại nguyện và niềm vui thích lâu dài mà họ đã trải qua.

Chúng ta hãy hưởng thụ đời trong khi chúng ta còn sống và, như Anh Cả Brough và em trai của ông là Max đã làm, tìm thấy niềm vui trong đời.

Câu ngạn ngữ xưa, “Đừng bao giờ để đến ngày mai những gì mình có thể làm hôm nay” là quan trọng gấp đôi nhất là khi bày tỏ tình yêu thương và tình cảm của chúng ta—trong lời nói và hành động—cho những người trong gia đình và bạn bè. Tác giả Harriett Beecher Stowe đã nói: “Lệ chua xót nhất cho người đã chết là vì những lời ta chưa nói cùng họ và hành động ta chưa làm cho họ.”6

Một thi sĩ đã làm bài thơ thương tiếc cho cơ hội đã đánh mất vĩnh viễn. Tôi trích dẫn một đoạn như sau:

Tôi có một người bạn ở cạnh bên

Trong thành phố rộng lớn này;

Vậy mà ngày này qua ngày khác, tuần nọ tiếp tuần kia,

Và trước khi tôi biết được, thì một năm đã trôi qua,

Và tôi không bao giờ thấy gương mặt của người bạn cũ của mình,

Bởi vì Cuộc Đời là một cuộc đua hối hả khủng khiếp.

Nhưng ngày mai đến rồi đi,

Và khoảng cách giữa chúng tôi tăng dần.

Ngay cạnh bên!vậy mà nghìn trùng xa cách… .

“Thưa ông, điện tín đây,”

“Jim đã chết hôm nay.”

Và đó là điều chúng tôi nhận được và xứng đáng nhận vào lúc cuối:

Gần cạnh bên, một người bạn đã ra đi.7

Chỉ cách đây hơn một năm, tôi đã quyết định rằng tôi sẽ không trì hoãn lâu hơn nữa chuyến đi thăm một người bạn thân mà tôi không gặp nhiều năm. Tôi đã định đi thăm anh ấy ở California nhưng không thể nào thực hiện được việc đó.

Bob Biggers và tôi gặp nhau khi cả hai chúng tôi ở trong Sư Đoàn Hành Chính tại U.S. Naval Training Center (Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Hoa Kỳ) ở San Diego, California, lúc gần kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng tôi là bạn thân từ lúc đầu. Anh ấy đến viếng Salt Lake một lần trước khi anh ấy lập gia đình; và chúng tôi vẫn thân nhau qua thư từ, từ lúc tôi đuợc giải ngũ vào năm 1946. Mỗi năm, vợ tôi là Frances và tôi đã cùng anh và vợ anh là Grace gửi cho nhau thiệp Giáng Sinh.

Cuối cùng, vào đầu tháng Giêng năm 2002, tôi sắp xếp đi viếng một đại hội giáo khu ở Whittier, California, nơi mà gia đình Biggers đang sống. Tôi gọi điện thoại cho người bạn tên Bob của tôi, giờ đây đã 80 tuổi, và sắp xếp cho Frances và tôi đến gặp ông và Grace, để chúng tôi có thể hổi tưởng lại những ngày xưa.

Chúng tôi có được một cuộc chuyện trò thích thú. Tôi mang theo một số hình ảnh chụp khi chúng tôi còn ở chung trong Hải Quân hơn 55 năm trước. Chúng tôi nhận diện những người mà chúng tôi quen biết và cố gắng cho nhau những thông tin mới nhất về chỗ ở của họ. Mặc dù anh không phải là tín hữu của giáo hội chúng ta, Bob đã nhớ đi dự lễ Tiệc Thánh với tôi trong những năm dài đó khi chúng tôi đóng quân ở San Diego.

Khi Frances và tôi nói lời từ tạ cùng Bob và Grace, tôi thấy lòng tràn ngập một cảm giác bình an và vui vẻ, về việc cuối cùng đã làm được nỗ lực để gặp lại một lần nữa người bạn thân thiết ở nơi xa trong suốt những tháng năm đó.

Một ngày nào đó, mỗi người chúng ta sẽ không còn tương lai nữa và chết. Chúng ta chớ trì hoãn những điều gì quan trọng nhất.

Hãy sống với hiện tại.

Tấm bản đồ của các anh chị em giờ đã được đầy đủ: Học hỏi từ quá khứ, chuẩn bị cho tương lai, sống với hiện tại.

Tôi kết thúc nơi mà tôi đã bắt đầu. Từ lời phán của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta:

“Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy;

“Nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.”8

Thưa các anh chị em, từ đáy tâm hồn mình, tôi chia sẻ cùng các anh chị em lời chứng của cá nhân tôi: Thượng Đế là Đức Chúa Cha của chúng ta; Vị Nam Tử của Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc; chúng ta được hướng dẫn bởi một vị tiên tri trong thời kỳ của chúng ta, chính là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley.

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ma Thi Ơ 6:19–21.

  2. Xin xem “Benjamin: Son of the Right Hand,” New Era, tháng Năm năm 1974, 34–37.

  3. GLGƯ 38:30.

  4. “Wishing Will Make It So,” lời của B. G. DeSylva.

  5. A Touch of Wonder (1974), 77–78.

  6. Trong Gorton Carruth và Eugene Ehrlich, biên soạn, The Harper Book of American Quotations (1988), 173.

  7. Charles Hanson Towne, “Around the Corner,” trong Poems That Live Forever, do Hazel Felleman (1965) tuyển chọn, 128.

  8. Ma Thi Ơ 6:19–21.