2003
Sự Tha Thứ Sẽ Biến Đổi Sự Cay Đắng thành Tình Thương
Tháng Năm năm 2003


Sự Tha Thứ Sẽ Biến Đổi Sự Cay Đắng thành Tình Thương

Sự tha thứ có nghĩa là các vấn đề trong quá khứ không còn bức chế số mệnh của chúng ta, và chúng ta có thể chú tâm vào tương lai với tình yêu thương của Thượng Đế trong lòng mình.

Các ân tứ của Thánh Linh mà Chúa đã ban cho Anh Cả Nelson, thật là kỳ diệu. Tài năng của ông không chỉ ban phước cho Giáo Hội, mà còn cho toàn thể thế gian.

Hôm nay tôi muốn nói về sự tha thứ.

Tôi lớn lên trong một thị trấn nhỏ chuyên làm nghề nông nơi mà nước là nhân tố quyết định của cộng đồng. Tôi nhớ đến những người trong xã hội của chúng tôi không ngớt theo dõi, lo lắng và cầu xin có mưa, quyền hạn đem nước vào ruộng và nói chung là có nước. Đôi khi con cái tôi chọc tôi; chúng nói chưa bao giờ biết một người nào mà lo lắng về mưa như vậy. Tôi bảo chúng nó là tôi nghĩ rằng điều đó là sự thật bởi vì nơi tôi lớn lên, mưa là một vấn đề quan trọng hơn là mối bận tâm. Nó là một vấn đề sống còn!

Vì những khó khăn về khí hậu của chúng tôi, đôi khi người ta không cư xử tốt đẹp lắm. Thỉnh thoảng, những người hàng xóm cãi nhau ầm ĩ về việc một người nông dân đã lấy quá nhiều nước từ mương chứa nước. Điều đó bắt đầu như vậy với hai người sống gần bãi cỏ trên núi, mà tôi sẽ gọi là Chet và Walt. Hai người hàng xóm này bắt đầu cãi nhau về nước từ mương chứa nước mà họ cùng dùng. Khởi đầu thì sự việc cũng vô hại, nhưng theo năm tháng, thì hai người đó để cho những bất đồng ý kiến của mình trở thành sự bực tức và rồi thành điều tranh cãi—ngay cả đến việc đe dọa.

Một buổi sáng tháng Bảy nọ, cả hai người đó thấy rằng một lần nữa họ bị thiếu nước. Mỗi người đi đến mương để coi điều gì đã xảy ra, trong ý tưởng của mỗi người đều nghĩ rằng người kia đã ăn cắp nước của mình. Họ cùng một lúc đến chỗ cái cửa cống để khóa hay tháo nước. Lời qua tiếng lại đầy giận dữ và trận ấu đã xảy ra sau đó. Walt là một người đẫy đà, khỏe mạnh. Chet thì nhỏ con, rắn chắc và dẻo dai. Cuộc ấu đã đi đến cực điểm thì những cái xẻng mà hai người đang mang được dùng làm vũ khí đánh nhau. Bất ngờ Walt đập cái xẻng vào mắt Chet, khiến cho Chet bị mù một con mắt.

Nhiều năm tháng trôi qua, nhưng Chet cũng không thể tha thứ hay quên đi chuyện đó được. Sự tức giận về con mắt của mình bị mù sôi sục trong người ông, và lòng căm thù của ông càng trở nên mãnh liệt thêm. Một ngày nọ, Chet đi đến kho thóc của mình, lấy cây súng từ cái giá gác, leo lên ngựa và cưỡi đến chỗ cái cửa cống để khóa hay tháo nước của mương. Ông xây một cái đập trong mương và ngăn nước chảy đến nông trại của Walt, biết rằng chẳng bao lâu Walt sẽ đến để xem điều gì đã xảy ra. Rồi Chet núp vào bụi cây và chờ. Khi Walt xuất hiện, Chet bắn chết Walt. Rồi Chet leo lên ngựa, đi về nhà mình và gọi người cảnh sát trưởng, báo tin ông mới vừa bắn chết Walt.

Cha tôi được yêu cầu ngồi vào bồi thẩm đoàn xét xử Chet về tội giết người. Cha tôi tự tuyên bố không đủ tư cách bởi vì ông là một người bạn lâu năm của cả hai người và gia đình của họ. Chet bị xét xử và bị kết án sát nhân và lãnh án tù chung thân.

Nhiều năm sau, người vợ của Chet đến xin cha tôi ký vào thỉnh nguyện thư kêu gọi sự khoan hồng của vị thống đốc đối với chồng mình hiện giờ sức khỏe đang suy sụp sau khi ở tù nhiều năm trong nhà giam của tiểu bang. Cha tôi đã ký vào tờ thỉnh nguyện thư ấy. Vài đêm sau đó, hai người con trai lớn của Walt xuất hiện trước cửa nhà chúng tôi. Họ rất tức giận và khó chịu. Họ nói rằng bởi vì cha tôi đã ký vào thỉnh nguyện thư nên nhiều người khác cũng đã ký vào. Họ yêu cầu cha tôi rút tên ông ra khỏi thỉnh nguyện thư. Ông từ chối. Ông thấy rằng Chet hiện là một người yếu đuối và bệnh hoạn. Chet đã đau khổ nhiều năm nay trong tù bởi vì tội dễ giận dữ. Cha tôi muốn thấy Chet có được một tang lễ và chôn cất đàng hoàng bên sự hiện diện của gia đình ông.

Các con trai của Walt giận dữ đáp nhanh: “Nếu ông ấy được thả ra khỏi tù, thì chúng tôi chắc chắn rằng ông ấy và gia đình của ông ấy sẽ bị hãm hại.”

Cuối cùng Chet được thả ra và được phép trở về nhà và chết bên sự hiện diện của gia đình mình. May thay, không có sự bạo động nào thêm giữa hai gia đình. Cha tôi thường than thở rằng việc Chet và Walt, hai người hàng xóm và bạn bè từ thời niên thiếu này, đã để cho cơn tức giận của họ điều khiển họ và hủy hoại cuộc sống của cả hai. Thật là bi thảm biết bao vì cơn giận dữ trong một giây lát đã gia tăng thành sự mất kiềm chế—cuối cùng đã cướp đi mạng sống của cả hai người—chỉ bởi vì hai người đã không thể tha thứ cho nhau vì một chút nước tưới ruộng.

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Khi ngươi đi đường với kẻ nghịch mình, phải lập tức hòa với họ”1 như thế Ngài đã truyền lệnh cho chúng ta phải giải quyết sớm những dị biệt của mình, kẻo cơn giận dữ trong chốc lát gia tăng thành sự tàn nhẫn về thể xác hay tình cảm, và chúng ta để cho cơn giận dữ điều khiển chúng ta.

Nguyên tắc này áp dụng đặc biệt trong gia đình chúng ta. Mối quan tâm cụ thể của các anh chị em có thể không phải là nước, nhưng mỗi người chúng ta trên thế gian, sống trong trạng thái căng thẳng của thế gian bất toàn này, thì sẽ có lý do—thật sự hay được cảm thấy—để dễ bị phật ý . Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Chúng ta sẽ dễ bị phật ý chăng? Chúng ta sẽ bới móc lỗi lầm chăng? Chúng ta sẽ để cho cơn giận dữ trong chốc lát chế ngự chúng ta chăng?

Chủ Tịch Brigham Young có lần đã so sánh việc bị phật ý như bị rắn độc cắn. Ông nói: “có hai lối hành động tiếp theo sau khi một người bị rắn rung chuông cắn. Một người có thể, trong lúc giận dữ, sợ hãi hay căm thù, đuổi theo con vật đó và giết chết nó. Hoặc người ấy có thể vội vàng lấy nọc độc ra khỏi người mình. Nếu chúng ta theo đuổi lối hành động sau thì chúng ta có lẽ sống sót được, nhưng nếu chúng ta toan làm theo lối hành động trước, thì chúng ta có thể không sống đủ lâu để giết con rắn.”2

Bây giờ tôi xin lấy một giây lát nơi đây để lưu ý rằng trước nhất chúng ta phải chăm sóc cẩn thận gia đình mình để không làm phật ý những người trong gia đình. Trong nhiều văn hóa thông thường ngày nay, các đức tính tha thứ và nhân từ đều bị xem thường, trong khi sự nhạo báng, giận dữ và lời chỉ trích gay gắt thì lại được khuyến khích. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể sa vào những thói này trong nhà và gia đình của mình, và chẳng mấy chốc chúng ta tự thấy mình đang chỉ trích người phối ngẫu, con cái và bà con thân thuộc của chúng ta. Chúng ta chớ làm tổn thương những người mà chúng ta yêu thương nhất bằng lời chỉ trích ích kỷ ! Trong gia đình của chúng ta, những sự tranh cãi nhỏ và chỉ trích vụn vặt, nếu không tìm cách kiềm hãm, thì có thể hủy hoại tình gia đình và gia tăng thành sự bất hòa, ngay cả đến sự ngược đãi và ly dị. Thay vì thế, cũng giống như nọc độc, chúng ta phải “vội vàng” giảm thiểu những sự tranh cãi, loại bỏ sự nhạo báng, bỏ đi lời chỉ trích và cởi bỏ sự bực tức và giận dữ. Chúng ta không thể ngồi nghiền ngẫm những cảm nghĩ nguy hại như thế—dù cho chỉ một ngày.

Hãy đối chiếu câu chuyện bi thảm của Walt và Chet với tấm gương của Giô Sép người Ai Cập. Những người anh của Giô Sép đã ganh ghét ông. Họ âm mưu lấy mạng ông, và cuối cùng bán ông làm nô lệ. Giô Sép bị mang đến Ai Cập và vất vả trong nhiều năm để thăng tiến từ cảnh nô lệ. Trong những lúc khó khăn này, Giô Sép đáng lẽ đã phải lên án các anh của mình và thề trả thù. Ông đáng lẽ đã phải làm dịu nỗi đau của mình bằng mưu đồ sự trả đũa một ngày nào đó. Nhưng ông đã không làm như vậy.

Rồi đến lúc Giô Sép trở thành quan cai trị trên khắp nước Ai Cập, đứng hàng thứ nhì quyền chỉ huy chỉ dưới Pha Ra Ôn. Trong lúc nạn đói tàn khốc hoành hành, các anh của Giô Sép đi đến Ai Cập để kiếm thức ăn. Họ không nhìn ra Giô Sép, họ cúi đầu trước ông bởi vì chức vụ cao của ông. Chắc chắn là vào lúc ấy, Giô Sép có quyền hành để thực hiện việc trả thù. Đáng lẽ ông đã bắt bỏ tù các anh của mình hoặc ngay cả kết án xử tử họ. Thay vì thế ông đã xác nhận sự tha thứ của ông. Ông nói: “Tôi là Giô Sép, em mà các anh đã bán đặng bị dẫn qua xứ Ê Díp Tô. Bây giờ, đừng sầu não và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy… . Đức Chúa Trời sai tôi đến đây trước đặng làm cho các anh còn nối dòng trên mặt đất, và nương một sự giải cứu lớn đặng giữ gìn sự sống cho anh em. Không, chẳng phải các anh sai tôi đến đây đâu, ấy là Đức Chúa Trời.”3

Ý muốn của Giô Sép để tha thứ đã biến đổi sự cay đắng thành tình thương.

Tôi muốn nói rõ rằng chớ nên nhầm lẫn sự tha thứ các tội lỗi với dung thứ điều ác. Thật ra, trong Bản Dịch Joseph Smith, Chúa đã phán: “Xét đoán với sự ngay chính.”4 Đấng Cứu Rỗi phán bảo chúng ta phải từ bỏ và chống lại điều ác trong mọi hình thức của nó, và mặc dù chúng ta phải tha thứ cho người láng giềng làm tổn thương chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng, với tính cách xây dựng, ngăn ngừa việc lặp lại sự tổn thương đó. Một người phụ nữ bị ngược đãi thì không nên tìm cách trả thù, mà người ấy cũng chẳng nên cảm thấy rằng mình không thể ra tay hành động để ngăn ngừa sự ngược đãi khác thêm. Một doanh gia bị cư xử không công bằng trong một vụ giao dịch không nên ghét người mà đã bất lương, nhưng có thể áp dụng các biện pháp thích đáng để cải sửa điều sai trái. Sự tha thứ không đòi hỏi chúng ta chấp nhận hay dung thứ tội lỗi. Nó không đòi hỏi chúng ta làm ngơ điều sai trái mà chúng ta thấy trong thế giới chung quanh mình hay trong cuộc sống của mình. Nhưng khi chúng ta chống lại tội lỗi, chúng ta không được để cho lòng căm thù hay sự giận dữ điều khiển ý nghĩ hay hành động của mình.

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Vậy nên, ta nói với các ngươi là phải biết tha thứ cho nhau, vì kẻ nào không biết tha thứ anh em mình thì sẽ bị kết tội trước nhan Chúa, vì kẻ đó còn mắc phải trọng tội hơn.”5

Điều này không phải nói rằng sự tha thứ là điều dễ làm. Khi một người nào đó làm tổn thương chúng ta hay những người mà chúng ta quan tâm đến, thì nỗi đau đớn đó có thể hầu như cực độ. Nỗi đau hay sự bất công đó cảm thấy dường như là điều quan trọng nhất trên thế gian, và chúng ta không còn cách nào khác hơn là tìm cách trả thù. Nhưng Đấng Ky Tô, Hoàng Tử Bình An, dạy chúng ta một cách thức tốt hơn. Có thể rất khó để tha thứ một người nào đó về điều tai hại mà họ đã gây ra cho chúng ta, nhưng khi chúng ta tha thứ, chúng ta mở rộng lòng mình đón chào một tương lai tốt đẹp hơn. Hành vi sai trái của một người nào đó không còn điều khiển hướng đi của chúng ta nữa. Khi chúng ta tha thứ những người khác, thì điều đó giải thoát chúng ta khỏi phải chọn lựa cách thức chúng ta sẽ sống cuộc sống của mình. Sự tha thứ có nghĩa là các vấn đề trong quá khứ không còn bức chế số mệnh của chúng ta, và chúng ta có thể chú tâm vào tương lai với tình yêu thương của Thượng Đế trong lòng mình.

Cầu xin cho những mầm móng hiềm thù mà ám ảnh những người láng giềng của tôi không bao giờ bắt rễ từ trong nhà chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Cha Thiên Thượng giúp chúng ta vượt qua tính kiêu hãnh rồ dại, lòng oán giận, tính nhỏ nhen. Cầu xin Ngài giúp chúng ta tha thứ và yêu thương, để chúng ta có thể thân thiết với Đấng Cứu Rỗi, những người khác và với bản thân mình. “… như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.”6 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ma Thi Ơ 5:25.

  2. Như đã được đăng trong bài viết của Marion D. Hanks, “Forgiveness: The Ultimate Form of Love,” Ensign, tháng Giêng năm 1974, 21.

  3. Sáng Thế Ký 45:4–5, 7–8.

  4. Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 7:1.

  5. GLGƯ 64:9.

  6. Cô Lô Se 3:13.