2003
Chuẩn Bị cho Sự Phục Vụ Truyền Giáo
Tháng Năm năm 2003


Chuẩn Bị cho Sự Phục Vụ Truyền Giáo

Thật là quan trọng biết bao cho những người cha và người con trai cùng nhau làm việc trên căn bản chuẩn bị cho công việc truyền giáo.

Tại một đại hội giáo khu mới đây, một người truyền giáo được giải nhiệm đã nói chuyện về đề tài chuẩn bị cho sự phục vụ truyền giáo. Anh đã dùng một ví dụ về một người cha nói cùng với con trai của mình: “Cha sẽ rất vui mừng khi con chơi trong trận đấu bóng rổ đầu tiên để con có thể học cách đập bóng và thẩy bóng vào rổ.” Anh đã so sánh ví dụ đó với một người cha nói cùng con trai của mình: “Cha sẽ rất vui mừng khi con đi truyền giáo để con có thể học làm một người tốt và giảng dạy phúc âm.” Sự so sánh này có một ảnh hưởng quan trọng đối với tôi khi tôi nhìn lại đời mình.

Lúc còn niên thiếu, ước muốn lớn lao nhất của tôi là chơi bóng rổ. May mắn thay, tôi có được một người cha luôn quan tâm đến việc đáp ứng ước muốn của con trai mình. Trong nhiều giờ, Cha tôi và tôi tập những bước căn bản của việc chuyền và đập bóng trong căn nhà bếp nhỏ của chúng tôi. Tôi lắng nghe các trận đấu bóng rổ ở trường đại học trên máy phát thanh và mơ ước một ngày nào đó được chơi cho đội bóng rổ của trường đại học. Vào lúc ấy, việc phục vụ truyền giáo là một điều tôi không hề nghĩ tới; vì vậy tôi bỏ ra rất ít nỗ lực để chuẩn bị cho việc truyền giáo. Nhằm cố gắng bảo đảm sự quân bình trong cuộc sống của tôi, cha tôi—là người đã nhiều năm không nắm giữ một chức vụ kêu gọi nào trong Giáo Hội—đã chấp nhận sự kêu gọi để phục vụ với tư cách là người Trưởng Hướng Đạo của tôi. Ông làm việc đúng y theo quy tắc và điều lệ và nhờ vào sự siêng năng của ông, mấy người bạn của tôi và tôi đã trở thành Eagle Scout. Giờ đây tôi nhận thức rằng Hướng Đạo là một sự chuẩn bị kỹ càng cho công việc truyền giáo.

Mơ ước thời niên thiếu của tôi trở thành sự thật khi tôi được nhận vào đội bóng rổ ở Đại Học Utah State. Trong năm thứ nhì của tôi tại trường Utah State, một người truyền giáo giải nhiệm làm bạn với tôi. Nhờ vào tấm gương của anh ấy, tôi bắt đầu nhìn vào những người bạn của mình tại trường học, kể cả những người trong đội bóng rổ, và nhận thức rằng những người mà tôi hết sức muốn để trở thành giống như họ lại là những người đã từng phục vụ truyền giáo. Với sự hướng dẫn ân cần và đầy yêu thương của người bạn tốt của tôi—và, tôi chắc rằng, do những lời cầu nguyện và tấm gương tốt của mẹ tôi—những ước muốn của tôi đã thay đổi. Sau năm thứ nhì của tôi tại trường Utah State, tôi được kêu gọi đi phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Western Canada (Gia Nã Đại).

Sau ba tháng tôi đi truyền giáo, một người truyền giáo mới từ Idaho được chỉ định làm người bạn đồng hành của tôi. Chúng tôi chỉ ở chung với nhau có được ít ngày thì tôi nhận thức được một điều rất quan trọng: người bạn đồng hành mới của tôi biết về phúc âm, trong khi tôi chỉ biết những bài thảo luận. Tôi ước là phải chi mình đã được chuẩn bị kỹ càng để trở thành một người truyền giáo như được chuẩn bị kỹ càng để trở thành một người chơi bóng rổ. Người bạn đồng hành của tôi đã chuẩn bị công việc truyền giáo của mình trong suốt đời anh và đã được hữu hiệu ngay lập tức ngay khi bắt đầu truyền giáo. Thật là quan trọng biết bao cho những người cha và người con trai cùng nhau làm việc trên căn bản chuẩn bị cho công việc truyền giáo.

Tôi tin rằng việc so sánh cuộc đấu bóng rổ với công việc truyền giáo là điều thích đáng. Cuộc đấu bóng rổ không những gồm thời gian mà các anh em tranh tài với đội kia trên sân, mà còn gồm có nhiều giờ huấn luyện và tập dượt chính xác. Công việc cứu rỗi cao quý các linh hồn thì không giới hạn trong hai năm mà các anh em phục vụ truyền giáo, nhưng thay vì thế, nó đòi hỏi những năm tháng sống ngay chính và chuẩn bị ngõ hầu đáp ứng tiêu chuẩn của công việc truyền giáo toàn thời gian.

Ngày 11 tháng Giêng năm 2003 là một phần của chương trình phát hình về sự huấn luyện các vị lãnh đạo trên toàn cầu, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã chỉ dẫn những vị lãnh đạo chức tư tế về công việc truyền giáo. Những lời nhận xét của ông đã khiến cho mỗi người chúng ta phải suy nghĩ về trách nhiệm cá nhân của mình để chia sẻ phúc âm. Chủ Tịch Hinckley đã nói: “Đã đến lúc cho chúng ta phải nâng cao các tiêu chuẩn của những người được kêu gọi phục vụ với tư cách là sứ thần của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian” (“Missionary Service,” First Worldwide Leadership Training Meeting, tháng Giêng năm 2003, 17).

Có hai khía cạnh trong việc nâng cao tiêu chuẩn cho công việc phục vụ truyền giáo mà chúng ta nên xem xét. Thứ nhất là sự chuẩn bị sớm của các thanh niên và thiếu nữ. Trong bức thư của họ đưa ra một số sửa đổi cho các chương trình Thanh Niên và Thiếu Nữ, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói: “Khi giới trẻ thi hành những mục tiêu này, họ sẽ phát triển kỹ năng và đặc tính mà sẽ dẫn họ đến đền thờ và chuẩn bị cho họ cả đời phục vụ gia đình của họ và Chúa” (First Presidency Letter, ngày 28 tháng Chín, năm 2001). Hãy lắng nghe kỹ lời của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn: “phát triển kỹ năng và đặc tính.” Là cha mẹ và người lãnh đạo của giới trẻ, chúng ta cần giúp đỡ những người trẻ của mình nhận ra các kỹ năng và đặc tính này.

Khía cạnh thứ nhì tập trung vào sự xứng đáng của cá nhân, mà phát sinh từ việc tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Một số các thanh niên đã biết rằng họ có thể vi phạm các giáo lệnh, thú nhận với các giám trợ của họ một năm trước khi họ chuẩn bị đi truyền giáo, và rồi được xứng đáng để phục vụ. Tiến trình hối cải còn nhiều hơn là việc dự định thú tội mà tiếp theo sau bởi một thời kỳ chờ đợi. Chúng ta thường nghe câu hỏi này của người đã phạm tội: “Tôi sẽ phải chờ bao lâu trước khi tôi có thể đi truyền giáo?” Hãy nhớ rằng sự hối cải không phải chỉ là một thời gian chờ đợi. Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Và các ngươi chỉ phải hiến dâng cho ta một trái tim đau khổ và một tâm hồn thống hối làm vật hy sinh. Và bất cứ kẻ nào đến cùng ta với một trái tim đau khổ và một tâm hồn thống hối, thì sẽ được ta báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh” (3 Nê Phi 9:20).

Giờ đây là lúc để nhóm lên ngọn lửa ấy. Chủ Tịch Hinckley đã nói: “Chúng tôi không thể nào cho phép những người không hội đủ điều kiện xứng đáng để đi ra thế gian mà nói về tin lành” (First Worldwide Leadership Training Meeting, tháng Giêng năm 2003, 17). Giờ đây chúng ta hiểu từ lời phát biểu của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn về công việc truyền giáo rằng có những sự vi phạm mà làm cho những thanh niên và thiếu nữ không hội đủ điều kiện để đi phục vụ truyền giáo (xin xem “Statement on Missionary Work for the First Presidency and Quorum of the Twelve Apostles,” ngày 11 tháng Mười Hai năm 2002).

Chủ Tịch James E. Faust đã nói: “Cần phải có một số điều tuyệt đối trong đời. Có một số điều mà chớ bao giờ làm, một số lằn ranh mà chớ bao giờ vượt qua, những lời thề nguyền mà chớ bao giờ phạm vào, những lời nói mà chớ bao giờ thốt ra, và những ý nghĩ mà chớ bao giờ ấp ủ” (“Integrity, the Mother of Many Virtues,” Ensign, tháng Năm năm 1982, 48).

Tiêu chuẩn cho công việc phục vụ truyền giáo đã được nâng cao hơn. “Những người nào không đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi về sức khỏe, tinh thần và tình cảm của công việc truyền giáo trọn thời gian thì được miễn cho trong danh dự. Họ có thể được kêu gphục vụ trong những khả năng đầy tưởng thưởng khác” (“Statement on Missionary Work from the First Presidency and the Quorum of the Twelve Apostles,” ngày 11 tháng Mười Hai năm 2002). Chúng tôi tin rằng bằng cách tuân theo những lời chỉ dẫn do Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn phác họa, thì sẽ có sự gia tăng con số những người truyền giáo trọn thời gian là những người xứng đáng và được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ.

Trong thể thao, chúng ta thường có những nhà lực sĩ đại tài mà chúng ta ngưỡng mộ, và chúng ta cố gắng phát triển những kỹ năng để trở thành giống như họ. Trong cuộc sống thuộc linh của mình, chúng ta cũng có các tấm gương cao quý để noi theo, tấm gương cao quý nhất là Chúa và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta, là Đấng đã trả lời câu hỏi của Thô Ma: “Làm sao biết đường được?” (Giăng 14:5).

Thánh thư chép rằng: “Chúa Giê Su đáp rằng: Ta là đường đi …” (Giăng 14:6). Trong 2 Nê Phi, chúng ta đọc: “Các ngươi hãy theo ta. Vậy nên, hỡi các anh em thân mến, chúng ta có thể đi theo Chúa Giê Su được chăng, nếu chúng ta không sẵn lòng tuân giữ các lệnh truyền của Đức Chúa Cha?” (2 Nê Phi 31:10).

Những người bạn trẻ của tôi, có nhiều người đang noi theo “đường đi” của Đấng Cứu Rỗi, là những người mà các em có thể cố gắng noi theo và nêu gương cho các em khi các em chuẩn bị cho công việc phục vụ truyền giáo. Các em sẽ tìm thấy họ trong số gia đình, bạn bè và những vị lãnh đạo Giáo Hội của các em. Ngay cả ngày nay, tôi xem những người bạn yêu quý đó như một trong các phước lành lớn lao nhất của mình, là những người đã nêu gương đúng bằng cách đi theo Đấng Cứu Rỗi.

Tôi cầu nguyện rằng các em thanh niên sẽ siêng năng trong những ước muốn ngay chính của mình, rằng các em sẽ được thành công trong tất cả những gì các em làm, và rằng các em sẽ là: “thế hệ những người truyền giáo cao quý nhất trong lịch sử của Giáo Hội” như Anh Cả M. Russell Ballard đã nói (“The Greatest Generation of Missionaries,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, 47).

Như Chủ Tịch Hinckley mới đây đã nói về công việc truyền giáo, tôi cũng làm chứng rằng “không có một công việc nào khác lớn lao hơn. Không có một công việc nào khác quan trọng hơn” (First Worldwide Leadership Training Meeting, tháng Giêng năm 2003, 21). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.