2003
Ngươi Phải Đứng Vững trong Chức Vụ mà Ta Đã Chỉ Định cho Ngươi
Tháng Năm năm 2003


Ngươi Phải Đứng Vững trong Chức Vụ mà Ta Đã Chỉ Định cho Ngươi

Cầu xin cho chúng ta mở rộng vòng tay và cứu vớt những người đã bị lạc lối, hầu cho không một người quý báu nào sẽ bị thất lạc.

Chúng ta họp mặt trong buổi tối nay với tư cách là một nhóm người hùng mạnh của chức tư tế, ở tại Trung Tâm Đại Hội này lẫn ở các địa điểm trên khắp thế giới. Một số người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, trong khi những người khác mang Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Chủ Tịch Stephen L. Richards, là người đã phục vụ với tư cách là cố vấn của Chủ Tịch David O. Mckay, đã nói rằng: “Chức Tư Tế thường được định nghĩa một cách giản dị là ‘quyền năng của Thượng Đế được giao phó cho con người.’” Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ định nghĩa này là chính xác. Nhưng cho các mục đích thực tiễn, tôi muốn định nghĩa Chức Tư Tế là sự phục vụ, và tôi thường gọi đó là ‘kế hoạch phục vụ hoàn hảo.’ … Đó là một công cụ phục vụ … và người nào mà không sử dụng công cụ đó thì có thể mất nó, bởi vì chúng ta đã được phán bảo rõ ràng qua sự mặc khải rằng người nào sao lãng nó thì ‘sẽ không được xem là xứng đáng để nắm giữ chức vụ’”1

Trong Giáo Khu Pioneer, tọa lạc tại Thành Phố Salt Lake và cũng là nơi mà tôi đã nhận được cả Chức Tư Tế A Rôn lẫn Mên Chi Xê Đéc, chúng tôi đã được giảng dạy để làm quen với các thánh thư, kể cả các tiết 20, 84, và 107 của Sách Giáo Lý và Giao Ước. Trong những tiết này, chúng tôi học về chức tư tế và sự điều hành Giáo Hội.

Tối nay tôi muốn nhấn mạnh đến một câu thánh thư từ Tiết 107: “Vậy nên, ngay từ giờ phút này, mọi người phải học hỏi để hiểu rõ bổn phận mình để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định.”2

Chủ tịch Harold B. Lee thường dạy rằng: “Khi một người bắt đầu nắm giữ chức tư tế, thì người đó trở thành người thừa sai của Chúa. Người ấy nên nghĩ về chức vụ kêu gọi của mình như thể là mình đang đi lo công việc của Chúa.”3

Chúng tôi cũng học hỏi được từ những tiết này bổn phận của các chủ tịch đoàn nhóm túc số và sự thật là chúng tôi có trách nhiệm về những người khác ngoài bản thân của mình.

Tôi tin chắc rằng Giáo Hội ngày nay vững mạnh hơn bao giờ hết. Mức sinh hoạt của giới trẻ chúng ta chứng minh rằng đây là thế hệ có đức tin và sự tận tâm đối với lẽ thật. Nhưng vẫn có một số em bị lạc lối, là những em tìm ra các sở thích khác mà thuyết phục các em sao lãng bổn phận của mình trong Giáo Hội. Chúng ta đừng để mất những người quý báu như thế.

Hiện đang có một số đông gia tăng những người anh cả tương lai mà không đi nhóm họp nhà thờ hoặc thi hành các công việc chỉ định trong Giáo Hội. Tình trạng này có thể và phải được cải thiện. Nhiệm vụ này là của chúng ta. Trách nhiệm cần được phân công và nỗ lực để thi hành ngay lập tức.

Các chủ tịch đoàn của các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn, dưới sự hướng dẫn của giám trợ và các cố vấn nhóm túc số, có thể được trao quyền để giúp đỡ và cứu vớt.

Chúa đã phán: “Hãy ghi nhớ rằng dưới mắt của Thượng Đế thì con người có giá trị rất lớn lao; … sự vui mừng của Ngài lớn lao biết bao đối với một người biết hối cải!”4

Đôi khi nhiệm vụ dường như quá nặng nề. Chúng ta có thể học được lòng can đảm mới mẻ từ kinh nghiệm của Ghê Đê Ôn thời xưa, với lực lượng nhỏ nhoi của mình, đã đi đánh dân Ma Đi An và A Ma Léc. Các anh em còn nhớ cách thức Ghê Đê Ôn và quân của ông phải đương đầu với một đạo binh hùng mạnh với vũ khí tối tân và lực lượng đông hơn quân của ông. Sách Các Quan Xét trong Kinh Cựu Ước có chép rằng hai đạo binh thù nghịch của dân Ma Đi An và A Ma Léc đã kết hợp lại, “bủa ra trong trũng đông như cào cào, còn lạc đà của chúng nó thì vô số, khác nào cát nơi bờ biển.”5 Ghê Đê Ôn đi cầu xin Thượng Đế Vạn Năng ban cho ông sức mạnh.

Ghê Đê Ôn ngạc nhiên khi Chúa phán cùng ông rằng quân của ông quá đông để Chúa phó kẻ thù vào tay họ, kẻo họ tự khoe rằng: “Tay tôi đã cứu tôi.”6 Ghê Đê Ôn được chỉ dạy để nói với dân của ông: “Ai là người sợ hãi run rẩy, khá trở về … khỏi núi Ga La Át. Hai vạn hai ngàn người bèn trở về, còn một vạn người ở lại.”7

Đoạn Chúa phán rằng: “Dân hãy còn đông quá.”8 Ngài phán bảo Ghê Đê Ôn mang quân xuống nơi mé nước, để xem cách thức mà họ sẽ uống nước. Những người nào dùng lưỡi liếm nước được cho vào một nhóm, và những người nào quì gối cúi xuống mà uống được cho vào một nhóm khác. Chúa bèn phán cùng Ghê Đê Ôn rằng: “Ta sẽ dùng ba trăm người đã liếm nước đó mà giải cứu các ngươi, và ta sẽ phó dân Ma Đi An vào tay ngươi. Còn dân sự khác, ai nấy đều phải trở về nhà mình!”9

Ghê Đê Ôn trở về cùng quân mình và nói với họ rằng: “Hãy chổi dậy, vì Đức Giê Hô Va đã phó trại quân Ma Đi An vào tay các ngươi.”10 Và ông đã chia ba trăm người làm ba đội, phát cho mỗi người một cái kèn, bình không, và đuốc ở trong bình. Và ông nói rằng:

“Hãy ngó ta, và làm y như ta làm; khi ta đến đầu trại quân các ngươi sẽ làm theo đều ta làm.

“Khi ta và những kẻ theo ta thổi kèn, thì các ngươi cũng sẽ thổi kèn ở khắp xung quanh trại quân, và reo lên rằng: Vì Đức Giê Hô Va và vì Ghê Đê Ôn” Rồi, quả thật ông đã nói: “Hãy đi theo ta.” Những lời nói chính xác của ông là: “Làm y như ta làm.”11

Dưới hiệu lệnh của người lãnh đạo, đạo binh của Ghê Đê Ôn thổi kèn, đập bình, và reo lên: “Vì Đức Giê Hô Va và vì Ghê Đê Ôn.” Thánh thư có ghi chép kết quả của trận đánh quyết định này: “Chúng đứng trong chỗ của mình,” và đã thắng trận.12

Việc giảng dạy tại gia là một phần của kế hoạch cứu vớt ngày nay. Khi kế hoạch này được Chủ Tịch David O. McKay giới thiệu với tất cả các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, ông đã khuyên bảo rằng: “Việc giảng dạy tại gia là một trong các cơ hội khẩn cấp nhất và đầy tưởng thưởng nhất để chăm sóc, soi dẫn, khuyên nhủ và hướng dẫn con cái của Cha Thiên Thượng… . [Công việc này] là một sự phục vụ và kêu gọi thiêng liêng. Là các Thầy Giảng Tại Gia, bổn phận của chúng ta là đem tinh thần thiêng liêng vào với mỗi gia đình và tâm hồn.”13

Trong một vài khu vực nơi mà thiếu sức mạnh thích hợp của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, các chủ tịch giáo khu và các giám trợ, phối hợp với chủ tịch phái bộ truyền giáo, có thể dùng những người truyền giáo trọn thời gian để đi thăm các gia đình không tích cực và các gia đình chỉ có vài người là tín hữu. Không những điều này sẽ khơi dậy tinh thần truyền giáo trong nhà, mà còn cung ứng một cơ hội lý tưởng để nhận được sự giới thiệu đến với những người tầm đạo.

Trong những năm qua khi tôi đi thăm nhiều giáo khu trên khắp thế giới, có những giáo khu mà có các vị lãnh đạo của tiểu giáo khu và giáo khu, vì là điều cần thiết để làm hay để đáp ứng bổn phận, đã ngừng kiếm cách biện minh, mà xăn tay áo mình lên và, với sự giúp đỡ của Chúa, đi làm việc và mang những người nam quý báu đến việc hội đủ điều kiện để tiếp nhận chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và, với vợ và con cái của mình, bước vào đền thờ thiêng liêng để nhận lễ thiên ân và lễ gắn bó của họ.

Tôi xin vắn tắt đề cập đến vài ví dụ:

Cách đây mấy năm, vào một lần thăm viếng Giáo Khu Millcreek tại Thành Phố Salt Lake, tôi được biết rằng hơn 100 người anh cả tương lai đã được sắc phong cho chức anh cả vào năm trước đó. Tôi đã hỏi Chủ Tịch James Clegg về bí quyết thành công của anh. Mặc dù anh quá khiêm tốn để chấp nhận điều đó do công lao của mình, một trong hai cố vấn của anh đã tiết lộ rằng Chủ Tịch Clegg, nhận ra thử thách, đã tự mình gọi điện thoại và sắp xếp một buổi hẹn riêng giữa anh và mỗi người anh cả tương lai. Trong buổi hẹn, Chủ Tịch Clegg nhắc nhở tới đền thờ của Chúa, các giáo lễ cứu rỗi và các giao ước được nhấn mạnh ở đó, và kết thúc với câu hỏi này: “Anh có mong muốn để đem người vợ tuyệt vời và các đứa con yêu dấu của anh tới ngôi nhà của Chúa, để gia đình của anh có thể được vĩnh viễn với nhau trong suốt vĩnh cửu không?” Sau đó là một sự chấp nhận từ những người anh cả tương lai, và tiến trình của sự khôi phục hoạt động tích cực được theo đuổi, và mục tiêu đã đạt được.

Vào năm 1952 đa số các gia đình trong Tiểu Giáo Khu Rose Park Thứ Ba là các tín hữu mà có người cha hoặc người chồng chỉ nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, thay vì Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Anh L. Brent Goates được kêu gọi phục vụ làm giám trợ. Anh mời một nam tín hữu kém tích cực trong tiểu giáo khu tên là Ernest Skinner, để phụ giúp trong việc mang 29 anh em thành niên trong tiểu giáo khu mà nắm giữ chức phẩm thầy giảng trong Chức Tư Tế A Rôn trở lại hoạt động tích cực và để giúp các anh em này và gia đình của họ được đi đền thờ. Là một tín hữu kém tích cực hoạt động, Anh Skinner lúc đầu đã miễn cưỡng chấp nhận nhưng cuối cùng ngỏ ý sẽ làm những gì anh có thể làm. Anh bắt đầu đích thân đi thăm các thầy giảng thành niên kém tích cực, cố gắng giúp đỡ họ hiểu về vai trò của họ là người lãnh đạo chức tư tế trong gia đình mình và cũng là người chồng và người cha đối với gia đình mình. Không lâu sau đó, anh kiếm được một vài anh em kém tích cực hoạt động để giúp đỡ anh trong công việc chỉ định của mình. Dần dần họ bắt đầu tích cực trọn vẹn trở lại và mang gia đình họ đến đền thờ.

Một ngày nọ, người thư ký của tiểu giáo khu bước ra khỏi quầy tính tiền của một cửa hàng thực phẩm để chào mừng một người cuối cùng trong các nhóm anh em đi đền thờ. Khi phê bình về vị trí của anh là người cuối cùng trong nhóm, người ấy nói: “Tôi đứng nhìn trong khi tất cả những người trong nhóm đó trở nên tích cực trong tiểu giáo khu của chúng tôi và đi đền thờ. Nếu tôi có thể tưởng tượng được cảnh xinh đẹp biết bao trong đền thờ, và cách thức nó sẽ thay đổi cuộc sống của tôi mãi mãi, thì có lẽ tôi sẽ không phải là người cuối cùng trong số 29 người để được làm lễ gắn bó trong đền thờ.”

Trong mỗi trường hợp này, có bốn yếu tố mà đã dẫn họ tới thành công:

  1. Cơ hội khôi phục sự hoạt động tích cực được thực hiện ở cấp tiểu giáo khu.

  2. Sự tham gia của vị giám trợ tiểu giáo khu.

  3. Có được các thầy giảng đầy đủ khả năng và được soi dẫn.

  4. Mỗi người đều được lưu ý đến.

Thưa các anh em, chúng ta hãy ghi nhớ lời dạy bảo của Vua Bên Gia Min: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy.”14

Chúng ta hãy mở rộng vòng tay để cứu vớt những người rất cần sự giúp đỡ của chúng ta và nâng đỡ họ lên một cuộc sống cao quý và tốt lành hơn. Chúng ta hãy chú tâm đến nhu cầu của những người nắm giữ chức tư tế và vợ con của họ là những người đã không còn tích cực hoạt động. Cầu xin cho chúng ta lắng nghe sứ điệp không được thốt ra từ lòng họ:

Cầm tay, dìu tôi, bước cận kề tôi,

Chúa giúp kiếm lối đi.

Ngài dạy điều tôi phải thi hành

Để sống với Cha một ngày.15

Công việc khôi phục hoạt động tích cực không phải là một công việc cho người lười biếng hoặc mơ mộng. Con cái lớn lên, cha mẹ già đi, và thời gian không chờ đợi bất cứ người nào. Đừng trì hoãn một sự thúc giục; thay vì vậy, hãy làm theo, và Chúa sẽ mở đường cho.

Thường thường đức tính kiên nhẫn thiêng liêng là điều cần thiết. Khi còn là một giám trợ, một ngày kia, tôi cảm thấy được thúc giục để đi thăm một người nọ có một người vợ và các người con khá tích cực trong Giáo Hội. Tuy nhiên, người này không bao giờ đáp ứng theo. Hôm đó là một ngày nóng nực mùa hè, khi tôi gõ vào cửa lưới của nhà anh Harold G. Gallacher. Tôi có thể thấy Anh Gallacher đang ngồi trên ghế và đọc báo. Anh không nhìn lên và hỏi “Ai đó?”

Tôi trả lời: “Giám trợ của anh đây. Tôi đến để làm quen và khuyến khích anh đi nhóm họp với gia đình anh.”

Anh trả lời với giọng khinh khỉnh: “Không được đâu, tôi bận lắm.” Anh không bao giờ nhìn lên. Tôi cám ơn anh đã lắng nghe và bước ra khỏi cửa nhà.

Gia đình Gallacher dọn đi tiểu bang California một thời gian ngắn sau đó. Nhiều năm trôi qua. Rồi, một ngày nọ, với tư cách là thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai, tôi đang ngồi làm việc trong văn phòng của tôi, thì người thư ký của tôi gọi nói: “Một người tên là Anh Gallacher là người đã từng sống trong tiểu giáo khu của ông muốn nói chuyện với ông. Anh ấy đang ở đây trong văn phòng của tôi.”

Tôi trả lời: “Xin hỏi tên anh ấy có phải là Harold G. Gallacher là người, cùng với gia đình của mình, đã từng sống ở Vissing Place trên đường West Temple và Fifth South không.”

Chị ấy nói: “Anh ấy đúng là người đó.”

Tôi nhờ chị cho anh ấy vào. Chúng tôi có một cuộc trò chuyện vui vẻ với nhau về gia đình của anh. Anh bảo tôi: “Tôi đến để xin lỗi vì đã không đứng dậy ra khỏi ghế và mở cửa cho ông vào nhà vào ngày hè đó cách đây nhiều năm.” Tôi hỏi anh có tích cực trong Giáo Hội không. Với một nụ cười gượng, anh trả lời: “Tôi hiện là đệ nhị cố vấn trong giám trợ đoàn của tiểu giáo khu tôi. Lời mời của anh để đi nhà thờ, và thái độ hờ hững của tôi, đã ám ảnh tôi nhiều đến nỗi tôi quyết định làm một cái gì đó về điều ấy.”

Anh Harold và tôi đã thăm viếng nhau nhiều lần trước khi anh qua đời. Gia đình của anh Gallacher và con cháu của anh đã đảm nhận nhiều chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội. Một trong những đứa cháu trẻ nhất hiện đang phục vụ truyền giáo trọn thời gian.

Đối với nhiều người truyền giáo mà có thể lắng nghe trong buổi tối nay, tôi xin chia sẻ ý nghĩ của mình rằng những hạt giống của chứng ngôn thường thường không mọc rễ và nở hoa ngay lập tức. Công sức bỏ ra đôi khi phải mất một thời gian dài mới biết được là thành tựu như bánh liệng trên nước trở lại với ta sau nhiều ngày. Nhưng nó sẽ trở lại.

Tôi trả lời điện thoại của mình khi nó reng vào một buổi tối nọ và nghe một người hỏi: “Anh có liên hệ với một Anh Cả tên Monson mà nhiều năm trước đã đi phục vụ truyền giáo tại Phái Bộ Truyền Giáo New England không?”

Tôi trả lời rằng không phải. Người gọi điện thoại tự giới thiệu là Anh Leonardo Gambardella và sau đó nói rằng cách đây lâu lắm, một Anh Cả tên Monson và Anh Cả tên Bonner có đến nhà anh và chia sẻ chứng ngôn của mình với anh và người vợ của anh. Anh và vợ đã lắng nghe nhưng không có làm điều gì thêm cả để áp dụng những điều giảng dạy của họ. Rồi sau đó thì họ dọn đi tiểu bang California, nơi mà 13 năm sau, một lần nữa, họ đã tìm được lẽ thật, được cải đạo và được báp têm. Rồi Anh Gambardella đã hỏi có cách nào để anh có thể tìm hai anh cả đó, là những người đã đến thăm viếng họ đầu tiên, để họ có thể bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của mình về các chứng ngôn của họ, là những chứng ngôn vẫn ở cùng với anh và người vợ của anh.

Tôi xem xét các hồ sơ và tìm được hai anh cả. Các anh em có thể tưởng tượng được sự ngạc nhiên của họ không, giờ đây họ đã lập gia đình, khi tôi gọi điện thoại cho họ và báo cho họ biết tin vui—chính là những nỗ lực tột đỉnh của họ khi xưa. Họ nhớ lại ngay gia đình của anh Gambardella. Tôi sắp đặt một buổi cùng nói chuyện điện thoại để hai anh có thể tự mình bày tỏ những lời chúc mừng và chào mừng gia đình này vào trong Giáo Hội. Và họ đã làm thế. Có những giọt lệ đã đổ xuống, nhưng đó là những giọt lệ vui mừng.

Edwin Markham đã viết những lời này:

Có một số mệnh mà làm chúng ta trở thành anh em;

Cuộc sống của ai cũng ảnh hưởng đến những người chung quanh:

Tất cả những gì chúng ta mang đến cho những người khác

Sẽ được trả lại trong cuộc sống của chúng ta.16

Tối nay tôi cầu xin rằng tất cả chúng ta là những người nắm giữ chứ tư tế có thể thấu hiểu trách nhiệm của mình, để chúng ta, giống như Ghi Đê Ôn thời xưa, có thể đứng vững trong chức vụ đã được chỉ định cho mình, và cùng nhau đi theo Vị Lãnh Đạo của chúng ta—chính là Chúa Giê Su Ky Tô—và Vị Tiên Tri của Ngài, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Cầu xin cho chúng ta mở rộng vòng tay và cứu vớt những người đã bị lạc lối, hầu cho không một người quý báu nào sẽ bị thất lạc.

Trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1937, 46.

  2. GLGƯ 107:99.

  3. Stand Ye in Holy Places (1974), 255.

  4. GLGƯ 18:10, 13.

  5. Các Quan Xét 7:12.

  6. Các Quan Xét 7:2.

  7. Các Quan Xét 7:3.

  8. Các Quan Xét 7:4.

  9. Các Quan Xét 7:7.

  10. Các Quan Xét 7:15.

  11. Các Quan Xét 7:17–18.

  12. Các Quan Xét 7:18, 21. Xin xem thêm Các Quan Xét 6 và 7.

  13. Priesthood Home Teaching Handbook, tái xuất bản (1967), ii–iii.

  14. Mô Si A 2:17.

  15. Naomi W. Randall, “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca, số 301.

  16. “A Creed,” trong James Dalton, xuất bản, Masterpieces of Religious Verse (1948), 464.