2008
Việc Giảng Dạy Phúc Âm—Sự Kêu Gọi Quan Trọng Nhất của Chúng Ta
Tháng Mười một năm 2008


Việc Giảng Dạy Phúc Âm—Sự Kêu Gọi Quan Trọng Nhất của Chúng Ta

Khi chúng ta học được một vài nguyên tắc cơ bản về việc giảng dạy và được chỉ cho thấy cách giảng dạy thì tất cả chúng ta đều có thể làm được điều ấy.

Hình Ảnh
William D. Oswald

Mới đây Chị Oswald và tôi quyết định dạy cho hai đứa cháu ngoại gái sinh đôi năm tuổi của chúng tôi cách nhảy dây. Nhảy dây là một trò chơi của trẻ con mà trong đó những người tham dự nhảy qua một sợi dây khi nó lướt dưới chân chúng và rồi ngang qua đầu chúng. Sau khi nhận được một số chỉ dẫn giản dị, cả hai đứa bé gái cố gắng nhưng thất bại trong vài lần nhảy thử.

Ngay lúc chúng tôi sắp bỏ cuộc thì có hai đứa trẻ hàng xóm lớn hơn đi ngang qua và chúng tôi yêu cầu chúng giúp đỡ. Cả hai đứa bé gái hàng xóm đều có kinh nghiệm trong trò chơi nhảy dây và đã có thể chỉ cho hai cháu gái của chúng tôi thấy cách nhảy dây. Khi chúng nhảy dây, tôi thấy hai đứa bé gái hàng xóm hát một bài ca mà giúp chúng nhảy theo nhịp của sợi dây đang quay.

Ngay khi hai đứa cháu ngoại của chúng tôi hiểu được nguyên tắc nhảy dây rồi và được chỉ cho thấy cách nhảy dây, thì phần còn lại của bài học rất dễ dàng. Với một chút luyện tập, cả hai đứa bé sinh đôi đã tiến bộ rất nhiều để trở nên thông thạo với các nguyên tắc cơ bản của trò chơi nhảy dây.

Trong lúc học bài học nhảy dây, một đứa cháu ngoại gái khác, chỉ ba tuổi, ngồi lặng lẽ trên bãi cỏ quan sát. Khi một người nào đó hỏi nó có muốn thử nhảy dây không thì nó gật đầu, tiến đến và đứng gần sợi dây. Khi chúng tôi quay sợi dây, thì chúng tôi rất ngạc nhiên thấy nó nhảy cũng giống như nó đã thấy hai chị của nó làm. Nó nhẩy một lần, rồi hai lần, và rồi nhiều lần, lớn tiếng lặp lại cùng một bài ca mà mấy đứa trẻ lớn hơn đã hát.

Tất cả ba đứa cháu gái đã thấy rằng có một nghệ thuật để nhảy dây. Đó là một điều giản dị mà tất cả chúng nó đều có thể làm sau khi học được một vài nguyên tắc cơ bản và được chỉ cho thấy cách nhẩy. Việc giảng dạy phúc âm thì cũng như vậy. Khi chúng ta học được một vài nguyên tắc cơ bản về việc giảng dạy và được chỉ cho thấy cách giảng dạy thì tất cả chúng ta đều có thể làm được điều ấy.

Chủ Tịch Boyd K. Packer thường nhắc nhở chúng ta rằng “tất cả chúng ta—những người lãnh đạo, giảng viên, người truyền giáo và cha mẹ—đều có một mệnh lệnh suốt đời từ Chúa để giảng dạy lẫn học hỏi các giáo lý của phúc âm khi các giáo lý này được mặc khải cho chúng ta biết.”1 Như Anh Cả L. Tom Perry đã nói một cách giản dị: “Mỗi chức vụ trong Giáo Hội cần một giảng viên hữu hiệu.”2

Vì mỗi tín hữu là một giảng viên và “việc giảng dạy là trung tâm điểm của tất cả những gì chúng ta làm,”3 nên tất cả chúng ta đều có một trách nhiệm thiêng liêng để học hỏi một số nguyên tắc cơ bản của việc giảng dạy. Có nhiều nguyên tắc giảng dạy và học hỏi, và việc chúng ta chỉ đọc về các nguyên tắc này không thôi thì không đủ. Thứ nhất, chúng ta cần phải hiểu các nguyên tắc cơ bản này, và thứ nhì, chúng ta cần được cho thấy cách mà các nguyên tắc này được sử dụng bởi các giảng viên thành công. Điều này có thể được thực hiện bằng cách quan sát kỹ các giảng viên trong tiểu giáo khu và chi nhánh của chúng ta cùng ôn lại tài liệu buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo toàn cầu về việc giảng dạy và học hỏi trên trang mạng của Giáo Hội hoặc trong các tạp chí Giáo Hội.4

Các nguyên tắc cơ bản mà áp dụng cho việc học hỏi và giảng dạy phúc âm được tìm thấy trong thánh thư. Những nguyên tắc này cũng được thảo luận trong tài liệu giảng dạy xuất sắc nhưng thường không được chú ý đến có tựa đề là Sự Giảng Dạy, Không Có Sự Kêu Gọi Quan Trọng Nào Bằng.5

Khi tìm kiếm tấm gương của một giảng viên lý tưởng mà có thể cho chúng ta thấy cách giảng dạy phúc âm, chúng ta luôn luôn được đến gần Chúa Giê Su ở Na Xa Rét. Các môn đồ của Ngài gọi Ngài là Ra Ba Ni có nghĩa là “Đức Thầy” hoặc là “Sư Phụ.”6 Ngài đã và hiện là Đức Thầy.

Chúa Giê Su khác biệt với các người thầy khác của thời kỳ Ngài trong điều mà Ngài đã dạy “như là có quyền.”7 Thẩm quyền giảng dạy và phục sự này đến từ Cha Thiên Thượng của Ngài, vì “Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Giê Su … bằng Đức Thánh Linh và quyền phép … ; vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài.”8

Tiếp theo mẫu mực này, Chúa Giê Su đã được Cha Thiên Thượng của Ngài giảng dạy, như đã được Giăng ghi lại. Chúa Giê Su phán: “Ta không tự mình làm điều gì, nhưng nói điều Cha ta đã dạy ta.”9 “Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm… . Cha yêu Con và tỏ cho mọi điều Cha làm.”10

Trong khắp thánh thư, chúng ta có thể tìm ra thêm tấm gương của các giảng viên về phúc âm mà đã thay đổi cuộc sống và cứu vớt linh hồn của những người mà họ giảng dạy. Ví dụ như từ Sách Mặc Môn, là Nê Phi,11 An Ma,12 và các con trai của Mô Si A13 dễ dàng đến với tâm trí. Hãy lưu ý đến sự chuẩn bị cá nhân của các con trai của Mô Si A khi họ chuẩn bị để giảng dạy phúc âm:

“Họ đã trở nên mạnh mẽ trong sự hiểu biết lẽ thật, vì họ là những người có một sự hiểu biết vững chắc và rất chuyên tâm tìm tòi thánh thư để có thể hiểu thấu được lời của Thượng Đế.

“Nhưng như vậy chưa phải là hết; họ đã hết lòng cầu nguyện và nhịn ăn; vậy nên họ có được tinh thần tiên tri và tinh thần mặc khải, và khi giảng dạy, họ đã giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế.”14

Một giảng viên về phúc âm đầy tác động mạnh mẽ khác là Mô Rô Ni, là người đã được chọn với tư cách là “sứ giả từ chốn hiện diện của Thượng Đế”15 để giảng dạy và hướng dẫn Tiên Tri Joseph Smith. Joseph đã cho chúng ta thấy một phần mô tả chi tiết về điều Mô Rô Ni nói và làm khi ông giảng dạy cho Joseph.16

Lần đầu tiên Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph Smith, thì Joseph là một thiếu niên 17 tuổi ít học. Joseph tự mô tả mình là “một thiếu niên tầm thường … không có chút quan trọng nào trong xã hội,”17 và về sau một người bạn đã gọi ông là “dốt nát” và “không học thức.”18 Dưới bàn tay kiên nhẫn và chăm sóc của bậc thầy như Mô Rô Ni —và các sứ giả khác mà Chúa gửi đến để giảng dạy cho ông—thì người thiếu niên này trở thành nhân vật chính yếu trong điều mà Chúa nói đến là “một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu.”19

Một số nguyên tắc giảng dạy và học hỏi mà chúng ta có thể nhận ra bằng cách quan sát cách mà Mô Rô Ni giảng dạy cho Joseph Smith là gì? Có một số nguyên tắc quan trọng mà chúng ta có thể thảo luận, nhưng chúng ta hãy tập trung vào ba nguyên tắc cơ bản thiết yếu để giảng dạy hữu hiệu.

Nguyên Tắc số 1: Cho Thấy Tình Yêu Thương với Những Người mà Các Anh Chị Em Giảng Dạy và Gọi Họ Bằng Tên

Joseph Smith nói rằng khi thiên sứ Mô Rô Ni lần đầu hiện đến cùng ông, thì Joseph “sợ hãi; nhưng chẳng bao lâu thì sự sợ hãi đó rời khỏi” ông. Mô Rô Ni đã làm điều gì để giúp xua tan nỗi sợ hãi này? Joseph nói: “Ông gọi tên tôi.”20 Các giảng viên mà yêu mến các học viên của mình và gọi họ bằng tên thì đã tuân theo mẫu mực thiêng liêng này.21

Trong một buổi họp mới đây với Chủ Tịch Thomas S. Monson, tôi thấy rằng ông đã chào hỏi mỗi người chúng tôi bằng tên. Ông nói với chúng tôi về giảng viên Trường Chúa Nhật khi ông còn niên thiếu, là Lucy Gertsch, giải thích rằng bà ấy là một giảng viên biết tên của mỗi học viên trong lớp của mình. Chủ Tịch Monson đã nói về bà: “Lúc nào bà ấy cũng gọi những người không đến nhà thờ ngày Chúa Nhật hoặc những người hoàn toàn không đến nhà thờ. Chúng tôi biết bà ấy quan tâm đến chúng tôi. Không một ai trong chúng tôi bao giờ quên bà hoặc những bài học mà bà giảng dạy.”22

Nguyên Tắc số 2: Giảng Dạy từ Thánh Thư

Một nguyên tắc giảng dạy khác được Mô Rô Ni thực hành là ông biết và giảng dạy từ thánh thư. Joseph Smith nói rằng vào lần gặp gỡ đầu tiên của họ, Mô Rô Ni “bắt đầu trích dẫn những lời tiên tri trong Cựu Ước … Ông trích dẫn nhiều đoạn khác trong thánh thư và cho tôi nhiều lời giải thích.”23 Từ nhiều đoạn thánh thư mà đã được Mô Rô Ni trích dẫn, Joseph đã học biết về vai trò tiên tri của ông trong sự ra đời của Sách Mặc Môn và Sự Phục Hồi một lần nữa phúc âm chân chính cho thế gian.24

Nguyên Tắc số 3: Khuyến Khích Việc Suy Ngẫm về Các Lẽ Thật Phúc Âm

Một nguyên tắc thứ ba đã được Mô Rô Ni sử dụng trong việc giảng dạy cho Joseph Smith là làm cho ông phải suy ngẫm về điều mà ông đã được giảng dạy. Joseph nói rằng sau lần gặp thứ ba với Mô Rô Ni, ông “lại đắm mình suy ngẫm về … những việc [ông] vừa trải qua.”25 Các giảng viên hữu hiệu sẽ muốn noi theo mẫu mực của Đấng Ky Tô phục sinh ở giữa dân Nê Phi khi Ngài phán bảo đám đông hãy trở về “nhà mà suy ngẫm những điều” mà Ngài đã phán dạy họ để họ có thể “hiểu được.”26

Nê Phi nhắc chúng ta nhớ rằng hành động suy ngẫm gồm có việc sử dụng không những đầu óc mà còn tấm lòng của chúng ta nữa. Ông nói: “Lòng tôi không ngớt suy ngẫm về những điều tôi đã nghe và thấy.”27 Hành động suy ngẫm về thánh thư và những điều mà chúng ta đã nghe thấy thì mời gọi sự mặc khải cá nhân đến với cuộc sống của chúng ta.

Tôi làm chứng rằng việc giảng dạy phúc âm là một sự kêu gọi thánh thiện và thiêng liêng. Khi các anh chị em yêu mến các học viên của mình và gọi họ bằng tên, khi các anh chị em mở thánh thư ra và giảng dạy từ trong đó và khi các anh chị em khuyến khích các học viên của mình suy ngẫm về các lẽ thật của phúc âm phục hồi và áp dụng chúng, rồi thì ảnh hưởng tốt lành của các anh chị em sẽ được tôn trọng và cuộc sống của các học viên của các anh chị em sẽ được ban phước một cách dồi dào hơn. Trong ngày đầy vinh quang đó, họ sẽ nói với các anh chị em như người ta đã nói với Chúa Giê Su ở Na Xa Rét: “Chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến.”28 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Boyd K. Packer và L. Tom Perry, “Principles of Teaching and Learning,” Worldwide Leadership Training Meeting, tháng Hai năm 2007, trong Liahona, tháng Sáu năm 2007, 50.

  2. Liahona, tháng Sáu năm 2007, 52; xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 12:28; Ê Phê Sô 4:11–14.

  3. Boyd K. Packer, Liahona, tháng Sáu năm 2007, 54.

  4. Xin xem Worldwide Leadership Training Meeting, tháng Hai năm 2007; trong Liahona, tháng Sáu năm 2007, 49–80; diễn tiến của buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo toàn cầu cũng có sẵn tại www.lds.org.

  5. Teaching, No Greater Call (1999); danh mục số 36123.

  6. Giăng 20:16; xin xem cước chú a.

  7. Ma Thi Ơ 7:29; xin xem thêm Mác 1:22.

  8. Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38.

  9. Giăng 8:28.

  10. Giăng 5:19–20.

  11. Xin xem 2 Nê Phi 33:1–13.

  12. Xin xem Mô Si A 27:32–37; An Ma 17:1–12.

  13. Xin xem An Ma 17:1–12.

  14. An Ma 17:2–3.

  15. Joseph Smith—Lịch Sử 1:33.

  16. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:27–54.

  17. Joseph Smith—Lịch Sử 1:22.

  18. Orson Pratt, “Discourse,” Deseret News, ngày 21 tháng Bảy năm 1880, 386.

  19. Ê Sai 29:14; 2 Nê Phi 25:17; 27:26; Xin xem thêm 3 Nê Phi 21:9–10.

  20. Joseph Smith—Lịch Sử 1:32–33; Xin xem thêm câu 49.

  21. Xin xem Ma Thi Ơ 3:17; 3 Nê Phi 11:7; Mô Rô Ni 2:1–2; Joseph Smith—Lịch Sử 1:17.

  22. Thomas S. Monson, “Examples of Great Teachers,” Liahona, tháng Sáu năm 2007, 77.

  23. Joseph Smith—Lịch Sử 1:36, 41.

  24. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:33–54; Xin xem thêm GLGƯ 20:8–9.

  25. Joseph Smith—Lịch Sử 1:47.

  26. 3 Nê Phi 17:3; Xin xem thêm GLGƯ 138:1, 6, 11, 29.

  27. 2 Nê Phi 4:16; Xin xem thêm Mô Rô Ni 10:3.

  28. Giăng 3:2.