2008
Hy Vọng Là Ngài Hiểu, Chúng Con Thật Là Khổ Sở
Tháng Mười một năm 2008


“Hy Vọng Là Ngài Hiểu, Chúng Con Thật Là Khổ Sở”

Chúng ta biết từ thánh thư rằng có một số thử thách là vì lợi ích của chúng ta và phù hợp với sự phát triển cá nhân của chúng ta.

Hình Ảnh
Quentin L. Cook

Mùa đông năm ngoái đứa con gái tôi có một kinh nghiệm đầy kinh hoàng trong khi lái xe trong một cơn bão tuyết dữ dội. Nó nhắc cho tôi nhớ đến một tình huống tương tự mà tôi có với hai đứa con trai của mình cách đây nhiều năm. Joe, đứa con trai út của tôi, ba tuổi và đứa con trai kia là Larry thì sáu tuổi. Chúng tôi đang lái xe từ San Francisco đến Utah vào tháng Sáu. Trời thật đẹp.

Khi chúng tôi bắt đầu lái xe lên trên đỉnh Donner Pass ở dải Núi Sierra Nevada, thì bất ngờ và không hề báo trước, một cơn bão tuyết dữ dội giáng xuống chúng tôi. Không một người tài xế nào đã chuẩn bị trước. Một chiếc xe tải lớn ở trước mặt chúng tôi đã bị tai nạn gãy gập và nằm cản ngang hai làn đường. Những chiếc xe vận tải và các chiếc xe hơi khác đã bị trượt trên xa lộ. Một làn đường được mở ra và nhiều xe cộ kể cả chiếc xe của chúng tôi hết sức cố gắng để không bị trượt nhằm tránh các xe cộ khác. Rồi tất cả mọi giao thông đều tạm dừng lại.

Chúng tôi đã không chuẩn bị cho trận bão tuyết này vào tháng Sáu. Chúng tôi không có quần áo ấm và xăng của chúng tôi thì tương đối cạn. Tôi và hai đứa bé nằm rúc lại với nhau với nỗ lực để giữ cho chúng tôi được ấm. Sau nhiều giờ, các xe cộ an toàn, xe ủi tuyết, và xe kéo bằng xích bắt đầu dọn dẹp đoạn đường bế tắc bởi dòng xe cộ kẹt cứng.

Cuối cùng một chiếc xe kéo bằng xích đã kéo chúng tôi đến một trạm xăng ở bên kia đèo. Tôi gọi cho vợ tôi vì biết rằng bà sẽ lo lắng vì bà đã trông đợi một cú điện thoại vào buổi tối hôm trước. Bà đã yêu cầu muốn nói chuyện với hai đứa bé. Đến phiên đứa nhỏ ba tuổi, với một giọng nói run rẩy, nó nói: “Hy vọng là mẹ hiểu, thật là khổ sở!”

Tôi có thể biết được khi đứa nhỏ ba tuổi của chúng tôi nói chuyện với mẹ nó và kể cho bà nghe về thời gian khổ sở, thì nó đã nhận được sự an ủi và rồi có sự an tâm. Những lời cầu nguyện của chúng ta cũng giống như vậy khi chúng ta tìm đến Cha Thiên Thượng. Chúng ta biết Ngài quan tâm đến chúng ta trong lúc hoạn nạn.

Mỗi Người Đều Sẽ Gặp Thử Thách và Gian Nan trong Cuộc Sống Này

Sự việc tôi vừa thuật lại, mặc dù đó là một chuyến đi khó khăn, thì ngắn ngủi và không có những hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, có nhiều thử thách và gian khổ mà chúng ta gặp trong đời thì gay góc và dường như có những hậu quả dài lâu. Mỗi người chúng ta sẽ trải qua một số thử thách và gian khổ này trong những thăng trầm của cuộc sống. Nhiều người đang lắng nghe đại hội này thì đang trải qua những tình huống rất ngặt nghèo vào chính lúc này.

Chúng ta có thể hiểu và thông cảm với lời cầu xin của Tiên Tri Joseph sau khi ông đã bị cáo buộc gian và bị giam cầm trong Ngục Thất Liberty trong nhiều tháng. “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu? Và đâu là lều bao phủ chốn ẩn náu của Ngài?”

Câu trả lời của Chúa đầy trấn an:

“Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi;

“Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao.”1

Một trong các giáo lý thiết yếu mà được Sự Phục Hồi làm sáng tỏ là cần phải có sự tương phản trong mọi sự việc để có thể có sự ngay chính.2 Cuộc sống này không phải lúc nào cũng dễ dàng, và nó cũng không được hoạch định như vậy; đó là thời gian thử thách và chứng tỏ. Như chúng ta đọc trong Áp Ra Ham: “Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”3 Anh Cả Harold B. Lee đã dạy: “Đôi khi những điều tốt nhất cho chúng ta và những điều mang đến những phần thưởng vĩnh cửu dường như vào lúc đó lại là khó khăn nhất, và những điều bị ngăn cấm thì thường là những điều dường như đáng được khát khao nhất.”4

Quyển tiểu thuyết, A Tale of Two Cities (Chuyện Kể về Hai Thành Phố), mở đầu với dòng chữ mà thường được trích dẫn: “Đó là thời kỳ tốt đẹp nhất; đó là thời kỳ tệ hại nhất.”5 Thánh thư nói rõ ràng rằng mỗi thế hệ có riêng thời kỳ tốt nhất và thời kỳ tệ hại nhất của nó. Chúng ta đều phải chịu sự xung đột giữa điều tốt và điều xấu,6 và sự tương phản giữa ánh sáng với bóng tối, hy vọng với thất vọng. Như Anh Cả Neal A. Maxwell đã giải thích: “Việc thường xuyên trải qua những điều tốt lẫn những điều xấu một cách hiển nhiên là thiết yếu cho đến cuối kinh nghiệm trần thế ngắn ngủi này.”7 Chúng ta biết từ giáo lý của mình rằng điều tốt lành sẽ khắc phục điều xấu xa,8 và những người hối cải và được thánh hóa thì sẽ được ban cho cuộc sống vĩnh cửu.9

Gần thời gian mà Dickens đang viết quyển tiểu thuyết của ông, thì đang xảy ra các nỗ lực quả cảm của Các Thánh Hữu đầu tiên đến định cư ở giữa vùng núi miền Tây.

Dù với đức tin chung của họ, Các Thánh Hữu cũng đã trải qua nhiều gian khổ và tiến đến việc di tản Nauvoo với nhiều điều kỳ vọng rất khác biệt. Một số người hướng về tương lai với niềm lạc quan, những người khác thì với mối lo âu. Hai ví dụ đáng kể nhất được tiêu biểu bởi Helen Mar Whitney và Bathsheba Smith. Cả hai người đều ghi lại những cảm nghĩ của họ mà có một hiệu quả rất mạnh mẽ khi đọc.

Chị Whitney ghi lại những điều kỳ vọng của mình khi rời bỏ Nauvoo: “Tôi sẽ gói cất đi tất cả những dải ruy băng nhỏ, những cổ áo, và ren, v.v… . vì chúng tôi sắp đi đến nơi mà chúng tôi không thể mua những thứ đó được. Chúng tôi sắp đi từ thế giới này để đến sống bên kia dải Núi Rocky nơi mà không một ai khác muốn đi… . Sẽ không còn người giàu hoặc người nghèo trong số chúng tôi, và chúng tôi sẽ không có ai cả ngoại trừ người lương thiện và đức hạnh.”10 Những lời của Chị Whitney chứa đựng một niềm lạc quan duy tâm.

Những cảm nghĩ được ghi lại của Chị Bathsheba Smith thì cũng tràn đầy đức tin, nhưng cho thấy đôi chút lo âu. Chị đã nhìn thấy đám đông hỗn tạp dàn trận đánh Các Thánh Hữu ở Missouri, và chị đã có mặt khi Sứ Đồ David W. Patten chết.

Khi nhớ lại việc di tản của Nauvoo, chị đã viết: “Hành động cuối cùng của tôi ở nơi thân quý đó là dọn dẹp các căn phòng, quét sàn nhà, và để cây chổi vào chỗ quen thuộc của nó sau cánh cửa. Rồi với nỗi xúc động trong lòng mình, tôi nhẹ nhàng đóng cửa lại và đi về hướng tương lai vô định, tôi đương đầu với điều đó với đức tin nơi Thượng Đế và với cùng một sự an tâm rằng cuối cùng phúc âm sẽ được thiết lập ở miền tây và rằng các nguyên tắc phúc âm thì chân chính và vĩnh viễn, là điều mà tôi đã cảm nhận được trong những lúc khó khăn ở Missouri.”11

Cả hai người phụ nữ Thánh Hữu tiền phong này đều luôn vững mạnh trong phúc âm suốt cuộc sống của họ và đã cung ứng sự phục vụ tuyệt vời trong việc xây đắp Si Ôn, nhưng họ đã trải qua thêm nhiều thử thách và gian khổ mà cả hai người đều đã trung tín chịu đựng.12 Mặc dù sự lạc quan của Chị Whitney, ba đứa con đầu của chị đã bị chết lúc sinh ra hoặc khi gần sinh ra—hai đứa chết trong cuộc hành trình dài của chị từ Nauvoo đến Salt Lake.13 Chị Whitney đã ban phước cho chúng ta với những bài viết của chị để bênh vực đức tin của chúng ta và là mẹ của Sứ Đồ Orson F. Whitney.

Chị Smith ghi lại cảnh nghèo khổ, bệnh hoạn, và thiếu thốn mà Các Thánh Hữu đã chịu đựng khi họ đi về miền tây.14 Vào tháng Ba năm 1847 mẹ của chị qua đời và tháng kế tiếp thì đứa con trai thứ nhì của chị là John sinh ra. Chị ghi vắn tắt về điều đó: “Nó là đứa con út của tôi, và nó chỉ sống có bốn tiếng đồng hồ.”15 Về sau trong đời chị, chị là vợ của Chủ Tịch Đền Thờ Salt Lake và chủ tịch trung ương thứ tư của Hội Phụ Nữ.

Chúng ta cảm động sâu xa trước những gian khổ mà Các Thánh Hữu đầu tiên đã chịu đựng. Brigham Young đã mô tả những cảnh gian khổ này một cách khá dí dỏm vào tháng Hai năm 1856 khi ông nói: “Tôi muốn nói một điều về những lúc gian khổ. Các anh chị em biết rằng tôi đã nói với các anh chị em rằng nếu có bất cứ ai sợ chết đói thì hãy để cho người đó ra đi và đi đến nơi nào mà có dồi dào thức ăn. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ chết đói vì cho đến khi chúng ta ăn đến con la cuối cùng, từ vành tai đến cái đuôi, thì tôi không sợ phải chết đói.”

Ông nói tiếp: “Bây giờ có rất nhiều người không thể kiếm được việc làm nhưng mùa xuân sắp đến và chúng ta sẽ không thống khổ nữa ngoài những điều vì lợi ích của chúng ta.”16

Những thử thách mà chúng ta gặp ngày nay thì cũng có thể so sánh với những thử thách thời xưa. Cơn khủng hoảng kinh tế mới gần đây đã tạo ra mối quan tâm đáng kể trên khắp thế giới. Các vấn đề về công ăn việc làm và tài chính thì không hiếm. Nhiều người có những thử thách về thể xác và tâm thần. Những người khác đối phó với vấn đề hôn nhân hoặc con cái ương ngạnh. Một số người đã mất những người thân. Những thói nghiện và xu hướng không thích đáng hoặc tai hại tạo ra nỗi đau lòng. Bất luận nguồn gốc của những thử thách là gì, chúng cũng tạo ra nỗi đau đớn và khổ sở đáng kể cho các cá nhân và những người yêu thương họ.

Chúng ta biết từ thánh thư rằng có một số thử thách là vì lợi ích của chúng ta và phù hợp với sự phát triển cá nhân của chúng ta.17 Chúng ta cũng biết rằng mưa rơi xuống trên người công chính lẫn người bất chính.18 Cũng thật đúng rằng mỗi đám mây chúng ta trông thấy thì không tạo ra mưa. Bất luận những thử thách, khó khăn và gian khổ mà chúng ta chịu đựng là gì đi nữa, giáo lý làm an tâm của Sự Chuộc Tội do Chúa Giê Su Ky Tô thực hiện gồm có lời giảng dạy của An Ma rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của chúng ta và “giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.”19

Thánh thư và các vị tiên tri hiện đại đã nói rõ rằng sẽ có những năm thiếu hụt và những năm dư dật.20 Chúa kỳ vọng chúng ta phải chuẩn bị cho nhiều thử thách sẽ đến. Ngài phán: “Nếu các ngươi đã chuẩn bị rồi thì các ngươi sẽ không sợ hãi.”21 Một phần của cảnh khó khăn mà tôi đã trải qua khi đi ngang qua dải núi Sierras trong trận bão tuyết đó cách đây nhiều năm, đã xảy ra vì tôi đã không chuẩn bị cho sự kiện đột ngột bất ngờ này. Một trong các phước lành lớn của thánh thư là thánh thư cảnh cáo chúng ta về những thử thách bất ngờ nhưng thường xảy ra. Điều đó sẽ tốt cho chúng ta nếu chúng ta chuẩn bị để đối phó với chúng. Một hình thức chuẩn bị là tuân giữ các lệnh truyền.

Trong vô số chỗ trong Sách Mặc Môn, người ta được hứa rằng họ sẽ thịnh vượng trong xứ nếu họ tuân giữ các lệnh truyền.22 Lời hứa này thường được kèm theo với lời cảnh cáo rằng nếu họ không tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, thì họ sẽ bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Ngài.23 Rõ ràng là việc có được các phước lành của Thánh Linh—sự phù trợ của Đức Thánh Linh—là một yếu tố thiết yếu để thật sự thịnh vượng trong xứ và để được chuẩn bị.

Bất luận những thử thách của chúng ta là gì đi nữa, với sự dư dật mà chúng ta có ngày nay, chúng ta sẽ tỏ ra vô ơn nếu chúng ta không cảm tạ về các phước lành của mình. Mặc dù tính chất hiển nhiên của những nỗi gian khổ mà những người tiền phong đã trải qua, Chủ Tịch Brigham Young đã nói về ý nghĩa của lòng biết ơn. Ông nói: “Tôi không biết có bất cứ tội lỗi nào, ngoại trừ tội lỗi không thể tha thứ được, lớn hơn tội vô ơn.”24

Lòng Biết Ơn đối với Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài

Lòng biết ơn trước nhất là phải dành cho Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài. Chúng ta biết rằng nhiều người đang lắng nghe đại hội này đang trải qua những thử thách và gian khổ cùng cực đến nỗi cảm nghĩ chính yếu trong lòng của họ khi họ đến gần Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện là “Hy vọng là Ngài hiểu, con thật là khổ sở.”

Tôi xin chia sẻ với các anh chị em câu chuyện có thật về một chị phụ nữ nọ, Ellen Yeates ở Grantsville, Utah. Cách đây 10 năm, đầu tháng Mười, chị hôn giã từ người chồng của mình là Leon khi anh ấy đi làm ở Salt Lake City. Đây là lần cuối cùng chị thấy Leon còn sống. Xe anh ấy đâm đầu vào xe của một thanh niên 20 tuổi bị trễ giờ cho việc làm thứ nhất của mình và đã cố gắng qua mặt một chiếc xe chạy chậm hơn nên đưa đến tai nạn hai xe đâm đầu vào nhau và ngay tức khắc làm thiệt mạng cả hai người. Chị Yates nói rằng sau khi hai người cảnh sát tuần tra xa lộ đầy lòng trắc ẩn báo tin cho chị biết thì con người chị đầy choáng váng và đau buồn.

Chị ghi lại: “Khi tôi cố gắng suy ngẫm về tương lai, thì tôi chỉ thấy bóng tối và nỗi đau đớn.” Hóa ra người bạn thân nhất của chồng chị là giám trợ trong tiểu giáo khu của người thanh niên ấy. Vị giám trợ gọi điện thoại cho Chị Yates và nói với chị rằng mẹ của người thanh niên ấy, Jolayne Willmore, muốn nói chuyện với chị. Chị nhớ lại: “Tôi cảm thấy bàng hoàng vì tôi tập trung vào nỗi buồn phiền và đau đớn của tôi đến nỗi tôi còn không nghĩ về người thanh niên và gia đình của người ấy. Đột nhiên tôi nhận biết rằng nơi đây cũng có một người mẹ đau đớn như tôi hoặc hơn tôi nữa. Tôi nhanh chóng cho phép họ đến thăm.”

Khi Anh và Chị Willmore đến, họ đã bày tỏ nỗi hối tiếc lớn lao của mình rằng con trai của họ có trách nhiệm về cái chết của Leon và tặng cho chị một bức ảnh Đấng Cứu Rỗi đang ôm một đứa bé gái trong vòng tay của Ngài. Chị Yates nói: “Khi có những lúc quá khó khăn để chịu đựng, tôi nhìn vào bức ảnh này và nhớ rằng Đấng Ky Tô biết rõ cá nhân tôi. Ngài biết về nỗi cô đơn và những thử thách của tôi.” Một câu thánh thư mà an ủi Chị Yates là: “Vậy nên, hãy vui lên, và chớ sợ hãi, vì ta là Chúa đang ở với các ngươi, và ta sẽ đứng bên các ngươi.”25

Vào mỗi tháng Mười, Chị Yates và Chị Willmore (cả hai người đều có mặt nơi đây trong Trung Tâm Đại Hội ngày hôm nay) cùng nhau đi đền thờ và dâng lên lời tạ ơn về Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, về kế hoạch cứu rỗi, về gia đình vĩnh cửu, và về các giao ước mà ràng buộc vợ chồng và gia đình ở cả hai bên bức màn che. Chị Yates kết luận: “Qua thử thách này, tôi đã cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của tôi một cách dồi dào hơn là tôi cảm nhận trước kia.” Chị làm chứng rằng “không có nỗi buồn phiền, đau đớn, bệnh tật nào lớn đến nỗi Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô và tình yêu thương của Đấng Ky Tô không thể chữa lành được.”26 Thật là một tấm gương tuyệt vời về tình yêu thương và sự tha thứ mà hai chị phụ nữ này đã cho thấy. Điều này đã để cho Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có hiệu quả trong cuộc sống của họ.

Hãy nghĩ về Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê trong tiến trình của Sự Chuộc Tội, chịu đau đớn đến nỗi Ngài đã đổ máu từ mỗi lỗ chân lông.27 Tiếng kêu than của Ngài cùng Cha Thiên Thượng gồm có hai chữ A Ba.28 Chữ này có thể được giải thích là tiếng kêu than cùng cha mình của một đứa con đang đau khổ: “Cha ơi, nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.”29 Tôi làm chứng rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô thì hữu hiệu cho tất cả những thử thách và gian khổ mà bất cứ ai trong chúng ta sẽ gặp trong cuộc sống này. Đôi lúc, khi chúng ta có thể muốn nói: “Hy vọng là Ngài hiểu, con thật là khổ sở,” thì chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài hiện diện ở đó và chúng ta đang được an toàn trong vòng tay thương yêu của Ngài.

Khi vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, được hỏi vào ngày sinh nhật của ông vào tháng Tám vừa qua, món quà lý tưởng nào mà các tín hữu toàn cầu có thể tặng cho ông, thì ông đã nói không một giây phút đắn đo: “Hãy tìm một người nào đó đang gặp khó khăn … và làm một điều gì đó cho họ.”30

Cùng với các anh chị em, tôi biết ơn vĩnh viễn Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng giải cứu loài người. Tôi làm chứng rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của thế gian. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. GLGƯ 121:1, 7–8.

  2. Xin xem 2 Nê Phi 2:11.

  3. Áp Ra Ham 3:25.

  4. Harold B. Lee, The Fall of Man (bài thuyết giảng đưa ra tại một buổi họp của các giảng viên lớp giáo lý và viện giáo lý , ngày 23 tháng Sáu năm 1954).

  5. Charles Dickens, A Tale of Two Cities (Signet Classic, 1997), 13.

  6. Xin xem 2 Nê Phi 2:15–16.

  7. Neal A. Maxwell, “Enduring Well,” Liahona, tháng Tư năm 1999, 12.

  8. Xin xem GLGƯ 19:2–3; 133:64.

  9. Xin xem GLGƯ 133:62; 14:7; Giăng 17:3.

  10. A Woman’s View: Helen Mar Whitney’s Reminiscences of Early Church History, do Jeni Broberg Holzapfel và Richard Neitzel Holzapfel xuất bản (1997), 329–30.

  11. Bathsheba W. Smith, Autobiography, do Alice Merrill Horne xuất bản, bản đánh máy, 15, như đã được trích trong ảnh tiểu luận của Maurine Jensen Proctor và Scot Facer Proctor, “Joseph, Joseph, Joseph: The Temple Has Returned to Nauvoo, Part 4, ‘Lift Up Thine Eyes,’” Meridian Magazine, 2002, http://www.meridianmagazine.com/photo essay/020522nauvoo/020522nauvoo3.html.

  12. Xin xem Ê The 12:6.

  13. Xin xem Whitney, 491.

  14. Xin xem Heidi Swinton, “I Gently Closed the Door,” trong Heroines of the Restoration, do Barbara B. Smith và Blythe Darlyn Thatcher xuất bản (1997), 134.

  15. Bathsheba W. Smith, trong Heroines of the Restoration, 134.

  16. Teachings of the Presidents of the Church: Brigham Young (khóa học của Chức Tư Tế và Hội Phụ Nữ, 1997), 177.

  17. Xin xem GLGƯ 122:7.

  18. Xin xem Ma Thi Ơ 5:45.

  19. An Ma 7:12.

  20. Xin xem Genesis 41:29–31; Gordon B. Hinckley, “To the Boys and to the Men,” Liahona, tháng Giêng năm 1999, 65.

  21. GLGƯ 38:30.

  22. Xin xem 2 Nê Phi 4:4.

  23. Xin xem An Ma 36:30.

  24. Teachings: Brigham Young, 177.

  25. GLGƯ 68:6.

  26. Ellen Yates, câu chuyện riêng thuật lại tại đại hội Giáo Khu Grantsville Utah, phiên họp buổi tối thứ Bảy, ngày 16 tháng Hai năm 2008.

  27. Xin xem GLGƯ 19:18.

  28. Mác 14:36.

  29. Ma Thi Ơ 26:39.

  30. Thomas S. Monson, được trích trong Gerry Avant, “Prophet’s Birthday: Milestone of 81,” Church News, ngày 23 tháng Tám năm 2008, 4.