2008
Vậy, Hãy Đi
Tháng Mười một năm 2008


Vậy, Hãy Đi

Chúng ta đều có thể tham gia vào công việc truyền giáo. Đây là công việc của Chúa và Ngài sẽ giúp chúng ta làm công việc đó.

Hình Ảnh
Silvia H. Allred

Chúa đã dạy rằng “nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sinh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.”1 Như vậy, phép báp têm là thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Trước khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh thăng thiên, Ngài đã chỉ thị cho các môn đồ của Ngài: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ … và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta truyền cho các người.”2

Vào thời gian Phục Hồi, Ngài đã lặp lại lệnh truyền của Ngài: “Vậy nên các ngươi được kêu gọi để đi rao truyền sự hối cải cho dân này.”3

Giáo Hội của Chúa có trách nhiệm thuyết giảng phúc âm trên thế gian. Đây là nền tảng của công việc truyền giáo, và bổn phận của những người truyền giáo của chúng ta là “mời những người khác đến cùng Đấng Ky Tô bằng cách giúp họ tiếp nhận phúc âm phục hồi qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, sự hối cải, phép báp têm, việc tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng.”4

Tôi muốn nói và làm chứng về ảnh hưởng đầy ý nghĩa và các phước lành của công việc truyền giáo trong cuộc sống của những người cải đạo, các thế hệ và những người truyền giáo tương lai, và làm thế nào chúng ta có thể tham gia vào công việc truyền giáo.

Khi tôi 14 tuổi, vào một buổi sáng đẹp trời tháng Tám, Anh Cả Prina và Anh Cả Perkins gõ cửa nhà tôi. Họ bắt đầu giảng dạy cho gia đình tôi về thiên tính của Thượng Đế. Trong những lần viếng thăm kế tiếp, họ đã dạy cho chúng tôi cách cầu nguyện. Họ cũng dạy cho chúng tôi về Sự Phục Hồi và kế hoạch cứu rỗi. Sau lần viếng thăm thứ ba hoặc thứ tư, đa số những người trong gia đình tôi ngừng nghe những lời giảng dạy của hai người truyền giáo này ngoại trừ người chị 17 tuổi của tôi là Dina và tôi. Cả hai chúng tôi đều cảm nhận được sự làm chứng của Đức Thánh Linh trong lòng mình và nhận được sự xác nhận thuộc linh rằng sứ điệp ấy là chân chính.

Chúng tôi đã mua một quyển Sách Mặc Môn và bắt đầu đọc sách ấy. Mỗi ngày sau giờ học, chúng tôi thường thi nhau chạy về nhà để giành lấy quyển sách ấy trước. Trong khi đứa nào về nhà trước đang đọc sách ấy, thì đứa kia nóng lòng chờ đợi cho đến giờ ăn, vội vã ăn và rồi đến phiên mình đọc sách ấy cho đến giờ đi ngủ. Thật là một nỗi phấn khởi mà chúng tôi đã cảm nhận được. Chúng tôi bắt đầu tham dự nhà thờ và chẳng bao lâu chúng tôi được yêu cầu chịu phép báp têm. Cha chúng tôi đã sẵn sàng cho phép, nhưng mẹ chúng tôi thì ngần ngại, và phải mất hơn một tháng mới thuyết phục được mẹ để ký giấy cho phép. Vào ngày báp têm của chúng tôi, mẹ và các anh chị em khác của chúng tôi đi nhà thờ lần đầu tiên. Mẹ đã cảm nhận được Thánh Linh. Sau khi nghe chứng ngôn của chúng tôi, mẹ đi đến những người truyền giáo và yêu cầu họ bắt đầu giảng dạy lại cho mẹ. Một vài tuần sau, Mẹ và các em trai và em gái của chúng tôi chịu phép báp têm. Cuộc sống của tôi đã thay đổi vĩnh viễn và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trở thành sức mạnh chắc chắn trong cuộc sống của tôi.

Tôi không có đủ lời để bày tỏ những cảm nghĩ sâu xa về lòng biết ơn đối với Chúa và những người truyền giáo mà Ngài đã gửi đến nhà của chúng tôi. Chúa ban phước cho tôi với sự hiểu biết về phúc âm phục hồi và tôi cảm thấy được thúc giục để chia sẻ sự hiểu biết này với những người khác. Tôi muốn làm một người truyền giáo.

Trong vòng vài tháng, chị của tôi là Dina và tôi được kêu gọi với tư cách là người truyền giáo ở San Salvador. Sự kêu gọi này cho chúng tôi cơ hội đi đến từng nhà để chia sẻ tin lành về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và mang nhiều người đến với nước báp têm. Về sau, cả hai chúng tôi đều phục vụ truyền giáo toàn thời gian ở Phái Bộ Truyền Giáo Trung Mỹ.

Công việc truyền giáo của tôi đã có một ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của tôi. Tôi đã học biết được cách trông cậy Chúa hơn, tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh, và cảm nhận được tình yêu thương tràn đầy đối với con cái của Thượng Đế. Sự hiểu biết của tôi về thánh thư và về các giáo lý gia tăng. Ước muốn của tôi để luôn vâng lời và tuân giữ các giáo lệnh một cách chính xác cũng gia tăng. Chứng ngôn của tôi về Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài đã được củng cố. Những kinh nghiệm truyền giáo của tôi trở thành một phần của con người tôi. Công việc truyền giáo trở thành niềm say mê của tôi. Nó đã ảnh hưởng cuộc sống của tôi và của gia đình tôi hơn bất cứ điều gì khác.

Anh Cả Jeffrey R. Holland mô tả ảnh hưởng mà công việc truyền giáo của ông đã có trong cuộc sống của ông với những lời này: “Công việc truyền giáo của tôi có ý nghĩa lớn lao nhất đối với tôi 47 năm sau công việc đó. Có lẽ có một ngày trong 47 năm đó tôi đã không nghĩ về công việc truyền giáo của mình; nhưng tôi không chắc ngày đó là ngày nào.”5

Cách đây hai năm, đứa cháu ngoại của tôi tên là Christian, lên tám tuổi và hoạch định lễ báp têm của nó với nhiều hy vọng. Nó xin mẹ của nó mời tôi làm một trong những người nói chuyện và chia sẻ câu chuyện cải đạo của tôi. Khi tôi hỏi nó tại sao nó muốn tôi làm như thế, thì nó đáp: “Bà ngoại ơi, điều đó rất quan trọng. Bà ngoại có biết là nếu bà ngoại không chấp nhận phúc âm thì con sẽ không được báp têm không? Có lẽ con còn không được như bây giờ nữa đó.”

Tôi không biết là những người truyền giáo có nhận biết được ảnh hưởng sâu rộng của công việc của họ không. Trong gia đình của tôi, các phước lành của phúc âm giờ đây đã ảnh hưởng đến bốn thế hệ. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã chẳng nói rằng “khi cứu vớt một em gái tức là chúng ta cứu vớt nhiều thế hệ” sao?6 Tôi kết hôn trong đền thờ và có tám đứa con. Chúng đều là tín hữu trung thành của Giáo Hội, được làm lễ thiên ân trong đền thờ. Sáu trong số tám đứa chúng hiện đã kết hôn và có con cái. Hiện nay có 34 người trong gia đình chúng tôi. Và như thế thì chưa hết đâu. Cả chồng tôi và tôi đã phục vụ truyền giáo, và hai đứa con trai cùng ba trong số sáu đứa con gái của chúng tôi cũng đã phục vụ truyền giáo. Chúng tôi đã cùng nhau giúp đỡ hằng trăm người chấp nhận phúc âm trong nhiều quốc gia. Một số những người cải đạo đó và con cái của họ cũng đã phục vụ truyền giáo.

Công việc truyền giáo là mạch sống của Giáo Hội. Không có công việc nào vĩ đại, quan trọng hơn. Nó ban phước cuộc sống của tất cả những người tham gia vào công việc đó. Nó sẽ tiếp tục ban phước cho các thế hệ tương lai.

Các anh chị em có thể tự hỏi: Làm thế nào tôi có thể phụ giúp trong công việc truyền giáo? Tôi có thể tham gia bằng cách nào? Có hai lẽ thật cơ bản để nhớ khi các anh chị em dấn thân vào công việc này. Thứ nhất, có được một sự hiểu biết rõ ràng rằng Thượng Đế yêu thương tất cả con cái của Ngài và mong muốn sự cứu rỗi cho họ. Trong Giáo Lý và Giao Ước 18:13, chúng ta đọc: “Và sự vui mừng của Ngài lớn lao biết bao đối với người biết hối cải!” Thứ nhì, sứ điệp của chúng ta về Đấng Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài là món quà quan trọng nhất mà các anh chị em phải ban phát.

Như đã được đề ra trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, công việc truyền giáo là một nỗ lực có bốn phần: tìm kiếm những người tầm đạo, giảng dạy và làm phép báp têm, kết tình thân hữu với các tín hữu mới, và kết tình thân hữu và giảng dạy các tín hữu kém tích cực.7 Mỗi tín hữu của Giáo Hội—trẻ em, thanh thiếu niên và những người lớn—có thể phụ giúp trong bất cứ hoặc tất cả các nỗ lực này.

Hãy bắt đầu bằng cách làm một người hàng xóm tốt và một người bạn tốt. Hãy nêu gương ngay chính và nhân từ. Hãy để cho nụ cười của các anh chị em chiếu rực tình yêu thương, sự bình an và hạnh phúc. Hãy sống một cuộc sống tập trung vào phúc âm.

Rồi hãy cụ thể hơn trong các nỗ lực truyền giáo của mình. Tôi xin đề nghị một số ý kiến. Các anh chị em có thể thấy hai hoặc ba ý kiến đó hữu hiệu đối với mình:

  • Nếu các anh chị em có con còn đang sống ở nhà, thì hãy chuẩn bị cho chúng công việc truyền giáo.

  • Hãy tự chuẩn bị công việc truyền giáo.

  • Mời gia đình và bạn bè lắng nghe những người truyền giáo giảng dạy, hoặc tham dự các buổi họp và sinh hoạt của nhà thờ.

  • Đi với những người truyền giáo đến nhà của những người tầm đạo, hoặc mời những người truyền giáo giảng dạy cho những người ngoại đạo trong nhà của các anh chị em.

  • Mời những người khác đến buổi họp tối gia đình trong nhà của các anh chị em.

  • Mời những người khác đến trung tâm lịch sử gia đình hoặc giúp họ tra cứu lịch sử gia đình.

  • Đưa tên những người mình giới thiệu cho những người truyền giáo. Các tín hữu có thể là nguồn giới thiệu quan trọng và tốt nhất.

  • Chia sẻ những sự tin tưởng và chứng ngôn của các anh chị em với bạn bè và gia đình ngoại đạo.

  • Tìm kiếm cơ hội để quen biết với những người khác.

  • Làm bạn với những người tầm đạo và những người mới cải đạo.

  • Đưa ra các nỗ lực tốt nhất trong việc tìm ra những người đang tìm kiếm lẽ thật.

  • Nếu các anh chị em có những người trong gia đình hoặc bạn bè đang phục vụ truyền giáo, hãy gửi thư cho họ bày tỏ tình thương yêu và lời khích lệ, và cầu nguyện cho họ.

Các anh chị em sẽ trải qua niềm vui trong kết quả của sự lao nhọc của mình. Một sự nhiệt tình sâu đậm hơn đối với công việc truyền giáo sẽ củng cố toàn thể tiểu giáo khu hay chi nhánh của các anh chị em. Toàn thể Giáo Hội sẽ cảm nhận được hiệu quả của sự lao nhọc của các anh chị em.

Khi đứa con gái của chúng tôi là Margie đang học lớp hai thì nó mời người bạn thân nhất của nó đi với nó đến Hội Thiếu Nhi. Cả hai được chỉ định những phần để chia sẻ trong phần trình bày trong buổi họp Tiệc Thánh. Người cha của bạn nó đã từ chối những người truyền giáo trước đó, nhưng khi Margie đến nhà của ông với một số quyển sách nhỏ của Giáo Hội, thì ông lắng nghe kỹ những lời giải thích giản dị và chứng ngôn của nó về Joseph Smith và Khải Tượng Thứ Nhất. Ông không những cho phép con gái của mình tiếp tục tham gia Hội Thiếu Nhi, mà còn cho phép nó nhận các bài học từ những người truyền giáo và chịu phép báp têm. Ông và vợ ông đã đến dự buổi lễ báp têm.

Chúng ta đều có thể tham gia vào công việc truyền giáo. Đây là công việc của Chúa và Ngài sẽ giúp chúng ta làm công việc đó. Phúc âm của Ngài phải đi đến mọi quốc gia và chúng ta có thể là công cụ trong tay Ngài để ban phước cho những người khác bằng cách chia sẻ với họ lẽ thật của Ngài. Chúng ta sẽ được ban phước dồi dào trong tiến trình này.

Chúng ta là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ. Ngài gửi Vị Nam Tử của Ngài đến để mở đường hầu cho chúng ta có thể sống với Ngài mãi mãi. Tôi làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Giăng 3:5.

  2. Ma Thi Ơ 28:19–20.

  3. GLGƯ 18:14.

  4. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta (2004), [sách hướng dẫn truyền giáo, 2004], 1.

  5. Jeffrey R. Holland, “The Atonement” (buổi họp dành cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo mới , Buổi Họp Đặc Biệt Devotional tại Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo Provo, ngày 26 tháng Sáu năm 2007), 1.

  6. Gordon B. Hinckley, “Our Responsibility to Our Young Women,” Ensign, tháng Chín năm 1988, 10.8.

  7. Xin xem sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, 219.