2008
Vòng Tay An Toàn
Tháng Mười một năm 2008


Vòng Tay An Toàn

Bằng cách trở nên khiêm nhường và hối cải trọn vẹn khi đến buổi lễ Tiệc Thánh và xứng đáng dự phần Tiệc Thánh, chúng ta có thể luôn luôn cảm nhận được vòng tay [an toàn] đó.

Hình Ảnh
Elder Jay E. Jensen

Buổi tối hôm nay tôi nói về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và sự liên quan giữa Sự Chuộc Tội với sự thực hiện Tiệc Thánh bởi những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn mà buổi sáng hôm nay đã được Anh Cả Oaks giảng dạy một cách thật mạnh mẽ và tuyệt diệu. Tôi sẽ dùng một cụm từ ngắn trong câu thánh thư mà giúp tôi hình dung ra lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi. Đó là cụm từ “vòng tay an toàn” (xin xem An Ma 34:16).

An Toàn trong Vòng Tay Ngài

Một gia đình nọ đang chụp hình tại một cảnh đẹp của North Rim thuộc Grand Canyon. Họ nghe tiếng thét la, họ chạy lại và thấy một đứa bé gái hai tuổi đã lọt qua hàng rào chắn và té xuống cái rìa núi khoảng 11 mét ở dưới đó. Đứa bé cố gắng trèo lên, nhưng động tác của nó đã khiến cho nó còn trượt chân xuống thêm cho đến khi nó ở 1 mét rưỡi cách một cái dốc ngược rất nguy hiểm cao 61 mét.

Một thanh niên 19 tuổi tên là Ian đã thấy chỗ đứa bé gái đang đứng và bằng cách sử dụng sự huấn luyện đối phó với trường hợp khẩn cấp, đã biết cách đối phó với tình thế. Đây là những lời của thiếu niên ấy: “‘Ngay lập tức, một sự hiểu biết về tình thế đến với tâm trí tôi, và tôi biết ngay điều tôi cần phải làm. Tôi để máy chụp ảnh của mình xuống và đi theo lối đi nhỏ lên con đường mòn nơi mà không có dốc đứng cao, trèo qua hàng rào chắn, đẩy xuống một đống đá và ngang qua bụi cây và tìm thấy đứa bé gái.’ Ôm đứa bé trong vòng tay mình trong một giờ đồng hồ, Ian chờ cho đến khi đội cấp cứu có thể thòng dây xuống” để giải cứu Ian và đứa bé (“Save Her!” New Era, tháng Chín năm 2007, 6). Cụm từ “ôm đứa bé trong vòng tay mình” làm cho tôi chú ý vì thánh thư nói về vòng tay—vòng tay yêu thương, vòng tay thương xót, và vòng tay an toàn (xin xem 2 Nê Phi 1:15; Mô Si A 16:12; An Ma 5:33; GLGƯ 6:20; 29:1).

Cụm từ trong thánh thư “được bao quanh bởi vòng tay an toàn” đến từ sứ điệp của A Mu Léc dành cho dân Giô Ram về Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu. Ông dạy rằng sự hy sinh của Vị Nam Tử của Thượng Đế đã làm cho con người có thể có được đức tin nơi Đấng Ky Tô để hướng dẫn chúng ta đến sự hối cải: “Và do đó, lòng thương xót có thể thỏa mãn được sự đòi hỏi của công lý , và bao quanh nó bởi vòng tay an toàn” (An Ma 34:16; xin xem thêm các câu 9–15).

Giảng Dạy Các Nguyên Tắc Trừu Tượng bằng Những Vật Hữu Hình

Để hiểu rõ hơn về “vòng tay an toàn” thì điều quan trọng là phải nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng những vật hữu hình, như đồng tiền, hạt giống, con chiên, ổ bánh, cá, và các chi thể để giảng dạy các nguyên tắc phúc âm.

Vòng tay là vật hữu hình và chúng ta sử dụng nó để biểu lộ sự trìu mến và tình yêu thương. Khi tôi về nhà từ sở làm, thì tôi được ôm vào trong vòng tay hữu hình của vợ tôi. Tôi đã kinh nghiệm được vòng tay yêu thương và an toàn trong suốt thời gian phục vụ của tôi ở Châu Mỹ La Tinh qua lời chào hỏi thông thường, un abrazo, hoặc cái ôm chặt.

Khi tôi suy ngẫm về cách giảng dạy hữu hiệu về Sự Chuộc Tội cho những người khác, thì cụm từ “vòng tay an toàn” rất hữu ích. Khi chúng ta chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh bằng phép đặt tay, thì chúng ta đã nhận được hai giáo lễ mà đặt chúng ta vào vòng tay an toàn. Bằng cách trở nên khiêm nhường và hối cải trọn vẹn khi đến buổi lễ Tiệc Thánh và xứng đáng dự phần Tiệc Thánh, chúng ta có thể luôn luôn cảm nhận được vòng tay đó.

So Sánh lễ Tiệc Thánh với Thời Kỳ của Chúng Ta

Tiêu đề của tiết 110 trong sách Giáo Lý và Giao Ước đưa ra văn cảnh cho một trong những câu thánh thư có liên quan nhất về việc thụ hưởng vòng tay an toàn. Vào ngày Sa Bát trong lúc lễ cung hiến Đền Thờ Kirtland, Tiên Tri Joseph Smith đã giải thích rằng ông và những người nắm giữ chức tư tế khác đã thực hiện Tiệc Thánh cho Giáo Hội.

Tiếp theo giáo lễ thiêng liêng này, Joseph Smith và Oliver Cowdery đi vào phòng riêng. Tiếp theo lời cầu nguyện đó, Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng hai người này và phán: “Này, các ngươi được tha tội; các ngươi được thanh sạch trước mặt ta; vậy nên, hãy ngẩng đầu lên mà vui mừng” (GLGƯ 110:5).

Một loạt sự kiện trong Đền Thờ Kirtland vào năm 1836 giống thời kỳ chúng ta và được áp dụng với chúng ta. Từ ngày Sa Bát này đến ngày Sa Bát khác, các em là các thanh thiếu niên nắm giữ chức tư tế thực hiện Tiệc Thánh cho Các Thánh Hữu, là những người đến lễ Tiệc Thánh một cách thành tâm, khát khao có được sự chữa lành thuộc linh, hy vọng, khẩn nài để nghe được trong tâm trí họ những lời này: “Này, các ngươi được tha tội; các ngươi được thanh sạch trước mặt ta; vậy nên, hãy ngẩng đầu lên mà vui mừng” (GLGƯ 110:5).

Anh Cả Dallin H. Oaks đã làm chứng rằng có một sự thanh tẩy hoặc chữa lành thuộc linh liên quan đến Tiệc Thánh: “Tiệc Thánh của Bữa Ăn Tối của Chúa là một sự tái lập các giao ước và phước lành của phép báp têm. Chúng ta được truyền lệnh phải hối cải các tội lỗi của mình và đến với Chúa với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối và dự phần Tiệc Thánh. Trong khi dự phần bánh, chúng ta làm chứng rằng chúng ta sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Khi chúng ta tuân theo giao ước này thì Chúa làm hồi phục lại hiệu quả thanh tẩy của phép báp têm của chúng ta. Chúng ta được làm cho trong sạch và luôn luôn có thể có Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta” (“Special Witnesses of Christ,” Ensign, tháng Tư năm 2001, trang 14).

Những Chỉ Dẫn cho Những Người Nắm Giữ Chức Tư Tế A Rôn

Để giúp cho các tín hữu nhận được trọn vẹn hơn sự thanh tẩy hoặc vòng tay an toàn đó, những người nắm giữ chìa khóa thẩm quyền và những người thực hiện Tiệc Thánh cần phải chắc chắn rằng những chỉ dẫn tổng quát trong các sách chỉ nam của Giáo Hội liên quan đến việc chuẩn bị, ban phước, và chuyền Tiệc Thánh phải được tuân theo. Mỗi người nắm giữ chức tư tế cần phải nhớ rằng người ấy đang hành động thay cho Chúa và phải nghiêm trang và chững chạc. Nói chung, giới trẻ của chúng ta là gương mẫu. Tuy nhiên, trong việc thực hiện Tiệc Thánh, thỉnh thoảng chúng ta thấy một sự thay đổi làm xáo trộn vì có quá nhiều tính chất không trịnh trọng và cẩu thả trong cách ăn mặc và diện mạo.

Các em thiếu niên thân mến, trước khi đi nhà thờ, các em hãy đứng trước gương một lần nữa và tự hỏi xem mỗi một nét diện mạo của các em có chỉnh tề không? Tốt hơn nữa là mời một người nào mà các em yêu mến, chẳng hạn như cha, mẹ nhìn các em một lần nữa, và nếu có một điều gì không ổn, thì đừng bực tức với lời khuyên của họ.

Các tôi tớ chân thật của Chúa Giê Su Ky Tô thì ăn mặc chỉnh tề một cách thích hợp, luôn luôn phản ảnh các tiêu chuẩn của Ngài chứ không phải sự thay đổi cẩu thả theo thế gian. Việc chăm sóc kỹ lưỡng từng tiểu tiết bảo đảm rằng Thánh Linh của Chúa sẽ hiện diện. Cách ăn mặc và diện mạo của những người thực hiện Tiệc Thánh không được làm xao lãng những người đang nghiêm chỉnh tìm kiếm các phước lành của Sự Chuộc Tội vô hạn.

Một đề tài trong các sứ điệp của Chủ Tịch Monson dành cho chúng ta, những người nắm giữ chức tư tế, là việc nắm giữ chức tư tế chính là một đặc ân: “Đó là một phận sự để phục vụ, một đặc ân để nâng đỡ, và một cơ hội để ban phước cho cuộc sống của những người khác” (“Sự Tin Cậy vào Chức Tư Tế Thiêng Liêng của chúng ta,” Liahona, tháng Năm năm 2006, 57). Tôi làm chứng rằng điều này áp dụng cho việc thực hiện Tiệc Thánh.

Kinh Nghiệm Vòng Tay An Toàn

Trong khi phục vụ với tư cách là một giám trợ, tôi đã chứng kiến các phước lành của Sự Chuộc Tội trong cuộc sống của các tín hữu Giáo Hội là những người vi phạm những sự phạm giới trầm trọng. Với tư cách là một vị phán quan ở Y Sơ Ra Ên, tôi đã lắng nghe những lời thú tội của họ và, khi cần thiết, đã đặt những hạn chế lên họ, chẳng hạn như không được dự phần Tiệc Thánh trong một thời gian.

Một người thành niên trẻ tuổi độc thân trong tiểu giáo khu của chúng tôi đi chơi hẹn hò với một thiếu nữ. Cả hai người để cho tình cảm của họ vượt ra khỏi vòng kiểm soát. Người ấy đến tìm tôi để xin lời khuyên dạy và sự giúp đỡ. Dựa vào điều đã được thú tội và ấn tượng của Thánh Linh nơi tôi, trong số những điều khác nữa, người ấy không được phép dự phần Tiệc Thánh trong một thời gian. Chúng tôi họp với nhau thường xuyên để chắc chắn rằng sự hối cải đã xảy ra, và, sau một thời gian thích hợp, tôi đã cho phép người ấy dự phần Tiệc Thánh lại.

Khi tôi ngồi trên bục chủ tọa vào buổi lễ Tiệc Thánh đó, mắt tôi nhìn vào người ấy giờ đây đã được dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng. Tôi đã chứng kiến vòng tay thương xót, yêu thương, và an toàn ôm lấy người ấy khi sự chữa lành của Sự Chuộc Tội sưởi ấm tâm hồn người ấy và nhấc gánh nặng của người ấy lên, đưa đến sự tha thứ, bình an và hạnh phúc mà đã được hứa.

Sự Chuộc Tội—một Quyền Năng Luôn Luôn Hiện Diện

Tôi đã kinh nghiệm và đã là nhân chứng về lẽ thật mà Chủ Tịch Packer đã dạy: “Vì một lý do nào đó, chúng ta nghĩ rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô chỉ áp dụng vào lúc cuối cuộc sống trần thế cho sự cứu chuộc từ Sự Sa Ngã, từ cái chết thuộc linh. Sự Chuộc Tội còn có ý nghĩa nhiều hơn vậy. Đó là một quyền năng luôn luôn hiện diện để chúng ta có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Khi chúng ta bị xâu xé hay ray rứt hoặc dày vò bởi tội lỗi hay trĩu nặng buồn phiền, thì Ngài có thể chữa lành chúng ta. Mặc dù chúng ta không hiểu trọn vẹn cách mà Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô được thực hiện, nhưng chúng ta có thể kinh nghiệm được ‘sự bình an của Thượng Đế mà vượt quá mọi sự hiểu biết’” (“Bàn Tay của Đức Thầy,” Liahona, tháng Bảy năm 2001, 26).

Tôi yêu mến Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi đặt đức tin, tình yêu thương, lòng trung thành, và sự thành tâm của tôi nơi hai Ngài. Tôi làm chứng rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta và rằng chúng ta là con cái của Ngài. Tôi làm chứng rằng Sự Chuộc Tội là có thật và có quyền năng trong cuộc sống của chúng ta. Tôi làm chứng rằng phúc âm phục hồi là chân chính. Các lẽ thật này được tìm thấy trong thánh thư, nhất là trong Sách Mặc Môn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.