2008
Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn
Tháng Mười một năm 2008


Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn

Lời cầu nguyện trở nên có ý nghĩa hơn khi chúng ta hội ý với Chúa trong tất cả những việc làm của mình, khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành, và khi chúng ta cầu nguyện cho những người khác.

Hình Ảnh
Elder David A. Bednar

Sứ Điệp của tôi tại đại hội trước đã tập trung vào nguyên tắc phúc âm về việc cầu xin trong đức tin trong lời cầu nguyện. Ngày hôm nay, tôi muốn thảo luận thêm ba nguyên tắc mà có thể giúp những lời cầu nguyện của các anh chị em trở nên có ý nghĩa hơn, và tôi cầu nguyện để có được sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh cho tôi và cho các anh chị em.

Nguyên Tắc Số 1. Lời cầu nguyện trở nên có ý nghĩa hơn khi chúng ta hội ý với Chúa trong tất cả các việc làm của mình (xin xem An Ma 37:37).

Nói một cách đơn giản, sự cầu nguyện là lối truyền đạt lên Cha Thiên Thượng từ các con trai và các con gái của Ngài trên thế gian. “Ngay khi chúng ta biết được mối quan hệ đích thực của chúng ta với Thượng Đế (nghĩa là, Thượng Đế là Cha của chúng ta, và chúng ta là con cái của Ngài), thì ngay lập tức về phần chúng ta, lời cầu nguyện trở nên tự nhiên theo bản năng của mình” (Bible Dictionary, “Prayer,” 752). Chúng ta được truyền lệnh phải cầu nguyện luôn luôn lên Đức Chúa Cha trong danh của Vị Nam Tử (xin xem 3 Nê Phi 18:19–20). Chúng ta được hứa rằng nếu chúng ta chân thành cầu nguyện về điều gì đúng và tốt lành và theo ý muốn của Thượng Đế, thì chúng ta có thể được ban phước, bảo vệ và hướng dẫn (xin xem 3 Nê Phi 18:20; GLGƯ 19:38).

Sự mặc khải là sự truyền đạt từ Cha Thiên Thượng đến các con cái của Ngài trên thế gian. Khi cầu xin trong đức tin, chúng ta có thể nhận được điều mặc khải này đến điều mặc khải khác, sự hiểu biết này đến điều hiểu biết nọ, tiến đến việc biết được những điều kín nhiệm và những điều bình an mà mang đến niềm vui và cuộc sống vĩnh cửu (xin xem GLGƯ 42:61). Những điều kín nhiệm là những vấn đề mà chỉ có thể biết và hiểu được bởi quyền năng của Đức Thánh Linh (xin xem Harold B. Lee, Ye Are the Light of the World, [1974], 211).

Những điều mặc khải của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đã được truyền giao qua Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn, chính là Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là nhân chứng và sứ giả cho Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.

Các mẫu mực mà đã được Thượng Đế sử dụng trong việc sáng tạo thế gian là có tính cách giáo huấn trong việc giúp chúng ta hiểu cách dâng lên lời cầu nguyện đầy ý nghĩa. Trong chương ba của sách Môi Se, chúng ta biết được rằng tất cả mọi vật đều được sáng tạo bằng thể linh trước khi chúng ở thể thiên nhiên trên mặt đất.

“Và giờ đây, này, ta nói với ngươi rằng, ấy là gốc tích trời và đất, khi chúng được sáng tạo ra, vào ngày mà ta, Đức Chúa Trời, dựng nên trời và đất,

“Cùng mọi cây cối ngoài đồng trước khi nó có ở trên trái đất, và mọi thảo mộc ngoài đồng trước khi nó mọc lên. Vì ta, Đức Chúa Trời, đã sáng tạo mọi vật, mà ta vừa nói tới, trong thể linh, trước khi chúng ở thể thiên nhiên trên mặt đất” (Môi Se 3:4–5).

Chúng ta biết được từ các câu này rằng sự sáng tạo theo thể linh đi trước sự sáng tạo thể chất. Trong một cách thức tương tự, lời cầu nguyện đầy ý nghĩa vào buổi sáng của đầu ngày là một yếu tố quan trọng trong sự sáng tạo thể linh của mỗi ngày—và có trước sự sáng tạo thể chất hoặc là việc làm trong một ngày. Cũng giống như sự sáng tạo thể chất được liên kết với và là một sự tiếp nối của sự sáng tạo thể linh, nên những lời cầu nguyện buổi sáng và buổi tối được liên kết với nhau và là một sự tiếp nối của nhau.

Hãy suy nghĩ về ví dụ này. Có lẽ có những điều trong cá tính, hành vi của chúng ta, hoặc liên quan đến sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta mà chúng ta cần phải hội ý với Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện vào buổi sáng. Sau khi bày tỏ lời cảm tạ thích đáng về những phước lành nhận được, chúng ta khẩn nài để có được sự hiểu biết, sự hướng dẫn, và giúp đỡ để làm những điều mà chúng ta không thể tự mình làm được chỉ với sức của mình. Ví dụ, khi cầu nguyện, chúng ta có thể:

  • Nghĩ về những lần mà chúng ta đã nói năng một cách cộc cằn và không thích hợp với những người mà chúng ta yêu thương nhất.

  • Nhìn nhận rằng chúng ta biết rõ hơn khi hành động như vậy, nhưng chúng ta không luôn luôn hành động theo những gì chúng ta biết.

  • Bày tỏ nỗi ân hận đối với sự yếu đuối của mình vì đã không từ bỏ con người thiên nhiên một cách nghiêm chỉnh hơn.

  • Quyết định noi gương của Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn hơn trong cuộc sống của chúng ta.

  • Nài xin để có được nhiều sức mạnh hơn để làm và trở nên người tốt hơn.

Một lời cầu nguyện như vậy là phần chính yếu của việc chuẩn bị phần thuộc linh cho một ngày của chúng ta.

Trong ngày, chúng ta giữ một lời cầu nguyện trong lòng mình để tiếp tục có được sự giúp đỡ và hướng dẫn—như An Ma đã đề nghị: “Hãy đưa ý nghĩ của con hướng về Chúa” (An Ma 37:36).

Chúng ta thấy rằng trong một ngày đặc biệt như vậy, nếu có những dịp mà chúng ta thường có khuynh hướng nói năng cộc cằn thì chúng ta không làm như thế; hoặc chúng ta có thể có chiều hướng giận dữ nhưng chúng ta không làm như vậy. Chúng ta thấy rõ có sự giúp đỡ và sức mạnh của thiên thượng và khiêm nhường nhận biết những sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình. Ngay cả trong giây phút nhìn nhận đó, chúng ta cũng dâng lên một lời cầu nguyện biết ơn thầm.

Vào cuối ngày của mình, một lần nữa chúng ta quỳ xuống và tường trình lên Cha Thiên Thượng. Chúng ta duyệt xét lại những sự kiện trong ngày và bày tỏ lời biết ơn chân thành về các phước lành và sự giúp đỡ mà chúng ta nhận được. Chúng ta hối cải và, với sự giúp đỡ của Thánh Linh của Chúa, nhận ra những cách thức mà chúng ta có thể làm và trở nên tốt hơn vào ngày mai. Như vậy, lời cầu nguyện vào buổi tối của chúng ta xây đắp và là một sự tiếp tục của lời cầu nguyện buổi sáng của chúng ta. Và lời cầu nguyện vào buổi tối của chúng ta cũng là một sự chuẩn bị cho lời cầu nguyện đầy ý nghĩa vào buổi sáng hôm sau.

Những lời cầu nguyện vào buổi sáng và buổi tối—và tất cả những lời cầu nguyện ở giữa hai thời gian đó—thì không phải là những sự kiện riêng biệt, không liên quan với nhau; thay vì thế chúng liên kết với nhau mỗi ngày và suốt cả ngày, cả tuần, cả tháng và ngay cả năm. Đây là một phần trong cách thức mà chúng ta làm tròn theo lời dạy của thánh thư là “phải cầu nguyện luôn luôn” (Lu Ca 21:36; 3 Nê Phi 18:15, 18; GLGƯ 31:12). Những lời cầu nguyện đầy ý nghĩa như vậy là phương tiện để đạt được các phước lành tuyệt diệu nhất mà Thượng Đế dành cho các con cái trung tín của Ngài.

Lời cầu nguyện trở thành có ý nghĩa khi chúng ta nhớ đến mối quan hệ của mình với Thượng Đế và lưu ý đến lời dạy để:

“Hãy kêu cầu Thượng Đế trong mọi sự nương cậy của con; phải, hãy làm mọi việc trong Chúa, và bất cứ nơi nào con đi, hãy đi trong Chúa; phải, hãy đưa ý nghĩ của con hướng về Chúa; phải, hãy đặt mọi sự thương mến trong lòng con vào Chúa mãi mãi.

“Hãy hội ý với Chúa trong mọi việc làm của mình, và Ngài sẽ hướng dẫn con đến điều thiện; phải, khi đêm đến, con nằm xuống, hãy nằm xuống trong Chúa, để Ngài chăm sóc con trong giấc ngủ của con. Khi sáng thức dậy, con hãy để lòng mình tràn đầy lời tạ ơn Thượng Đế; và nếu con làm được như vậy, thì con sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng” (An Ma 37:36–37; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Nguyên Tắc Số 2. Lời cầu nguyện trở nên có ý nghĩa hơn khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành.

Trong khi phục vụ tại trường Brigham Young University–Idaho, Chị Bednar và tôi thường chiêu đãi Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương ở nhà mình. Gia đình chúng tôi học được một bài học quan trọng về sự cầu nguyện có ý nghĩa khi chúng tôi quỳ xuống cầu nguyện vào một buổi tối nọ với một thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Vào sáng sớm trong ngày đó, Chị Bednar và tôi đã được thông báo cho biết về sự qua đời đột ngột của một người bạn thân, và ước muốn tức thì của chúng tôi là cầu nguyện cho người phối ngẫu còn lại và con cái. Khi tôi mời vợ tôi dâng lên lời cầu nguyện, thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai, không hề biết đến thảm cảnh nêu trên, đã nhã nhặn đề nghị rằng trong lời cầu nguyện, Chị Bednar chỉ nên bày tỏ lòng biết ơn về các phước lành đã nhận được và không cầu xin điều gì cả. Lời dạy của ông tương tự với lời chỉ dẫn của An Ma cho các tín hữu của Giáo Hội thời xưa, là “cầu nguyện không ngừng và phải tạ ơn trong mọi việc” (Mô Si A 26:39). Với thảm cảnh bất ngờ như vậy, thì việc cầu xin các phước lành cho những người bạn của chúng tôi thoạt đầu dường như đối với chúng tôi thì khẩn cấp hơn việc bày tỏ lời tạ ơn.

Chị Bednar đáp ứng trong đức tin lời hướng dẫn mà chị đã nhận được. Chị cảm tạ Cha Thiên Thượng về những kinh nghiệm đầy ý nghĩa và đáng ghi nhớ với người bạn thân này. Chị dâng lên lòng biết ơn chân thành về Đức Thánh Linh là Đấng An Ủi và về các ân tứ của Thánh Linh mà cho phép chúng tôi có thể đối phó với nghịch cảnh và phục vụ những người khác. Quan trọng hơn hết, chị bày tỏ lòng biết ơn về kế hoạch cứu rỗi, về sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô, về Sự Phục Sinh của Ngài, và về các giáo lễ và các giao ước của phúc âm phục hồi mà giúp cho gia đình có thể được sống với nhau vĩnh viễn.

Gia đình của chúng tôi học biết được từ kinh nghiệm đó một bài học quý báu về quyền năng của lòng biết ơn trong lời cầu nguyện có ý nghĩa. Nhờ vào và qua lời cầu nguyện đó, gia đình của chúng tôi đã được ban phước với sự soi dẫn về nhiều vấn đề mà đang khiến chúng tôi lo lắng, lẩn quẩn trong tâm trí của chúng tôi và gây xúc động trong cảm nghĩ của chúng tôi. Chúng tôi biết rằng lòng biết ơn của mình về kế hoạch hạnh phúc và về sứ mệnh cứu rỗi của Đấng Cứu Rỗi cung ứng sự tái cam đoan cần thiết và củng cố sự tin tưởng của chúng tôi rằng tất cả mọi điều đều sẽ được ổn thỏa với những người bạn thân của chúng tôi. Chúng tôi cũng nhận được sự hiểu biết sâu xa về những điều mà chúng tôi cần phải cầu nguyện và cầu xin trong đức tin một cách thích hợp.

Những lời cầu nguyện có ý nghĩa nhất và thiêng liêng nhất mà tôi đã kinh nghiệm được thì gồm có nhiều lời cảm tạ và ít lời cầu xin, nếu có. Như tôi hiện nay được phước để cầu nguyện với các sứ đồ và các vị tiên tri, tôi thấy nơi số các vị lãnh đạo hiện đại này ngày nay của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi cùng một đặc tính mà đã mô tả Lãnh Binh Mô Rô Ni trong Sách Mặc Môn: đây là những người có trái tim căng đầy lòng tri ân Thượng Đế vì nhiều đặc ân và phước lành Ngài đã ban cho dân Ngài (xin xem An Ma 48:12). Và họ đã không lặp đi lặp lại nhiều lời, vì những gì họ cầu xin đều được ban cho, và họ được tràn đầy ước nguyện (xin xem 3 Nê Phi 19:24). Những lời cầu nguyện của các vị tiên tri giống như của trẻ con trong sự giản dị và đầy quyền năng nhờ vào lòng chân thành của họ.

Khi cố gắng làm cho những lời cầu nguyện của mình có ý nghĩa hơn, chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta “không xúc phạm Thượng Đế trong bất cứ việc gì, hay Ngài cũng không nổi giận với ai, ngoại trừ những kẻ không chịu thú nhận có bàn tay của Ngài trong mọi sự việc, và không vâng theo các giáo lệnh của Ngài” (GLGƯ 59:21). Tôi xin đề nghị rằng thỉnh thoảng, các anh chị em và tôi nên dâng lên một lời cầu nguyện mà trong đó chúng ta chỉ dâng lên lời cảm tạ và bày tỏ lòng biết ơn. Đừng cầu xin điều gì; để cho tâm hồn chúng ta hoàn toàn hân hoan và cố gắng dâng lên sự cảm kích với tất cả nghị lực của lòng mình.

Nguyên Tắc Số 3. Sự cầu nguyện trở nên có ý nghĩa hơn khi chúng ta cầu nguyện cho những người khác với chủ ý thật sự và tấm lòng chân thành.

Việc cầu xin Cha Thiên Thượng các phước lành mà chúng ta mong muốn trong cuộc sống cá nhân của mình là điều tốt và thích đáng để làm. Tuy nhiên, cầu nguyện khẩn thiết cho những người khác, cả những người chúng ta yêu thương lẫn những người bắt bớ chúng ta, cũng là một yếu tố quan trọng của lời cầu nguyện có ý nghĩa. Cũng giống như việc bày tỏ lòng biết ơn thường xuyên hơn trong những lời cầu nguyện của chúng ta làm gia tăng khả năng nhận được sự mặc khải đến với chúng ta thường xuyên và đầy quyền năng, thì việc cầu nguyện cho những người khác với tất cả tấm lòng nhiệt thành của chúng ta cũng làm gia tăng khả năng của chúng ta để lắng nghe và lưu ý đến tiếng nói của Chúa.

Chúng ta học được một bài học thiết yếu từ tấm gương của Lê Hi trong Sách Mặc Môn. Lê Hi đáp ứng trong đức tin những lời chỉ dẫn tiên tri và lời báo trước về sự hủy diệt của Giê Ru Sa Lem. Rồi ông đã cầu nguyện lên Chúa “hết tấm lòng thành của mình, cho dân ông” (1 Nê Phi 1:4–5; sự nhấn mạnh được thêm vào). Để đáp lại lời cầu nguyện tha thiết này, Lê Hi đã được ban phước với một khải tượng đầy vinh quang về Thượng Đế và Con Trai của Ngài và về sự hủy diệt sắp xảy đến của Giê Ru Sa Lem (xin xem 1 Nê Phi 1:6–9, 13, 18). Do đó, tâm hồn của Lê Hi rất hân hoan, và lòng ông tràn ngập niềm vui sướng vì những điều mà Chúa đã cho ông thấy (xin xem 1 Nê Phi 1:15). Xin lưu ý rằng khải tượng đã đến để đáp lại một lời cầu nguyện cho những người khác chứ không phải là kết quả của một lời cầu xin về sự soi sáng hay hướng dẫn cho cá nhân.

Đấng Cứu Rỗi là tấm gương trọn vẹn về sự cầu nguyện cho những người khác với chủ ý thật sự. Trong lời cầu nguyện tuyệt vời thay cho những người khác của Ngài dâng lên vào cái đêm trước khi Ngài bị đóng đinh, Chúa Giê Su đã cầu nguyện cho Các Sứ Đồ của Ngài và tất cả Các Thánh Hữu.

“Con vì họ mà cầu nguyện; chẳng phải vì thế gian mà cầu nguyện, nhưng vì kẻ Cha đã giao cho Con, bởi chưng họ thuộc về Cha.

“Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa;

“… để cho tình yêu thương của Cha dùng yêu thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa” (Giăng 17:9, 20, 26).

Trong thời gian giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi trên lục địa Mỹ Châu, Ngài đã hướng dẫn dân chúng biết suy ngẫm về những lời giảng dạy của Ngài và cầu nguyện để có được sự hiểu biết. Ngài chữa lành những kẻ đau ốm, và cầu nguyện cho dân chúng bằng một ngôn ngữ mà không thể viết lại được (xin xem 3 Nê Phi 17:1–16). Ảnh hưởng của lời cầu nguyện của Ngài thì rất sâu xa: “Chẳng có ai hiểu thấu được sự vui mừng tràn ngập tâm hồn chúng tôi khi chúng tôi nghe Ngài cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng tôi” (3 Nê Phi 17:17). Hãy tưởng tượng việc nghe Đấng Cứu Rỗi của thế gian cầu nguyện cho chúng ta sẽ như thế nào.

Những người phối ngẫu, con cái của chúng ta và những người khác trong gia đình chúng ta có cảm nhận được quyền năng của những lời cầu nguyện mà chúng ta dâng lên Đức Chúa Cha về những nhu cầu và ước muốn cụ thể của họ không? Những người mà chúng ta phục vụ có nghe chúng ta cầu nguyện cho họ với đức tin và lòng thành thật không? Nếu những người mà chúng ta yêu thương và phục vụ đã không nghe và cảm nhận được ảnh hưởng của những lời cầu nguyện khẩn thiết của chúng ta thay cho họ, thì bây giờ là lúc để hối cải đây. Khi chúng ta noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi thì những lời cầu nguyện của chúng ta thật sự sẽ trở nên có ý nghĩa hơn.

Chúng ta được truyền lệnh phải “cầu nguyện luôn luôn” (2 Nê Phi 32:9; GLGƯ 10:5; 90:24)—“bằng lời cũng như trong lòng; … trước thế gian cũng như trong chỗ kín đáo, trước công chúng cũng như trong phòng riêng của mình” (GLGƯ 19:28). Tôi làm chứng rằng lời cầu nguyện trở nên có ý nghĩa hơn khi chúng ta hội ý với Chúa trong tất cả những việc làm của mình, khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành, và khi chúng ta cầu nguyện cho những người khác với chủ ý thật sự và một tấm lòng chân thật.

Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng hằng sống và rằng Ngài nghe và đáp ứng mỗi lời cầu nguyện thiết tha. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Trung Gian của chúng ta. Sự mặc khải là có thật. Phúc âm trọn vẹn đã được phục hồi trên thế gian trong gian kỳ này. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.