2008
Tìm Ra Niềm Vui trong Cuộc Sống
Tháng Mười một năm 2008


Tìm Ra Niềm Vui trong Cuộc Sống

Chúng ta hãy vui hưởng cuộc sống khi chúng ta sống, tìm ra niềm vui trong cuộc sống và chia sẻ tình yêu thương với bạn bè và gia đình.

Hình Ảnh
Thomas S. Monson

Các anh chị em thân mến, tôi hạ mình đứng trước các anh chị em buổi sáng hôm nay. Tôi xin có được đức tin và lời cầu nguyện của các anh chị em thay cho tôi trong khi tôi ngỏ lời về những điều đang ở trong tâm trí tôi mà tôi có ấn tượng phải chia sẻ với các anh chị em.

Tôi bắt đầu bằng cách nói đến một trong những khía cạnh mà chắc chắn nhất phải xảy ra trong cuộc sống của chúng ta nơi đây trên thế gian, và đó là sự thay đổi. Vào lúc này hay lúc khác chúng ta đều có nghe về một số câu châm ngôn quen thuộc: “Không có điều gì liên tục như sự thay đổi.”

Trong suốt cuộc sống của mình, chúng ta cần phải đương đầu với sự thay đổi. Một số thay đổi thì được hoan nghênh, một số thì không. Có những sự thay đổi trong cuộc sống của chúng ta thì bất ngờ, chẳng hạn như sự qua đời đột ngột của một người thân, một căn bệnh không lường trước, tài sản mà chúng ta trân quý bị mất. Nhưng đa số sự thay đổi xảy đến một cách khó thấy và từ từ.

Đại hội này đánh dấu 45 năm kể từ khi tôi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Lúc bấy giờ, khi còn là thành viên mới của Nhóm Túc Số Mười Hai, tôi đã nhìn lên 14 người phi thường thâm niên hơn tôi trong Nhóm Túc Số Mười Hai và Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Từng người một, mỗi người này đã qua đời. Khi Chủ Tịch Hinckley qua đời cách đây tám tháng, tôi ý thức rằng tôi đã trở thành Sứ Đồ Trưởng. Những thay đổi trong một thời kỳ 45 năm tuy là lớn nhưng giờ đây dường như thật to tát.

Tuần tới Chị Monson và tôi sẽ kỷ niệm 60 năm ngày cưới. Khi nhìn lại những khởi đầu của chúng tôi, tôi nhận thấy rằng cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi biết bao kể từ lúc ấy. Các bậc cha mẹ yêu dấu của chúng tôi là những người đã đứng cạnh chúng tôi khi chúng tôi bắt đầu cuộc sống chung của mình giờ đã qua đời. Ba đứa con của chúng tôi, đã làm cho cuộc sống của chúng tôi thật trọn vẹn trong nhiều năm thì giờ đây đã lớn khôn và đã có gia đình riêng của chúng. Đa số mấy đứa cháu nội, ngoại của chúng tôi cũng đã lớn khôn và giờ đây chúng tôi có bốn đứa chắt.

Thời gian trôi qua, chúng tôi đi từ cuộc sống xa xưa đến cuộc sống hiện tại. Dĩ nhiên, cuộc sống của tất cả chúng ta đều trải qua những sự thay đổi tương tự. Sự khác biệt giữa những thay đổi trong cuộc sống của tôi và những thay đổi trong cuộc sống của các anh chị em chỉ là những tiểu tiết. Thời gian không bao giờ dừng lại; nó cần phải trôi qua đều đặn và với sự trôi qua của thời gian là những sự thay đổi.

Đây là cơ hội độc nhất và duy nhất của chúng ta trong cuộc sống hữu diệt—trong hiện tại. Chúng ta càng sống lâu, thì chúng ta càng nhận thức rõ là cuộc sống ngắn ngủi. Những cơ hội đến, rồi đi. Tôi tin rằng trong số các bài học lớn lao nhất mà chúng ta phải học trong cuộc sống ngắn ngủi này trên thế gian là các bài học mà sẽ giúp cho chúng ta phân biệt giữa điều gì là quan trọng và điều gì thì không. Tôi khẩn nài với các anh chị em đừng để những điều quan trọng nhất đó bị bỏ lỡ khi các anh chị em hoạch định cho tương lai hão huyền và không tồn tại khi các anh chị em sẽ có thời giờ để làm tất cả những gì mình muốn làm. Thay vì thế, hãy tìm ra niềm vui trong cuộc sống—ngay bây giờ.

Vợ tôi Frances gọi tôi là “người ham mê những buổi trình diễn ca nhạc.” Tôi hoàn toàn ưa thích nhiều buổi trình diễn ca nhạc và một trong những màn mà tôi ưa thích đã được nhà soạn nhạc Hoa Kỳ Meredith Willson sáng tác và có tên là Con Người Âm Nhạc. Giáo Sư Harold Hill, một trong các nhân vật chính trong màn trình diễn, đưa ra một lời cảnh cáo mà tôi xin chia sẻ với các anh chị em. Ông nói: “Bạn tích lũy đầy đủ cho ngày mai và rồi bạn sẽ thấy rằng quá khứ của bạn thì trống không.”1

Thưa các anh chị em, sẽ không có ngày mai nếu chúng ta không làm một điều gì ngày hôm nay.

Tôi đã chia sẻ với các anh chị em trước đây một ví dụ về triết lý này. Tôi tin rằng nó đáng để lặp lại. Cách đây nhiều năm, Arthur Gordon đã viết trong một tạp chí quốc gia và tôi xin trích dẫn:

“Khi tôi khoảng 13 tuổi và em trai tôi 10 tuổi, Cha tôi đã hứa dẫn chúng tôi đi xem xiếc. Nhưng vào lúc ăn trưa thì có một cú điện thoại: một số công việc mua bán khẩn cấp cần sự có mặt của ông ở khu kinh doanh dưới phố. Chúng tôi sẵn sàng để nghĩ rằng mình sẽ thất vọng. Rồi chúng tôi nghe ông nói [trong điện thoại]: ‘Không, tôi sẽ không đến. Công chuyện sẽ phải chờ thôi.’

“Khi ông trở lại bàn ăn, Mẹ tôi mỉm cười nói: ‘Đoàn xiếc sẽ trở lại, anh biết chứ.’

“Cha nói: ‘Anh biết, nhưng tuổi thơ thì sẽ không trở lại.’”2

Nếu các anh chị em có con cái đã lớn khôn và rời nhà rồi, thì rất có thể các anh chị em thỉnh thoảng cảm thấy đau đớn bởi sự mất mát đó và sự quý trọng mà các anh chị em đã không có đối với thời gian đó của cuộc sống nhiều như mình cần phải có. Dĩ nhiên là không thể trở lại, mà chỉ có thể tiến lên. Thay vì day dứt vì quá khứ, chúng ta cần phải tận dụng ngày hôm nay, hiện tại, làm hết sức mình để mang đến những kỷ niệm thú vị cho tương lai.

Nếu các anh chị em còn đang nuôi nấng con cái, thì hãy coi chừng những dấu tay nhỏ nhắn hiện lên hầu hết ở trên mặt mọi thứ mới được lau sạch, các món đồ chơi nằm rải rác khắp nơi trong nhà, nhiều đống quần áo phải giải quyết, sẽ biến mất quá sớm và các anh chị em sẽ ngạc nhiên thấy rằng mình đã hết sức nhớ những điều đó.

Có sự căng thẳng trong cuộc sống của chúng ta dù hoàn cảnh của chúng ta như thế nào đi nữa. Chúng ta cần phải hết lòng đối phó với chúng. Nhưng chúng ta đừng để cho chúng ngăn cản điều quan trọng nhất—và điều quan trọng nhất thì hầu như luôn luôn có dính dáng đến những người chung quanh chúng ta. Chúng ta thường tưởng rằng họ cần phải biết là chúng ta yêu thương họ biết bao. Nhưng chúng ta đừng bao giờ tưởng như vậy; chúng ta cần phải nói cho họ biết. William Shakespeare viết: “Những người nào không yêu thương thì không cho thấy tình yêu thương của họ.”3 Chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc đã thốt ra những lời tử tế hoặc cho thấy sự trìu mến. Thay vì thế, chúng ta sẽ hối tiếc nếu thiếu sót những điều như vậy trong mối quan hệ của mình với những người có ý nghĩa nhiều nhất đối với chúng ta.

Hãy gửi một lá thư ngắn đến người bạn mà các anh chị em đã hờ hững; ôm hôn đứa con của các anh chị em; ôm hôn cha mẹ các anh chị em; hãy nói lời yêu thương thường xuyên hơn; hãy luôn luôn bày tỏ lời cám ơn của mình. Đừng bao giờ để cho một vấn đề sẽ được giải quyết trở nên quan trọng hơn một người cần được yêu thương. Bạn bè dọn nhà đi chỗ khác, con cái lớn lên, những người thân yêu qua đời. Việc xem sự hiện diện của những người khác là lẽ đương nhiên thì rất dễ dàng cho đến cái ngày mà họ ra khỏi cuộc đời của chúng ta và chúng ta sẽ bị bỏ lại với những cảm nghĩ “cái gì sẽ xảy ra nếu” và “giá mà.” Tác giả Harriett Beecher Stowe nói: “Những giọt lệ chua xót nhất đổ ra trước cái chết của một người nào đó là vì có những lời nói mà chúng ta không bao giờ thốt ra và những việc mà chúng ta không làm cho người đó khi người đó còn sống.”4

Vào thập niên 1960, trong lúc Chiến Tranh Việt Nam, một tín hữu Giáo Hội tên Jay Hess, là phi công, bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam. Trong hai năm, gia đình của anh ấy không hề biết được là anh ấy còn sống hay đã chết. Cuối cùng, những người bắt giam anh ở Hà Nội cho phép anh viết thư về nhà, nhưng giới hạn lá thư của anh ít hơn 25 chữ. Các anh chị em và tôi sẽ nói gì với gia đình mình nếu chúng ta cũng ở trong hoàn cảnh như vậy—không thấy họ hơn hai năm và không biết rằng chúng ta sẽ gặp lại họ không? Muốn cung ứng một điều gì để gia đình mình có thể nhận ra là do anh gửi đến, và cũng như muốn đưa cho họ lời khuyên dạy quý báu, Anh Hess đã viết—và tôi xin trích dẫn: “Những điều này rất quan trọng: lễ hôn phối đền thờ, đi truyền giáo, đi học đại học. Tiến bước, đặt mục tiêu, viết lịch sử, chụp ảnh gia đình hai lần một năm.”5

Chúng ta hãy vui hưởng cuộc sống khi chúng ta sống, tìm ra niềm vui trong cuộc sống và chia sẻ tình yêu thương với bạn bè và gia đình. Một ngày nào đó, mỗi người chúng ta sẽ lìa đời.

Trong sách Giăng trong Kinh Tân Ước, chương 13, câu 34, Đấng Cứu Rỗi khuyên nhủ chúng ta: “Như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.”

Một số các anh chị em có lẽ quen thuộc với vở kịch cổ điển Our Town của Thornton Wilder. Nếu vậy, thì các anh chị em sẽ nhớ đến thị trấn Grover’s Corners, nơi mà xảy ra câu chuyện đó. Trong vở kịch đó, Emily Webb chết khi sinh con và chúng ta đọc về nỗi đau buồn cô đơn của người chồng trẻ của Emily tên là George, bị bỏ lại với đứa con bốn tuổi của họ. Emily không muốn được an giấc ngàn thu; cô ta muốn trải qua lần nữa niềm vui của cuộc sống mình. Cô ta có được đặc ân trở lại dương thế và sống lại thời cô ta 12 tuổi. Thoạt tiên, đó là điều phấn khởi được trẻ lại, nhưng rồi niềm phấn khởi cũng tàn nhanh. Ngày vui qua mau, giờ đây Emily biết điều đang chờ đón mình trong tương lai. Thật là nỗi đau đớn khó có thể chịu đựng được để thấy rằng mình đã không hề ý thức được về ý nghĩa và sự kỳ diệu của cuộc sống trong khi còn sống. Trước khi trở lại nơi yên nghỉ của mình, Emily đã than: “Con người có bao giờ ý thức được cuộc sống là quý báu biết bao trong khi họ còn sống—mỗi phút, mỗi giây không?”

Ý thức của chúng ta về điều gì là quan trọng nhất trong đời mà mang đến lòng biết ơn về các phước lành của mình.

Một tác giả nổi tiếng đã nói: “Sự dồi dào lẫn thiếu thốn [sự dồi dào] đều cùng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, song song với thật tế. Lúc nào cũng là sự chọn lựa có ý thức của chúng ta về điều chúng ta sẽ chú trọng đến trong hai điều đó… . khi chúng ta không chọn chú trọng vào điều không có trong cuộc sống của mình nhưng biết ơn sự dồi dào mà chúng ta có—tình yêu thương, sức khỏe, gia đình, bạn bè, công việc làm, niềm vui về thiên nhiên và những theo đuổi cá nhân mà mang [hạnh phúc] đến cho chúng ta—chấm dứt ý nghĩ và cảm nghĩ về những điều tiêu cực, thì chúng ta biết được thiên thượng trên thế gian.”6

Trong Giáo Lý và Giao Ước, tiết 88, câu 33, chúng ta được cho biết rằng: “Vì nó có ích lợi gì cho một người nếu một ân tứ được ban cho kẻ đó, và kẻ đó không chấp nhận ân tứ ấy? Này, kẻ đó không vui sướng với điều được ban cho và cũng chẳng vui với Đấng ban ân tứ cho mình.”

Horace, nhà triết học La Mã thời xưa, đã khuyên nhủ: “Bất cứ giờ phút nào mà Thượng Đế đã ban phước cho bạn thì hãy nhận nó với đôi tay biết ơn, đừng trì hoãn niềm vui của mình từ năm này qua năm khác, để ở bất cứ nơi nào bạn đang sống, bạn cũng có thể nói rằng bạn đã sống một cách hạnh phúc.”

Cách đây nhiều năm, tôi đã cảm động bởi câu chuyện về Borghild Dahl. Bà sinh ra ở Minnesota vào năm 1890, cha mẹ bà là người Na Uy, và từ thuở thơ ấu của mình, bà đã bị khuyết tật nặng về thị giác. Bà có ước muốn mãnh liệt dự phần vào cuộc sống thường ngày mặc dù khuyết tật của mình và, qua sự quyết tâm hoàn toàn, bà đã thành công hầu như trong mọi điều mà bà đã làm. Bất chấp lời khuyên của các nhà giáo dục, là những người cảm thấy rằng khuyết tật của bà quá nghiêm trọng, bà đã theo học đại học, nhận được bằng cử nhân bốn năm từ trường University of Minnesota. Về sau bà theo học trường Columbia University và trường University of Oslo. Cuối cùng bà trở thành hiệu trưởng của tám trường học ở miền tây Minnesota và North Dakota.

Bà đã viết điều sau đây vào một trong số 17 quyển sách mà bà là tác giả: “Tôi chỉ có một mắt và nó bị sẹo dầy đặc đến nỗi tôi chỉ có thể thấy qua một cái lỗ nhỏ ở mắt trái. Tôi có thể đọc một quyển sách chỉ bằng cách giơ nó lên sát vào mặt và bằng cách cố gắng hết sức nhướng con mắt độc nhất của mình sang bên phía trái.”7

Nhiệm mầu thay, vào năm 1943—khi bà hơn 50 tuổi—một cuộc cách mạng về phương pháp y khoa đã được phát triển và cuối cùng đã phục hồi cho bà hầu hết thị giác mà bà không có đã rất lâu. Một thế giới mới và đầy phấn khởi đã mở ra trước mắt bà. Bà đã rất thích thú nơi những điều nhỏ nhặt mà đa số chúng ta xem là lẽ đương nhiên, chẳng hạn theo dõi một con chim đang bay, chú ý đến ánh sáng phản chiếu trong bọt nước rửa bát hoặc quan sát những tuần trăng mỗi tối. Bà kết thúc một trong số các quyển sách của bà với những lời này: “Cha Thiên Thượng thân mến, con cảm tạ Ngài. Con cảm tạ Ngài.”8

Trước lẫn sau khi thị giác của bà được phục hồi, lòng của Borghild Dahl đều tràn đầy sự biết ơn về các phước lành của bà.

Năm 1982, hai năm trước khi bà qua đời, thọ 92 tuổi, quyển sách cuối cùng của bà được xuất bản. Tên của sách là: Happy All My Life. (Vui Sướng Suốt Đời Tôi). Thái độ biết ơn của bà đã có thể cho bà cảm kích về các phước lành của bà và sống một cuộc sống trọn vẹn và phong phú mặc dù những thử thách của bà.

Trong sách 1 Tê Sa Lô Ni Ca trong Kinh Tân Ước, chương 5, câu 18, chúng ta được Sứ Đồ Phao Lô cho biết rằng: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô đối với anh em là như vậy.”

Xin các anh chị em hãy cùng tôi nhớ lại câu chuyện về 10 người mắc bệnh phung:

“Nhằm khi vào làng kia, có mười người phung đến đón rước [Chúa Giê Su] đứng đằng xa, lên tiếng rằng:

Lạy Chúa Giê Su, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng! Khi Ngài thấy họ, liền phán rằng:

Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ. Họ đương đi thì phung lành hết thảy.

“Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa Trời;

“Lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Giê Su mà tạ ơn Ngài. Vả, người đó là người Sa Ma Ri.

“Đức Chúa Giê Su bèn cất tiếng phán rằng: Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu?

“Chỉ có người ngoại quốc này trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư?”9

Chúa đã phán trong một điều mặc khải ban cho qua Tiên Tri Joseph Smith: “Và loài người không xúc phạm Thượng Đế trong bất cứ việc gì, hay Ngài cũng không nổi giận với ai, ngoại trừ những kẻ không chịu thú nhận có bàn tay của Ngài trong mọi sự việc.”10 Cầu xin cho chúng ta được thuộc vào số những người dâng lời cảm tạ lên Cha Thiên Thượng. Nếu sự vô ơn là một trong số các tội nặng, thì lòng biết ơn là một trong những đức tính cao quý nhất.

Mặc dù có những thay đổi đến với cuộc sống của chúng ta và với lòng biết ơn, cầu xin cho chúng ta chứa đầy những ngày của mình—càng nhiều càng tốt—với những điều quan trọng nhất. Cầu xin cho chúng ta trân quý những người mà chúng ta yêu mến và bày tỏ tình yêu thương của mình đối với họ bằng lời nói và bằng hành động.

Để kết thúc, tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta sẽ ngẫm nghĩ về lòng biết ơn đối với Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Phúc âm đầy vinh quang của Ngài mang đến lời giải đáp cho những câu hỏi trọng đại nhất của cuộc sống: Chúng ta từ đâu đến? Tại sao chúng ta ở đây? Linh hồn của tôi đi đâu khi tôi chết?

Ngài dạy chúng ta cách cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta cách phục vụ. Ngài dạy chúng ta cách sống. Cuộc sống của Ngài là di sản của tình yêu thương. Ngài chữa lành người bệnh; Ngài nâng đỡ kẻ bị áp bức; Ngài giải cứu kẻ phạm tội.

Có lúc mà Ngài đã đứng một mình cô đơn. Một số Sứ Đồ nghi ngờ; một người phản Ngài. Quân lính La Mã đâm thủng sườn Ngài. Đám đông hỗn tạp lấy mạng sống của Ngài. Tuy nhiên từ ngọn đồi Sọ vang lên những lời đầy trắc ẩn của Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết mình làm điều gì.”11

Trước đó, có lẽ nhận thấy được sứ mệnh của Ngài trên trần thế đã gần kết thúc, Ngài đã than: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu.”12 “Không còn chỗ trong quán”13 không phải là một lời từ chối duy nhất—mà là lời từ chối thứ nhất. Tuy nhiên Ngài mời gọi các anh chị em và tôi tiếp nhận Ngài: “Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.”14

Ai là Người sầu khổ và từng trải sự ưu phiền? Ai là Vua vinh hiển, là Chúa muôn quân? Ngài là Đức Thầy của chúng ta. Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta? Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Ngài là Cội Rễ của Sự Cứu Rỗi cho chúng ta. Ngài ra hiệu: “Hãy theo ta.”15 Ngài chỉ thị: “Hãy đi, làm theo như vậy.”16 Ngài khẩn nài: “Giữ gìn các điều răn ta.”17

Chúng ta hãy noi theo Ngài. Chúng ta hãy bắt chước gương Ngài. Chúng ta hãy tuân theo lời Ngài. Khi làm như vậy, chúng ta dâng lên Ngài ân tứ thiêng liêng của sự biết ơn.

Thưa các anh chị em, lời cầu nguyện chân thành của tôi là chúng ta có thể thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống của mình, chúng ta có thể ý thức được điều gì là quan trọng nhất, chúng ta có thể luôn luôn bày tỏ lòng biết ơn của mình, và như vậy tìm ra được niềm vui trong cuộc sống. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Meredith Willson và Franklin Lacey, The Music Man (1957).

  2. Arthur Gordon, A Touch of Wonder (1974), 77–78.

  3. William Shakespeare, Two Gentlemen of Verona, màn 1, cảnh 2, dòng 31.

  4. Harriet Beecher Stowe, trong Gorton Carruth và Eugene Erlich, biên soạn, The Harper Book of American Quotations (1988), 173.

  5. Thư riêng.

  6. Sarah Ban Breathnach, trong John Cook, biên soạn, The Book of Positive Quotations, xuất bản lần thứ nhì (2007), 342.

  7. Borghild Dahl, I Wanted to See (1944), 1.

  8. I Wanted to See, 210.

  9. Lu Ca 17:12–18.

  10. GLGƯ 59:21.

  11. Lu Ca 23:34.

  12. Ma Thi Ơ 8:20.

  13. Xin xem Lu Ca 2:7.

  14. Khải Huyền 3:20.

  15. Mác 2:14.

  16. Lu Ca 10:37.

  17. GLGƯ 11:6.