2008
Buổi Họp Tiệc Thánh và Lễ Tiệc Thánh
Tháng Mười một năm 2008


Buổi Họp Tiệc Thánh và Lễ Tiệc Thánh

Giáo lễ Tiệc Thánh làm cho buổi lễ Tiệc Thánh thành một buổi họp thiêng liêng và quan trọng nhất trong Giáo Hội.

Hình Ảnh
Elder Dallin H. Oaks

Chúng ta đang sống trong thời kỳ nguy hiểm mà đã được Sứ Đồ Phao Lô tiên tri (xin xem 2 Ti Mô Thê 3:1). Những người nào cố gắng bước đi trên con đường thẳng và hẹp thì thấy được các con đường vòng đầy hấp dẫn ở khắp nơi. Chúng ta có thể bị xao lãng, bị bại hoại, chán nản hoặc ngả lòng. Làm thế nào chúng ta có thể có được Thánh Linh của Chúa để hướng dẫn những sự chọn lựa và giữ chúng ta ở trên con đường thẳng và hẹp đó?

Trong điều mặc khải hiện đại Chúa đã đưa ra câu trả lời trong lệnh truyền này:

“Và để cho các ngươi có thể giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn, các ngươi phải đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của ta;

“Vì thật vậy, đây là ngày đã được định để cho các ngươi nghỉ ngơi khỏi phải lao nhọc, và để trả sự ngoan đạo cho Đấng Tối Cao” (GLGƯ 59:9-10).

Đây là một lệnh truyền với lời hứa. Bằng cách tham dự lễ Tiệc Thánh hằng tuần và một cách thích đáng, chúng ta hội đủ điều kiện để nhận được lời hứa rằng chúng ta sẽ “luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]” (GLGƯ 20:77). Thánh Linh đó chính là nền tảng của chứng ngôn của chúng ta. Thánh Linh đó làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, mang mọi điều đến cho chúng ta ghi nhớ, và dẫn chúng ta đến lẽ thật. Đó là chiếc la bàn để hướng dẫn chúng ta trên con đường của mình. Chủ Tịch Wilford Woodruff dạy rằng ân tứ này của Đức Thánh Linh “là ân tứ quý báu nhất có thể ban cho loài người” (Deseret Weekly, ngày 6 tháng Tư năm 1889, 451).

I.

Giáo lễ Tiệc Thánh làm cho buổi lễ Tiệc Thánh thành một buổi họp thiêng liêng và quan trọng nhất trong Giáo Hội. Chỉ trong buổi họp ngày Sa Bát thì toàn thể gia đình mới có thể cùng nhau tham dự được. Nội dung của buổi họp ngoài lễ Tiệc Thánh ra thì cần phải luôn luôn được hoạch định và trình bày nhằm tập trung sự chú ý của chúng ta vào Sự Chuộc Tội và những điều giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.

Những ký ức đầu tiên của tôi về lễ Tiệc Thánh là trong một thị trấn nhỏ ở Utah nơi mà tôi được sắc phong chức thầy trợ tế và tham gia vào việc chuyền Tiệc Thánh. Khi so sánh với những ký ức đó, thì các buổi lễ Tiệc Thánh tôi hiện tham dự trong nhiều tiểu giáo khu khác nhau đã được cải tiến rất nhiều. Điển hình, Tiệc Thánh được thực hiện, chuyền đi, và nhận được bởi các tín hữu trong một bầu không khí nghiêm trang im lặng. Sự điều khiển buổi lễ, kể cả các vấn đề cần thiết của tiểu giáo khu, đều vắn tắt và có giá trị, và các bài nói chuyện đều thiêng liêng trong nội dung và cách phát biểu. Âm nhạc và cũng như những lời cầu nguyện đều rất thích hợp. Đây là tiêu chuẩn, và nó cho thấy sự tiến bộ rất khả quan kể từ những kinh nghiệm của thời thơ ấu của tôi.

Thỉnh thoảng cũng có những ngoại lệ. Tôi cảm thấy rằng một số thanh thiếu niên thuộc thế hệ đang vươn lên và ngay cả một số người lớn cũng chưa tiến đến việc hiểu biết ý nghĩa của buổi lễ này và tầm quan trọng về sự nghiêm trang và sự thờ phượng của cá nhân trong buổi lễ đó. Những điều mà tôi cảm thấy có ấn tượng để giảng dạy nơi đây thì được ngỏ lời với những người chưa hiểu và chưa thực hành các nguyên tắc quan trọng này và chưa vui hưởng các phước lành thuộc linh đã được hứa về việc luôn luôn có được Thánh Linh hướng dẫn của Ngài ở cùng họ.

II.

Tôi bắt đầu với việc các tín hữu của Giáo Hội cần phải tự chuẩn bị như thế nào để tham dự vào giáo lễ Tiệc Thánh. Trong buổi họp giới lãnh đạo toàn cầu cách đây năm năm, Anh Cả Russell M. Nelson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy các vị lãnh đạo chức tư tế của Giáo Hội cách hoạch định và điều khiển các buổi lễ Tiệc Thánh. Anh Cả Nelson nói: “Chúng ta tưởng niệm Sự Chuộc Tội của Ngài trong một cách thức rất riêng biệt. Chúng ta mang một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối đến buổi lễ Tiệc Thánh của chúng ta. Đó là điểm nổi bật nhất của việc làm lễ trong Ngày Sa Bát của chúng ta” (“Worshiping at Sacrament Meeting,” Liahona, tháng Tám năm 2004, 12).

Chúng ta ngồi yên vào chỗ trước khi buổi lễ bắt đầu. “Trong khoảng thời gian yên lặng đó, nhạc dạo đầu cần được êm dịu nhẹ nhàng. Đây không phải là lúc để trò chuyện hoặc trao đổi thông tin mà là một thời điểm để thành tâm suy ngẫm khi các vị lãnh đạo và các tín hữu chuẩn bị phần thuộc linh cho Tiệc Thánh” (Liahona, tháng Tám năm 2004, 13).

Khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng dân Nê Phi tiếp theo Sự Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giảng dạy họ rằng họ cần phải ngừng thực hành của lễ hy sinh bằng sự đổ máu. Thay vì thế, “các ngươi phải hiến dâng cho ta một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” (3 Nê Phi 9:20). Lệnh truyền đó, khi được lặp lại trong điều mặc khải hiện đại bằng cách hướng chúng ta đến việc dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần, cho chúng ta biết chúng ta cần phải chuẩn bị như thế nào. Như Anh Cả Nelson đã dạy: “Mỗi tín hữu của Giáo Hội mang trách nhiệm về sự phong phú hóa phần thuộc linh mà có thể có được từ buổi lễ Tiệc Thánh” (Liahona, tháng Tám năm 2004, 14).

Trong những bài viết của ông về các giáo lý cứu rỗi, Chủ Tịch Joseph Fielding Smith giảng dạy rằng chúng ta dự phần Tiệc Thánh với tính cách là phần tưởng nhớ của chúng ta về cái chết và những nỗi đau đớn của Đấng Cứu Rỗi để cứu chuộc thế gian. Giáo lễ này được đưa ra để chúng ta có thể tái lập các giao ước của mình nhằm phục vụ Ngài, tuân theo Ngài, và luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài. Chủ Tịch Smith nói thêm: “Chúng ta không thể giữ lại Thánh Linh của Chúa nếu chúng ta không kiên định tuân theo lệnh truyền này” (Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên soạn, 3 tập [1954–56], 2:341).

III.

Cách ăn mặc của chúng ta là một dấu chỉ quan trọng về thái độ và sự chuẩn bị của chúng ta cho bất cứ sinh hoạt nào mà chúng ta sẽ tham gia. Nếu chúng ta sẽ đi bơi lội, đi tản bộ hoặc chơi đùa trên bãi biển, thì quần áo của chúng ta, kể cả giày dép của chúng ta, sẽ cho biết về sinh hoạt này. Điều đó cũng đúng về cách ăn mặc của chúng ta khi chúng ta phải tham gia vào giáo lễ Tiệc Thánh. Cũng giống như đi đền thờ. Cách ăn mặc của chúng ta cho thấy mức độ mà chúng ta hiểu và tôn trọng giáo lễ mà chúng ta sẽ tham dự.

Trong lễ Tiệc Thánh—và nhất là trong khi cử hành lễ Tiệc Thánh—chúng ta cần phải tập trung vào sự thờ phượng và cố tránh tất cả những hoạt động khác, nhất là hành vi mà có thể quấy rầy sự thờ phượng của những người khác. Một người ngủ gật không quấy rầy những người khác. Lễ Tiệc Thánh không phải là lúc để đọc sách hay tạp chí. Các em thanh thiếu niên, đó không phải là lúc để thì thầm nói chuyện trên điện thoại di động hoặc gửi lời nhắn trên điện thoại đến những người ở các địa điểm khác. Khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta lập một giao ước thiêng liêng rằng chúng ta sẽ luôn luôn tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi. Thật là đáng buồn khi thấy những người vi phạm trắng trợn giao ước đó trong chính buổi lễ nơi mà họ đang lập giao ước đó.

Âm nhạc của buổi lễ Tiệc Thánh là một phần thiết yếu của sự thờ phượng của chúng ta. Thánh thư dạy rằng bài ca của người ngay chính là lời cầu nguyện dâng lên Chúa (xin xem GLGƯ 25:12). Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã tuyên bố rằng “một trong số những bài giảng tuyệt vời nhất thì được thuyết giảng bằng việc hát thánh ca” (Hymns, ix). Thật là tuyệt diệu biết bao khi mọi người tham dự cùng nhau thờ phượng bằng lời ca—nhất là trong bài thánh ca mà giúp chúng ta chuẩn bị dự phần Tiệc Thánh. Tất cả âm nhạc trong buổi họp Tiệc Thánh đòi hỏi sự hoạch định kỹ lưỡng và hãy luôn luôn ghi nhớ rằng âm nhạc này là dành cho sự thờ phượng, chứ không phải để trình diễn.

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã dạy: “Đây là cơ hội cho phúc âm được trình bày, khi chúng ta cần phải được kêu gọi để sử dụng đức tin,suy ngẫm về sứ mệnh của Đấng Cứu Chuộc,dành thời giờ ra để suy nghĩ về các nguyên tắc cứu rỗi của phúc âm, chứ không phải dành cho các mục đích khác. Trò giải trí, tiếng cười đùa, sự nhẹ dạ đều không thích hợp trong các buổi lễ Tiệc Thánh của Các Thánh Hữu Ngày Sau. Chúng ta cần phải quy tụ lại trong tinh thần cầu nguyện, nhu mì với sự tận tụy trong lòng mình” (Doctrines of Salvation, 2:342).

Khi làm như vậy—khi chúng ta cùng có sự trang nghiêm mà luôn luôn đi kèm theo giáo lễ Tiệc Thánh và sự thờ phượng trong buổi lễ này—thì chúng ta hội đủ điều kiện để có được sự đồng hành và sự mặc khải của Thánh Linh. Đây là cách thức mà chúng ta nhận được sự hướng dẫn và sự bình an trong cuộc sống của mình.

IV.

Chúa phục sinh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tiệc Thánh khi Ngài đến lục địa Mỹ Châu và đặt ra giáo lễ này giữa những người Nê Phi trung tín. Ngài ban phước các biểu tượng của Tiệc Thánh và ban các biểu tượng này cho các môn đồ của Ngài và đám đông (xin xem 3 Nê Phi 18:1–10), cùng truyền lệnh rằng:

“Và các ngươi sẽ luôn luôn làm như vậy đối với những ai hối cải và chịu phép báp têm trong danh ta; và các ngươi làm vậy để tưởng nhớ tới máu của ta, mà ta đã đổ ra vì các ngươi, để các ngươi có thể làm chứng cùng Đức Chúa Cha rằng, các ngươi luôn luôn tưởng nhớ tới ta. Và nếu các ngươi luôn luôn tưởng nhớ tới ta thì các ngươi sẽ được Thánh Linh của ta ở cùng với các ngươi.

“… Và phước thay cho các ngươi nếu các ngươi luôn luôn làm những việc này, vì các ngươi được xây dựng trên đá của ta.

“Còn những kẻ nào trong các ngươi làm gì nhiều hơn hoặc ít hơn những điều này thì không được xây dựng trên đá của ta, mà xây dựng trên nền cát; và khi mưa xuống, khi lụt tràn tới, khi gió nổi lên, sẽ vùi dập chúng, khiến chúng sụp đổ” (3 Nê Phi 18:11–13).

Tiệc Thánh là giáo lễ đã thay thế sự hy sinh bằng máu và các của lễ thiêu của luật Môi Se, và kèm theo đó là lời hứa của Đấng Cứu Rỗi: “Và bất cứ kẻ nào đến cùng ta với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, thì sẽ được ta báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh” (3 Nê Phi 9:20).

V.

Giờ đây tôi nói riêng với những người nắm giữ chức tư tế mà thực hiện Tiệc Thánh. Giáo lễ này cần phải luôn luôn được thực hiện với sự nghiêm trang và chững chạc. Các thầy tư tế nào dâng lên lời cầu nguyện thay cho giáo đoàn thì cần phải nói chậm và rõ ràng những từ ngữ của giao ước và các phước lành được hứa. Đây là một hành động rất thiêng liêng.

Các thầy giảng chuẩn bị và các thầy trợ tế chuyền các biểu tượng Tiệc Thánh cũng thực hiện một hành động rất thiêng liêng. Tôi ưa thích câu chuyện của Chủ Tịch Thomas S. Monson về lúc ông là một thầy trợ tế 12 tuổi, đã được vị giám trợ yêu cầu mang Tiệc Thánh đến cho một người anh em nằm liệt trên giường là người khát khao có được phước lành này. Chủ Tịch Monson nói: “Lòng biết ơn của người anh em đó làm tôi xúc động. Thánh Linh của Chúa tràn ngập lòng tôi. Tôi đã đứng trên đất thánh” (Inspiring Experiences that Build Faith [1994], 188). Tất cả những người nào thực hiện giáo lễ thiêng liêng này thì đều đứng trên đất thánh.

Các thiếu niên nào thực hiện giáo lễ Tiệc Thánh thì cần phải xứng đáng. Chúa đã phán: “Hãy thanh sạch các ngươi là kẻ mang bình chứa của Chúa” (GLGƯ 38:42). Lời cảnh cáo của thánh thư về việc dự phần Tiệc Thánh một cách không xứng đáng (xin xem 1 Cô Rinh Tô 11:29; 3 Nê Phi 18:29) rõ ràng cũng áp dụng cho những người thực hiện giáo lễ đó. Trong việc thi hành kỷ luật đối với các tín hữu Giáo Hội là những người đã vi phạm các tội lỗi nghiêm trọng, một vị giám trợ có thể tạm thời thu hồi đặc ân dự phần Tiệc Thánh. Cùng một thẩm quyền như vậy chắc chắn là có giá trị để thu hồi đặc ân thực hiện giáo lễ thiêng liêng đó.

Điều mà tôi nói trước đây về tầm quan trọng của việc ăn mặc thích hợp đối với những người tiếp nhận giáo lễ Tiệc Thánh thì hiển nhiên cũng áp dụng nghiêm chỉnh với các thiếu niên thuộc Chức Tư Tế A Rôn là những người thực hiện bất cứ phần nào của giáo lễ thiêng liêng đó. Tất cả cần phải ăn mặc chỉnh tề và giản dị. Không được có điều gì về diện mạo hoặc hành động cá nhân mà gợi sự chú ý đặc biệt về mình hoặc làm bất cứ người nào hiện diện xao lãng sự chú ý trọn vẹn đến sự thờ phượng và lập giao ước tức là mục đích của buổi thánh lễ này.

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã đưa ra một lời giảng dạy quý giá về đề tài này trong đại hội trung ương cách đây 13 năm. Vì đa số các thầy trợ tế hiện nay của chúng ta còn chưa sinh ra khi những lời này được nói lần trước ở nơi đây, nên tôi lặp lại những lời này vì lợi ích của các thầy trợ tế này và của cha mẹ và các giảng viên của các em ấy: “Tôi xin đề nghị rằng bất cứ lúc nào có thể được thì các thầy trợ tế, thầy giảng và thầy tư tế mà thực hiện Tiệc Thánh nên mặc áo sơ mi trắng. Vì các giáo lễ thiêng liêng trong Giáo Hội nên chúng ta thường mặc quần áo trịnh trọng, và áo sơ mi trắng có thể được xem như là một sự nhắc nhở dịu dàng về y phục màu trắng mà các em mặc trong hồ báp têm và một kỳ vọng về cái áo sơ mi trắng mà chẳng bao lâu nữa các em sẽ mặc vào đền thờ và đi truyền giáo” (“This Do in Remembrance of Me,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 68).

Cuối cùng, Tiệc Thánh chỉ được thực hiện khi được phép của một người nắm giữ các chìa khóa cho giáo lễ chức tư tế này. Đây là lý do tại sao Tiệc Thánh thường thường không được thực hiện trong nhà hay tại các cuộc hội họp gia đình, ngay cả nơi mà có đủ những người nắm giữ chức tư tế. Những người thi hành nhiệm vụ tại bàn Tiệc Thánh, chuẩn bị Tiệc Thánh, hoặc chuyền cho giáo đoàn cần phải được chỉ định bởi một người nắm giữ hoặc sử dụng các chìa khóa của giáo lễ này. Tôi muốn nói đến giám trợ đoàn hoặc đến chủ tịch đoàn của các nhóm túc số các thầy giảng hay các thầy trợ tế. Chúa đã phán: “Nhà của ta là một ngôi nhà có trật tự” (GLGƯ 132:8).

Làm thế nào chúng ta có thể có Thánh Linh của Chúa để hướng dẫn những sự chọn lựa của chúng ta ngõ hầu chúng ta sẽ luôn giữ mình “khỏi tì vết của thế gian” (GLGƯ 59:9) và trên con đường an toàn trong cõi hữu diệt? Chúng ta cần phải hội đủ điều kiện để có được quyền năng thanh tẩy của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta làm điều này bằng cách tuân giữ lệnh truyền của Ngài để đến với Ngài với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, và trong buổi lễ kỳ diệu hằng tuần để dự phần Tiệc Thánh và lập các giao ước mà làm cho chúng ta hội đủ điều kiện để có được lời hứa quý báu rằng chúng ta sẽ luôn luôn có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta (xin xem GLGƯ 20:77). Cầu xin cho chúng ta luôn luôn có thể làm như vậy là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi, mà tôi dâng lên trong tôn danh của Ngài là Đấng mà Sự Chuộc Tội của Ngài có thể làm mọi điều đều có thể thực hiện được, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.