2008
Hạnh Phúc, Di Sản của Các Chị Em
Tháng Mười một năm 2008


Hạnh Phúc, Di Sản của Các Chị Em

Quyền thừa kế của chúng tavà mục đích của cuộc hành trình trọng đại của chúng ta trên thế gianlà nhằm tìm kiếm và kinh nghiệm niềm hạnh phúc vĩnh cửu.

Hình Ảnh
Dieter F. Uchtdorf

Thưa các chị em thân mến, tôi biết ơn về cơ hội này, là cơ hội đầu tiên của tôi để ngỏ lời cùng các phụ nữ của Giáo Hội đang cùng nhau quy tụ ở khắp nơi trên thế giới trong buổi họp Hội Phụ Nữ trung ương. Ngày hôm nay, chúng ta đặc biệt vinh dự có sự hiện diện của Chủ Tịch Monson và Chủ Tịch Eyring. Ca đoàn đã cảm động lòng chúng ta. Chúng ta đã được soi dẫn bởi các sứ điệp của Chị Thompson, Chị Allred, và Chị Beck.

Kể từ khi biết được rằng tôi sẽ có mặt với các chị em ngày hôm nay, tôi đã suy nghĩ về nhiều người phụ nữ đã ảnh hưởng cuộc sống của tôi: người vợ tuyệt vời của tôi là Harriet; người mẹ của tôi; người mẹ vợ của tôi; người chị của tôi; con gái của tôi; con dâu của tôi; và nhiều người bạn của tôi. Trong suốt đời mình, tôi đã được bao quanh bởi nhiều phụ nữ mà đã soi dẫn, giảng dạy, và khuyến khích tôi. Tôi được như ngày nay phần lớn là nhờ vào các phụ nữ phi thường này. Mỗi lần tôi họp với các chị em phụ nữ của Giáo Hội, tôi cảm thấy rằng tôi đang ở giữa các tâm hồn phi thường tương tự như nhau. Tôi biết ơn được có mặt nơi đây, biết ơn về các tài năng, lòng trắc ẩn và sự phục vụ của các chị em. Hơn hết, tôi biết ơn về con người của các chị em: những người con gái yêu quý của Cha Thiên Thượng với giá trị vô hạn.

Tôi chắc rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu những sự khác biệt giữa những người nam và người nữ thường có thể khá hiển nhiên—về phương diện thể xác và tinh thần lẫn tình cảm. Một trong các cách thức tốt nhất mà tôi có thể nghĩ đến để minh họa điều này là trong cách nấu ăn của vợ tôi và tôi.

Khi Harriet chuẩn bị một món ăn, thì đó là một công trình tuyệt tác. Cách nấu ăn của vợ tôi theo nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới và bà thường chuẩn bị nấu món từ các quốc gia mà chúng tôi đã đến thăm. Cách trình bày thức ăn thì thật là tuyệt vời. Quả thật, món ăn thường trông quá đẹp mắt đến nỗi việc ăn món ăn ấy dường như là một tội ác. Nó hấp hẫn thị giác cũng như vị giác.

Nhưng chắc chắn là bất luận có thứ gì trông hoàn hảo và ăn ngon miệng đến đâu đi nữa, thì Harriet cũng sẽ xin lỗi về một điều gì đó mà bà ấy nghĩ là không hoàn hảo. Bà ấy sẽ nói: “Em e rằng em đã dùng hơi quá nhiều gừng,” hoặc là: “Lần sau, em nghĩ rằng nó sẽ ngon hơn nếu em dùng thêm một chút cà ri và thêm một cái lá thơm nữa.”

Để tôi đối chiếu cách đó với cách tôi nấu. Vì mục đích của bài nói chuyện này, tôi yêu cầu Harriet nói cho tôi biết tôi nấu món nào thì ngon nhất.

Câu trả lời của bà ấy là món trứng chiên.

Trứng ốp la chỉ chiên một mặt.

Nhưng như vậy chưa hết đâu. Tôi có một món ăn gọi là Knusperchen. Cái tên có thể nghe như một món ăn cao lương mỹ vị mà các chị em có thể tìm ra tại một nhà hàng đặc biệt. Tôi xin chia sẻ với các chị em cách làm. Các chị em cắt bánh mì Pháp ra thành nhiều lát mỏng và rồi nướng nó hai lần.

Đó, công thức là như vậy đó!

Vậy thì, giữa trứng chiên, ngay cả khi nó có quá nhiều dầu mỡ, và Knusperchen, ngay cả khi nó bị cháy, thì khi tôi nấu, tôi cũng cảm thấy khá anh hùng rồi.

Có lẽ điều trái ngược này giữa người vợ của tôi và tôi là một lời nói có hơi chút cường điệu, nhưng nó minh họa một điều gì mà có thể vượt ra ngoài việc chuẩn bị bữa ăn.

Dường như đối với tôi thì những người chị em phụ nữ tuyệt vời của chúng ta đôi khi đánh giá thấp khả năng của họ—họ chú trọng đến điều gì thiếu xót hoặc không hoàn hảo thay vì điều gì đã được hoàn mỹ và con người thật của họ.

Có lẽ các chị em cũng nhận ra đặc điểm này nơi một người nào đó mà các chị em biết rất rõ.

Tin vui là đây cũng chỉ rõ một đức tính đáng ngưỡng mộ: ước muốn bẩm sinh để làm vừa lòng Chúa với khả năng tốt nhất của các chị em. Rủi thay, nó cũng đưa đến sự bực bội, tình trạng mệt mỏi và buồn khổ.

Đối Với Tất Cả Những Ai Đang Mệt Mỏi

Ngày hôm nay, tôi muốn ngỏ lời với những người đã từng cảm thấy không thích đáng, nản lòng, hay mệt mỏi—nói tóm lại, tôi muốn ngỏ lời cùng tất cả chúng ta.

Tôi cũng cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ khai triển những lời của tôi và ban cho những lời đó thêm ý nghĩa, sự hiểu biết và sự soi dẫn.

Chúng ta biết rằng đôi khi là điều có thể rất khó để bắt kịp với các trách nhiệm của mình. Quả thật, trong thế giới của chúng ta đầy thay đổi, thử thách và bản liệt kê các thứ cần được kiểm tra, đôi khi có thể gần như không thể nào tránh được cảm nghĩ bị dồn dập với những cảm xúc đau khổ và buồn phiền.

Tôi không đề nghị là chúng ta chỉ cần bật công tắc và ngừng có những cảm nghĩ tiêu cực mà làm chúng ta đau khổ. Đây không phải là một lời động viên hoặc một cố gắng để khuyến khích những người đang có những cảm nghĩ tiêu cực hãy tưởng tượng rằng mình đang có những cảm nghĩ vui sướng và lạc quan. Tôi công nhận rằng trong tất cả cuộc sống của chúng ta đều có những mối bận tâm thực sự. Tôi biết rằng ngày hôm nay có những tấm lòng ở đây đang giấu kín những nỗi buồn khổ. Những người khác đang vất vả với nỗi sợ hãi đang quấy rầy tâm hồn. Đối với một số người, thì cảnh cô đơn là thử thách thầm kín của họ.

Những điều này thì không quan trọng lắm.

Tuy nhiên, tôi muốn nói về hai nguyên tắc mà có thể giúp cho các chị em tìm ra con đường dẫn đến sự bình an, hy vọng và niềm vui—ngay cả trong những lúc thử thách và đau khổ. Tôi muốn nói về niềm hạnh phúc của Thượng Đế và cách mà mỗi người chúng ta có thể nếm mùi hạnh phúc đó mặc dù có những gánh nặng đang bao vây chúng ta.

Hạnh Phúc của Thượng Đế

Trước hết tôi xin đặt ra một câu hỏi: Các chị em nghĩ loại hạnh phúc lớn lao nào nhất mà có thể có được?” Đối với tôi, câu trả lời cho câu hỏi này là hạnh phúc của Thượng Đế.

Câu trả lời này đưa đến một câu hỏi khác: Hạnh phúc của Cha Thiên Thượng là gì?

Có lẽ không thể nào trả lời được bởi vì đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta. “Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối [của Thượng Đế] cao hơn đường lối [của chúng ta], ý tưởng [của Ngài cao hơn] ý tưởng [của chúng ta] cũng bấy nhiêu.”1

Mặc dù chúng ta không hiểu được “ý nghĩa của mọi sự việc,” nhưng chúng ta “biết được rằng [Thượng Đế] yêu thương con cái của Ngài”2 vì Ngài đã phán: “Vì này đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”3

Cha Thiên Thượng có thể thực hiện hai mục tiêu trọng đại này—sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của loài người—vì Ngài là Thượng Đế của sự sáng tạo và ân điển. Việc sáng tạo và có lòng trắc ẩn là hai mục tiêu góp phần vào hạnh phúc trọn vẹn của Cha Thiên Thượng. Việc sáng tạo và có lòng trắc ẩn là hai sinh hoạt mà chúng ta với tư cách là con cái linh hồn của Ngài có thể và cần phải noi theo.

Công Việc Sáng Tạo

Ước muốn sáng tạo là một trong những niềm khao khát sâu xa nhất của tâm hồn con người. Bất luận tài năng, học vấn, lai lịch hoặc khả năng của mình như thế nào thì mỗi người chúng ta đều có một ước muốn cố hữu để sáng tạo một thứ gì đó mà chưa từng có trước đó.

Mọi người đều có thể sáng tạo. Các chị em không cần tiền bạc, địa vị, hoặc ảnh hưởng để có thể tạo ra một thứ gì đó có thật và xinh đẹp.

Sự sáng tạo mang đến niềm mãn nguyện sâu xa và thành quả. Chúng ta phát triển bản thân mình và những người khác khi chúng ta lấy vật vô tổ chức vào tay mình và nặn thành một vật gì xinh đẹp—và tôi không phải nói về tiến trình dọn dẹp phòng của mấy đứa con tuổi niên thiếu của các chị em đâu.

Các chị em có thể nói: “Tôi không phải là loại người có óc sáng tạo. Khi tôi hát, thì giọng tôi ở trên hoặc ở dưới nửa bậc của nốt nhạc. Tôi không thể kẻ một đường thẳng mà không có một cây thước. Và bánh mì làm ở nhà của tôi thì chỉ dùng để làm cái chặn giấy hoặc dùng làm vật chặn cửa.”

Nếu đó là cảm nghĩ của các chị em thì xin hãy suy nghĩ lại, và nhớ rằng các chị em là các con gái linh hồn của Đấng có tài sáng tạo nhất trong vũ trụ. Có phải là điều phi thường để nghĩ rằng chính linh hồn của chúng ta đã được tạo nên bởi một Thượng Đế có óc sáng tạo vô tận và lòng trắc ẩn vĩnh cửu không? Hãy nghĩ về điều này—thể linh của các chị em là một kiệt tác được sáng tạo với một vẻ tuyệt mỹ, chức năng và khả năng vượt xa óc tưởng tượng.

Nhưng chúng ta được sáng tạo cho mục đích nào? Chúng ta được sáng tạo với mục đích cụ thể và tiềm năng trải qua một niềm vui tràn đầy.4 Quyền thừa kế của chúng ta—và mục đích của cuộc hành trình trọng đại của chúng ta trên thế gian—là nhằm tìm kiếm và kinh nghiệm niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Một trong những cách mà chúng ta tìm ra điều này là bằng cách sáng tạo những đồ vật.

Nếu là mẹ, các chị em cùng Thượng Đế tham gia vào công việc sáng tạo của Ngài—không chỉ qua việc cung ứng thể xác cho con cái của mình mà còn qua việc giảng dạy và nuôi dưỡng chúng. Nếu hiện giờ các chị em chưa làm mẹ, thì các khả năng sáng tạo mà các chị em phát triển sẽ chuẩn bị các chị em cho ngày đó, trong cuộc sống này hoặc trong cuộc sống mai sau.

Các chị em có thể nghĩ là mình không có tài năng, nhưng đó là một giả định sai, vì tất cả chúng ta, mỗi người chúng ta, đều có tài năng và ân tứ.5 Ranh giới của sự sáng tạo trải rộng vượt xa các giới hạn của tấm tranh sơn dầu hoặc một tờ giấy và không đòi hỏi một cây bút lông, một cây bút hoặc những phím đàn. Sự sáng tạo có nghĩa là mang đến tình trạng có thật một thứ gì đó mà chưa từng có trước đó—những khu vườn đầy màu sắc, những căn nhà hòa thuận, các kỷ niệm của gia đình, tiếng cười đùa vang dậy.

Thứ mà các chị em sáng tạo không cần phải toàn hảo. Vậy, nếu những quả trứng có quá nhiều dầu mỡ hay bánh mì nướng bị cháy thì đã sao? Đừng để cho nỗi sợ hãi bị thất bại làm nản lòng các chị em. Đừng để tiếng nói chỉ trích làm tê dại các chị em—cho dù tiếng nói đó đến từ những người khác hay từ ý nghĩ bên trong của các chị em.

Nếu các chị em vẫn cảm thấy không đủ khả năng để sáng tạo, thì hãy bắt đầu với dự án nhỏ. Hãy cố gắng xem có bao nhiêu nụ cười mà các chị em có thể tạo ra, viết một bức thư cám ơn, học một kỹ năng mới, nhận ra một nơi mà có thể làm cho xinh đẹp.

Cách đây gần một thế kỷ rưỡi, Chủ Tịch Brigham Young đã nói với Các Thánh Hữu của thời ông. Ông nói: “Có một công việc trọng đại cho Các Thánh Hữu để làm. Hãy tiến tới và cải tiến, và làm đẹp mọi thứ chung quanh các [anh] chị em. Hãy trồng trọt đất đai và trau giồi tâm trí của các [anh] chị em. Hãy xây cất các thành phố, tô điểm nhà cửa của mình, trồng vườn, cây ăn quả và vườn nho, và làm cho thế gian thú vị đến nỗi khi các [anh] chị em nhìn đến công việc lao nhọc của mình thì các [anh] chị em có thể làm điều đó với sự hài lòng, và rằng các thiên sứ có thể vui thích để đến viếng thăm địa điểm xinh đẹp của các [anh] chị em. Trong lúc ấy, hãy tiếp tục tìm cách tô điểm tâm trí mình với tất cả những ân điển của Thánh Linh của Đấng Ky Tô.”6

Các chị em càng tin tưởng và trông cậy vào Thánh Linh, thì khả năng sáng tạo của các chị em càng nhiều. Đó là cơ hội của các chị em trong cuộc sống này và vận mệnh của các chị em trong cuộc sống mai sau. Thưa các chị em, hãy tin tưởng và trông cậy vào Thánh Linh. Khi lấy các cơ hội thông thường của cuộc sống hằng ngày của mình và tạo ra một điều gì xinh đẹp và hữu ích, các chị em không những cải tiến thế giới chung quanh mình mà còn luôn cả thế giới bên trong các chị em.

Có Lòng Trắc Ẩn

Việc có lòng trắc ẩn là một công việc trọng đại khác của Cha Thiên Thượng và đặc tính cơ bản của con người chúng ta với tư cách là một dân tộc. Chúng ta được truyền lệnh phải “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”7 Các môn đồ của Đấng Ky Tô trong suốt mọi thời đại của thế gian đều được nổi bật về lòng trắc ẩn của họ. Những người noi theo Đấng Cứu Rỗi thì “than khóc với những ai than khóc … và an ủi những ai cần được an ủi.”8

Khi chúng ta tìm đến ban phước cuộc sống của những người khác, thì cuộc sống của chúng ta cũng được ban phước. Sự phục vụ và hy sinh mở các cửa sổ của thiên thượng, để cho các phước lành chọn lọc trút xuống chúng ta. Chắc chắn là Cha Thiên Thượng yêu dấu của chúng ta mỉm cười hài lòng với những người chăm sóc cho các con cái hèn mọn nhất của Ngài.

Khi nâng đỡ những người khác, chúng ta đã sống tốt hơn một chút. Chủ Tịch Spencer W. Kimball dạy: “Chúng ta càng phục vụ đồng bào của mình trong những cách thích hợp thì tâm hồn chúng ta sẽ càng có ý nghĩa hơn.”9

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley tin vào quyền năng chữa lành của sự phục vụ. Sau khi vợ của ông qua đời, ông đã nêu lên một tấm gương cao quý cho Giáo Hội trong cách mà ông đắm mình trong công việc và phục vụ những người khác. Người ta kể rằng Chủ Tịch Hinckley đã nói như sau với một phụ nữ mới vừa mất chồng: “Công việc làm sẽ chữa lành nỗi buồn của chị. Hãy phục vụ những người khác.”

Đây là những lời nói thâm thúy. Khi quên mình trong sự phục vụ những người khác, chúng ta sẽ khám phá ra cuộc sống và hạnh phúc của riêng mình.

Chủ Tịch Lorenzo Snow đã bày tỏ một ý nghĩ tương tự: “Khi các [anh] chị em thấy mình hơi buồn rầu, thì hãy nhìn quanh mình và tìm ra một người nào đó đang trong cảnh ngộ còn bi đát hơn mình; hãy đến với người ấy và tìm hiểu nỗi lo lắng rắc rối đó là gì, rồi cố gắng lấy nó đi với sự thông sáng mà Chúa đã ban cho các [anh] chị em; và điều đầu tiên mà các [anh] chị em biết là nỗi buồn rầu của mình đã nguôi đi, các [anh] chị em cảm thấy ánh sáng, Thánh Linh của Chúa ngự trên các [anh] chị em, và vạn vật dường như đều chiếu sáng.”10

Trong thế giới ngày nay đầy tâm lý dân gian hiện đại, chương trình truyền hình tạp nhạp, và sách dạy cách tự giúp mình cảm thấy vui vẻ thì lời khuyên này của tôi dường như khác thường. Đôi khi chúng ta được bảo rằng giải đáp cho những điều xấu của mình là nhìn vào mình, tự buông thả, tiêu xài trước và trả tiền sau, và thỏa mãn những thèm muốn của mình cho dù có hại cho những người chung quanh mình đi nữa. Mặc dù có lúc phải thận trọng lo liệu cho nhu cầu của mình trước, nhưng rốt cuộc thì điều đó không đưa đến hạnh phúc lâu dài.

Một Công Cụ trong Tay của Chúa

Tôi tin rằng các phụ nữ của Giáo Hội, bất luận tuổi tác và hoặc hoàn cảnh gia đình, đều hiểu biết và áp dụng đúng nhất những lời của James Barrie tác giả sách Peter Pan: “Những người tìm cách cải tiến cuộc sống của những người khác thì cũng cải tiến cuộc sống của chính họ.”11 Tôi thường chứng kiến những hành động nhân từ và lòng trắc ẩn âm thầm của các phụ nữ cao quý mà đã hết lòng với việc làm từ thiện vị tha. Tôi nức lòng khi nghe câu chuyện về các chị em phụ nữ của Giáo Hội và cách mà họ đã lao vào giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn.

Có những người trong Giáo Hội—cả người nam lẫn người nữ—tự hỏi họ có thể góp phần như thế nào vào vương quốc. Đôi khi các phụ nữ là những người độc thân, ly dị, hoặc góa bụa tự hỏi có một chỗ nào dành cho họ không. Mỗi chị em phụ nữ trong Giáo Hội có một tầm quan trọng thiếu yếu—không những đối với Cha Thiên Thượng của chúng ta mà còn đối với sự xây đắp vương quốc của Thượng Đế nữa. Luôn luôn có một công việc trọng đại để làm.

Cách đây một năm tại buổi họp này, Chủ Tịch Monson đã dạy rằng “các chị em được bao quanh bởi các cơ hội để phục vụ… . Thường thường các hành động phục vụ nhỏ nhặt thì lại là tất cả những điều đòi hỏi để nâng đỡ và ban phước cho người khác.”12 Hãy nhìn chung quanh các chị em. Đó, tại buổi lễ Tiệc Thánh, có một người mẹ trẻ với vài đứa con—hãy đề nghị được ngồi với người ấy và giúp đỡ. Đó, trong khu xóm của các chị em có một thiếu niên dường như đang nản lòng—hãy nói cho em ấy biết rằng các chị em vui mừng được ở cạnh em ấy, rằng các chị em cảm nhận được sự tốt lành của em ấy. Những lời khích lệ chân thành chỉ đòi hỏi một tấm lòng yêu thương và chăm sóc nhưng có thể có được một tác dụng vĩnh cửu đối với cuộc sống của những người chung quanh các chị em.

Các chị em là những người tuyệt vời bày tỏ sự phục vụ đầy trắc ẩn cho những người khác vì những lý do mà thay thế những ước muốn cho lợi lộc cá nhân. Trong điều này, các chị em cố gắng noi theo Đấng Cứu Rỗi là Đấng, mặc dầu Ngài là một vị vua, cũng đã không tìm kiếm địa vị, cũng như bận tâm việc những người khác có để ý đến Ngài không. Ngài không cố gắng tranh đua với những người khác. Ý nghĩ của Ngài luôn luôn hướng về việc giúp đỡ những người khác. Ngài giảng dạy, chữa lành, trò chuyện, và lắng nghe những người khác. Ngài biết rằng sự cao quý liên quan rất ít đến dấu hiệu bề ngoài của sự thịnh vượng hoặc địa vị. Ngài đã giảng dạy và sống theo giáo lý này: “Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.”13

Cuối cùng, những lời cầu nguyện mà chúng ta dâng lên có thể đóng góp cho hạnh phúc của chúng ta, nhưng những lời cầu nguyện mà chúng ta đáp ứng thì có lẽ còn quan trọng hơn nữa. Chúng ta hãy mở mắt ra để thấy được những tấm lòng đau khổ, để chú ý đến nỗi cô đơn và thất vọng; chúng ta hãy cảm nhận những lời cầu nguyện âm thầm của những người chung quanh chúng ta, và chúng ta hãy làm một công cụ trong tay của Chúa để đáp ứng cho những lời cầu nguyện đó.

Kết Luận

Các chị em phụ nữ thân mến, tôi có một đức tin giản dị. Tôi tin rằng nếu các chị em trung tín và siêng năng trong việc tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, khi các chị em đến gần Ngài hơn trong đức tin, hy vọng và lòng bác ái, thì những sự việc sẽ cùng nhau trở nên hữu ích cho các chị em.14 Tôi tin rằng khi các chị em đắm mình vào công việc của Đức Chúa Cha—khi các chị em sáng tạo điều xinh đẹp và khi các chị em bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những người khác—thì Thượng Đế sẽ ôm các chị em vào vòng tay yêu thương của Ngài.15 Sự nản lòng, không xứng đáng và mệt mỏi sẽ nhường chỗ cho một cuộc sống đầy ý nghĩa, ân điển và thành quả.

Vì các chị em là các con gái của Cha Thiên Thượng, nên hạnh phúc là di sản của các chị em.

Các chị em là các con gái chọn lọc của Cha Thiên Thượng và, qua những điều mà các chị em sáng tạo và qua sự phục vụ đầy trắc ẩn của mình, các chị em chính là một nguồn quyền năng tốt lành. Các chị em sẽ làm cho thế giới trở nên một chỗ tốt đẹp hơn. Hãy nức lòng; hãy tự tin và trung tín. Thượng Đế yêu thương các chị em. Chúng tôi yêu thương và ngưỡng mộ các chị em.

Tôi làm chứng điều này, và để lại cho các chị em phước lành của tôi với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Ê Sai 55:9.

  2. 1 Nê Phi 11:17.

  3. Môi Se 1:39.

  4. Xin xem 2 Nê Phi 2:25.

  5. Xin xem GLGƯ 46:11–12.

  6. Brigham Young, Deseret News, ngày 8 tháng Tám năm 1860, 177.

  7. GLGƯ 81:5.

  8. Mô Si A 18:9.

  9. The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball xuất bản (1982), 254.

  10. Lorenzo Snow, trong Conference Report, tháng Tư năm 1899, 2–3.

  11. J. M. Barrie, A Window in Thrums (1917), 137.

  12. Thomas S. Monson, “Ba Mục Tiêu để Hướng Dẫn Các Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 120.

  13. Ma Thi Ơ 23:11.

  14. Xin xem GLGƯ 90:24.

  15. Xin xem GLGƯ 6:20.