2008
Thượng Đế Yêu Thương và Giúp Đỡ Tất Cả Các Con Cái của Ngài
Tháng Mười một năm 2008


Thượng Đế Yêu Thương và Giúp Đỡ Tất Cả Các Con Cái của Ngài

Chúng ta cần sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng. Những nguồn giúp đỡ quan trọng này phát sinh từ sự phục vụ của con người đối với đồng loại của mình, qua sự cầu nguyện, và qua việc chú trọng đến Đấng Ky Tô.

Hình Ảnh
Keith B. McMullin

Một trong các lẽ thật chính yếu của Sự Phục Hồi là Thượng Đế hằng sống và ngự trên trời, Ngài là một Đấng tôn cao với một thể xác “bằng xương và thịt,”1 và Ngài là Thượng Đế của hôm qua, hiện tại và vĩnh viễn mãi mãi không hề thay đổi,2 nguồn gốc của mọi đức hạnh và lẽ thật.

A Đam và Ê Va là hai con cái hữu diệt đầu tiên của Ngài trên thế gian. Ngài đã phán về sự sáng tạo ra họ: “Và ta, Thuợng Đế, sáng tạo loài người theo hình ảnh của ta, theo hình ảnh của Con Độc Sinh của ta, ta đã sáng tạo loài người; người nam và người nữ ta đã sáng tạo ra họ.”3

Lẽ thật này nâng cao gia đình nhân loại. Những người nam và những người nữ là những tạo vật kỳ diệu với các thuộc tính thiêng liêng. Vào lúc Sáng Tạo, Thượng Đế đã đặt vào A Đam và Ê Va khả năng thiêng liêng để sinh con đẻ cái giống như họ. Do đó, chúng ta đều là hình ảnh của Ngài.

Tuy nhiên, chúng ta phải trải qua những sự yếu kém và nguy hiểm đáng sợ của sự hữu diệt. Bệnh tật, tuổi tác và cái chết thì không thể tránh được. Những gian truân và đau khổ là một phần của cuộc sống. Những khuynh hướng cá nhân, lòng ham muốn và sự đam mê đòi hỏi phải được thỏa mãn.

Vì tất cả những lý do này và còn nhiều các lý do khác nữa, nên chúng ta cần sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng. Một nguồn giúp đỡ quan trọng này phát sinh từ sự phục vụ của con người đối với đồng loại của mình.4 Giáo lệnh là “hãy yêu kẻ lân cận như mình.”5 Vì chúng ta là anh chị em với nhau nên chúng ta cũng đều là “kẻ lân cận,” mặc dù đôi khi xa cách vì khoảng cách, văn hóa, tôn giáo hay chủng tộc. Tiên Tri Joseph nói: “Một người tràn đầy tình yêu thương của Thượng Đế, thì không toại nguyện với việc chỉ ban phước cho gia đình mình mà thôi, mà còn đi khắp thế gian, với ước muốn ban phước cho toàn thể nhân loại.”6 Chúa nêu gương này vì “Ngài chỉ làm những điều tốt đẹp cho con cái loài người mà thôi; … Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài, dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ. Ngài cũng không quên kẻ tà giáo; tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế.”7

Để lo liệu cho những người khác theo cách thức của Chúa, chúng ta cố gắng tự chăm sóc và hy sinh giúp những người gặp hoạn nạn. Những người nghèo khó làm việc cho những gì họ nhận được và cũng kiếm cách cải tiến những người khác.8 Mẫu mực này đã có với chúng ta từ lúc đầu.9

Chương trình an sinh của Giáo Hội tiêu biểu cho mẫu mực thiêng liêng này, và các tín hữu trung thành của Giáo Hội tuân theo mẫu mực đó. Những đóng góp từ thiện của họ nhằm giúp đỡ cho người góa bụa, chăm sóc cho kẻ mồ côi và cho người đau khổ nơi trú ngụ.

Cách đây vài năm, một viên chức cao cấp từ Trung Quốc đến Salt Lake City đi tham quan các cơ sở của Giáo Hội, và nói chuyện tại trường Brigham Young University. Khi biết về chương trình an sinh của Giáo Hội, ông nói: “Nếu chúng ta đều yêu thương lẫn nhau giống như vậy thì thế giới sẽ là một chỗ hòa bình hơn.”

Việc nhịn ăn và hiến tặng giá trị của những bữa ăn nhịn không ăn để giúp người nghèo đã thu hút sự chú ý của ông ấy. Vào lúc kết thúc chuyến tham quan của ông ở Welfare Square, ông đã đưa cho vị quản lý ở đó một phong bì nhỏ màu đỏ này—một “bao lì xì.” Ở Trung Quốc, một “bao lì xì” được trao tặng là một cử chỉ yêu thương, chúc phước và một lời chúc may mắn. Vị khách ấy nói: “Bao này không đựng nhiều tiền nhưng nó tượng trưng số tiền mà tôi đã dành dụm từ việc nhịn ăn điểm tâm hai buổi sáng vừa qua. Tôi muốn đóng góp tiền nhịn ăn của tôi cho chương trình An Sinh của Giáo Hội.”10

Chương trình an sinh của Giáo Hội là do Thượng Đế soi dẫn. Các nguyên tắc của chương trình này là cơ bản cho sự cứu rỗi của loài người.11 Đó là một biểu tượng cho nguyên tắc phục vụ, một bằng chứng cùng thế giới rằng Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi. Đó là sự giúp đỡ của thiên thượng trong những cách thức thực tiễn. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Các nguyên tắc an sinh … không thay đổi. Chúng sẽ không thay đổi. Chúng là các lẽ thật đã được mặc khải.”12

Một cách thiết yếu khác để nhận được sự giúp đỡ của Thượng Đế là qua việc cầu nguyện. Chúng ta được truyền lệnh phải cầu nguyện lên Thượng Đế, Đức Chúa Cha, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Lời chỉ dẫn là như sau: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.”13 Cha Thiên Thượng đáp ứng tất cả những lời cầu nguyện chân thành.

Với tư cách là vị tiên tri của Chúa, Chủ Tịch Monson khuyên bảo: “Đôi khi, dường như không có ánh sáng ở cuối đường hầm—không có bình minh xua tan đêm tối… . Chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi, đau khổ và cô đơn. Nếu các anh chị em thấy mình đang ở trong hoàn cảnh như vậy, thì tôi khẩn nài với các anh chị em hãy hướng đến Cha Thiên Thượng trong đức tin. Ngài sẽ nâng đỡ và hướng dẫn các anh chị em. Ngài không phải lúc nào cũng sẽ cất đi nỗi thống khổ khỏi các anh chị em, nhưng Ngài sẽ an ủi và hướng dẫn các anh chị em với tình yêu thương vượt qua bất cứ cơn giông bão nào mà các anh chị em gặp phải.”14

Khi gặp phải cơn hoạn nạn nào đó, chúng ta trông cậy vào một hình thức cầu nguyện có sẵn chỉ dưới bàn tay của những người được phép phục sự thay cho Thượng Đế mà thôi. Chúa Giê Su Ky Tô đi khắp nơi “chữa lành người bệnh, cứu sống kẻ chết”15 và nâng đỡ các tâm hồn tuyệt vọng. Sự Phục Hồi phúc âm gồm có việc truyền giao quyền năng và thẩm quyền chức tư tế để tiếp tục khía cạnh này của công việc của Thượng Đế.16

Khi một người bị bệnh hoặc gặp rắc rối lớn, “hãy mời các trưởng lão Hội Thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bệnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bệnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy.”17 Các anh cả trung tín đã được phép để làm điều mà Chúa sẽ làm nếu Ngài hiện diện ở đó.18

Nếu có những ghi chép về sự đáp ứng những lời cầu nguyện được lưu giữ lại thì thế gian không thể nào chứa hết các sách ghi chép đó. Lời tường thuật sau đây mà tôi quý trọng là từ Anh Cả Glen L. Rudd, một Vị Thẩm Quyền danh dự và người bạn thân quý :

“Tôi nhận được một cú điện thoại báo cho tôi biết là có một người bà con trong gia đình, một bé gái 12 tuổi tên Janice, đang ở trong bệnh viện vì bị thương nặng. Mẹ em ấy muốn em ấy nhận được một phước lành chức tư tế.

“Anh Cả Cowley và tôi đi đến bệnh viện. Nơi đó chúng tôi biết được các chi tiết về tai nạn đã xảy ra. Janice bị một chiếc xe buý t thành phố đụng. Bánh xe đôi ở phía sau đã cán lên đầu và thân thể em.

“Anh Cả Cowley và tôi bước vào phòng nơi mà Janice đang nằm. Em ấy bị gãy xương chậu, một bên vai bị thương trầm trọng, nhiều xương bị gãy, và đầu bị thương nặng khó có thể chữa được. Tuy nhiên, chúng tôi có cảm nghĩ rằng chúng tôi cần phải phục sự và ban phước cho em ấy. Tôi xức dầu cho em ấy và Anh Cả Cowley ấn chứng lễ xức dầu. Trong một cách thức vững mạnh và kiên quyết, anh đã ban phước cho em ấy được bình phục và chữa lành hoàn toàn, và sống một cuộc sống bình thường. Anh ban phước cho em ấy để em ấy sẽ bình phục mà không có hậu quả về sau từ nhiều vết thương của em ấy. Đó thật là một phước lành lớn và một giây phút thật sự kỳ diệu.”

Anh Cả Rudd nói tiếp: “Janice không cử động được một bắp thịt nào suốt hơn một tháng. Chúng tôi không bao giờ mất đức tin. Một phước lành đã được tuyên bố rằng em ấy sẽ bình phục và không bị khuyết tật về sau.”

Anh Cả Rudd kết luận: “Nhiều năm giờ đây đã trôi qua kể từ lần đến thăm ở bệnh viện đó. Mới gần đây, tôi có nói chuyện với Janice. Bây giờ bà đã 70 tuổi, có 3 người con, 11 người cháu. Cho đến ngày nay, bà chưa bị một hậu quả đau đớn nào do tai nạn ấy gây ra.”19

Sự chữa lành của bà ấy là một trong nhiều sự chữa lành như thế. Nhưng không có một sự chữa lành nào làm một bằng chứng vĩ đại về cách mà Cha Thiên Thượng giúp đỡ con cái của Ngài qua sự cầu nguyện hơn sự chữa lành đã xảy ra trong một căn phòng bệnh viện, với cô bé Janice 12 tuổi và hai tôi tớ khiêm nhường của Thượng Đế, cách đây khoảng 58 năm.”

Sự giúp đỡ tối thượng từ Cha Thiên Thượng đến với chúng ta qua Vị Nam Tử của Ngài “vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”20

Chính với sự tôn kính lớn lao và nỗi kính sợ mà tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Khi làm như vậy, tôi được nhắc nhở phải cẩn thận biết bao khi chúng ta sử dụng danh Ngài. Mặc dù ảnh hưởng, những lời giảng dạy và sự cứu rỗi của Ngài khiến chúng ta phải quý mến Ngài nhưng việc chúng ta nói về Ngài thể như Ngài là người bạn hàng xóm của mình thì thật là không thích đáng.

Ngài là Con Đầu Sinh trong số các con cái linh hồn của Đức Chúa Cha. Ngài đã làm tất cả những gì được sắc phong cho Ngài để làm—do đó vạn vật đều dâng lên Ngài sự tôn kính và làm chứng về Ngài.21 Ngài phán bảo các vị tiên tri thời xưa điều phải viết ra và mặc khải ý muốn của Ngài cho các vị tiên tri thời nay—và Ngài đã làm ứng nghiệm mỗi lời nói của họ.22

Với Cha Ngài là Thượng Đế, mẹ Ngài là nữ đồng trinh Ma Ri, Ngài đã chiến thắng cái chết, chuộc tội lỗi của thế gian, và mang sự cứu rỗi đến cho người sống lẫn người chết. Với tư cách là Chúa phục sinh của chúng ta, Ngài đã ăn cá và mật ong với Các Sứ Đồ và mời gọi các đám đông ở cả hai bán cầu đến sờ vào những vết thương trên chân, tay và sườn Ngài để mọi người có thể biết rằng Ngài là Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên—Ngài là Đấng Ky Tô hằng sống.

Ngài tuyên phán cùng tất cả mọi người:

“Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.

“Còn ai sống và tin ta thì không hề chết.”23

Ngài là Đấng Làm Luật và Quan Xét của chúng ta, Đấng Cứu Chuộc của Thế Gian. Vào Ngày Tái Lâm của Ngài, “quyền cai trị sẽ phủ trên vai Ngài, và danh Ngài sẽ được gọi là Đấng Kỳ Diệu, Đấng Mưu Luận, Thượng Đế Toàn Năng, Cha Vĩnh Viễn, Hoàng Tử Bình An.”24 Tôi làm chứng về điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. GLGƯ 130:22.

  2. Xin xem GLGƯ 20:17.

  3. Môi Se 2:27; xin xem thêm Sáng Thế Ký 1:27.

  4. Xin xem Mô Si A 2:17.

  5. Ma Thi Ơ 22:39.

  6. History of the Church, 4:227.

  7. 2 Nê Phi 26:33.

  8. Xin xem GLGƯ 56:16–18; 78:13–14; 104:13–18.

  9. Xin xem Sáng Thế Ký 3:19; Xuất Ê Díp Tô Ký 23:10–11; Lê Vi Ký 19:9–10; Ma Thi Ơ 25:40; Mô Si A 4:16–27; Môi Se 4:25; 5:1.

  10. Trong Neil K. Newell, “The Red Pocket” (bản thảo không xuất bản, 1999), 1.

  11. Xin xem Mô Si A 4:16–27.

  12. Thomas S. Monson, “Guiding Principles of Personal and Family Welfare,” Tambuli, tháng Hai năm 1987, 2;

  13. Ma Thi Ơ 7:7–8.

  14. Thomas S. Monson, “Nhìn Lại và Tiến Bước,” Liahona, tháng Năm năm 2008, 90.

  15. Mô Si A 3:5.

  16. Xin xem GLGƯ 13; 27:12–13; 110:11–16; 128:20–21.

  17. Gia Cơ 5:14–15.

  18. Xin xem Giăng 14:11–14; Những Tín Điều 1:7; Bruce R. McConkie, Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ nhì (1966), 345.

  19. Từ một cuộc chuyện trò với Glen L. Rudd; xin xem thêm Glen L. Rudd, Treasured Experiences of Glen L. Rudd (bản thảo tự xuất bản, 1995), Văn Khố Giáo Hội, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 270õ72.

  20. Giăng 3:16.

  21. Xin xem Môi Se 6:63.

  22. A Mốt 3:7; GLGƯ 1:38.

  23. Giăng 11:25–26.

  24. 2 Nê Phi 19:6; xin xem thêm Ê Sai 9:6.