2008
Thử Thách
Tháng Mười một năm 2008


Thử Thách

Không có cuộc khủng bố hoặc quân đội nào có thể tách rời Các Thánh Hữu khỏi điều mà họ biết là chân chính.

Hình Ảnh
Boyd K. Packer

Mục đích của tôi là cho thấy rằng trong những thời kỳ rối ren Chúa luôn luôn chuẩn bị sẵn một đường lối an toàn. Chúng ta đang sống trong những “thời kỳ khó khăn” mà Sứ Đồ Phao Lô đã tiên tri là sẽ đến trong những ngày sau cùng.1 Nếu chúng ta muốn được an toàn với tư cách cá nhân, gia đình và được bảo đảm với tính cách là một giáo hội, thì điều này sẽ đạt được qua việc “tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”2

Vào ngày 24 tháng Bảy năm 1849, Các Thánh Hữu đã vào thung lũng được đúng hai năm. Cuối cùng họ đã được an toàn khỏi những năm tháng bị tấn công và ngược đãi. Kỷ niệm này nhất thiết phải làm lễ ăn mừng lớn.

Chỉ vài năm trước đó trong những hoàn cảnh thật kinh khiếp, Tiên Tri Joseph Smith chịu đau khổ nhiều tháng trong Ngục Thất Liberty [Tự Do] trong khi đám đông khủng bố đuổi Các Thánh Hữu ra khỏi nhà họ. Những từ tự dongục thất thì không tương xứng với nhau lắm.

Joseph đã kêu lên:

“Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu? Và đâu là lều bao phủ chốn ẩn náu của Ngài?

“Tay của Ngài còn dừng lại bao lâu nữa? Và mắt Ngài, phải, mắt trong suốt của Ngài, từ những tầng trời vĩnh cửu, còn nhìn thấy những điều sai trái xảy đến với dân Ngài và các tôi tớ của Ngài bao lâu nữa, và tai Ngài còn nghe những tiếng kêu gào của họ bao lâu nữa?”3

Trước đây, Tiên Tri Joseph Smith đã tìm kiếm hướng đi, và Chúa đã phán bảo Các Thánh Hữu phải đòi bồi thường từ các quan tòa, thống đốc và rồi tổng thống.4

Sự chống án của họ lên các quan tòa thất bại. Trong đời ông, Joseph Smith đã bị triệu ra tòa hơn 200 lần về đủ loại buộc tội gian. Ông chưa bao giờ bị kết án cả.

Khi họ đòi bồi thường từ Thống Đốc Boggs ở Missouri, thì ông đã đưa ra lời công bố: “Những người Mặc Môn cần phải bị đối xử như kẻ thù và cần phải bị tiêu diệt hoặc đuổi ra khỏi tiểu bang, nếu cần vì sự lợi ích của công chúng.”5 Lời công bố đó đã gây ra sự tàn bạo và tà ác không kể xiết.

Các Thánh Hữu kháng cáo lên Tổng Thống Martin Van Buren của Hoa Kỳ là người đã nói với họ: “Quý vị có chính nghĩa đúng nhưng tôi không thể làm gì cho quý vị được cả.”6

Tôi sẽ đọc những đoạn cuối cùng của đơn thỉnh cầu thứ ba của họ gửi cho Quốc Hội Hoa Kỳ:

“Nỗi đau khổ của những người viết đơn thỉnh cầu này cho quý vị đã chồng chất nhiều, quá nhiều cho nhân loại, quá nhiều cho các công dân Hoa Kỳ để chịu đựng mà không hề than vãn. Chúng tôi đã rên rỉ dưới bàn tay sắt đầy bạo ngược và áp bức trong nhiều năm nay. Chúng tôi đã bị cướp đoạt tài sản trị giá hai triệu Mỹ kim. Chúng tôi đã bị săn đuổi như loài thú hoang trong rừng. Chúng tôi đã thấy các bô lão của chúng tôi tham chiến trong Trận Cách Mạng Hoa Kỳ, và các trẻ em ngây thơ của chúng tôi đều bị tàn sát bởi những người khủng bố ngược đãi của quý vị. Chúng tôi đã thấy những người con gái xinh đẹp của các công dân Hoa Kỳ bị sỉ nhục và hành hạ theo cách dã man nhất, và cuối cùng, chúng tôi đã thấy mười lăm ngàn người đàn ông, đàn bà và trẻ con bị những người trang bị súng ống đuổi ra khỏi nhà cửa thiêng liêng và lò sưởi của họ trong hoàn cảnh mùa đông khắc nghiệt đến một vùng đất xa lạ, nghèo xơ xác và không được bảo vệ. Trong mọi hoàn cảnh khổ đau này, chúng tôi đưa tay ra khẩn nài cầu cứu các hội đồng tối cao nhất của quốc gia chúng ta, và khiêm nhường yêu cầu giúp đỡ từ quý Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu nổi tiếng của một dân tộc hùng cường và tự do để được bồi thường và bảo vệ.

“Xin hãy lắng nghe tiếng van xin cầu khẩn của nhiều ngàn công dân Hoa Kỳ hiện đang lên tiếng từ cảnh lưu đày … ! Xin hãy lắng nghe tiếng than khóc và nỗi đau khổ của những người góa phụ và trẻ mồ côi, mà chồng và cha của họ đã tuẫn đạo một cách tàn nhẫn trong vùng đất nơi mà sự tự do cần phải trị vì! Đừng để cho điều này được ghi chép trong văn khố của quốc gia rằng … những người bị lưu đày đã tìm kiếm sự bảo vệ và bồi thường nơi bàn tay của quý vị, nhưng họ đã thất bại. Chính là trong khả năng của quý vị để cứu chúng tôi, vợ con chúng tôi khỏi sự lặp lại của cảnh đổ máu ở Missouri, và như vậy làm nguôi ngoai rất nhiều những nỗi sợ hãi của một dân tộc bị ngược đãi và bị tổn thương và những người thỉnh cầu điều này với quý vị sẽ luôn luôn cầu nguyện.”7

Không có lòng thương hại dành cho họ, và họ đã bị làm ngơ.

Vào năm 1844, trong khi sống dưới sự bảo vệ công khai của Thống Đốc Thomas Ford ở Illinois, Tiên Tri Joseph Smith và anh của ông là Hyrum bị bắn chết tại Ngục Thất Carthage. Không có lời nào có thể thật sự bày tỏ sự tàn bạo và nỗi đau khổ mà Các Thánh Hữu đã gánh chịu.

Bấy giờ vào ngày 24 tháng Bảy năm 1849 này, cuối cùng đã thoát khỏi những cuộc tấn công của đám đông khủng bố, họ đã dự định sẽ làm lễ ăn mừng.8

Mọi thứ mà Các Thánh Hữu sở hữu đã vượt 1.600 kilômét qua vùng hoang dã bằng xe kéo tay hoặc các chiếc xe kéo có mui. Phải đến 20 năm sau mới có đường xe lửa đi đến tận Salt Lake City. Với hầu như không còn thứ gì để sử dụng, họ quyết tâm rằng dịp làm lễ ăn mừng này sẽ là một lối bày tỏ tuyệt diệu về những cảm nghĩ của mình.

Họ xây một cái mái che bằng cây ở Khuôn Viên Đền Thờ. Họ dựng lên một cột cờ cao 32 mét. Họ may một lá cờ khổng lồ dài 20 mét và treo nó lên trên đỉnh cột cờ tự do này.

Có thể dường như là điều khó xử, lạ thường hầu như không thể tin được, vì về chủ đề của dịp làm lễ ăn mừng lớn đầu tiên này họ đã chọn lòng yêu nước và sự trung thành với cùng một chính quyền mà đã chối bỏ và không phụ giúp họ. Tại sao họ có thể nghĩ như vậy? Nếu các anh chị em có thể hiểu lý do tại sao, thì các anh chị em sẽ hiểu được quyền năng của những lời giảng dạy của Đấng Ky Tô.

Ban nhạc kèn đồng của họ chơi nhạc trong khi Chủ Tịch Brigham Young dẫn đầu buổi diễn hành ngang qua Khuôn Viên Đền Thờ. Đi sau ông là Mười Hai Vị Sứ Đồ và Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi.

Rồi tiếp theo sau là 24 thanh niên mặc quần trắng, áo choàng đen, khăn quàng trắng trên vai bên phải, đội mũ miện nhỏ trên đầu, và một cây gươm trong bao ở trên vai trái của họ. Trong bàn tay phải của họ, chỉ có một thứ, mỗi người cầm một bản Tuyên Ngôn Độc lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập được một trong số các thanh niên đó đọc.

Kế đến là 24 thiếu nữ mặc áo trắng, khăn quàng xanh trên vai phải và cài hoa hồng màu trắng trên đầu. Mỗi người cầm một quyển Kinh Thánh và quyển Sách Mặc Môn.

Hầu như chứ không hoàn toàn kinh ngạc như việc chọn lòng ái quốc làm chủ đề: 24 vị trưởng lão (họ được gọi như thế) được dẫn đầu bởi tộc trưởng Isaac Morley. Họ được gọi là Những Mái Đầu Bạc—tất cả đều 60 tuổi hoặc già hơn. Mỗi người vác một cây gậy sơn màu đỏ với dải ruy băng màu trắng bay phất phới ở trên ngọn. Một người vác cờ Sao và Sọc Ngang. Những người này là biểu tượng cho chức tư tế “mà đã xảy ra từ lúc khởi đầu trước khi có thế gian,”9 và đã được phục hồi trong gian kỳ này.

Các Thánh Hữu biết rằng Chúa đã phán bảo họ phải “phục tùng các vua chúa, các tổng thống, các nhà cai trị và các pháp quan.”10 Lệnh truyền đó khi được mặc khải lúc bấy giờ thì bây giờ cũng đúng cho các tín hữu của chúng ta trong mỗi quốc gia. Chúng ta cần phải tôn trọng luật pháp, là các công dân xứng đáng.

Chúa phán bảo cùng họ: “Ta đã lập lên Hiến Pháp cho xứ này, nhờ tay những người thông sáng mà ta đã gây dựng lên cho chính mục đích này.”11

Và trong một câu khác, Chúa phán bảo cùng họ rằng “việc bất cứ một người nào phải làm nô lệ cho một người khác là điều không đúng.”12 Vì vậy Các Thánh Hữu chống lại cảnh nô lệ. Đây là một vấn đề rất dễ đụng chạm với những người định cư ở Missouri.

Vậy nên vào ngày lễ ăn mừng đó năm 1849, “Anh Cả Phineas Richards, đã đứng ra thay mặt cho hai mươi bốn vị trưởng lão, và đọc bài diễn văn nói lên lòng trung thành và yêu nước của họ.”13 Ông nói về sự cần thiết của họ để giảng dạy lòng yêu nước cho con cái của họ và yêu quý cùng tôn trọng nền tự do. Sau khi ông vắn tắt liệt kê những nỗi nguy nan mà họ đã trải qua, ông nói:

“Thưa các anh em và bạn bè, chúng tôi là những người đã sống đến sáu mươi năm, đã nhìn thấy chính quyền Hoa Kỳ trong vinh quang của nó, và biết rằng những sự ác độc, tàn bạo mà chúng ta đã gánh chịu phát sinh từ một chính quyền thối nát và bại hoại, trong khi các nguyên tắc thanh khiết của Hiến Pháp lừng danh của chúng ta thì không hề thay đổi… .

“… Như chúng ta đã thừa hưởng tinh thần tự do và lòng yêu nước nhiệt tình từ các tổ phụ của mình, vậy hãy để cho tinh thần và lòng yêu nước này được giảng dạy một cách chính xác cho hậu thế của chúng ta.”14

Một người sẽ nghĩ rằng, vì bị tác động với vũ lực của bản tính con người, Các Thánh Hữu sẽ tìm cách trả thù, nhưng một điều gì đó vững mạnh hơn bản tính con người đã kiềm chế điều mà họ đã làm.

Sứ Đồ Phao Lô đã giải thích cho Ti Mô Thê:

“Người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng… .

“Nhưng phần chúng ta, thì có ý của Đấng Ky Tô.”15

Thánh Linh đó mô tả các tín hữu đầu tiên của Giáo Hội là các tín đồ của Đấng Ky Tô.

Nếu các anh chị em có thể hiểu một dân tộc chịu nhịn nhục, đầy dung thứ, độ lượng, giống như Ky Tô hữu vậy sau khi những gì họ đã chịu đựng, thì các anh chị em sẽ nhận ra thế nào là một người Thánh Hữu ngày sau. Thay vì kiếm cách trả thù, thì họ đã nương tựa vào sự mặc khải. Lộ trình của họ được đề ra bởi những lời giảng dạy mà ngày nay vẫn còn tìm thấy được trong Kinh Cựu Ước và Tân Ước, Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước và sách Trân Châu Vô Giá.

Nếu các anh chị em có thể hiểu được lý do tại sao họ chịu làm lễ ăn mừng như họ đã làm, thì các anh chị em mới có thể hiểu được lý do tại sao bây giờ chúng ta có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, trong các nguyên tắc của phúc âm.

Sách Mặc Môn dạy rằng: “Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”16

Vậy nên ngày nay trong những thời kỳ khó khăn một cách kỳ quặc, trong Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô,17 chúng ta giảng dạy và sống theo các nguyên tắc phúc âm của Ngài.

Ba điều về lễ kỷ niệm vào năm 1849 đó đều là biểu tượng và điều tiên tri: trước hết, các thanh niên mang Bản Hiến Pháp và Bản Tuyên Ngôn Độc Lập; kế đến, mỗi thiếu nữ mang Kinh Thánh và Sách Mặc Môn; và cuối cùng, các ông lão—Những Mái Đầu Bạc—được vinh danh trong buổi diễn hành.

Tiếp theo chương trình, họ đã có một bữa tiệc tại các bàn kê tạm thời. Vài trăm người lữ khách đi tìm vàng và 60 người Da Đỏ được mời tham dự với họ.

Rồi Các Thánh Hữu trở lại làm việc.

Chủ Tịch Young nói: “Nếu những người dân Hoa Kỳ chịu để cho chúng ta yên trong mười năm thì chúng ta sẽ không xung đột với họ.”18

Tám năm tính cho đến cái ngày sau buổi lễ ăn mừng vào năm 1849, Các Thánh Hữu đang ở Big Cottonwood Canyon làm lễ kỷ niệm ăn mừng một ngày 24 tháng Bảy nữa. Bốn người cưỡi ngựa vào để báo cáo rằng một quân đội gồm có 2.500 lính đang trên đường hành quân. Quân đội Hoa Kỳ, do Đại Tá Albert Sydney Johnston chỉ huy, được lệnh của Tổng Thống James Buchanan dẹp tan cuộc nổi loạn không hề có của người Mặc Môn.

Các Thánh Hữu chấm dứt buổi lễ kỷ niệm và đi về nhà để chuẩn bị phòng thủ. Thay vì trốn chạy, lần này Chủ Tịch Young tuyên bố: “Chúng ta không vi phạm luật pháp nào cả, và chúng ta không có lý do để làm như vậy, và chúng ta cũng không có ý định để làm như vậy; còn việc bất cứ ai đến để hủy diệt dân này, thì Thượng Đế Toàn Năng là Đấng giúp đỡ tôi, họ không thể đến đây.”19

Ông bà cố của tôi đã chôn cất một người con trên con đường mòn từ Far West khi họ bị đuổi đến Nauvoo và một đứa con khác tại Khu Tạm Trú Mùa Đông khi họ bị đuổi về phía tây.

Một bà cố khác của tôi, lúc còn niên thiếu, đã đẩy một chiếc xe kéo tay dọc theo bờ phía nam dòng sông Platte River. Họ đã hát:

Một lòng đi kiếm, nơi mà Cha đã sẵn sắm,

Xa thật xa, tận miền Tây,

Ở nơi chỗ đó không bị một ai quấy nhiễu;

Thánh Hữu ta sẽ được phước.20

Ngang qua dòng sông, họ có thể thấy ánh nắng mặt trời phản chiếu trên các vũ khí của những người lính quân đội.21

Ở St. Louis, bà cố của tôi đã mua một cây cờ Hoa Kỳ nhỏ tráng men để cài trên áo. Bà luôn luôn cài nó lên áo của bà trong suốt cuộc đời còn lại của bà.

Không cuộc khủng bố hoặc quân đội nào có thể tách rời Các Thánh Hữu khỏi điều mà họ biết là chân chính. Một sự thỏa thuận đã được dàn xếp, và Chiến Tranh Utah (sau này được gọi là Điều Sai Lầm của Buchanan) đã kết thúc.

Giờ đây chúng ta được hướng dẫn bởi cùng những điều mặc khải và được một vị tiên tri lãnh đạo. Khi Tiên Tri Joseph Smith chết, một vị tiên tri khác thay thế ông. Trật tự kế nhiệm đó tiếp tục cho đến ngày hôm nay.

Cách đây sáu tháng tại đại hội trung ương tháng Tư, Thomas S. Monson đã được tán trợ với tư cách là Chủ Tịch thứ 16 của Giáo Hội, chỉ năm tháng trước khi sinh nhật thứ 81 của ông. Ông kế nhiệm Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, là người đã qua đời ở tuổi 98.

Các vị lãnh đạo trưởng của Giáo Hội sẽ hầu như luôn luôn có kinh nghiệm nhờ vào nhiều thập niên chuẩn bị.

Chủ Tịch Monson thích hợp một cách rất lý tưởng với những thử thách của thời chúng ta. Ông được hỗ trợ bởi hai vị cố vấn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ—tất cả đều là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải.

Cũng chính tên Lu Xi Phe mà đã bị đuổi ra khỏi chốn hiện diện của Đức Chúa Cha thì vẫn còn tích cực hoạt động. Nó cùng với các quỷ sứ đã đi theo nó, sẽ gây rắc rối cho công việc của Chúa và hủy diệt công việc ấy nếu nó có thể làm được.

Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục tiến bước. Chúng ta sẽ tự bám chặt với tính cách là gia đình và giáo hội vào các nguyên tắc và giáo lễ này. Bất cứ thử thách nào ở trước mắt, và chúng sẽ có rất nhiều, chúng ta vẫn luôn luôn trung tín và chân thật.

Tôi làm chứng về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài Chúa Giê Su Ky Tô, rằng hai Ngài hằng sống, rằng Thomas S. Monson được Thượng Đế kêu gọi bằng sự tiên tri.

“Cờ hiệu của lẽ thật đã được dựng lên; không có một bàn tay phàm tục nào có thể chặn đứng không cho công việc này tiến triển” (History of the Church, 4:540). Ngày hôm nay, mặt trời không bao giờ lặn đối với các giáo đoàn của Các Thánh Hữu Ngày Sau. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Xin xem 2 Ti Mô Thê 3:1–7.

  2. Những Tín Điều 1:3.

  3. GLGƯ 121:1–2.

  4. Xin xem GLGƯ 101:86–88.

  5. History of the Church, 3:175.

  6. Martin Van Buren, được trích trong Eliza R. Snow Smith, Biography and Family Record of Lorenzo Snow (1884), 77.

  7. Được trích trong Biography, 152–53.

  8. Xin xem Biography, 95–107.

  9. GLGƯ 76:13.

  10. Những Tín Điều 1:12.

  11. GLGƯ 101:80.

  12. GLGƯ 101:79.

  13. Biography, 100.

  14. Phineas Richards, trong Biography, 102–4.

  15. 1 Cô Rinh Tô 2:14, 16.

  16. 2 Nê Phi 25:26.

  17. Xin xem GLGƯ 1:30.

  18. Brigham Young, “Remarks,” Deseret News, ngày 23 tháng Chín năm 1857, 228.

  19. Deseret News, ngày 23 tháng Chín năm 1857, 228.

  20. Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 2.

  21. Xin xem “By Handcart to Utah: The Account of C. C. A. Christensen,” Nebraska History, mùa đông năm 1985, 342.