2008
Hãy Sống Giản Dị
Tháng Mười một năm 2008


Hãy Sống Giản Dị

Trong việc chúng ta tìm cách được khuây khỏa khỏi những căng thẳng của cuộc sống, cầu xin cho chúng ta nghiêm túc tìm kiếm những cách thức để đơn giản hóa cuộc sống của mình.

Hình Ảnh
Elder L. Tom Perry

Những người nào trong chúng ta sống khá lâu—và Anh Cả Wirthlin và tôi đã sống lâu—đều nhận ra một số mẫu mực trong thử thách của cuộc sống. Có những chu kỳ với thời kỳ tốt và xấu, những nỗi thăng trầm, những thời kỳ vui sướng và buồn phiền, và những thời kỳ dư dật cũng như những thời kỳ khan hiếm. Khi cuộc sống của chúng ta chuyển đến một hướng bất ngờ và không được như mong muốn, đôi khi chúng ta trải qua tình trạng căng thẳng và lo âu. Một trong số những thử thách của kinh nghiệm trần thế này là không để cho những sự căng thẳng và khẩn trương của đời sống chế ngự chúng ta—để kiên trì trong những giai đoạn của cuộc sống trong khi vẫn sống một cách tích cực, ngay cả lạc quan. Có lẽ, khi những khó khăn và thử thách xảy đến thì chúng ta cần phải có được những lời đầy hy vọng của Robert Browning khắc ghi vào tâm khảm mình: “Điều tốt đẹp nhất chưa xảy đến đâu” (“Rabbi Ben Ezra” trong Charles W. Eliot, xuất bản, The Harvard Classics, 50 tập [1909–10], 42:1103). Chúng ta không thể tiên đoán được tất cả những nỗi vất vả và giông tố trong đời, hay ngay cả những điều sắp xảy ra, nhưng chúng ta, là những người có đức tin và hy vọng, chắc chắn biết được rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính, và điều tốt đẹp nhất chưa xảy đến đâu.

Tôi nhớ đến một thời kỳ đặc biệt trong cuộc sống của mình khi tôi bị căng thẳng một cách bất thường. Có những rắc rối với công việc làm của tôi, và đồng thời, vợ tôi được chẩn đoán mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Đây là một trong những lúc mà dường như kẻ nghịch thù đang bủa vây tôi và gia đình tôi. Vào những ngày mà những sự căng thẳng và lo âu của cuộc sống bất an của chúng tôi sắp thắng thế, thì vợ tôi và tôi tìm ra một cách để giải tỏa chúng.

Chúng tôi lái xe đến một chỗ, chỉ một vài dặm đường cách nhà mình, lánh đi để có được một vài giây phút khuây khỏa khỏi những rắc rối của mình, nói chuyện và an ủi nhau về mặt tình cảm. Chỗ của chúng tôi là Ao Walden. Đó là một cái ao xinh đẹp, nhỏ nhắn, bao quanh bởi rừng cây. Khi vợ tôi cảm thấy đủ khỏe, thì chúng tôi đi tản bộ chung quanh cái ao đó. Những ngày khác, khi bà không cảm thấy muốn đi tản bộ, thì chúng tôi chỉ ngồi trong xe và nói chuyện. Ao Walden là một chỗ đặc biệt của chúng tôi để dừng lại, suy ngẫm và thư giãn. Có lẽ một phần là vì lịch sử của nó—sự liên hệ của nó với các nỗ lực của Henry David Thoreau để tự tách mình ra khỏi vật chất thế gian trong một thời gian mấy năm—để Ao Walden mang đến cho chúng tôi rất nhiều hy vọng về sự giản dị, và cung ứng một lối thoát dễ chịu khỏi cuộc sống quá phức tạp của chúng tôi.

Đó là vào tháng Ba năm 1845 khi Thoreau quyết định dọn đến sống trên bờ Ao Walden và dành ra hai năm cố gắng tìm hiểu cuộc sống là gì. Ông bắt đầu sống trên một mảnh đất do người bạn tốt của ông là Ralph Waldo Emerson làm chủ. Ông mua một túp lều từ một người làm việc cho hãng hỏa xa và phá nó ra. Từ gỗ tháo ra từ túp lều và gỗ đốn trong rừng, và ông đã cất lên một căn nhà gỗ nhỏ. Ông giữ tỉ mỉ sổ sách tài chính, và ông kết luận rằng ông chỉ chi ra 28 Mỹ kim 12 xu cho một căn nhà và sự tự do. Ông trồng vườn nơi mà ông gieo đậu tròn, khoai tây, bắp, đậu dài, và củ cải để giúp duy trì cuộc sống giản dị của ông. Ông trồng hai mẫu rưỡi đậu với ý định sẽ sử dụng tiền lời ít ỏi đủ để trả cho những nhu cầu của ông. Tiền lời ít ỏi, quả thật vậy: 8 Mỹ kim 71 xu.

Thoreau sống khá biệt lập trong một thời gian. Ông không có đồng hồ cũng chẳng có tờ lịch trong căn nhà gỗ nhỏ của mình. Ông dành thời giờ ra để viết và nghiên cứu những vẻ xinh đẹp và kỳ diệu của thiên nhiên quanh ông, kể cả cây cỏ, chim chóc và động vật ở địa phương. Ông không sống một cuộc sống ẩn dật—đa số mỗi ngày, ông đi thăm thị trấn Concord, và ông mời những người khác đến căn nhà gỗ nhỏ của mình để có những cuộc trò chuyện đầy kiến thức. Khi hai năm trôi qua, ông rời căn nhà gỗ nhỏ của mình mà không hề hối tiếc. Ông xem thời gian mà ông bỏ ra nơi đó là số thời gian thích hợp để hoàn tất mục đích của ông—để kinh nghiệm những lợi ích tinh thần của một lối sống giản dị. Ông cũng cảm thấy rằng ông đã có những kinh nghiệm sống khác trước mặt của mình. Đó là lúc phải tiếp tục và khám phá các cơ hội khác.

Từ những kinh nghiệm của mình tại Ao Walden, Thoreau định rõ rằng chỉ có bốn thứ mà một người thật sự cần: thức ăn, quần áo, chỗ ở và nhiên liệu. Tôi muốn bàn rộng về mỗi nhu cầu cơ bản này của cuộc sống, cũng như những lợi ích tinh thần của một cuộc sống giản dị.

Nhu cầu đầu tiên là thức ăn. Là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có được sự hiểu biết thiêng liêng từ lẽ thật đã được mặc khải về sự liên hệ giữa thể xác với linh hồn. Giáo Lý và Giao Ước 88:15 nói rằng: “Linh hồn cùng thể xác là bản thể của con người.” Để ban phước cho chúng ta về phần thể xác lẫn thuộc linh, Chúa cũng đã mặc khải cho chúng ta một luật sức khỏe, cho chúng ta biết thức ăn nào và chất nào thì tốt lành cho thể xác và thứ nào thì không. Kèm theo những lời chỉ dẫn là lời hứa trong tiết 89 sách Giáo Lý và Giao Ước:

“Và tất cả các thánh hữu nào nhớ tuân giữ và làm theo những lời này cùng biết vâng theo các giáo lệnh thì sẽ nhận được sức khỏe dồi dào trong cuống rốn và xương tủy của mình;

“Và sẽ tìm thấy sự khôn ngoan cùng những kho tàng hiểu biết lớn lao, là những kho tàng đã bị giấu kín;

“Và sẽ chạy mà không mệt nhọc, và sẽ bước đi mà không mòn mỏi.

“Và ta là Chúa sẽ ban cho họ lời hứa rằng thiên sứ hủy diệt sẽ đi qua họ, giống như các con cái của Y Sơ Ra Ên, mà không giết họ” (các câu 18–21).

Không có lời khuyên dạy nào về Lời Thông Sáng lại hay hơn lời khuyên dạy trong quyển sách nhỏ Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ. Sách nói rằng:

“Chúa đã truyền lệnh cho các em phải chăm sóc kỹ cơ thể của mình. Muốn vậy, hãy tuân giữ Lời Thông Sáng, được tìm thấy trong sách Giáo Lý và Giao Ước 89. Hãy ăn thực phẩm bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên, và ngủ đầy đủ. Khi làm tất cả những điều này, các em sẽ khỏi vướng vào những thói quen nghiện ngập nguy hại và có sự tự chủ đời mình. Các em nhận được các phước lành về một thân thể khỏe mạnh, một tâm trí minh mẫn, và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.

“Bất cứ chất ma túy, chất thuốc hóa học hay sự thực hành nguy hiểm nào mà nhằm tạo ra cảm giác hay ‘được lâng lâng’ có thể hủy diệt sự sung mãn của thể xác, trí tuệ và tinh thần. Những thứ này gồm có ma túy, thuốc kê theo toa hay thuốc mua tự do mà bị lạm dụng và những chất hóa học dùng trong nhà” ([2001], 36–37).

Chúng ta không muốn làm hại thể xác của mình vì nó là một ân tứ từ Thượng Đế, và một phần kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Cha Thiên Thượng là sự tái hợp của thể xác bất tử với linh hồn của chúng ta.

Một thứ cần thiết cơ bản khác là quần áo của chúng ta. Một cuộc sống giản dị mà mang đến các phước lành thuộc linh đòi hỏi việc ăn mặc quần áo giản dị và trang nhã. Cách ăn mặc và sự chỉnh tề của chúng ta thể hiện về con người của chúng ta cho những người khác thấy và ảnh hưởng đến hành động của chúng ta với những người khác. Khi ăn mặc chỉnh tề và trang nhã, chúng ta cũng mời gọi Thánh Linh của Chúa làm sự che chở và bảo vệ cho chúng ta.

Những khuynh hướng của thế gian trong thời trang phụ nữ thì luôn luôn là những thái cực gợi cảm. Với kiểu kọ mới nhất của họ, nhiều nhà thiết kế thời trang dường như cố gắng làm ra hai hoặc ba cái áo với số vải cần cho một cái áo. Phần lớn, họ lấy đi quá nhiều phần trên và phần dưới của quần áo phụ nữ, và thỉnh thoảng họ còn hà tiện phần giữa nữa. Thời trang của đàn ông thì cũng theo những kiểu cọ thái quá. Trong thời tôi, những kiểu cọ này được gọi là luộm thuộm và không thích đáng. Tôi tin rằng cách ăn mặc cẩu thả thì hầu như luôn luôn đi kèm theo những thái độ rất cẩu thả.

Có nhiều anh chị em đang cố gắng rất nhiều để lối ăn mặc chải chuốt của mình là vô song nhằm lôi cuốn người khác, điều mà Chúa xem là loại chú ý sai. Trong câu chuyện của Sách Mặc Môn về cây sự sống, chính những người “ăn mặc quần áo đắt tiền” là những kẻ nhạo báng những người ăn trái cây đó. Là điều nghiêm túc để nhận thức rằng những kẻ nhạo báng mê say thời trang kiểu cọ đó trong tòa nhà rộng lớn vĩ đại là những người chịu trách nhiệm về việc làm ngượng nghịu nhiều người khác, và những người nào thấy hổ thẹn thì “đi lạc vào những lối cấm rồi lạc mất luôn” (1 Nê Phi 8:27–28).

Có lần Chủ Tịch N. Eldon Tanner đã cảnh cáo chúng ta với những lời này: “Sự trang nhã trong cách ăn mặc là một đức tính của tâm trí, kết quả của sự tôn trọng bản thân mình, đồng bào mình và Đấng Sáng Tạo ra tất cả chúng ta. Sự trang nhã phản ảnh một thái độ khiêm nhường, đoan trang và đứng đắn. Để được phù hợp với các nguyên tắc này và được Đức Thánh Linh hướng dẫn, các bậc cha mẹ, giảng viên và giới trẻ hãy thảo luận những chi tiết cụ thể về cách ăn mặc, chải chuốt và diện mạo cá nhân, cùng với quyền tự quyết chấp nhận trách nhiệm và chọn điều đúng” (“Friend to Friend,” Friend, tháng Sáu năm 1971, 3).

Giờ đây chúng ta quay trở lại nhu cầu thứ ba của Thoreau, đó là nhà ở. Những tờ nhật báo đăng đầy những bài tường thuật về cơn khủng hoảng về nhà cửa. Chúng ta được khuyến khích tại hầu hết mọi đại hội của Giáo Hội mà tôi có thể nhớ được, là đừng sống bằng cách tiêu xài hơn tiền mình kiếm được. Mức thu nhập của chúng ta cần phải định ra loại nhà mà chúng ta có thể trả nổi, chứ không phải căn nhà to lớn của người hàng xóm ở bên kia đường.Có lần Chủ Tịch Heber J. Grant đã nói: “Từ những ký ức đầu tiên của mình, từ thời của Brigham Young cho đến giờ, tôi đã lắng nghe nhiều người đứng ở bục giảng … khuyến khích các tín hữu đừng tạo ra nợ nần; và tôi tin rằng đa số tất cả những phiền toái của chúng ta ngày nay là do việc không làm theo lời khuyên đó” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1921, 3).

Một trong những cách thức tốt hơn để đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta là tuân theo lời khuyên dạy mà chúng ta thường xuyên nhận được để sống theo mức thu nhập của mình, tránh nợ nần, và dành dụm cho trường hợp khẩn cấp. Chúng ta cần phải thực hành và gia tăng thói quen tằn tiện, siêng năng, cần kiệm, và tiết kiệm. Những người trong một gia đình biết quản lý giỏi thì không trả tiền lời mà họ kiếm được tiền lời.

Nhu cầu cuối cùng của Thoreau là nhiên liệu. Chúng ta đã nghe rất nhiều về chất đốt và nhiên liệu—về giá cao của chúng và nguồn cung cấp giới hạn, sự tùy thuộc nguy hiểm và bất ổn của Hoa Kỳ đối với những người cung cấp chúng, và sự cần thiết về những nguồn nhiên liệu mới và lâu dài. Tôi xin nhường cuộc thảo luận về các vấn đề phức tạp này cho các nhà lãnh đạo trong chính quyền và trong ngành công nghiệp. Nhiên liệu mà tôi muốn thảo luận là nhiên liệu thuộc linh.

Chúa đã ban cho chúng ta một kế hoạch tuyệt mỹ về cách mà chúng ta có thể trở về với Ngài, nhưng sự hoàn tất cuộc hành trình trên trần thế của chúng ta đòi hỏi nhiên liệu thuộc linh. Chúng ta muốn noi gương của năm nàng trinh nữ khôn ngoan mà đã dự trữ đủ dầu để đi với chàng rể khi Ngài đến (xin xem Ma Thi Ơ 25:6–10). Điều gì cần thiết để duy trì một sự dự trữ đủ nhiên liệu thuộc linh? Chúng ta cần phải tìm kiếm sự hiểu biết về kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế và vai trò của chúng ta trong đó, và rồi bằng cách sống ngay chính, quy phục ý muốn của chúng ta theo ý muốn của Chúa, thì chúng ta nhận được các phước lành đã hứa.

Như Anh Cả William R. Bradford đã giảng dạy tại bục giảng này: “Có sự giản dị lớn lao trong sự ngay chính. Trong mỗi tình huống mà chúng ta lâm vào trong cuộc sống thì có một con đường đúng hoặc một con đường sai để phản ứng. Nếu chọn con đường đúng, thì chúng ta được hỗ trợ trong các hành động của mình bởi các nguyên tắc ngay chính, mà trong đó có quyền năng từ thiên thượng. Nếu chọn con đường sai và hành động theo sự chọn lựa đó, thì sẽ không có lời hứa hay quyền năng như vậy của thiên thượng, và chúng ta sẽ đơn độc và được định sẵn là sẽ thất bại” (“Righteousness,” Liahona, tháng Giêng năm 2000, 103).

Ngay trước khi Thoreau qua đời, ông đã được hỏi rằng ông đã hòa giải với Thượng Đế chưa. Ông đáp: “Tôi không biết là Ngài và tôi có từng bất hòa không” (trong Mardy Grothe, biên soạn, Viva la Repartee [2005], 181).

Trong việc chúng ta tìm cách được khuây khỏa khỏi những căng thẳng của cuộc sống, cầu xin cho chúng ta nghiêm túc tìm kiếm những cách thức để đơn giản hóa cuộc sống của mình. Cầu xin cho chúng ta tuân theo lời khuyên dạy và sự hướng dẫn đầy soi dẫn mà Chúa đã ban cho chúng ta trong kế hoạch hạnh phúc vĩ đại. Cầu xin cho chúng ta sống xứng đáng để có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh, và tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh khi chúng ta sống trên trần thế. Cầu xin cho chúng ta tự chuẩn bị mình để hoàn thành mục đích tối thượng của thử thách trần thế này—để trở về sống với Cha Thiên Thượng của chúng ta—là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.