2008
Sự Can Đảm của Ky Tô Hữu: Cái Giá để Làm Môn Đồ
Tháng Mười một năm 2008


Sự Can Đảm của Ky Tô Hữu: Cái Giá để Làm Môn Đồ

Để Trả Lời cho Những Người Chỉ Trích Chúng Ta theo Cách Thức của Đấng Cứu Rỗi.

Hình Ảnh
Robert D. Hales

Chúng ta cùng nhau đồng lòng quy tụ lại, chúng ta đã mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô, và chúng ta đều là Ky Tô hữu. Một trong số các câu hỏi mà chúng ta thường hỏi là: vậy thì tại sao, nếu chúng ta có được tình yêu thương đó của Đấng Cứu Rỗi, lại có một người nào đó muốn chống đối hoặc tấn công chúng ta?

Mới gần đây, có một nhóm Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi, thông minh, trung tín viết xuống một số câu hỏi mà đã luẩn quẩn nhiều nhất trong tâm trí của họ. Một chị nọ đã hỏi: “Tại sao Giáo Hội không tự biện hộ một cách tích cực hơn khi có những lời chỉ trích đưa ra để chống lại Giáo Hội?”

Để trả lời cho câu hỏi của chị ấy, tôi xin nói rằng một trong những thử thách gay go của cuộc sống trần thế đến với chúng ta khi tín ngưỡng của chúng ta bị chất vấn hoặc chỉ trích. Trong những giây phút như vậy, chúng ta có thể muốn đáp lại bằng cách chống trả mãnh liệt—là “sẵn sàng tranh luận.” Nhưng đây là những cơ hội quan trọng để dừng lại suy nghĩ, cầu nguyện và noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi. Hãy nhớ rằng chính Chúa Giê Su đã bị thế gian khinh miệt và chối bỏ. Và trong giấc mơ của Lê Hi, những người đến với Đấng Cứu Rỗi cũng bị “chế giễu và chỉ trỏ” (1 Nê Phi 8:27). Chúa Giê Su phán: “Thế gian ghen ghét [các môn đồ của ta] vì họ không thuộc về thế gian, cũng như [ta] không thuộc về thế gian” (Giăng 17:14). Nhưng khi chúng ta trả lời những người chỉ trích mình như Đấng Cứu Rỗi đã làm, thì chúng ta không những trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn, mà chúng ta còn mời gọi những người khác cảm nhận tình yêu thương của Ngài và noi theo Ngài.

Cách phản ứng theo như Đấng Ky Tô không thể được viết ra trước hoặc dựa vào một công thức. Đấng Cứu Rỗi đáp ứng khác nhau trong mỗi hoàn cảnh. Khi Ngài đương đầu với Vua Hê Rốt tà ác, Ngài đã giữ im lặng. Khi Ngài đứng trước Phi Lát, Ngài đã chia sẻ một chứng ngôn giản dị và mạnh mẽ về thiên tính và mục đích của Ngài. Khi đối phó với những người đổi bạc đang làm ô uế đền thờ, Ngài đã sử dụng trách nhiệm thiêng liêng của Ngài để gìn giữ và bảo tồn điều thiêng liêng. Khi bị treo lên cây thập tự, Ngài đã thốt ra lời nói có một không hai của Ky Tô hữu: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu Ca 23:34).

Một số người lầm tưởng rằng những câu trả lời bằng cách giữ im lặng, hiền lành, tha thứ và chia sẻ chứng ngôn khiêm nhường là thụ động hoặc yếu đuối. Nhưng, việc “hãy yêu kẻ thù nghịch [của chúng ta], chúc phước cho người nguyền rủa [chúng ta], hãy đối xử tốt với người ghét [chúng ta], và cầu nguyện cho người lợi dụng [chúng ta], và kẻ bắt bớ [chúng ta]” (Ma Thi Ơ 5:44) đòi hỏi đức tin, sức mạnh, và hơn hết là sự can đảm của Ky Tô hữu.

Tiên Tri Joseph Smith cho thấy sự can đảm này trong suốt cuộc sống của ông. Mặc dù ông “[đã] chịu đựng sự ngược đãi thậm tệ của đủ mọi hạng người trong xã hội, cả người có tôn giáo lẫn kẻ vô thần” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:27), nhưng ông đã không trả đũa hoặc để lòng căm thù. Giống như tất cả các môn đồ chân thật của Đấng Ky Tô, ông đã noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi bằng cách yêu thương những người khác theo một cách dung thứ và trắc ẩn. Đó là sự can đảm của Ky Tô hữu.

Khi chúng ta không trả đũa—khi chúng ta đưa má bên kia cho họ vả và kìm nén cảm nghĩ tức giận—thì chúng ta cũng đang noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta cho thấy tình yêu thương của Ngài, tức là quyền năng duy nhất mà có thể chinh phục nghịch cảnh và trả lời cho những người chỉ trích chúng ta mà không hề chỉ trích họ để đáp lại. Đó không phải là sự yếu đuối. Đó là sự can đảm của Ky Tô hữu.

Qua nhiều năm tháng, chúng ta học biết rằng những thử thách đối với đức tin của mình thì không mới mẻ gì và chúng hầu như không biến đi nhanh. Nhưng các môn đồ chân thật của Đấng Ky Tô thấy được cơ hội ở giữa sự chống đối.

Trong Sách Mặc Môn, tiên tri A Bi Na Đi đã bị trói lại và giải đến trước Vua Nô Ê tà ác. Mặc dù nhà vua này chống đối A Bi Na Đi mãnh liệt và cuối cùng tuyên án tử hình ông, nhưng A Bi Na Đi vẫn mạnh dạn giảng dạy phúc âm và chia sẻ chứng ngôn của mình. Nhờ vào việc A Bi Na Đi đã lợi dụng cơ hội đó, mà một thầy tư tế tên là An Ma đã được cải đạo theo phúc âm, và mang nhiều người đến cùng Đấng Ky Tô. Lòng can đảm của A Bi Na Đi và An Ma là sự can đảm của Ky Tô hữu.

Kinh nghiệm cho thấy rằng những đợt chống đối công khai Giáo Hội có thể giúp hoàn thành các mục đích của Chúa. Vào năm 1983, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã viết thư cho các vị lãnh đạo Giáo Hội: “Sự chống đối có thể tự nó là một cơ hội. Trong số những thử thách liên tục mà những người truyền giáo của chúng ta đang đối phó là sự thiếu quan tâm đến các vấn đề tôn giáo và sứ điệp của chúng ta. Những lời chỉ trích này tạo ra … mối quan tâm nơi Giáo Hội… . Điều này cung ứng một cơ hội [cho các tín hữu] để trình bày lẽ thật cho những người mà vì thế đã hướng sự chú ý đến chúng ta.”1

Chúng ta có thể lợi dụng cơ hội như vậy trong nhiều cách: một bức thư lịch sự gửi cho người chủ bút, một cuộc chuyện trò với một người bạn, một lời phê bình góp ý trên mạng blog, hoặc một lời trấn an cho một người đã đưa ra lời bình luận gièm pha Giáo Hội. Chúng ta có thể trả lời với tình yêu thương những người đã bị tác động bởi thông tin sai và thành kiến—là những người “bị ngăn cản khỏi lẽ thật vì họ không biết tìm thấy lẽ thật đâu cả” (GLGƯ 123:12). Tôi bảo đảm với các anh chị em rằng câu trả lời cho những người chỉ trích chúng ta theo cách này thì hoàn toàn không phải là sự yếu đuối. Đó là sự can đảm của Ky Tô hữu trong hành động.

Khi chúng ta trả lời những người khác, thì mỗi trường hợp sẽ khác biệt. May mắn thay, Chúa biết tấm lòng của những kẻ chỉ trích chúng ta và cách chúng ta có thể trả lời họ một cách hữu hiệu nhất. Khi các môn đồ chân thật tìm kiếm sự hướng dẫn từ Thánh Linh, thì họ nhận được sự soi dẫn thích ứng với mỗi trường hợp. Và trong mỗi trường hợp, các môn đồ chân thật đáp ứng theo cách mà mời gọi Thánh Linh của Chúa. Phao Lô nhắc nhở những người Cô Rinh Tô rằng lời thuyết giảng của ông “chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép” (1 Cô Rinh Tô 2:4). Vì quyền năng đó ở trong Thánh Linh của Chúa, nên chúng ta chớ bao giờ trở nên thích tranh cãi khi chúng ta thảo luận về đức tin của mình. Như hầu hết mỗi người truyền giáo đều biết, việc tranh luận Kinh Thánh luôn luôn làm cho Thánh Linh rút lui. Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta” (3 Nê Phi 11:29). Việc các tín hữu Giáo Hội phản ứng theo một cách thức không giống như Đấng Ky Tô đối với những lời chỉ trích rằng Giáo Hội không phải là Ky Tô giáo là điều đáng tiếc hơn là khi Giáo Hội bị chỉ trích không phải là Ky Tô giáo! Cầu xin cho những cuộc chuyện trò của chúng ta với những người khác luôn luôn được đánh dấu bằng trái của Thánh Linh—“lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, [và] tiết độ” (Ga La Ti 5:22–23). Từ hiền lành theo như Tự Điển Webster định nghĩa là “biểu lộ lòng kiên nhẫn và nhịn nhục: chịu đựng bị tổn thương mà không oán giận.”2 Tính hiền lành không phải là sự yếu đuối. Đó là dấu hiệu của sự can đảm của Ky Tô hữu.

Điều này đặc biệt quan trọng trong mối tương giao của chúng ta với các tín hữu thuộc Ky Tô giáo khác. Chắc chắn là Cha Thiên Thượng sẽ buồn phiền—và quỷ dữ sẽ cười to—khi chúng ta tranh cãi sôi nổi về sự khác biệt giáo lý với những người lân cận Ky Tô hữu của mình.

Khi nói điều này, tôi không phải đề nghị rằng chúng ta thỏa hiệp các nguyên tắc của mình hoặc làm giảm bớt tín ngưỡng của mình. Chúng ta không thể thay đổi các giáo lý của phúc âm phục hồi, cho dù việc giảng dạy và tuân theo các giáo lý này làm cho chúng ta khác biệt trong mắt của thế gian. Tuy chúng ta cảm thấy phải bạo dạn nói lời của Thượng Đế, nhưng chúng ta cũng phải cầu nguyện để được dẫy đầy Đức Thánh Linh (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:29, 31). Chúng ta sẽ không bao giờ lầm lẫn sự bạo dạn với sự giả mạo của Sa Tan: sự hống hách (xin xem An Ma 38:12). Các môn đồ chân chính nói với sự tin tưởng dịu dàng, không phải tính kiêu ngạo khoác lác.

Là các môn đồ chân thật, mối quan tâm chính của chúng ta phải là sự an lạc của những người khác, chứ không phải sự tự mãn cá nhân. Những thắc mắc và những lời chỉ trích mang đến cho chúng ta một cơ hội để tìm đến những người khác và cho thấy rằng họ quan trọng đối với Cha Thiên Thượng và đối với chúng ta. Mục tiêu của chúng ta cần phải là giúp họ hiểu lẽ thật, chứ không bào chữa cho bản ngã của mình hoặc áp đảo trong một cuộc tranh luận về thần học. Chứng ngôn chân thành của chúng ta là câu trả lời mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể đưa ra cho những người chỉ trích mình. Và những chứng ngôn như vậy chỉ có thể được chia sẻ trong tình yêu thương và sự hiền lành. Chúng ta phải giống như Edward Partridge, là người mà Chúa đã phán rằng: “Tấm lòng hắn thanh khiết trước mặt ta, vì hắn chẳng khác chi Na Tha Na Ên thời xưa, trong người không có điều gian xảo chi hết” (GLGƯ 41:11). Tính không gian xảo là có sự vô tội giống như một đứa trẻ, chậm bực mình và nhanh chóng tha thứ.

Những đức tính này trước hết được học trong nhà và gia đình, và có thể thực hành trong tất cả các mối quan hệ giao tiếp của chúng ta. Tính không gian xảo là tìm kiếm lỗi lầm của mình trước. Khi bị chỉ trích, chúng ta cần phải hỏi như Các Sứ Đồ của Đấng Cứu Rỗi đã hỏi: “Lạy Chúa, có phải tôi không?” (Ma Thi Ơ 26:22). Nếu chúng ta lắng nghe theo câu trả lời do Thánh Linh ban cho thì chúng ta có thể, nếu cần, sửa đổi, xin lỗi, xin được tha thứ và làm tốt hơn.

Vì không có thủ đoạn, nên các môn đồ chân thật tránh phê phán thái quá những quan điểm của người khác. Nhiều người chúng ta đã xây đắp tình bạn vững mạnh với những người hiện giờ không phải là tín hữu của Giáo Hội chúng ta—bạn học, bạn đồng nghiệp ở sở làm, và bạn bè hàng xóm trên khắp thế giới. Chúng ta cần họ, và họ cũng cần chúng ta. Như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy: “Chúng ta hãy học cách tôn trọng những người khác… . Không một ai trong thành phố chúng ta, trong quốc gia chúng ta, hay trong thế giới chúng ta lại sống đơn độc một mình.”3

Như Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy với Hê Rốt, đôi khi các môn đồ chân thật cần phải cho thấy lòng can đảm của Ky Tô hữu bằng cách không nói điều gì cả. Có lần khi chơi đánh gôn, tôi đã chạm nhẹ vào cây xương rồng lớn mà dường như nó giương ra mấy cái lá kim như một con nhím. Mấy cái gai từ cái cây đó dính đầy quần áo của tôi mặc dù tôi chỉ chạm nhẹ vào cây xương rồng. Một số tình huống thì cũng giống như loại cây đó: chúng hoàn toàn làm tổn thương chúng ta. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta được an toàn hơn khi chỉ cần tránh xa nó. Khi làm như vậy, một số người cố gắng khiêu khích chúng ta và làm cho chúng ta phải dự vào một cuộc tranh cãi. Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc về Lê Hôn Ti và người của ông cắm trại trên một hòn núi. Kẻ phản bội A Ma Lịch Gia thuyết phục Lê Hôn Ti “xuống” gặp hắn dưới chân núi. Nhưng khi Lê Hôn Ti đi xuống núi, thì ông bị đánh thuốc độc “dần dần” cho đến khi ông chết và quân đội của ông rơi vào tay của A Ma Lịch Gia (xin xem An Ma 47). Qua những cuộc tranh cãi và lời chỉ trích, một số người nhử chúng ta rời khỏi nơi cao. Nơi cao là nơi mà có ánh sáng. Đó là nơi mà chúng ta thấy được ánh nắng ban mai đầu tiên và áng sáng cuối cùng trong đêm. Đó là một nơi an toàn. Đó là lẽ thật và nơi mà có sự hiểu biết. Đôi khi những người khác muốn chúng ta rời khỏi nơi cao an toàn đó để cùng họ tranh luận về thần học. Một vài người hay sinh sự này quyết tâm bắt đầu cuộc cãi cọ về tôn giáo trực tuyến trên mạng Internet hoặc trực tiếp mặt đối mặt. Chúng ta nên luôn luôn ở trên cao của sự tương kính và tình yêu thương.

Khi làm như vậy, chúng ta noi theo gương của tiên tri Nê Hê Mi là người đã xây một bức tường thành chung quanh Giê Ru Sa Lem. Những kẻ thù của Nê Hê Mi khẩn nài ông đến gặp họ trên cánh đồng, nơi mà “chúng có ý làm hại [ông].” Tuy nhiên, không giống như Lê Hôn Ti, Nê Hê Mi đã khôn ngoan từ chối lời đề nghị của chúng với lời nhắn này: “Ta mắc làm công việc lớn, xuống không đặng. Lẽ nào để công việc dứt trong khi bỏ nó đặng đi xuống với các ngươi?” (Nê Hê Mi 6:2–3). Chúng ta cũng có công việc trọng đại để làm mà sẽ không được hoàn thành nếu chúng ta tự để cho mình ngừng ngang và tranh cãi cùng bị xao lãng. Thay vì thế chúng ta nên tập trung sự can đảm Ky Tô hữu vào một công việc khác. Như chúng ta đọc trong Thi Thiên: “Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ” (Thi Thiên 37:1).

Điều xấu xa sẽ luôn luôn ở với chúng ta trên thế gian này. Một phần của thử thách lớn trên trần thế là sống trên thế gian nhưng không trở thành giống như thế gian. Trong lời cầu nguyện thay cho các môn đồ của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã cầu xin lên Cha Thiên Thượng: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác” (Giăng 17:15). Nhưng ngay cả khi Đấng Cứu Rỗi báo trước về sự ngược đãi, Ngài cũng hứa ban cho sự bình an: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi… . Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27). Tôi làm chứng rằng với phước lành về sự bình an của Ngài ban cho chúng ta, lời hứa của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn sẽ được làm tròn: “Sự chống đối mà có thể dường như khó có thể chịu đựng được sẽ là một phước lành đối với vương quốc của Thượng Đế trên thế gian.”4

Cùng người chị em đã đặt ra câu hỏi và tất cả những người cố gắng để biết chúng ta cần phải trả lời đối với những người chỉ trích mình như thế nào, tôi xin đáp, chúng ta yêu thương họ. Bất luận chủng tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc khuynh hướng chính trị của họ là gì, nếu chúng ta tuân theo Đấng Ky Tô và cho thấy sự can đảm của Ngài, thì chúng ta cần phải yêu thương họ. Chúng ta không cảm thấy rằng chúng ta tốt hơn họ. Thay vì thế, chúng ta mong muốn với tình yêu thương cho họ thấy một cách tốt hơn—cách của Chúa Giê Su Ky Tô. Cách của Ngài dẫn đến cổng báp têm, con đường chật và hẹp của việc sống ngay chính, và đền thờ của Thượng Đế. Ngài là “đường đi, lẽ thật và sự sống” (Giăng 14:6). Chỉ qua Ngài chúng ta và tất cả các anh chị em của chúng ta mới có thể thừa hưởng được ân tứ lớn lao nhất mà chúng ta có thể nhận được—cuộc sống và hạnh phúc vĩnh cửu. Việc giúp đỡ họ, nêu gương cho họ không thể nào thực hiện được bởi những người yếu kém, mà phải bởi những người vững mạnh. Chính là cho các anh chị em và tôi, mà Các Thánh Hữu Ngày Sau đang trả cái giá làm môn đồ bằng cách trả lời những người chỉ trích chúng ta với sự can đảm của Ky Tô hữu.

Tôi kết luận bằng cách chia sẻ chứng ngôn của Mặc Môn mà cũng là chứng ngôn của chính tôi: “Này, tôi là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế. Tôi đã được Ngài kêu gọi để rao truyền lời của Ngài trong dân Ngài, để họ có thể có được cuộc sống vĩnh viễn” (3 Nê Phi 5:13). Tôi đưa ra lời chứng đặc biệt của tôi về Ngài—rằng cuộc sống của chúng ta có thể vĩnh viễn vì tình yêu thương của Ngài là vĩnh viễn. Cầu xin cho chúng ta có thể chia sẻ tình yêu thương vĩnh cửu, vô điều kiện của Ngài với các anh chị em của chúng ta ở khắp mọi nơi, là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 1 tháng Mười Hai năm 1983.

  2. Webster’s Third New International Dictionary, 1986.

  3. Thomas S. Monson, “In Quest of the Abundant Life,” Ensign, tháng Ba năm 1988, 3.

  4. Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 1 tháng Mười Hai năm 1983.