Đại Hội Trung Ương
Sự Điềm Tĩnh Giống Như Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Sự Điềm Tĩnh Giống Như Đấng Ky Tô

“Ngài bèn thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi. Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ” (Mác 4:39).

Sau lần gần đây nhất mà tôi nói chuyện trong đại hội trung ương, con rể Ryan của tôi đã cho tôi xem một dòng tweet có nội dung: “Thật sao? Tên của ông ấy là Bragg”—có nghĩa là “khoe khoang”—“mà lại không nói về sự khiêm nhường sao? Thật tiếc làm sao!” Đáng buồn thay, sự thất vọng vẫn tiếp diễn.

Hình Ảnh
Don Bragg khi còn là cầu thủ bóng rổ

Người cha tuyệt vời của tôi là một cầu thủ bóng rổ xuất sắc tại Mỹ chơi cho trường UCLA dưới thời của Huấn Luyện Viên huyền thoại John Wooden. Họ giữ mối quan hệ thân thiết trong suốt cuộc đời của cha tôi, và thỉnh thoảng Huấn Luyện Viên và Bà Wooden cũng đến ăn tối tại nhà chúng tôi. Ông ấy luôn vui vẻ nói chuyện với tôi về bóng rổ hay bất cứ điều gì khác mà tôi đang nghĩ đến. Một ngày nọ, tôi xin ông lời khuyên khi tôi bước vào năm cuối trung học. Vẫn luôn là một người thầy, ông trả lời: “Cha của con nói với bác rằng con đã gia nhập Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, vì thế bác biết rằng con có đức tin nơi Thượng Đế. Với đức tin đó, con hãy đảm bảo mình có sự điềm tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Hãy là một người tốt ngay cả trong những lúc khó khăn.”

Qua nhiều năm, cuộc trò chuyện đó vẫn đọng lại trong tôi. Lời khuyên bảo để trở nên bình tĩnh, điềm đạm, tự chủ trong mọi tình huống đó, đặc biệt trong những nghịch cảnh và áp lực, đã văng vẳng bên tai tôi. Tôi có thể thấy cách mà các đội bóng của Huấn Luyện Viên Wooden chơi với sự điềm tĩnh cùng thành công rực rỡ mà họ đã đạt được khi chiến thắng 10 giải vô địch quốc gia.

Nhưng ngày nay, sự điềm tĩnh không được nhắc đến nhiều và thậm chí rất ít người hành động với sự điềm tĩnh trong những thời khắc hỗn loạn và chia rẽ. Điều này thường được nhắc đến trong thể thao—một vận động viên mà có sự điềm tĩnh thì không bị lung lay tâm lý trong một trận đấu với tỷ số sát sao, hay một đội thể thao bị tan rã do thiếu sự điềm tĩnh. Nhưng phẩm chất tuyệt vời này còn có nhiều ý nghĩa hơn là chỉ trong lĩnh vực thể thao. Sự điềm tĩnh có thể áp dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống và có thể ban phước cho cha mẹ, các vị lãnh đạo, những người truyền giáo, các giảng viên, học viên và bất cứ ai khác đang đối mặt với sóng gió của cuộc đời.

Sự điềm tĩnh về mặt thuộc linh ban phước chúng ta để có thể bình tĩnh và tập trung vào điều quan trọng nhất, đặc biệt khi chúng ta chịu áp lực. Chủ tịch Hugh B. Brown dạy rằng: “Đức tin nơi Thượng Đế và chiến thắng tối thượng của lẽ phải góp phần vào sự điềm tĩnh về mặt thuộc linh và tinh thần khi phải đối mặt với thử thách.”1

Chủ Tịch Russell M. Nelson là một tấm gương tuyệt vời cho sự điềm tĩnh về mặt thuộc linh. Một lần nọ, trong khi Bác sĩ Nelson đang thực hiện phẫu thuật bắc cầu bốn nhánh động mạch vành, bệnh nhân bị tụt huyết áp đột ngột. Bác sĩ Nelson đã bình tĩnh đánh giá tình hình và xác định rằng một trong các thành viên trong nhóm đã vô tình tháo một chiếc kẹp. Ngay lập tức, cái kẹp đã được đưa vào, và Bác sĩ Nelson đã an ủi thành viên đó trong nhóm rằng: “Tôi vẫn yêu thương anh,” và sau đó ông còn nói đùa thêm, “Đôi khi tôi yêu thương anh nhiều hơn những lúc khác!” Ông ấy đã chỉ ra cách thức xử lý tình huống khẩn cấp—với sự điềm tĩnh, chỉ tập trung vào điều quan trọng nhất—giải quyết tình huống khẩn cấp. Chủ Tịch Nelson đã nói: “Đó là vấn đề về kỷ luật tự giác cao độ. Phản ứng tự nhiên của anh là, ‘Thưa bác sĩ, hãy cho tôi ra ngoài! Tôi muốn về nhà.’ Nhưng dĩ nhiên là anh không thể làm vậy. Một mạng sống đang hoàn toàn phụ thuộc vào toàn thể đội ngũ phẫu thuật. Vì vậy, anh phải giữ bình tĩnh, thoải mái và nhạy bén như anh đã từng làm.”2

Dĩ nhiên, Đấng Cứu Rỗi là tấm gương tột bậc về sự điềm tĩnh.

Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, trong sự thống khổ ngoài sức tưởng tượng, khi “mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất,”3 Ngài đã thể hiện sự điềm tĩnh thiêng liêng qua lời nói đơn giản nhưng uy nghi, “Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!”4 Dưới áp lực to lớn để cứu rỗi toàn thể nhân loại, Chúa Giê Su đã cho thấy ba điều kiện quan trọng giúp chúng ta hiểu được sự điềm tĩnh vĩ đại của Ngài. Thứ nhất, Ngài biết Ngài là ai và trung tín với sứ mệnh thiêng liêng của Ngài. Tiếp theo, Ngài biết rằng có một kế hoạch hạnh phúc vĩ đại. Và cuối cùng, Ngài biết rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, tất cả những ai trung tín cùng mang ách với Ngài bằng cách lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng đã nhận được qua các giáo lễ của chức tư tế sẽ được cứu, như đã được Anh Cả Dale G. Renlund giảng dạy rất hay ngày hôm nay.

Để so sánh sự khác biệt giữa việc mất đi và việc giữ được sự điềm tĩnh, hãy suy ngẫm về điều đã xảy ra khi Đấng Ky Tô và Các Sứ Đồ của Ngài rời Vườn Ghết Sê Ma Nê. Khi gặp quân lính đến tìm bắt Chúa Giê Su, phản ứng của Phi E Rơ là mất đi sự điềm tĩnh và tức giận tấn công bằng cách cắt tai người đầy tớ của thầy tư tế thượng phẩm là Man Chu. Mặt khác, phản ứng của Chúa Giê Su Ky Tô là giữ sự điềm tĩnh và làm dịu tình huống căng thẳng bằng cách chữa lành cho Man Chu.5

Và đối với một số người trong chúng ta mà đang phải vật lộn với việc giữ sự điềm tĩnh của mình và cũng có lẽ đã nản lòng, xin hãy xem xét phần còn lại trong câu chuyện của Phi E Rơ. Một thời gian ngắn sau sự cố này và sự đau lòng khi từ chối mối liên kết của mình với Đấng Ky Tô,6 Phi E Rơ đã đứng trước chính những nhà lãnh đạo tôn giáo đã lên án Đấng Cứu Rỗi, và với sự điềm tĩnh tuyệt vời khi bị thẩm vấn gắt gao, ông đã làm chứng hùng hồn về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô.7

Biết Anh Chị Em Là Ai và Trung Thành Với Danh Tính Thiêng Liêng Của Mình

Hãy xem xét các yếu tố tạo nên sự điềm tĩnh như Đấng Ky Tô. Để bắt đầu, việc biết chúng ta là ai và trung thành với danh tính thiêng liêng của mình sẽ mang lại sự bình tĩnh. Sự điềm tĩnh như Đấng Ky Tô đòi hỏi chúng ta tránh việc so sánh bản thân với người khác hoặc giả vờ là một người nào đó mà không phải là con người thực của chúng ta.8 Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Nếu loài người không thấu hiểu đặc tính của Thượng Đế, thì họ không hiểu chính mình được.”9 Chúng ta không thể có được sự điềm tĩnh thiêng liêng nếu không biết rằng mình là các con trai và con gái thiêng liêng của Cha Thiên Thượng nhân từ.

Trong bài nói chuyện “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu,” Chủ Tịch Nelson đã dạy những lẽ thật vĩnh cửu này về con người của chúng ta: chúng ta là con cái của Thượng Đế, chúng ta là con cái giao ước, và chúng ta là môn đồ của Đấng Ky Tô. Rồi ông hứa rằng: “Khi [anh chị em] chấp nhận những lẽ thật này, Cha Thiên Thượng của chúng ta sẽ giúp các [anh chị em] đạt được mục tiêu tối thượng của mình là sống vĩnh viễn trong sự hiện diện thánh thiện của Ngài.”10 Chúng ta thực sự là những linh thể thiêng liêng sở hữu một kinh nghiệm trần thế. Việc biết chúng ta là ai và trung thành với danh tính thiêng liêng đó là nền tảng cho sự phát triển của sự điềm tĩnh như Đấng Ky Tô.

Biết Rằng Có Một Kế Hoạch Thiêng Liêng

Tiếp theo, việc nhớ rằng có một kế hoạch lớn lao sẽ tạo ra lòng dũng cảm và sự điềm tĩnh trong những hoàn cảnh đầy thử thách. Nê Phi có thể “đi và làm”11 khi Chúa truyền lệnh mà “không biết trước được”12 những điều mà ông phải làm vì ông biết rằng mình sẽ được Thánh Linh hướng dẫn để làm tròn kế hoạch vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng nhân từ. Sự điềm tĩnh xuất hiện khi chúng ta nhìn mọi việc theo một quan điểm vĩnh cửu. Chúa đã khuyên dạy các môn đồ của Ngài “hãy nhướng mắt lên”13 và hãy “để cho sự trang nghiêm của vĩnh cửu an nghỉ trong tâm trí mình.”14 Bằng cách đặt các thời khắc thử thách vào trong một kế hoạch vĩnh cửu, áp lực trở thành một đặc ân để yêu thương, phục vụ, giảng dạy và ban phước. Một tầm nhìn vĩnh cửu cho phép anh chị em có được sự điềm tĩnh như Đấng Ky Tô.

Biết Về Quyền Năng Làm Cho Có Khả Năng của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài

Và cuối cùng, quyền năng làm cho có khả năng của Đấng Ky Tô được thực hiện nhờ sự hy sinh chuộc tội của Ngài, mang đến cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng và chiến thắng. Nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể lập giao ước với Thượng Đế và được củng cố trong việc tuân giữ giao ước đó. Chúng ta có thể được ràng buộc với Đấng Cứu Rỗi trong niềm vui và sự bình tĩnh, bất kể hoàn cảnh vật chất của chúng ta ra sao.15 Sách An Ma chương 7 giảng dạy rất hay về quyền năng làm cho có khả năng của Đấng Ky Tô. Ngoài việc cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, Đấng Cứu Rỗi còn có thể củng cố chúng ta trong những yếu kém, sợ hãi và thử thách trong cuộc sống này.

Khi tập trung vào Đấng Ky Tô, chúng ta có thể nén được cơn sợ hãi của mình, giống như dân của An Ma đã làm tại Hê Lam.16 Khi có một đội quân đe dọa họ tập hợp lại, những môn đồ trung tín đó của Đấng Ky Tô đã thể hiện sự điềm tĩnh. Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “An Ma đã khuyên những người tin phải nhớ đến Chúa và sự giải thoát mà chỉ có Ngài mới có thể mang lại (xin xem 2 Nê Phi 2:8). Và sự hiểu biết về mối quan tâm chăm sóc và bảo vệ của Đấng Cứu Rỗi đã làm cho dân chúng có thể nén được cơn sợ hãi của mình.”17 Điều này tiêu biểu cho sự điềm tĩnh.

Đấng Vĩ Đại trong Cơn Bão

Nô Ê đã dạy chúng ta nhiều điều về sự kiên nhẫn trong cơn bão, nhưng Đấng Cứu Rỗi là người thầy vĩ đại nhất về cách sống sót qua cơn bão. Ngài là Đấng vĩ đại trong cơn bão. Sau một ngày dài giảng dạy cùng Các Sứ Đồ của Ngài, Đấng Cứu Rỗi cần nghỉ ngơi và đề nghị họ đi thuyền sang bờ bên kia của Biển Ga Li Lê. Khi Đấng Cứu Rỗi đang nghỉ ngơi, một cơn bão dữ dội đã nổi lên. Khi sóng gió đe dọa đánh chìm thuyền, các Sứ Đồ bắt đầu lo sợ cho mạng sống của họ. Và hãy nhớ rằng, một vài người trong số các Sứ Đồ đó từng là ngư dân và đã rất quen thuộc với những cơn bão biển đó! Tuy nhiên, vì quá lo lắng,18 họ đánh thức Chúa và than khóc, “[Thầy] không lo chúng ta chết sao?” Rồi, với sự điềm tĩnh mẫu mực, Đấng Cứu Rỗi bèn “thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi. Gió liền dứt và đều … yên lặng như tờ.”19

Và sau đó là một bài học tuyệt vời về sự điềm tĩnh dành cho Các Sứ Đồ của Ngài. Ngài hỏi môn đồ rằng: “Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?”20 Ngài đang nhắc nhở họ rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian và rằng Ngài được Đức Chúa Cha phái đến để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho con cái của Thượng Đế. Chắc chắn Vị Nam Tử của Thượng Đế sẽ không chết trên thuyền. Ngài đã nêu gương về sự điềm tĩnh thiêng liêng vì Ngài biết về thiên tính của Ngài và Ngài biết rằng có một kế hoạch cứu rỗi và tôn cao và Sự Chuộc Tội của Ngài sẽ thiết yếu biết bao đối với sự thành công vĩnh cửu của kế hoạch đó.

Chính nhờ Đấng Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài mà tất cả những điều tốt lành đều đến với cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta nhớ mình là ai, biết rằng có một kế hoạch thương xót thiêng liêng, và có được can đảm nhờ sức mạnh của Chúa, thì chúng ta có thể làm được mọi việc. Chúng ta sẽ có được sự bình tĩnh. Chúng ta sẽ là những người nam và người nữ tốt lành trong bất kỳ cơn bão nào.

Cầu xin cho chúng ta tìm kiếm các phước lành của sự điềm tĩnh giống như Đấng Ky Tô, không chỉ để tự giúp mình trong những thời khắc thử thách, mà còn để ban phước cho những người khác và giúp họ vượt qua những giông bão trong cuộc đời của họ. Vào đêm Chủ Nhật Lễ Lá này, tôi hân hoan làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài đã sống lại. Tôi làm chứng về sự trầm tĩnh, bình tĩnh và sự điềm tĩnh thiên liêng mà chỉ có Ngài mới mang đến cho cuộc sống của chúng ta và làm như vậy trong thánh danh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Hugh B. Brown, trong Conference Report, tháng Mười năm 1969, trang 105.

  2. Xin xem Sheri Dew, Insights from a Prophet’s Life: Russell M. Nelson (năm 2019), trang 66–67.

  3. Bản Dịch Joseph Smith, Lu Ca 22:44 (trong Lu Ca 22:44, cước chú b).

  4. Lu Ca 22:42.

  5. Xin xem Lu Ca 22:50–51; Giăng 18:10–11.

  6. Xin xem Ma Thi Ơ 26:34–35, 69–75.

  7. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:8–10; Neal A. Maxwell, “Content with the Things Allotted unto Us,” Ensign, tháng Năm năm 2000, trang 74; Liahona, tháng Bảy năm 2000, trang 89: “Khi được liên kết về mặt thuộc linh, sự điềm tĩnh có thể đến, ngay cả khi chúng ta không biết ‘ý nghĩa của mọi sự việc’ [1 Nê Phi 11:17].”

  8. Xin xem John R. Wooden, Wooden on Leadership, (năm 2005), trang 50: “Tôi định nghĩa sự điềm tĩnh là sống thật với chính mình, không bị lo lắng, bấp bênh hoặc mất thăng bằng bất kể hoàn cảnh hay tình huống nào. Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng Sự Điềm Tĩnh có thể là phẩm chất khó đạt được nhất trong những thời khắc thử thách. Các vị lãnh đạo thiếu Sự Điềm Tĩnh trở nên hoảng sợ trước áp lực.

    “Sự điềm tĩnh có nghĩa là giữ vững niềm tin của anh chị em và hành động phù hợp với niềm tin đó, bất kể tình hình có thể xấu hay tốt như thế nào. Sự điềm tĩnh có nghĩa là tránh ra vẻ hoặc giả vờ, so sánh bản thân với người khác và hành động như một người mà không phải là con người thật của anh chị em. Sự điềm tĩnh có nghĩa là có một tấm lòng dũng cảm trong mọi hoàn cảnh.”

  9. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 40.

  10. Russell M. Nelson, “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org.

  11. 1 Nê Phi 3:7.

  12. 1 Nê Phi 4:6.

  13. Giăng 4:35.

  14. Giáo Lý và Giao Ước 43:34; xin xem thêm James E. Faust, “The Dignity of Self,” Ensign, tháng Năm năm 1981, trang 10: “Phẩm giá của bản thân được nâng cao rất nhiều bằng cách nhìn lên cao trong việc tìm kiếm sự thánh thiện. Giống như những cái cây khổng lồ, chúng ta nên vươn tới ánh sáng. Nguồn ánh sáng quan trọng nhất mà chúng ta có thể biết được là ân tứ Đức Thánh Linh. Đó là nguồn sức mạnh và sự bình an tiềm ẩn.”

  15. Xin xem Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82: “Anh chị em thân mến, niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung của cuộc sống chúng ta.”

  16. Xin xem Mô Si A 23:27–28.

  17. David A. Bednar, “Vậy Nên Họ Đã Nén Được Cơn Sợ Hãi,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 46–47.

  18. Xin xem Jeffrey R. Holland, Our Day Star Rising: Exploring the New Testament with Jeffrey R. Holland (năm 2022), trang 61–62: “Hơn nữa, đây là những người có kinh nghiệm đồng hành cùng Ngài—mười một trong số Mười Hai Người ban đầu là người Ga Li Lê (chỉ có Giu Đa Ích Ca Ri Ốt là người Giu Đa). Và sáu trong số mười một người đó là ngư dân. Họ đã sống trên hồ này. Họ đã kiếm sống bằng nghề đánh cá trên đó. Họ đã ở đó từ khi còn nhỏ. Cha của họ đã bắt họ vá lưới và sửa chữa thuyền khi họ còn rất nhỏ. Họ biết vùng biển này; họ biết gió và sóng. Họ là những người đàn ông có kinh nghiệm—nhưng họ sợ hãi. Và nếu họ sợ hãi, thì đây là một cơn bão thực sự.”

  19. Xin xem Mác 4:35–39.

  20. Mác 4:40.