Đại Hội Trung Ương
“Chẳng Có Sự Vui Mừng Nào Ngọt Ngào Êm Dịu Cho Bằng Niềm Vui Của Cha”
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


“Chẳng Có Sự Vui Mừng Nào Ngọt Ngào Êm Dịu Cho Bằng Niềm Vui Của Cha”

Việc hối cải hằng ngày và đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô là cách để có niềm vui—một sự vui mừng vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta.

Qua giáo vụ trần thế của mình, Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy lòng trắc ẩn vô vàn đối với toàn thể con cái của Thượng Đế—đặc biệt là những người đang đau khổ hoặc đã sa ngã. Khi bị chỉ trích bởi những người Pha Ri Si vì giao thiệp và ngồi ăn cùng những kẻ tội lỗi, Chúa Giê Su đáp lại bằng cách giảng dạy ba câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc.1 Trong mỗi câu chuyện ngụ ngôn này, Ngài nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc đi tìm kiếm những người lạc lối, và niềm hân hoan khi họ trở lại. Ví dụ, trong truyện ngụ ngôn về con chiên lạc đàn, Ngài phán: “[Trên] trời cũng [sẽ vô cùng] vui mừng cho một kẻ có tội [mà biết] ăn năn.”2

Mong muốn của tôi hôm nay là có thể củng cố mối liên hệ giữa niềm vui và sự hối cải—đặc biệt hơn là niềm vui mà đến khi chúng ta hối cải và những cảm giác hân hoan chúng ta trải qua khi giúp người khác đến cùng Đấng Ky Tô và nhận được sự hy sinh chuộc tội của Ngài trong cuộc đời họ.

Chúng Ta Tồn Tại để Có Được Niềm Vui

Trong thánh thư, từ niềm vui thường có ý nghĩa nhiều hơn là những khoảnh khắc mãn nguyện hoặc thậm chí là những cảm giác hạnh phúc nhưng chóng qua. Niềm vui trong thánh thư là một thuộc tính của Chúa, mà sẽ trọn vẹn nhất khi chúng ta quay về sống trong sự hiện diện của Thượng Đế.3 Nó còn sâu sắc, cao quý, lâu dài, và làm thay đổi cuộc sống chúng ta nhiều hơn bất kỳ niềm vui hay sự thoải mái nào mà thế gian có thể mang lại.

Chúng ta được tạo ra để hưởng niềm vui. Đó là số mệnh đã định cho chúng ta với tư cách là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ. Ngài muốn chia sẻ niềm vui của Ngài với chúng ta. Tiên tri Lê Hi đã dạy rằng kế hoạch của Thượng Đế dành cho mỗi người chúng ta là để chúng ta “hưởng được niềm vui.”4 Bởi vì chúng ta sống trong một thế giới sa ngã, nên đôi khi niềm vui lâu dài hoặc vĩnh cửu dường như thường nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Nhưng ngay câu kế tiếp, Lê Hi tiếp tục giải thích rằng “Đấng Mê Si sẽ đến … [để] cứu chuộc [chúng ta] khỏi sự sa ngã.”5 Sự cứu chuộc, mà có được nhờ Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô, cho chúng ta cơ hội nhận được niềm vui.

Sứ điệp phúc âm là một sứ điệp về hy vọng, “một tin lành, … một sự vui mừng lớn lao,”6 và là phương tiện mà nhờ đó tất cả mọi người có thể có được bình an và những giây phút hân hoan trong cuộc sống này và nhận được niềm vui trọn vẹn trong cuộc sống mai sau.7

Niềm vui mà chúng ta đang nói đến là một ân tứ dành cho người trung tín, nhưng cũng kèm theo điều kiện. Nó không dễ để có được hay chẳng dễ để ban cho. Thay vì vậy, niềm vui đó đến “bởi huyết báu Đấng [Ky Tô].”8 Nếu chúng ta thật sự hiểu được giá trị của niềm vui thiêng liêng đích thực thì chúng ta sẽ không ngại ngần hy sinh của cải vật chất hoặc sẽ đưa ra bất kỳ thay đổi nào cần thiết trong cuộc đời mình để nhận được nó.

Một vị vua hùng mạnh nhưng khiêm nhường trong Sách Mặc Môn đã hiểu được điều này. Ông ấy đã hỏi: “Trẫm phải làm gì để trẫm có thể được Thượng Đế sinh ra, để cho ác linh này được nhổ ra khỏi lồng ngực trẫm, và để tiếp nhận Thánh Linh của Ngài ngõ hầu được tràn đầy niềm vui sướng …? Vua nói, này, trẫm sẽ từ bỏ tất cả những gì trẫm có, phải, trẫm sẽ từ bỏ vương quốc của mình để trẫm có thể nhận được niềm vui lớn lao này.”9

Để trả lời cho câu hỏi của nhà vua, người truyền giáo A Rôn đã nói: “Nếu bệ hạ mong muốn điều này, …[thì hãy] cúi mình trước mặt Thượng Đế … [và] hối cải tất cả những tội lỗi của mình.”10 Sự hối cải là con đường dẫn đến niềm vui11 bởi vì nó là con đường dẫn đến Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.12

Niềm Vui Đến Qua Sự Hối Cải Chân Thành

Đối với một số người, ý nghĩ xem sự hối cải như con đường dẫn đến niềm vui dường như mâu thuẫn. Sự hối cải, đôi khi, có thể đầy đau đớn và khó khăn. Nó đòi hỏi việc thừa nhận rằng chúng ta có những suy nghĩ và hành động—thậm chí là niềm tin—sai trái. Sự hối cải cũng đòi hỏi sự thay đổi, là điều mà chẳng mấy khi dễ chịu. Nhưng niềm vui và sự dễ chịu là hai điều khác nhau. Tội lỗi—kể cả tội tự mãn—làm hạn chế niềm vui của chúng ta.

Như một tác giả Thi Thiên đã nói: “Sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng.”13 Khi chúng ta hối cải những tội lỗi của mình, chúng ta cần phải tập trung vào sự vui mừng lớn lao sẽ đến sau đó. Đêm có vẻ dài, nhưng bình minh chắc chắn sẽ đến, và, ôi, tuyệt vời thay khi chúng ta cảm thấy bình an và hân hoan rạng ngời bởi vì Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và thống khổ.

Chẳng Có Sự Vui Mừng Nào Ngọt Ngào Êm Dịu Cho Bằng

Hãy suy ngẫm về kinh nghiệm của An Ma trong Sách Mặc Môn. Ông “đã bị một cực hình vĩnh cửu xâu xé” và tâm hồn ông “bị ray rứt vô cùng” bởi những tội lỗi của mình. Nhưng một khi ông hướng đến Đấng Cứu Rỗi để xin được thương xót, thì ông “không còn nhớ đến những sự đau đớn nữa.”14

“Và ô kìa, sự vui mừng biết bao,” ông tuyên bố, “và [tôi] đã được trông thấy một ánh sáng kỳ diệu làm sao; phải, … chẳng có sự vui mừng nào ngọt ngào êm dịu cho bằng niềm vui của [tôi].”15

Đây chính là niềm vui dành cho những ai đến với Chúa Giê Su Ky Tô qua sự hối cải.16 Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giảng dạy:

“Sự hối cải cho chúng ta khả năng tiếp cận với quyền năng Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. …

“Khi chọn hối cải, chúng ta đã chọn thay đổi! Chúng ta để cho Đấng Cứu Rỗi biến chúng ta thành con người tốt nhất của mình. Chúng ta chọn tăng trưởng phần thuộc linh và tiếp nhận niềm vui—niềm vui cứu chuộc nơi Ngài. Khi chọn hối cải, chúng ta chọn trở thành giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn!”17

Sự hối cải mang đến niềm vui bởi vì nó chuẩn bị cho tấm lòng chúng ta tiếp nhận ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Được đầy dẫy Đức Thánh Linh có nghĩa là được tràn ngập niềm vui. Được tràn ngập niềm vui có nghĩa là được đầy dẫy Đức Thánh Linh.18 Niềm vui của chúng ta gia tăng khi chúng ta nỗ lực hằng ngày để mang Thánh Linh vào cuộc sống của mình. Như tiên tri Mặc Môn đã dạy: “Họ vẫn thường nhịn ăn và cầu nguyện, và họ đã trở nên càng ngày càng mạnh hơn trong sự khiêm nhường của họ, và càng ngày càng vững chắc hơn trong đức tin nơi Đấng Ky Tô, đến nỗi tâm hồn họ tràn ngập niềm hân hoan và an ủi.”19 Chúa hứa với tất cả những ai nỗ lực noi theo Ngài là: “Ta sẽ truyền cho ngươi Thánh Linh của ta, là Đấng sẽ soi sáng tâm trí ngươi, là Đấng sẽ làm cho tâm hồn ngươi tràn đầy niềm vui.”20

Niềm Vui của Việc Giúp Đỡ Người Khác Hối Cải

Sau khi chúng ta cảm thấy niềm vui đến từ sự hối cải chân thành, đương nhiên là chúng ta muốn chia sẻ niềm vui đó với người khác. Khi chúng ta làm như vậy, niềm vui của chúng ta nhân lên nhiều lần. Đó chính xác là điều đã xảy ra với An Ma.

Ông nói: “Đây là sự khoe khoang của tôi, mà nhờ đó tôi có thể trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế để đem một linh hồn nào đó tới sự hối cải; và đó là điều vui mừng của tôi vậy.

“Và này, khi tôi trông thấy nhiều đồng bào của tôi thực sự biết ăn năn, và đến với Chúa, Thượng Đế của họ, thì tâm hồn tôi tràn ngập nỗi vui mừng; rồi tôi hồi tưởng lại những gì Chúa đã làm cho tôi, … phải, thế rồi tôi nhớ lại cánh tay thương xót của Ngài đã dang ra cho tôi.”21

Việc giúp đỡ những người khác hối cải là một cách tự nhiên để bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta cho Đấng Cứu Rỗi; và việc đó là nguồn gốc đem lại niềm vui sướng lớn lao. Chúa đã hứa:

“Và nếu các ngươi phải lao nhọc suốt đời … và chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi cùng với kẻ đó trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!

“Và giờ đây, nếu sự vui mừng của các ngươi sẽ lớn lao với một người mà các ngươi đem về cho ta …, thì sự vui mừng của các ngươi còn lớn lao hơn biết bao nếu các ngươi đem về cho ta nhiều người!”22

Sự Vui Mừng của Ngài Lớn Lao Biết Bao đối với Người Biết Hối Cải

Tôi thấy hữu ích để thử tưởng tượng ra niềm vui mà Đấng Cứu Rỗi hẳn đã cảm thấy mỗi lần chúng ta nhận được các phước lành từ sự hy sinh chuộc tội của Ngài trong cuộc sống chúng ta.23 Theo như Chủ Tịch Nelson trích dẫn,24 Sứ Đồ Phao Lô trong Thư gửi cho người Hê Bơ Rơ đã chia sẻ suy nghĩ dịu dàng này: “[Hãy] quăng hết … tội lỗi dễ vấn vương [chúng ta], … nhìn xem [Chúa Giê Su], là cội rễ và cuối cùng của đức tin; tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình chịu lấy thập tự giá …và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời.”25 Chúng ta thường nói về nỗi đau đớn và thống khổ ở Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ, nhưng hiếm khi nói về niềm vui lớn lao mà Đấng Cứu Rỗi hẳn đã biết trước khi Ngài dâng hiến mạng sống của Ngài vì chúng ta. Rõ ràng là nỗi đau và sự thống khổ của Ngài là vì chúng ta, để chúng ta có thể biết được niềm vui của việc quay về bên Ngài trong sự hiện diện của Thượng Đế.

Sau khi giảng dạy cho dân chúng ở Châu Mỹ thời xưa, Đấng Cứu Rỗi đã bày tỏ tình yêu thương vô vàn mà Ngài dành cho họ qua lời phán:

“Và giờ đây, này, niềm vui của ta thật lớn lao và trọn vẹn, vì các ngươi …; phải, và ngay cả Đức Chúa Cha cũng hoan hỷ, và luôn tất cả các thiên sứ thánh cũng vậy. …

“ … Và ta có được niềm vui trọn vẹn vì [các ngươi].”26

Đến cùng Đấng Ky Tô và Nhận Lấy Niềm Vui của Ngài

Thưa các anh chị em, tôi xin kết thúc với lời chứng cá nhân của tôi, là điều mà tôi xem là một ân tứ thiêng liêng. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Tôi biết rằng Ngài yêu thương mỗi người chúng ta. Mục tiêu duy nhất của Ngài, tức là “công việc và sự vinh quang của [Ngài],”27 là giúp chúng ta nhận được niềm vui trọn vẹn nơi Ngài. Tôi có một lời chứng cá nhân rằng việc hối cải hằng ngày và đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô là cách để có niềm vui—một sự vui mừng vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta.28 Đó là lý do chúng ta ở đây trên thế gian này. Đó là lý do tại sao Thượng Đế chuẩn bị kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Ngài cho chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô thật sự là “đường đi, lẽ thật, và sự sống”29 và là “danh hiệu [duy nhất] được ban ra dưới gầm trời này mà nhờ đó loài người được cứu vào vương quốc của Thượng Đế.”30 Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.