2010–2019
Được Thanh Tẩy nhờ vào Sự Hối Cải
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Được Thanh Tẩy nhờ vào Sự Hối Cải

Nhờ vào kế hoạch của Thượng Đế và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được thanh tẩy qua tiến trình hối cải.

Trong cuộc sống trần thế, chúng ta lệ thuộc vào luật pháp của loài người và luật pháp của Thượng Đế. Tôi đã có kinh nghiệm hiếm hoi để xét xử hành vi sai trái nghiêm trọng theo cả hai luật pháp này—trước đây với tư cách là một thẩm phán Tòa Án Tối Cao bang Utah và giờ đây với tư cách là một thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội. Sự tương phản mà tôi đã trải qua giữa luật pháp của loài người và luật pháp của Thượng Đế đã gia tăng lòng cảm kích của tôi đối với tính chất xác thực và quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong luật pháp của loài người, một người phạm vào những tội ác nghiêm trọng nhất có thể bị án tù chung thân mà không có cơ hội được phóng thích. Nhưng kế hoạch đầy thương xót của Cha Thiên Thượng nhân từ thì khác. Tôi đã chứng kiến rằng những tội lỗi nghiêm trọng như vậy có thể được tha thứ trên trần thế nhờ sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi chúng ta cho tội lỗi của “tất cả những ai có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” (2 Nê Phi 2:7). Đấng Ky Tô sẽ cứu chuộc, và Sự Chuộc Tội của Ngài là có thật.

Lòng trắc ẩn đầy yêu thương của Đấng Cứu Rỗi chúng ta được biểu lộ trong bài thánh ca tuyệt vời vừa mới được ca đoàn trình bày.

Hãy đến cùng Chúa Giê Su; Ngài vẫn thường lắng nghe,

Dù ta luôn mù quáng, lầm đường trái ngang.

Tình thương Ngài bao la, đem ta sự cảm hóa

Xóa nhòa tối tăm để vui đón bình minh.1

Sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến cơ hội để “tất cả mọi người có thể hối cải mà đến cùng Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 18:11; xin xem thêm Mác 3:28; 1 Nê Phi 10:18; An Ma 34:8, 16). Sách An Ma có ghi lại sự hối cải và sự tha thứ cho cả những người đã từng là một dân tộc tà ác và khát máu (xin xem An Ma 25:16; 27:27, 30). Sứ điệp của tôi ngày hôm nay là một sứ điệp về niềm hy vọng cho tất cả chúng ta, kể cả cho những người đã mất đi tư cách tín hữu trong Giáo Hội vì bị khai trừ hoặc bị xóa tên. Tất cả chúng ta đều là những người phạm tội mà có thể được thanh tẩy nhờ vào sự hối cải. Anh Cả Rusell M. Nelson đã dạy trong một đại hội trung ương trước đây rằng: “Việc hối cải tội lỗi không phải là điều dễ dàng. Nhưng phần thưởng thì đáng giá cho sự hối cải.”2

I. Sự Hối Cải

Sự hối cải bắt đầu với Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, và đó là một niềm vui, chứ không phải là một gánh nặng. Trong buổi họp đặc biệt devotional Giáng Sinh vào tháng Mười Hai vừa rồi, Chủ Tịch Nelson đã dạy rằng: “Sự hối cải chân thành không phải là một sự kiện. Đó là một đặc ân bất tận. Đó là nền tảng cho sự tiến triển và có được sự yên tâm, an ủi và niềm vui.”3

Một số lời giảng dạy tuyệt vời nhất về sự hối cải nằm trong bài thuyết giảng trong Sách Mặc Môn của An Ma dành cho các tín hữu Giáo Hội, những người sau đó được ông mô tả là đã ở trong tình trạng “quá ư vô tín ngưỡng,” “dương dương tự đắc,” và để hết lòng “vào của cải và những điều vô bổ của thế gian” (An Ma 7:6). Mỗi tín hữu của Giáo Hội phục hồi này đều có thể học được nhiều điều từ những lời giảng dạy đầy soi dẫn của An Ma.

Chúng ta bắt đầu với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, bởi vì “Ngài sẽ đến để cất bỏ tội lỗi của thế gian” (An Ma 5:48). Chúng ta phải hối cải bởi vì, như An Ma đã dạy rằng: “nếu các người không hối cải thì không có cách gì các người có thể thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế” (An Ma 5:51). Sự hối cải là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế. Bởi vì trong kinh nghiệm trần thế của mình, tất cả mọi người sẽ phạm tội và bị khai trừ khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế nên loài người không thể “được cứu” nếu không hối cải (An Ma 5:31; xin xem thêm Hê La Man 12:22).

Điều này đã được giảng dạy ngay từ lúc ban đầu. Chúa đã truyền lệnh cho A Đam: “Vậy nên hãy giảng dạy điều này cho con cái của ngươi biết rằng tất cả mọi người bất cứ ở đâu cũng phải hối cải, bằng không thì họ không có cách gì được thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế cả, vì không có một vật ô uế nào có thể ở trong đó, hay ở trong chốn hiện diện của Ngài” (Môi Se 6:57). Chúng ta phải hối cải tất cả các tội lỗi của mình—mọi điều chúng ta đã làm hoặc không làm mà trái với các giáo lệnh của Thượng Đế. Không một ai được miễn trừ cả. Mới tối hôm qua, Chủ Tịch Nelson đã kêu gọi chúng ta: “Thưa các anh em, tất cả chúng ta đều cần phải hối cải.”4

Để được thanh tẩy nhờ vào sự hối cải, chúng ta phải từ bỏ tội lỗi của mình và thú tội với Chúa và với phán quan trần thế của Ngài khi được yêu cầu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:43). An Ma dạy rằng chúng ta cũng phải “làm những công việc ngay chính” (An Ma 5:35). Tất cả những điều này là một phần của lời mời thường thấy trong thánh thư để đến cùng Đấng Ky Tô.

Chúng ta cần dự phần Tiệc Thánh mỗi ngày Sa Bát. Trong giáo lễ đó, chúng ta lập các giao ước và tiếp nhận các phước lành mà giúp chúng ta khắc phục tất cả những hành động và ước muốn ngăn chặn chúng ta có được sự toàn hảo mà Đấng Cứu Rỗi mời chúng ta đạt đến (xin xem Ma Thi Ơ 5:48; 3 Nê Phi 12:48). Khi “chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh,” chúng ta sẽ có thể “được toàn thiện trong Đấng Ky Tô” và được “thánh hóa” qua sự đổ máu của Ngài để “trở nên thánh thiện và không có tì vết” (Mô Rô Ni 10:32–33). Quả là một lời hứa lớn lao! Quả là một phép lạ! Quả là một phước lành!

II. Trách Nhiệm Giải Trình và Sự Xét Xử trên Trần Thế

Một mục đích trong kế hoạch của Thượng Đế đối với kinh nghiệm trần thế này là để “thử thách” chúng ta “để xem [chúng ta] sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của [chúng ta], sẽ truyền lệnh cho [chúng ta]” (Áp Ra Ham 3:25). Là một phần của kế hoạch này, chúng ta chịu trách nhiệm giải trình trước Thượng Đế và các tôi tớ chọn lọc của Ngài, và sự giải trình đó gồm cả sự xét xử trần thế và sự phán xét thiêng liêng.

Trong Giáo Hội của Chúa, sự xét xử trần thế dành cho các tín hữu hoặc tín hữu tương lai được thực hiện bởi các vị lãnh đạo là những người tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng. Trách nhiệm của họ là xét đoán những người đang cố gắng đến cùng Đấng Ky Tô để nhận được quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài trên con đường giao ước dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Sự xét xử trần thế quyết định xem liệu một người đã sẵn sàng để chịu phép báp têm chưa. Liệu một người có xứng đáng để nhận giấy giới thiệu tham dự đền thờ không? Liệu một người mà bị xóa tên khỏi hồ sơ của Giáo Hội đã hối cải đủ qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô để được thu nhận lại bằng phép báp têm không?

Khi một vị phán quan trần thế mà được Thượng Đế kêu gọi chấp thuận cho một người được tiến triển thêm, như là nhận được các đặc ân đền thờ, thì ông không có ý rằng người đó là hoàn hảo, và ông không tha thứ bất kỳ tội lỗi nào. Anh Cả Spencer W. Kimball đã dạy rằng sau điều mà ông gọi là sự “bãi bỏ các hình phạt” trần thế, một người “cũng phải tìm kiếm và nhận được từ Thượng Đế của thiên thượng một sự hối cải cuối cùng, và chỉ có Ngài mới có thể ban cho sự tha thứ tội lỗi.”5 Và nếu những hành vi cùng ước muốn tội lỗi vẫn không được hối cải cho đến Ngày Phán Xét Cuối Cùng thì người không hối cải vẫn sẽ còn ô uế. Trách nhiệm giải trình cuối cùng, kể cả tác động thanh tẩy cuối cùng của sự hối cải, là giữa mỗi người chúng ta với Thượng Đế.

III. Sự Phục Sinh và Sự Phán Xét Cuối Cùng

Sự phán xét được mô tả phổ biến nhất trong thánh thư là Sự Phán Xét Cuối Cùng xảy ra sau Sự Phục Sinh (xin xem 2 Nê Phi 9:15). Nhiều thánh thư ghi rằng “chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời” (Rô Ma 14:10; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:15; Mô Si A 27:31) “[để] được phán xét theo những hành vi mình đã làm khi còn ở trong thể xác hữu diệt” (An Ma 5:15; xin xem thêm Khải Huyền 20:12; An Ma 41:3; 3 Nê Phi 26:4). Tất cả sẽ được phán xét “theo những việc làm của mình” (3 Nê Phi 27:15) và “tùy theo những ước muốn trong lòng [mình]” (Giáo Lý và Giao Ước 137:9; xin xem thêm An Ma 41:6).

Mục đích của Sự Phán Xét Cuối Cùng là để quyết định xem chúng ta có đạt được điều An Ma đã mô tả là một “sự thay đổi lớn lao trong lòng” (xin xem An Ma 5:14, 26), là khi chúng ta trở thành những sinh linh mới, “không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện” (Mô Si A 5:2). Đấng phán xét việc này là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giăng 5:22; 2 Nê Phi 9:41). Sau sự phán xét của Ngài, tất cả chúng ta sẽ thú nhận “rằng những sự phán xét của Ngài thì công bình” (Mô Si A 16:1; xin xem thêm Mô Si A 27:31; An Ma 12:15), nhờ sự thông suốt mọi sự của Ngài (xin xem 2 Nê Phi 9:15, 20), Ngài hiểu biết trọn vẹn về tất cả những hành động và ước muốn của chúng ta, của cả người ngay chính hoặc đã hối cải lẫn người bất chính và không hối cải hay không thay đổi.

Thánh thư mô tả tiến trình của Sự Phán Xét Cuối Cùng này. An Ma dạy rằng sự công bình của một Thượng Đế đầy tình yêu thương đòi hỏi rằng trong Sự Phục Sinh “tất cả sẽ được phục hồi lại trong hình thể thích hợp và trọn vẹn” (An Ma 41:2). Điều này có nghĩa là “nếu việc làm của họ trong đời này là điều thiện và những ước muốn trong lòng họ cũng tốt như vậy, thì đến ngày sau cùng, họ cũng được phục hồi lại với những gì tốt đẹp” (An Ma 41:3). Tương tự, “nếu việc làm [hay ước muốn của họ] tà ác họ sẽ bị trả về với những gì tà ác” (An Ma 41:4–5; xin xem thêm Hê La Man 14:31). Tương tự, tiên tri Gia Cốp đã dạy rằng trong Ngày Phán Xét Cuối Cùng “những người nào ngay chính thì vẫn ngay chính, và kẻ nào dơ bẩn thì vẫn dơ bẩn” (2 Nê Phi 9:16; xin xem thêm Mặc Môn 9:14; 1 Nê Phi 15:33). Đó là tiến trình xảy ra trước khi chúng ta đứng trước cái mà Mô Rô Ni gọi là “rào phán xét dễ chịu của Đấng Giê Hô Va vĩ đại, là Đấng Phán Xét Vĩnh Cửu của người sống lẫn người chết” (Mô Rô Ni 10:34; xin xem thêm 3 Nê Phi 27:16).

Để đảm bảo rằng chúng ta sẽ được trong sạch trước Thượng Đế, chúng ta phải hối cải trước Ngày Phán Xét Cuối Cùng (xin xem Mặc Môn 3:22). Theo như lời An Ma đã nói với đứa con trai tội lỗi của ông, chúng ta không thể che giấu tội lỗi của mình trước Thượng Đế, “và nếu con không hối cải, những tội ác đó sẽ là một bằng chứng chống lại con vào ngày sau cùng” (An Ma 39:8; sự nhấn mạnh được thêm vào). Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô ban cho chúng ta cách thức duy nhất để đạt được sự thanh tẩy cần thiết qua sự hối cải, và cuộc sống trần thế này là thời gian cho chúng ta hối cải. Mặc dù chúng ta được dạy rằng một số sự hối cải có thể xảy ra trong thế giới linh hồn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:31, 33, 58), điều đó không phải là chắc chắn. Anh Cả Melvin J. Ballard đã dạy rằng: “Việc khắc phục tội lỗi và phục vụ Chúa khi cả thể xác và linh hồn kết hợp thành một thì dễ dàng hơn nhiều. Đây là thời gian khi con người dễ được ảnh hưởng và dễ tiếp thu. … Cuộc sống này là thời gian để hối cải.”6

Khi hối cải, chúng ta có được sự đảm bảo của Chúa rằng tội lỗi của chúng ta, bao gồm hành động và ước muốn của chúng ta, sẽ được thanh tẩy và đấng phán xét cuối cùng đầy lòng thương xót của chúng ta sẽ “không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa” (Giáo Lý và Giao Ước 58:42; xin xem thêm Ê Sai 1:18; Giê Rê Mi 31:34; Hê Bơ Rơ 8:12; An Ma 41:6; Hê La Man 14:18–19). Khi được thanh tẩy nhờ vào sự hối cải, chúng ta có thể có đủ điều kiện để có được cuộc sống vĩnh cửu, là điều Vua Bên Gia Min đã mô tả là “[được ở] với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận” (Mô Si A 2:41; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 14:7).

Là một phần khác trong “kế hoạch phục hồi” của Thượng Đế (An Ma 41:2) Sự Phục Sinh sẽ phục hồi “tất cả … lại trong hình thể thích hợp và trọn vẹn” (An Ma 40:23). Việc này gồm có sự hoàn thiện mọi khiếm khuyết và dị tật thể chất của chúng ta trong cuộc sống trần thế, kể cả bẩm sinh hay do chấn thương hoặc bệnh tật.

Sự phục hồi này có làm cho chúng ta hoàn hảo không còn những điều xấu xa hay những ước muốn hoặc thói nghiện không kiểm soát được của chúng ta chăng? Không thể được. Chúng ta biết từ sự mặc khải hiện đại rằng chúng ta sẽ bị phán xét bởi những ước muốn cũng như hành động của chúng ta (xin xem An Ma 41:5; Giáo Lý và Giao Ước 137:9) và thậm chí những ý nghĩ sẽ buộc tội chúng ta (xin xem An Ma 12:4). An Mu Léc đã dạy rằng chúng ta không được “trì hoãn ngày hối cải của mình” cho đến lúc chết (An Ma 34:33), bởi vì cũng chính linh hồn đã làm chủ phần thể xác chúng ta trong cuộc đời này—dù là của Chúa hay của quỷ dữ—“sẽ có quyền năng để làm chủ thể xác [chúng ta] trong thế giới vĩnh cửu ấy” (An Ma 34:34). Đấng Cứu Rỗi của chúng ta có quyền năng và sẵn sàng thanh tẩy chúng ta khỏi điều sai trái. Bây giờ là thời gian để tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài để hối cải những ước muốn và suy nghĩ tà ác hoặc không đứng đắn của chúng ta để trở nên trong sạch và sẵn sàng đứng trước mặt Thượng Đế vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng.

IV. Cánh Tay Thương Xót

Tình yêu thương Ngài dành cho mỗi người chúng ta mà gồm có kế hoạch của Thượng Đế và tất cả các lệnh truyền của Ngài chính là điều “hấp dẫn hơn hết thảy mọi vật khác … và là niềm vui sướng nhất cho tâm hồn” (1 Nê Phi 11:22–23). Tiên tri Ê Sai đảm bảo rằng thậm chí kẻ tà ác khi đã “trở lại cùng Đức Giê Hô Va, [thì] Ngài sẽ thương xót cho … [và] tha thứ dồi dào” (Ê Sai 55:7). An Ma đã dạy rằng: “Này, Ngài gởi lời mời đến tất cả mọi người, vì cánh tay thương xót của Ngài đang dang ra về phía họ” (An Ma 5:33; xin xem thêm 2 Nê Phi 26:25–33). Đấng Cứu Rỗi phục sinh đã phán với dân Nê Phi: “Này, cánh tay thương xót của ta đã dang ra về phía các ngươi, và bất cứ kẻ nào đến, ta đều đón nhận” (3 Nê Phi 9:14). Từ những lời giảng dạy này và nhiều lời giảng dạy khác trong thánh thư, chúng ta biết rằng Đấng Cứu Rỗi nhân từ của chúng ta dang tay Ngài ra đón nhận tất cả mọi người nam và nữ theo những điều kiện đầy yêu thương do Ngài thiết lập để vui hưởng những phước lành tuyệt vời nhất mà Thượng Đế dành cho con cái Ngài. 7

Nhờ vào kế hoạch của Thượng Đế và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi làm chứng với một “niềm hy vọng hết sức xán lạn” rằng Thượng Đế yêu thương chúng ta và chúng ta có thể được thanh tẩy qua tiến trình hối cải. Chúng ta được hứa rằng “nếu [chúng ta] tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu” (2 Nê Phi 31:20). Cầu xin cho tất cả chúng ta đều làm như vậy, tôi khẩn nài cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Come unto Jesus,” Hymns, số 117.

  2. Russell M. Nelson, “Sự Hối Cải và Sự Cải Đạo,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 102.

  3. Russell M. Nelson, “Bốn Ân Tứ mà Chúa Giê Su Ky Tô Ban cho Anh Chị Em” (Buổi họp đặc biệt Giáng Sinh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 2 tháng Mười Hai năm 2018), ChurchofJesusChrist.org.

  4. Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Nên Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 69.

  5. The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball biên tập (năm 1982), trang 101.

  6. Melvin J. Ballard, trong Melvin R. Ballard, Melvin J. Ballard: Crusader for Righteousness (năm 1966), trang 212–213.

  7. Xin xem Tad R. Callister, The Infinite Atonement (năm 2000), trang 27–29.