2010–2019
Cũng Giống như Ngài Đã Làm
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Cũng Giống như Ngài Đã Làm

Khi tìm cách phục sự giống như Ngài đã làm, chúng ta sẽ được ban cho cơ hội để quên đi bản thân mình và nâng đỡ những người khác.

Cách đây khoảng 18 tháng, vào mùa thu năm 2017, người anh 64 tuổi của tôi là Mike đã báo cho tôi biết rằng anh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Anh ấy cũng nói với tôi rằng anh đã nhận được một phước lành chức tư tế từ thầy giảng tại gia của anh và anh cũng đã nói chuyện với vị giám trợ của anh. Về sau, anh ấy gửi qua điện thoại cho tôi hình Đền Thờ Oakland California chụp từ bệnh viện nơi anh ấy đang điều trị, với lời chú thích “Hãy xem cái gì anh có thể nhìn thấy từ phòng bệnh viện của anh.”1

Tôi rất ngạc nhiên trước những lời bình luận của anh về các thầy giảng tại gia, phước lành của chức tư tế, vị giám trợ và đền thờ cũng như ngạc nhiên về tin anh mắc bệnh ung thư. Anh chị em thấy đó, Mike, một thầy tư tế trong Chức Tư tế A Rôn, đã không đến nhà thờ thường xuyên trong gần 50 năm.

Gia đình chúng tôi hầu như thích thú với sự tiến bộ về phần thuộc linh của anh ấy cũng như với tiến bộ của anh ấy trong cuộc chiến chống chọi với căn bệnh ung thư, phần lớn là nhờ vào những câu hỏi thường gặp của anh ấy bây giờ về Sách Mặc Môn, quyền năng gắn bó và cuộc sống sau khi chết. Nhiều tháng trôi qua, căn bệnh ung thư lan rộng, và vì Mike cần nhận được thêm sự điều trị chuyên môn hơn nên anh đã được chuyển đến Utah và vào Viện Ung Thư Huntsman.

Ngay sau khi đến nơi, Mike đã được John Holbrook, người lãnh đạo truyền giáo của tiểu giáo khu đang phục vụ trung tâm chăm sóc nơi mà anh tôi hiện đang sống, đến thăm. John nhận xét rằng “tôi thấy rõ ràng rằng Mike là con trai của Thượng Đế” và họ đã sớm phát triển một mối quan hệ và một tình bạn mà dẫn đến việc John mặc nhiên trở thành anh em phục sự của Mike. Ngay lập tức, những người truyền giáo được mời đến thăm, nhưng anh tôi đã lịch sự từ chối. Tuy nhiên, một tháng sau khi kết bạn với nhau, John đã hỏi lại một lần nữa và giải thích với Mike rằng: “Tôi nghĩ rằng anh sẽ thích nghe sứ điệp phúc âm.”2 Lần này, lời mời đã được chấp nhận, đưa đến những cuộc gặp gỡ thường xuyên với những người truyền giáo, cũng như những chuyến thăm viếng của Giám Trợ Jon Sharp, mà những cuộc trò chuyện của họ cuối cùng đã dẫn đến việc Mike tiếp nhận phước lành tộc trưởng của anh, 57 năm sau khi anh chịu phép báp têm.

Đầu tháng Mười Hai năm ngoái, sau nhiều tháng điều trị bằng các phương pháp khác nhau, Mike đã quyết định dừng các phương pháp điều trị ung thư mà gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và để cho mọi việc diễn biến tự nhiên. Chúng tôi được bác sĩ của anh báo cho biết rằng Mike có thể sống trong khoảng 3 tháng nữa. Trong khi đó, các câu hỏi về phúc âm vẫn tiếp tục—cũng như những chuyến viếng thăm và sự hỗ trợ của các vị lãnh đạo chức tư tế địa phương của anh. Trong những chuyến đến thăm Mike, chúng tôi thường thấy một quyển Sách Mặc Môn mở ra trên cái bàn đầu giường trong khi chúng tôi thảo luận về Sự Phục Hồi của phúc âm, các chìa khóa của chức tư tế, các giáo lễ đền thờ và tính chất vĩnh cửu của con người.

Đến giữa tháng Mười Hai, với tờ giấy phước lành tộc trưởng nằm trong tay, Mike dường như có thêm được sức mạnh, và tiên lượng về sự sống của anh dường như ít nhất là ba tháng nữa. Chúng tôi còn lên kế hoạch để anh ấy tham gia cùng chúng tôi vào dịp lễ Giáng Sinh, Năm Mới, và trong tương lai. Vào ngày 16 tháng Mười Hai, tôi nhận được một cú điện thoại bất ngờ từ Giám Trợ Sharp cho tôi biết rằng ông và chủ tịch giáo khu đã phỏng vấn Mike, thấy anh ấy xứng đáng để nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và hỏi khi nào thì tôi sẽ có mặt để tham gia. Giáo lễ được hoạch định vào ngày thứ Sáu 21 tháng Mười Hai.

Khi đến ngày ấy, vợ tôi, Carol và tôi đến trung tâm chăm sóc và ngay lập tức ở hành lang gần phòng anh ấy được thông báo rằng Mike không có mạch đập. Chúng tôi vào phòng và thấy vị tộc trưởng, giám trợ và chủ tịch giáo khu của anh ấy đã chờ sẵn—và sau đó Mike mở mắt ra. Anh ấy nhận ra tôi và cho biết rằng anh ấy có thể nghe tôi nói và sẵn sàng tiếp nhận chức tư tế. Năm mươi năm sau khi Mike được sắc phong chức thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn, tôi đã có đặc ân với sự phụ giúp của các vị lãnh đạo địa phương của anh, truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và sắc phong cho anh tôi chức phẩm anh cả. Năm giờ sau, Mike qua đời, bước qua tấm màn che để gặp cha mẹ chúng tôi với tư cách là người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Chỉ cách đây một năm, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra lời kêu gọi mỗi người chúng ta phải chăm sóc cho các anh chị em của chúng ta theo một “cách thức cao quý, thiêng liêng hơn.”3 Khi nói về Đấng Cứu Rỗi, Chủ Tịch Nelson đã dạy rằng “vì đó là Giáo Hội của Ngài, nên chúng ta với tư cách là các tôi tớ của Ngài sẽ phục sự cho từng người cũng giống như Ngài đã làm. Chúng ta sẽ phục sự trong danh Ngài, với quyền năng và thẩm quyền của Ngài và với lòng nhân từ tử tế của Ngài.”4

Để đáp lại lời mời gọi đó của một vị tiên tri của Thượng Đế, những nỗ lực phi thường để phục sự cho từng người đang diễn ra trên khắp thế giới, trong các nỗ lực phối hợp, khi các tín hữu làm tròn các nhiệm vụ phục sự của mình một cách trung tín, cũng như điều mà tôi sẽ gọi là “tự ý” phục sự, như rất nhiều người đã cho thấy tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô để đáp ứng những cơ hội bất ngờ. Trong gia đình của mình, chúng tôi đã đích thân chứng kiến hình thức phục sự này.

John, một người bạn và người anh em phục sự của Mike và cũng là một cựu chủ tịch phái bộ truyền giáo, thường nói với những người truyền giáo của ông rằng “nếu một người nào đó nằm trong danh sách mà nói rằng ‘không thích,’ thì cũng đừng bỏ cuộc. Con người thay đổi mà.” Rồi ông nói với chúng tôi: “Mike đã thay đổi rất nhiều.”5 Trước hết, John là một người bạn, mang đến lời khuyến khích và sự hỗ trợ thường xuyên—nhưng việc phục sự của ông ấy đã không dừng lại ở những chuyến đến thăm thân thiện. John biết rằng một người phục sự còn có ý nghĩa nhiều hơn là một người bạn và tình bạn đó đã được thăng hoa khi chúng ta phục sự.

Một người nào đó không nhất thiết phải mắc một căn bệnh đe dọa đến tính mạng, như anh tôi, thì mới cần đến việc phục sự. Các nhu cầu đó được cho thấy trong nhiều cách. Một người cha hay mẹ đơn thân; một cặp vợ chồng kém tích cực; một thiếu niên đang gặp khó khăn; một người mẹ gặp nhiều căng thẳng; một thử thách về đức tin; hoặc tài chính, sức khỏe hoặc hôn nhân—bản liệt kê này hầu như vô tận. Tuy nhiên, giống như anh Mike của tôi, không có ai ở ngoài tầm giúp đỡ cả và không bao giờ là quá muộn để tìm tới tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.

Chúng ta được dạy trên trang mạng của Giáo Hội về việc phục sự rằng “mặc dù có nhiều mục đích phục sự, nhưng các nỗ lực của chúng ta nên được hướng dẫn bởi ước muốn để giúp người khác đạt được sự cải đạo cá nhân sâu đậm hơn và trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.”6 Anh Cả Neil L. Andersen đã nói về điều đó như sau:

“Một người có trái tim nhân hậu có thể giúp một người nào đó sửa lốp xe, đưa người bạn cùng phòng đi bác sĩ, ăn trưa với ai đó đang buồn rầu, hoặc mỉm cười và chào hỏi làm cho người khác vui.

“Nhưng một người tuân theo giáo lệnh đầu tiên đương nhiên sẽ thêm vào những hành động phục vụ quan trọng này.”7

Khi chúng ta noi gương phục sự của Chúa Giê Su Ky Tô, điều quan trọng là phải nhớ rằng những nỗ lực yêu thương, nâng đỡ, phục vụ, và ban phước của Ngài đã có một mục tiêu lớn lao hơn là chỉ đáp ứng cho nhu cầu cấp bách. Ngài đã biết rõ những nhu cầu hằng ngày của những người Ngài phục sự và có lòng trắc ẩn đối với nỗi đau khổ hiện tại của họ khi Ngài chữa lành, cho ăn, tha thứ và giảng dạy. Nhưng Ngài đã muốn làm nhiều hơn là chỉ lo liệu cho những nhu cầu cấp bách của họ. Ngài muốn những người xung quanh Ngài phải noi theo Ngài, biết Ngài và đạt được tiềm năng thiêng liêng của họ.8

Khi tìm cách phục sự cũng giống như Ngài đã làm,9 chúng ta sẽ được ban cho cơ hội để quên đi bản thân mình và nâng đỡ những người khác. Những cơ hội này thường có thể là bất tiện, nhằm thử thách ước muốn của chúng ta để trở nên giống như Đức Thầy hơn, mà sự phục vụ vĩ đại nhất, Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, nhất định không phải là thuận tiện. Trong Ma Thi Ơ chương 25, chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa đã cảm thấy như thế nào về chúng ta, khi, giống như Ngài, chúng ta cũng nhạy cảm đối với những khó khăn, gian nan và thử thách mà rất nhiều người gặp phải nhưng lại thường không nhận thấy:

“Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất.

“Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta. …

“Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống?

“Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước? …

“Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”10

Cho dù chúng ta phục vụ với tư cách là những người anh em hay những người chị em phục sự, hay chỉ là khi chúng ta nhận thức được một người nào đó đang gặp hoạn nạn, thì chúng ta cũng được khuyến khích để tìm kiếm sự hướng dẫn và chỉ dẫn của Thánh Linh—và rồi hành động theo. Chúng ta có thể tự hỏi làm thế nào để phục vụ tốt nhất, nhưng Chúa biết, và qua Thánh Linh của Ngài, chúng ta sẽ được hướng dẫn trong các nỗ lực của mình. Giống như Nê Phi là người “được Thánh Linh dẫn dắt, không biết trước được là [ông] sẽ phải làm gì,”11 chúng ta cũng sẽ được Thánh Linh dẫn dắt khi chúng ta cố gắng trở thành công cụ trong tay Chúa để ban phước cho con cái Ngài. Khi tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh và tin cậy Chúa, chúng ta sẽ được đặt vào những tình huống và hoàn cảnh mà chúng ta có thể hành động và ban phước—nói cách khác, tức là phục sự.

Có thể có những lần khác chúng ta nhận ra một nhu cầu nhưng cảm thấy không thích hợp để đáp ứng, vì cho rằng điều chúng ta phải giúp đỡ là không đủ. Tuy nhiên, để làm giống như Ngài đã làm,12 là phục sự bằng cách ban phát điều chúng ta có khả năng ban phát và tin tưởng rằng Chúa sẽ làm vinh hiển các nỗ lực của chúng ta để ban phước cho “đồng loại của mình trên trần thế này.”13 Đối với một số người, điều đó có thể là hiến tặng thời giờ và tài năng của mình; đối với những người khác thì đó có thể là nói lời tử tế, hoặc giúp đỡ. Mặc dù chúng ta có thể cảm thấy rằng các nỗ lực của mình là không thích đáng nhưng Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã chia sẻ một nguyên tắc quan trọng về những điều “nhỏ nhặt tầm thường.” Ông dạy rằng những hành động nhỏ nhặt tầm thường là rất mạnh mẽ vì chúng mời “sự đồng hành của Đức Thánh Linh,”14 một Đấng đồng hành mà ban phước cho người ban phát lẫn người nhận.

Vì biết rằng mình sắp qua đời nên anh Mike của tôi đã nhận xét: “Thật là ngạc nhiên về cách mà căn bệnh ung thư tuyến tụy có thể khiến ta tập trung vào điều gì quan trọng nhất.”15 Nhờ những người đàn ông và phụ nữ tuyệt vời đã nhìn thấy một nhu cầu, không phê phán và đã phục sự giống như Đấng Cứu Rỗi, điều đó đã không quá muộn đối với Mike. Đối với một số người, sự thay đổi có thể đến sớm hơn; đối với những người khác có lẽ phải chờ sau khi qua đời. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng không bao giờ là quá muộn và không một người nào đã rời khỏi con đường quá xa mà lại không thể nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội vô tận của Chúa Giê Su Ky Tô, tức là vô hạn về thời gian và phạm vi.

Trong đại hội trung ương vào tháng Mười năm ngoái, Anh Cả Dale G. Renlund đã dạy rằng “bất kể chúng ta đã rời khỏi con đường đó bao lâu … , khoảnh khắc mà chúng ta quyết định thay đổi, thì Thượng Đế cũng sẽ giúp chúng ta trở về.”16 Tuy nhiên, quyết định để thay đổi đó thường là kết quả của một lời mời, chẳng hạn như “tôi nghĩ là bạn thích nghe sứ điệp phúc âm.” Cũng giống như không bao giờ là quá muộn đối với Đấng Cứu Rỗi, thì không bao giờ là quá sớm đối với chúng ta để đưa ra lời mời.

Mùa lễ Phục Sinh này, một lần nữa, mang đến cho chúng ta một cơ hội vinh quang để suy ngẫm về sự hy sinh chuộc tội vĩ đại của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và những gì Ngài đã làm cho mỗi người chúng ta với một cái giá to lớn—một cái giá mà chính Ngài cũng đã nói là “đã khiến cho [Ngài] dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn.” Ngài phán: “Ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người.”17

Tôi làm chứng rằng vì Ngài “đã hoàn tất,” nên sẽ luôn luôn có hy vọng. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.