2010–2019
Làm Sao Tôi Có Thể Hiểu Được?
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Làm Sao Tôi Có Thể Hiểu Được?

Khi chúng ta tha thiết, chân thành, kiên quyết và thật lòng tìm cách học hỏi và giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho nhau thì những lời giảng dạy này có thể làm thay đổi tâm hồn.

Anh chị em thân mến, thật là một niềm vui lớn lao được hiện diện ở đây với nhau một lần nữa trong đại hội này dành cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô dưới sự hướng dẫn của vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson. Tôi làm chứng cùng anh chị em rằng chúng ta sẽ có đặc ân được nghe tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô qua những lời giảng dạy của những người cầu nguyện, hát và nói về những nhu cầu của thời kỳ chúng ta trong đại hội này.

Như đã được ghi lại trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, Phi Líp là người giảng Tin Lành, đã giảng dạy phúc âm cho một người Ê Thi Ô Bi là một hoạn quan coi sóc hết cả kho tàng của nữ vương nước Ê Thi Ô Bi.1 Trong khi trở về từ việc thờ phượng ở Giê Ru Sa Lem, người này đọc sách Ê Sai. Được Thánh Linh thúc giục, Phi Líp đến gần người ấy hơn và nói rằng: “Ông hiểu lời mình đọc đó chăng?

“[Hoạn quan] trả lời rằng: Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được? …

“Phi Líp bèn mở miệng, bắt đầu từ chỗ Kinh Thánh đó mà rao giảng Đức Chúa Giê Su cho người.”2

Câu hỏi do người Ê Thi Ô Bi này đặt ra là một lời nhắc nhở về lệnh truyền thiêng liêng ban cho tất cả chúng ta là phải tìm cách học hỏi và giảng dạy cho nhau phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.3 Thật vậy, trong bối cảnh học hỏi và giảng dạy phúc âm, đôi khi chúng ta cũng giống như người Ê Thi Ô Bi này—chúng ta cần sự giúp đỡ của một giảng viên trung tín và đầy soi dẫn; và đôi khi chúng ta cũng giống như Phi Líp—chúng ta cần giảng dạy và củng cố những người khác trong sự cải đạo của họ.

Mục đích của chúng ta khi tìm cách học hỏi và giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là cần phải gia tăng đức tin nơi Thượng Đế và nơi kế hoạch hạnh phúc thiêng liêng của Ngài và nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài cùng đạt được sự cải đạo lâu dài. Đức tin và sự cải đạo được gia tăng như vậy sẽ giúp chúng ta lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế, do đó củng cố ước muốn của chúng ta noi theo Chúa Giê Su và nảy sinh một sự biến đổi thuộc linh đích thực nơi chúng ta—nói cách khác, biến đổi chúng ta trở thành một sinh linh mới, như đã được Sứ Đồ Phao Lô dạy trong thư của ông gửi cho người Cô Rinh Tô.4 Sự biến đổi này sẽ mang lại cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc, hữu ích và lành mạnh hơn và giúp chúng ta duy trì một viễn cảnh vĩnh cửu. Đây không phải chính xác là điều đã xảy ra cho người hoạn quan Ê Thi Ô Bi sau khi đã học về Đấng Cứu Rỗi và được cải đạo theo phúc âm của Ngài sao? Thánh thư ghi rằng người ấy “cứ hớn hở đi đường.”5

Lệnh truyền phải học hỏi và giảng dạy phúc âm cho nhau không phải là mới; lệnh truyền đó đã được luôn lặp lại từ lúc bắt đầu lịch sử loài người.6 Vào một dịp đặc biệt, trong khi Môi Se và dân của ông đang ở trong vùng đồng bằng Mô Áp trước khi vào đất hứa, Chúa đã soi dẫn ông để giảng dạy dân của ông về trách nhiệm của họ phải học hỏi các mạng lệnh và giao ước mà họ đã nhận được từ Chúa và giảng dạy những điều này cho con cháu của họ,7 nhiều người trong số họ đã không đích thân kinh nghiệm được việc vượt Biển Đỏ hoặc sự mặc khải được ban cho trên Núi Si Nai.

Môi Se đã khuyên bảo dân của ông:

“Hỡi Y Sơ Ra Ên, bây giờ hãy nghe những mạng lịnh và luật lệ mà ta dạy các ngươi; hãy làm theo, để các ngươi được sống và vào xứ mà Giê Hô Va Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi ban cho các ngươi nhận được. …

“… Phải dạy cho các con và cháu ngươi.”8

Rồi Môi Se đã kết thúc bằng cách nói: “Hãy giữ những luật lệ và điều răn của Ngài, mà ngày nay ta truyền cho ngươi, hầu cho ngươi và con cháu ngươi đều có phước, ở lâu dài trong xứ mà Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi mãi mãi.”9

Các vị tiên tri của Thượng Đế đã luôn chỉ dạy rằng chúng ta cần phải nuôi dạy gia đình của mình “theo sự dưỡng dục và khuyên răn của Chúa”10 và “trong ánh sáng và lẽ thật.”11 Mới đây Chủ Tịch Nelson đã nói: “Trong thời kỳ lan tràn sự vô luân và hình ảnh sách báo khiêu dâm gây nghiện, cha mẹ có trách nhiệm thiêng liêng để dạy cho con cái họ về tầm quan trọng của Thượng Đế [và Chúa Giê Su Ky Tô] trong cuộc sống của họ.”12

Thưa anh chị em, lời khuyên răn của vị tiên tri yêu dấu là lời nhắc nhở thêm về trách nhiệm cá nhân của chúng ta, đó là tìm cách học hỏi và giảng dạy cho gia đình mình biết rằng có một Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta và Ngài đã khai triển một kế hoạch hạnh phúc thiêng liêng dành cho con cái của Ngài; rằng Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai của Ngài, là Đấng Cứu Chuộc của thế gian; và rằng sự cứu rỗi đến từ đức tin nơi danh Ngài.13 Cuộc sống của chúng ta cần phải được thiết lập trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, mà có thể giúp riêng cá nhân chúng ta cũng như cả gia đình có được những ấn tượng thuộc linh ghi khắc vào lòng chúng ta, mà sẽ giúp chúng ta kiên trì chịu đựng trong đức tin của mình.14

Anh chị em có thể nhớ lại rằng hai môn đồ của Giăng Báp Tít đã đi theo Chúa Giê Su Ky Tô sau khi nghe Giăng làm chứng rằng Chúa Giê Su là Chiên Con của Thượng Đế, là Đấng Mê Si. Hai người tốt lành này đã chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giê Su “hãy đến xem”15 và đã ở lại với Ngài vào ngày đó. Họ tiến đến việc biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Mê Si, Con Trai của Thượng Đế và họ đi theo Ngài trong suốt cuộc đời của họ.

Theo cách tương tự, khi chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi “hãy đến xem,” thì chúng ta cần phải ở trong Ngài, đắm mình trong thánh thư, hân hoan nơi thánh thư, học hỏi giáo lý của Ngài và cố gắng sống theo cách mà Ngài đã sống. Chỉ khi đó chúng ta mới tiến đến việc biết Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô cùng nhận ra tiếng nói của Ngài, và biết rằng khi chúng ta đến cùng Ngài và tin nơi Ngài thì chúng ta sẽ không bao giờ bị đói khát.16 Chúng ta sẽ có thể nhận thức được lẽ thật mọi lúc, như đã xảy ra với hai môn đồ đang ở với Chúa Giê Su vào ngày đó.

Thưa anh chị em, điều đó sẽ không xảy ra tình cờ đâu. Việc làm cho chúng ta lãnh hội các ảnh hưởng cao quý của sự tin kính không phải là một vấn đề đơn giản; nó đòi hỏi sự khẩn cầu Thượng Đế và học cách mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vào trọng tâm cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta làm như vậy, thì tôi hứa rằng ảnh hưởng của Đức Thánh Linh sẽ mang lại lẽ thật cho tâm trí chúng ta, sẽ làm chứng về lẽ thật đó17 và sẽ giảng dạy mọi điều.18

Câu hỏi của người Ê Thi Ô Bi: “Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi [hiểu] được?” cũng có một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh trách nhiệm cá nhân của chúng ta để thực hành trong cuộc sống của mình các nguyên tắc phúc âm mà mình đã học được. Ví dụ, trong trường hợp của người Ê Thi Ô Bi, người ấy đã hành động theo lẽ thật mà mình đã học được từ Phi Líp. Người này xin được báp têm. Người ấy đã tiến đến việc biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con Trai của Thượng Đế.19

Thưa anh chị em, hành động của chúng ta cần phải phản ảnh điều chúng ta học hỏi và giảng dạy. Chúng ta cần cho thấy niềm tin của mình qua cách chúng ta sống. Giảng viên giỏi nhất là một tấm gương mẫu mực. Việc giảng dạy một điều gì đó mà chúng ta thực sự sống theo thì có thể tạo ra một sự khác biệt trong tâm hồn của những người chúng ta giảng dạy. Nếu chúng ta mong muốn những người khác, cho dù đó là gia đình của mình hay không, hân hoan trân quý thánh thư và những lời giảng dạy của các sứ đồ và tiên tri tại thế trong thời kỳ chúng ta, thì họ cần nhìn thấy tâm hồn của chúng ta hân hoan nơi thánh thư. Tương tự như vậy, nếu chúng ta muốn họ biết rằng Chủ Tịch Russell M. Nelson là vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải trong thời kỳ của chúng ta, thì họ cần thấy chúng ta giơ tay tán trợ ông và nhận biết rằng chúng ta tuân theo những lời dạy đầy soi dẫn của ông. Như câu tục ngữ Mỹ nổi tiếng đã nói: “Hành động quan trọng hơn lời nói.”

Ngay giây phút này, có lẽ một số anh chị em đang tự hỏi mình: “Thưa Anh Cả Soares, tôi đã làm tất cả những điều này và đã tuân theo mẫu mực này riêng cá nhân mình và chung với gia đình, nhưng rủi thay, một số bạn bè hay người thân yêu của tôi đã xa lánh Chúa. Tôi phải làm gì đây?″ Đối với anh chị em nào hiện đang trải qua những cảm giác buồn bã, đau đớn và có thể hối tiếc này, thì xin hãy biết rằng những người thân yêu của chúng ta không hoàn toàn lạc lối vì Chúa biết họ đang ở đâu và đang trông nom họ. Hãy nhớ rằng, họ cũng là con cái của Ngài!

Chúng ta khó có thể hiểu được tất cả các lý do tại sao mà một số người thân yêu của mình đã chọn đi con đường khác. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm trong những hoàn cảnh này là hoàn toàn yêu thương và chấp nhận họ, cầu nguyện cho sự an lạc của họ và tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để biết phải làm gì và nói gì. Hãy thật lòng hân hoan với họ trong sự thành công của họ; làm bạn với họ và tìm kiếm những điều tốt lành nơi họ. Chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc đối với những người thân yêu của mình mà phải giữ gìn mối quan hệ của chúng ta với họ. Đừng bao giờ chối bỏ hoặc đánh giá sai họ. Chỉ yêu thương họ thôi! Truyện ngụ ngôn về đứa con hoang phí dạy chúng ta rằng khi con cái tỉnh ngộ, chúng thường mong muốn được về nhà. Nếu điều đó xảy ra với những người thân yêu của anh chị em thì hãy làm cho tâm hồn anh chị em tràn đầy sự trắc ẩn, hãy chạy đến bên họ, hãy ôm cổ họ và hôn họ, giống như người cha của đứa con hoang phí đã làm.20

Cuối cùng, hãy tiếp tục sống một cuộc sống xứng đáng, hãy là một tấm gương sáng cho họ về điều anh chị em tin tưởng và đến gần Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta hơn. Ngài biết và hiểu những nỗi ưu phiền và đau đớn sâu xa của chúng ta, và Ngài sẽ ban phước cho những nỗ lực và sự tận tâm của anh chị em dành cho những người thân của anh chị em nếu không phải trong cuộc sống này thì sẽ là trong cuộc sống mai sau. Thưa anh chị em, hãy luôn nhớ rằng hy vọng là một phần quan trọng của kế hoạch phúc âm.

Trong suốt nhiều năm phục vụ trong Giáo Hội, tôi đã thấy các tín hữu trung thành đã kiên định áp dụng các nguyên tắc này vào cuộc sống của họ. Đây là trường hợp của một người mẹ đơn thân mà tôi sẽ gọi là “Mary.” Buồn thay, Mary đã trải qua một cuộc ly dị bi thảm. Vào thời điểm đó, Mary đã nhận ra rằng những quyết định thiết yếu nhất liên quan đến gia đình chị sẽ phải là về phần thuộc linh. Việc cầu nguyện, học thánh thư, nhịn ăn, và đi nhà thờ và đền thờ có tiếp tục là quan trọng với chị không?

Mary đã luôn luôn trung tín và vào thời điểm quan trọng đó, chị đã quyết định bám lấy điều chị biết là chân chính. Chị đã tìm thấy sức mạnh trong tài liệu: “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” mà trong số nhiều nguyên tắc tuyệt vời, đã dạy rằng “cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính” cùng dạy dỗ chúng luôn tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.21 Chị liên tục tìm kiếm những sự đáp ứng từ Chúa và chia sẻ chúng với bốn đứa con của chị trong mọi khung cảnh gia đình. Họ thường thảo luận về phúc âm và chia sẻ kinh nghiệm và chứng ngôn của mình với nhau.

Mặc dù đang trải qua những nỗi buồn, nhưng mấy đứa con của chị cũng đã phát triển một tình yêu thương dành cho phúc âm của Đấng Ky Tô và một ước muốn được phục vụ và chia sẻ phúc âm với người khác. Ba trong số chúng đã trung tín phục vụ truyền giáo toàn thời gian và đứa con út hiện đang phục vụ truyền giáo ở Nam Mỹ. Con gái đầu lòng của chị, là người mà tôi quen biết rõ, hiện đã kết hôn và vững mạnh trong đức tin của mình, đã chia sẻ: “Cháu không bao giờ cảm thấy như là mẹ cháu một mình nuôi chúng cháu vì Chúa luôn ở trong nhà của chúng cháu. Khi mẹ cháu làm chứng về Ngài cho chúng cháu nghe thì mỗi đứa chúng cháu bắt đầu tìm đến Ngài với những câu hỏi của riêng mình. Cháu rất biết ơn mẹ cháu đã mang phúc âm đến với cuộc sống.”

Thưa anh chị em, người mẹ hiền này đã có thể làm cho nhà của chị thành một trung tâm học hỏi về phần thuộc linh. Tương tự như câu hỏi của người Ê Thi Ô Bi, Mary đã vài lần tự hỏi mình: “Làm sao các con tôi có thể học hỏi được ngoại trừ một người mẹ phải hướng dẫn chúng?”

Hỡi những người bạn thân yêu của tôi trong phúc âm, tôi làm chứng với các bạn rằng khi chúng ta tha thiết, chân thành, kiên quyết và thật lòng tìm cách học hỏi và giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho nhau với mục đích thực sự và dưới ảnh hưởng của Thánh Linh thì những lời giảng dạy này có thể thay đổi tấm lòng người khác và soi dẫn một ước muốn để sống theo các lẽ thật của Thượng Đế.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Ngài là Đấng Cứu Chuộc và Ngài hằng sống. Tôi biết rằng Ngài hướng dẫn Giáo Hội của Ngài qua các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải của Ngài. Tôi cũng làm chứng với anh chị em rằng Thượng Đế hằng sống và Ngài yêu thương chúng ta. Ngài muốn chúng ta trở lại nơi hiện diện của Ngài—tất cả chúng ta. Ngài lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng ta. Tôi làm chứng về những lẽ thật này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In