2010–2019
Tình Yêu Thương Lớn Lao dành cho Con Cái của Cha Chúng Ta
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Tình Yêu Thương Lớn Lao dành cho Con Cái của Cha Chúng Ta

Tình yêu thương là thuộc tính và động lực chính yếu cho các mục đích thuộc linh mà chúng ta được vị tiên tri yêu quý của chúng ta giao cho để đảm nhận.

Thưa các anh chị em thân mến của tôi, đây là một thời kỳ độc nhất và then chốt trong lịch sử. Chúng ta được ban phước để sống trong gian kỳ cuối cùng trước Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Gần lúc bắt đầu của gian kỳ này, vào năm 1829, năm trước khi Giáo Hội được chính thức tổ chức, một điều mặc khải quý báu đã được tiếp nhận, tuyên bố “một công việc kỳ diệu sắp xảy ra.” Điều mặc khải này thiết lập rằng những ai mong muốn phục vụ Thượng Đế đều có đủ tư cách để phục vụ qua “đức tin, hy vọng, lòng bác ái, và tình thương, với con mắt duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế.”1 Lòng bác ái, tức là “tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô,”2 bao gồm cả tình yêu thương vĩnh cửu của Thượng Đế dành cho tất cả con cái của Ngài.3

Mục đích của tôi buổi sáng hôm nay là để nhấn mạnh vai trò thiết yếu của loại tình yêu thương đó trong công việc truyền giáo, công việc đền thờ và lịch sử gia đình, và việc thờ phượng đặt trọng tâm trong nhà, được Giáo Hội hỗ trợ. Tình yêu thương dành cho Đấng Cứu Rỗi và tình yêu thương dành cho những người đồng bào nam nữ của chúng ta4 là thuộc tính và động lực chính yếu cho việc phục sự và các mục đích thuộc linh5 mà chúng ta được vị tiên tri yêu mến của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, giao cho để đảm nhận trong những điều chỉnh đã được loan báo trong năm 2018.

Nỗ Lực Truyền Giáo để Quy Tụ Y Sơ Ra Ên bị Phân Tán

Tôi đã có kinh nghiệm với mối quan hệ giữa công việc truyền giáo và tình yêu thương từ khi còn nhỏ. Khi tôi lên 11 tuổi, tôi nhận được một phước lành tộc trưởng từ một vị tộc trưởng mà cũng là ông ngoại của tôi.6 Phước lành đó có một đoạn nói rằng: “Ta ban phước cho con với tình yêu thương đồng bào của con, bởi vì con sẽ được kêu gọi để mang phúc âm đến thế gian … để thuyết phục các linh hồn đến với Đấng Ky Tô.”7

Ngay từ độ tuổi còn nhỏ đó, tôi đã hiểu được rằng việc chia sẻ phúc âm được dựa trên một tình yêu thương lớn lao dành cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng.

15 năm về trước, khi các vị Thẩm Quyền Trung Ương được chỉ định để soạn thảo cuốn Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, chúng tôi đã kết luận rằng thuộc tính tình yêu thương là thiết yếu đối với công việc truyền giáo trong thời kỳ của chúng ta, cũng như thuộc tính này đã luôn là thiết yếu đối với công việc này. Chương 6, khi nói về các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô có bao gồm cả lòng bác ái và tình yêu thương, đã luôn là chương ưa thích nhất của những người truyền giáo.

Với tư cách là những người đại diện cho Đấng Cứu Rỗi, hầu hết những người truyền giáo đều cảm nhận được tình yêu thương này, và khi họ cảm nhận được tình yêu thương này thì họ được ban phước cho các nỗ lực của họ. Khi các tín hữu có được sự hiểu biết về tình yêu thương này, là điều thiết yếu trong việc phụ giúp Chúa trong mục đích của Ngài, thì công việc của Chúa sẽ được hoàn thành.

Hình Ảnh
R. Wayne Shute

Tôi có đặc ân được đóng một vai trò nhỏ trong một tấm gương kỳ diệu về tình yêu thương này. Khi tôi còn đang phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Giáo Vùng Các Quần Đảo Thái Bình Dương, tôi nhận được một cuộc gọi từ Chủ Tịch R. Wayne Shute. Khi còn là một thanh niên, anh đã phục vụ truyền giáo ở Samoa. Sau đó, anh quay trở lại Samoa với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo.8 Khi gọi điện cho tôi, anh là chủ tịch Đền Thờ Apia Samoa. Một trong những người truyền giáo trẻ tuổi của anh khi anh còn là chủ tịch phái bộ truyền giáo là Anh Cả O. Vincent Haleck, người hiện đang là Chủ Tịch Giáo Vùng ở Thái Bình Dương. Chủ Tịch Shute có tình yêu thương và sự tôn trọng lớn lao dành cho Vince và toàn thể gia đình Haleck. Đa số những người trong gia đình đều là tín hữu Giáo Hội, nhưng cha của Vince, Otto Haleck, tộc trưởng của gia đình (một người mang hai dòng máu Đức và Samoa), không phải là tín hữu. Chủ Tịch Shute biết tôi sẽ tham dự một buổi đại hội giáo khu và những buổi họp khác ở Samoa thuộc Mỹ, và anh hỏi xem tôi có thể cân nhắc việc ở nhà của Otto Haleck với mục đích là chia sẻ phúc âm với ông ấy không.

Hình Ảnh
Anh Cả O. Vincent Haleck khi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi

Vợ tôi, Mary, và tôi đã ở cùng Otto và vợ của ông, Dorothy, trong ngôi nhà đẹp đẽ của họ. Trong bữa sáng, tôi đã chia sẻ một sứ điệp phúc âm và mời Otto gặp với những người truyền giáo. Ông đã lịch sự, nhưng kiên định, từ chối lời mời của tôi. Ông hài lòng rằng nhiều người trong gia đình ông là các Thánh Hữu Ngày Sau. Nhưng ông đã mạnh mẽ cho biết rằng một số tổ tiên của người mẹ người Samoa của ông là những mục sư Ky Tô Hữu đầu tiên ở Samoa, và ông cảm thấy có một sự trung thành lớn lao với tín ngưỡng Ky Tô Hữu truyền thống của họ.9 Tuy nhiên, khi rời khỏi đó, chúng tôi vẫn là những người bạn tốt.

Sau đó, khi Chủ Tịch Gordon B. Hinckley chuẩn bị để cung hiến Đền Thờ Suva Fiji, ông đã bảo thư ký riêng của ông, Anh Don H. Staheli,10 gọi cho tôi ở New Zealand để thu xếp. Chủ Tịch Hinckley muốn bay từ Fiji đến Samoa thuộc Mỹ để gặp gỡ các Thánh Hữu. Một khách sạn được sử dụng trong một chuyến viếng thăm trước đã được đề nghị. Tôi hỏi xem tôi có thể thu xếp theo một cách khác được không. Anh Staheli nói: “Anh là Chủ Tịch Giáo Vùng; việc này không sao cả.”

Tôi lập tức gọi cho Chủ Tịch Shute và báo với anh rằng có lẽ chúng tôi có một cơ hội thứ hai để ban phước về phần thuộc linh cho người bạn của chúng tôi, Otto Haleck. Lần này, người truyền giáo sẽ là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Tôi hỏi anh ấy xem liệu có thích hợp không nếu gia đình Haleck đón tiếp toàn thể du hành đoàn của Chủ Tịch Hinckley.11 Chủ Tịch và Chị Hinckley, cô con gái của họ là Jane, cùng Anh Cả và Chị Jeffrey R. Holland cũng ở trong du hành đoàn. Chủ Tịch Shute, khi làm việc với gia đình, đã thu xếp tất cả mọi việc.12

Khi bay đến nơi từ Fiji sau lễ cung hiến đền thờ, chúng tôi đã được đón tiếp nồng nhiệt.13 Chúng tôi đã nói chuyện trong buổi tối hôm đó với hàng ngàn tín hữu Samoa và sau đó đi đến nhà Haleck. Khi chúng tôi quây quần trong bữa sáng vào buổi sáng hôm sau, Chủ Tịch Hinckley và Otto Haleck đã trở thành bạn tốt của nhau rồi. Tôi thấy thú vị là cuộc trò chuyện của họ gần như hoàn toàn giống như cuộc trò chuyện giữa tôi và Otto hơn một năm về trước. Khi Otto bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông dành cho Giáo Hội của chúng ta nhưng tái khẳng định cam kết của ông với giáo hội hiện tại của mình thì Chủ Tịch Hinckley đặt tay lên vai Otto và nói: “Otto, điều đó là chưa đủ; anh phải trở thành tín hữu Giáo Hội. Đây là Giáo Hội của Chúa.” Anh chị em có thể hình dung thấy sự kháng cự nơi Otto nhường chỗ cho sự sẵn lòng chấp nhận những gì Chủ Tịch Hinckley đã nói.

Đây là khởi đầu cho những bài học thêm với người truyền giáo và một sự khiêm nhường thuộc linh mà cho phép Otto Haleck chịu phép báp têm và làm lễ xác nhận chỉ hơn một năm sau đó. Rồi sau một năm nữa, gia đình Haleck được làm lễ gắn bó với tư cách là một gia đình vĩnh cửu trong đền thờ.14

Hình Ảnh
Gia đình Haleck được làm lễ gắn bó trong đền thờ

Điều làm tôi cảm động trong suốt kinh nghiệm tuyệt vời này là tình yêu thương phục sự bao trùm của Chủ Tịch Wayne Shute dành cho người truyền giáo trước đây của anh, Anh Cả Vince Haleck, và ước muốn của anh để thấy toàn thể gia đình Haleck được đoàn tụ với tư cách là một gia đình vĩnh cửu.15

Về việc quy tụ Y Sơ Ra Ên, chúng ta cần phải đảm bảo rằng mình cảm nhận được tình yêu thương này và tránh xa khỏi cảm giác trách nhiệm16 hoặc có lỗi để có được những cảm giác yêu thương cùng tham gia vào sự cộng tác thiêng liêng nhằm chia sẻ sứ điệp, giáo vụ, và sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi với thế gian.17

Là tín hữu, chúng ta có thể cho thấy tình yêu thương của mình dành cho Đấng Cứu Rỗi và những người anh chị em của mình trên khắp thế giới bằng cách đưa ra những lời mời đơn giản. Lịch trình mới về các buổi họp ngày Chủ Nhật tượng trưng cho một cơ hội tuyệt vời để các tín hữu có thể thành công và trìu mến mời bạn bè cùng thân hữu đến xem và cảm nhận một kinh nghiệm Giáo Hội.18 Một buổi lễ Tiệc Thánh đầy thuộc linh, hy vọng là cũng thiêng liêng như Anh Cả Jeffrey R. Holland đã mô tả ngày hôm qua, được theo sau bằng một buổi họp kéo dài 50 phút mà tập trung vào Kinh Tân Ước và Đấng Cứu Rỗi hoặc những bài nói chuyện có liên quan trong đại hội mà cũng tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và giáo lý của Ngài.

Một số chị em Hội Phụ Nữ đã tự hỏi tại sao họ được giao cho một sự chỉ định “nhằm quy tụ” cùng với các thành viên trong nhóm túc số chức tư tế. Có nhiều lý do cho điều này, và Chủ Tịch Nelson đã vạch ra nhiều trong số những lý do này trong đại hội trung ương kỳ trước. Ông đã kết luận: “Chúng tôi không thể nào quy tụ Y Sơ Ra Ên nếu không có các chị em.”19 Trong thời kỳ của chúng ta, chúng ta được phước có khoảng 30 phần trăm những người truyền giáo toàn thời gian là các chị truyền giáo. Điều này cung cấp thêm sự khích lệ đối với Hội Phụ Nữ để chia sẻ phúc âm một cách đầy yêu thương. Điều cần thiết là một sự cam kết đầy yêu thương, lòng trắc ẩn, thuộc linh của mỗi người chúng ta—nam, nữ, giới trẻ, và trẻ em—để chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu chúng ta cho thấy tình yêu thương, lòng nhân từ, và sự khiêm nhường thì nhiều người sẽ chấp nhận lời mời của chúng ta. Những ai chọn không chấp nhận lời mời của chúng ta vẫn sẽ là bạn của chúng ta.

Nỗ Lực Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình để Quy Tụ Y Sơ Ra Ên

Tình yêu thương cũng là khía cạnh quan trọng nhất trong nỗ lực đền thờ và lịch sử gia đình của chúng ta để quy tụ Y Sơ Ra Ên ở bên kia bức màn che. Khi chúng ta biết về những thử thách và khó khăn mà tổ tiên mình đã phải đối mặt thì tình yêu thương và lòng cảm kích của chúng ta dành cho họ được gia tăng. Nỗ lực đền thờ và lịch sử gia đình của chúng ta đã được củng cố một cách đáng kể bởi những điều chỉnh trong lịch trình các buổi họp ngày Chủ Nhật lẫn việc thăng tiến của giới trẻ trong các lớp học và nhóm túc số. Những thay đổi này đem đến sự chú ý sớm hơn và mạnh mẽ hơn dành cho việc biết về tổ tiên của chúng ta và sự quy tụ Y Sơ Ra Ên ở bên kia bức màn che. Cả công việc đền thờ lẫn lịch sử gia đình đều được nâng cao một cách đáng kể.

Mạng internet là một công cụ đắc lực; và ngày nay, ngôi nhà là trung tâm lịch sử gia đình chính của chúng ta. Các tín hữu trẻ tuổi của chúng ta có kỹ năng đặc biệt trong việc nghiên cứu lịch sử gia đình và được thúc đẩy về phần thuộc linh để thực hiện phép báp têm cho tổ tiên của họ, những người mà họ đã học cách thương yêu và cảm kích. Từ khi có sự thay đổi cho phép các em 11 tuổi thực hiện phép báp têm cho người chết, các vị chủ tịch đền thờ ở khắp nơi trên thế giới đã báo cáo rằng số người tham gia đền thờ gia tăng một cách đáng kể. Một vị chủ tịch đền thờ đã báo với chúng tôi rằng “có một sự gia tăng đáng chú ý trong số người tham dự phép báp têm … và việc có thêm các em 11 tuổi mang đến nhiều gia đình hơn. … Ngay từ ở độ tuổi [nhỏ] của mình, các em có vẻ cảm nhận được sự nghiêm trang và mục đích của giáo lễ các em đang thực hiện. Thật là tuyệt vời để quan sát!”20

Tôi biết Hội Thiếu Nhi và những người lãnh đạo giới trẻ của chúng ta đang và sẽ tiếp tục làm cho công việc lịch sử gia đình và đền thờ trở thành một nỗ lực lớn. Các chị em Hội Phụ Nữ và các anh em chức tư tế, bằng một cách đầy yêu thương, có thể giúp hoàn thành trách nhiệm đền thờ và lịch sử gia đình của các em theo từng em một và cũng bằng cách phụ giúp cùng soi dẫn trẻ em và giới trẻ quy tụ Y Sơ Ra Ên ở bên kia bức màn che. Điều này là đặc biệt quan trọng trong nhà và vào ngày Sa Bát. Tôi hứa rằng việc thực hiện một cách đầy yêu thương các giáo lễ cho tổ tiên sẽ củng cố và bảo vệ giới trẻ và các gia đình của chúng ta trong một thế giới đang trở nên ngày càng tà ác. Cá nhân tôi cũng làm chứng rằng Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhận được những sự mặc khải vô cùng quan trọng liên quan đến đền thờ và công việc đền thờ.

Chuẩn Bị Các Gia Đình Vĩnh Cửu và Cá Nhân để Sống với Thượng Đế

Sự nhấn mạnh mới vào việc học tập và sống theo phúc âm mà đặt trọng tâm trong nhà cùng các nguồn tài liệu được Giáo Hội cung cấp là một cơ hội lớn lao, đầy tình yêu thương để chuẩn bị cho các gia đình vĩnh cửu và cá nhân gặp và sống với Thượng Đế.21

Khi một người nam và người nữ được làm lễ gắn bó trong đền thờ thì họ gia nhập vào thánh ban của hôn nhân trong giao ước mới và vĩnh viễn, là một ban của chức tư tế.22 Cùng nhau, họ có được và nhận được các phước lành và quyền năng của chức tư tế để hướng dẫn các công việc trong gia đình họ. Những người nữ và người nam có những vai trò riêng như được vạch ra trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,”23 nhưng cương vị của họ là bình đẳng trong giá trị và tầm quan trọng.24 Họ có thẩm quyền bình đẳng để nhận được sự mặc khải cho gia đình họ. Khi họ cùng nhau làm việc trong tình yêu thương và sự ngay chính thì các quyết định của họ được thiên thượng ban phước.

Những ai cố gắng để biết ý muốn của Chúa với tư cách là các cá nhân và cho gia đình họ thì phải phấn đấu để đạt được sự ngay chính, sự nhu mì, lòng nhân từ, và tình yêu thương. Sự khiêm nhường và tình yêu thương là những phẩm chất của những người tìm kiếm ý muốn của Chúa, đặc biệt là cho gia đình họ.

Việc hoàn thiện bản thân, giúp cho chính mình có đủ điều kiện để tiếp nhận các phước lành của các giao ước, và chuẩn bị để gặp Thượng Đế đều là những trách nhiệm của cá nhân. Chúng ta cần phải tự lực và thiết tha nhiệt thành trong việc làm cho ngôi nhà của mình trở thành nơi nương náu khỏi những cơn bão tố bao quanh chúng ta25 và “nơi trú ẩn của đức tin.”26 Các bậc cha mẹ có trách nhiệm giảng dạy con cái của mình một cách đầy yêu thương. Những ngôi nhà tràn ngập tình yêu thương là một niềm vui, một sự vui thích, và một thiên đường thật sự trên thế gian.27

Bài thánh ca ưa thích của mẹ tôi là “Giờ Có Mến Yêu Trong Nhà Tôi.”28 Bất cứ khi nào bà nghe thấy cụm từ đầu tiên, “Giờ có mến yêu trong nhà tôi. Giờ tươi đẹp khắp nơi,” thì bà trở nên cảm động rõ rệt và rơi nước mắt. Từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã biết rằng mình sống trong một ngôi nhà như vậy; đó là một trong những ưu tiên cao nhất của bà.29

Ngoài việc khuyến khích không khí yêu thương trong nhà, Chủ Tịch Nelson còn tập trung vào việc hạn chế sử dụng các thiết bị truyền thông mà phá vỡ các mục đích chính của chúng ta.30 Một sự điều chỉnh mà sẽ có lợi cho hầu hết bất cứ gia đình nào là làm cho mạng internet, các mạng truyền thông xã hội, và ti vi phục vụ chúng ta thay vì để cho chúng làm xao lãng hoặc, tệ hơn, làm chủ chúng ta. Cuộc chiến vì linh hồn của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là trẻ em, thường xảy ra trong nhà. Là các bậc cha mẹ, chúng ta cần phải đảm bảo rằng nội dung của các phương tiện truyền thông là lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi, và thích hợp với không khí yêu thương chúng ta đang cố gắng tạo ra.

Việc giảng dạy ở nhà của chúng ta cần phải rõ ràng và thúc đẩy31 nhưng cũng phải đầy thuộc linh, niềm vui, và tình yêu thương.

Tôi hứa rằng khi chúng ta tập trung vào tình yêu thương của mình dành cho Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài, đặt Ngài làm trọng tâm của các nỗ lực nhằm quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che, phục sự người khác, và chuẩn bị bản thân để gặp Thượng Đế thì ảnh hưởng của kẻ nghịch thù sẽ bị giảm bớt và niềm vui, sự vui thích, và sự bình an của phúc âm sẽ làm vinh hiển ngôi nhà của chúng ta với tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô.32 Tôi làm chứng về những lời hứa giáo lý này và đưa ra lời chứng chắc chắn về Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài thay cho chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giáo Lý và Giao Ước 4:1, 5.

  2. Mô Rô Ni 7:47.

  3. Xin xem “Lòng Bác Ái và Tình Yêu Thương,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo, tái bản (năm 2019), trang 136–137.

  4. Xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5; Ma Thi Ơ 22:36–40.

  5. Xin xem “Các Trách Nhiệm của Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Các Anh Cả và Hội Phụ Nữ trong Công Việc Truyền Giáo của Tín Hữu cùng Công Việc Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình,” thông báo, ngày 6 tháng Mười năm 2018.

  6. Ông ngoại tôi được cho phép để ban phước lành tộc trưởng cho những đứa cháu sống ở các giáo khu khác. Phước lành tộc trưởng của tôi được ban cho tôi khi tôi lên 11 tuổi bởi vì ông bị bệnh và mọi người nghĩ rằng ông có thể sẽ qua đời.

  7. Phước lành tộc trưởng ban cho Quentin L. Cook bởi Tộc Trưởng Crozier Kimball, ngày 13 tháng Mười năm 1951, Draper, Utah.

  8. Chủ Tịch R. Wayne Shute cũng đã phục vụ với vợ của anh, Lorna, trong nhiều công việc phục vụ truyền giáo khác nhau ở Thượng Hải, Trung Quốc; Armenia; Singapore; và Hy Lạp. Sau khi Lorna qua đời, anh kết hôn với Rhea Mae Rosvall, và họ đã phục vụ truyền giáo trong Phái Bộ Truyền Giáo Brisbane Úc. Bảy trong số chín người con của anh đã phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Trong suốt hai năm anh phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Samoa, Anh Cả John H. Groberg đã phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Tonga. Những kinh nghiệm cả hai anh đã có đều được biết đến rộng rãi.

  9. Otto Haleck là một người lãnh đạo giáo dân trong giáo hội Congregational Christian Church of Samoa, là giáo hội có nguồn gốc từ giáo hội London Missionary Society. Cha của ông là người gốc Đức, đến từ Dessau, Đức.

  10. Chủ Tịch Don H. Staheli hiện đang phục vụ với tư cách là chủ tịch Đền Thờ Bountiful Utah.

  11. Chủ Tịch Gordon B. và Chị Marjorie P. Hinckley cùng con gái họ là Jane Hinckley Dudley, Anh Cả Jeffrey R. và Chị Patricia T. Holland, Anh Cả Quentin L. và Chị Mary G. Cook, cùng Anh Don H. Staheli đều có mặt.

  12. Anh Cả O. Vincent Haleck báo với tôi rằng cha của anh đã mời Vince và anh trai David của anh trở về từ hải ngoại để kiểm tra nhà cửa và có mặt cho chuyến viếng thăm của Chủ Tịch Hinckley. Anh Cả Haleck nói rằng cha anh đã tuyên bố: “Đây cũng có thể là những thiên sứ chứ!” Ông bảo các con trai của ông rằng nếu họ muốn đón tiếp vị tiên tri thì nhà cửa phải thật hoàn hảo.

  13. Chủ Tịch Hinckley được giới lãnh đạo quốc gia của Samoa thuộc Mỹ và hàng ngàn người Samoa chào đón ở sân vận động bóng bầu dục.

  14. Việc đoàn tụ gia đình qua công việc truyền giáo một cách chuyên cần là một đặc điểm của cả dân Samoa lẫn các sắc dân Pô Li Nê Di khác.

  15. Chủ Tịch Shute được yêu mến và cảm kích đến mức anh được mời nói chuyện tại đám tang của Otto Haleck vào năm 2006.

  16. “Đôi khi, lúc đầu chúng ta có thể phục vụ vì bổn phận hoặc nhiệm vụ, nhưng ngay cả sự phục vụ đó cũng có thể dẫn chúng ta đến việc đạt được điều cao quý hơn … [để] phục vụ trong ‘một cách tốt lành hơn’ [1 Cô Rinh Tô 12:31]” (Joy D. Jones, “Vì Ngài,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 50).

  17. Xin xem Tad R. Callister, The Infinite Atonement (năm 2000), trang 5–8.

  18. Các tín hữu Giáo Hội nên phối hợp với những người truyền giáo bất cứ khi nào họ đưa ra lời mời.

  19. Chủ Tịch Russell M. Nelson, “Sự Tham Gia của Các Chị Em Phụ Nữ trong Việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 70.

  20. Bản báo cáo của Chủ Tịch B. Jackson và Chị Rosemary M. Wixom, chủ tịch và vợ chủ tịch Đền Thờ Salt Lake, lên Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi, tháng Ba năm 2019. Chủ Tịch và Chị Wixom đã ghi nhận rằng họ “đang đặt mua nhiều y phục báp têm cỡ XXXS hơn để đám ứng nhu cầu!”

  21. Xin xem Russell M. Nelson, “Lời Mở Đầu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 6–8.

  22. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4.

  23. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 145.

  24. “Mỗi người cha đối với gia đình mình là một vị tộc trưởng và mỗi người mẹ là một vị nữ tộc trưởng bình đẳng trong các vai trò cha mẹ riêng của họ” (James E. Faust, “The Prophetic Voice,” Ensign, tháng Năm năm 1996, trang 6).

  25. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:26–27; 88:91.

  26. Russell M. Nelson, “Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 113.

  27. Xin xem “Home Can Be a Heaven on Earth,” Hymns, số 298.

  28. “Giờ Có Mến Yêu trong Nhà Tôi,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 44.

  29. Để có được tình yêu thương như vậy thì lời chỉ dẫn trong Giáo Lý và Giao Ước 121:41–42 nên là mục tiêu:

    “Không có uy quyền hay ảnh hưởng nào có thể hoặc nên được duy trì vì nhờ chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật;

    “Nhờ lòng nhân từ, và sự hiểu biết thuần túy, là những điều sẽ mở rộng tâm hồn con người một cách không giả dối và không gian xảo.”

    Tránh trách mắng trẻ em một cách không thích đáng. Việc khắc phục lỗi lầm và sự thiếu khôn ngoan đòi hỏi sự chỉ dẫn chứ không phải phê bình. Tội lỗi đòi hỏi sự sửa phạt (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:25–27).

  30. Xin xem Russell M. Nelson, “Sự Tham Gia của Các Chị Em Phụ Nữ trong Việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên,” trang 69; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org.

  31. Về một phương diện nào đó, ngôi nhà giống như là một ngôi trường một phòng học dành cho trẻ em thuộc mọi lứa tuổi. Khi giảng dạy đứa trẻ 11 tuổi, chúng ta không thể bỏ mặc đứa trẻ 3 tuổi.

  32. Xin xem Giăng 17:3; 2 Nê Phi 31:20; Mô Rô Ni 7:47.

In