2010–2019
Lắng Nghe Tiếng Nói Của Ngài
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Lắng Nghe Tiếng Nói Của Ngài

Trong một thế giới với quá nhiều tiếng nói tranh giành sự chú ý của chúng ta, Cha Thiên Thượng đã giúp chúng ta để có thể lắng nghe và tuân theo tiếng nói của Ngài.

Sáng sớm hôm nay, em rể của tôi đã đưa cho vợ tôi một lời nhắn mà vợ tôi đã viết cho mẹ mình từ nhiều năm trước. Vào lúc đó, Chị Homer còn là một bé gái. Một phần trong lời nhắn của vợ tôi có viết: “Mẹ thân mến, con xin lỗi vì hôm nay con đã không chia sẻ chứng ngôn của mình—nhưng con yêu mẹ.” Khi chúng tôi đi ăn trưa, tôi đã nghĩ đó là một điều thú vị. Nên tôi ngồi xuống, và viết một lời nhắn rằng: “Thưa Chủ Tịch Nelson, tôi xin lỗi vì tôi đã không nói chuyện ngày hôm nay—nhưng tôi yêu mến chủ tịch.” Và tôi đã không cảm thấy đúng. Cho nên tôi ở đây, và tôi vui mừng để thêm bài nói chuyện của mình vào những bài nói chuyện đã được chia sẻ trong phiên họp này hôm nay.

Cách đây nhiều năm, tôi đã đi trên một chiếc máy bay nhỏ với một phi công mới được chứng nhận điều khiển máy bay. Vào cuối chuyến bay của mình, chúng tôi đã được phép hạ cánh. Nhưng khi đến gần mặt đất, tôi đã nghe tiếng chuông trong buồng lái cảnh báo phi công phải “bay lên.” Người phi công nhìn vào phi công phụ có kinh nghiệm hơn, người đã chỉ xuống về hướng ra xa đường băng, và nói: “Lái theo hướng đó ngay bây giờ!”

Máy bay của chúng tôi nhanh chóng di chuyển sang bên trái và hạ xuống , sau đó bay trở lại độ cao thích hợp, bắt đầu lại thủ tục hạ cánh, và đã tiếp đất an toàn ở đích đến của chúng tôi. Sau đó chúng tôi biết được rằng một máy bay khác vừa được cất cánh. Nếu chúng tôi tuân theo những chỉ dẫn của chuông cảnh báo, chắc chắn chúng tôi sẽ bay vào, thay vì tránh được, chiếc máy bay phía trước. Kinh nghiệm này đã dạy cho tôi hai bài học quan trọng: Thứ nhất, ở những thời điểm quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ nghe thấy nhiều tiếng nói lôi kéo sự chú ý của mình. Và thứ hai, là điều thiết yếu cho chúng ta để lắng nghe những tiếng nói đúng.

Những Tiếng Nói Tranh Đua

Chúng ta sống trong một thế giới với nhiều tiếng nói tranh đua nhằm thu hút sự chú ý của chúng ta. Với tất cả những tin tức thời sự mới nhất, các trang tweet, blog, podcast, và lời khuyên thuyết phục từ Alexa, Siri, cùng nhiều thứ khác, chúng ta có thể thấy thật khó khăn để biết nên tin vào tiếng nói nào. Đôi khi chúng ta tìm kiếm nhiều nguồn hướng dẫn trong cuộc sống của mình, và nghĩ rằng số đông sẽ cung cấp nguồn lẽ thật tốt nhất. Đôi khi chúng ta “đi hai bên,”1 chọn để “không lạnh cũng không nóng.”2 Và đôi khi chúng ta làm theo những gì thuận tiện, tập trung vào một tiếng nói hoặc vấn đề duy nhất để hướng dẫn chúng ta, hay chỉ dựa vào khả năng suy nghĩ của riêng mình.

Mặc dù những phương tiện này có thể hữu ích, nhưng kinh nghiệm dạy rằng không phải lúc nào chúng cũng đáng tin cậy. Những điều phổ biến không phải luôn là những điều tốt nhất. Việc lưỡng lự giữa hai luồng ý kiến không mang lại sự hướng dẫn nào cả. Sự thuận tiện hiếm khi dẫn đến những điều quan trọng. Việc chỉ tập trung vào một tiếng nói hoặc vấn đề có thể làm giảm khả năng hiểu biết của chúng ta. Và việc chỉ dựa vào suy nghĩ của riêng mình có thể dẫn đến việc chúng ta dựa dẫm quá nhiều vào tâm trí tê dại của mình để suy nghĩ. Nếu chúng ta không cẩn thận, những tiếng nói sai lạc có thể kéo chúng ta khỏi đức tin mạnh mẽ nơi các nguyên tắc phúc âm, đến những nơi mà đức tin khó có thể gìn giữ chúng ta, rồi chúng ta thấy trống rỗng, cay đắng và bất mãn hơn.

Lắng Nghe Tiếng Nói Sai Lạc

Tôi xin minh họa ý của mình bằng cách sử dụng một ví dụ tương tự và một ví dụ từ thánh thư. Những người leo núi thường gọi độ cao trên 8.000 mét là “vùng chết” bởi vì, ở độ cao đó không có đủ ô xi để duy trì sự sống. Có một vùng thuộc linh tương đương với vùng chết. Nếu chúng ta dành quá nhiều thời gian ở những nơi không có đức tin, thì dường như những tiếng nói có chủ đích sẽ tước đi sự nuôi dưỡng thuộc linh mà chúng ta cần.

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc về Cô Ri Ho, là người đã có kinh nghiệm như vậy. Hắn đã được nổi tiếng vì những lời giảng dạy của hắn “làm thỏa chí đầu óc trần tục.”3 Hắn nói rằng các bậc cha mẹ và các vị tiên tri dạy những truyền thống điên rồ nhằm để hạn chế sự tự do và duy trì sự ngu dốt.4 Hắn lập luận rằng mọi người nên được tự do để làm bất cứ điều gì họ chọn bởi vì các lệnh truyền chỉ được tạo ra để gò bó sự thuận tiện.5 Đối với hắn, đức tin nơi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là “do ảnh hưởng của một trí óc điên loạn,” được tạo ra bởi đức tin nơi một đấng không thể tồn tại vì Ngài không thể được người ta nhìn thấy.6

Cô Ri Ho tạo ra quá nhiều bất ổn đến nỗi hắn bị mang ra trước vị trưởng phán quan và thầy tư tế thượng phẩm. Ở đó, hắn “cất cao giọng nói lên những lời khoác lác,” chỉ trích những người lãnh đạo và đòi hỏi một điềm triệu. Một điềm triệu được ban xuống. Hắn đã bị câm để không còn thốt lên được lời nào nữa. Sau đó Cô Ri Ho nhận ra hắn đã bị lừa dối, và nghĩ về những lẽ thật quý giá mà hắn đã từ bỏ, hắn than thở: “Tôi cũng đã luôn luôn biết.”7

Sau đó Cô Ri Ho đi ăn xin đến khi bị giày đạp cho đến chết bởi một nhóm người Giô Ram.8 Câu cuối cùng trong câu chuyện của hắn chứa đựng lời nhận xét chín chắn: “Và như vậy là chúng ta càng thấy được rằng, quỷ dữ không nâng đỡ con cái của nó vào ngày sau cùng mà chỉ vội vã kéo chúng xuống ngục giới.”9

Tiếng Nói Đúng

Vì Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn những điều tốt hơn cho chúng ta, nên Ngài đã làm cho chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của Ngài. Thường xuyên nhất, chúng ta lắng nghe Ngài qua những ấn tượng đến từ Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba của Thiên Chủ Đoàn. Ngài làm chứng về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con,10 được gửi đến để “dạy [chúng ta] tất cả mọi điều,”11 và sẽ “chỉ dẫn cho [chúng ta] tất cả mọi việc [chúng ta] phải nên làm.”12

Thánh Linh nói với mỗi người theo những cách khác nhau, và Ngài có thể nói với cùng một người theo những cách khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Do đó, việc học hỏi các cách thức mà Ngài nói với chúng ta là một kinh nghiệm suốt đời. Đôi khi, Ngài nói “trong trí và trong tâm [chúng ta]”13 bằng một giọng nhỏ nhẹ, nhưng mạnh mẽ, xuyên thấu “tận trái tim những người nghe.”14 Đôi khi, những ấn tượng của Ngài “chiếm tâm trí [chúng ta]” hoặc “đè nặng lên những cảm nghĩ của [chúng ta].”15 Đôi khi, tâm can chúng ta sẽ “hừng hực trong [mình].”16 và đôi khi Ngài làm đầy tâm hồn chúng ta với niềm vui, soi sáng tâm trí chúng ta,17 hoặc phán bình an cho tấm lòng phiền muộn của chúng ta .18

Tìm Kiếm Tiếng Nói của Ngài

Chúng ta sẽ tìm thấy tiếng nói của Đức Chúa Cha của chúng ta trong nhiều hoàn cảnh. Chúng ta sẽ tìm thấy tiếng nói của Đức Chúa Cha khi chúng ta cầu nguyện, học tập thánh thư và tham dự nhà thờ, tham gia vào những cuộc thảo luận về phúc âm, hoặc đi đền thờ. Chắc chắn, chúng ta sẽ tìm thấy tiếng nói đó trong đại hội cuối tuần này.

Hôm nay chúng ta đã tán trợ 15 người nam là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Kinh nghiệm và phần thuộc linh của họ cho họ một quan điểm độc đáo mà chúng ta rất cần. Những sứ điệp của họ rất dễ tìm và được nói ra một cách hoàn toàn rõ ràng. Họ nói với chúng ta về những điều Thượng Đế muốn chúng ta biết, kể cả điều đó có phổ biến hay không.19

Việc tìm kiếm tiếng nói của Ngài ở bất kỳ một trong những hoàn cảnh này đều tốt, nhưng nếu tìm kiếm tiếng nói của Ngài ở nhiều trong số những hoàn cảnh này còn tốt hơn. Và khi chúng ta nghe tiếng nói của Ngài, chúng ta cần phải tuân theo sự chỉ dẫn được đưa ra. Vị Sứ Đồ Gia Cơ đã nói: “Hãy Làm Theo Lời, Chớ Lấy Nghe Làm Đủ.”20 Và có lần Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy: “Chúng ta nhìn. Chúng ta chờ đợi. Chúng ta lắng nghe tiếng nói êm ái, nhỏ nhẹ đó. Khi tiếng nói đó cất lên, những người nam và người nữ khôn ngoan vâng theo.”21

Khi Sự Chỉ Dẫn Đến Muộn

Khi tôi mới bắt đầu công việc chuyên môn của mình, chị Homer và tôi được yêu cầu chấp nhận một sự thay đổi công việc. Vào lúc đó, nó dường như là một quyết định lớn lao với chúng tôi. Chúng tôi học tập, chúng tôi nhịn ăn và chúng tôi cầu nguyện, nhưng câu trả lời đến rất muộn. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra quyết định và làm theo. Khi chúng tôi làm vậy, chúng tôi cảm thấy bình an và sớm biết rằng đó là một trong những quyết định tốt nhất mà chúng tôi từng đưa ra.

Từ đó, chúng tôi học được rằng những câu trả lời đôi khi đến muộn. Đó có thể bởi vì chưa đúng thời điểm, bởi câu trả lời là không cần thiết, hoặc bởi vì Thượng Đế tin tưởng chúng ta để tự mình đưa ra quyết định. Có lần Anh Cả Richard G. Scott đã dạy rằng chúng ta nên biết ơn về những lần như vậy và đưa ra lời hứa: “Khi các anh chị em sống một cách xứng đáng và sự chọn lựa phù hợp với những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi và các anh chị em cần phải hành động, thì hãy tiến hành với sự tin cậy. … Thượng Đế sẽ không để cho các anh chị em tiến hành quá xa mà không ban cho một ấn tượng cảnh giác nếu các anh chị em đã chọn quyết định sai.”22

Chúng Ta Phải Lựa Chọn

Và như vậy, giữa những tiếng nói khác nhau, chúng ta cần phải quyết định tiếng nói nào chúng ta sẽ tuân theo. Chúng ta sẽ theo những tiếng nói không đáng tin cậy được thế gian ủng hộ, hay chúng ta sẽ làm những công việc cần thiết để cho phép tiếng nói của Cha chúng ta hướng dẫn chúng ta trong các quyết định của mình và bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm không? Chúng ta càng siêng năng tìm kiếm tiếng nói của Ngài, thì chúng ta càng dễ dàng nghe thấy tiếng nói của Ngài hơn. Đó không phải là do tiếng nói của Ngài trở nên lớn hơn mà là do khả năng nghe của chúng ta đã gia tăng. Đấng Cứu Rỗi đã hứa rằng nếu chúng ta “biết nghe những lời giáo huấn của [Ngài] và để tai nghe lời khuyên răn của [Ngài],” thì Ngài “sẽ ban thêm cho [chúng ta].”23 Tôi làm chứng rằng lời hứa này là thật—cho mỗi người chúng ta.

Gần một năm trước, chúng tôi đã mất đi người anh trai của mình trong một tai nạn ô tô bi thảm. Những năm đầu đời của John đầy hứa hẹn với nhiều tài năng. Nhưng khi lớn lên, với một cơ thể bệnh tật và tâm trí không ổn định khiến cho cuộc sống của anh rất khó khăn. Trong khi sự chữa lành mà anh hi vọng đã không đến trong cuộc sống này, tuy nhiên John vẫn giữ vững đức tin của mình, quyết tâm kiên trì đến cùng, theo hết khả năng của mình.

Bây giờ, tôi biết rằng John không hoàn hảo, nhưng tôi tự hỏi điều gì đã mang đến cho anh ấy sự kiên trì như vậy. Nhiều tiếng nói đã mời gọi anh để hoài nghi và không tuân theo các nguyên tắc phúc âm, nhưng anh đã chọn không nghe theo. Thay vào đó, anh đã cố hết sức để luôn sống theo các nguyên tắc phúc âm. Anh ấy sống theo các nguyên tắc phúc âm vì anh biết mình sẽ tìm thấy tiếng nói của Đức Thầy bằng cách làm điều đó; anh ấy sống theo phúc âm vì anh biết rằng theo cách đó anh sẽ được dạy dỗ.

Kết luận

Anh chị em thân mến, tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng đã giúp chúng ta để có thể lắng nghe và tuân theo tiếng nói của Ngài trong một thế giới với quá nhiều tiếng nói tranh giành sự chú ý của chúng ta. Nếu chúng ta siêng năng, Ngài và Vị Nam Tử của Ngài sẽ ban cho chúng ta sự chỉ dẫn mà chúng ta tìm kiếm, sức mạnh mà chúng ta cần và hạnh phúc mà chúng ta mong muốn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.