2010–2019
Được Chuẩn Bị để Thu Nhận Mọi Điều Cần Thiết
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Được Chuẩn Bị để Thu Nhận Mọi Điều Cần Thiết

Các phước lành sẽ đến khi chúng ta cố gắng làm tròn trách nhiệm cá nhân của mình để học hỏi và yêu mến phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Các chương trình và sinh hoạt của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang trở nên ngày càng đặt trọng tâm nhiều vào trong nhà và được Giáo Hội hỗ trợ, như được minh chứng bởi những thay đổi liên tiếp mà đã được loan báo trong các kỳ đại hội trung ương gần đây. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyên nhủ chúng ta: “Còn nhiều điều nữa sẽ đến. … Anh chị em hãy bổ sung vitamin. Hãy ngủ đủ giấc. Tương lai của Giáo Hội sẽ đầy hào hứng đó.”1

Tôi cầu xin để có Thánh Linh và mời gọi sự giúp đỡ của Ngài khi chúng ta cùng nhau xem xét một vài kết quả đến từ những thay đổi liên tục này trong Giáo Hội phục hồi của Chúa.

Việc Học Hỏi Phúc Âm Đặt Trọng Tâm Trong Nhà và Được Giáo Hội Hỗ Trợ

Anh Cả Craig C. Christensen và tôi đã đồng hành với nhau trong một đại hội giới lãnh đạo chức tư tế mới đây, và ông đã sử dụng hai câu hỏi đơn giản để nhấn mạnh nguyên tắc đặt trọng tâm trong nhà và được Giáo Hội hỗ trợ. Ông đề nghị rằng thay vì quay về nhà chúng ta sau các buổi họp Giáo Hội vào ngày Chủ Nhật và hỏi: “Hôm nay mọi người đã học được gì về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài tại nhà thờ?” thì chúng ta nên hỏi trong các buổi họp Giáo Hội của mình rằng: “Tuần này anh chị em đã học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài ở nhà?” Việc tuân giữ đúng ngày Sa Bát, chương trình giảng dạy mới, và lịch trình nhóm họp được sửa đổi, tất cả đều giúp chúng ta học hỏi phúc âm cả ở nhà lẫn ở nhà thờ.

Mỗi tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có một trách nhiệm cá nhân là học hỏi và sống theo những lời giảng dạy của Chúa và tiếp nhận những giáo lễ cứu rỗi và tôn cao bởi thẩm quyền hợp thức. Chúng ta không nên kỳ vọng Giáo Hội là một tổ chức giảng dạy hoặc nói cho chúng ta mọi điều chúng ta cần phải biết và làm để trở thành những môn đồ tận tụy và kiên trì một cách dũng cảm cho đến cùng.2 Thay vì thế, trách nhiệm cá nhân của chúng ta là học điều chúng ta nên học, và sống theo điều chúng ta biết là nên sống, và trở thành người mà Đấng Thầy muốn chúng ta trở thành. Và mái nhà của chúng ta là nơi tốt nhất để học hỏi, sống theo, và trở thành.

Khi còn nhỏ, Joseph Smith đã học về Thượng Đế từ gia đình ông. Những nỗ lực nhằm khám phá ra ý muốn của Thượng Đế dành cho ông đã khiến Joseph tìm kiếm lẽ thật giữa nhiều giáo phái Ky Tô khác nhau, chuyên cần suy ngẫm thánh thư, và chân thành cầu nguyện lên Thượng Đế. Khi Joseph Smith trẻ tuổi trở về nhà từ Khu Rừng Thiêng Liêng ngay sau sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, ông đã nói chuyện với mẹ ông trước tiên. Khi ông “đang đứng dựa bên lò sưởi thì mẹ [ông] hỏi [ông] làm sao vậy. [Joseph] đáp: ‘Thưa mẹ, con chẳng sao hết, con vẫn như thường.’ Kế đó [ông] nói với mẹ [ông]: ‘Con vừa [biết được cho chính mình].’”3 Kinh nghiệm của Joseph đã cho thấy một mẫu mực học hỏi đầy quyền năng mà mỗi chúng ta nên làm theo. Chúng ta cũng cần phải biết được cho chính chúng ta.

Mục đích chính yếu của kế hoạch của Cha Thiên Thượng là để cho con cái Ngài trở nên giống như Ngài. Theo đó, Ngài cung ứng cho chúng ta những cơ hội cần thiết để phát triển và tiến bộ. Cam kết của chúng ta để học hỏi và sống theo lẽ thật thì càng thêm quan trọng trong một thế giới “[đầy] xáo động”4 với sự hỗn độn và tà ác ngày càng gia tăng hơn. Chúng ta không thể kỳ vọng là chỉ tham dự các buổi họp và tham gia vào các chương trình rồi từ đó nhận được mọi sự tăng trưởng và bảo vệ về mặt thuộc linh mà sẽ làm cho chúng ta có thể “cự địch lại [trong ngày tà ác].”5

“Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính.”6 Các vị lãnh đạo Giáo Hội, các giảng viên đầy soi dẫn, và những sinh hoạt đều giúp đỡ những nỗ lực của cá nhân và gia đình để phát triển về mặt thuộc linh. Và mặc dù tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ để tiến bước trên con đường giao ước, trách nhiệm cuối cùng trong việc gia tăng sức mạnh thuộc linh và khả năng chịu đựng là thuộc về mỗi người chúng ta.

Hãy nhớ lại cách mà Nê Phi, con trai của tiên tri Lê Hi, đã ước ao được thấy, nghe, và biết cho chính mình nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh về những điều mà cha ông đã học được trong khải tượng về cây sự sống. Nê Phi rõ ràng đã cần và được ban phước trong tuổi thanh xuân của ông nhờ tấm gương và những lời chỉ dạy của cha mẹ ông trong “gia đình nề nếp.”7 Mặc dù vậy, cũng giống như Joseph Smith, ông khát khao được học hỏi và biết cho chính mình.

Nếu tất cả những gì anh chị em và tôi biết về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài là qua điều người khác giảng dạy hoặc chia sẻ với chúng ta, thì nền tảng chứng ngôn của chúng ta về Ngài và công việc ngày sau đầy vinh quang của Ngài đang được cất trên cát.8 Chúng ta không thể hoàn toàn dựa trên hoặc mượn ánh sáng cùng sự hiểu biết phúc âm từ người khác—thậm chí từ những người chúng ta yêu thương và tin tưởng.

Đáng kể là Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng mỗi Thánh Hữu Ngày Sau cần phải hiểu cho chính mình “những dự định và mục đích của Thượng Đế trong việc chúng ta sinh ra đời.”9

“[Ngay cả nếu] chúng ta có thể đọc và thấu hiểu tất cả những gì đã được viết ra từ thời A Đam, về mối quan hệ của con người với Thượng Đế và các thiên sứ trong trạng thái mai sau, thì chúng ta [vẫn] biết rất ít về điều đó. Việc đọc kinh nghiệm của những người khác, hoặc điều mặc khải được ban cho họ, không bao giờ có thể mang đến cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về tình trạng và mối quan hệ đích thực của chúng ta với Thượng Đế. Sự hiểu biết về những điều này chỉ có thể nhận được bằng kinh nghiệm qua các giáo lễ của Thượng Đế đã được quy định cho mục đích đó.10

Việc giúp đạt được mục tiêu thuộc linh vĩ đại này cho các cá nhân và gia đình là một trong những lý do chính yếu khiến cho các chương trình và sinh hoạt của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang ngày càng được đặt trọng tâm trong nhà và được Giáo Hội hỗ trợ trong thời gian cụ thể này thuộc gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn.

Những Kết Luận về Sự Học Hỏi Đặt Trọng Tâm Trong Nhà và Được Giáo Hội Hỗ Trợ

Xin phép cho tôi tổng kết một vài kết luận cơ bản rút ra từ việc học hỏi phúc âm đang ngày càng được đặt trọng tâm nhiều hơn trong nhà và được Giáo Hội hỗ trợ.

Trung tâm huấn luyện truyền giáo tốt nhất là ở trong nhà chúng ta; các trung tâm huấn luyện truyền giáo phụ nằm ở Provo, Manila, Mexico City, và các địa điểm khác. Các lớp học Trường Chủ Nhật hữu ích nhất nên là việc học tập cá nhân và gia đình của chúng ta ở ngay tại nơi cư ngụ của mình; những lớp học Trường Chủ Nhật tuy có ích nhưng vẫn thứ yếu thì được tổ chức trong các nhà hội của chúng ta.

Các trung tâm lịch sử gia đình hiện đang có ở trong nhà của chúng ta. Sự hỗ trợ bổ sung cho công việc tìm kiếm lịch sử gia đình của chúng ta cũng có sẵn tại các nhà hội.

Các lớp học cần thiết để chuẩn bị đi đền thờ diễn ra trong nhà của chúng ta; còn các lớp học chuẩn bị đi đền thờ tuy quan trọng nhưng thứ yếu cũng có thể được thỉnh thoảng tổ chức trong các nhà hội của chúng ta.

Việc thánh hóa nhà của chúng ta để cho chúng ta có thể “đứng vững ở những nơi thánh thiện”11 thật là thiết yếu trong những ngày sau này. Và cũng quan trọng như việc học hỏi được đặt trọng tâm trong nhà và được Giáo Hội hỗ trợ là vì sức mạnh thuộc linh và sự bảo vệ của chúng ta ngày nay, thì trong tương lai việc này sẽ càng cần thiết hơn nữa.

Việc Học Hỏi Đặt Trọng Tâm Trong Nhà và Được Giáo Hội Hỗ Trợ và Sự Chuẩn Bị Đi Đền Thờ

Xin xem xét cách mà nguyên tắc “đặt trọng tâm trong nhà và được Giáo Hội hỗ trợ” áp dụng vào sự chuẩn bị và sự xứng đáng cá nhân của chúng ta để nhận được các giáo lễ và giao ước thiêng liêng trong nhà của Chúa.

Thật vậy, sự chuẩn bị để đi đền thờ sẽ được hữu hiệu nhất trong nhà chúng ta. Nhưng nhiều tín hữu Giáo Hội lại không chắc chắn về điều gì là thích hợp để có thể nói và không thể được nói về kinh nghiệm trong đền thờ ở bên ngoài đền thờ.

Chủ Tịch Ezra Taft Benson mô tả lý do tại sao lại có sự mơ hồ này:

“Đền thờ là một nơi thiêng liêng, và các giáo lễ trong đền thờ mang đậm tính thiêng liêng. Bởi vì sự thiêng liêng đó mà đôi khi chúng ta miễn cưỡng để nói bất cứ điều gì về đền thờ cho con cháu của mình.

“Kết quả là nhiều người trong số họ không phát triển một ước muốn thật sự để đi đền thờ, hoặc khi họ đi đến đó, họ không có nhiều thông tin để chuẩn bị bản thân cho những bổn phận và giao ước mà họ sẽ lập.

“Tôi tin một sự hiểu biết hoặc thông tin đúng sẽ cực kỳ giúp ích cho giới trẻ của chúng ta chuẩn bị đi đền thờ … [và] sẽ nuôi dưỡng trong họ một ước muốn tìm kiếm các phước lành chức tư tế của họ tương tự với cách mà Áp Ra Ham đã tìm kiếm.”12

Hai chỉ dẫn căn bản sau đây có thể giúp chúng ta đạt được sự hiểu biết đúng mà Chủ Tịch Benson đã nhấn mạnh.

Chỉ dẫn số 1. Bởi vì chúng ta yêu thương Chúa, chúng ta luôn luôn phải nói về ngôi nhà thánh của Ngài với sự trang nghiêm. Chúng ta không được tiết lộ hay mô tả các biểu tượng đặc biệt liên quan đến các giao ước mà chúng ta tiếp nhận trong các nghi lễ đền thờ thiêng liêng. Chúng ta cũng không được thảo luận thông tin thánh mà chúng ta đã hứa rõ ràng trong đền thờ là sẽ không tiết lộ.

Chỉ dẫn số 2. Đền thờ là nhà của Chúa. Mọi thứ trong đền thờ dẫn chúng ta hướng về Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có thể thảo luận các mục đích căn bản của đền thờ và giáo lý cùng các nguyên tắc đi kèm với các giáo lễ và giao ước đền thờ.

Chủ Tịch Howard W. Hunter đã khuyên nhủ rằng: ″Chúng ta hãy chia sẻ với con cái của mình những cảm nghĩ thiêng liêng mà chúng ta có trong đền thờ. Và chúng ta hãy nghiêm túc và thoải mái hơn khi giảng dạy cho chúng những sự việc mà chúng ta có thể nói một cách thích hợp về các mục đích của ngôi nhà của Chúa.”13

Qua nhiều thế hệ từ Tiên Tri Joseph Smith đến Chủ Tịch Rusell M. Nelson, các mục đích giáo lý của các giáo lễ và giao ước đền thờ đã được các vị lãnh đạo Giáo Hội giảng dạy chi tiết.14 Các nguồn tài liệu dồi dào có ở dạng bản in, âm thanh, video, và các dạng khác giúp chúng ta học về các giáo lễ thanh tẩy, lễ thiên ân, lễ hôn phối, và các giáo lễ gắn bó khác.15 Thông tin cũng có sẵn về cách noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng việc tiếp nhận và tôn trọng các giao ước để tuân giữ luật vâng lời, luật hy sinh, luật pháp phúc âm, luật trinh khiết, và luật dâng hiến.16 Tất cả các tín hữu Giáo Hội nên quen thuộc với các tài liệu tuyệt vời có sẵn tại trang mạng temples.ChurchofJesusChrist.org.

Hình Ảnh
temples.churchofjesuschrist.org

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhấn mạnh đến sự cân bằng cần thiết giữa tính chất thiêng liêng của các nghi lễ đền thờ và thông tin quý giá về đền thờ do Giáo Hội xuất bản mà chính xác, thích hợp, và được công bố rộng rãi. Ông giải thích rằng: “Tôi khuyên nhủ các tín hữu … nên đọc những mục trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư nói về đền thờ, như ‘Chuộc Tội,’ ‘Giao Ước,’ ‘Hy Sinh,’ và ‘Đền Thờ.’ Một người cũng có thể muốn đọc Xuất Ê Díp Tô Ký, các chương 26–29, và Lê Vi Ký, chương 8. Kinh Cựu Ước, cũng như các sách Môi SeÁp Ra Ham trong Trân Châu Vô Giá, nhấn mạnh đến những khởi đầu xa xưa của công việc đền thờ và tính chất vĩnh viễn của các giáo lễ đền thờ.”17

Hình Ảnh
Video về Y Phục Đền Thờ Thiêng Liêng

Vì thế, hãy tưởng tượng là con trai hoặc con gái của anh chị em hỏi rằng: “Có người ở trường nói với con là trong đền thờ người ta mặc quần áo kỳ lạ. Có đúng không ạ?” Có một đoạn video ngắn trên trang mạng temples.churchofjesuschirst.org mang tựa đề “Sacred Temple Clothing (Y Phục Đền Thờ Thiêng Liêng).” Tài liệu tuyệt vời này giải thích cách mà từ thời xa xưa những người nam và nữ đã chấp nhận âm nhạc thiêng liêng, các hình thức cầu nguyện khác, y phục tôn giáo mang tính biểu tượng, cử chỉ, và những lễ nghi để biểu lộ cảm giác trong thâm tâm của họ về lòng tin kính đối với Thượng Đế. Do đó, Giáo Hội hỗ trợ cho sự chuẩn bị tại nhà để tiếp nhận những phước lành đầy vinh quang của đền thờ qua sự chỉ dẫn cơ bản và các nguồn tài liệu đặc biệt như đoạn video này. Nhiều thông tin hữu ích đang có sẵn cho anh chị em.18

Khi chúng ta nỗ lực bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh của Chúa,19 chúng ta sẽ được ban phước để hiểu và đạt được trong nhà mình sự cân bằng cần thiết giữa điều gì là phù hợp và điều gì là không phù hợp để thảo luận về các giáo lễ và giao ước thiêng liêng của đền thờ.

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Tôi cho rằng một số anh chị em có thể đang tự hỏi liệu việc học phúc âm của anh chị em có thể thật sự đặt trọng tâm trong nhà và được Giáo Hội hỗ trợ không. Có lẽ anh chị em là tín hữu Giáo Hội duy nhất trong nhà mình, hoặc có một người phối ngẫu không chịu hỗ trợ, hoặc là một người cha hoặc mẹ đơn thân, hay là một Thánh Hữu Ngày Sau sống một mình không kết hôn hoặc đã ly dị, và anh chị em có thể thắc mắc là những nguyên tắc này áp dụng như thế nào cho mình. Anh chị em có thể là vợ chồng đang nhìn nhau và hỏi: “Chúng ta có thể làm được điều này không?”

Vâng, anh chị em có thể làm được điều này! Tôi hứa rằng các phước lành giúp củng cố sẽ liên tục đến và thật hiển nhiên trong cuộc sống của anh chị em. Cửa sẽ mở ra. Ánh sáng sẽ soi rọi. Khả năng của anh chị em sẽ được gia tăng để có thể bền chí một cách chuyên tâm và kiên nhẫn.

Tôi vui mừng làm chứng rằng các phước lành bù đắp cho những thử thách và nỗi vất vả của anh chị em sẽ đến khi chúng ta nỗ lực làm tròn trách nhiệm cá nhân của mình để học hỏi và yêu thương phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta thật sự có thể “được chuẩn bị để thu nhận mọi điều cần thiết.”20 Tôi hứa và làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In