2010–2019
Những Sự Đáp Ứng cho Lời Cầu Nguyện
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Những Sự Đáp Ứng cho Lời Cầu Nguyện

Đức Chúa Cha biết chúng ta, biết các nhu cầu của chúng ta và sẽ giúp chúng ta một cách trọn vẹn.

Một giáo lý phúc âm quan trọng và đầy an ủi của Chúa Giê Su Ky Tô là Cha Thiên Thượng của chúng ta có tình yêu thương trọn vẹn dành cho con cái của Ngài. Vì tình yêu thương trọn vẹn đó nên Ngài ban phước cho chúng ta không những theo ước muốn và nhu cầu của chúng ta mà còn theo sự thông sáng vô hạn của Ngài. Như tiên tri Nê Phi đã nói một cách đơn giản: “Tôi biết [Thượng Đế] yêu thương con cái của Ngài.”1

Một khía cạnh của tình yêu thương trọn vẹn đó là sự tham dự của Cha Thiên Thượng vào các chi tiết của cuộc sống chúng ta, cho dù chúng ta có thể không nhận biết hoặc hiểu được điều đó. Chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn và giúp đỡ thiêng liêng của Đức Chúa Cha qua lời cầu nguyện chân thành, tha thiết. Khi tôn trọng các giao ước của mình và cố gắng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn thì chúng ta được quyền nhận hưởng một dòng2 hướng dẫn thiêng liêng liên tục qua ảnh hưởng và sự soi dẫn của Đức Thánh Linh.

Thánh thư dạy chúng ta: “Vì Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài,”3 và Ngài “biết hết mọi vật, vì tất cả mọi vật đều ở trước mắt [Ngài].”4

Tiên tri Mặc Môn là một ví dụ về điều này. Ông không sống để thấy kết quả của công việc mình. Tuy nhiên, ông hiểu rằng Chúa đang thận trọng hướng dẫn ông. Khi cảm thấy được soi dẫn để gồm các bảng khắc nhỏ của Nê Phi vào với biên sử của mình, Mặc Môn đã viết: “Và tôi đã làm vậy vì mục đích thông sáng; vì tôi đã được thầm nhủ bởi những tác động của Thánh Linh của Chúa hằng có trong tôi. Và giờ đây, tôi không hiểu hết mọi sự vật, nhưng Chúa hiểu hết mọi điều sẽ xảy ra trong tương lai; vậy nên, Ngài đã tác động tôi làm theo ý muốn của Ngài.”5 Mặc dù Mặc Môn đã không biết về việc 116 trang bản thảo sẽ bị mất trong tương lai nhưng Chúa đã biết và đã chuẩn bị một cách để vượt qua trở ngại đó từ lâu trước khi nó xảy ra.

Đức Chúa Cha biết chúng ta, biết các nhu cầu của chúng ta và sẽ giúp chúng ta một cách trọn vẹn. Đôi khi sự giúp đỡ đó được đưa ra ngay lúc đó hoặc ít nhất là ngay sau khi chúng ta cầu xin sự giúp đỡ thiêng liêng. Đôi khi những ước muốn tha thiết và xứng đáng nhất của chúng ta không được đáp ứng theo cách chúng ta hy vọng, nhưng chúng ta thấy Thượng Đế có các phước lành lớn lao hơn dành cho chúng ta trong tương lai. Và đôi khi, những ước muốn ngay chính của chúng ta không được đáp ứng trong cuộc sống này. Tôi sẽ minh họa, qua ba câu chuyện khác nhau, những cách mà Cha Thiên Thượng của chúng ta có thể đáp ứng những lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta lên Ngài.

Con trai út của chúng tôi được kêu gọi phục vụ truyền giáo ở Phái Bộ Truyền Giáo France Paris. Để chuẩn bị phục vụ, chúng tôi đã đi với nó để mua những chiếc áo sơ mi, những bộ vét, cà vạt, vớ thường dùng và một cái áo khoác. Rủi thay, cái áo khoác mà nó muốn không có sẵn với kích cỡ nó cần. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng nói rằng cái áo khoác đó sẽ có sẵn trong một vài tuần và sẽ được chuyển đến trung tâm huấn luyện truyền giáo ở Provo trước khi con trai của chúng tôi đi Pháp. Chúng tôi trả tiền cho cái áo khoác và không nghĩ thêm gì nữa về cái áo đó.

Con trai của chúng tôi vào trung tâm huấn luyện truyền giáo vào tháng Sáu, và cái áo khoác được gửi đến vào tháng Tám chỉ vài ngày trước ngày khởi hành đã định của nó. Nó không thử cái áo khoác mà vội vã bỏ vào hành lý cùng với quần áo và các vật dụng khác của nó.

Khi mùa đông sắp đến ở Paris, nơi mà con trai chúng tôi đang phục vụ, nó viết thư cho chúng tôi biết rằng nó đã lấy cái áo khoác ra, mặc thử nhưng thấy rằng cái áo đó quá nhỏ. Do đó, chúng tôi đã phải gửi thêm tiền vào tài khoản ngân hàng của nó để nó có thể mua một cái áo khoác khác ở Paris, và nó đã làm như vậy. Với một chút bực bội, tôi đã viết thư bảo nó hãy cho cái áo khoác đó đi vì nó không thể mặc được.

Về sau, tôi đã nhận được một email này từ nó: “Trời ở đây rất lạnh. … Gió dường như thổi thẳng vào người chúng con, mặc dù cái áo khoác mới của con rất ấm và khá nặng. … Con đã tặng cái áo khoác cũ của con cho [một người truyền giáo khác trong căn hộ của chúng con], anh ấy nói rằng anh ấy đã cầu nguyện để có được một cái áo khoác ấm hơn. Anh ấy là một người cải đạo được vài năm và anh ấy chỉ có mẹ của mình … và người truyền giáo đã báp têm cho anh ấy giúp đỡ anh ấy trong công việc truyền giáo của anh ấy và vì vậy cái áo khoác là một sự đáp ứng cho lời cầu nguyện, vì vậy con cảm thấy rất vui về điều đó.”6

Cha Thiên Thượng biết rằng người truyền giáo này đang phục vụ ở Pháp cách xa nhà khoảng 10.000 kilômét sẽ rất cần một cái áo khoác mới cho một mùa đông lạnh lẽo ở Paris, nhưng người truyền giáo này sẽ không có tiền để mua một cái áo khoác. Cha Thiên Thượng cũng biết rằng con trai của chúng tôi sẽ nhận được từ cửa hàng quần áo ở Provo, Utah, một cái áo khoác quá nhỏ. Ngài biết rằng hai người truyền giáo này sẽ cùng phục vụ ở Paris và cái áo khoác đó sẽ là sự đáp ứng cho lời cầu nguyện khiêm nhường và tha thiết của một người truyền giáo có nhu cầu cấp bách.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy:

“Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì không hề một con nào rơi xuống đất.

“Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi.

“Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ.”7

Trong các tình huống khác, khi những ước muốn xứng đáng của chúng ta không được đáp ứng theo cách chúng ta đã hy vọng, thì điều đó thực sự có thể là vì lợi ích tột bậc của chúng ta. Ví dụ, Giô Sép, con trai của Gia Cốp, bị các anh của ông ganh tị và ghét bỏ đến mức họ âm mưu giết Giô Sép. Thay vì thế, họ đã bán ông để làm nô lệ ở Ai Cập.8 Nếu có một người nào đó có thể đã cảm thấy rằng những lời cầu nguyện của mình đã không được đáp ứng theo cách mình đã hy vọng, thì người đó có thể là Giô Sép. Trong thực tế, nỗi bất hạnh hiển nhiên của ông đã mang lại các phước lành lớn lao cho ông và đã cứu gia đình ông khỏi nạn đói. Về sau, sau khi đã trở thành một vị lãnh đạo đáng tin cậy ở Ai Cập, với đức tin và sự thông sáng tuyệt vời, ông nói với các anh của mình:

“Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh.

“Kìa, hai năm rồi trong xứ đã bị đói kém, và còn năm năm nữa sẽ không còn cày cấy chi, gặt hái chi được hết.

“Đức Chúa Trời sai tôi đến đây trước, đặng làm cho các anh còn nối dòng trên mặt đất, và nương một sự giải cứu lớn đặng giữ gìn sự sống cho anh em.

“Không, chẳng phải các anh sai tôi đến đây đâu, ấy là Đức Chúa Trời.”9

Khi còn học đại học, con trai đầu lòng của chúng tôi đã được thuê làm một công việc bán thời gian rất tốt dành cho sinh viên mà có khả năng dẫn đến một công việc tuyệt vời, lâu dài sau khi tốt nghiệp. Nó đã chăm chỉ làm công việc này dành cho sinh viên trong bốn năm, đã trở nên rất tinh thông, và được các đồng nghiệp và giám thị kính trọng. Vào năm cuối đại học, hầu như đã được Thượng Đế sắp đặt sẵn (ít nhất là theo cách suy nghĩ của con trai chúng tôi), một việc làm vĩnh viễn được mở ra và nó là ứng viên hàng đầu, với mọi dấu hiệu và kỳ vọng rằng, thực sự, nó sẽ nhận được việc làm đó.

Vậy mà nó đã không được nhận. Không ai trong chúng tôi có thể hiểu được. Nó đã chuẩn bị kỹ, được phỏng vấn rất suôn sẻ, là ứng viên có đủ điều kiện nhất, và đã cầu nguyện với nhiều hy vọng và kỳ vọng! Nó đã thất vọng não nề và chán nản, và không ai trong chúng tôi có thể hiểu được lý do nó không được nhận. Tại sao Thượng Đế đã bỏ rơi nó trong ước muốn ngay chính của nó?

Phải đến vài năm sau sự đáp ứng mới trở nên rõ ràng. Nếu nhận được việc làm lý tưởng này sau khi tốt nghiệp, thì có lẽ nó đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng thay đổi cuộc sống mà giờ đây đã được chứng minh là vì lợi ích và phước lành vĩnh cửu của nó. Thượng Đế đã biết sự cuối cùng từ lúc ban đầu (Ngài vẫn luôn như thế), và trong trường hợp này, sự đáp ứng cho nhiều lời cầu nguyện ngay chính là không được, để cho một kết quả tốt hơn nhiều có thể xảy ra.

Và đôi khi, sự đáp ứng cho lời cầu nguyện mà chúng ta tìm kiếm một cách ngay chính, cấp bách và tha thiết không được ban cho trong cuộc sống này.

Chị Patricia Parkinson sinh ra với thị lực bình thường, nhưng năm bảy tuổi, chị bắt đầu bị mù. Lúc chín tuổi, Pat bắt đầu đi học ở trường Utah Schools for the Deaf and Blind (Trường Học dành cho Người Điếc và Người Mù Utah) ở Ogden, Utah, cách nhà chị khoảng 145 kilômét, buộc chị phải sống nội trú—mà khiến cho một đứa bé chín tuổi có thể trải qua nỗi nhớ nhà rất nhiều.

Đến năm 11 tuổi, chị đã hoàn toàn mất thị lực. Pat trở về nhà vĩnh viễn ở tuổi 15 để theo học trường trung học địa phương. Chị tiếp tục học đại học và tốt nghiệp với bằng nghiên cứu rối loạn giao tiếp và tâm lý học, và sau một cuộc đấu tranh anh dũng chống lại các viên chức tuyển sinh đại học đầy nghi ngờ, chị vào học hậu đại học và tốt nghiệp với bằng cao học về nghiên cứu bệnh lý về rối loạn giao tiếp. Pat hiện làm việc với 53 học sinh tiểu học và giám sát bốn kỹ thuật viên về ngôn ngữ nói trong học khu của chị. Chị có nhà riêng và ô tô riêng mà bạn bè và những người trong gia đình lái khi Pat cần đi lại.

Hình Ảnh
Chị Patricia Parkinson

Năm 10 tuổi, Pat đã được hoạch định để có một thủ thuật y khoa khác để điều trị thị lực đang giảm dần của chị. Cha mẹ của chị luôn nói cho chị biết chính xác điều sắp xảy ra về mặt chăm sóc y khoa của chị, nhưng vì một lý do nào đó, họ đã không nói với chị về thủ thuật đặc biệt này. Khi cha mẹ chị nói với chị rằng thủ thuật này đã được hoạch định thì Pat, theo lời của mẹ chị, trở nên “quẫn trí.” Pat chạy sang phòng khác nhưng về sau quay lại và nói với cha mẹ của chị với một chút phẫn nộ: “Con nói cho cha mẹ nghe. Con biết điều đó, Thượng Đế biết điều đó, và chắc cha mẹ cũng có thể biết điều đó. Con sẽ bị mù trong suốt quãng đời còn lại của con!”

Vài năm trước đó, Pat đã tới California để thăm những người trong gia đình đang sống ở đó. Trong khi ở bên ngoài với đứa cháu trai ba tuổi của mình, nó nói với chị: “Cô Pat ơi, tại sao cô không cầu xin Cha Thiên Thượng ban cho cô đôi mắt mới? Vì nếu cô cầu xin Cha Thiên Thượng, thì Ngài sẽ ban cho cô bất cứ điều gì cô muốn. Cô chỉ cần cầu xin Ngài thôi mà.”

Pat nói rằng chị đã ngạc nhiên trước câu hỏi đó nhưng trả lời: “À, đôi khi Cha Thiên Thượng không làm như thế. Thỉnh thoảng, Ngài cần ta học một điều gì đó, và vì thế Ngài không ban cho ta mọi điều ta muốn. Đôi khi ta cần phải chờ. Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi biết rõ nhất điều gì là tốt cho chúng ta và điều gì chúng ta cần. Vì vậy, hai Ngài sẽ không ban cho ta mọi điều ta muốn trong thời điểm mà ta muốn.”

Tôi đã biết Pat trong nhiều năm và mới đây đã nói với chị ấy rằng tôi ngưỡng mộ việc chị ấy luôn lạc quan và vui vẻ. Chị ấy đáp: “Vâng, anh đã không ở nhà với tôi, phải không? Tôi cũng có lúc này, lúc khác. Tôi đã có những cơn trầm cảm khá nghiêm trọng và tôi đã khóc rất nhiều.” Tuy nhiên, chị nói thêm: “Ngay từ khi tôi bắt đầu mất thị lực, điều đó thật lạ, nhưng tôi biết rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi đã ở cùng với gia đình tôi và tôi. Chúng tôi đã đối phó với điều đó theo cách tốt nhất với khả năng của mình, và theo tôi nghĩ, chúng tôi đã đối phó đúng cách với điều đó. Cuối cùng tôi đã trở thành một người đủ thành công và nói chung tôi là một người hạnh phúc. Tôi nhớ rằng ảnh hưởng của Ngài ở trong mọi điều. Đối với những người nào hỏi tôi có tức giận vì tôi bị mù không, thì tôi đáp: ‘Tôi tức giận ai? Cha Thiên Thượng ở với tôi trong tình huống này; tôi không đơn độc một mình. Ngài ở bên tôi mọi lúc.’”

Trong trường hợp này, ước muốn của Pat để lấy lại thị lực của chị sẽ không được đáp ứng trong cuộc sống này. Nhưng phương châm của chị ấy, học được từ cha của chị, là “Rồi cũng sẽ qua thôi.”10

Chủ Tịch Henry B. Eyring nói: “Cha Thiên Thượng ngay vào giây phút này quan tâm đến anh chị em, đến những cảm giác của anh chị em, và các nhu cầu thuộc linh và thế tục của mọi người xung quanh anh chị em.”11 Lẽ thật tuyệt vời và đầy an ủi này có thể được tìm thấy trong ba kinh nghiệm mà tôi đã kể lại.

Thưa anh chị em, đôi khi những lời cầu nguyện của chúng ta được đáp ứng nhanh chóng với kết quả mà chúng ta hy vọng nhận được. Đôi khi, những lời cầu nguyện của chúng ta không được đáp ứng theo cách chúng ta hy vọng nhận được, nhưng với thời gian chúng ta biết rằng Thượng Đế đã có những phước lành lớn lao được chuẩn bị cho chúng ta hơn là chúng ta dự đoán được lúc đầu. Và đôi khi những lời cầu xin ngay chính của chúng ta lên Thượng Đế sẽ không được đáp ứng trong cuộc sống này.12 Như Anh Cả Neal A. Maxwell đã nói: “Đức tin cũng bao gồm sự tin cậy vào kỳ định của Thượng Đế.”13

Chúng ta có sự bảo đảm rằng theo cách riêng của Ngài và theo kỳ định riêng của Ngài, Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho chúng ta và giải quyết tất cả những mối quan tâm, sự bất công và nỗi thất vọng của chúng ta.

Xin trích dẫn lời của Vua Bên Gia Min: “Và ngoài ra, tôi mong rằng các người hãy nên suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Vì này, họ được ban phước lành trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần; và nếu họ trung thành cho đến cùng thì họ sẽ được thu nhận vào thiên thượng, để nhờ đó họ có thể ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận. Hãy ghi nhớ, hãy ghi nhớ rằng những điều này là có thật; vì Đức Chúa Trời đã phán vậy.”14

Tôi biết rằng Thượng Đế nghe những lời cầu nguyện của chúng ta.15 Tôi biết rằng với tư cách là một Đức Chúa Cha toàn tri, nhân từ, Ngài đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta một cách trọn vẹn, theo sự thông sáng vô hạn của Ngài, và theo những cách mà sẽ mang lại lợi ích và phước lành tột bậc cho chúng ta. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In