2010–2019
Được Phước Lành Nhiều
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Được Phước Lành Nhiều

Hầu hết các phước lành mà Thượng Đế mong muốn ban cho chúng ta đều đòi hỏi chúng ta phải hành động—hành động dựa trên đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Các anh chị em thân mến của tôi, Cha Thiên Thượng của chúng ta và Chúa Giê Su Ky Tô mong muốn ban phước cho mỗi người chúng ta.1 Câu hỏi làm thế nào để tiếp cận và nhận được những phước lành đó đã trở thành chủ đề của cuộc tranh luận và thảo luận thần học trong nhiều thế kỷ.2 Một số người cho rằng các phước lành hoàn toàn do tự kiếm được; chúng ta nhận các phước lành chỉ qua các việc làm của mình. Những người khác tranh luận rằng Thượng Đế đã chọn sẵn người và cách mà Ngài sẽ ban phước rồi—và rằng những sự quyết định này là không thể thay đổi. Cả hai quan điểm về cơ bản đều không hoàn chỉnh. Các phước lành từ thiên thượng không tự kiếm được bằng việc tích lũy một cách điên cuồng “những phiếu việc tốt,” hay việc bất lực chờ đợi để xem liệu chúng ta có trúng xổ số phước lành hay không. Không, lẽ thật tinh tế hơn nhiều nhưng cũng phù hợp hơn cho mối quan hệ giữa một Cha Thiên Thượng đầy tình yêu thương và những người thừa kế tiềm năng của Ngài—là chúng ta. Lẽ thật phục hồi biểu lộ rằng các phước lành không bao giờ tự kiếm được, nhưng những hành động được đức tin soi dẫn từ phía chúng ta, cả ban đầu và liên tục, là điều thiết yếu.3

Hình Ảnh
Đống gỗ

Khi chúng ta suy ngẫm làm thế nào để nhận được các phước lành từ Thượng Đế, chúng ta hãy ví các phước lành của thiên thượng với một đống gỗ lớn. Hãy tưởng tượng ở chính giữa là một đống mồi nhóm lửa, được phủ một lớp gỗ vụn. Tiếp theo là những que củi, sau đó là những khúc gỗ nhỏ, và cuối cùng là những khúc gỗ lớn. Đống gỗ này chứa một lượng nhiên liệu khổng lồ, có khả năng tạo ra ánh sáng và nhiệt trong nhiều ngày. Hãy hình dung bên cạnh đống gỗ là một que diêm duy nhất, loại có phốt pho ở đầu diêm.4

Hình Ảnh
Đống gỗ với que diêm

Để năng lượng trong đống gỗ được thải ra, que diêm cần được quẹt và nhóm lửa. Đống mồi nhóm sẽ nhanh chóng bắt lửa và khiến những mảnh gỗ lớn hơn bị đốt cháy. Một khi phản ứng cháy này bắt đầu, nó sẽ tiếp tục cho đến khi tất cả gỗ bị đốt cháy hoặc lửa bị thiếu oxy.

Hình Ảnh
Đốt đống gỗ

Việc quẹt diêm và đốt đống mồi nhóm là những hành động nhỏ cho phép năng lượng tiềm năng của đống gỗ được thải ra.5 Khi que diêm chưa được quẹt, thì không có gì xảy ra, bất kể kích thước của đống gỗ. Nếu que diêm được quẹt nhưng không được châm vào mồi nhóm, thì lượng ánh sáng và nhiệt thoát ra từ que diêm rất nhỏ và năng lượng đốt cháy trong gỗ vẫn chưa được thải ra. Nếu oxy không được cung cấp tại bất kỳ thời điểm nào, thì phản ứng đốt cháy dừng lại.

Tương tự như vậy, hầu hết các phước lành mà Thượng Đế mong muốn ban cho chúng ta đều đòi hỏi chúng ta phải hành động—hành động dựa trên đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi là một nguyên tắc hành động và quyền năng.6 Đầu tiên, chúng ta hành động trong đức tin; sau đó quyền năng sẽ đến—thùy thuộc theo ý muốn và thời gian của Thượng Đế. Trình tự này rất quan trọng.7 Mặc dù vậy, hành động được đòi hỏi luôn nhỏ bé khi so sánh với những phước lành mà cuối cùng chúng ta nhận được.8

Hãy suy ngẫm những gì đã xảy ra khi những con rắn lửa bay xuống giữa những người Y Sơ Ra Ên thời xưa trên đường đi đến miền đất hứa. Vết cắn của con rắn độc đã gây chết người. Nhưng người bị cắn có thể được chữa lành bằng cách nhìn vào một con rắn bằng đồng được Môi Se làm ra và treo cây sào.9 Cần bao nhiêu công sức để nhìn vào một cái gì đó? Tất cả những người nhìn vào đã tiếp cận được quyền năng của thiên thượng và được chữa lành. Những người Y Sơ Ra Ên bị cắn khác không nhìn vào con rắn bằng đồng và bị chết. Có lẽ họ thiếu đức tin để nhìn.10 Có lẽ họ không tin rằng một hành động đơn giản như vậy có thể dẫn đến sự chữa lành được hứa. Hoặc có lẽ họ cố tình cứng lòng và từ chối lời khuyên của vị tiên tri của Thượng Đế.11

Nguyên tắc để mở ra các phước lành từ Thượng Đế là vĩnh cửu. Giống như dân Y Sơ Ra Ên thời xưa, chúng ta cũng phải hành động dựa trên đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô để được ban phước. Thượng Đế đã biểu lộ rằng: “Có một luật pháp, được lập ra và không thể hủy bỏ được trước khi có sự tạo dựng thế gian này, mà theo đó mọi phước lành đều được căn cứ vào đó—và khi chúng ta nhận được bất cứ một phước lành nào từ Thượng Đế, thì đó là vì chúng ta tuân theo luật pháp mà phước lành này được căn cứ vào đó.”12 Mặc dù vậy, anh chị em không thể tự kiếm được một phước lành—quan niệm đó là sai—nhưng anh chị em phải xứng đáng cho phước lành đó. Sự cứu rỗi của chúng ta chỉ có được qua công lao và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.13 Sự bao la của sự hy sinh chuộc tội của Ngài có nghĩa là các phước lành có sẵn cho chúng ta là vô tận; những hành động nhỏ bé của chúng ta không thể so sánh với sự hy sinh to lớn của Ngài. Nhưng những hành động của chúng ta không vô ích, và chúng không vô nghĩa; trong bóng đêm, một que diêm thắp lên có thể được nhìn thấy cách nhiều dặm. Thực tế, chúng có thể được nhìn thấy nơi thiên thượng bởi vì những hành động nhỏ nhặt của đức tin là cần thiết để tiếp cận các lời hứa của Thượng Đế.14

Để nhận được một phước lành mong muốn từ Thượng Đế, hãy hành động với đức tin, thực hiện những hành động mà phước lành thiên thượng dựa vào. Ví dụ, một trong những mục đích của việc cầu nguyện là bảo đảm các phước lành mà Thượng Đế sẵn sàng ban cho nhưng chỉ được ban cho khi chúng ta cầu xin.15 An Ma đã cầu xin cho lòng thương xót và nỗi đau của ông được xoa dịu; ông không bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới các tội lỗi của ông nữa. Niềm vui của ông đã xóa nhòa nỗi đau—tất cả là nhờ ông đã cầu xin với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.16 Năng lượng hoạt hóa cần thiết để nhận được các phước lành cho chúng ta là có đủ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để chân thành cầu xin Thượng Đế trong lời cầu nguyện và chấp nhận ý muốn cũng như thời gian của Ngài cho câu trả lời.

Thông thường, năng lượng hoạt hóa để nhận được các phước lành đòi hỏi nhiều hơn việc chỉ nhìn hoặc hỏi; nó đòi hỏi những hành động liên tục, lặp đi lặp lại và đầy đức tin. Vào giữa thế kỷ 19, Brigham Young đã chỉ thị một nhóm các Thánh Hữu Ngày Sau khám phá và định cư ở Arizona, một khu vực khô cằn ở Bắc Mỹ. Sau khi đến Arizona, cả nhóm hết nước và sợ rằng họ sẽ chết. Họ đã cầu xin Thượng Đế giúp đỡ. Chẳng mấy chốc mưa và tuyết rơi, cho phép họ đổ đầy nước vào thùng và cung cấp cho gia súc. Biết ơn và được khỏe lại, họ trở về Salt Lake City vui mừng trong lòng nhân từ của Thượng Đế. Khi trở về, họ đã báo cáo chi tiết về chuyến hành trình của họ tới Brigham Young và đưa ra kết luận của họ rằng Arizona không thể ở được.

Hình Ảnh
Brigham Young

Sau khi nghe báo cáo, Brigham Young hỏi một người đàn ông trong phòng, anh ta nghĩ gì về chuyến hành trình và phép lạ. Người đàn ông đó, Daniel W. Jones, trả lời ngay lập tức: “Tôi thà đổ nước vào thùng, tiếp tục hành trình và cầu nguyện lần nữa.” Anh Brigham đặt tay lên Anh Jones và nói: “Đây là người sẽ dẫn đầu cho chuyến đi tiếp theo tới Arizona.”17

Hình Ảnh
Daniel W. Jones

Tất cả chúng ta đều có thể nhớ lại những lần chúng ta tiếp tục bất chấp khó khăn và cầu nguyện một lần nữa—và các phước lành đã đến. Những kinh nghiệm của Michael và Marian Holmes minh họa cho những nguyên tắc này. Michael và tôi đã phục vụ cùng nhau với tư cách là Thầy Bảy Mươi Thẩm Quyền Giáo Vùng. Tôi luôn vui mừng bất cứ khi nào anh ta được kêu gọi để cầu nguyện trong các buổi họp của chúng tôi bởi vì thuộc linh sâu sắc của anh dễ dàng nhìn thấy; anh biết cách thưa chuyện với Thượng Đế. Tôi thích nghe anh cầu nguyện. Tuy nhiên, ngay từ đầu trong cuộc hôn nhân của họ, Michael và Marian đã không cầu nguyện hoặc tham dự nhà thờ. Họ bận rộn với ba đứa con nhỏ và một công ty xây dựng thành công. Michael không cảm thấy rằng mình là một người ngoan đạo. Một buổi tối, vị giám trợ của họ đến nhà họ và khuyến khích họ bắt đầu cầu nguyện.

Sau khi vị giám trợ rời đi, Michael và Marian quyết định rằng họ sẽ cố gắng cầu nguyện. Trước khi đi ngủ, họ quỳ bên giường và Michael bắt đầu cầu nguyện một cách không thoải mái. Sau vài lời cầu nguyện vụng về, Michael đột ngột dừng lại, nói rằng: “Marian, anh không thể làm điều này.” Khi anh đứng dậy và bắt đầu bước đi, Marian nắm lấy tay anh, kéo anh quỳ xuống lại và nói: “Mike, anh có thể làm điều này. Hãy thử lại!” Với sự khích lệ này, Michael đã hoàn thành một lời cầu nguyện ngắn.

Gia đình Holmes bắt đầu cầu nguyện thường xuyên. Họ chấp nhận lời mời của hàng xóm để đi nhà thờ. Khi họ bước vào giáo đường và nghe bài thánh ca mở đầu, Thánh Linh thì thầm với họ: “Điều này là đúng.” Sau đó, Michael đã giúp dọn một số rác từ nhà hội một cách tự nguyện và thầm lặng. Khi dọn, anh đã cảm thấy một ấn tượng mạnh mẽ: “Đây là nhà của Ta.”

Hình Ảnh
Michael và Marian Holmes thời trẻ

Michael và Marian chấp nhận những sự kêu gọi của Giáo hội, phục vụ trong tiểu giáo khu và giáo khu của họ. Họ đã được làm lễ gắn bó với nhau, và 3 đứa con của họ đã được làm lễ gắn bó với họ. Họ đã sinh thêm mấy đứa con, tổng cộng là 12 đứa. Vợ chồng Holmes đã phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo và bạn đồng hành—hai lần.

Hình Ảnh
Michael và Marian Holmes ngày nay

Lời cầu nguyện vụng về đầu tiên là một hành động nhỏ nhưng đầy đức tin đã mang đến các phước lành của thiên thượng. Vợ chồng Holmes nuôi dưỡng ngọn lửa đức tin bằng cách tham dự nhà thờ và phục vụ. Vai trò môn đồ tận tụy của họ trong nhiều năm đã dẫn đến một ngọn lửa mạnh mẽ tiếp tục cháy với năng lượng lớn lao mà soi dẫn cho đến hôm nay.

Hình Ảnh
Đại gia đình Holmes

Tuy nhiên, một ngọn lửa phải nhận được một nguồn cung cấp oxy liên tục cho gỗ để cuối cùng thải ra toàn bộ tiềm năng của nó. Như được chứng minh bởi Michael và Marian Holmes, đức tin nơi Đấng Ky Tô đòi hỏi phải tiếp tục hành động để ngọn lửa tiếp tục cháy. Những hành động nhỏ thúc đẩy khả năng của chúng ta để đi dọc theo con đường giao ước và dẫn đến những phước lành lớn nhất mà Thượng Đế có thể ban tặng. Nhưng đức tin chỉ tăng trưởng nếu chúng ta tiếp tục tiến triển. Đôi khi chúng ta cần làm một cây cung và mũi tên trước khi sự mặc khải biểu lộ về nơi chúng ta nên tìm kiếm thực phẩm.18 Đôi khi chúng ta cần chế tạo công cụ trước khi sự mặc khải biểu lộ về cách đóng tàu.19 Đôi khi, theo sự chỉ dẫn của vị tiên tri của Chúa, chúng ta cần nướng một chiếc bánh nhỏ từ phần nhỏ dầu và bột mì chúng ta có, để chúng ta không ngừng nhận được những thùng dầu và bột mì.20 Và đôi khi chúng ta cần phải “yên tâm và hiểu rằng [Thượng Đế] là Thượng Đế” và tin tưởng vào thời gian của Ngài.21

Khi anh chị em nhận được bất kỳ phước lành nào từ Thượng Đế, anh chị em có thể kết luận rằng mình đã tuân thủ một luật pháp vĩnh cửu mà phước lành này được căn cứ vào đó.22 Nhưng hãy nhớ rằng luật pháp “được lập ra và không thể hủy bỏ” không phụ thuộc vào sự nhận thức thời gian của chúng ta, có nghĩa là phước lành xuất hiện tùy thuộc theo thời gian của Thượng Đế. Ngay cả các tiên tri thời xưa tìm kiếm ngôi nhà thiên thượng của họ23 “đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa.”24 Nếu chưa nhận được một phước lành mong muốn từ Thượng Đế, thì anh chị em không cần phải lo lắng, hãy tự hỏi bạn cần phải làm gì thêm nữa. Thay vào đó, hãy lưu ý lời khuyên của Joseph Smith để “vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của [anh chị em]; và rồi … đứng yên, với một sự an tâm lớn lao nhất, để nhìn thấy … cánh tay [của Thượng Đế] … lộ ra.”25 Một số phước lành sẽ nhận được sau này, ngay cả đối với những người con dũng cảm nhất của Thượng Đế.26

Sáu tháng trước một kế hoạch đặt trọng tâm trong nhà, được Giáo hội hỗ trợ để học hỏi giáo lý, củng cố đức tin và củng cố các cá nhân và gia đình đã được giới thiệu. Chủ Tịch Russell M. Nelson hứa rằng những thay đổi có thể giúp chúng ta sống sót về mặt thuộc linh, gia tăng niềm vui trong phúc âm và gia tăng sự cải đạo đến với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.27 Nhưng tùy thuộc vào chúng ta để nhận được những phước lành này. Mỗi người chúng ta có trách nhiệm để mở ra và học hỏi Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình, cùng với thánh thư và tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta khác.28 Chúng ta cần thảo luận những tài liệu đó với gia đình và bạn bè, và tổ chức ngày Sa Bát của chúng ta để nhận được các phước lành. Hoặc chúng ta có thể để các tài liệu này chất thành đống trong nhà của chúng ta cùng với tiềm năng bị chôn vùi bên trong.

Tôi mời gọi anh chị em hãy trung tín mở ra sức mạnh thiên thượng để nhận được những phước lành cụ thể từ Thượng Đế. Hãy thực hành đức tin để nỗ lực thực hiện những hành động cần thiết. Tiếp tục trong đức tin khi anh chị em kiên nhẫn chờ đợi Chúa. Với những lời mời này, tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn và chỉ dẫn cho anh chị em, để anh chị em, giống như “người thành thực” được mô tả trong sách Châm Ngôn, sẽ “được phước lành nhiều.”29 Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng của anh chị em và Con Trai Yêu Quý của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống, Hai Ngài lo lắng cho sự an lạc của chúng ta và mong muốn ban phước cho chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 41:1; 78:17; 104:33.

  2. Ví dụ, xin xem Craig Harline, A World Ablaze: The Rise of Martin Luther and the Birth of the Reformation (năm 2017), trang 20. Một cuộc tranh luận như vậy là giữa Augustine (354–430 Sau Công Nguyên) và đối thủ của ông là Pelagius (354–420 Sau Công Nguyên). Pelagius khăng khăng rằng “con người chắc chắn [có] lòng tốt bên trong họ để làm điều tốt, và họ đã đạt được ân điển của Thượng Đế bằng cách hành động theo lòng tốt đó và tuân giữ tất cả các lệnh truyền của Thượng Đế.” Augustine kịch liệt phản đối. Cũng xem thêm Eric Metaxas, Martin Luther: The Man Who Rediscovered God and Changed the World (năm 2017), trang 296. Luther đã dạy rằng các việc làm không bao giờ có thể dẫn đến ân điển của Thượng Đế; đức tin dẫn đến ân điển và những việc làm tốt theo sau; “không thể tách rời các việc làm khỏi đức tin, giống như là không thể tách rời nhiệt và ánh sáng khỏi ngọn lửa.”

  3. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 82:10.

  4. Đây là một que diêm dùng để cắm trại, nó có thể quẹt vào bất kỳ chỗ nào để tạo ra ngọn lửa. Những que diêm an toàn hiện đại, giống như các que diêm trong nhà bếp, có phốt pho trên dải quẹt thay vì trên đầu que diêm.

  5. Những hành động này tạo thành “activation energy” (năng lượng kích hoạt) cho ngọn lửa. Cụm từ “activation energy” (năng lượng hoạt hóa) được giới thiệu năm 1889 bởi nhà khoa học người Thụy Điển là Svante Arrhenius.

  6. Xin xem Lectures on Faith (năm 1985), trang 3.

  7. Xin em David A. Bednar, “Phải Lấy Đức Tin mà Cầu Xin,” Liahona, tháng năm năm 2008, trang 94.

  8. Xin xem Mô Si A 2:24–25.

  9. Xin xem Dân Số Ký 21:6–9.

  10. Xin xem 1 Nê Phi 17:41.

  11. Xin xem 1 Nê Phi 17:42.

  12. Giáo Lý và Giao Ước 130:20–21.

  13. Xin xem 2 Nê Phi 10:24; 25:23.

  14. Xin xem An Ma 60:11, 21; Dallin H. Oaks, “Những Chuyện Nhỏ Nhặt Tầm Thường,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 89–92; M. Russell Ballard, “Phải Thiết Tha Nhiệt Thành,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 29–31.

  15. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cầu Nguyện”; cũng xem thêm Mô Rô Ni 7:48.

  16. Xin xem An Ma 36:18–21; cũng xem thêm Ê Nót 1:5–8.

  17. Daniel W. Jones, 40 Years Among the Indians (năm 1960), trang 222.

  18. Xin xem 1 Nê Phi 16:23.

  19. Xin xem 1 Nê Phi 17:9.

  20. Xin xem 1 Các Vua 17:10–16.

  21. Giáo Lý và Giao Ước 101:16.

  22. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 130:20–21.

  23. Xin xem Hê Bơ Rơ 11:16.

  24. Hê Bơ Rơ 11:13.

  25. Giáo Lý và Giao Ước 123:17.

  26. Xin xem Jeffrey R. Holland, “An High Priest of Good Things to Come,” Liahona, tháng Một năm 2000, trang 42–45. Anh Cả Holland đã nói: “Một số phước lành đến sớm, một số phước lành đến muộn, và một số phước lành không đến cho đến lúc ở trên thiên thượng; nhưng đối với những người nào hoàn toàn chấp nhận và tuân theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì những phước lành đó sẽ đến.”

  27. Xin xem Russell M. Nelson, “Lời Mở Đầu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 6–8.

  28. Xin xem Quentin L. Cook, “Sự Cải Đạo Sâu Đậm và Lâu Dài theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 8–12.

  29. Châm Ngôn 28:20.

In