2010–2019
Nhóm Túc Số: Một Nơi để Thuộc Vào
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Nhóm Túc Số: Một Nơi để Thuộc Vào

Chúa muốn các anh em thiết lập một nhóm túc số vững mạnh. Khi Ngài quy tụ con cái của Ngài lại, họ cần có một nơi để thuộc vào và tăng trưởng.

Vào năm 2010, Andre Sebako là một thiếu niên đang tìm kiếm lẽ thật. Mặc dù trước đây chưa từng dâng lên một lời cầu nguyện chân thành, nhưng cậu ta cũng quyết định thử cầu nguyện. Ít lâu sau, cậu ta gặp những người truyền giáo. Họ đưa cho cậu ta một cái thẻ có ghi một số thông tin với hình Sách Mặc Môn. Andre cảm thấy có một điều gì đó và hỏi những người truyền giáo có chịu bán cho cậu ta cuốn sách đó không. Họ nói cậu ta có thể có cuốn sách đó miễn phí nếu cậu ta chịu đến nhà thờ.1

Andre đã một mình tham dự Chi Nhánh Mochudi mới được thành lập lúc bấy giờ ở Botswana, Châu Phi. Nhưng chi nhánh đó là một nhóm người khăng khít yêu thương nhau, gồm có khoảng 40 tín hữu.2 Họ niềm nở chào đón Andre. Cậu ta tiếp nhận các bài học của người truyền giáo và chịu phép báp têm. Thật là tuyệt vời!

Nhưng rồi sau đó thì sao? Làm thế nào Andre sẽ luôn tích cực? Ai sẽ giúp cậu ta tiến triển theo con đường giao ước? Một câu trả lời cho câu hỏi đó là nhóm túc số chức tư tế của cậu ta!3

Mỗi người nắm giữ chức tư tế, bất kể hoàn cảnh của mình ra sao, đều hưởng lợi từ một nhóm túc số chức tư tế vững mạnh. Các em trẻ tuổi của tôi, là những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, Chúa muốn các em thiết lập một nhóm túc số chức tư tế vững mạnh, một nơi để mỗi một thiếu niên đều cảm thấy mình thuộc vào, một nơi mà Thánh Linh của Chúa hiện diện, một nơi mà tất cả các thành viên của nhóm túc số đều được chào đón và quý trọng. Khi Chúa quy tụ con cái của Ngài lại, họ cần có một nơi để thuộc vào và tăng trưởng.

Mỗi anh em là thành viên trong chủ tịch đoàn nhóm túc số sẽ dẫn đường khi các anh em tìm kiếm nguồn soi dẫn4 và phát triển tình yêu thương và tình anh em ở giữa tất cả các thành viên của nhóm túc số. Các anh em đặc biệt chú ý đến những người là tín hữu mới, kém tích cực, hay có các nhu cầu đặc biệt.5 Với quyền năng của chức tư tế, các anh em xây đắp một nhóm túc số vững mạnh.6 Và một nhóm túc số vững mạnh, đoàn kết sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của một thiếu niên.

Khi Giáo Hội loan báo sự tập trung mới vào gia đình về việc học phúc âm,7 một số người nghĩ về các tín hữu giống như Andre và hỏi: “Còn những người trẻ tuổi xuất thân từ hoàn cảnh gia đình, nơi mà phúc âm không được học tập và nơi mà không có môi trường học hỏi và sống theo phúc âm thì sao? Họ sẽ bị bỏ quên chăng?”

Không đâu! Không ai có thể bị bỏ quên đâu! Chúa yêu thương mỗi thiếu niên và mỗi thiếu nữ. Chúng ta, với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế, là đôi tay của Chúa. Chúng ta là sự hỗ trợ của Giáo Hội cho các nỗ lực tập trung vào gia đình. Khi có sự hỗ trợ hạn chế ở nhà, các nhóm túc số chức tư tế và các vị lãnh đạo và những người bạn khác trông nom và hỗ trợ mỗi cá nhân và gia đình khi cần thiết.

Tôi đã thấy điều đó rất hữu hiệu. Tôi đã trải qua kinh nghiệm đó. Khi tôi sáu tuổi, cha mẹ tôi li dị và cha tôi bỏ mẹ tôi với năm đứa con nhỏ. Mẹ tôi bắt đầu đi làm để lo liệu cho chúng tôi. Bà cần một công việc thứ hai trong một thời gian, cũng như cần thêm học vấn. Bà có rất ít thời gian để chăm sóc cho chúng tôi. Nhưng ông bà nội ngoại, chú bác, cô dì, các vị giám trợ và thầy giảng tại gia đã góp phần vào việc giúp đỡ người mẹ tuyệt vời của tôi.

Và tôi đã có một nhóm túc số. Tôi rất biết ơn những người bạn của tôi—các anh em của tôi—đã yêu thương và hỗ trợ tôi. Nhóm túc số của tôi là một nơi để thuộc vào. Một số người có thể coi tôi là ít có khả năng thành công và là kẻ bị thua thiệt vì hoàn cảnh gia đình tôi. Có lẽ tôi đã như vậy. Nhưng các nhóm túc số chức tư tế đã thay đổi những cơ may thành công đó. Nhóm túc số của tôi đã vây quanh hỗ trợ tôi và ban phước cho cuộc sống của tôi rất nhiều.

Xung quanh chúng ta đều có những người ít có khả năng thành công và những người thua thiệt. Có lẽ chúng ta cũng bị như vậy. Nhưng mỗi người chúng ta ở đây đều có một nhóm túc số, một nơi mà chúng ta đều có thể nhận được sức mạnh lẫn góp sức vào. Nhóm túc số là nhằm “đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.”8 Đó là nơi mà chúng ta chỉ dẫn lẫn nhau, phục vụ người khác và xây đắp tình đoàn kết và tình anh em khi chúng ta phục vụ Thượng Đế.9 Đó là một nơi mà phép lạ xảy ra.

Tôi muốn được chia sẻ với các anh em về một vài phép lạ đã xảy ra trong nhóm túc số chức tư tế của Andre ở Mochudi. Trong khi tôi chia sẻ ví dụ này, hãy xem các nguyên tắc củng cố mọi nhóm túc số chức tư tế mà áp dụng các nguyên tắc này.

Sau khi Andre chịu phép báp têm, cậu ta đi cùng với những người truyền giáo khi họ giảng dạy bốn thiếu niên khác là những người cũng được báp têm. Bây giờ thì đã có năm thiếu niên. Họ bắt đầu củng cố lẫn nhau và chi nhánh.

Thiếu niên thứ sáu, Thuso, chịu phép báp têm. Thuso chia sẻ phúc âm với ba người bạn của mình và chẳng bao lâu đã có chín người.

Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô thường được quy tụ theo cách này—mỗi lần một vài người, khi được bạn bè của họ mời. Thời xưa, khi Anh Rê tìm thấy Đấng Cứu Rỗi, ông đã nhanh chóng đến gặp anh trai Si Môn của mình và “dẫn đến cùng Chúa Giê Su.”10 Tương tự như vậy, ngay sau khi Phi Líp trở thành tín đồ của Đấng Ky Tô, ông đã mời người bạn của mình là Na Tha Na Ên “hãy đến xem.”11

Chẳng bao lâu, thiếu niên thứ 10 gia nhập Giáo Hội ở Mochudi. Những người truyền giáo đã tìm thấy thiếu niên thứ 11. Và thiếu niên thứ 12 đã được báp têm sau khi nhìn thấy hiệu quả của phúc âm đối với những người bạn của mình.

Các tín hữu của Chi Nhánh Mochudi đã rất vui mừng. Các thiếu niên này đã “được cải đạo theo Chúa, và … được thu nhận vào giáo hội.”12

Sách Mặc Môn đã đóng một vai trò quan trọng trong sự cải đạo của họ.13 Thuso nhớ lại: “Tôi đã bắt đầu đọc Sách Mặc Môn … mỗi khi tôi rảnh, ở nhà, ở trường, ở mọi nơi.”14

Oratile thấy thích phúc âm vì tấm gương của những người bạn của mình. Cậu ta giải thích: “[Họ] dường như thay đổi ngay lập tức. … Tôi nghĩ rằng điều đó có … liên quan tới … cuốn sách nhỏ mà họ bắt đầu mang theo … tới trường. Tôi có thể thấy con người tốt lành mà họ đã trở thành. … [Tôi] cũng muốn thay đổi.”15

Hình Ảnh
Chi Nhánh Mochudi

Tất cả 12 thiếu niên đã được quy tụ lại và lần lượt chịu phép báp têm cách nhau 1 khoảng thời gian trong vòng hai năm. Mỗi người là tín hữu duy nhất của Giáo Hội trong gia đình họ. Nhưng họ được hỗ trợ bởi gia đình Giáo Hội của họ, kể cả Chủ Tịch Rakwela,16 chủ tịch chi nhánh của họ; Anh Cả và Chị Taylor,17 một cặp vợ chồng truyền giáo cao niên; và các tín hữu khác trong chi nhánh.

Anh Junior,18 một người lãnh đạo nhóm túc số, đã mời các thiếu niên đến nhà anh vào các buổi chiều Chủ Nhật và dạy dỗ họ. Các thiếu niên đã học tập thánh thư chung với nhau và thường xuyên tổ chức các buổi họp tối gia đình.

Hình Ảnh
Đi thăm các tín hữu

Anh Junior đưa họ đến thăm các tín hữu, những người đã được những người truyền giáo giảng dạy, và bất cứ người nào khác cần được đến thăm. Tất cả 12 thiếu niên chen chúc ngồi vào phía sau xe tải của Anh Junior. Anh thả họ xuống tại mấy căn nhà theo nhóm hai hoặc ba người và đến đón họ sau.

Mặc dù các thiếu niên này chỉ mới học về phúc âm và không cảm thấy là họ biết nhiều nhưng Anh Junior bảo họ chia sẻ một hoặc hai điều họ đã biết với những người mà họ đến thăm. Những người nắm giữ chức tư tế trẻ tuổi này đã giảng dạy, cầu nguyện và giúp trông nom Giáo Hội.19 Họ hoàn thành trách nhiệm chức tư tế của họ và cảm nhận được niềm vui phục vụ.

Hình Ảnh
Nhóm Huynh Đệ

Andre nói: “Chúng tôi chơi với nhau, cùng cười, cùng khóc với nhau và trở thành anh em với nhau.”20 Thật vậy, họ tự xưng là “Nhóm Huynh Đệ.”

Họ cùng nhau đặt ra một mục tiêu là họ đều sẽ phục vụ truyền giáo. Vì là tín hữu duy nhất trong gia đình của họ nên họ có nhiều trở ngại phải vượt qua nhưng họ đã giúp nhau vượt qua các trở ngại đó.

Từng thiếu niên một đã lần lượt nhận được sự kêu gọi đi truyền giáo. Những người ra đi đầu tiên đã viết thư về nhà cho những người đang chuẩn bị, chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích họ phục vụ. Mười một thanh niên đã đi phục vụ truyền giáo.

Các thanh niên này đã chia sẻ phúc âm với gia đình họ. Mẹ, chị em gái, anh em trai, bạn bè cũng như những người họ giảng dạy trong khi truyền giáo đều được cải đạo và được báp têm. Các phép lạ đã xảy ra và rất nhiều người đã được ban phước.

Tôi có thể hình dung ra một số anh em đang nghĩ rằng có lẽ một phép lạ như vậy chỉ có thể xảy ra ở một nơi như Châu Phi mà có nhiều người đang khao khát lắng nghe phúc âm, nơi đang có sự gấp rút quy tụ của Y Sơ Ra Ên. Tuy nhiên, tôi làm chứng rằng các nguyên tắc được áp dụng trong Chi Nhánh Mochudi cũng đúng ở bất cứ nơi đâu. Dù các anh em đang ở đâu, nhóm túc số của các anh em cũng có thể tăng trưởng qua sự tích cực hoạt động và chia sẻ phúc âm. Ngay cả khi một môn đồ tìm đến một người bạn, thì một người cũng có thể trở thành hai người. Hai người có thể trở thành bốn người. Bốn người có thể trở thành tám người. Và tám người có thể trở thành mười hai người. Các chi nhánh có thể trở thành các tiểu giáo khu.

Hình Ảnh
Tiểu Giáo Khu Mochudi

Đấng Cứu Rỗi đã dạy: ″Vì nơi nào có hai ba người [hoặc nhiều hơn nữa] nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.”21 Cha Thiên Thượng đang chuẩn bị tâm trí và tâm hồn của mọi người xung quanh chúng ta. Chúng ta có thể tuân theo những sự thúc giục, kết tình thân hữu, chia sẻ lẽ thật, mời những người khác đọc Sách Mặc Môn, và yêu thương cùng hỗ trợ họ khi họ tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Đã gần 10 năm kể từ khi Nhóm Huynh Đệ ở Mochudi bắt đầu cùng hành trình với nhau, họ vẫn còn là một nhóm huynh đệ.

Katlego nói: “Chúng tôi có thể sống xa nhau vì khoảng cách, nhưng chúng tôi vẫn luôn có nhau.”22

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ chấp nhận lời mời gọi của Chúa để được kết hợp với Ngài trong các nhóm túc số chức tư tế của chúng ta để mỗi nhóm túc số có thể là một nơi để thuộc vào, một nơi để quy tụ, một nơi để tăng trưởng.

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và đây là công việc của Ngài. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Mark and Shirley Taylor, biên soạn, The Band of Brothers (Các chứng ngôn và các câu chuyện cải đạo của Chi Nhánh Mochudi, năm 2012–13), trang 4, Thư Viện Lịch Sử của Giáo Hội, Salt Lake City.

  2. Thư riêng, Letanang Andre Sebako, các nguồn tài liệu về Nhóm Huynh Đệ, năm 2011–19, Thư Viện Lịch Sử của Giáo Hội, Salt Lake City.

  3. Chủ Tịch Boyd K. Packer đã nói: “Khi một người nam nắm giữ chức tư tế, thì người ấy thuộc về một điều gì đó to lớn hơn bản thân người ấy. Đó là một điều gì đó ở bên ngoài bản thân của mình mà người ấy có thể thực hiện được một cam kết trọn vẹn” (“The Circle of Sisters,” Ensign, tháng Mười Một năm 1980, trang 109–110).

  4. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích cách tìm kiếm sự mặc khải và rồi nói: “Khi lặp lại tiến trình này hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, anh chị em sẽ ‘tăng trưởng theo nguyên tắc mặc khải’” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 95; xin xem thêm Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 132).

  5. Xin xem Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội (năm 2010), 8.3.2.

  6. Những người khác kể cả các thành viên trong giám trợ đoàn và các cố vấn cũng giúp đỡ. Anh Cả Ronald A. Rasband đã lưu ý rằng một trong những lợi ích của việc sắp xếp lại các nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, đã được loan báo vào ngày 31 tháng Ba năm 2018, là để “cho phép vị giám trợ ủy quyền nhiều trách nhiệm hơn cho các chủ tịch nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ để vị giám trợ và các cố vấn của ông có thể tập trung vào bổn phận chính của họ—đặc biệt là chủ tọa các em thiếu nữ và các em thiếu niên, là những người mang Chức Tư Tế A Rôn” (“Hãy Xem Kìa! Một Đạo Quân Hoàng Gia,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 59). Các thiên sứ cũng sẽ giúp đỡ. Những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 13:1; xin xem thêm Dale G. Renlund và Ruth Lybbert Renlund, The Melchizedek Priesthood [năm 2018], trang 26). Anh Cả Jeffrey R. Holland nói: “Thường thường [các thiên sứ phù trợ] thì chúng ta không thấy được. Đôi khi thì chúng ta có thể thấy được họ. Nhưng cho dù thấy được hay không thấy được, thì họ cũng luôn luôn ở gần bên. Đôi khi những sự chỉ định của họ rất quan trọng và có ý nghĩa đối với toàn thể thế gian. Đôi khi những sứ điệp thì riêng tư hơn. Thỉnh thoảng mục đích của thiên sứ là để cảnh báo. Nhưng thông thường nhất chính là để an ủi, mang đến một hình thức quan tâm đầy thương xót, hướng dẫn trong những thời điểm khó khăn” (“Sự Phù Trợ của Các Thiên Sứ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 29). Nếu mong muốn nhận được sự giúp đỡ như vậy, anh chị em có thể “cầu xin đi, các ngươi sẽ được” (Giăng 16:24).

  7. Xin xem Russell M. Nelson, “Lời Mở Đầu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 7–8.

  8. Xin xem Alexandre Dumas, The Three Musketeers (năm 1844).

  9. Xin xem Sách Hướng Dẫn 2, 8.1.2.

  10. Xin xem Giăng 1:40–42.

  11. Xin xem Giăng 1:43–46.

  12. 3 Nê Phi 28:23.

  13. Xin xem D. Todd Christofferson, “The Power of the Book of Mormon” (bài đưa ra trong buổi hội thảo dành cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo mới, ngày 27 tháng Sáu năm 2017).

  14. Thuso Molefe, trong Taylor, The Band of Brothers, trang 22.

  15. Oratile Molosankwa, trong Taylor, The Band of Brothers, trang 31–32.

  16. Lucas Rakwela, Mochudi, Botswana.

  17. Mark và Shirley Taylor, Idaho, Hoa Kỳ.

  18. Cilvester Junior Kgosiemang, Mochudi, Botswana.

  19. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:46–47, 53–54.

  20. Thư riêng, Letanang Andre Sebako, Band of Brothers Sources, nguồn tài liệu Band of Brothers.

  21. Giáo Lý và Giao Ước 6:32.

  22. Katlego Mongole, trong “Band of Brothers 2nd Generation” (tài liệu biên soạn chưa được xuất bản), trang 21.