2010–2019
Đấng Ky Tô: Sự Sáng Soi trong Tối Tăm
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Đấng Ky Tô: Sự Sáng Soi trong Tối Tăm

Nếu anh chị em cảm thấy rằng ngọn hải đăng của chứng ngôn mình đang bắt đầu mờ dần và bóng tối đang kéo tới, thì cứ vững lòng. Hãy giữ lời hứa của mình với Thượng Đế.

Văn phòng của tôi trong Tòa Nhà của Hội Phụ Nữ nhìn ra quang cảnh ngoạn mục của Đền Thờ Salt Lake. Mỗi đêm, đèn bên ngoài đền thờ, chính xác như chiếc đồng hồ, bật sáng vào lúc hoàng hôn. Ngôi đền thờ là một ngọn hải đăng cháy sáng đều đều ngay bên ngoài cửa sổ của tôi.

Hình Ảnh
Đền Thờ Salt Lake vào lúc hoàng hôn

Một đêm nọ của tháng Hai vừa qua, văn phòng của tôi vẫn tối một cách lạ thường khi mặt trời lặn. Khi tôi nhìn ra cửa sổ thì thấy ngôi đền thờ tối lờ mờ. Đèn chưa được bật lên. Tôi cảm thấy lo lắng. Tôi không thể nhìn thấy các ngọn tháp đền thờ mà tôi đã thấy mỗi tối trong nhiều năm.

Hình Ảnh
Đền Thờ Salt Lake với các ngọn tháp không thắp sáng đèn

Việc nhìn thấy bóng tối ở nơi mà tôi trông mong sẽ thấy ánh sáng nhắc nhở tôi rằng một trong những nhu cầu cơ bản mà chúng ta có để tăng trưởng là luôn kết nối với nguồn ánh sáng—Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là nguồn sức mạnh của chúng ta, Sự Sáng và Sự Sống của Thế Gian. Nếu không có sự kết nối vững mạnh với Ngài, chúng ta bắt đầu chết về phần thuộc linh. Vì biết được điều đó nên Sa Tan cố gắng khai thác những áp lực trần thế mà chúng ta đều gặp phải. Nó cố gắng làm mờ đi ánh sáng của chúng ta, làm đứt mạch kết nối, cắt nguồn điện, bỏ chúng ta lại một mình trong bóng tối. Những áp lực này là những tình trạng phổ biến trên trần thế, nhưng Sa Tan cố gắng hết sức để cô lập chúng ta và nói với chúng ta rằng chúng ta là người duy nhất trải qua những áp lực này.

Một Số Chúng Ta Trở Nên Đờ Đẫn vì Đau Buồn

Khi thảm kịch xảy đến với mình, khi cuộc sống gây đau đớn đến mức chúng ta cảm thấy không thể thở được, khi chúng ta bị đánh đập như người đàn ông trên đường đi đến Giê Ri Cô và bị bỏ mặc cho chết, thì Chúa Giê Su đến đổ dầu vào vết thương của chúng ta, nhẹ nhàng nâng chúng ta lên, đưa chúng ta đến một nhà quán, chăm sóc cho chúng ta.1 Ngài phán với những người trong chúng ta đang đau buồn: “Ta … sẽ làm nhẹ gánh nặng trên vai các ngươi, đến đỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết trên vai mình, … để các ngươi biết chắc rằng ta, Đức Chúa Trời, có đến viếng thăm dân ta trong cơn đau khổ của họ.”2 Đấng Ky Tô chữa lành vết thương.

Một Số Chúng Ta Quá Mệt Mỏi

Anh Cả Holland đã nói: “Không bắt buộc con người phải chạy mau hơn sức mình có thể chạy được. … Nhưng [mặc dù] vậy, tôi cũng biết nhiều anh chị em chạy [rất] nhanh và nguồn cung cấp sinh lực và cảm xúc đôi khi gần như trống không.”3 Khi những kỳ vọng trở nên quá chồng chất thì chúng ta có thể dừng lại và cầu xin Cha Thiên Thượng cho biết phải buông bỏ điều gì. Một phần của kinh nghiệm sống của chúng ta là học được điều gì không nên làm. Tuy thế, cuộc sống đôi khi có thể là quá khó khăn. Chúa Giê Su trấn an chúng ta: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”4

Đấng Ky Tô sẵn lòng tham gia với chúng ta để làm nhẹ gánh nặng của chúng ta. Đấng Ky Tô là sự nghỉ ngơi.

Một Số Chúng Ta Cảm Thấy Không Phù Hợp với Khuôn Mẫu Truyền Thống

Vì nhiều lý do, chúng ta không cảm thấy được chấp nhận hoặc có thể chấp nhận được. Kinh Tân Ước cho thấy những nỗ lực to lớn mà Chúa Giê Su đã làm để tiếp cận với tất cả mọi người: người phong cùi, người thu thuế, trẻ em, người Ga Li Lê, gái điếm, phụ nữ, người Pha Ri Si, người tội lỗi, người Sa Ma Ri, người góa bụa, lính La Mã, người ngoại tình, người ô uế về mặt nghi thức. Trong hầu hết mỗi câu chuyện, Ngài đều tiếp cận một người nào đó mà không được chấp nhận theo như truyền thống trong xã hội.

Lu Ca 19 kể câu chuyện về người trưởng thu thuế ở Giê Ri Cô tên là Xa Chê. Ông ta trèo lên cây để thấy được Chúa Giê Su đi qua đó. Xa Chê làm việc với chính quyền La Mã và bị coi là tham nhũng và là người phạm tội. Chúa Giê Su thấy ông ta ở trên cây thì gọi ông ta và phán rằng: “Hỡi Xa Chê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải ở nhà ngươi.”5 Và khi Chúa Giê Su thấy lòng tốt của Xa Chê và những điều ông ta đã làm cho người khác, thì Ngài đã chấp nhận lời cầu xin của ông ta khi phán rằng: “Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy, vì người này cũng là con cháu Áp Ra Ham.”6

Đấng Ky Tô đã dịu dàng phán với dân Nê Phi: “Ta đã không bảo một ai trong các ngươi phải đi chỗ khác.”7 Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10 Phi E Rơ đã có được sự nhận thức mạnh mẽ đó khi ông tuyên bố: “Đức Chúa Trời đã tỏ cho ta biết chẳng nên coi một người nào là ô uế hay chẳng sạch.”8 Đó là một sự đòi hỏi bất biến nơi các môn đồ Ky Tô giáo và Các Thánh Hữu Ngày Sau là phải cho thấy tình yêu thương chân thành với nhau.9 Chúa Giê Su đưa ra lời mời tương tự đó cho chúng ta giống như Ngài đã làm với Xa Chê: “Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu [ngươi] nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng [ngươi], ăn bữa tối với [ngươi], và [ngươi] với ta.”10 Đấng Ky Tô nhìn thấy chúng ta ở trong tình huống cũng giống như vậy.

Một Số Chúng Ta Đang Bối Rối với Những Câu Hỏi

Cách đây nhiều năm, lòng tôi đã trĩu nặng và khó chịu vì những câu hỏi mà tôi không thể tìm thấy câu trả lời. Sáng sớm một ngày thứ Bảy nọ, tôi đã có một giấc mơ nhỏ. Trong giấc mơ đó, tôi đã có thể thấy một cái vọng lâu và tôi hiểu rằng tôi nên đi vào và đứng trong đó. Nó có năm khung vòm bao quanh nó, nhưng các cửa sổ được làm bằng đá. Tôi phàn nàn trong giấc mơ không muốn vào trong vì thấy quá ngột ngạt. Rồi một ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi rằng anh trai của Gia Rết đã kiên nhẫn nấu chảy những viên đá thành thủy tinh trong suốt. Thủy tinh là đá mà đã trải qua một sự thay đổi trạng thái. Khi Chúa chạm tay vào các viên đá của anh của Gia Rết, chúng phát sáng rực rỡ trong những chiếc thuyền tối tăm.11 Đột nhiên lòng tôi tràn ngập ước muốn được ở trong vọng lâu đó hơn bất cứ ở nơi nào khác. Đó chính là —nơi duy nhất—để tôi thực sự “thấy được.” Những câu hỏi đang làm bận tâm tôi đã không biến mất, nhưng tôi nghĩ cặn kẽ hơn về câu hỏi sau khi tôi thức dậy: “Làm thế nào ta gia tăng đức tin của mình, giống như anh của Gia Rết, để những viên đá của mình có thể biến thành ánh sáng?”12

Bộ não của con người trần thế chúng ta được tạo ra để tìm kiếm mỗi lần một ít sự hiểu biết và ý nghĩa. Tôi không biết tất cả các lý do tại sao bức màn che trên trần thế quá dày như vậy. Đây không phải là giai đoạn trong tiến trình phát triển vĩnh cửu của chúng ta, nơi mà chúng ta có tất cả các câu trả lời. Đây là giai đoạn để chúng ta phát triển sự tin chắc (hoặc đôi khi là hy vọng) của mình nơi bằng chứng về những điều không trông thấy. Sự tin chắc đến theo những cách mà không phải lúc nào cũng dễ phân tích, nhưng có ánh sáng trong bóng tối của chúng ta. Chúa Giê Su phán: “Ta là sự sáng, là sự sống và lẽ thật của thế gian.”13 Đối với những người đang tìm kiếm lẽ thật, thì thoạt tiên dường như đó là nỗi sợ hãi rồ dại sẽ bị ngột ngạt vì các cửa sổ làm bằng đá. Nhưng với lòng kiên nhẫn và những câu hỏi trung thành, Chúa Giê Su có thể biến các cửa sổ bằng đá của chúng ta thành thủy tinh và ánh sáng. Đấng Ky Tô là ánh sáng cho chúng ta nhìn thấy.

Một Số Chúng Ta Cảm Thấy Mình Không Bao Giờ Có Thể Là Người Đủ Tốt

Màu hồng điều trong Kinh Cựu Ước không những là màu sặc sỡ mà còn là màu bền nữa, nghĩa là màu sắc chói lọi đó có vấy vào len thì cũng sẽ không phai cho dù có được giặt bao nhiêu lần đi nữa.14 Sa Tan viện lý do này để làm chúng ta hoang mang: len trắng vấy màu hồng điều không bao giờ có thể trở lại màu trắng được cả. Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô phán: “Đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi,”15 và phép lạ của ân điển Ngài là khi chúng ta hối cải tội lỗi của mình, máu màu hồng điều của Ngài mang chúng ta trở lại với sự thanh sạch. Điều đó không hợp lý, tuy nhiên vẫn là đúng.

Hình Ảnh
Len vấy màu hồng điều

Ảnh của iStock.com/iinwibisono

“Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.”16 Chúa phán rõ: “Kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.”17 Nói cách khác: Hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau.18 Ngươi đã phạm tội; đôi khi mọi người đều yếu kém.19 Hãy hối cải và đến cùng ta.20 Ta sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.21 Ngươi đã được chữa lành.22 Ta có một công việc cho ngươi.23 Đấng Ky Tô tha thứ và thanh tẩy chúng ta.

Nhưng chúng ta thật sự cần phải làm gì? Bí quyết để kết nối lại với quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta đang nghi ngờ là gì? Chủ Tịch Nelson nói về điều đó một cách rất đơn giản: “Bí quyết là lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng. … Đó không phải là một cách phức tạp.”24 Đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm cho cuộc sống của chúng ta.25

Nếu anh chị em cảm thấy rằng ngọn hải đăng của chứng ngôn mình đang bắt đầu mờ dần và bóng tối đang kéo tới, thì cứ vững lòng. Hãy giữ lời hứa của mình với Thượng Đế. Hãy đưa ra những câu hỏi. Hãy kiên nhẫn để cho Chúa biến đá thành thủy tinh. Hãy tìm tới Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng vẫn yêu thương anh chị em.

Chúa Giê Su phán: “Ta là sự sáng soi trong tối tăm, và tối tăm chẳng hề hiểu nó.”26 Điều đó có nghĩa là cho dù nó có cố gắng biết bao nhiêu đi nữa thì bóng tối cũng không thể dập tắt ánh sáng đó. Không bao giờ. Anh chị em có thể tin rằng ánh sáng của Ngài sẽ ở đó vì anh chị em.

Hình Ảnh
Đền Thờ Salt Lake chiếu sáng đèn

Chúng ta, hoặc những người chúng ta yêu thương, có thể tạm thời đi trong bóng tối. Trong trường hợp của Đền Thờ Salt Lake, người quản lý cơ sở vật chất, Anh Val White, đã nhận được một cú điện thoại gần như ngay lập tức sau đó. Mọi người đều đã thấy. Có điều gì không ổn với đèn đền thờ vậy? Trước hết, nhân viên đích thân đến mọi bảng điện trong đền thờ và tự tay bật đèn lên lại. Sau đó, họ thay thế các bình điện trong nguồn điện và kiểm tra chúng để tìm ra vật gì đã bị hỏng.

Rất khó để tự mình bật đèn trở lại. Chúng ta đều cần bạn bè. Chúng ta đều cần nhau. Giống như nhân viên cơ sở vật chất của đền thờ, chúng ta có thể giúp đỡ nhau bằng cách đích thân đến, sạc lại bình điện thuộc linh của mình, sửa chữa vật đã bị hỏng.

Hình Ảnh
Đền Thờ Salt Lake vào dịp lễ Giáng Sinh

Chúng ta có thể chỉ là một bóng đèn trên cây. Nhưng chúng ta vẫn chiếu ánh sáng nhỏ bé của mình, và cùng với nhau, giống như Khuôn Viên Đền Thờ vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta thu hút hàng triệu người đến ngôi nhà của Chúa. Hơn hết, như Chủ Tịch Nelson đã khuyến khích, chúng ta có thể mang ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi đến với bản thân mình và những người quan trọng đối với chúng ta bằng hành động đơn giản của việc tuân giữ các giao ước của chúng ta. Bằng nhiều cách khác nhau, Chúa tưởng thưởng cho hành động trung thành đó với quyền năng và với niềm vui.27

Tôi làm chứng rằng anh chị em được Chúa yêu mến. Chúa biết anh chị em đang cố gắng biết bao. Anh chị em đang tiến bộ. Hãy tiếp tục. Ngài nhìn thấy tất cả những hy sinh của anh chị em mà không ai thấy và Ngài tưởng thưởng cho anh chị em và những người mà anh chị em yêu thương. Công việc của anh chị em không phải là vô ích. Anh chị em không đơn độc một mình. Danh của Ngài, Em Ma Nu Ên, có nghĩa là “Thượng Đế ở với chúng ta.”28 Chắc chắn là Ngài đang ở cùng với anh chị em.

Hãy bước thêm một vài bước nữa trên con đường giao ước, cho dù quá tối để nhìn được xa. Đèn sẽ sáng trở lại. Tôi làm chứng về lẽ thật nơi những lời của Chúa Giê Su, và những lời này tràn ngập ánh sáng: “Hãy lại gần ta, rồi ta sẽ đến gần các ngươi; hãy tận tụy tìm kiếm ta, rồi các ngươi sẽ tìm thấy ta; hãy cầu xin, rồi các ngươi sẽ nhận được; hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở cho các ngươi.”29 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.

In