2010–2019
Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi không những là vô hạn trong phạm vi mà còn là trong tầm tay với của cá nhân nữa.

Vào mùa này trong năm, chúng ta đặc biệt hân hoan và suy ngẫm về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Đây quả thực là giáo lý thiêng liêng, mở rộng tâm trí, nhiệt tình nhất mà thế giới hay vũ trụ này từng biết đến. Đây là điều mang lại hy vọng và mục đích cho cuộc sống của chúng ta.

Vậy thì Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là gì? Theo ý nghĩa thông thường, đó là một chuỗi các sự kiện thiêng liêng mà đã bắt đầu trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, tiếp tục trên thập tự giá và kết thúc với Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi từ mộ phần. Điều đó được thúc đẩy bởi một tình yêu thương khó hiểu nổi đối với mỗi người chúng ta. Điều đó đòi hỏi một nhân vật vô tội có quyền năng vô hạn đối với thiên nhiên—ngay cả cái chết, có một khả năng vô biên để gánh chịu hậu quả của mọi tội lỗi và bệnh tật của chúng ta, và thực ra đã trải nghiệm tất cả những điều này.1 Đây là sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô—đây là Sự Chuộc Tội của Ngài.

Vậy thì mục đích của Sự Chuộc Tội là gì? Đó là làm cho chúng ta có thể trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế, trở nên giống như Ngài hơn, và có được niềm vui trọn vẹn. Điều này đã được thực hiện bằng cách vượt qua bốn trở ngại:

  1. Cái chết thể xác

  2. Cái chết thuộc linh do A Đam và các tội lỗi của chúng ta gây ra

  3. Những nỗi ưu phiền và bệnh tật của chúng ta

  4. Những sự yếu kém và không hoàn hảo của chúng ta

Nhưng làm thế nào Đấng Cứu Rỗi có thể hoàn thành việc này mà không vi phạm luật pháp của công lý?

Hình Ảnh
Nhảy dù khỏi máy bay

Giả sử trong một giây lát một người đang suy tính về một cuộc nhảy dù đầy hào hứng đã đưa ra một quyết định vội vàng và tự động nhảy ra khỏi một chiếc máy bay nhỏ. Sau khi làm như vậy, người ấy nhanh chóng nhận ra hành động dại dột của mình. Người ấy muốn nhảy xuống an toàn, nhưng có một trở ngại—đó là định luật về trọng lực. Người ấy chuyển động hai cánh tay của mình với tốc độ rất nhanh, với hy vọng là sẽ bay lên, nhưng vô ích. Người ấy thả ngửa mình để được xuống chậm nhưng định luật về trọng lực thì không chậm lại và không thương xót. Người ấy cố gắng lý luận với quy luật tự nhiên cơ bản này: “Đó là một sai lầm. Tôi sẽ không bao giờ làm thế nữa.” Nhưng không có ai nghe lời khẩn nài của người ấy cả. Định luật về trọng lực không biết trắc ẩn, không chấp nhận một trường hợp ngoại lệ nào cả. Tuy nhiên, may thay, người ấy đột nhiên cảm thấy có cái gì đó trên lưng mình. Người bạn của người ấy trong máy bay, vì cảm nhận được giây phút dại dột đó của người ấy, đã đeo vào một chiếc dù ở đó cho người ấy ngay trước khi nhảy. Người ấy tìm thấy sợi dây dù và kéo nó. Người ấy cảm thấy nhẹ nhõm và nhảy xuống đất an toàn. Chúng ta có thể hỏi: “Định luật về trọng lực có bị vi phạm không, hoặc việc nhảy dù đó có hữu hiệu theo luật ấy để cho phép nhảy xuống an toàn không?”

Hình Ảnh
Nhảy dù xuống đất an toàn

Khi phạm tội, chúng ta giống như người dại dột đã nhảy ra khỏi máy bay. Cho dù có tự mình làm điều gì đi nữa thì chúng ta cũng sẽ trải qua những hậu quả của tội lỗi. Chúng ta phải tuân theo luật pháp của công lý, mà cũng giống như định luật về trọng lực, đòi hỏi rất nhiều và không khoan dung. Chúng ta có thể được cứu chỉ vì Đấng Cứu Rỗi, qua Sự Chuộc Tội của Ngài, đã thương xót cung ứng cho chúng ta một cái gì đó tương tự như cái dù thuộc linh. Nếu chúng ta có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải (có nghĩa là chúng ta làm phần vụ của mình và kéo sợi dây dù), thì quyền năng bảo vệ của Đấng Cứu Rỗi được sử dụng thay cho chúng ta và chúng ta có thể nhảy xuống đất bình an về mặt thuộc linh.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ vào Đấng Cứu Rỗi đã vượt qua bốn trở ngại mà có thể ngăn cản sự tiến bộ về phần thuộc linh của chúng ta.

1. Cái chết. Ngài đã chiến thắng cái chết qua Sự Phục Sinh vinh quang của Ngài. Sứ Đồ Phao Lô đã dạy: “Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người đều sẽ sống lại.”2

2. Tội lỗi. Đấng Cứu Rỗi đã chiến thắng tội lỗi và điều sai quấy cho tất cả những ai hối cải. Quyền năng thanh tẩy của Ngài sâu xa và rộng lớn đến nỗi Ê Sai đã hứa: “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết.”3

Thỉnh thoảng, tôi có gặp Các Thánh Hữu tốt, là những người khó tự tha thứ cho bản thân mình, đã vô tình đặt giới hạn một cách sai lầm vào các quyền năng cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi. Vô tình, họ đã thay đổi Sự Chuộc Tội vô hạn thành Sự Chuộc Tội có giới hạn mà bằng cách nào đó không chuộc được tội lỗi hoặc sự yếu kém đặc biệt của họ. Nhưng đó là một Sự Chuộc Tội vô hạn vì bao gồm và chứa đựng mọi tội lỗi và sự yếu kém, cũng như mọi sự lạm dụng hoặc nỗi đau khổ do người khác gây ra.

Truman Madsen đã đưa ra lời nhận xét đầy an ủi này:

“Nếu có một vài anh chị em nào đó đã bị lừa để tin rằng mình đã đi quá xa, … rằng mình đã có chất độc của tội lỗi khiến cho mình không thể trở thành con người mà mình có thể trở thành được—thì hãy nghe tôi.

“Tôi làm chứng rằng anh chị em không thể lún sâu hơn ánh sáng và óc thông minh tột bậc của Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể đạt tới được. Tôi làm chứng rằng chừng nào còn có một chút ý chí để hối cải và cố gắng, thì Ngài vẫn ở đó với anh chị em. Ngài không chỉ hạ mình xuống bằng tình trạng của anh chị em mà Ngài còn hạ mình xuống thấp hơn nữa ‘để Ngài có thể xuyên thấu được tất cả mọi vật, là ánh sáng của lẽ thật.’ [Giáo Lý và Giao Ước 88:6.]”4

Một lý do rất thiết yếu để hiểu được Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và ý nghĩa vô hạn của nó là với sự hiểu biết gia tăng, là ước muốn gia tăng để tha thứ cho chính mình và cho những người khác.

Mặc dù chúng ta có thể tin vào các quyền năng thanh tẩy của Đấng Ky Tô nhưng câu hỏi thường được đặt ra là: “Làm sao tôi biết được là mình đã được tha thứ cho tội lỗi của mình?” Nếu chúng ta cảm thấy Thánh Linh, thì đó là bằng chứng rằng chúng ta đã được tha thứ, hoặc tiến trình thanh tẩy đang diễn ra. Chủ Tịch Henry B. Eyring đã dạy: “Nếu đã cảm thấy ảnh hưởng của Đức Thánh Linh … thì anh chị em có thể lấy điều đó làm bằng chứng hiển nhiên rằng Sự Chuộc Tội đang tác động trong cuộc sống của anh chị em.”5

Hình Ảnh
Ngõ cụt

Một số người đã hỏi: “Nhưng nếu tôi đã được tha thứ thì tại sao tôi vẫn cảm thấy tội lỗi?” Có lẽ trong lòng thương xót của Thượng Đế, sự hồi tưởng về tội lỗi đó là một điều cảnh báo cho chúng ta phải dừng lại và suy nghĩ, ít nhất là trong một thời gian, nhắc nhở khi những cám dỗ khác đến với chúng ta: “Đừng làm điều đó. Ngươi biết nỗi đau khổ mà điều đó có thể mang lại.” Theo nghĩa này, điều đó là sự bảo vệ, chứ không phải là hình phạt.

Rồi thì có thể nào vẫn nhớ lại tội lỗi của mình mà còn cảm thấy tội lỗi không?

An Ma đã nhớ lại tội lỗi của mình, ngay cả nhiều năm sau khi ông đã hối cải. Nhưng khi ông kêu cầu lên Chúa Giê Su để nhận được lòng thương xót thì ông nói: “cha không còn nhớ đến những sự đau đớn nữa; phải, cha không còn bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới các tội lỗi của mình nữa.”6

Làm thế nào ông có thể nhớ lại tội lỗi của mình mà lại không bị đau đớn hay cảm thấy tội lỗi? Vì khi hối cải, chúng ta “đã được Thượng Đế sinh ra.”7 Như thánh thư nói, chúng ta trở thành “những sinh linh mới”8 trong Đấng Ky Tô. Bây giờ chúng ta có thể hoàn toàn thành thật nói rằng: “Tôi không phải là người đã phạm các tội lỗi đó trong quá khứ. Tôi là một con người mới và được thay đổi.”

3. Những Nỗi Đau Khổ và Yếu Đuối. An Ma đã tiên tri rằng Đấng Ky Tô “sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ.” Tại sao? “Để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, … để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.”9

Ngài thực hiện điều này bằng cách nào? Đôi khi, Ngài cất bỏ nỗi đau khổ, đôi khi Ngài củng cố chúng ta để chịu đựng và đôi khi Ngài ban cho chúng ta một viễn cảnh vĩnh cửu để hiểu rõ hơn tính chất tạm thời của những điều này. Sau khi Joseph Smith đã mòn mỏi trong Ngục Thất Liberty trong khoảng hai tháng, thì cuối cùng ông đã kêu lên: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu?”10 Thay vì ban cho sự giải thoát ngay lập tức, Thượng Đế phán: “Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi; và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao.”11

Bấy giờ Joseph đã hiểu rằng kinh nghiệm cay đắng này chỉ là một dấu chấm nhỏ trong thời vĩnh cửu. Với sự hiểu biết được gia tăng này, ông đã viết cho Các Thánh Hữu từ một xà lim của nhà tù đó: “Các anh em yêu quý, chúng ta hãy vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta; và rồi chúng ta có thể đứng yên, với một sự an tâm lớn lao nhất, để nhìn thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế.”12 Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể có được một viễn cảnh vĩnh cửu mang lại ý nghĩa cho những thử thách và hy vọng của mình để chúng ta được giải thoát.

4. Những Yếu Kém và Sự Không Hoàn Hảo. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi có những quyền năng củng cố, đôi khi được gọi là ân điển,13 mà có thể giúp chúng ta khắc phục những yếu kém và sự không hoàn hảo của mình và như thế phụ giúp chúng ta trong tiến trình trở nên giống như Ngài hơn.

Mô Rô Ni đã dạy như vậy: “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, … để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô.”14 Dường như có ít nhất hai phương pháp hay là phương tiện để chúng ta sử dụng các quyền năng củng cố đó mà có thể tinh luyện—thậm chí còn làm cho hoàn hảo—chúng ta.

Trước hết, là các giáo lễ cứu rỗi. Thánh thư cho chúng ta biết: “Trong các giáo lễ thuộc chức tư tế này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.”15 Đôi khi, chúng ta có thể nghĩ các giáo lễ là một bản liệt kê các mục cần kiểm tra—cần thiết cho sự tôn cao, nhưng thực ra, mỗi giáo lễ đều cho phép tiếp cận quyền năng của Thượng Đế để giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. Ví dụ:

  • Khi chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, chúng ta được làm cho trong sạch—vì vậy trở nên thánh thiện hơn giống như Thượng Đế.

  • Ngoài ra, khi nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, tâm trí của chúng ta có thể được soi sáng và tâm hồn chúng ta được xoa dịu để chúng ta có thể suy nghĩ và cảm nhận giống như Ngài hơn.

  • Và khi được làm lễ gắn bó với tư cách là vợ chồng, chúng ta thừa hưởng quyền đối với “các ngai vàng, vương quốc, chấp chính, và quyền năng”16 là các ân tứ từ Thượng Đế.

Phương pháp thứ hai để có các quyền năng củng cố này là các ân tứ của Thánh Linh. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, chúng ta hội đủ điều kiện để nhận được ân tứ Đức Thánh Linh và các ân tứ thuộc linh đi kèm. Các ân tứ này là thuộc tính của sự tin kính; do đó, mỗi lần chúng ta có được một ân tứ của Thánh Linh, thì chúng ta trở nên giống Thượng Đế hơn. Đó là lý do tại sao thánh thư khuyên chúng ta trong nhiều dịp để tìm kiếm các ân tứ này.17

Chủ Tịch George Q. Cannon đã dạy: “Không một người nào nên nói: ‘Ôi, tôi không thể nào làm khác được; đó là bản tính của tôi.’ Người ấy không có lý do chính đáng để biện minh điều đó, vì lý do là Thượng Đế đã hứa sẽ … ban cho các ân tứ mà sẽ cất bỏ [những sự yếu kém của chúng ta]. … Nếu bất cứ người nào trong chúng ta không hoàn hảo, thì bổn phận của chúng ta là cầu nguyện để có được ân tứ mà sẽ giúp cho chúng ta được hoàn hảo.”18

Tóm lại, Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô ban cho chúng ta sự sống thay vì cái chết, “mão hoa … thay vì tro bụi,”19 sự chữa lành thay vì sự tổn thương và sự hoàn hảo thay vì sự yếu kém. Đó là giải pháp của thiên thượng cho những trở ngại và khó khăn trên thế gian này.

Trong tuần cuối cùng còn sống trên trần thế, Ngài đã phán: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”20 Vì Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện Sự Chuộc Tội của Ngài nên không có ảnh hưởng bên ngoài hay sự kiện hoặc người nào—không phải tội lỗi hay cái chết hoặc sự ly dị—mà có thể ngăn cản chúng ta đạt được sự tôn cao, miễn là chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Với sự hiểu biết đó, chúng ta có thể tiến bước với tấm lòng vui vẻ và sự bảo đảm tuyệt đối rằng Thượng Đế ở cùng chúng ta trong nỗ lực thiêng liêng này.

Tôi làm chứng​ rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi không những là vô hạn trong phạm vi, mà còn là trong tầm tay với của cá nhân—để nó không những có thể mang chúng ta trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế, mà còn cho phép chúng ta trở nên giống như Ngài nữa—đó là mục tiêu tối thượng của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Tôi làm chứng với lòng biết ơn và sự chắc chắn về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.