2010–2019
Con Mắt Đức Tin
Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2019


Con Mắt Đức Tin

Nếu chúng ta chọn lựa điều gì chúng ta chấp nhận trong bản tuyên ngôn, thì chúng ta làm mờ đi quan điểm vĩnh cửu của mình, chú tâm quá nhiều vào kinh nghiệm của chúng ta ở đây và bây giờ.

Ngay trước khi bị đóng đinh trên thập tự giá, Chúa Giê Su đã được giải đến trước Phi Lát trong trường án. “Chính ngươi là Vua dân Giu Đa phải chăng?” Phi Lát hỏi với giọng khinh thường. Chúa Giê Su đáp rằng: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian này. … Ta đã giáng thế ấy là để làm chứng [về] lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta.”

Phi Lát hỏi đầy hoài nghi: “Lẽ thật là cái gì?”1

Trong thế giới ngày nay, câu hỏi “Lẽ thật là gì” có thể thật sự phức tạp đối với người không tin vào tôn giáo.

Nếu tìm kiếm “Lẽ thật là gì” trên Google, thì sẽ có hơn một triệu câu trả lời. Chúng ta có nhiều thông tin sẵn có trong điện thoại di động của mình hơn trong tất cả các sách được cất trong một thư viện thật sự. Cuộc sống của chúng ta bị quá tải bởi có quá nhiều thông tin và quan điểm. Chúng ta liên tục bị ảnh hưởng bởi những lựa chọn đầy cám dỗ và lôi cuốn.

Bị vây quanh bởi nhiều điều gây hoang mang ngày nay, không có gì là ngạc nhiên khi có nhiều người tự để cho mình tin theo những lời mà Protagoras đã nói với Socrates trẻ tuổi cách đây khoảng 2.500 năm rằng: “Điều gì là đúng với bạn thì đúng với bạn, và điều gì là đúng với tôi thì đúng với tôi.”2

Lẽ Thật qua Phúc Âm Phục Hồi của Chúa Giê Su Ky Tô

Được ban phước với phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta khiêm nhường tuyên bố rằng có một số điều là hoàn toàn và tuyệt đối đúng. Các lẽ thật vĩnh cửu này là như nhau đối với mỗi người con trai và con gái của Thượng Đế.

Thánh thư dạy: “Lẽ thật là sự hiểu biết về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có, đã có, và sẽ có.”3 Lẽ thật chứa đựng những sự việc đã xảy ra và chưa xảy ra, mở rộng quan điểm về những sự việc hiện đang xảy ra.

Chúa Giê Su phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống.”4 Lẽ thật cho chúng ta thấy con đường dẫn tới cuộc sống vĩnh cửu, và nó chỉ đến qua Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Không có cách nào khác cả.

Chúa Giê Su Ky Tô dạy chúng ta cách sống, và qua Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài, Ngài ban cho chúng ta sự tha thứ khỏi những tội lỗi của chúng ta và sự bất diệt ở bên kia bức màn che. Điều này là hoàn toàn đúng.

Ngài dạy chúng ta rằng việc chúng ta giàu hay nghèo, nổi tiếng hay vô danh, sành điệu hay giản dị, thì đều không quan trọng. Thay vì thế, cuộc sống trần thế của chúng ta là để củng cố đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô, để chọn điều thiện thay vì điều ác, và để tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Mặc dù chúng ta ca tụng những sáng kiến khoa học và y học, nhưng các lẽ thật về Thượng Đế còn bao gồm nhiều hơn những khám phá này.

Trái ngược với các lẽ thật vĩnh cửu, thì luôn có những sự giả mạo làm xao lãng con cái của Thượng Đế khỏi lẽ thật. Lý lẽ của kẻ nghịch thù thì luôn luôn như vậy. Hãy lắng nghe những lời này, được nói ra cách đây 2.000 năm:

“[Bạn] không thể biết được những điều mà [bạn] không trông thấy. … [Bất cứ điều gì một người làm] đều không phải là tội ác.”

“[Thượng Đế không ban phước cho bạn, nhưng] mọi [người] đều thịnh vượng tùy theo thiên tài của [chính] mình.”5

“Thật là một điều phi lý khi bảo rằng có một Đấng Ky Tô … [sẽ] là Vị Nam Tử của Thượng Đế.”6

“[Điều bạn tin tưởng là một truyền thống điên rồ và là một] sự loạn trí.”7 Những lời đó nghe có vẻ giống như ngày nay, phải không?

Với Sự Phục Hồi của phúc âm, Thượng Đế đã ban cho chúng ta cách thức để học hỏi và biết được các lẽ thật thuộc linh thiết yếu: chúng ta học hỏi những điều đó qua thánh thư, qua những lời cầu nguyện cá nhân và những kinh nghiệm riêng của chúng ta, qua lời khuyên bảo của các vị tiên tri và sứ đồ tại thế, và qua sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, là Đấng có thể giúp chúng ta “biết được lẽ thật của tất cả mọi điều.”8

Lẽ Thật Được Nhận Thức một Cách Thuộc Linh

Chúng ta có thể biết được các sự việc của Thượng Đế khi chúng ta tìm kiếm chúng về mặt thuộc linh. Phao Lô nói: “Nếu không phải là [nhờ có] Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời. … Vì phải xem xét cách thiêng liêng.”9

Hãy xem bức tranh này của Michael Murphy. Từ góc nhìn này, ta gần như không tin nổi đó là bức tranh miêu tả mắt người. Tuy nhiên, khi nhìn vào các dấu chấm từ một góc cạnh khác, ta thấy vẻ đẹp của sự sáng tạo của người họa sĩ.

Giống như vậy, chúng ta thấy các lẽ thật thuộc linh của Thượng Đế qua góc nhìn của con mắt đức tin. Phao Lô nói: “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.”10

Thánh thư, những lời cầu nguyện của chúng ta, kinh nghiệm cá nhân của chúng ta, các vị tiên tri thời hiện đại, và ân tứ Đức Thánh Linh đều mang đến cho chúng ta quan điểm thuộc linh về lẽ thật cần thiết cho cuộc hành trình của chúng ta ở nơi đây trên thế gian.

Bản Tuyên Ngôn bằng Con Mắt Đức Tin

Chúng ta hãy xem xét bản tuyên ngôn về gia đình bằng con mắt đức tin.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã giới thiệu “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” với những lời sau: “Vì có quá nhiều ý nghĩ sai lầm mà được coi là lẽ thật, vì có quá nhiều sự lừa dối về những tiêu chuẩn đạo đức, vì có quá nhiều sự lôi cuốn và cám dỗ dần dần làm ô uế những sự việc của thế gian, nên chúng tôi cảm thấy cần phải cảnh giác và báo trước [cho anh chị em].”11

Bản tuyên ngôn mở đầu bằng câu: “Tất cả nhân loại—nam lẫn nữ—đều được sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế. Mỗi người là một đứa con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng, và, vì lẽ đó, mỗi người có một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng.”

Đây là các lẽ thật vĩnh cửu. Anh chị em và tôi không chỉ có mặt ở đây một cách ngẫu nhiên.

Tôi yêu thích những lời này: “Trong tiền dương thế, những người con trai và con gái linh hồn đã biết và đã thờ phượng Thượng Đế là Cha Vĩnh Cửu của họ và chấp nhận kế hoạch của Ngài.”12

Chúng ta đã sống trước khi sinh ra đời. Bản tính cá nhân của chúng ta mãi mãi là một phần của chúng ta. Trong những khía cạnh mà chúng ta không hoàn toàn hiểu được, sự tiến triển thuộc linh của chúng ta ở nơi đó trong tiền dương thế ảnh hưởng đến con người của chúng ta ở nơi đây.13 Chúng ta đã chấp nhận kế hoạch của Thượng Đế. Chúng ta biết rằng chúng ta sẽ gặp phải những nỗi khó khăn, đau đớn, và buồn phiền trên thế gian.14 Chúng ta cũng biết rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ đến và nếu chúng ta tự chứng tỏ rằng mình xứng đáng, thì chúng ta sẽ sống lại trong Ngày Phục Sinh, “được nhận thêm nhiều vinh quang lên đầu [chúng ta] mãi mãi và đời đời.”15

Bản tuyên ngôn nói rõ: “Chúng tôi tuyên bố rằng những phương cách mà qua đó cuộc sống hữu diệt được tạo ra là do Thượng Đế ấn định. Chúng tôi xác nhận tính thiêng liêng của cuộc sống và tầm quan trọng của cuộc sống trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế.”

Kế hoạch của Đức Chúa Cha khuyến khích người chồng và người vợ mang con cái đến thế gian và bắt buộc chúng ta phải bênh vực cho những đứa bé còn nằm trong bào thai.

Các Nguyên Tắc của Bản Tuyên Ngôn Đều Được Liên Kết Một Cách Tuyệt Vời

Nếu chúng ta chọn lựa điều gì chúng ta chấp nhận trong bản tuyên ngôn, thì chúng ta làm mờ đi quan điểm vĩnh cửu của mình, chú tâm quá nhiều vào kinh nghiệm của chúng ta ở đây và bây giờ. Bằng cách thành tâm suy ngẫm bản tuyên ngôn qua con mắt đức tin, chúng ta hiểu rõ hơn cách các nguyên tắc được liên kết một cách tuyệt vời, hỗ trợ lẫn nhau như thế nào, cho thấy kế hoạch của Đức Chúa Cha dành cho con cái của Ngài.16

Chúng ta có nên thật sự ngạc nhiên khi các vị tiên tri của Chúa tuyên bố ý muốn của Ngài, và một số người vẫn còn thắc mắc không? Tất nhiên, một số người lập tức khước từ tiếng nói của các vị tiên tri,17 nhưng những người khác thành tâm suy ngẫm những thắc mắc thành thật của họ—những thắc mắc mà sẽ được giải đáp với sự kiên nhẫn và con mắt đức tin. Nếu bản tuyên ngôn được mặc khải trong một thế kỷ khác, thì cũng vẫn có những thắc mắc, chỉ có cái là khác với những thắc mắc ngày nay. Một mục đích của các vị tiên tri là giúp đỡ chúng ta giải đáp những thắc mắc chân thành.18

Trước khi trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Các vị tiên tri thấy trước được tương lai. Họ thấy được những mối nguy hiểm khổ sở mà kẻ nghịch thù đã đang hoặc sẽ đặt lên trên con đường của chúng ta. Các vị tiên tri cũng dự đoán được những điều có thể xảy ra và đặc ân đang chờ đợi những người chịu lắng nghe với ý định để tuân theo.19

Tôi làm chứng về lẽ thật và quyền năng thuộc linh của tiếng nói hợp nhất của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai.

Thế Gian Đang Xa Rời

Trong cuộc đời mình, tôi đã thấy một sự thay đổi đáng kể trong niềm tin của thế gian về nhiều nguyên tắc được giảng dạy trong bản tuyên ngôn. Trong thời niên thiếu và trong những năm đầu mới kết hôn của tôi, nhiều người trên thế gian đã xa rời khỏi tiêu chuẩn của Chúa mà chúng ta gọi là luật trinh khiết, tức là mối quan hệ tình dục chỉ xảy ra giữa một người nam và một người nữ đã được cưới hỏi hợp pháp. Trong những năm tôi ở tuổi đôi mươi và ba mươi, nhiều người xa rời khỏi sự bảo vệ thiêng liêng dành cho thai nhi, khi việc phá thai được chấp nhận nhiều hơn. Trong những năm gần đây, nhiều người đã xa rời khỏi luật pháp của Thượng Đế quy định rằng hôn nhân là sự kết hợp thiêng liêng giữa một người nam và một người nữ.20

Việc nhìn thấy nhiều người đang xa rời khỏi các lệnh truyền mà Chúa đã đặt ra nhắc nhở chúng ta về cái ngày ở Ca Bê Na Um khi Đấng Cứu Rỗi tuyên bố về thiên tính của Ngài và buồn thay “có nhiều môn đồ Ngài … [bỏ] đi.”

Rồi Đấng Cứu Rỗi quay sang hỏi Mười Hai Vị Sứ Đồ: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”

Phi E Rơ thưa:

“Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời.

“Chúng tôi đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng thánh của Đức Chúa Trời.”21

Không Hoàn Toàn Thích Hợp với Bản Tuyên Ngôn

Có rất nhiều người, trẻ tuổi lẫn lớn tuổi, là những người trung thành và trung tín với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, mặc dù kinh nghiệm hiện tại của riêng họ không hoàn toàn thích hợp với bản tuyên ngôn về gia đình: con cái mà cuộc sống của chúng bị đảo lộn bởi cuộc ly hôn; giới trẻ mà bạn bè của chúng chế nhạo luật trinh khiết; những người nam và người nữ đã ly dị bị tổn thương trầm trọng bởi một người phối ngẫu không chung thủy; những người vợ và người chồng không thể có con; những người nam và nữ kết hôn với một người phối ngẫu không có cùng đức tin nơi phúc âm phục hồi; những người nam và người nữ độc thân, vì nhiều lý do khác nhau, không thể kết hôn.

Một người bạn gần 20 năm của tôi, người tôi rất ngưỡng mộ, đã không kết hôn vì sự thu hút đồng tính. Anh ta vẫn trung thành với các giao ước đền thờ của mình, phát triển kỹ năng sáng tạo và chuyên môn, và phục vụ hết mình trong Giáo Hội cũng như trong cộng đồng. Anh vừa mới nói với tôi: “Tôi có thể thông cảm với những người ở trong hoàn cảnh của tôi mà chọn không tuân theo luật trinh khiết trên thế gian chúng ta đang sống. Nhưng chẳng phải Đấng Ky Tô yêu cầu chúng ta ‘không thuộc thế gian này’ sao? Rõ ràng là các tiêu chuẩn của Thượng Đế khác biệt với các tiêu chuẩn của thế gian.”

Luật pháp của loài người thường vượt ra ngoài ranh giới đã được thiết lập bởi luật pháp của Thượng Đế. Đối với những người mong muốn làm hài lòng Thượng Đế, thì chắc chắn cần phải có đức tin, lòng kiên nhẫn, và sự chuyên tâm.22

Vợ tôi, Kathy, và tôi quen biết một chị phụ nữ độc thân, tuổi nay đã ngoài 40, là người rất tài giỏi trong công việc chuyên môn và phục vụ xuất sắc trong tiểu giáo khu của chị. Chị cũng đã tuân giữ các luật pháp của Thượng Đế. Chị viết:

“Tôi ước mơ một ngày kia tôi sẽ được ban phước với một người chồng và con cái. Tôi vẫn đang chờ đợi. Đôi khi, hoàn cảnh của tôi khiến tôi có cảm giác bị lãng quên và cô đơn, nhưng tôi cố gắng không tập trung vào những gì tôi không có, mà thay vì thế, vào những gì tôi có và làm thế nào tôi có thể giúp đỡ những người khác.

“Việc phục vụ gia đình thân quyến, trong tiểu giáo khu của tôi, và trong đền thờ đã giúp đỡ tôi. Tôi không bị lãng quên hay cô đơn vì tôi là một phần, và tất cả chúng ta đều là một phần, của một gia đình lớn hơn.”

Có Một Đấng Thấu Hiểu

Một số người sẽ nói: “Bạn không hiểu hoàn cảnh của tôi.” Tôi có thể không hiểu, nhưng tôi làm chứng rằng có một Đấng thấu hiểu chúng ta.23 Có một Đấng biết những gánh nặng của anh chị em bởi vì sự hy sinh của Ngài đã được thực hiện trong khu vườn và trên cây thập tự. Khi anh chị em tìm kiếm Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, tôi hứa với anh chị em rằng Ngài sẽ ban phước cho anh chị em và nâng đỡ gánh nặng mà một mình anh chị em không mang nổi. Ngài sẽ ban cho anh chị em những người bạn vĩnh cửu và cơ hội để phục vụ. Quan trọng hơn nữa, Ngài sẽ làm tràn đầy anh chị em với Thánh Linh mạnh mẽ của Đức Thánh Linh và cho anh chị em biết rằng Ngài hài lòng với anh chị em. Không có lựa chọn nào, không có sự thay thế nào, mà phủ nhận sự đồng hành của Đức Thánh Linh hay các phước lành vĩnh cửu, là đáng để chúng ta cân nhắc.

Tôi biết Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Tôi làm chứng rằng Ngài là nguồn gốc của tất cả mọi lẽ thật mà thật sự quan trọng và Ngài sẽ làm tròn tất cả các phước lành Ngài đã hứa với những người nào tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giăng 18:33, 36–38.

  2. William S. Sahakian and Mabel Lewis Sahakian, Ideas of the Great Philosophers (năm 1966), trang 28.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 93:24.

  4. Giăng 14:6.

  5. An Ma 30:15, 17.

  6. Hê La Man 16:18.

  7. Xin xem An Ma 30:14, 23, 27.

  8. Mô Rô Ni 10:5.

  9. Bản Dịch Joseph Smith, 1 Cô Rinh Tô 2:11 [trong 1 Cô Rinh Tô 2:11, cước chú c]; 1 Cô Rinh Tô 2:14.

  10. 1 Cô Rinh Tô 2:14.

  11. Gordon B. Hinckley, “Stand Strong against the Wiles of the World,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 100. Chủ Tịch Russell M. Nelson gần đây có giải thích một chút về lịch sử của bản tuyên ngôn, như đã được Sheri Dew tóm lược trong Insights from a Prophet’s Life: Russell M. Nelson (năm 2019), trang 208:

    “Một ngày nọ vào năm 1994, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dành ra một ngày trong phòng hội đồng trong Đền Thờ Salt Lake thảo luận về những vấn đề liên quan tới gia đình. Họ xem xét mọi điều từ việc hình ảnh sách báo khiêu dâm dường như có ở khắp mọi nơi đến nhiều luật lệ có khả năng chống lại gia đình. Đây không phải là cuộc thảo luận mới, nhưng ngày hôm đó, toàn bộ chương trình nghị sự tập trung vào chủ đề quan trọng này.

    “Mười Hai Vị Sứ Đồ đã xem lại các giáo lý lẫn chính sách, cân nhắc những điều mà không thể thay đổi—giáo lý—và những điều mà có thể thay đổi—các chính sách. Họ thảo luận những vấn đề họ thấy sắp xảy đến, kể cả áp lực đang gia tăng từ xã hội để chấp nhận hôn nhân đồng tính và quyền của người chuyển đổi giới tính. Anh Cả Nelson giải thích: ‘Nhưng đó không phải là đoạn kết của tất cả những gì chúng tôi thấy được. Chúng tôi đã có thể thấy nỗ lực của nhiều cộng đồng để từ bỏ tất cả mọi tiêu chuẩn và giới hạn về hoạt động tình dục. Chúng tôi thấy sự rối loạn về giới tính. Chúng tôi đã có thể thấy tất cả những điều đó xảy ra.’

    “Cuộc thảo luận mở rộng này, cùng với nhiều cuộc thảo luận khác trong một thời gian, đã dẫn đến kết luận rằng Mười Hai Vị Sứ Đồ cần chuẩn bị một văn kiện, thậm chí có lẽ một bản tuyên ngôn, vạch rõ lập trường của Giáo Hội về gia đình để đệ trình lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để xem xét.”

  12. Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 145.

  13. Chủ Tịch Dallin H. Oaks nói: “Tất cả những người trần thế mà đã được sinh ra trên thế gian này đều đã chọn kế hoạch của Đức Chúa Cha và chiến đấu vì kế hoạch đó. Nhiều người trong chúng ta cũng lập giao ước với Đức Chúa Cha về những gì chúng ta sẽ làm trong cuộc sống trần thế. Theo những cách thức mà chưa được mặc khải, những hành động của chúng ta trong thế giới linh hồn sẽ ảnh hưởng đến chúng ta trong cuộc sống trần thế” (“The Great Plan of Happiness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, trang 72).

  14. Xin xem Dallin H. Oaks, “Lẽ Thật và Kế Hoạch,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 25–28.

  15. Áp Ra Ham 3:26.

  16. Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã nói:

    “Các Thánh Hữu Ngày Sau cải đạo tin tưởng rằng bản tuyên ngôn về gia đình, được đưa ra cách đây gần một phần tư thế kỷ và hiện đã được phiên dịch ra rất nhiều ngôn ngữ, là sự tái nhấn mạnh của Chúa về các lẽ thật phúc âm mà chúng ta cần để giúp chúng ta có thể vững vàng vượt qua những thử thách hiện tại đến với gia đình. …

    “Tôi làm chứng rằng bản tuyên ngôn về gia đình là một lời phát biểu về lẽ thật vĩnh cửu, ý muốn của Chúa dành cho các con cái của Ngài đang tìm kiếm cuộc sống vĩnh cửu. Bản tuyên ngôn này đã là nền tảng của sự giảng dạy và thực hành của Giáo Hội trong 22 năm qua và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Hãy xem nó là như vậy, hãy giảng dạy, sống theo bản tuyên ngôn đó, và anh chị em sẽ được phước khi anh chị em dấn bước tiến đến cuộc sống vĩnh cửu. …

    “… Tôi tin rằng thái độ của chúng ta về bản tuyên ngôn về gia đình và việc sử dụng nó là một trong những thử thách đối với thế hệ này. Tôi cầu nguyện cho tất cả Các Thánh Hữu Ngày Sau hãy đứng vững vàng trong thử thách đó” (“Kế Hoạch và Bản Tuyên Ngôn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 30–31).

  17. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Có những người cho rằng chúng ta là những người tin mù quáng, nhưng những người tin mù quáng chính là những người không cho phép chúng ta cảm thấy như chúng ta cảm thấy, nhưng muốn chúng ta cho phép họ cảm thấy như họ cảm thấy. Cuối cùng thì lập trường của chúng ta dựa trên luật trinh khiết. Mười Điều Giáo Lệnh thì vẫn còn hiệu lực. Chúng không bao giờ bị hủy bỏ. … Chúng ta không có quyền để thay đổi các luật pháp mà Thượng Đế đã ban sắc lệnh” (trong Dew, Insights from a Prophet’s Life, trang 212).

  18. “Trong khi gia đình đang bị tấn công trên toàn thế giới, thì các lẽ thật của bản tuyên ngôn về gia đình sẽ củng cố các em.

    “Các em là giới trẻ tuyệt vời với quyền thừa kế cao quý, các em cần phải hiểu những hậu quả sâu rộng của cuộc xung đột hiện nay của xã hội về định nghĩa thật sự của hôn nhân. Cuộc tranh luận hiện nay liên quan đến câu hỏi là liệu hai người cùng giới tính có thể được kết hôn với nhau hay không. Nếu các em có thắc mắc về lập trường của Giáo Hội về điều này hoặc bất cứ vấn đề quan trọng nào khác, thì hãy thành tâm suy ngẫm, rồi sau đó lưu tâm đến các sứ điệp của vị tiên tri tại đại hội trung ương vào tháng Mười sắp tới đây của Giáo Hội. Những bài nói chuyện đầy soi dẫn đó, cộng với sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, sẽ mang đến cho tâm trí của các em một sự hiểu biết trọn vẹn hơn và chân chính hơn.” (Russell M. Nelson, “Giới Trẻ với Quyền Thừa Kế Cao Quý: Các Em Sẽ Chọn Điều Gì?” [Buổi họp đặc biệt devotional của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 6 tháng Chín năm 2013], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org).

  19. Russell M. Nelson, “Hãy Sống Đúng Theo Tiềm Năng của Mình Là Những Người của Thiên Niên Kỷ,” Liahona, tháng Mười năm 2016, trang 53.

  20. Chủ Tịch Nelson đã nói: “Các chính phủ dân sự cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các khuynh hướng xã hội và triết lý của thế gian trong khi họ viết, viết lại, và thực thi pháp luật. Bất kể các luật pháp và chính sách nào có thể được ban hành, thì giáo lý của Chúa về hôn nhân và đạo đức không thể bị thay đổi. Hãy nhớ rằng: Ngay cả khi được con người hợp pháp hóa, thì tội lỗi cũng vẫn là tội lỗi trong mắt của Thượng Đế!” (“Những Quyết Định về Sự Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 108).

  21. Giăng 6:66–69.

  22. Xin xem An Ma 32:41–43; Tôi luôn luôn có ấn tượng rằng trong chương tuyệt vời này nói về việc tăng trưởng đức tin của chúng ta, thì những đức tính của đức tin, sự kiên nhẫn, và chuyên tâm đều được đề cập đến cùng nhau trong mỗi ba câu cuối cùng.

  23. Xin xem An Ma 7:12; Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ chịu đau khổ vì tội lỗi của chúng ta mà còn cho sự yếu đuối của chúng ta nữa: “Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.” (Từ đồng nghĩa của sự yếu đuốibệnh tật, ốm yếu, đau khổ, thiếu sót.) Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:6: “Ngài đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật, để qua đó Ngài hiểu thấu tất cả mọi vật, ngõ hầu Ngài có thể xuyên thấu được tất cả mọi vật, là ánh sáng của lẽ thật.”