Đại Hội Trung Ương
Câu Chuyện Lễ Phục Sinh Hay Nhất Từng Được Kể
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Câu Chuyện Lễ Phục Sinh Hay Nhất Từng Được Kể

Hãy nhìn nhận Sách Mặc Môn theo cách thức mới và suy ngẫm lời chứng sâu sắc mà sách mang lại về tính xác thực của Đấng Ky Tô phục sinh.

Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào lễ Phục Sinh

Anh chị em có lẽ còn nhớ đã được nghe đọc lá thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của mình vài tuần trước. Lá thư đó thông báo rằng ngày Chủ Nhật kế tiếp—tức là Chủ Nhật lễ Phục Sinh—mọi tiểu giáo khu và chi nhánh sẽ chỉ có giờ Tiệc Thánh, để cho các gia đình có thêm thời gian thờ phượng tại nhà và kỷ niệm ngày lễ quan trọng nhất này.1

Lá thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã làm tôi chú ý, và nó khiến tôi xem lại cách gia đình tôi đang tổ chức lễ Phục Sinh trong những năm qua. Càng nghĩ về cách tổ chức của chúng tôi, tôi càng tự hỏi liệu có phải chúng tôi đang vô tình hiểu sai ý nghĩa thật sự của ngày lễ quan trọng này của mọi tín đồ tin theo Chúa Giê Su Ky Tô hay không.

Các Truyền Thống trong Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh

Những ý nghĩ đó khiến tôi suy ngẫm về sự khác biệt giữa cách chúng tôi tổ chức lễ Giáng Sinh so với lễ Phục Sinh. Trong cả tháng Mười Hai, bằng cách nào đó, chúng tôi xoay xở để kết hợp niềm vui từ bài “Jingle Bells” (Chuông Ngân Vang), những đôi tất trang trí, và quà cáp với những truyền thống giàu ý nghĩa hơn—như là chăm sóc cho những người túng thiếu, hát thánh ca và các bài hát Giáng Sinh yêu thích, và dĩ nhiên là mở thánh thư và đọc câu chuyện Giáng Sinh trong Lu Ca 2. Mỗi năm khi đọc câu chuyện yêu thích này trong quyển Kinh Thánh lớn đã cũ, gia đình chúng tôi làm điều mà có lẽ gia đình của anh chị em cũng làm—lấy khăn đội lên đầu, vắt lên vai, và mặc áo choàng tắm để đóng giả làm Giô Sép, Ma Ri, và những người đến thờ phượng hài nhi Giê Su, trong khi diễn lại câu chuyện Giáng Sinh đầy ý nghĩa về sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi.

Tuy nhiên, cách gia đình chúng tôi tổ chức lễ Phục Sinh lại có phần khác biệt. Tôi cảm thấy gia đình mình dựa dẫm nhiều hơn vào việc “đi nhà thờ” để đáp ứng cho phần ý nghĩa, tập trung vào Đấng Ky Tô của lễ Phục Sinh; và rồi, khi về nhà, chúng tôi quây quần bên nhau chia sẻ các truyền thống khác trong lễ Phục Sinh. Tôi thích nhìn con cái mình, và giờ đây là các cháu của mình đi tìm những quả trứng Phục Sinh và khám phá giỏ quà Phục Sinh của chúng.

Nhưng lá thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn là một hồi chuông cảnh tỉnh. Họ không chỉ mời tất cả chúng ta đảm bảo rằng cách chúng ta kỷ niệm sự kiện quan trọng nhất từng xảy ra trên thế gian này—Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô—cần bao gồm sự tôn kính và tôn trọng mà Chúa xứng đáng nhận được, mà họ còn cho chúng ta có thêm thời gian bên gia đình và bạn bè của mình trong ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh để làm điều đó.

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi phục sinh

Những lời này của Tiên Tri Joseph Smith giải thích thêm tầm quan trọng của các sự kiện làm nên lễ Phục Sinh: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Sứ Đồ và Các Vị Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ vào chứng ngôn đó mà thôi.”2

Lesa và tôi đã thảo luận về những điều mà gia đình chúng tôi có thể làm tốt hơn trong mùa lễ Phục Sinh. Có lẽ câu hỏi chúng tôi đã tự hỏi mình cũng là câu hỏi mà tất cả chúng ta nên suy ngẫm: Làm thế nào để chúng ta giảng dạy và kỷ niệm Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, tức là câu chuyện Phục Sinh, một cách cân bằng, trọn vẹn, và giàu truyền thống tôn giáo giống như sự sinh ra của Chúa Giê Su Ky Tô, hay câu chuyện Giáng Sinh?

Dường như tất cả chúng ta đều đang cố gắng làm điều ấy. Tôi đã thấy một nỗ lực ngày càng lớn của Các Thánh Hữu Ngày Sau để có một lễ Phục Sinh tập trung nhiều hơn vào Đấng Ky Tô. Điều này bao gồm sự công nhận sâu sắc hơn, rộng rãi hơn hai ngày lễ là Chủ Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh giống như các Ky Tô giáo khác. Chúng ta cũng có thể học hỏi theo các truyền thống thích hợp trong lễ Phục Sinh tập trung vào Đấng Ky Tô từ văn hóa và tập tục của các quốc gia trên thế giới.

Học giả N. T. Wright về Kinh Tân Ước đề nghị: “Chúng ta nên bắt đầu tổ chức lễ Phục Sinh theo những cách thức mới và sáng tạo: bằng nghệ thuật, văn chương, các trò chơi của trẻ em, thơ phú, âm nhạc, nhảy múa, lễ hội, tiếng chuông, các buổi hòa nhạc đặc biệt. … Đây là lễ hội lớn nhất của chúng ta. Nếu bỏ đi lễ Giáng Sinh, thì nói theo Kinh Thánh, chúng ta chỉ mất hai chương đầu của Ma Thi Ơ và Lu Ca mà không mất gì thêm. Nhưng nếu bỏ đi lễ Phục Sinh, thì chúng ta chẳng có Kinh Tân Ước, cũng chẳng có Ky Tô giáo nào cả.”3

Lễ Phục Sinh, Kinh Thánh và Sách Mặc Môn

Chúng ta vui mừng bởi mọi điều mà Kinh Thánh dạy cho chúng ta về sự giáng sinh, giáo vụ, Sự Đóng Đinh, và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Không có lời nào cho thấy niềm hy vọng và kết quả vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại nhiều hơn những lời được một thiên sứ thốt ra vào buổi sáng Phục Sinh tại Ngôi Mộ Vườn: “Ngài sống lại rồi.”4 Chúng ta vô cùng biết ơn Kinh Tân Ước đã lưu giữ câu chuyện về lễ Phục Sinh và giáo vụ sau Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi tại Giu Đê và Ga Li Lê.

Khi Lesa và tôi tiếp tục suy ngẫm và tìm cách để làm cho lễ Phục Sinh của gia đình mình tập trung nhiều hơn vào Đấng Ky Tô, chúng tôi đã thảo luận xem gia đình mình nên có truyền thống đọc chương thánh thư nào cho lễ Phục Sinh—tương đương với truyền thống đọc Lu Ca chương 2 vậy.

Và rồi chúng tôi có được ấn tượng này từ thiên thượng: Ngoài các câu thánh thư quan trọng về lễ Phục Sinh trong Kinh Tân Ước, Các Thánh Hữu Ngày Sau chúng ta được ban cho một món quà Phục Sinh đặc biệt nhất! Một món quà về sự làm chứng độc đáo, một chứng thư khác về phép lạ Phục Sinh mà có lẽ chứa đựng các câu thánh thư Phục Sinh vĩ đại nhất trong mọi Ky Tô giáo. Dĩ nhiên là tôi đang nói đến Sách Mặc Môn, và cụ thể là câu chuyện về Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến với các dân cư ở Tân Thế Giới trong vinh quang phục sinh của Ngài.

Tiên Tri Joseph Smith đã mô tả Sách Mặc Môn là “cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách,”5 và bắt đầu với 3 Nê Phi 11, sách kể câu chuyện tuyệt vời về Đấng Ky Tô phục sinh đến thăm dân Nê Phi, trong giáo vụ Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi. Những thánh thư Phục Sinh này làm chứng về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong các chương này, Đấng Ky Tô kêu gọi mười hai môn đồ, giảng dạy những điều giống như Ngài đã dạy trong Bài Giảng trên Núi, cho biết rằng Ngài đã làm trọn luật pháp Môi Se, và tiên tri về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên ngày sau. Ngài chữa lành người đau ốm và cầu nguyện cho dân chúng theo một cách vinh quang đến nỗi “không một ngôn ngữ nào có thể nói lên được, cũng không một người nào có thể viết ra được, và không một trái tim nào của loài người có thể tưởng tượng được những điều vĩ đại và kỳ diệu như chúng tôi vừa được thấy và nghe Chúa Giê Su nói; và cũng chẳng có ai hiểu thấu được sự vui mừng tràn ngập tâm hồn chúng tôi khi chúng tôi nghe Ngài cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng tôi.”6

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng dân Nê Phi

Lễ Phục Sinh này, gia đình chúng tôi sẽ tập trung vào 17 câu đầu tiên trong 3 Nê Phi 11, mà đã quen thuộc đối với anh chị em. Anh chị em hãy nhớ lại đám đông quanh đền thờ ở xứ Phong Phú đã nghe được tiếng nói của Thượng Đế Đức Chúa Cha và trông thấy Chúa Giê Su Ky Tô giáng xuống từ trời để đưa ra lời mời Phục Sinh tuyệt vời nhất:

“Hãy đứng dậy và tiến lại gần ta, … để các ngươi có thể rờ thấy vết đinh đóng trên tay ta và chân ta, để các ngươi biết được rằng ta là … Thượng Đế của cả thế gian này, và ta đã bị giết chết vì tội lỗi của thế gian.

“Và … đám đông tiến lên, … tuần tự từng người một … đều được thấy tận mắt và sờ tận tay, … và làm chứng rằng Ngài chính là Đấng [Ky Tô]. …

“Và … họ bèn cùng nhau cất tiếng hô to lên rằng:

“Hô Sa Na! Phước thay danh Thượng Đế Tối Cao! Rồi họ đồng phủ phục xuống chân Chúa Giê Su mà thờ lạy Ngài.”7

Hãy tưởng tượng dân Nê Phi tại đền thờ thật sự đã chạm vào tay của Chúa phục sinh! Chúng tôi hy vọng sẽ làm cho những chương này trong 3 Nê Phi trở thành truyền thống Phục Sinh của mình giống như Lu Ca 2 trong truyền thống Giáng Sinh. Trên thực tế, Sách Mặc Môn có câu chuyện Phục Sinh hay nhất từng được kể. Xin đừng để nó trở thành câu chuyện Phục Sinh hay nhất chưa từng được kể.

Tôi mời anh chị em nhìn nhận Sách Mặc Môn theo cách thức mới và suy ngẫm lời chứng sâu sắc mà sách mang lại về tính xác thực của Đấng Ky Tô phục sinh cũng như sự phong phú và sâu sắc của giáo lý của Đấng Ky Tô.

Sách Mặc Môn Làm Chứng về Chúa Giê Su Ky Tô

Chúng ta có thể hỏi, Làm thế nào việc đọc Sách Mặc Môn vào lễ Phục Sinh ban phước cho cuộc sống của chúng ta và những người thân yêu theo một cách đầy ý nghĩa? Việc đó ban phước cho chúng ta nhiều hơn bất cứ ai có thể nhận ra. Bất cứ khi nào chúng ta đọc và nghiên cứu Sách Mặc Môn, chúng ta có thể trông đợi những kết quả đáng kinh ngạc.

Gần đây, Lesa và tôi đến nhìn mặt lần cuối một người bạn thân thiết, là một người phụ nữ có đức tin nhưng sớm qua đời vì bệnh tật. Chúng tôi quây quần bên gia đình và bạn bè thân thiết của cô ấy, và ôn lại những kỷ niệm đáng quý về tâm hồn xinh đẹp này, là người đã tô điểm thêm cho cuộc sống của chúng tôi.

Khi đang đứng ở xa quan tài và trò chuyện với những người khác, tôi thấy hai bé gái nhỏ tuổi trong Hội Thiếu Nhi tiến đến quan tài và đứng nhón chân lên—vừa đủ cao để thấy được bên trong—để chào từ biệt người cô yêu dấu của chúng lần cuối. Vì không có ai khác ở gần chúng nên Lesa nhẹ nhàng đến bên chúng và khom người ngồi xuống bên cạnh để an ủi và chỉ dạy chúng. Vợ tôi hỏi chúng có ổn không và chúng có biết cô của chúng hiện đang ở đâu không. Hai đứa bé nói là chúng buồn, nhưng rồi hai đứa con gái quý báu đó của Thượng Đế, với sự tin tưởng tràn ngập trong mắt, nói rằng chúng biết cô của chúng giờ đang hạnh phúc và đã có thể ở cùng Chúa Giê Su.

Ở cái tuổi non nớt đó, chúng tìm được sự bình an trong kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, và, theo cách riêng của trẻ thơ, chúng làm chứng về tính xác thực sâu sắc và vẻ đẹp giản dị của Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi. Chúng biết điều đó từ tấm lòng mình bởi vì những lời giảng dạy chu đáo của cha mẹ nhân từ, gia đình, và các lãnh đạo Hội Thiếu Nhi đã gieo vào chúng một hạt giống đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và cuộc sống vĩnh cửu. Hai bé gái khôn ngoan trước tuổi này hiểu được những lẽ thật mà đã đến với chúng ta qua sứ điệp lễ Phục Sinh và giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi phục sinh cùng những lời của các vị tiên tri được ghi lại trong Sách Mặc Môn.

Tôi đã thấy rằng khi Chủ Tịch Russell M. Nelson tặng Sách Mặc Môn làm quà cho một ai đó không thuộc tín ngưỡng của chúng ta, thậm chí là các lãnh đạo của thế giới, ông thường mở ra 3 Nê Phi và đọc về sự xuất hiện của Đấng Ky Tô phục sinh trước mặt dân Nê Phi. Khi làm vậy, vị tiên tri tại thế đang thật sự làm chứng về Đấng Ky Tô hằng sống.

Chúng ta không thể đứng lên làm nhân chứng cho Chúa Giê Su Ky Tô trừ phi chúng ta làm chứng về Ngài. Sách Mặc Môn là một lời chứng khác về Chúa Giê Su Ky Tô bởi vì trong các trang sách thiêng liêng này, hết vị tiên tri này đến vị tiên tri khác làm chứng về việc Đấng Ky Tô không chỉ sẽ đến mà còn thật sự đã đến.

Nhờ có Ngài

Tôi đang cầm trong tay ấn bản đầu tiên của Sách Mặc Môn. Lần nào thế này tôi cũng tràn đầy cảm xúc. Trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình, tôi đã bị thu hút, bị mê hoặc, và bị lôi cuốn bởi điều mà Joseph Smith trẻ tuổi đã làm để quyển sách thiêng liêng này được phiên dịch và xuất bản. Các phép lạ đã xảy ra thật đáng kinh ngạc để suy ngẫm.

​Nhưng điều đó không phải là lý do khiến quyển sách này làm tôi xúc động. Mà vì nó làm chứng nhiều hơn bất kì quyển sách nào từng được xuất bản trên thế gian này về cuộc đời, giáo vụ, những lời giảng dạy, Sự Chuộc Tội, và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em thân mến của tôi, việc thường xuyên học hỏi từ quyển sách này về Chúa Giê Su Ky Tô sẽ làm thay đổi cuộc đời của anh chị em. Nó sẽ giúp mở mắt cho anh chị em thấy được những khả năng mới. Nó sẽ gia tăng niềm hy vọng và làm cho anh chị em ngập tràn lòng bác ái. Hơn hết thảy, nó sẽ xây đắp và củng cố đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô và ban phước cho anh chị em với một sự hiểu biết chắc chắn rằng Ngài và Cha Thiên Thượng biết, yêu thương, và muốn anh chị em tìm được con đường quay về mái nhà thiên thượng.

Anh chị em thân mến, đã đến thời kỳ mà các vị tiên tri thời xưa đã tiên đoán, là khi “sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi lan tràn đến mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc.”8 Chúng ta đang nhìn thấy sự ứng nghiệm của lời tiên tri này ngay trước mắt mình, qua lời chứng về Chúa Giê Su Ky Tô được tìm thấy trong Sách Mặc Môn.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô

Không cuốn sách nào có thể cho thấy rằng:

  • Nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả mọi điều đều thay đổi.

  • Nhờ có Ngài, tất cả mọi điều trở nên tốt hơn.

  • Nhờ có Ngài, chúng ta có thể đối phó với cuộc sống này—đặc biệt trong những giây phút đau đớn.

  • Nhờ có Ngài, tất cả mọi điều đều khả thi.

Chuyến thăm của Ngài với tư cách là Đấng Cứu Rỗi phục sinh, được Cha Thiên Thượng giới thiệu, là một sứ điệp Phục Sinh vinh quang và khải hoàn bậc nhất. Nó sẽ giúp những người thân yêu trong gia đình chúng ta có được một chứng ngôn cá nhân về Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, là Đấng đã cắt đứt những dây trói buộc của sự chết.

Tôi xin kết thúc với chứng ngôn của tôi về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn và Chúa Giê Su Ky Tô trong vai trò là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 15 tháng Hai năm 2023.

  2. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 54; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  3. N. T. Wright, Surprised by Hope: Rethinking Heaven, the Resurrection, and the Mission of the Church (năm 2008), trang 256.

  4. Ma Thi Ơ 28:6.

  5. Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, trang 69.

  6. 3 Nê Phi 17:17.

  7. Xin xem 3 Nê Phi 11:1–17.

  8. Mô Si A 3:20.