Đại Hội Trung Ương
Chúa Giê Su Ky Tô là Sức Mạnh của Cha Mẹ
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Chúa Giê Su Ky Tô là Sức Mạnh của Cha Mẹ

Hãy giúp con cái anh chị em xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, yêu mến phúc âm và Giáo Hội của Ngài, và chuẩn bị cho những lựa chọn ngay chính suốt đời.

Ngày xửa ngày xưa, có một người cha đang chuẩn bị đi dự một buổi họp của giám trợ đoàn vào buổi tối. Đứa con gái bốn tuổi đang mặc quần áo ngủ và tay cầm quyển sách Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn bước tới trước mặt anh.

Cô bé hỏi: “Tại sao cha phải đi họp thế?”

Anh trả lời: “Bởi vì cha là một cố vấn trong giám trợ đoàn.”

Con gái anh phản đối: “Nhưng cha là cha của con mà!”

Anh quỳ xuống trước mặt cô bé. Anh nói: “Con gái cưng à, cha biết là con muốn cha đọc sách cho con và giúp con ngủ, nhưng tối nay cha cần phải giúp đỡ vị giám trợ.”

Con gái anh trả lời: “Chẳng lẽ vị giám trợ không có một người cha để giúp ông đi ngủ sao?”

Chúng ta mãi mãi biết ơn vô số các tín hữu phục vụ tận tâm trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô mỗi ngày. Sự hy sinh của anh chị em thực sự là thiêng liêng.

Nhưng như cô bé này dường như hiểu được rằng việc cha mẹ nuôi dưỡng con cái—một điều không thể thay thế được—cũng thiêng liêng tương tự. Nó phản ảnh mẫu mực của thiên thượng.1 Cha Thiên Thượng của chúng ta, Cha Mẹ Thiên Thượng của chúng ta, chắc hẳn vui mừng khi con cái của Ngài được dạy bảo và nuôi dưỡng bởi cha mẹ trên thế gian của chúng.2

Thưa các bậc cha mẹ, xin cảm ơn về những gì anh chị em đang làm để nuôi dạy con cái mình. Và các em, xin cảm ơn về những gì các em đang làm để giúp cha mẹ mình học hỏi được nhiều điều, vì như mỗi bậc cha mẹ đều biết, chúng ta thường học được nhiều từ con cái mình về đức tin, niềm hy vọng, và lòng bác ái khi chúng học hỏi từ chúng ta!3

Cha Mẹ Có một Bổn Phận Thiêng Liêng

Anh chị em có bao giờ nghĩ về rủi ro to lớn mà Cha Thiên Thượng của chúng ta phải đón nhận mỗi lần Ngài gửi một người con xuống thế gian không? Đây là các con trai và con gái linh hồn của Ngài. Chúng có tiềm năng vô hạn. Chúng có số mệnh để trở thành con người vinh quang đầy lòng nhân từ, ân điển, và lẽ thật. Vậy mà chúng xuống thế gian hoàn toàn bất lực, hầu như không thể làm được gì ngoài khóc lóc kêu giúp. Ký ức về thời gian chúng ở trong sự hiện diện của Thượng Đế cùng với sự hiểu biết về con người thật sự của chúng và con người chúng có thể trở thành đã bị che khuất. Sự hiểu biết của chúng về cuộc sống, tình thương yêu, Thượng Đế, và kế hoạch của Ngài được hình thành dựa trên những gì chúng quan sát từ mọi người xung quanh—đặc biệt là cha mẹ chúng, mà thật ra chính họ cũng vẫn đang cố gắng tự tìm hiểu.

Hình Ảnh
Em bé sơ sinh

Thượng Đế ban cho cha mẹ “bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính, cung cấp những nhu cầu vật chất và thuộc linh cho chúng, và dạy dỗ chúng biết … tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.”4

Như thế cũng đã đủ để khiến các cha mẹ tốt nhất phải mất ngủ vì những trách nhiệm trọng đại đối với con cái của mình.

Sứ điệp của tôi dành cho tất cả các bậc cha mẹ là như sau:

Chúa yêu thương anh chị em.

Ngài dìu dắt anh chị em.

Ngài luôn hỗ trợ anh chị em.

Ngài là sức mạnh của anh chị em trong việc hướng dẫn con cái mình đưa ra những lựa chọn ngay chính.

Hãy tiếp nhận đặc ân và trách nhiệm này với lòng can đảm và sự vui mừng. Đừng ủy thác nguồn phước lành thiên thượng này cho bất kỳ ai khác. Trong khuôn khổ của các giá trị và nguyên tắc phúc âm, anh chị em là người hướng dẫn con cái mình trong mọi khía cạnh của những quyết định hằng ngày. Hãy giúp con cái anh chị em xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, yêu mến phúc âm và Giáo Hội của Ngài, và chuẩn bị cho những lựa chọn ngay chính suốt đời. Thật ra, đó là kế hoạch của Thượng Đế dành cho cha mẹ.

Sa Tan sẽ chống đối anh chị em, khiến anh chị em phân tâm, cố gắng làm anh chị em nản chí.

Nhưng mỗi đứa con đều nhận được Ánh Sáng của Đấng Ky Tô để giúp chúng cảm nhận được ảnh hưởng của thiên thượng. Và Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp đỡ, hướng dẫn, và khích lệ anh chị em. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài. Hãy cầu vấn Chúa!

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô

Cũng giống như Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của giới trẻ thì Chúa Giê Su Ky Tô cũng là sức mạnh của cha mẹ.

Ngài Làm Vinh Hiển Tình Yêu Thương

Đôi khi chúng ta có thể tự hỏi liệu có người nào khác có lẽ đủ khả năng hơn để hướng dẫn và dạy dỗ con cái của mình chăng. Nhưng cho dù anh chị em có thể cảm thấy mình không xứng đáng đến mấy, thì anh chị em có một điều gì đó độc nhất khiến mình đủ khả năng: tình yêu thương của anh chị em dành cho con mình.

Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là một trong những động lực mạnh mẽ nhất trong khắp vũ trụ. Đó là một trong vài điều trên thế gian này mà có thể thực sự là vĩnh cửu.

Giờ thì, có thể anh chị em cảm thấy rằng mối quan hệ của anh chị em với con mình không được lý tưởng lắm. Đó là lúc anh chị em cần đến quyền năng của Đấng Cứu Rỗi. Ngài chữa lành cho người bệnh, và Ngài có thể chữa lành các mối quan hệ. Cũng như Ngài gia tăng gấp bội số bánh và cá thì Ngài có thể gia tăng gấp bội tình yêu thương và niềm vui trong nhà chúng ta.

Tình yêu thương của anh chị em dành cho con cái mình tạo ra một môi trường lý tưởng để giảng dạy lẽ thật và xây đắp đức tin. Hãy làm cho nhà của anh chị em thành một ngôi nhà cầu nguyện, ngôi nhà của sự học hỏi, và của đức tin, ngôi nhà của những trải nghiệm vui mừng; một nơi để thuộc vào; ngôi nhà của Thượng Đế.5 Và “hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để [anh chị em] được tràn đầy tình thương [của Ngài], là tình thương mà Ngài đã ban cho … những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô.”6

Ngài Làm Vinh Hiển Những Nỗ Lực Nhỏ Nhặt và Tầm Thường

Với tư cách là cha mẹ, một sức mạnh khác mà anh chị em có là cơ hội cho sự ảnh hưởng hằng ngày, liên tục. Những ảnh hưởng của bạn bè, giảng viên, và của truyền thông đến rồi đi. Nhưng anh chị em có thể là một ảnh hưởng thường xuyên và bất biến trong cuộc sống của con mình.

Nỗ lực của anh chị em có thể dường như nhỏ nhặt khi so sánh với những tiếng nói ồn ào mà con cái mình nghe thấy trên thế giới. Đôi lúc anh chị em có thể cảm thấy như mình không đạt được nhiều thành quả gì. Nhưng hãy nhớ rằng “bằng những phương tiện nhỏ nhặt Chúa có thể đem lại những việc lớn lao.”7 Một buổi họp tối gia đình, một cuộc trò chuyện về phúc âm, hoặc một tấm gương sáng có thể không thay đổi cuộc sống của con cái anh chị em trong chốc lát, giống như một hạt mưa không thể khiến một cái cây mọc lên ngay tức thì. Nhưng những nỗ lực nhỏ nhặt và tầm thường đều đặn hết ngày này qua ngày khác, nuôi dưỡng con cái anh chị em về mặt thuộc linh nhiều hơn là chỉ thỉnh thoảng cung cấp nhiều ảnh hưởng thuộc linh một lúc.8

Đó là con đường của Chúa. Ngài phán cùng anh chị em và con cái anh chị em bằng tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái, không phải như tiếng sấm sét.9 Ngài chữa lành cho Na A Man không phải bằng “một việc khó” nhưng bằng hành động tầm thường, tắm đi tắm lại nhiều lần.10 Con cái Y Sơ Ra Ên vui hưởng yến tiệc chim cút trong vùng hoang dã, nhưng điều khiến họ sống sót chính là phép lạ nhỏ nhặt và tầm thường của bánh ma na—bánh hằng ngày của họ.11

Thưa anh chị em, việc giảng dạy hằng ngày được chuẩn bị và phục vụ tốt nhất là ở nhà. Đức tin và chứng ngôn được nuôi dưỡng tốt nhất là theo cách thức bình thường và tự nhiên, từng bước một, trong những khoảnh khắc nhỏ nhặt và tầm thường của cuộc sống hằng ngày.12

Mỗi khoảnh khắc đều là khoảnh khắc giảng dạy. Mọi lời nói và hành động đều có thể là một sự hướng dẫn để lựa chọn.13

Anh chị em có thể không thấy hiệu ứng tức thì từ những nỗ lực của mình. Nhưng xin đừng bỏ cuộc. Chúa đã phán: “Mọi sự việc phải xảy ra vào thời kỳ của nó.” “Vậy nên, chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì [anh chị em] đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao.”14 Công việc nào có thể lớn lao hơn là giúp đỡ những đứa con quý báu của Thượng Đế học được về chúng thực sự là ai và xây đắp đức tin của chúng nơi Chúa Giê Su Ky Tô, phúc âm của Ngài, và Giáo Hội của Ngài? Chúa Giê Su Ky Tô sẽ ban phước và làm vinh hiển các nỗ lực kiên định của anh chị em.

Ngài Ban Sự Mặc Khải

Một cách mạnh mẽ khác mà Chúa hỗ trợ cha mẹ là qua ân tứ của sự mặc khải cá nhân. Thượng Đế khao khát được trút Thánh Linh của Ngài để hướng dẫn các bậc cha mẹ.

Khi anh chị em thành tâm và nhạy cảm đối với Thánh Linh, Ngài sẽ báo trước cho anh chị em về những nguy hiểm tiềm ẩn.15 Ngài sẽ tiết lộ những ân tứ, ưu điểm, và mối quan tâm thầm kín của con cái anh chị em.16 Thượng Đế sẽ giúp anh chị em hiểu con cái mình như Ngài hiểu chúng—vượt trên vẻ bề ngoài của chúng và nhìn thấy trong lòng chúng.17

Với sự giúp đỡ của Thượng Đế, anh chị em có thể học cách biết rõ con cái mình như cách Ngài hiểu chúng. Tôi mời anh chị em hãy đón nhận lời mời của Thượng Đế để hướng dẫn gia đình mình bằng sự mặc khải cá nhân. Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài trong lời cầu nguyện của anh chị em.18

Một Sự Thay Đổi Lớn Lao

Có lẽ sự giúp đỡ quan trọng nhất mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho các bậc cha mẹ là “sự thay đổi lớn lao” trong lòng.19 Đó là một phép lạ mà mỗi chúng ta cần.

Trong một giây lát, hãy tưởng tượng tình huống này: Anh chị em đang ở nhà thờ, lắng nghe một bài nói chuyện về gia đình. Người nói chuyện miêu tả một mái nhà hoàn hảo và một gia đình còn hoàn hảo hơn thế. Vợ chồng không bao giờ cãi nhau. Con cái ngừng đọc thánh thư chỉ khi đến lúc phải làm bài tập. Và tiếng nhạc nền là bài thánh ca “Hãy Yêu Mến Đồng Loại”20. Trước khi người nói chuyện nói đến đoạn cả nhà hào hứng cùng nhau lau chùi nhà vệ sinh, thì anh chị em đã nghĩ: “Gia đình mình chẳng có hy vọng gì.”

Thưa anh chị em, hãy bình tĩnh! Mọi người trong giáo đoàn cũng đang nghĩ như vậy đó! Trên thực tế, tất cả các bậc cha mẹ đều lo là họ không đủ tài giỏi.

May thay, có một nguồn hỗ trợ thiêng liêng dành cho cha mẹ: Đó là Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là nguồn gốc của sự thay đổi lớn lao trong lòng chúng ta.

Khi anh chị em mở rộng lòng với Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài, Ngài sẽ cho anh chị em thấy khuyết điểm của anh chị em. Nếu anh chị em tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô với một tấm lòng khiêm nhường, Ngài sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ.21 Ngài là Thượng Đế của các phép lạ.

Điều đó có nghĩa là anh chị em và gia đình mình sẽ được hoàn hảo không? Không. Nhưng anh chị em sẽ làm tốt hơn. Qua ân điển của Đấng Cứu Rỗi, dần dần, anh chị em sẽ phát triển thêm những thuộc tính mà các cha mẹ cần: tình yêu thương dành cho Thượng Đế và con cái Ngài, tính kiên nhẫn, lòng vị tha, đức tin nơi Đấng Ky Tô, và sự can đảm để đưa ra những lựa chọn ngay chính.

Chúa Giê Su Ky Tô Cung Ứng Sự Hỗ Trợ qua Giáo Hội Ngài

Nỗ lực của chúng ta để xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô được đặt trọng tâm vào trong nhà, tập trung vào cá nhân. Và được Giáo Hội hỗ trợ. Ngoài cung ứng các thánh thư thiêng liêng và lời của các vị tiên tri, Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi cung ứng nhiều nguồn hỗ trợ để giúp cha mẹ và con cái đưa ra những lựa chọn ngay chính:

Hình Ảnh
Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn
  • Sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn không đưa ra cho anh chị em một bản liệt kê những điều nên làm và không nên làm. Sách dạy các lẽ thật vĩnh cửu để giúp tập trung những lựa chọn vào cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy đọc sách đó với con cái anh chị em. Hãy để cho chúng nói chuyện về sách đó. Hãy giúp chúng có được các lẽ thật vĩnh cửu và thiêng liêng này hướng dẫn những lựa chọn của chúng.22

  • Các đại hội Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ (FSY) là nguồn hỗ trợ tuyệt vời khác. Tôi hy vọng mỗi thanh thiếu niên đều sẽ tham dự. Tôi mời các thành niên trẻ tuổi độc thân hãy tham gia các đại hội này với tư cách là người hướng dẫn và cố vấn. Tôi mời các bậc cha mẹ hãy dựa trên động lực thuộc linh mà con cái của mình mang về từ đại hội FSY.

  • Trẻ em và giới trẻ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có các giảng viên, các cố vấn, và những người hướng dẫn. Những người này thường xuất hiện trong cuộc sống của một người trẻ tuổi vào thời điểm quan trọng để xây đắp và nâng đỡ đức tin lẫn chứng ngôn. Một số người trong số anh chị em là thành niên trẻ tuổi độc thân. Một số người chưa có con. Sự phục vụ hân hoan của anh chị em dành cho con cái của Thượng Đế là rất thiêng liêng trong mắt Ngài.23

Đừng Bao Giờ Từ Bỏ Niềm Tin về Phép Lạ

Các bạn thân mến của tôi, các anh chị em yêu quí của tôi, việc xây đắp đức tin nơi một đứa con cũng gần giống như việc giúp trồng một cây hoa. Ta không thể giật mạnh thân cây để làm cho nó cao hơn. Ta không thể cạy mở nụ hoa ra để làm cho nó nở nhanh hơn. Và ta không thể bỏ mặc cây hoa đó và mong đợi nó sẽ nảy nở và phát triển một cách tự nhiên.

Điều anh chị em có thể và cần làm cho thế hệ đang vươn lên là cung cấp một môi trường thuộc linh đầy tình yêu thương cho chúng với sự hướng dẫn từ thiên thượng. Hãy loại bỏ khỏi cuộc sống của chúng bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào và bất kỳ điều gì khác mà sẽ ngăn cản ánh sáng của thiên thượng. Hãy tạo những điều kiện tốt nhất để tăng trưởng. Hãy kiên nhẫn để cho thế hệ đang vươn lên đưa ra những lựa chọn đầy soi dẫn và để cho Thượng Đế thực hiện phép lạ. Kết quả sẽ tuyệt vời hơn, ngạc nhiên hơn và vui mừng hơn bất cứ điều gì anh chị em có thể chỉ tự mình thực hiện.

Trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng, các mối quan hệ gia đình đều có ý nghĩa vĩnh cửu. Đây là lý do tại sao mà với tư cách là cha mẹ, anh chị em không bao giờ bỏ cuộc, ngay cả khi anh chị em không tự hào về cách mọi việc đã xảy ra trong quá khứ.

Với Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Thầy Chữa Lành và Đấng Cứu Rỗi, luôn luôn có thể có một khởi đầu mới; Ngài luôn luôn ban cho hy vọng.

Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của gia đình.

Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của giới trẻ.

Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của cha mẹ.

Tôi làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Hầu hết mọi cha mẹ đều có ước muốn tự nhiên để dạy dỗ con cái của họ các đức tính đạo đức. Đây là một phần nhiệm mầu của kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Ngài muốn con cái của Ngài phải đến thế gian, theo mẫu mực vĩnh cửu của các gia đình trên thiên thượng. Gia đình là đơn vị tổ chức cơ bản trên thiên thượng, và do đó Ngài dự định cho gia đình cũng là đơn vị cơ bản trên thế gian. Mặc dù gia đình trên trần thế không hoàn hảo, nhưng gia đình cho con cái của Thượng Đế một cơ hội tốt nhất để được cảm thấy tình yêu thương duy nhất trên thế gian mà rất gần với điều chúng ta cảm nhận được trên thiên thượng—ấy chính là tình yêu thương của cha mẹ. Gia đình cũng là cách tốt nhất để bảo tồn và truyền đi các đức tính đạo đức và các nguyên tắc chân chính mà có nhiều khả năng dẫn dắt chúng ta trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế.” (Henry B. Eyring, “Quy Tụ Lại Gia Đình của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 20).

  2. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng ý muốn của Thượng Đế không phải lúc nào cũng được làm tròn “ở đất như trời” (Ma Thi Ơ 6:10). Việc nuôi dạy con cái trên trần thế chắc chắn là không được hoàn hảo khi so sánh với sự nuôi dạy hoàn hảo của Thượng Đế. Ngài chắc chắn thấy được điều đó. Ngài phải khóc vì mọi nỗi buồn phiền và đau khổ trong mối quan hệ gia đình. Tuy nhiên, Ngài vẫn không mất hy vọng vào gia đình. Và Ngài sẽ không làm như vậy, vì Ngài có một kế hoạch vinh quang dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài. Và trọng tâm của kế hoạch đó là gia đình.

  3. Xin xem Ma Thi Ơ 18:1–5; Mô Si A 3:19.

  4. Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”; ChurchofJesusChrist.org, xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 68:25–28.

  5. Xin xem “Learning at Home Is Founded on Relationships,” Teaching in the Savior’s Way: For All Who Teach in the Home and in the Church (năm 2022), trang 30–31; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 109:8.

  6. Mô Rô Ni 7:48.

  7. 1 Nê Phi 16:29; xin xem thêm An Ma 37:6–7.

  8. Xin xem “Việc Học Hỏi ở Nhà Có Thể Được Hoạch Định nhưng Cũng Có Thể Tự Phát,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 31. Chủ Tịch David O. McKay đã dạy: “Chúng ta đừng nên nghĩ rằng, bởi vì [một điều] gì đó … có vẻ như nhỏ nhặt và tầm thường, thì [điều đó] không phải là quan trọng. Rốt cuộc thì, cuộc sống được tạo ra từ những điều nhỏ nhặt. Cuộc sống của chúng ta, con người chúng ta, về mặt thể chất, được tạo ra từ những nhịp đập của trái tim bé nhỏ. Nếu để cho trái tim bé nhỏ đó ngừng đập, thì cuộc sống trên thế giới này không còn nữa. Mặt trời khổng lồ là một lực lượng hùng mạnh trong vũ trụ, nhưng chúng ta nhận được phước lành của ánh nắng [mặt trời] vì chúng rọi chiếu chúng ta bằng những tia nắng nhỏ, mà tổng hợp lại, bao trùm cả thế giới với ánh sáng mặt trời. Đêm tối được làm cho dễ chịu dường như nhờ những vì sao nho nhỏ lấp lánh; và cuộc sống của Ky Tô hữu thực sự được tạo thành bởi những hành động nhỏ nhặt giống như Đấng Ky Tô được thực hiện vào giờ này, phút này—trong nhà” (Teachings of Presidents of the Church: David O. McKay [năm 2003], trang 219).

  9. Xin xem Hê La Man 5:30.

  10. Xin xem 2 Các Vua 5:9–14.

  11. Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 16.

  12. Xin xem “Chuẩn Bị cho Con Cái của Anh Chị Em Ở trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Cuộc Đời,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023, phụ lục (chỉ dành cho phiên bản kỹ thuật số).

  13. Xin xem “Việc Học Hỏi ở Nhà Có Thể Được Hoạch Định nhưng Cũng Có Thể Tự Phát,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 31; 1 Phi E Rơ 3:15.

  14. Giáo Lý và Giao Ước 64:32–33.

  15. Xin xem Ma Thi Ơ 2:13.

  16. Xin xem An Ma 40:1; 41:1; 42:1.

  17. Xin xem 1 Sa Mu Ên 16:7.

  18. Xin xem 1 Nê Phi 15:8.

  19. An Ma 5:13.

  20. Xin xem “Hãy Yêu Mến Đồng Loại,” Hymns, số 308.

  21. Xin xem Ê The 12:27.

  22. “Trong trường hợp của trẻ em, trách nhiệm đối với việc đưa ra sự hướng dẫn về đạo đức thuộc về cha mẹ. Họ biết rõ tính tình, sự hiểu biết, và trí thông minh của mỗi đứa con. Cha mẹ dành cả cuộc đời tìm cách để tạo và duy trì thói quen trò chuyện cởi mở với mỗi đứa con của mình. Họ ở địa vị tốt nhất để đưa ra quyết định cuối cùng về mặt đạo đức đối với sự an lạc và sức khỏe của con cái mình” (James E. Faust, “The Weightier Matters of the Law: Judgment, Mercy, and Faith,” Ensign, tháng Mười Một năm 1997, trang 54).

  23. Hai nguồn tài liệu khác đáng đề cập đến: Phiên bản kỹ thuật số của tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta gồm có một mục mới có tựa đề “Chuẩn Bị cho Con Cái của Anh Chị Em Ở trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Cuộc Đời.” Mục này gợi ý những ý tưởng đơn giản, đặt trọng tâm ở trong nhà, để giúp con cái chuẩn bị cho phép báp têm và các giao ước và giáo lễ khác. Và tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi mới được sửa đổi có một phần có tiêu đề “Nhà Cửa và Gia Đình” mô tả các nguyên tắc của việc giảng dạy giống như Đấng Ky Tô áp dụng trong nhà như thế nào (xin xem các trang 30–31).