Đại Hội Trung Ương
Một Tiếng Nói Hoan Hỷ!
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Một Tiếng Nói Hoan Hỷ!

Việc xây dựng các đền thờ là một trong những ưu tiên cao nhất của tất cả các vị tiên tri kể từ Tiên Tri Joseph Smith.

“Giờ đây, chúng ta nghe được gì về phúc âm mà chúng ta đã nhận được? Một tiếng nói hoan hỷ! Một tiếng nói thương xót từ trời; và một tiếng nói chân thật phát ra từ trái đất; … một tiếng nói hoan hỷ cho người sống và người chết; một tin lành vui mừng lớn lao.”1

Các anh chị em thân mến, khi nghe được những lời này từ Tiên Tri Joseph Smith, chúng ta hầu như không thể nào không nở một nụ cười thật tươi!

Biểu hiện hân hoan của Joseph thực sự thể hiện niềm vui trọn vẹn và lớn lao được tìm thấy trong kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Thượng Đế Cha Thiên Thượng của chúng ta, bởi Ngài đã bảo đảm với chúng ta rằng, “Loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui.”2

Tất cả chúng ta đều reo mừng3 trong cuộc sống tiền dương thế khi nghe về kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế, và nơi đây, chúng ta tiếp tục reo mừng khi chúng ta sống theo kế hoạch của Ngài. Nhưng chính xác thì bối cảnh của tuyên ngôn hoan hỷ này từ Vị Tiên Tri là gì? Điều gì đã mang lại những cảm xúc sâu sắc và chân thành này?

Tiên Tri Joseph đã giảng dạy về phép báp têm cho người chết. Đây thực sự là một mặc khải vinh quang đã được đón nhận với niềm hân hoan to lớn. Khi các tín hữu Giáo Hội lần đầu tiên biết rằng họ có thể chịu phép báp têm thay cho những người thân yêu đã qua đời của mình, họ đã rất vui mừng. Wilford Woodruff đã nói: “Ngay khi nghe tin đó, tâm hồn tôi nhảy cẫng lên [vì] sung sướng!”4

Phép báp têm cho những người thân yêu đã qua đời của chúng ta không phải là lẽ thật duy nhất mà Chúa đã mặc khải và phục hồi. Có rất nhiều ân tứ, hay thiên ân khác mà Thượng Đế đã thiết tha ban cho các con trai và con gái của Ngài.

Những ân tứ khác này bao gồm thẩm quyền của chức tư tế, các giao ước và giáo lễ, hôn nhân vĩnh cửu, sự gắn bó của con cái với cha mẹ chúng trong gia đình của Thượng Đế, và cuối cùng là phước lành được trở về nhà nơi hiện diện của Thượng Đế Cha Thiên Thượng của chúng ta và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Tất cả những phước lành này đều có thể thực hiện được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Bởi vì Thượng Đế xem những điều này là một trong số các phước lành thiêng liêng và cao quý nhất của Ngài,5 nên Ngài đã chỉ dẫn rằng các tòa nhà thiêng liêng phải được dựng lên để Ngài có thể ban những ân tứ quý giá này cho con cái của Ngài.6 Những tòa nhà này sẽ là nhà của Ngài trên thế gian. Những tòa nhà này sẽ là các đền thờ nơi mà những gì đã được gắn bó hay ràng buộc trên thế gian trong danh của Ngài, bởi lời nói của Ngài, và với thẩm quyền của Ngài cũng sẽ được ràng buộc trên các tầng trời.7

Là tín hữu của Giáo Hội ngày nay, một số người trong chúng ta có thể dễ dàng xem các lẽ thật vĩnh cửu vinh quang này là điều hiển nhiên. Các lẽ thật đó đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta. Đôi khi sẽ hữu ích khi chúng ta nhìn các lẽ thật này bằng con mắt của những người lần đầu tiên tìm hiểu về chúng. Điều này trở nên rõ ràng với tôi qua một kinh nghiệm gần đây.

Năm ngoái, ngay trước lễ cung hiến Đền Thờ Tokyo Japan, nhiều quan khách không cùng Giáo Hội với chúng ta đã đi tham quan ngôi đền thờ ấy. Một chuyến tham quan như vậy có sự tham gia của một vị lãnh đạo rất sâu sắc từ một tôn giáo khác. Chúng tôi giảng dạy cho quan khách của mình về kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng, vai trò cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô trong kế hoạch đó, và giáo lý mà các gia đình có thể được kết hợp vĩnh viễn qua giáo lễ gắn bó.

Khi kết thúc chuyến tham quan, tôi đã mời người bạn của chúng tôi chia sẻ những cảm xúc của anh ấy. Liên quan đến sự kết hợp của các gia đình—cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai—người đàn ông tốt bụng này đã chân thành hỏi, “Các tín hữu trong Giáo Hội của anh có thực sự hiểu giáo lý này uyên thâm như thế nào không?” Ông nói thêm: “Đây có thể là một trong những giáo lý duy nhất có thể sẽ hợp nhất thế giới vốn đã quá chia rẽ này.”

Quả thật là một sự quan sát mạnh mẽ. Người đàn ông này không chỉ cảm động trước sự khéo léo tinh xảo của đền thờ mà còn bởi giáo lý tuyệt vời và sâu sắc rằng các gia đình được kết hợp và gắn bó mãi mãi với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.8

Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi ngay cả một người không cùng Giáo Hội với chúng ta cũng nhận ra sự uy nghiêm của những gì xảy ra trong đền thờ. Những gì có thể đã trở nên phổ biến hoặc thông lệ đối với chúng ta đôi khi lại được nhìn thấy bằng sự huy hoàng và uy nghiêm vốn có của nó bởi những người lần đầu tiên nghe thấy hoặc cảm nhận nó.

Mặc dù những đền thờ đã tồn tại từ thời xưa, nhưng với Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, việc xây dựng các đền thờ đã là một trong những ưu tiên cao nhất của tất cả các vị tiên tri kể từ Tiên Tri Joseph Smith. Và lý do vì sao cũng thật dễ hiểu.

Khi Tiên Tri Joseph giảng dạy về phép báp têm cho người chết, ông đã tiết lộ một lẽ thật quan trọng khác. Ông đã dạy: “Tôi xin chứng thật với các anh chị em đây là những nguyên tắc về người chết và người sống mà không thể bị xem thường được, đối với sự cứu rỗi của chúng ta. Vì sự cứu rỗi của họ cần thiết và thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta,… nếu không có chúng ta thì họ không thể đạt đến mức trọn vẹn—chúng ta cũng không thể đạt đến mức trọn vẹn được nếu không có những người chết của chúng ta.”9

Như chúng ta có thể thấy, nhu cầu về đền thờ và công việc được thực hiện cho cả người sống và người chết đã trở nên rất rõ ràng.

Kẻ nghịch thù đang trong tình trạng báo động. Quyền lực của hắn đang bị đe dọa bởi các giáo lễ và giao ước được thực hiện trong các đền thờ, và hắn sẽ làm bất cứ điều gì có thể để nỗ lực ngăn chặn công việc này. Tại sao? Bởi vì hắn biết về quyền năng đến từ công việc thiêng liêng này. Khi mỗi đền thờ mới được làm lễ cung hiến, thì quyền năng cứu rỗi của Chúa Giê Su Ky Tô lan tỏa khắp thế giới để chống lại những nỗ lực của kẻ nghịch thù và cứu chuộc chúng ta khi chúng ta đến cùng Ngài. Khi số lượng đền thờ và những người tuân giữ giao ước tăng lên, thì kẻ nghịch thù sẽ ngày càng suy yếu.

Trong những ngày đầu của Giáo Hội, một số người sẽ cảm thấy lo lắng khi một ngôi đền thờ mới được công bố, vì họ sẽ nói: “Chúng ta chưa bao giờ khởi công xây dựng một đền thờ mà lại không nghe thấy tiếng chuông của địa ngục vang lên.” Nhưng Brigham Young đã can đảm phản bác: “Tôi muốn nghe thấy những tiếng chuông đó vang lên thêm nữa.”10

Trong cuộc sống hữu diệt này, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi chiến tranh, nhưng chúng ta có thể có quyền năng chế ngự kẻ thù. Quyền năng và sức mạnh đó đến từ Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta lập và tuân giữ các giao ước đền thờ.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Sắp đến lúc mà những người không tuân phục Chúa sẽ bị chia cách khỏi những người tuân phục Ngài. Sự bảo đảm an toàn nhất cho chúng ta là tiếp tục xứng đáng để được phép bước vào ngôi nhà thánh của Ngài.”11

Đây là một số phước lành khác mà Thượng Đế đã hứa với chúng ta qua vị tiên tri của Ngài:

Anh chị em có cần các phép lạ không? Vị tiên tri của chúng ta đã nói: “Tôi hứa với anh chị em rằng Chúa sẽ mang những phép lạ Ngài biết anh chị em cần khi anh chị em hy sinh để phục vụ và thờ phượng trong đền thờ của Ngài.”12

Anh chị em có cần quyền năng chữa lành và củng cố của Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô không? Chủ Tịch Nelson trấn an chúng ta rằng “mọi điều được giảng dạy trong đền thờ … gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô. … Rồi khi chúng ta tuân giữ các giao ước của mình, Ngài sẽ ban cho chúng ta quyền năng chữa lành và củng cố của Ngài. Và ôi, chúng ta sẽ cần quyền năng của Ngài biết bao trong những ngày sắp tới.”13

Vào Chủ Nhật Lễ Lá đầu tiên khi Chúa Giê Su Ky Tô khải hoàn tiến vào Giê Ru Sa Lem, vô số môn đồ của Ngài “[đã] mừng rỡ, và cả tiếng ngợi khen [Thượng Đế] … rằng, Đáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến.”14

Thật thích hợp biết bao khi vào Chủ Nhật Lễ Lá năm 1836, Đền Thờ Kirtland đã được làm lễ cung hiến. Vào dịp đó, các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô cũng đã rất vui mừng. Trong lời cầu nguyện cung hiến đó, Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố những lời ca ngợi này:

“Hỡi Đức Chúa Trời Toàn Năng, xin Ngài nghe … và xin Ngài đáp lời chúng con từ trên trời, … nơi Ngài đang ngồi trên thiên tòa, với bao vinh quang, vinh hiển, quyền năng, vẻ uy nghi, [và] uy lực. …

“… Xin Ngài giúp đỡ chúng con bằng quyền năng của Thánh Linh Ngài, để chúng con có thể hòa chung tiếng nói của chúng con với tiếng nói của các thiên thần rực rỡ, sáng chói đang bao quanh ngai của Ngài, với những lời ca tôn vinh vang lên: Hô Sa Na Thượng Đế và Chiên Con!

“Và xin Ngài cho những người này, là … các thánh hữu của Ngài reo mừng.”15

Thưa các anh chị em, hôm nay trong ngày Chủ Nhật Lễ Lá này, hãy để chúng ta với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, cũng hãy ca ngợi Thượng Đế chí thánh của chúng ta và hân hoan vì lòng nhân từ của Ngài dành cho chúng ta. “Chúng ta nghe được gì về phúc âm mà chúng ta đã nhận được?” Thực sự đó là “một tiếng nói hoan hỷ!”16

Tôi làm chứng rằng các anh chị em sẽ cảm thấy niềm hân hoan này ngày càng nhiều hơn khi bước vào các đền thờ thánh của Chúa. Tôi làm chứng rằng các anh chị em sẽ trải nghiệm được niềm hân hoan mà Ngài dành cho các anh chị em, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.