Đại Hội Trung Ương
Chúa Giê Su Ky Tô Dạy Chúng Ta Phục Sự
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Chúa Giê Su Ky Tô Dạy Chúng Ta Phục Sự

Với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể yêu thương các con chiên quý báu của Ngài và phục sự họ như Ngài phục sự.

Chúa Giê Su Ky Tô phán:

“Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình. …

“Cũng như Cha biết ta và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình.”1

Trong phiên bản tiếng Hy Lạp của câu thánh thư này, từ hiền lành cũng có nghĩa là “tuyệt vời, kỳ diệu.” Vì vậy, hôm nay, tôi muốn nói về Đấng Chăn Hiền Lành, Đấng Chăn Tuyệt Vời, Đấng Chăn Kỳ Diệu, chính là Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong Kinh Tân Ước, Ngài được gọi là “Đấng chăn chiên lớn,”2 là “Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên,”3 và “Đấng chăn chiên và Giám [Trợ] của linh hồn [chúng ta].4

Trong Kinh Cựu Ước, Ê Sai đã viết rằng “Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên.”5

Trong Sách Mặc Môn, Ngài được gọi là “người chăn hiền lành”6 và là “Đấng Chăn Chiên vĩ đại và chân chính.”7

Trong sách Giáo Lý và Giao Ước, Ngài phán: “Vậy nên, ta đang ở giữa các ngươi, và ta là người chăn hiền lành.”8

Trong thời kỳ của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã tuyên bố: “Đấng Chăn Hiền Lành trìu mến chăm sóc tất cả các con chiên trong đàn chiên của Ngài, và chúng ta là những người chăn phụ chân chính của Ngài. Đặc ân của chúng ta là mang tình yêu thương của Ngài cùng tình yêu thương của chúng ta tới bạn bè và hàng xóm—cho thức ăn, chăm sóc và nuôi dưỡng họ—như Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta làm.”9

Mới đây, Chủ Tịch Nelson đã nói: “Một điểm đặc biệt của Giáo Hội chân chính và sinh động của Chúa sẽ luôn luôn là một nỗ lực được tổ chức, được hướng dẫn để phục sự cho từng con cái của Thượng Đế và gia đình họ. Vì đó là Giáo Hội của Ngài, nên chúng ta với tư cách là các tôi tớ của Ngài sẽ phục sự cho từng người cũng giống như Ngài đã [phục sự]. Chúng ta sẽ phục sự trong danh Ngài, với quyền năng và thẩm quyền của Ngài và với lòng nhân từ tử tế của Ngài.”10

Khi những người Pha Ri Si và các thầy thông giáo ta thán Chúa, “rằng: Người này tiếp kẻ có tội và ăn với họ,”11 Ngài đã trả lời bằng cách đưa ra ba câu chuyện tuyệt vời mà chúng ta đã biết là truyện ngụ ngôn về con chiên thất lạc, truyện ngụ ngôn về đồng bạc bị mất, và truyện ngụ ngôn về đứa con trai hoang phí.

Thật là thú vị để thấy rằng khi Lu Ca, tác giả Phúc Âm, giới thiệu ba câu chuyện này, ông sử dụng từ ngụ ngôn ở dạng số ít, chứ không phải số nhiều.12 Dường như Chúa đang giảng dạy một bài học độc đáo với ba câu chuyện này, đưa ra các con số khác nhau: 100 con chiên, 10 đồng bạc, và 2 người con trai.

Tuy nhiên, con số quan trọng trong mỗi câu chuyện này là số một. Và một bài học chúng ta có thể học được từ con số đó là anh chị em có thể là một người chăn phụ của Chúa cho 100 anh cả và các anh cả tương lai trong nhóm túc số các anh cả của mình, hoặc là một người cố vấn cho 10 thiếu nữ, hoặc là một giảng viên cho 2 em trong Hội Thiếu Nhi, nhưng anh chị em luôn luôn phục sự, chăm sóc và yêu thương họ, từng người một. Anh chị em không bao giờ nói: “Thật là một con chiên dại dột,” hoặc “Xét cho cùng, tôi thật sự không cần đồng bạc đó,” hoặc “Nó thật là một đứa con trai phản loạn.” Nếu anh chị em và tôi cùng có “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô,”13 thì chúng ta, giống như người đàn ông trong câu chuyện về con chiên thất lạc, sẽ “để chín mươi chín con [lại]… đặng đi tìm con đã mất [tìm hoài, hoài, hoài] cho kỳ được sao.”14 Hoặc như người đàn bà trong câu chuyện về đồng bạc bị mất, chúng ta sẽ “thắp đèn, quét nhà, kiếm kỹ càng, [kiếm hoài, hoài, hoài] cho kỳ được sao.”15 Nếu chúng ta có “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô,” thì chúng ta sẽ noi theo tấm gương của người cha trong câu chuyện về đứa con trai hoang phí, là người mà khi đứa con trai “còn ở đàng xa, [đã] thấy [và] động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn.”16

Chúng ta có thể cảm thấy sự cấp bách trong tấm lòng của người đàn ông chỉ mất một con chiên không? Hoặc sự cấp bách trong tấm lòng của người phụ nữ bị mất chỉ một đồng bạc? Hay là tấm lòng yêu thương và trắc ẩn không kể xiết của người cha của đứa con hoang phí?

Vợ tôi, Maria Isabel, và tôi đã phục vụ ở Trung Mỹ, tại Guatemala City. Ở đó, tôi đã có cơ hội gặp Julia, một tín hữu trung tín của Giáo Hội. Tôi có ấn tượng phải hỏi chị ấy về gia đình của chị. Mẹ của chị qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2011. Cha của chị là một người lãnh đạo trung tín trong giáo khu của ông, đã phục vụ với tư cách là giám trợ, và là cố vấn cho chủ tịch giáo khu trong nhiều năm. Ông là một người chăn phụ chân chính của Chúa. Julia kể cho tôi nghe về những nỗ lực không mệt mỏi của ông để đi thăm hỏi, phục sự và phục vụ. Ông thật sự vui mừng khi cho ăn và chăm sóc đàn chiên quý báu của Chúa. Ông tái hôn và vẫn tích cực trong Giáo Hội.

Vài năm sau, ông ly hôn và bây giờ, một lần nữa, ông lại đi nhà thờ một mình. Ông cảm thấy lạc lõng và cũng cảm thấy rằng một số người chỉ trích việc ông ly hôn. Ông ngừng đi nhà thờ vì có những cảm nghĩ tiêu cực trong lòng.

Julia đã nói rất nhiều về người chăn phụ tuyệt vời này của Chúa, là một người siêng năng, đầy lòng yêu thương và trắc ẩn. Tôi nhớ rất rõ rằng một cảm giác cấp bách đã đến với tôi khi chị ấy mô tả ông. Tôi chỉ muốn làm một điều gì đó cho người đàn ông đó, là người đã làm rất nhiều điều cho rất nhiều người trong suốt những năm đó.

Chị ấy đưa cho tôi số điện thoại di động của ông và tôi bắt đầu gọi điện thoại cho ông ấy với hy vọng có cơ hội gặp riêng ông ấy. Sau vài tuần và nhiều, rất nhiều cuộc điện thoại không thành công, một ngày nọ, cuối cùng ông ấy đã trả lời điện thoại.

Tôi nói với ông ấy rằng tôi đã gặp Julia, con gái của ông ấy, và tôi bị thu hút bởi cách ông ấy đã phục vụ, phục sự, và yêu thương các con chiên quý báu của Chúa trong nhiều năm. Ông ấy đã không kỳ vọng nghe được một lời nhận xét như thế. Tôi nói với ông ấy rằng tôi thực sự muốn đến thăm ông ấy trực tiếp. Ông hỏi tôi có mục đích gì khi đề nghị một cuộc gặp mặt như vậy. Tôi đáp: “Tôi thực sự muốn gặp cha của một phụ nữ tuyệt vời như vậy.” Rồi trong một vài giây, có sự im lặng qua điện thoại—một vài giây đối với tôi tưởng chừng như là vô tận. Ông chỉ nói: “Khi nào và ở đâu?”

Cái ngày tôi gặp ông ấy, tôi đã mời ông ấy chia sẻ với tôi một số kinh nghiệm của ông ấy khi đi thăm hỏi, phục sự, và phục vụ các con chiên quý báu của Chúa. Trong khi ông đang kể lại một số câu chuyện cảm động, tôi nhận thấy rằng giọng nói của ông đã thay đổi và tinh thần mà ông đã cảm thấy rất nhiều lần với tư cách là một người chăn phụ của Chúa đã trở lại. Lúc này mắt ông ấy nhòa lệ. Tôi biết đây là thời điểm thích hợp đối với tôi, nhưng tôi thấy mình không biết phải nói gì. Tôi cầu nguyện trong tâm trí: “Thưa Cha, xin giúp con.”

Đột nhiên, tôi nghe mình nói: “Thưa Anh Florian, với tư cách là một tôi tớ của Chúa, tôi xin lỗi vì chúng tôi đã không ở bên anh. Xin hãy tha thứ cho chúng tôi. Xin cho chúng tôi một cơ hội khác để cho anh thấy rằng chúng tôi yêu thương anh. Và chúng tôi cần anh. Rằng anh quan trọng đối với chúng tôi.”

Ngày Chủ Nhật tiếp theo, ông ấy trở lại. Ông đã có một cuộc trò chuyện dài với vị giám trợ của mình và tiếp tục tích cực trở lại. Ông qua đời một vài tháng sau đó—nhưng ông đã trở lại. Ông ấy đã trở lại. Tôi làm chứng rằng với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể yêu thương con chiên quý báu của Ngài và phục sự họ như Ngài phục sự. Và vậy nên, ở nơi đó trong Guatemala City, Chúa Giê Su Ky Tô đã mang một con chiên quý báu nữa trở lại đàn chiên của Ngài. Và Ngài đã dạy tôi một bài học về cách phục sự mà tôi không thể quên. Trong tôn danh của Đấng Chăn Hiền Lành, Đấng Chăn Tuyệt Vời, Đấng Chăn Kỳ Diệu, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.