Đại Hội Trung Ương
Chúa Giê Su Ky Tô Là Nguồn Cứu Giúp
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Chúa Giê Su Ky Tô Là Nguồn Cứu Giúp

Chúng ta có thể hợp tác với Đấng Cứu Rỗi để cứu giúp những người đang gặp hoạn nạn về mặt vật chất và thuộc linh—và trong tiến trình đó, chúng ta tìm thấy sự cứu giúp cho chính mình.

Với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hy vọng vào những gì họ đã nghe về những phép lạ của Ngài, những người chăm sóc một người đàn ông bị bại liệt đã mang anh ta đến với Chúa Giê Su. Họ đã có sáng kiến trong việc đưa anh ấy đến đó—dỡ mái nhà ra và dòng người đàn ông đang nằm trên giường xuống nơi Chúa Giê Su đang giảng dạy. Khi Chúa Giê Su “thấy đức tin họ, bèn phán với kẻ bại rằng: tội lỗi ngươi đã được tha.”1 Và: “Ta biểu ngươi đứng dậy, vác giường trở về nhà.”2 Và “tức thì kẻ bại đứng dậy, vác giường mình đã nằm, và đi về nhà, ngợi khen Đức Chúa Trời.”3

Chúng ta biết gì thêm về những người bạn đã chăm sóc cho người đàn ông đau bại? Chúng ta biết rằng Đấng Cứu Rỗi đã nhận ra đức tin của họ. Và sau khi đã nghe thấy Đấng Cứu Rỗi và là nhân chứng cho những phép lạ của Ngài, họ đã “sững sờ” và “ngợi khen Đức Chúa Trời.”4

Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho sự chữa lành mà người ta hy vọng—sự cứu giúp để được giảm bớt đau đớn về mặt thể chất và những hậu quả gây ra bại liệt của căn bệnh kinh niên ấy. Điều quan trọng là Đấng Cứu Rỗi cũng đã ban sự cứu giúp về mặt thuộc linh trong việc thanh tẩy con người khỏi tội lỗi.

Và những người bạn—trong nỗ lực chăm sóc một người đang gặp hoạn nạn, họ đã tìm thấy nguồn cứu giúp; họ đã tìm thấy Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô nguồn cứu giúp. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được trút bỏ gánh nặng và hậu quả của tội lỗi và được giúp đỡ trong những yếu đuối của mình.

Và bởi vì yêu mến Thượng Đế, và đã lập giao ước phục vụ Ngài, nên chúng ta có thể hợp tác với Đấng Cứu Rỗi để cứu giúp những người đang gặp hoạn nạn về mặt vật chất và thuộc linh—và trong tiến trình đó, chúng ta tìm thấy sự cứu giúp cho chính mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.5

Vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã mời chúng ta thắng thế gian và tìm sự yên nghỉ.6 Ông định nghĩa “sự yên nghỉ đích thực” là “sự khuây khỏa và bình an.” Chủ Tịch Nelson nói: “Vì Đấng Cứu Rỗi, qua Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, đã cứu chuộc mỗi người chúng ta khỏi sự yếu kém, sai lầm và tội lỗi, và vì Ngài đã trải qua mọi đau đớn, lo lắng và gánh nặng mà anh chị em từng có, nên khi anh chị em thật sự hối cải và tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài, thì anh chị em có thể khắc phục thế gian hiện tại đầy bấp bênh này.”7 Đó là nguồn cứu giúp mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho chúng ta!

Mỗi người chúng ta đều đeo một chiếc ba lô nói theo phép ẩn dụ. Nó có thể là một cái giỏ được đặt cân bằng trên đầu hoặc một cái túi hay một gói đồ được bọc trong vải và quăng lên vai mình. Nhưng để minh họa ý nghĩ của mình, chúng ta hãy gọi nó là một chiếc ba lô.

Chiếc ba lô nói theo phép ẩn dụ này là nơi chúng ta vác những gánh nặng của cuộc sống trong một thế gian sa ngã. Gánh nặng của chúng ta giống như đá trong ba lô. Nói chung, có ba loại đá:

  • Đá trong ba lô đó do chính chúng ta tạo ra vì tội lỗi.

  • Đá trong ba lô của chúng ta vì những quyết định sai lầm, hành vi sai trái và không tử tế của người khác.

  • Và đá chúng ta vác theo vì chúng ta đang sống trong tình trạng sa ngã. Chúng bao gồm đá của bệnh tật, đau đớn, bệnh mãn tính, buồn phiền, thất vọng, cô đơn và ảnh hưởng của thiên tai.

Tôi hân hoan tuyên bố rằng những gánh nặng trần thế của chúng ta, là đá nằm trong chiếc ba lô theo nghĩa bóng của chúng ta, không cần phải cảm thấy nặng nề.

Chúa Giê Su Ky Tô có thể làm nhẹ bớt gánh nặng của chúng ta.

Chúa Giê Su Ky Tô có thể nâng đỡ gánh nặng của chúng ta.

Chúa Giê Su Ky Tô ban cho một cách thức để chúng ta trút bỏ gánh nặng của tội lỗi.

Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn cứu giúp của chúng ta.

Ngài phán:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ [đó là, sự cứu giúp và bình an].

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”8

Ách dễ chịu và gánh nhẹ nhàng có nghĩa là chúng ta mang ách với Đấng Cứu Rỗi, rằng chúng ta chia sẻ gánh nặng của mình với Ngài, rằng chúng ta để Ngài nâng đỡ gánh nặng của chúng ta. Điều đó có nghĩa là việc thiết lập mối quan hệ giao ước với Thượng Đế và tuân giữ giao ước đó như Chủ Tịch Nelson đã giải thích đều “làm cho mọi điều về cuộc sống được dễ dàng hơn.” Ông nói: “Việc gánh ách của mình với Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là anh chị em có quyền tiếp cận sức mạnh và quyền năng cứu chuộc của Ngài.”9

Vậy tại sao chúng ta lại cứ khăng khăng vác lấy đá của mình? Tại sao một vận động viên bóng chày đang mệt mỏi lại từ chối rời khỏi ụ đất ném bóng khi có người thay thế đã sẵn sàng để hoàn thành trận đấu? Tại sao tôi lại khăng khăng một mình giữ vị trí của tôi khi Đấng Cứu Giúp sẵn sàng giữ nó cho tôi?

Chủ tịch Nelson đã dạy: “Chúa Giê Su Ky Tô … với vòng tay mở rộng, đang hy vọng và sẵn lòng chữa lành, tha thứ, gột sạch, củng cố, thanh tẩy và thánh hóa chúng ta.”10

Vậy tại sao chúng ta cứ khăng khăng một mình vác đá?

Đây là một câu hỏi cá nhân nhằm cho mỗi người chúng ta suy xét.

Đối với tôi, đó là thói xấu từ thời xa xưa của lòng kiêu hãnh. Tôi nói: “Tôi làm được mà.” “Đừng lo; Tôi sẽ làm xong thôi.” Đó là kẻ lừa dối quỷ quyệt muốn tôi trốn tránh Thượng Đế, quay lưng lại với Ngài, để làm một mình.

Thưa anh chị em, tôi không thể, tôi không cần và tôi sẽ không làm điều đó một mình. Vì chọn để được ràng buộc với Đấng Cứu Rỗi của tôi, Chúa Giê Su Ky Tô, qua các giao ước mà tôi đã lập với Thượng Đế, “tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.”11

Những người tuân giữ giao ước đều được ban phước với sự cứu giúp của Đấng Cứu Rỗi.

Hãy suy ngẫm ví dụ này trong Sách Mặc Môn: Dân An Ma bị ngược đãi “bắt làm những việc nặng nhọc, và còn lập lên những tên cai trên họ.”12 Vì bị cấm cầu nguyện thành tiếng nên họ “chỉ biết dâng hết lòng mình lên [Thượng Đế]; và Ngài đã hiểu thấu những ý nghĩ trong lòng họ.”13

Và “tiếng nói của Chúa đến trong nỗi thống khổ của họ mà rằng: Các ngươi hãy ngẩng đầu lên và vui vẻ, vì ta biết giao ước mà các ngươi đã lập với ta; và ta sẽ giao ước với dân ta và giải thoát cho họ khỏi vòng nô lệ.

“Và ta cũng sẽ làm nhẹ gánh nặng trên vai các ngươi, đến đỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết trên vai mình.”14

Và gánh nặng của họ “được làm nhẹ,” và “Chúa đã ban thêm sức mạnh cho họ để họ có thể mang những gánh nặng ấy một cách dễ dàng, và họ đã tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn.”15

Những người tuân giữ giao ước đó đã nhận được sự cứu giúp dưới hình thức an ủi, gia tăng tính kiên nhẫn và vui vẻ, gánh nặng của họ được giảm bớt để họ cảm thấy nhẹ nhàng, và cuối cùng là sự giải thoát.16

Bây giờ chúng ta hãy trở lại với chiếc ba lô của mình nói theo phép ẩn dụ.

Sự hối cải, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, là điều giúp chúng ta giảm bớt sức nặng của đá tội lỗi. Và bằng sự ban cho tuyệt vời này, lòng thương xót của Thượng Đế cứu giúp chúng ta thoát khỏi những đòi hỏi nặng nề và không thể vượt qua của công lý.17

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cũng giúp chúng ta có thể nhận được sức mạnh để tha thứ, mà cho phép chúng ta dỡ bỏ gánh nặng mà chúng ta mang vì bị người khác ngược đãi.18

Vậy làm thế nào Đấng Cứu Rỗi làm giảm bớt gánh nặng của chúng ta đang sống trong một thế gian sa ngã với thể xác hữu diệt phải chịu đau đớn và buồn phiền?

Thông thường, Ngài thực hiện hành động cứu giúp đó qua chúng ta! Là các tín hữu đã lập giao ước của Giáo Hội Ngài, chúng ta hứa “than khóc với những ai than khóc” và “an ủi những ai cần được an ủi.”19 Vì chúng ta “gia nhập đàn chiên của Thượng Đế” và “được gọi là dân Ngài,” nên chúng ta “sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ nhàng.”20

Phước lành theo giao ước của chúng ta là được hợp tác với Chúa Giê Su Ky Tô trong việc mang đến sự cứu giúp, về mặt vật chất lẫn thuộc linh, cho tất cả con cái của Thượng Đế. Chúng ta là một công cụ mà qua đó Ngài ban cho sự cứu giúp.21

Và vì vậy, giống như những người bạn của người đàn ông đau bại, chúng ta “giúp đỡ người yếu đuối, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”22 Chúng ta “mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy … sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Ky Tô.”23 Khi làm như vậy, chúng ta tiến đến việc biết Ngài, trở nên giống như Ngài và tìm kiếm sự cứu giúp của Ngài.24

Sự cứu giúp là gì?

Đó là sự loại bỏ hoặc làm nhẹ đi một điều gì đó đau đớn, phiền muộn hoặc nặng nề, hay sức mạnh để chịu đựng nó. Nó ám chỉ một người thay thế cho người khác. Đó là sự sửa sai một cách hợp pháp.25 Từ Anh-Pháp này có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ, từ relever, hoặc “nâng lên,” và từ tiếng La Tinh relevare, hay “nâng cao lại.”26

Thưa anh chị em, Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn cứu giúp. Tôi làm chứng rằng Ngài quả thật đã sống lại vào ngày thứ ba và, sau khi làm tròn Sự Chuộc Tội vô hạn và đầy yêu thương, Ngài dang rộng vòng tay, ban cho chúng ta cơ hội để sống lại, được cứu rỗi, được tôn cao cùng trở nên giống như Ngài. Sự cứu giúp mà Ngài ban cho chúng ta là trường cửu.

Giống như những người phụ nữ đã được thiên sứ hiện đến cùng vào buổi sáng Phục Sinh đầu tiên đó, tôi muốn “đi mau” và “cả mừng” chạy báo tin rằng Ngài đã sống lại.27 Trong tôn danh của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lu Ca 5:20.

  2. Mác 2:11.

  3. Lu Ca 5:25.

  4. Lu Ca 5:26.

  5. Xin xem D. Todd Christofferson, “The First Commandment First” (Buổi họp đặc biệt devotional của trường Brigham Young University, ngày 22 tháng Ba năm 2022), trang 2, speeches.byu.edu:“Tình yêu mến của chúng ta đối với Thượng Đế nâng cao khả năng của chúng ta để yêu thương người khác một cách trọn vẹn và hoàn hảo hơn vì chủ yếu chúng ta hợp tác với Thượng Đế trong việc chăm sóc con cái của Ngài” (sự nhấn mạnh được thêm vào).

  6. Xin xem Russell M. Nelson, “Thắng Thế Gian và Tìm Sự Yên Nghỉ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022; trang 95–98.

  7. Russell M. Nelson, “Thắng Thế Gian và Tìm Sự Yên Nghỉ,” trang 96.

  8. Ma Thi Ơ 11:28–30.

  9. Russell M. Nelson, “Thắng Thế Gian và Tìm Sự Yên Nghỉ,” trang 97.

  10. Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Nên Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67.

  11. Phi Líp 4:13.

  12. Mô Si A 24:9.

  13. Mô Si A 24:12.

  14. Mô Si A 24:13–14; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  15. Mô Si A 24:15.

  16. Xin xem Mô Si A 24:13–14.

  17. Xin xem An Ma 34:14–16; xin xem thêm Mô Si A 15:8–9.

  18. Xin xem Russell M. Nelson, “Bốn Ân Tứ mà Chúa Giê Su Ky Tô Ban cho Anh Chị Em” (Buổi họp đặc biệt Giáng Sinh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 2 tháng Mười Hai năm 2018), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org: “Một ân tứ thứ hai mà Đấng Cứu Rỗi ban cho anh chị em là khả năng để tha thứ. Nhờ vào Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, anh chị em có thể tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình và những người có thể không bao giờ chấp nhận trách nhiệm cho sự tàn ác của họ đối với anh chị em.

    “Thường là rất dễ dàng để tha thứ cho một người chân thành và khiêm nhường tìm kiếm sự tha thứ nơi anh chị em. Nhưng Đấng Cứu Rỗi sẽ ban cho anh chị em khả năng để tha thứ cho bất cứ người nào đã ngược đãi anh chị em trong mọi phương diện. Rồi sau đó, hành vi gây tổn thương của họ không còn có thể gây đau lòng cho anh chị em nữa.”

  19. Mô Si A 18:9.

  20. Mô Si A 18:8.

  21. Hội Phụ Nữ, một tổ chức dành cho phụ nữ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, được Tiên Tri Joseph Smith tổ chức vào ngày 17 tháng Ba năm 1842, là “một phần phụ được thiết lập thiêng liêng cho chức tư tế” (Dallin H. Oaks, “Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 51). Khi chọn tên cho tổ chức mới này, từ nhân đức đã được cân nhắc, nhưng sự cứu giúp lại được các phụ nữ ưa chuộng. Emma Smith, chủ tịch đầu tiên của tổ chức, và Eliza R. Snow, thư ký của tổ chức, về sau phục vụ với tư cách là chủ tịch thứ hai của Hội Phụ Nữ, đã giải thích rằng nhân đức là một từ phổ biến—phổ biến với các tổ chức thời đó—nhưng những từ phổ biến như thế “không nên ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta.” Emma giải thích rằng từ sự cứu giúp mô tả rõ hơn về sứ mệnh của họ. “Chúng ta sẽ làm một điều gì đó phi thường … chúng ta mong đợi những cơ hội phi thường và những sự kêu gọi cấp bách” (Emma Smith, trong Nauvoo Relief Society Minute Book, ngày 17 tháng Ba năm 1842, trang 12, josephsmithpapers.org). Thật vậy, nhiệm vụ của Hội Phụ Nữ luôn luôn là mang đến sự cứu giúp về mặt vật chất lẫn thuộc linh. Joseph Smith đã dạy: “Hội Phụ Nữ không những cứu giúp người nghèo khó mà còn giải cứu các linh hồn nữa” (trong Nauvoo Relief Society Minute Book, ngày 9 tháng Sáu năm 1842, trang 63, josephsmithpapers.org). Và do đó, Hội Phụ Nữ tiếp tục mang đến sự cứu giúp: “Sự cứu giúp cho cảnh nghèo khó, đau ốm, nghi ngờ, ngu dốt—sự cứu giúp cho tất cả những gì cản trở niềm vui và sự tiến triển của người phụ nữ” (John A. Widtsoe, Evidences and Reconciliations, do G. Homer Durham biên soạn, 3 tập trong 1 [năm 1960], trang 308).

  22. Giáo Lý và Giao Ước 81:5; xin xem thêm Hê Bơ Rơ 12:12.

  23. Ga La Ti 6:2.

  24. Trong một buổi họp đầu tiên của Hội Phụ Nữ mới vừa được tổ chức, Lucy Mack Smith, mẹ của Tiên Tri Joseph Smith, đã nói: “Chúng ta cần phải quý mến nhau, trông nom nhau, an ủi nhau và nhận lời chỉ dạy, để chúng ta đều có thể được ngồi chung với nhau trên thiên thượng.” Sử gia Jennifer Reeder đã viết về điều này: “Trong một chính nghĩa đoàn kết để mang đến sự cứu giúp, các phụ nữ đã hợp tác với Đấng Ky Tô, và khi làm như vậy, họ đã tìm thấy sự cứu giúp của Ngài” (First: The Life and Faith of Emma Smith [năm 2021], trang 130).

  25. Xin xem Merriam-Webster.com Dictionary, “relief.”

  26. Xin xem Dictionary.com, “relief.”

  27. Xin xem Ma Thi Ơ 28:1–8.