Đại Hội Trung Ương
Hô Sa Na, Thượng Đế Tối Cao
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Hô Sa Na, Thượng Đế Tối Cao

Nhưng sự tiến vào thành Giê Ru Sa Lem đầy đắc thắng của Chúa Giê Su Ky Tô và các sự kiện của tuần đó đã cho thấy các giáo lý mà chúng ta có thể áp dụng vào cuộc sống của mình ngày nay.

Hôm nay, như đã nói, chúng ta cùng với các Ky Tô Hữu khác trên khắp thế giới tôn vinh Chúa Giê Su Ky Tô vào ngày Chủ Nhật Lễ Lá này. Gần 2.000 năm trước, ngày Chủ Nhật Lễ Lá đã mở đầu cho tuần lễ cuối cùng trong giáo vụ trên trần thế của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là tuần lễ quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.

Nó bắt đầu với sự chào đón Chúa Giê Su với tư cách là Đấng Mê Si đã được hứa khi Ngài đắc thắng tiến vào thành Giê Ru Sa Lem và khép lại bằng Sự Đóng Đinh và Sự Phục Sinh của Ngài.1 Theo kế hoạch thiêng liêng, sự hy sinh chuộc tội của Ngài đã kết thúc giáo vụ trần thế của Ngài, làm cho chúng ta có cơ hội sống với Cha Thiên Thượng trong thời vĩnh cửu.

Thánh thư cho chúng ta biết rằng tuần lễ đó bắt đầu với đám đông dân chúng đứng tại cổng thành để xem “Đấng tiên tri [Giê Su] ở thành Na Xa Rét, xứ Ga Li Lê.”2 Họ “lấy những lá kè ra đón Ngài, và reo lên rằng: Hô Sa Na! Chúc phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, là Vua của Y Sơ Ra Ên!”3

Câu chuyện từ thuở xưa đó trong Kinh Thánh nhắc tôi nhớ đến một sự chỉ định của Giáo Hội tại Takoradi, Ghana. Điều đặc biệt là tôi đã ở đó vào đúng ngày Chủ Nhật Lễ Lá.

Hình Ảnh
Giáo đoàn tại Takoradi, Ghana

Tôi đến để chia tách giáo khu Takoradi Ghana và lập ra giáo khu Mpintsin Ghana. Ngày nay, có hơn 100.000 tín hữu của Giáo Hội ở Ghana.4 (Xin chào mừng Đức Vua Ga Mantse, Nii Tackie Teiko Tsuru II của Accra, Ghana, đang hiện diện cùng chúng ta hôm nay.) Khi gặp gỡ với Các Thánh Hữu đó, tôi cảm thấy tình yêu thương sâu sắc và sự tận tâm của họ dành cho Chúa. Tôi đã bày tỏ tình yêu thương lớn lao của mình cho họ và nói rằng Vị Chủ Tịch Giáo Hội yêu thương họ. Tôi nói đến những lời của Đấng Cứu Rỗi đã được Giăng ghi lại: “Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi.”5 Họ đã tưởng rằng đó là “đại hội về tình yêu thương.”6

Hình Ảnh
Anh Cả Rasband đang bắt tay tại Takoradi, Ghana

Khi tôi nhìn khắp các hàng ghế đông đúc các anh chị em thân mến đó cùng với gia đình của họ trong giáo đường, tôi có thể thấy gương mặt họ tỏa sáng chứng ngôn và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi cảm thấy ước muốn của họ để được thuộc vào Giáo Hội của Ngài, mà đang hiện diện khắp thế giới. Và khi ca đoàn cất giọng, họ hát như những thiên thần.

Hình Ảnh
Ca đoàn tại Takoradi, Ghana
Hình Ảnh
Anh Cả Rasband cùng các tín hữu ở Ghana

Giống như ngày Chủ Nhật Lễ Lá thời xưa, đó là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô quy tụ lại để tỏ lòng kính trọng Ngài, tương tự như những người ở cổng thành Giê Ru Sa Lem vẫy các cành cọ trong tay và thốt lên: “Hô Sa Na …: Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến.”7

Hình Ảnh
Cành cọ được vẫy lên ở Ghana

Ngay cả những giáo dân trong một nhà thờ ở gần đấy cũng đang tôn vinh ngày Chủ Nhật Lễ Lá. Trong khi đứng trên bục nói chuyện, qua cửa sổ, tôi trông thấy họ đang vui vẻ bước xuống đường, tay vẫy các cành cọ, rất giống với những người trong bức hình này. Đó là một cảnh tượng tôi sẽ không bao giờ quên—tất cả chúng tôi, vào ngày hôm đó, đã thờ phượng Vua của các vua.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyên nhủ chúng ta làm cho ngày Chủ Nhật Lễ Lá thành một ngày “thật sự thánh [bằng cách] tưởng nhớ, không chỉ những cành cọ được giơ lên để đón chào Chúa Giê Su tiến vào thành Giê Ru Sa Lem, mà còn tưởng nhớ đến lòng bàn tay [lưu dấu đinh] của Ngài.” Rồi Chủ Tịch Nelson nhắc đến Ê Sai, người đã nói về lời hứa của Đấng Cứu Rỗi, “Ta cũng chẳng quên ngươi,” cùng những lời: “Này, ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta.”8

Chính Chúa cũng biết được rằng cuộc sống hữu diệt có nhiều khó khăn. Những vết thương của Ngài nhắc nhở chúng ta rằng Ngài “đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả”9 rằng Ngài có thể giúp đỡ chúng ta khi chúng ta đau khổ và làm tấm gương cho chúng ta “tiếp tục con đường của [mình]”10 theo lối Ngài, rằng “Thượng Đế sẽ ở với [chúng ta] mãi mãi và đời đời.”11

Ngày Chủ Nhật Lễ Lá không chỉ là một sự kiện, hay một trang sử có ghi ngày, tháng, và địa điểm. Nhưng sự tiến vào thành Giê Ru Sa Lem đầy đắc thắng của Chúa Giê Su Ky Tô và các sự kiện của tuần đó đã cho thấy các giáo lý mà chúng ta có thể áp dụng vào cuộc sống của mình ngày nay.

Chúng ta hãy nhìn lại một số giáo lý vĩnh cửu qua giáo vụ của Ngài mà đã kết thúc tại Giê Ru Sa Lem.

Trước tiên, lời tiên tri. Ví dụ, tiên tri Xa Cha Ri trong Kinh Cựu Ước đã tiên đoán về sự tiến vào thành Giê Ru Sa Lem đầy đắc thắng của Chúa Giê Su Ky Tô, thậm chí còn mô tả Ngài sẽ cưỡi trên lưng một con lừa.12 Chúa Giê Su đã nói trước về Sự Phục Sinh của Ngài khi Ngài chuẩn bị tiến vào thành:

“Này, chúng ta đi lên thành Giê Ru Sa Lem, và Con người sẽ bị bắt nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, bọn đó sẽ luận giết Ngài,

“Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.”13

Thứ hai, sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Joseph Smith đã dạy: “Không ai có thể biết rằng Giê Su là Chúa, ngoại trừ bởi Đức Thánh Linh.”14 Đấng Cứu Rỗi đã hứa với các môn đồ của Ngài15 vào Bữa Ăn Tối Cuối Cùng16 trong căn phòng trên lầu,17 rằng: “Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu.”18 Họ sẽ không phải đơn độc truyền rao các lẽ thật phúc âm nhưng sẽ có được ân tứ Đức Thánh Linh tuyệt vời để hướng dẫn họ. “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi,” Ngài đã hứa; “[Ta] cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho.”19 Với ân tứ Đức Thánh Linh, chúng ta cũng có được lời cam đoan đó—rằng chúng ta “có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]”20 và “bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, [chúng ta] sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều.”21

Thứ ba, vai trò làm môn đồ. Vai trò môn đồ chân chính là sự cam kết liên tục, sự vâng lời bền bỉ theo luật pháp vĩnh cửu, và trước nhất và trên hết, là tình yêu thương dành cho Thượng Đế. Không có chỗ cho sự nghi ngờ. Đám đông dân chúng đã giơ tay tỏ lòng tôn kính và tung hô Ngài là Đấng Mê Si. Ngài thật sự là Đấng ấy. Họ được thu hút đến với Ngài, đến với những phép lạ và lời giảng dạy của Ngài. Nhưng sự ngưỡng mộ đó của nhiều người không kéo dài được lâu. Một số người mà trước đó còn hô to: “Hô Sa Na,”22 lại mau chóng trở mặt và gào lên: “Hãy đóng đinh nó vào thập tự giá!”23

Thứ tư, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.24 Trong những ngày cuối cùng của mình, sau ngày Chủ Nhật Lễ Lá, Ngài đã thực hiện Sự Chuộc Tội phi thường, từ nỗi thống khổ trong vườn Ghết Sê Ma Nê đến sự bất công khi bị xét xử, bị tra tấn trên cây thập tự, và được chôn cất trong ngôi mộ không phải của mình. Nhưng không dừng tại đó. Với vẻ uy nghi trong sự kêu gọi của mình với tư cách là Đấng Cứu Chuộc cho toàn thể con cái của Cha Thiên Thượng, ba ngày sau, Ngài đã bước ra khỏi ngôi mộ đó, được phục sinh,25 như Ngài đã tiên đoán.

Chúng ta có luôn biết ơn cho Sự Chuộc Tội không gì sánh được của Chúa Giê Su Ky Tô không? Chúng ta có cảm thấy quyền năng thanh tẩy của nó, ngay bây giờ không? Đó là lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô, là Cội Rễ và Cuối Cùng cho sự cứu rỗi của chúng ta, đã đến Giê Ru Sa Lem, để cứu chuộc tất cả chúng ta. Những lời này trong sách An Ma có thấu tận tâm can không: “Nếu các người có cảm thấy được một sự thay đổi trong lòng mình, và các người có muốn hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc, tôi xin hỏi, các người có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?”26 Thật sự, tôi có thể nói rằng ca đoàn ở Takoradi vào ngày Chủ Nhật Lễ Lá đó đã hát lên “bài ca về tình yêu cứu chuộc.”

Vào tuần lễ định mệnh cuối cùng đó trong giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy câu chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh.27 Đó là Ngài đang dạy về sự tái lâm của Ngài với những người đã sẵn sàng để tiếp nhận Ngài, không phải với cành cọ trong tay nhưng là với ánh sáng phúc âm bên trong họ. Ngài đã dùng hình ảnh những ngọn đèn được thắp lên và cháy sáng, với dầu được châm thêm để duy trì ngọn lửa, như khắc họa về sự sẵn lòng để sống theo đường lối của Ngài, chấp nhận các lẽ thật của Ngài, và chia sẻ ánh sáng của Ngài.

Anh chị em biết câu chuyện này rồi. Mười người nữ đồng trinh tượng trưng cho các tín hữu của Giáo Hội, và chàng rể tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô.

Mười người nữ đồng trinh cầm đèn “đi rước chàng rể.”28 Năm người khôn ngoan đã chuẩn bị sẵn dầu trong đèn và còn mang thêm một ít, còn năm người kia thì dại, nên đèn sắp tắt mà lại không có dầu dự phòng. Khi có tiếng gọi: “Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người!”29 năm người “khôn ngoan và đã nhận được lẽ thật, và đã chọn Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn của mình”30 đã sẵn sàng để gặp “vua … và là Đấng ban hành luật pháp cho họ,”31 mà “vinh quang của Ngài sẽ ở trên họ.”32 Năm nàng kia thì vẫn còn đang cuống cuồng đi tìm dầu. Nhưng đã quá trễ. Tiệc cưới diễn ra mà không có họ. Khi họ gõ cửa xin vào, Chúa đáp rằng: “Ta không biết các ngươi đâu.”33

Chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào nếu Ngài nói với chúng ta: “Ta không biết các ngươi đâu!”

Chúng ta, giống như mười người nữ đồng trinh, đều có đèn; nhưng chúng ta có dầu không? Tôi e rằng một số người chỉ đang có một lớp dầu mỏng, vì quá bận rộn với những áp lực của thế gian đến nỗi không chuẩn bị kỹ. Dầu đến từ việc tin tưởng và hành động theo lời tiên tri và những lời của các vị tiên tri tại thế, cụ thể là Chủ Tịch Nelson, các vị cố vấn của ông, và Mười Hai Vị Sứ Đồ. Dầu được rót vào tâm hồn chúng ta khi chúng ta lắng nghe và cảm thấy Đức Thánh Linh, và hành động theo sự hướng dẫn thiêng liêng đó. Dầu được thêm vào tấm lòng chúng ta khi những lựa chọn của chúng ta cho thấy chúng ta yêu mến Chúa và chúng ta yêu thương điều Ngài yêu thương. Dầu đến từ việc hối cải và tìm kiếm sự chữa lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Nếu một số anh chị em đang tìm cách để hoàn thành một bản liệt kê những việc mình muốn làm trong cuộc đời, thì hãy thêm vào đó dầu, tức là nước sống của Chúa Giê Su Ky Tô,34 mà tượng trưng cho cuộc đời và những lời giảng dạy của Ngài. Việc hoàn thành những mục tiêu như đi du lịch xa hay tham dự sự kiện hoành tráng sẽ không khiến cho tâm hồn anh chị em cảm thấy trọn vẹn hoặc mãn nguyện; ngược lại, việc sống theo giáo lý được dạy bởi Chúa Giê Su Ky Tô mới làm được điều đó. Tôi đã nói đến các ví dụ này rồi: chấp nhận lời tiên tri và những lời giảng dạy của các vị tiên tri, hành động theo những sự thúc giục của Đức Thánh Linh, trở thành một môn đồ chân chính, và tìm kiếm quyền năng chữa lành từ Sự Chuộc Tội của Chúa chúng ta. Bản liệt kê ấy sẽ mang anh chị em đến nơi mà anh chị em muốn đến—đó là quay trở lại với Cha Thiên Thượng của mình.

Ngày Chủ Nhật Lễ Lá đó ở Takoradi là một kinh nghiệm rất đặc biệt đối với tôi bởi vì tôi đã trải qua ngày đó cùng với một giáo đoàn các anh chị em trung tín. Kinh nghiệm đó cũng lặp lại trên khắp các châu lục và hải đảo quanh thế giới. Trái tim và tâm hồn tôi, giống như các anh chị em, khao khát được hô vang: “Hô Sa Na, Thượng Đế Tối Cao.”35

Mặc dù hôm nay chúng ta không đứng tại cổng thành Giê Ru Sa Lem với các cành cọ trong tay, thì sẽ đến lúc, như đã được tiên tri trong sách Khải Huyền, “vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; [sẽ] đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là.”36

Tôi để lại cho anh chị em phước lành của tôi với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô rằng anh chị em sẽ chuyên tâm nỗ lực sống ngay chính và được ở giữa những người cầm nhành cọ trong tay để nghênh đón Vị Nam Tử của Thượng Đế, là Đấng Cứu Chuộc vĩ đại của tất cả chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Cả bốn sách phúc âm—Ma Thi Ơ 21–28, Mác 11–16, Lu Ca 19–24, và Giăng 12–21—đều mô tả những ngày cuối cùng trong giáo vụ trên trần thế của Chúa Giê Su Ky Tô, mà đã được định trong kế hoạch thiêng liêng để mang lại các phước lành của sự cứu rỗi và sự tôn cao cho toàn thể con cái của Thượng Đế. Đôi khi các tác giả phúc âm có sự khác biệt trong các chi tiết họ đưa vào, nhưng giống nhau về những lời giảng dạy và hành động của Đấng Cứu Rỗi.

  2. Xin xem Ma Thi Ơ 21:10–11.

  3. Giăng 12:13.

  4. Theo Membership and Statistical Records, có 102.592 tín hữu ở Ghana.

  5. Giăng 15:12.

  6. Mỗi lần tôi nói chuyện với các tín hữu, họ đều nói với tôi: “Anh Cả Rasband, Vị Sứ Đồ yêu dấu, tôi yêu mến ông.” Những người này tràn ngập Thánh Linh và tình yêu thương của Thượng Đế đến mức họ chia sẻ tình yêu thương đó rất dễ dàng.

  7. Ma Thi Ơ 21:9.

  8. Xin xem Russell M. Nelson, “Sự Bình An và Hy Vọng của Lễ Phục Sinh” (video), tháng Tư năm 2021, ChurchofJesusChrist.org/media; Ê Sai 49:16.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 122:8. Vào tháng Mười Hai năm 1838, Tiên Tri Joseph và một số lãnh đạo khác của Giáo Hội đã bị giam cầm oan uổng trong Ngục Thất Liberty. Điều kiện sống ở đó rất tồi tệ. Sau nhiều tháng ở trong hoàn cảnh khổ sở, ông đã viết thư cho các tín hữu vào tháng Ba năm 1839, gồm cả những lời cầu nguyện khi ông thỉnh cầu Chúa rủ lòng thương xót cho tình cảnh của ông và “các thánh hữu … đang bị khốn khổ.” Ông cũng chia sẻ câu trả lời của Chúa cho những lời cầu nguyện đó, như được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 121–123.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 122:9. Lời khích lệ của Chúa dành cho Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty đã cho ông sự an ủi và hiểu biết thuộc linh rằng nghịch cảnh và những thử thách có thể củng cố chúng ta, dạy tính kiên nhẫn và nuôi dưỡng khả năng tự chủ. Chúa đã kêu gọi ông “tiếp tục con đường của ngươi,” tức là con đường của Chúa, kiên trì chịu đựng việc bị đối xử bất công vì “Con của [Thượng Đế] đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa. Há ngươi cao trọng hơn Đấng ấy chăng?” (Giáo Lý và Giao Ước 122:8).

  11. Giáo Lý và Giao Ước 122:9. Lời cam đoan Thượng Đế “sẽ ở với ngươi” là một lời hứa chắc chắn cho những ai giữ vững đức tin của họ và tin cậy Chúa.

  12. Xin xem Xa Cha Ri 9:9.

  13. Ma Thi Ơ 20:18–19. James E. Talmage viết trong Jesus the Christ: “Sự thật đáng kinh ngạc là Mười Hai Vị đã không hiểu được ý của Ngài. … Đối với họ, có một sự phi lý khủng khiếp nào đó, một sự mâu thuẫn nào đó nghiêm trọng hoặc không thể giải thích được trong những lời nói của Đấng Thầy kính yêu của họ. Họ biết Ngài là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống; và làm sao Đấng đó lại chịu bị khuất phục và bị giết chết” ([năm 1916], trang 502–503).

  14. Joseph Smith đã đưa ra tuyên bố này trước hội phụ nữ Female Relief Society of Nauvoo vào ngày 28 tháng Tư năm 1842, theo trích dẫn trong “History of Joseph Smith,” Deseret News, ngày 19 tháng Chín năm 1855, trang 218. Đề cập đến chương 12 trong 1 Cô Rinh Tô, ông làm sáng tỏ câu ba, “Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Giê Su là Chúa,” được sửa thành, “Nếu không cảm thấy Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai biết Đức Chúa Giê Su là Chúa.” (Xin xem The First Fifty Years of Relief Society: Key Documents in Latter-day Saint Women’s History [năm 2016], phần 2.2, churchhistorianspress.org.)

  15. Chúa Giê Su đã ăn Bữa Ăn Tối Cuối Cùng cùng với các môn đồ của Ngài (xin xem Giăng 14:12–18). Mười Hai Vị bao gồm Phi E Rơ, Anh Rê, Gia Cơ, Giăng, Ma Thi Ơ, Phi Líp, Thô Ma, Ba Thê Lê My, Gia Cơ (con trai của A Phê), Giu Đa Ích Ca Ri Ốt, Giu Đe (anh của Gia Cơ), và Si Môn (xin xem Lu Ca 6:13–16).

  16. Chúa Giê Su đã thiết lập giáo lễ Tiệc Thánh cùng với các môn đồ của Ngài vào Bữa Ăn Tối Cuối Cùng (xin xem Ma Thi Ơ 26:26–29; Mác 14:22–25; Lu Ca 22:19–20).

  17. Ngày hay tối cụ thể khi Chúa Giê Su thiết lập Tiệc Thánh trong “căn phòng trên lầu” thật ra vẫn còn đang bị tranh cãi bởi dường như có sự khác biệt giữa Ma Thi Ơ, Mác, Lu Ca với Giăng. Ma Thi Ơ, Mác, và Lu Ca nói rằng Bữa Ăn Tối Cuối Cùng diễn ra vào “ngày thứ nhất ăn bánh không men,” tức là bữa ăn cho Lễ Vượt Qua (xin xem Ma Thi Ơ 26:17; Mác 14:12; Lu Ca 22:1, 7). Tuy nhiên, Giăng lại nói rằng Chúa Giê Su đã bị bắt trước bữa ăn cho Lễ Vượt Qua (xin xem Giăng 18:28), có nghĩa là Bữa Ăn Tối Cuối Cùng phải diễn ra một ngày trước bữa ăn cho Lễ Vượt Qua. Các tài liệu giảng dạy của Giáo Hội và những học giả Thánh Hữu Ngày Sau dường như đồng tình rằng Chúa Giê Su đã tổ chức Bữa Ăn Tối Cuối Cùng với các môn đồ của Ngài trong căn phòng trên lầu vào buổi tối trước khi Ngài bị đóng đinh. Các Ky Tô Hữu có tổ chức lễ Tuần Thánh sẽ xem thứ Năm là ngày đã diễn ra Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, thứ Sáu là ngày Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, và Chủ Nhật là ngày Ngài phục sinh—theo dương lịch.

  18. Giăng 14:18.

  19. Giăng 14:27.

  20. Giáo Lý và Giao Ước 20:77.

  21. Mô Rô Ni 10:5.

  22. Bible Dictionary giải thích, Hô Sa Na có nghĩa là “xin hãy cứu.” Từ này được trích từ Thi Thiên 118:25. “Trong Lễ Đền Tạm, dân chúng ca hát những lời này trong Thi Thiên và vẫy các nhành cọ; do đó, đám đông mới sử dụng từ này khi Chúa đắc thắng tiến vào thành Giê Ru Sa Lem” (Bible Dictionary, “Hosanna”). Xin xem Ma Thi Ơ 21:9, 15; Mác 11:9–10; Giăng 12:13.

  23. Ma Thi Ơ 15:14; Lu Ca 23:21.

  24. Trọng tâm trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng là sự chuộc tội vô hạn mà sẽ đảm bảo cuộc sống vĩnh cửu cho toàn bộ con cái của Ngài và sự tôn cao cho những người xứng đáng nhận được phước lành đó. Khi Cha Thiên Thượng hỏi: “Ta sẽ phái ai đi đây?” Chúa Giê Su đã bước lên: “Tôi đây, xin phái tôi đi” (Áp Ra Ham 3:27). Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Sứ mệnh của [Chúa Giê Su Ky Tô] là Sự Chuộc Tội. Sứ mệnh đó là sứ mệnh độc nhất của Ngài. Được sinh ra từ một người mẹ hữu diệt và một Người Cha bất diệt, Ngài là Đấng duy nhất có thể tự nguyện hy sinh mạng sống của mình và sống lại lần nữa (xin xem Giăng 10:14–18). Những kết quả vinh quang của Sự Chuộc Tội của Ngài là vô hạn và vĩnh cửu. Ngài lấy cái nọc ra khỏi sự chết và làm cho nỗi buồn về sự chết thành tạm thời (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:54–55). Trách nhiệm của Ngài về Sự Chuộc Tội đã được biết tới ngay cả trước khi có Sự Sáng Tạo và Sự Sa Ngã. Không những mang đến sự phục sinh và sự bất diệt cho tất cả nhân loại, mà Sự Chuộc Tội còn có thể cho phép chúng ta được tha thứ các tội lỗi của mình—theo điều kiện đã được Ngài đề ra. Do đó Sự Chuộc Tội của Ngài đã khai mở con đường để nhờ đó chúng ta có thể được đoàn tụ với Ngài và với gia đình mình vĩnh viễn” (“Sứ Mệnh và Giáo Vụ của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Tư năm 2013, trang 20).

  25. Sự phục sinh gồm có việc thể xác và linh hồn tái hợp trong trạng thái bất diệt, thể xác và linh hồn trở nên không thể tách rời và không còn chịu bệnh tật và cái chết như trên trần thế nữa (xin xem An Ma 11:45; 40:23).

  26. An Ma 5:26; xin xem thêm An Ma 5:14.

  27. Truyện ngụ ngôn về mười người trinh nữ được tìm thấy trong Ma Thi Ơ 25:1–12; Giáo Lý và Giao Ước 45:56–59. Các chương gần với Ma Thi Ơ 25 cho rằng Chúa Giê Su đã dạy câu chuyện ngụ ngôn này trong tuần lễ cuối cùng của Ngài, sau khi tiến vào Giê Ru Sa Lem trong Ma Thi Ơ 21 và ngay trước Bữa Ăn Tối Cuối Cùng và sự bắt bớ Ngài trong Ma Thi Ơ 26. Trong tuần lễ cuối cùng đó, ngoài câu chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh, Chúa Giê Su còn kể truyện ngụ ngôn về cây vả (xem Ma Thi Ơ 21:17–21; 24:32–33), truyện ngụ ngôn về hai người con trai (xem Ma Thi Ơ 21:28–32), và truyện ngụ ngôn về những kẻ trồng nho độc ác (xem Ma Thi Ơ 21:33–46).

  28. Ma Thi Ơ 25:1.

  29. Ma Thi Ơ 25:6.

  30. Giáo Lý và Giao Ước 45:57.

  31. Giáo Lý và Giao Ước 45:59.

  32. Giáo Lý và Giao Ước 45:59.

  33. Ma Thi Ơ 25:12. Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa nói đến những người cho rằng họ làm được “nhiều phép lạ” tương tự như trong câu chuyện về năm người nữ đồng trinh dại dột: “Ta không biết các ngươi đâu” (xem Ma Thi Ơ 7:22–23).

  34. Cũng như nước rất quan trọng đối với cuộc sống hữu diệt, Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài (nước sống) cũng thiết yếu cho cuộc sống vĩnh cửu (xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Nước Sống,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org; xin xem thêm Ê Sai 12:3; Giê Rê Mi 2:13; Giăng 4:6–15; 7:37; 1 Nê Phi 11:25; Giáo Lý và Giao Ước 10:66; 63:23).

  35. 3 Nê Phi 4:32.

  36. Khải Huyền 7:9.