Đại Hội Trung Ương
Tin Cậy Giáo Lý của Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Tin Cậy Giáo Lý của Đấng Ky Tô

Khi chúng ta cất nhà của mình trên nền móng của mối quan hệ giao ước với Đấng Ky Tô, thì chúng ta đang tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô.

Trong trí tưởng tượng của mình, tôi thấy vị tiên tri cao tuổi Nê Phi đang ngồi tại một chiếc bàn, những bảng khắc bằng vàng trải ra trước mặt ông, tay ông cầm bút khắc.

Nê Phi đang trong quá trình hoàn thiện bản khắc cuối cùng của mình trong biên sử. Ông đã viết, “Và giờ đây, hỡi đồng bào yêu dấu của tôi, tôi xin chấm dứt những lời của tôi ở đây.”1 Nhưng ngay sau đó, Thánh Linh thúc giục Nê Phi mở lại biên sử của mình và viết một sứ điệp kết thúc. Dưới ảnh hưởng mạnh mẽ từ Đức Thánh Linh, vị tiên tri vĩ đại đó cầm bút khắc lên một lần nữa và viết, “Vậy nên, những điều tôi đã viết ra tôi thấy cũng đủ rồi, ngoại trừ một ít lời mà tôi cần phải nói về giáo lý của Đấng Ky Tô.”2

Chúng ta vĩnh viễn biết ơn nhường nào về “một ít lời”3 đó và về việc Thánh Linh đã thúc giục Nê Phi viết ra chúng. Những lời đó của Nê Phi về giáo lý của Đấng Ky Tô là một kho báu đối với những người nghiên cứu nó một cách sâu sắc. Nó chứa đựng khải tượng về phép báp têm của Đấng Cứu Rỗi4 và tiếng nói của Vị Nam Tử mời gọi tất cả mọi người noi theo Ngài5 và “làm những việc mà [chúng ta] thấy [Ngài] làm.”6 Nó chứa đựng lời chứng của Nê Phi rằng nếu những người có đức tin nơi Đấng Ky Tô biết chân thành hối cải tội lỗi của mình và đi theo Đấng Cứu Rỗi xuống làn nước báp têm thì sẽ “nhận được Đức Thánh Linh; phải, và rồi được báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh.”7 Chúng ta cũng được nghe lời chứng của Đức Chúa Cha: “Phải, lời nói của Con Yêu Dấu của ta đúng và trung thực. Kẻ nào kiên trì đến cùng thì sẽ được cứu.”8

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của giáo lý của Đấng Ky Tô trong bài nói chuyện với những vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo mới được kêu gọi: “Quan trọng hơn hết thảy, chúng ta mong muốn những người truyền giáo của mình … khắc sâu giáo lý của Đấng Ky Tô trong tấm lòng—và châm rễ … trong tận xương tủy của họ.”9

Sách Thuyết Giảng Phúc Âm Của Ta tóm gọn năm nguyên tắc trong giáo lý của Đấng Ky Tô. Sách nói, “[Chúng tôi] mời gọi những người khác đến cùng Đấng Ky Tô bằng cách giúp họ nhận được phúc âm phục hồi qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng.”10

Tuy nhiên tầm quan trọng của giáo lý của Đấng Ky Tô không chỉ dành cho những người truyền giáo! Giáo lý của Đấng Ky Tô sâu sắc hơn nhiều so với bản tóm tắt chỉ lặp lại đơn thuần năm nguyên tắc cốt lõi của nó. Nó bao gồm luật pháp phúc âm. Nó là kế hoạch vĩ đại cho cuộc sống vĩnh cửu.

Thưa anh chị em, nếu chúng ta muốn chấp nhận lời mời của Chủ Tịch Nelson để cho giáo lý của Đấng Ky Tô châm rễ trong xương tủy của mình, thì chúng ta phải làm cho sự cải đạo theo Chúa của bản thân trở nên sâu sắc hơn qua việc học hỏi, cầu nguyện, sống trung tín và hối cải liên tục. Chúng ta phải mời gọi Đức Thánh Linh khắc ghi giáo lý của Đấng Ky Tô vào “bảng thịt, tức là trên lòng [của chúng ta]”11 một cách sâu sắc và vĩnh cửu giống như cách mà Nê Phi đã khắc ghi giáo lý của Đấng Ky Tô lên các bảng khắc bằng vàng.

Vào tháng Mười năm ngoái, Chủ Tịch Nelson đã đưa ra một câu hỏi: “Chiến thắng thế gian có nghĩa là gì?” Cùng với nhiều điều khác, ông nói, “Nó có nghĩa là tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô hơn những triết lý của loài người.”12

Từ tin cậy được định nghĩa là “sự tin tưởng chắc chắn vào tính cách, khả năng, sức mạnh hoặc sự thật của ai đó hoặc điều gì đó.”13 Ở đây, ai đó chính là Chúa Giê Su Ky Tô và điều gì đó chính là giáo lý của Ngài.

Vậy thì việc có chủ ý tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô sẽ thay đổi cách chúng ta sống cuộc sống của mình như thế nào?

Nếu chúng ta tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô, thì chúng ta sẽ tin cậy Đấng Ky Tô đủ để sống theo từng lời Ngài phán bảo.14 Chúng ta sẽ học hỏi suốt đời về Chúa Giê Su Ky Tô,15 giáo vụ của Ngài, lời giảng dạy của Ngài, và Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, bao gồm Sự Phục Sinh đầy vinh quang của Ngài. Chúng ta sẽ học hỏi những lời hứa của Ngài cũng như những điều kiện mà qua đó những lời hứa đó được ban cho.16 Khi chúng ta học hỏi, chúng ta sẽ được tràn đầy tình yêu thương lớn lao hơn đối với Thượng Đế.

Nếu chúng ta tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô, thì chúng ta sẽ đến gần Cha Thiên Thượng của mình mỗi ngày qua lời cầu nguyện thầm kín và khiêm nhường, là nơi mà chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn về ân tứ Vị Nam Tử của Ngài và về tất cả các phước lành của chúng ta.17 Chúng ta có thể cầu nguyện để có được sự đồng hành mang lại sự mặc khải của Đức Thánh Linh,18 cầu nguyện để làm cho ý muốn của chúng ta phù hợp với ý muốn của Ngài,19 cầu nguyện để suy ngẫm về các giao ước của chúng ta và lập lại cam kết của chúng ta để tuân giữ chúng.20 Chúng ta có thể cầu nguyện để tán trợ và bày tỏ tình yêu thương đối với các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải;21 để cầu xin quyền năng thanh tẩy của sự tha thứ;22 và cầu nguyện để có được sức mạnh chống lại cám dỗ.23 Tôi mời gọi anh chị em hãy đặt việc cầu nguyện làm ưu tiên trong cuộc sống của mình, mỗi ngày tìm cách cải thiện mối giao tiếp của anh chị em với Thượng Đế.

Nếu chúng ta tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô, thì chúng ta sẽ gạt sang một bên những cám dỗ của thế gian để có thể tập trung vào Đấng Cứu Chuộc của thế gian.24 Chúng ta sẽ hạn chế hoặc không dành thời gian cho mạng xã hội; trò chơi điện tử; thú vui giải trí lãng phí, thừa thãi hoặc không phù hợp; sự quyến rũ của các kho báu và những điều phù phiếm của thế gian này; cũng như bất kỳ hoạt động nào khác chứa chấp những truyền thống và triết lý sai lầm của loài người. Chỉ trong Đấng Ky Tô, chúng ta mới tìm thấy lẽ thật và sự viên mãn lâu dài.

Sự hối cải chân thành25 sẽ trở thành một phần đầy hân hoan26 trong cuộc sống của chúng ta—để được tha thứ tội lỗi cũng như để được thay đổi theo hình ảnh của Đấng Ky Tô.27 Sự hối cải với đức tin nơi Đấng Ky Tô cho phép chúng ta tiếp cận được Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy rằng khi Đấng Cứu Rỗi tha thứ, Ngài “không chỉ tẩy sạch [chúng ta] khỏi tội lỗi. Ngài còn ban cho [chúng ta] sức mạnh mới.”28 Mỗi người chúng ta đều cần sức mạnh này để tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và hoàn thành mục đích vĩnh cửu của cuộc đời mình.

Chúng ta tìm thấy sức mạnh nơi Chúa Giê Su và giáo lý của Ngài. Ngài đã phán: “Quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay rằng, đây là giáo lý của ta, và bất cứ kẻ nào xây dựng trên giáo lý này tức là xây dựng trên tảng đá của ta, thì các cổng ngục giới sẽ không thắng được kẻ đó.”29

Chúng ta thấy lời hứa này được ứng nghiệm trong cuộc sống của những người trung tín. Cách đây hơn một năm, tôi có vinh dự được gặp Travis và Kacie. Họ đã kết hôn theo luật dân sự vào năm 2007. Vào lúc đó, Travis không phải là tín hữu của Giáo Hội. Kacie, mặc dù lớn lên trong một gia đình Thánh Hữu Ngày Sau tích cực, nhưng đã đánh mất đức tin ở tuổi niên thiếu và đã đi lạc khỏi nền tảng phúc âm của mình.

Năm 2018, Travis đã gặp những người truyền giáo và anh chịu phép báp têm vào năm 2019. Travis trở thành người truyền giáo giúp đỡ cho Kacie, là người cũng đã trải qua một sự cải đạo làm thay đổi cuộc đời. Họ được làm lễ gắn bó trong đền thờ vào tháng Chín năm 2020. Khoảng hai năm sau lễ báp têm, Travis được kêu gọi phục vụ trong giám trợ đoàn.

Travis mắc một căn bệnh hiếm gặp khiến các cơ quan nội tạng của anh liên tục hình thành các chùm khối u. Anh đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để loại bỏ các khối u tái phát, nhưng căn bệnh này không thể chữa khỏi. Vài năm trước, Travis được chẩn đoán là chỉ còn sống được chưa đầy 10 năm nữa.

Kacie mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố, một căn bệnh di truyền hiếm gặp khiến tầm nhìn bị thu hẹp không thể hồi phục cho đến khi bị mù hoàn toàn.

Kacie trải lòng với tôi về tương lai của cô ấy. Cô đoán trước một ngày không xa, cô sẽ góa bụa, mù lòa, không được hỗ trợ tài chính và một mình nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Tôi hỏi Kacie làm thế nào cô ấy có thể chịu được một tương lai ảm đạm đến vậy. Cô mỉm cười bình yên và nói: “Tôi chưa bao giờ hạnh phúc hơn hay tràn đầy hy vọng hơn trong đời. Chúng tôi vẫn vững lòng tin vào những lời hứa mà chúng tôi đã nhận được trong đền thờ.”

Travis bây giờ là một vị giám trợ. Hai tháng trước, anh lại phải trải qua một ca phẫu thuật lớn khác. Nhưng anh vẫn luôn là người lạc quan và ôn hòa. Thị lực của Kacie trở nên kém hơn. Bây giờ cô ấy có một chú chó giúp dẫn đường và không thể lái xe. Nhưng cô bằng lòng với việc đó, tiếp tục nuôi nấng con cái và phục vụ với tư cách là cố vấn trong chủ tịch đoàn Hội Thiếu Nữ.

Travis và Kacie đang dựng nhà của họ trên đá. Họ tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô và lời hứa rằng Thượng Đế “sẽ biệt riêng sự đau khổ [của họ] thành lợi ích [cho họ].”30 Trong kế hoạch hoàn hảo của Thượng Đế, sự đau khổ với đức tin nơi Đấng Ky Tô gắn liền với việc trở nên được hoàn thiện trong Đấng Ky Tô.31 Giống như người khôn ngoan trong câu chuyện ngụ ngôn đã cất ngôi nhà của mình trên đá,32 khi mưa sa, nước lụt, gió lay, xô động mái nhà mà Travis và Kacie đang cất, nó sẽ không sập được, vì nó sẽ được cất trên đá.33

Chúa Giê Su không nói về khả năng xảy ra mưa, lũ và gió trong cuộc sống của chúng ta; Ngài nói chắc chắn rằng các cơn bão sẽ nổi lên. Biến số trong câu chuyện ngụ ngôn này không phải là liệu các cơn bão có đến hay không mà là cách chúng ta đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Ngài để vừa nghe và vừa làm theo những gì Ngài đã dạy.34 Không có cách nào khác để chống lại những cơn bão cả.

Khi cất nhà của mình trên nền móng của mối quan hệ giao ước với Đấng Ky Tô, thì chúng ta đang tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô, và khi đến cùng Ngài, chúng ta nhận được lời hứa của Ngài về cuộc sống vĩnh cửu. Những người tin vào giáo lý của Đấng Ky Tô sẽ tiến tới với sự trì chí trong Đấng Ky Tô và kiên trì đến cùng. Không có cách nào khác mà nhờ đó chúng ta có thể được cứu vào vương quốc của Thượng Đế cả.35

Tôi đưa ra lời chứng của cá nhân tôi về sự thật rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và đã phục sinh. Tôi làm chứng rằng Thượng Đế, Cha của chúng ta, yêu thương thế gian đến đỗi Ngài đã gửi Vị Nam Tử của Ngài đến để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi36 cùng chữa lành chúng ta khỏi đau khổ.37 Tôi làm chứng rằng Ngài đã kêu gọi một vị tiên tri của Thượng Đế trong thời đại của chúng ta, đó chính là Chủ Tịch Russell M. Nelson, là người mà qua đó Ngài phán dạy và hướng dẫn chúng ta.

Tôi hết lòng mời gọi anh chị em tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô và xây dựng cuộc sống của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc. Ngài sẽ không bao giờ lìa bỏ anh chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.