Đại Hội Trung Ương
Mùa Gặt Không Toàn Thiện
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Mùa Gặt Không Toàn Thiện

Đấng Cứu Rỗi sẵn sàng đón nhận sự dâng hiến khiêm tốn của chúng ta và làm nó toàn thiện qua ân điển của Ngài. Đối với Đấng Ky Tô thì sẽ không có một mùa gặt nào là không toàn thiện.

Khi còn nhỏ, tôi đã học cách để yêu thích sự thay đổi ngoạn mục giữa các mùa trong năm ở vùng Tây Nam tiểu bang Montana, nơi tôi lớn lên. Mùa yêu thích nhất của tôi là mùa thu—mùa gặt. Gia đình tôi đã hy vọng và cầu nguyện rằng những ngày tháng làm việc vất vả sẽ được tưởng thưởng với một vụ mùa bội thu. Cha mẹ của tôi lo lắng về thời tiết, tình trạng sức khỏe của thú nuôi và mùa màng, cùng nhiều điều khác mà nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Khi lớn lên, tôi trở nên ý thức hơn về tầm quan trọng của vụ mùa. Đời sống của chúng tôi phụ thuộc vào mùa gặt. Cha của tôi đã dạy cho tôi về các máy móc chúng tôi sử dụng để thu hoạch lúa mì. Tôi đã quan sát ông di chuyển máy vào cánh đồng, cắt một vạt lúa mì, và sau đó kiểm tra đằng sau máy gặt để đảm bảo là có càng nhiều hạt lúa mì rơi vào máng đựng càng tốt mà không bị văng ra ngoài cùng với trấu. Ông lặp lại việc này nhiều lần, mỗi lần đều điều chỉnh máy. Tôi chạy bên cạnh ông và cào trấu với ông và giả vờ như tôi biết rõ mình đang làm gì.

Sau khi ông đã hài lòng với những điều chỉnh cho máy, tôi tìm được vài hạt lúa mì lẫn trong đống trấu trên đất và chỉ cho ông xem với một cái nhìn nghiêm nghị. Tôi sẽ không thể quên được điều mà cha tôi đã nói với tôi: “Chiếc máy này có thể làm được như vậy là tốt lắm rồi.” Tôi thật sự không hài lòng lắm với cách giải thích của ông và suy ngẫm về những khuyết điểm của mùa gặt này.

Ít lâu sau, khi thời tiết trở lạnh vào ban đêm, tôi thấy hàng ngàn con thiên nga, ngỗng, và vịt trời đi di trú sà xuống cánh đồng để ăn lấy sức trong cuộc hành trình dài về phương nam. Chúng ăn những hạt lúa mì còn sót lại từ mùa gặt không toàn thiện của chúng tôi. Thượng Đế đã làm toàn thiện mùa gặt. Không có một hạt lúa mì nào bị bỏ sót.

Trong thế giới của chúng ta và ngay cả trong văn hóa của Giáo Hội, nỗi ám ảnh về sự cầu toàn thường là một cám dỗ. Phương tiện truyền thông xã hội, những kỳ vọng không thực tế, và thường là sự tự chỉ trích tạo nên những cảm giác không thỏa đáng—rằng chúng ta chưa đủ giỏi và sẽ không bao giờ giỏi được. Một số người thậm chí còn hiểu sai lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi là “các ngươi hãy nên trọn vẹn.”1

Hãy nhớ rằng chủ nghĩa cầu toàn không đồng nghĩa với việc trở nên toàn thiện trong Đấng Ky Tô.2 Chủ nghĩa cầu toàn đòi hỏi một tiêu chuẩn bất khả thi, tự áp đặt cho bản thân để so sánh mình với những người khác. Điều này gây ra mặc cảm tội lỗi cùng lo lắng, và có thể khiến chúng ta muốn rút lui và tự cô lập.

Việc trở nên toàn thiện trong Đấng Ky Tô là một vấn đề khác. Đó là một tiến trình—được Đức Thánh Linh hướng dẫn một cách trìu mến—để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Những tiêu chuẩn được Cha Thiên Thượng nhân từ và toàn tri đặt ra và được xác định rõ ràng trong các giao ước mà chúng ta được mời gọi để sống theo. Điều đó làm nhẹ gánh nặng về sự mặc cảm tội lỗi và cảm giác thiếu sót, luôn nhấn mạnh chúng ta là ai trong ánh mắt của Thượng Đế. Trong khi tiến trình này soi dẫn và thúc đẩy chúng ta trở nên tốt hơn, thì chúng ta được đo lường bởi sự tận tâm cá nhân của mình đối với Thượng Đế, mà chúng ta thể hiện qua nỗ lực của mình để tuân theo Ngài trong đức tin. Khi chúng ta tiếp nhận lời mời của Đấng Cứu Rỗi để đến cùng Ngài, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng nỗ lực tốt nhất của chúng ta là đủ và rằng ân điển của một Đấng Cứu Rỗi nhân từ sẽ bù đắp phần khiếm khuyết của chúng ta theo cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được.

Chúng ta có thể thấy tính hiệu quả của nguyên tắc này khi Đấng Cứu Rỗi cho năm ngàn người ăn.

“Đức Chúa Giê Su ngước mắt lên, thấy một đoàn dân đông đến cùng mình, bèn phán với Phi Líp rằng: Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân nầy có mà ăn? …

“Phi Líp thưa rằng: Hai trăm đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít.

“Một môn đồ, là Anh Rê, em của Si Môn Phi E Rơ, thưa rằng:

“Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá; nhưng đông người dường nầy, thì ngần ấy có thấm vào đâu?”3

Anh chị em có bao giờ tự hỏi liệu Đấng Cứu Rỗi đã cảm thấy như thế nào về cậu bé này, người mà với đức tin của một đứa trẻ đã dâng những gì mà em ấy biết là thiếu hụt trầm trọng so với việc cần phải làm?

“Đức Chúa Giê Su lấy bánh, tạ ơn rồi, bèn phân phát cho những kẻ đã ngồi; Ngài cũng lấy cá phát cho chúng nữa, ai muốn bao nhiêu mặc ý.

“Khi chúng đã ăn được no nê, Ngài phán với môn đồ rằng: Hãy lượm những miếng còn thừa, hầu cho không mất chút nào.”4

Đấng Cứu Rỗi đã làm cho phần dâng hiến khiêm tốn đó thành đủ.

Không lâu sau kinh nghiệm này, Chúa Giê Su đã sai các môn đồ của Ngài đi trước trên một chiếc thuyền. Chẳng mấy chốc họ thấy rằng họ đang ở trong một cơn bão giữa biển trong đêm tối. Họ đã trở nên khiếp đảm khi nhìn thấy một hình thù như bóng ma đi trên mặt nước tiến về phía họ.

“Nhưng Đức Chúa Giê Su liền phán rằng: Các ngươi hãy yên lòng; ấy là ta đây, đừng sợ.

“Phi E Rơ bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.

“Ngài phán rằng: Hãy lại đây. Phi E Rơ bước xuống thuyền, đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giê Su.

“Song khi thấy gió thổi, thì Phi E Rơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước, bèn la lên rằng: Chúa ơi, xin cứu lấy tôi!

“Tức thì Chúa Giê Su giơ tay ra nắm lấy người, mà nói rằng: Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?”5

Thưa anh chị em, đó có thể không phải là phần kết của cuộc trò chuyện đấy. Tôi tin rằng khi Phi E Rơ và Đấng Cứu Rỗi vai kề vai đi trở lại thuyền, Phi E Rơ người ướt đẫm và có lẽ cảm thấy rất ngớ ngẩn, thì Đấng Cứu Rỗi có thể đã nói đại loại như thế này: “Ôi Phi E Rơ, đừng sợ hãi và đừng lo lắng. Nếu ngươi có thể nghĩ về bản thân ngươi như Ta nghĩ về ngươi, thì sự nghi ngờ của ngươi sẽ tan biến và đức tin của ngươi sẽ gia tăng. Ta yêu thương ngươi, hỡi Phi E Rơ yêu quý, ngươi đã bước ra khỏi thuyền. Sự dâng hiến của ngươi được chấp nhận, và ngay cả khi ngươi chùn bước, Ta sẽ luôn có mặt để giúp ngươi vượt qua bất kỳ khó khăn nào, và sự dâng hiến của ngươi sẽ được làm cho toàn thiện.”

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf đã dạy:

“Tôi tin rằng Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô muốn [anh chị] em nhìn thấy, cảm nhận và biết rằng Ngài là sức mạnh của [anh chị] em. Rằng với sự giúp đỡ của Ngài, sẽ không có giới hạn nào cho những gì [anh chị] em có thể hoàn thành. Rằng tiềm năng của [anh chị] em là vô hạn. Ngài sẽ muốn [anh chị] em tự nghĩ về bản thân mình theo như cách Ngài nghĩ về [anh chị] em. Và điều đó rất khác với cách thế gian nghĩ về [anh chị] em. …

“Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức.”6

Chúng ta phải ghi nhớ rằng dù sự dâng hiến tốt nhất nhưng không hoàn hảo của chúng ta là gì đi chăng nữa thì Đấng Cứu Rỗi có thể làm cho nó được toàn thiện. Cho dù nỗ lực của chúng ta dường như có tầm thường đến thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng đừng bao giờ đánh giá thấp quyền năng của Đấng Cứu Rỗi. Một lời nói tử tế đơn giản, một cuộc viếng thăm phục sự ngắn ngủi nhưng chân thành, hay một bài học trong Lớp Thiếu Nhi được giảng dạy với tình yêu thương, với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, có thể mang đến sự an ủi, làm mềm lòng, và thay đổi những cuộc sống vĩnh cửu. Những nỗ lực vụng về của chúng ta có thể dẫn đến những điều kỳ diệu, và qua tiến trình đó, chúng ta có thể tham gia vào một mùa gặt hoàn hảo.

Chúng ta thường được đặt vào những tình huống mà khiến phần thuộc linh của chúng ta tăng trưởng qua những kinh nghiệm đầy thử thách. Chúng ta có thể cảm thấy mình không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng ta có thể nhìn những người xung quanh cùng phục vụ với chúng ta và cảm thấy rằng mình không xứng đáng bằng họ. Thưa anh chị em, nếu anh chị em cảm thấy như vậy, thì hãy nhìn vào những người lãnh đạo Giáo Hội phi thường mà tôi cùng phục vụ, đang ngồi đằng sau tôi.

Tôi thông cảm với anh chị em.

Tuy nhiên, tôi đã học được rằng cũng như chủ nghĩa cầu toàn không đồng nghĩa với việc được toàn thiện trong Đấng Ky Tô, thì việc tự so sánh mình không đồng nghĩa với việc noi theo. Khi chúng ta so sánh mình với người khác thì chỉ có hai kết quả mà thôi. Hoặc là chúng ta sẽ nhận thấy mình tốt hơn người khác và bắt đầu phê phán và chỉ trích họ, hoặc là chúng ta sẽ nhận thấy mình kém hơn người khác và trở nên lo lắng, tự chỉ trích, và nản lòng. Việc so sánh mình với người khác thì hiếm khi hữu ích, không mang tính gây dựng, và thỉnh thoảng hết sức thảm đạm. Quả thực, những sự so sánh này có thể hủy hoại phần thuộc linh, ngăn cản chúng ta khỏi việc tiếp nhận sự giúp đỡ thuộc linh mà chúng ta cần. Trong khi đó, việc noi theo những người chúng ta tôn trọng mà thể hiện những thuộc tính giống như Đấng Ky Tô có thể là bổ ích, gây dựng, và có thể giúp chúng ta trở thành những môn đồ tốt hơn của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đấng Cứu Rỗi đã ban cho chúng ta một tấm gương để noi theo khi Ngài làm theo Đức Chúa Cha. Ngài đã hướng dẫn môn đồ Phi Líp: “Hỡi Phi Líp, ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi?”7

Và sau đó Ngài đã dạy: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm;”8

Cho dù những nỗ lực của chúng ta dường như có tầm thường đến đâu đi chăng nữa, nếu chúng ta chân thành thì Đấng Cứu Rỗi sẽ trọng dụng chúng ta để hoàn thành công việc của Ngài. Nếu chúng ta chỉ làm hết sức có thể và tin cậy nơi Ngài để bù đắp sự thiếu sót của mình thì chúng ta có thể trở thành một phần của những điều kỳ diệu xung quanh chúng ta.

Anh Cả Dale G. Renlund đã nói: “Anh chị em không cần phải toàn thiện, nhưng chúng tôi cần anh chị em bởi vì bất cứ ai sẵn lòng đều có thể làm một điều gì đó.”9

Và Chủ Tịch Russell M. Nelson giảng dạy chúng ta, “Chúa yêu quý nỗ lực.”10

Đấng Cứu Rỗi sẵn sàng đón nhận sự dâng hiến khiêm tốn của chúng ta và làm nó toàn thiện qua ân điển của Ngài. Đối với Đấng Ky Tô thì sẽ không có một mùa gặt nào là không toàn thiện. Chúng ta cần phải có can đảm để tin rằng ân điển của Ngài là dành cho chúng ta—rằng Ngài sẽ giúp chúng ta, nâng chúng ta vượt qua bất kỳ thử thách nào khi chúng ta chùn bước, và làm toàn thiện những nỗ lực kém hoàn hảo của chúng ta.

Trong câu chuyện ngụ ngôn về người gieo giống, Đấng Cứu Rỗi mô tả những hột giống được gieo trong chỗ đất tốt. Một số hột ra được một trăm, hoặc sáu chục, hoặc một số hột khác lại ra được ba chục. Tất cả đều là một phần của mùa gặt toàn thiện của Ngài.11

Tiên tri Mô Rô Ni mời gọi tất cả mọi người, “Phải, hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, … và nếu các người chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì ân điển của Ngài sẽ đủ cho các người, để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô”.12

Thưa anh chị em, tôi làm chứng về Đấng Ky Tô, Đấng có quyền năng để làm toàn thiện ngay cả phần dâng hiến khiêm tốn nhất của chúng ta. Chúng ta hãy làm hết sức mình, dâng những gì chúng ta có thể dâng với đức tin, đặt phần dâng hiến không hoàn hảo của mình nơi chân Ngài. Trong tôn danh của Ngài là Đức Thầy của mùa gặt toàn thiện, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.