Đại Hội Trung Ương
Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô

Chúa Giê Su Ky Tô là giải pháp cho các vấn đề của chúng ta, nhưng chúng ta phải ngước mắt lên và nâng cao tầm nhìn của mình để thấy Ngài.

Cha tôi thường nói với tôi: “Đừng tập trung quá nhiều vào những vấn đề của con đến nỗi con không thể thấy được giải pháp.”

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là giải pháp cho ngay cả những vấn đề khó khăn nhất của chúng ta. Đặc biệt, Ngài đã khắc phục bốn vấn đề mà mỗi người chúng ta gặp phải và không một ai trong chúng ta có thể tự mình giải quyết được:

  1. Vấn đề đầu tiên là cái chết thể xác. Chúng ta có thể cố gắng trì hoãn hoặc phớt lờ nó, nhưng chúng ta không thể tự mình vượt qua nó. Tuy nhiên, Chúa Giê Su Ky Tô đã chiến thắng cái chết cho chúng ta, và do đó, tất cả chúng ta đều sẽ được phục sinh vào một ngày nào đó.1

  2. Vấn đề thứ hai gồm có những nỗi thống khổ, những kinh nghiệm khó khăn, nỗi buồn, nỗi đau, và sự bất công của thế gian. Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục tất cả những điều này. Đối với những người cố gắng noi theo Ngài, một ngày nào đó Ngài sẽ “lau ráo hết nước mắt” và sửa chữa lại mọi thứ.2 Trong khi đó, Ngài có thể củng cố chúng ta để vượt qua những thử thách của mình với sự tin tưởng, vui vẻ, và bình an.3

  3. Vấn đề thứ ba là cái chết thuộc linh phát sinh từ tội lỗi. Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục vấn đề này bằng cách mang lấy “sự sửa phạt để chúng ta được bình an.”4 Nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Ngài, chúng ta có thể được giải thoát khỏi những hậu quả của tội lỗi của mình nếu chúng ta có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, chân thành hối cải, chấp nhận giao ước mà Đức Chúa Cha ban cho chúng ta qua các giáo lễ thiết yếu như phép báp têm, và kiên trì đến cùng.5

  4. Vấn đề thứ tư chính là bản chất hạn chế, không hoàn hảo của chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô cũng có giải pháp cho vấn đề này. Ngài không chỉ xóa bỏ những lỗi lầm của chúng ta và làm cho chúng ta vô tội trở lại. Ngài có thể tạo ra “một sự thay đổi lớn lao trong … lòng [chúng ta], khiến [chúng ta] không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện.”6 Chúng ta có thể được toàn thiện nhờ ân điển của Đấng Ky Tô và một ngày nào đó trở nên giống như Ngài.7

Rủi thay, chúng ta thường tập trung quá nhiều vào các vấn đề của riêng mình đến nỗi chúng ta mất tập trung vào giải pháp, chính là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Làm cách nào chúng ta tránh sai lầm đó? Tôi tin rằng câu trả lời nằm trong các giao ước mà chúng ta được mời thiết lập với Ngài và Cha Thiên Thượng.

Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô qua Các Giao Ước

Các giao ước giúp chúng ta tập trung sự chú ý, ý nghĩ, và hành động của mình vào Đấng Ky Tô. Khi “trung tín tuân giữ các giao ước [mình] đã lập”, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra “những điều của thế gian” mà chúng ta nên “dẹp bỏ” và “những điều của một thế giới tốt đẹp hơn” mà chúng ta cần phải siêng năng tìm kiếm.8

Đó là điều mà dân của Am Môn đã làm trong Sách Mặc Môn. Khi biết về Chúa Giê Su Ky Tô và bắt đầu tập trung cuộc sống của họ vào Ngài, họ nhận ra rằng họ nên chôn giấu vũ khí chiến tranh của họ và trở nên hoàn toàn lương thiện và “được phân biệt vì lòng nhiệt thành của họ đối với Thượng Đế.”9

Việc tuân giữ giao ước giúp chúng ta theo đuổi bất cứ điều gì mời gọi ảnh hưởng của Thánh Linh và từ chối bất cứ điều gì xua đuổi ảnh hưởng đó—“vì chúng ta biết rằng nếu chúng ta có thể trở nên xứng đáng với sự đồng hành của Đức Thánh Linh, thì chúng ta cũng có thể xứng đáng được sống trong sự hiện diện của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.”10 Điều này có nghĩa là chúng ta phải thay đổi cách nói chuyện của mình, bằng cách sử dụng những lời lẽ tử tế hơn. Điều này có nghĩa là thay thế các thói quen không lành mạnh về mặt thuộc linh bằng những thói quen mới mà củng cố mối quan hệ của chúng ta với Chúa, chẳng hạn như cầu nguyện và học thánh thư hằng ngày, riêng cá nhân và với gia đình chúng ta.

Chủ Tịch Russell M. Nelson nói rằng “mỗi người nào lập giao ước trong các hồ báp têm và trong các đền thờ—và tuân giữ các giao ước đó—đều được gia tăng khả năng tiếp cận quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô. …

“Phần thưởng cho việc tuân giữ các giao ước với Thượng Đế là quyền năng từ trời—quyền năng củng cố chúng ta để chống lại những thử thách, cám dỗ và nỗi đau lòng một cách hiệu quả hơn.”11

Việc tái lập các giao ước của chúng ta trong lễ Tiệc Thánh mỗi Chủ Nhật là một cơ hội tuyệt vời để xem xét bản thân mình12 và tái tập trung cuộc sống của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô. Bằng cách dự phần Tiệc Thánh, chúng ta tuyên bố rằng chúng ta “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.”13 Từ luôn luôn rất quan trọng. Nó mở rộng ảnh hưởng của Đấng Cứu Rỗi đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không chỉ tưởng nhớ tới Ngài ở nhà thờ hoặc chỉ trong những lời cầu nguyện buổi sáng của mình hoặc chỉ khi nào chúng ta gặp rắc rối và cần điều gì đó.

Vâng, đôi khi chúng ta bị xao lãng. Chúng ta quên đi. Chúng ta mất tập trung. Nhưng việc tái lập các giao ước có nghĩa là chúng ta muốn luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi, rằng chúng ta sẽ cố gắng làm như vậy trong suốt tuần, và chúng ta sẽ tái cam kết và tái tập trung vào Ngài một lần nữa tại bàn Tiệc Thánh tuần tới.

Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô trong Nhà Của Chúng Ta

Rõ ràng, việc tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ là một hoạt động vào ngày Chủ Nhật ở nhà thờ. Khi Chủ Tịch Nelson giới thiệu tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta vào năm 2018, ông nói: “Đây là lúc phải có Giáo Hội đặt mái gia đình làm trọng tâm.”14 Ông nói rằng chúng ta nên “biến ngôi nhà của [chúng ta] thành nơi trú ẩn của đức tin” và “một trung tâm học tập phúc âm.” Và ông đã đưa ra bốn lời hứa tuyệt vời cho chúng ta nếu chúng ta làm vậy.15

Lời hứa đầu tiên:Ngày Sa Bát của anh chị em sẽ thực sự là một ngày vui thích.” Nó sẽ trở thành một ngày cho chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn. Như một thiếu nữ từ Peru đã nói: “Ngày của Chúa là ngày mà tôi nhận được nhiều lời giải đáp nhất từ Chúa.”

Lời hứa thứ hai: “Con cái của anh chị em sẽ phấn khởi … học tập và sống theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi.” Đó là lý do tại sao “[chúng ta] nói về Đấng Ky Tô, [chúng ta] hoan hỷ về Đấng Ky Tô, [chúng ta] thuyết giảng về Đấng Ky Tô, … để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”16

Chúng ta làm điều này để một ngày nào đó, khi con trai chúng ta ra ngoài đi làm hoặc đi bộ trên núi hoặc săn thú trong rừng, như Ê Nót đã làm, nó có thể nhớ điều chúng ta đã dạy cho nó về Đấng Ky Tô và về niềm vui của việc sống theo phúc âm. Và ai biết được? Có lẽ đó sẽ là ngày mà cuối cùng nó sẽ cảm nhận được sự khao khát thuộc linh mà hướng nó đến Chúa Giê Su Ky Tô để nghe được lời phán của Chúa rằng: “Ngươi đã được tha tội, và ngươi sẽ được phước.”17

Lời hứa thứ ba: “Ảnh hưởng của kẻ nghịch thù trong cuộc sống của anh chị em và trong mái gia đình của anh chị em sẽ giảm bớt.” Tại sao? Vì chúng ta càng tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, thì tội lỗi càng mất đi sức hấp dẫn của nó.18 Khi mái gia đình của chúng ta tràn đầy ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi, thì ngày càng có ít chỗ cho bóng tối của kẻ nghịch thù.

Lời hứa thứ tư: “Những thay đổi trong gia đình của anh chị em sẽ rất đáng kể và bền bỉ.” Tại sao? Bởi vì sự thay đổi mà Chúa Giê Su Ky Tô mang lại là “một sự thay đổi lớn lao.”19 Ngài thay đổi bản tính của chúng ta; chúng ta trở thành “những sinh linh mới.”20 Chúng ta dần dần trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, tràn đầy tình yêu thương thanh khiết mà Ngài dành cho tất cả con cái của Thượng Đế.

Ai lại không muốn những lời hứa này được làm tròn trong cuộc sống của họ và trong gia đình họ? Chúng ta cần phải làm gì để có được những lời hứa đó? Câu trả lời là biến ngôi nhà của chúng ta thành một nơi trú ẩn của đức tin và một trung tâm học tập phúc âm. Chúng ta làm điều đó như thế nào? Bằng cách tập trung vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, đưa hai Ngài trở thành trọng tâm của cuộc sống gia đình chúng ta, thành ảnh hưởng quan trọng nhất trong nhà của chúng ta.

Tôi có thể đề nghị anh chị em bắt đầu bằng cách làm cho những lời của Đấng Ky Tô, được tìm thấy trong thánh thư, trở thành một phần cuộc sống hằng ngày của mình không? Không có công thức quy định nào cho việc học thánh thư hoàn hảo. Có thể là 5 hoặc 10 phút mỗi ngày—hoặc nhiều hơn nếu có thể. Có thể là một chương hoặc một vài câu một ngày. Một số gia đình thích học vào buổi sáng trước khi họ đi học hoặc đi làm. Những người khác thích đọc vào ban đêm trước khi đi ngủ. Một số cặp vợ chồng trẻ đã nói với tôi rằng họ học riêng trên đường đi làm và sau đó chia sẻ những hiểu biết với nhau qua tin nhắn để những lời bình luận và những cuộc thảo luận của họ được ghi lại.

Tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta cung cấp nhiều gợi ý về các sinh hoạt và tài liệu mà có thể giúp các cá nhân và gia đình học hỏi các nguyên tắc phúc âm từ thánh thư. Các video Kinh Thánh và các video Sách Mặc Môn cũng có thể là những công cụ quý báu để làm cho thánh thư dễ tiếp cận hơn với gia đình anh chị em. Giới trẻ và trẻ em thường được soi dẫn bởi những câu chuyện đáng nhớ trong thánh thư. Những câu chuyện này, và các nguyên tắc phúc âm mà chúng giảng dạy, sẽ đồng hành cùng con cái của anh chị em như những người bạn đáng tin cậy, khi chúng cần những tấm gương tốt về sự phục vụ, đức hạnh, sự vâng lời, kiên nhẫn, kiên trì, sự mặc khải cá nhân, lòng bác ái, lòng khiêm nhường, và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Theo thời gian, sự kiên định của anh chị em trong việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế sẽ giúp con cái của anh chị em càng ngày càng đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn. Chúng sẽ dần hiểu biết về Ngài hơn bao giờ hết.

Ngày nay, Chúa Giê Su Ky Tô vẫn hằng sống. Ngài có thể là một sự hiện diện tích cực, hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Ngài là giải pháp cho các vấn đề của chúng ta, nhưng chúng ta phải ngước mắt lên và nâng cao tầm nhìn của mình để thấy Ngài. Ngài cũng phán: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.”21 Khi chúng ta tập trung vào Ngài và Cha Thiên Thượng, lập và tuân giữ các giao ước với hai Ngài, và làm cho hai Ngài trở thành ảnh hưởng quan trọng nhất trong gia đình chúng ta, thì chúng ta sẽ trở thành một dân tộc mà Chủ Tịch Nelson đã hình dung ra: “Một dân tộc có khả năng, sẵn sàng và xứng đáng để tiếp nhận Chúa khi Ngài tái lâm, một dân tộc đã chọn Chúa Giê Su Ky Tô trên thế giới sa ngã này, một dân tộc vui mừng trong quyền tự quyết của họ để sống theo luật pháp cao hơn, thiêng liêng hơn của Chúa Giê Su Ky Tô.”22 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.