Đại Hội Trung Ương
Các Tín Đồ của Hoàng Tử Bình An
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


Các Tín Đồ của Hoàng Tử Bình An

Khi cố gắng phát triển các thuộc tính giống như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể trở thành công cụ mang lại sự bình an của Ngài trên thế gian.

Để làm ứng nghiệm lời tiên tri được ban cho Xa Cha Ri,1 Chúa Giê Su đã đắc thắng cưỡi lừa tiến vào Thành Phố Thánh, điều được coi trong văn học là “biểu tượng cổ xưa của hoàng gia Do Thái,”2 và thực sự xứng đáng là Vua của các vua và Hoàng Tử Bình An.3 Vây quanh Ngài là vô số môn đồ hân hoan, họ trải áo, lá chà là và các loại lá khác dọc theo con đường nơi Chúa Giê Su đi qua. Họ reo vang ca ngợi Thượng Đế: “Đáng ngợi khen Vua nhơn danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao.”4 Và lại nữa, “Hô Sa Na con vua Đa Vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô Sa Na ở trên nơi rất cao.”5 Chính sự kiện trọng đại này, mà chúng ta kỷ niệm vào ngày được gọi là Ngày Chủ Nhật Lễ Lá, là phần mở đầu đầy vui mừng cho những sự kiện đau khổ sẽ xảy ra trong tuần lễ định mệnh đó mà đỉnh điểm là sự hy sinh vô vị kỷ của Đấng Cứu Rỗi và phép lạ kỳ diệu của ngôi mộ trống.

Là các tín đồ của Ngài, chúng ta là dân đặc biệt của Ngài, được kêu gọi để rao truyền các thuộc tính của Ngài,6 là những người thúc đẩy sự bình an được ban cho một cách rộng rãi qua Ngài và sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Sự bình an này là ân tứ đã được hứa cho tất cả những ai hướng lòng họ đến Đấng Cứu Rỗi và sống ngay chính; sự bình an như vậy mang đến cho chúng ta sức mạnh để vui hưởng cuộc sống trần thế và cho phép chúng ta kiên trì qua những thử thách đau đớn trong cuộc hành trình của mình.

Vào năm 1847, Chúa đã ban những chỉ dẫn cụ thể cho Các Thánh Hữu tiền phong, là những người cần sự bình an để giữ bình tĩnh và đoàn kết khi họ gặp phải những khó khăn bất ngờ trên cuộc hành trình về miền tây. Cùng với những điều khác, Chúa đã chỉ dẫn cho Các Thánh Hữu phải “chấm dứt tranh chấp nhau; hãy chấm dứt nói xấu nhau.”7 Thánh thư khẳng định rằng những người thực hành những việc làm ngay chính và cố gắng bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh của Chúa đều được hứa sẽ có sự bình an mà họ cần để sống sót qua những ngày biến động mà chúng ta đang sống ngày nay.8

Là môn đồ của Hoàng Tử Bình An, chúng ta đã được chỉ dẫn phải sống “đồng tâm đoàn kết trong tình thương yêu lẫn nhau.”9 Vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, gần đây đã nói: “Sự tranh chấp vi phạm mọi điều mà Đấng Cứu Rỗi đã ủng hộ và giảng dạy.”10 Vị tiên tri của chúng ta cũng khẩn nài rằng chúng ta “hãy làm hết sức mình để chấm dứt những xung đột cá nhân hiện đang hoành hành trong tâm hồn và trong cuộc sống của [chúng ta].”11

Chúng ta hãy suy ngẫm các nguyên tắc này theo quan điểm về tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô dành cho chúng ta và rằng chúng ta, với tư cách là các tín đồ của Ngài, hãy tìm cách dành cho nhau tình yêu thương đó. Thánh thư định nghĩa loại tình yêu thương này là lòng bác ái.12 Khi nghĩ về lòng bác ái, chúng ta thường nghĩ tới những hành động và những khoản hiến tặng hào phóng để làm xoa dịu nỗi đau khổ của những người đang gặp những khó khăn về thể chất, vật chất, hoặc tình cảm. Tuy nhiên, lòng bác ái không chỉ liên quan đến điều chúng ta trao tặng cho một người nào đó, mà còn là một thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi và có thể trở thành một phần tính cách của chúng ta. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Chúa chỉ dẫn cho chúng ta phải khoác lên mình “sợi dây ràng buộc của lòng bác ái, … là dây liên lạc của sự toàn hảo và bình an.”13 Nếu không có lòng bác ái, chúng ta không là gì cả,14 và chúng ta không thể thừa hưởng nơi mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta trong các gian nhà của Cha Thiên Thượng.15

Chúa Giê Su đã trở thành tấm gương hoàn hảo về ý nghĩa của việc sở hữu mối ràng buộc của sự hoàn hảo và bình an này, nhất là khi đối mặt với những sự kiện đau đớn xảy ra trước sự tuẫn đạo của Ngài. Hãy suy nghĩ trong giây lát về cảm nhận của Chúa Giê Su khi Ngài khiêm nhường rửa chân cho các môn đồ, và biết rằng một người trong số họ sẽ phản bội Ngài ngay đêm đó.16 Hoặc vài giờ sau, khi Chúa Giê Su đã thương xót chữa lành tai của một trong những người đi theo Giu Đa, kẻ phản Ngài, để bắt Ngài.17 Hoặc ngay cả khi Đấng Cứu Rỗi đứng trước mặt Phi Lát, bị các thầy tế lễ và trưởng lão buộc tội một cách bất công, và Ngài không thốt ra một lời nào chống lại những lời vu cáo Ngài, và Ngài đã khiến quan tổng đốc La Mã phải kinh ngạc.18

Qua ba sự kiện đau thương này, mặc cho nỗi buồn và sự căng thẳng quá mức đè nặng, nhưng Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta bằng tấm gương của Ngài rằng: “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; … chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận [và] chẳng nghi ngờ sự dữ.”19

Một khía cạnh quan trọng khác cần nhấn mạnh, và một khía cạnh có ý nghĩa trực tiếp với vai trò môn đồ của chúng ta và cách chúng ta thúc đẩy sự bình an của Đấng Cứu Rỗi, chính là cách chúng ta đối xử với nhau. Trong giáo vụ trần thế của Ngài, những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi không chỉ tập trung—mà còn đặc biệt nhấn mạnh—vào các thuộc tính như tình yêu thương, lòng bác ái, tính kiên nhẫn, khiêm nhường và lòng trắc ẩn—là các thuộc tính cơ bản đối với những người muốn trở nên gần gũi hơn với Ngài và thúc đẩy sự bình an nơi Ngài. Các thuộc tính như vậy là các ân tứ từ Thượng Đế, và khi cố gắng phát triển chúng, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn nhận những sự khác biệt và yếu kém của người lân cận mình với nhiều sự đồng cảm, nhạy cảm, tôn trọng, và khoan dung hơn. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chúng ta đang đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn và trở nên giống như Ngài hơn là cách chúng ta đối xử yêu thương, kiên nhẫn, và tử tế với đồng bào của mình, bất kể hoàn cảnh nào.

Chúng ta thường thấy mọi người đưa ra những nhận xét tiêu cực và thậm chí mang tính xúc phạm về những đặc điểm, yếu kém, và ý kiến của người khác, chủ yếu là khi những đặc điểm và ý kiến đó khác hoặc mâu thuẫn với cách họ hành động và suy nghĩ. Thường thấy khi những người này đưa ra những nhận xét như vậy đối với người khác, họ đang lặp lại những gì họ nghe được mà không thật sự biết tất cả các hoàn cảnh xung quanh tình huống đó. Rủi thay, mạng xã hội lại khuyến khích loại hành vi này nhân danh lẽ thật và sự minh bạch. Nếu không có sự kiềm chế, cuộc trò chuyện trên mạng thường dẫn dắt người ta đến sự công kích cá nhân và những tranh chấp gay gắt, gây nên sự thất vọng, làm tổn thương tâm hồn, và gieo rắc ngọn lửa thù hằn.

Nê Phi tiên tri rằng trong những ngày sau, kẻ thù sẽ gây cuồng nộ và khích động dân chúng giận dữ chống lại những gì tốt đẹp.20 Thánh thư dạy rằng “tất cả những gì để mời mọc và thuyết phục loài người làm điều thiện, cùng yêu mến Thượng Đế và phục vụ Ngài đều do Thượng Đế soi dẫn cả.”21 Mặt khác, “những gì tà ác đều từ quỷ dữ mà đến; vì quỷ dữ là kẻ thù của Thượng Đế, nó luôn luôn chống lại Ngài, và luôn luôn dụ dỗ và xúi giục loài người phạm tội và làm điều ác.”22

Khi suy ngẫm lời giảng dạy này của vị tiên tri, thì không có gì ngạc nhiên khi một trong những thủ đoạn của kẻ nghịch thù là kích động sự thù hận và thù ghét trong lòng con cái của Thượng Đế. Nó vui mừng khi thấy người khác chỉ trích, nhạo báng và vu khống lẫn nhau. Hành vi này có thể hủy hoại nhân cách, danh tiếng và lòng tự trọng của một người, đặc biệt là khi người đó bị xét đoán một cách bất công. Điều quan trọng là nếu chúng ta cho phép loại thái độ này trong cuộc sống của mình, tức là chúng ta dành chỗ trong lòng mình cho kẻ thù gieo hạt giống bất hòa ở giữa chúng ta, và chúng ta có nguy cơ rơi vào cái bẫy háu ăn của nó.

Nếu không thận trọng với suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, chúng ta có thể sẽ bị mắc bẫy bởi những thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù, làm hủy hoại mối quan hệ của chúng ta với những người xung quanh và những người thân yêu của mình.

Thưa các anh chị em, với tư cách là dân đặc biệt của Chúa và là những người thúc đẩy sự bình an của Ngài, chúng ta không thể cho phép những thủ đoạn này của kẻ ác diễn ra trong lòng mình. Chúng ta không thể mang một gánh nặng mang tính ăn mòn đến mức phá hủy tình cảm, các mối quan hệ và thậm chí cả cuộc sống. Phúc âm đại diện cho một sự vui mừng lớn.

Dĩ nhiên, không một ai trong chúng ta là hoàn hảo, và chắc chắn là có những lúc chúng ta bị lôi cuốn vào loại hành vi này. Trong tình yêu thương trọn vẹn và sự hiểu biết toàn tri của Ngài về khuynh hướng của con người chúng ta, Đấng Cứu Rỗi luôn luôn cố gắng cảnh báo chúng ta về những mối nguy hiểm như vậy. Ngài đã dạy chúng ta: “Các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy.”23

Anh chị em thân mến, khi cố gắng phát triển các thuộc tính giống như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể trở thành công cụ mang lại sự bình an của Ngài trên thế gian theo mẫu mực mà chính Ngài đã thiết lập. Tôi mời gọi anh chị em hãy suy ngẫm những cách thức mà chúng ta có thể biến đổi bản thân mình thành những người biết nâng đỡ và hỗ trợ, những người có tấm lòng thấu hiểu và tha thứ, những người tìm kiếm điều tốt nhất nơi những người khác, luôn luôn nhớ rằng “nếu có điều gì đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen, thì chúng [ta] theo đuổi những điều này.”24

Tôi hứa với anh chị em rằng khi theo đuổi và phát triển các thuộc tính này, chúng ta sẽ ngày càng trở nên chân thành và nhạy cảm hơn đối với nhu cầu của đồng bào mình25 và sẽ cảm nhận được niềm vui, sự bình an và sự tăng trưởng thuộc linh.26 Chắc chắn là Chúa sẽ công nhận các nỗ lực của chúng ta và ban cho chúng ta các ân tứ mà chúng ta cần để trở nên khoan dung và kiên nhẫn hơn với những khác biệt, yếu kém, và không hoàn hảo của nhau. Ngoài ra, chúng ta sẽ có khả năng kiềm chế tốt hơn ý muốn tấn công hoặc xúc phạm những người làm tổn thương chúng ta. Giống như Đấng Cứu Rỗi, ước muốn của chúng ta để tha thứ cho những người ngược đãi hoặc nói xấu chúng ta chắc chắn sẽ gia tăng và sẽ trở thành một phần tính cách của chúng ta.

Cầu mong rằng chúng ta ngày hôm nay, vào ngày Chủ Nhật Lễ Lá này, sẽ trải rộng chiếc áo của tình yêu thương và lá chà là của lòng bác ái, bước theo dấu chân của Hoàng Tử Bình An khi chúng ta chuẩn bị ăn mừng ngày Chủ Nhật sắp tới này về phép lạ của ngôi mộ trống. Là anh chị em trong Đấng Ky Tô, chúng ta hãy hân hoan reo vang: “Hô Sa Na con vua Đa Vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô Sa Na ở trên nơi rất cao.”27

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và tình yêu thương trọn vẹn của Ngài, được thể hiện qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, dành cho tất cả những ai mong muốn bước đi với Ngài và vui hưởng sự bình an của Ngài trong thế giới này và trong thế giới mai sau. Tôi nói những điều này trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.