Đại Hội Trung Ương
Kính Sợ Đấng Ky Tô và Phúc Âm của Ngài
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


Kính Sợ Đấng Ky Tô và Phúc Âm của Ngài

Mong sao việc ghi nhớ những gì mắt chúng ta đã thấy và tâm chúng ta đã cảm nhận sẽ làm tăng sự kinh ngạc của chúng ta trước sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi.

Tôi có một người bạn thân là một giáo sư đại học lỗi lạc, đã nghỉ hưu, một tác giả xuất sắc, và là một môn đồ tận tụy của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh ấy đã đến thăm Đất Thánh hàng chục lần để tham gia các hội nghị, tiến hành nghiên cứu học thuật và hướng dẫn các chuyến tham quan. Theo anh, mỗi khi anh đến thăm vùng đất nơi Chúa Giê Su đã từng bước đi, anh đều ngạc nhiên vì chắc chắn anh biết được điều gì đó mới mẻ, đáng kinh ngạc và thú vị về Đấng Cứu Rỗi, giáo vụ trên trần thế của Ngài, và quê hương yêu dấu của Ngài. Sự kính sợ mà bạn tôi thể hiện khi anh ấy nói về tất cả những gì anh ấy học được ở Đất Thánh rất dễ lây lan; và sự kinh ngạc này là cơ sở cho những thành tựu to lớn và việc theo đuổi học tập trong cuộc đời anh ấy.

Khi tôi đã lắng nghe những kinh nghiệm và cảm thấy sự nhiệt tình của anh ấy, tôi đã suy ngẫm rằng liệu có bao nhiêu điều kỳ diệu thuộc linh, có thể nói, mà chúng ta có thể và nên cảm nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như sự khác biệt mà phúc âm có thể tạo ra trong vai trò môn đồ của chúng ta và trong hành trình hướng tới cuộc sống vĩnh cửu. Điều kỳ diệu mà tôi đề cập đến là cảm giác xúc động, kính sợ, hoặc ngạc nhiên là điều thông thường cho tất cả những ai hết lòng tập trung cuộc sống của họ vào Đấng Cứu Rỗi và những lời dạy của Ngài cũng như khiêm tốn nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của họ. Cảm giác ngạc nhiên như vậy, được soi dẫn bởi ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, kích thích lòng nhiệt thành để vui vẻ sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô.1

Thánh thư chứa đựng một số ví dụ về cách mà cảm giác này được biểu hiện. Chẳng hạn, tiên tri Ê Sai đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình dành cho Chúa qua sự vui mừng của ông nơi Ngài.2 Những ai đã nghe Chúa Giê Su rao giảng trong hội đường tại Ca Bê Na Um đều ngạc nhiên về giáo lý của Ngài và sức mạnh mà Ngài đã dạy trong giáo lý đó.3 Chính cảm giác này đã thấm sâu vào từng thớ thịt của trái tim thiếu niên Joseph Smith khi cậu đọc từ trong Kinh Thánh chương đầu tiên của sách Gia Cơ, khiến cậu đã tìm kiếm sự khôn ngoan của Thượng Đế.4

Các anh chị em của tôi, khi chúng ta thực sự kính sợ Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, chúng ta hạnh phúc hơn, chúng ta có nhiều nhiệt huyết hơn cho công việc của Thượng Đế, đồng thời chúng ta nhận ra bàn tay của Chúa trong tất cả mọi điều. Thêm vào đó, việc nghiên cứu lời Thượng Đế của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn; lời cầu nguyện của chúng ta, sẽ có chủ đích hơn; sự thờ phượng của chúng ta, sẽ tôn kính hơn; sự phục vụ của chúng ta trong vương quốc của Thượng Đế, sẽ siêng năng hơn. Tất cả những hành động này là góp phần làm cho sự ảnh hưởng của Đức Thánh Linh diễn ra thường xuyên hơn trong cuộc sống của chúng ta.5 Do đó, chứng ngôn của chúng ta về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài sẽ được củng cố, chúng ta sẽ giữ cho Đấng Ky Tô sống trong chúng ta,6 và chúng ta sẽ bước đi “châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, … và hãy dư dật trong sự cảm tạ.”7 Khi chúng ta sống theo cách này, chúng ta trở nên kiên cường hơn về mặt tinh thần và được bảo vệ để tránh rơi vào cái bẫy của sự thờ ơ thuộc linh.

Sự thờ ơ như vậy được đặc trưng bởi sự mất hứng thú dần dần của chúng ta để tham gia hoàn toàn vào phúc âm của Chúa. Điều đó thường bắt đầu khi chúng ta cảm thấy rằng mình đã đạt được tất cả sự hiểu biết và các phước lành cần thiết cho hạnh phúc của chúng ta trong cuộc sống này. Có thể nói, sự tự mãn này khiến chúng ta coi thường các ân tứ phúc âm, và từ đó, chúng ta có nguy cơ bỏ qua việc thường xuyên đắm mình trong những điều cốt yếu của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô8 và các giao ước mà chúng ta đã lập. Hậu quả là, chúng ta dần dần xa cách với Chúa; suy giảm khả năng để “nghe Lời [Ngài]”,9 trở nên thờ ơ và vô cảm trước sự vĩ đại của công việc Ngài. Sự nghi ngờ về lẽ thật mà chúng ta đã nhận được sẽ thâm nhập vào tâm trí của chúng ta, khiến chúng ta dễ bị cám dỗ bởi kẻ nghịch thù.10

Mục Sư Aiden Wilson Tozer, một tác giả nổi tiếng đồng thời là một Ky Tô Hữu dũng cảm, đã viết, “Sự tự mãn là kẻ thù chết người đối với mọi sự phát triển thuộc linh.”11 Đây chẳng phải chính là điều đã xảy ra với dân Nê Phi ngay sau khi Đấng Ky Tô giáng sinh sao? Họ “bắt đầu bớt ngạc nhiên về điềm triệu và điều kỳ diệu trên trời,” họ nghi ngờ và “[không tin] tất cả những gì họ đã được nghe và thấy.” Vì vậy, Sa Tan đã “làm cho mắt họ đui mù và đưa họ đi lạc hướng để họ tin rằng giáo lý của Đấng Ky Tô là một điều điên rồ và vô bổ.”12

Các anh chị em yêu dấu của tôi, trong tình yêu thương hoàn hảo và vô hạn của Ngài và biết bản chất con người của chúng ta,13 Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập con đường để chúng ta tránh rơi vào cái bẫy của sự thờ ơ thuộc linh. Lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta một góc nhìn bao quát hơn, đặc biệt khi xem xét thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống: “Hãy học hỏi nơi ta và lắng nghe những lời của ta; hãy bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh ta, rồi ngươi sẽ có được sự bình an trong ta.”14 Khi chúng ta chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta thể hiện sự khiêm nhường của mình, sự mong muốn được dạy dỗ và niềm hy vọng trở nên giống như Ngài hơn.15 Lời mời gọi này cũng bao gồm cả việc phục vụ ngài và phù trợ các con cái của Thượng Đế “với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh [của mình].”16 Tất nhiên, cốt lõi của nỗ lực của chúng ta trong cuộc hành trình này là hai đại giáo lệnh: yêu mến Chúa là Thượng Đế của chúng ta và yêu người lân cận như chính mình.17

Đây là một phần của đặc tính thiêng liêng của Chúa Giê Su và đã được thể hiện rõ ràng trong mọi việc Ngài làm trong suốt giáo vụ của Ngài trên trần thế.18 Vậy nên, khi chúng ta có chủ ý và thực sự dâng mình để hướng về Ngài và học hỏi từ tấm gương hoàn hảo của Ngài,19 chúng ta sẽ hiểu về Ngài nhiều hơn. Chúng ta sẽ tăng trưởng trong sự nhiệt tình và mong muốn kết hợp vào cuộc sống của mình tiêu chuẩn cao nhất về cách chúng ta nên sống, tấm gương chúng ta nên nêu ra và những điều giáo lệnh chúng ta nên tuân theo. Chúng ta cũng sẽ có thêm sự hiểu biết, sự khôn ngoan, tính cách thiêng liêng và ân điển đối với Thượng Đế cũng như những người lân cận của chúng ta.20 Tôi có thể bảo đảm với anh chị em rằng khả năng của chúng ta để cảm nhận được ảnh hưởng và tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi sẽ được tăng trưởng trong cuộc sống của chúng ta, làm tăng cường đức tin của chúng ta, mong muốn hành động ngay chính và động lực để phục vụ Ngài và những người khác.21 Ngoài ra, lòng biết ơn của chúng ta đối với những phước lành và thử thách mà chúng ta trải qua trên trần thế sẽ củng cố và trở thành một phần của sự thờ phượng chân chính của chúng ta.22

Các bạn thân mến của tôi, tất cả những điều này củng cố sự kỳ diệu thuộc linh của chúng ta về phúc âm và thúc đẩy chúng ta vui vẻ tuân giữ các giao ước mà chúng ta đã lập với Chúa—ngay cả trong những thử thách và khó khăn mà chúng ta sẽ trải qua. Tất nhiên, để những kết quả này xảy ra, chúng ta cần đắm mình với đức tin và chủ đích thực sự trong những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi,23 cố gắng kết hợp các thuộc tính của Ngài vào cách sống của chúng ta.24 Ngoài ra, chúng ta cần đến gần Ngài hơn qua sự hối cải của chúng ta,25 tìm kiếm sự tha thứ của Ngài và quyền năng cứu chuộc của Ngài trong cuộc sống của chúng ta và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Chính Chúa đã hứa rằng Ngài sẽ hướng dẫn con đường của chúng ta nếu chúng ta hết lòng tin cậy nơi Ngài, nhận biết Ngài theo mọi cách và không nương cậy vào sự hiểu biết của chúng ta.26

Hình Ảnh
Anh Cả Jones cùng với Wes

Một người nam mà tôi gặp gần đây, tên là Wes, và anh cũng đang tham dự tại hội ngày hôm nay, đã chấp nhận lời mời của Đấng Ky Tô để tìm hiểu về Ngài và phúc âm của Ngài và bắt đầu cảm thấy sự kính sợ về tình yêu thương của Ngài sau 27 năm xa cách khỏi con đường giao ước. Anh ấy nói với tôi rằng một ngày nọ, anh ấy được một người truyền giáo liên hệ qua Facebook, Anh Cả Jones, người được chỉ định tạm thời đến khu vực của Wes trước khi đi truyền giáo theo chỉ định ban đầu ở Panama. Khi Anh Cả Jones xem qua hồ sơ của Wes, thậm chí không biết trước rằng Wes đã là một tín hữu của Giáo Hội, Anh Cả Jones đã cảm nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và biết rằng mình nên liên lạc ngay với Wes. Anh ấy nhanh chóng hành động theo sự thúc giục này. Wes vô cùng ngạc nhiên trước cuộc tiếp xúc bất ngờ này và bắt đầu nhận ra rằng Chúa đã biết về anh mặc dù anh đã xa rời con đường giao ước.

Kể từ đó, Wes và những người truyền giáo bắt đầu liên lạc thường xuyên. Anh Cả Jones và người bạn đồng hành của mình đã phục vụ hàng tuần cũng như gửi những sứ điệp thuộc linh mà đã giúp Wes phục hồi sự kính sợ Đấng Cứu Rỗi và tình yêu thương của Ngài. Điều đó đã thắp lại ngọn lửa chứng ngôn của Wes về lẽ thật và về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho anh. Wes cảm nhận được sự bình yên đến từ Đấng An Ủi và có được sức mạnh cần thiết để trở lại với Giáo Hội. Anh ấy nói với tôi rằng trải nghiệm này đã khiến anh ấy sống lại về mặt tinh thần và cảm xúc và giúp anh ấy loại bỏ cảm giác cay đắng dồn nén trong nhiều năm vì những trải nghiệm khó khăn mà anh ấy đã phải trải qua.

Như người bạn giáo sư tận tâm mà tôi nói đến ở trên đã nhận xét, luôn có điều gì đó tuyệt vời và thú vị để tìm hiểu về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.27 Chúa đã đưa ra những lời hứa tuyệt vời dành cho tất cả những ai, kể cả chúng ta, những người tìm cách học hỏi về Ngài và kết hợp lời của Ngài vào cuộc sống của họ. Ngài đã phán bảo cùng Ê Nót, “Này, Thánh Linh của ta [sẽ] ở trên ngươi, vậy nên tất cả những lời nói của ngươi sẽ được ta cho là chính đáng; và các núi sẽ chạy trốn trước mặt ngươi, và các sông sẽ đổi dòng của chúng; và ngươi sẽ ở trong ta, và ta sẽ ở trong ngươi.”28 Thông qua kẻ tôi tớ của Ngài là Vua Bên Gia Min, Ngài đã tuyên bố “Và giờ đây, nhờ giao ước mà các người đã lập, các người sẽ được gọi là con cái của Đấng Ky Tô, các con trai và con gái của Ngài; vì này, hôm nay, Ngài đã sinh ra các người theo thể thuộc linh; vì các người có nói rằng, lòng các người đã thay đổi nhờ có đức tin nơi danh Ngài; vậy nên các người được Ngài sinh ra và đã trở thành các con trai và con gái của Ngài.”29

Vì vậy, khi chúng ta thực sự và liên tục cố gắng học hỏi về Đấng Cứu Rỗi và noi theo gương của Ngài, thì nhân danh Ngài, tôi hứa với các anh chị em rằng các thuộc tính thiêng liêng của Ngài sẽ được khắc ghi vào tâm trí và tấm lòng của chúng ta,30 rằng chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài hơn, và chúng ta sẽ bước đi cùng với Ngài.31

Các anh chị em yêu dấu của tôi, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ luôn luôn kính sợ Chúa Giê Su Ky Tô và tình yêu thương trọn vẹn, vô hạn và hoàn hảo của Ngài. Mong sao việc ghi nhớ những gì mắt chúng ta đã thấy, và tâm chúng ta đã cảm nhận sẽ làm tăng sự kinh ngạc của chúng ta trước sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, điều này có thể chữa lành vết thương tinh thần và cảm xúc của chúng ta và giúp chúng ta đến gần Ngài hơn. Cầu mong chúng ta sẽ kinh ngạc trước những lời hứa tuyệt vời mà Đức Chúa Cha có trong tay Ngài và Ngài đã chuẩn bị cho những ai trung tín:

“Vương quốc là của các ngươi, và phước lành trong đó là của các ngươi, và của cải của sự vĩnh cửu là của các ngươi.

Và kẻ nào tiếp nhận mọi điều với lòng biết ơn thì sẽ được làm vinh quang.”32

Chúa Giê Su là Đấng Cứu Chuộc của thế gian, và đây là Giáo Hội của Ngài. Tôi làm chứng về những lẽ thật này trong tôn danh đáng kính sợ, thiêng liêng và cao cả của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.