Đại Hội Trung Ương
Chúng Ta Là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


Chúng Ta Là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Giáo Hội không chỉ là những tòa nhà và cấu trúc của tổ chức tôn giáo; Giáo Hội là chúng ta, các tín hữu, đứng đầu là Đấng Ky Tô và vị tiên tri là phát ngôn viên của Ngài.

Sau khi nhận được lời mời để “đến và xem,”1 tôi đã tham dự Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô lần đầu tiên lúc 26 tuổi. Tôi mới vừa ly thân với người chồng đầu tiên. Tôi có một đứa con trai ba tuổi. Và tôi cảm thấy bất lực kèm theo cảm giác sợ hãi. Khi bước vào tòa nhà, cảm giác ấm áp tràn đầy lòng tôi khi tôi nhận thấy đức tin và niềm vui của những người xung quanh. Đó thật sự là “nơi dung thân khỏi cơn bão tố.”2 Ba tuần sau, tôi đã lập giao ước báp têm với Cha Thiên Thượng và bắt đầu cuộc hành trình của mình với tư cách là một môn đồ của Đấng Ky Tô, mặc dù cuộc sống của tôi chưa được hoàn hảo trong cuộc hành trình đó.

Đối với tôi, để nhận được các phước lành vĩnh cửu này, nhiều yếu tố về mặt vật chất lẫn tinh thần đã phải được thực hiện. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi và thuyết giảng; nhà hội đó đã được xây cất và bảo trì; có một cấu trúc của tổ chức tôn giáo, từ vị tiên tri cho đến các vị lãnh đạo địa phương; và một chi nhánh đầy ắp các tín hữu đã lập giao ước sẵn sàng chấp nhận và hỗ trợ mẹ con tôi khi chúng tôi được mang đến cùng Đấng Cứu Rỗi, “được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế,”3 và được ban cho cơ hội để phục vụ.4

Từ lúc ban đầu, Thượng Đế đã tìm cách quy tụ và tổ chức các con cái Ngài5 “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho [chúng ta].”6 Với ý định đó, Ngài đã chỉ dẫn chúng ta xây cất những nơi thờ phượng,7 nơi chúng ta nhận được sự hiểu biết và các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao; lập và tuân giữ các giao ước ràng buộc chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô;8 được ban cho “quyền năng của sự tin kính”;9 và thường xuyên cùng nhau quy tụ để tưởng nhớ Chúa Giê Su và củng cố lẫn nhau trong Ngài.10 Tổ chức Giáo Hội và các tòa nhà của Giáo Hội tồn tại vì lợi ích tinh thần của chúng ta. “Giáo Hội … là cái giàn giáo mà chúng ta dựa vào đó để xây dựng các gia đình vĩnh cửu.”11

Trong khi nói chuyện với một người bạn đang trải qua một thời gian khó khăn, tôi đã hỏi anh ấy xoay xở như thế nào về tài chính. Anh ấy vừa khóc vừa nói rằng vị giám trợ của anh đang giúp đỡ anh từ quỹ nhịn ăn. Anh nói thêm: “Tôi không biết gia đình tôi và tôi sẽ ra sao nếu không có Giáo Hội giúp đỡ.” Tôi đáp lại: “Giáo Hội là các tín hữu. Họ là những người sẵn lòng và vui vẻ hiến tặng các của lễ nhịn ăn để giúp đỡ những người túng thiếu trong số chúng ta. Anh đang nhận được thành quả của đức tin và quyết tâm của họ để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.”

Thưa các anh chị em cùng là môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta đừng nên đánh giá thấp công việc kỳ diệu mà Chúa đang thực hiện qua chúng ta, Giáo Hội của Ngài, bất kể những thiếu sót của chúng ta là gì đi nữa. Đôi khi chúng ta là người cho và đôi khi là người nhận, nhưng chúng ta đều là một gia đình trong Đấng Ky Tô. Giáo Hội của Ngài là cấu trúc của tổ chức mà Ngài đã ban cho để hướng dẫn và ban phước cho chúng ta khi chúng ta thờ phượng Ngài và phục vụ lẫn nhau.

Một số chị em đã xin lỗi tôi, cho rằng họ không phải là thành viên tích cực trong Hội Phụ Nữ vì họ phục vụ trong Hội Thiếu Nhi hoặc Hội Thiếu Nữ. Các chị em này thuộc trong số các thành viên tích cực nhất của Hội Phụ Nữ vì họ đang giúp đỡ trẻ em và giới trẻ quý báu của chúng ta củng cố đức tin của chúng nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Hội Phụ Nữ không chỉ giới hạn trong một tòa nhà, một lớp học trường Chủ Nhật, một sinh hoạt, hay chỉ là một chủ tịch đoàn ở cấp địa phương hay trung ương. Hội Phụ Nữ là các phụ nữ giao ước của Giáo Hội; chính là chúng tamỗi người trong chúng tatất cả chúng ta. Chính là “cộng đồng toàn cầu của lòng trắc ẩn và sự phục vụ” của chúng ta.12 Bất cứ nơi nào và ở bất cứ nơi đâu, chúng tôi luôn là một phần của Hội Phụ Nữ khi chúng tôi cố gắng làm tròn mục đích thiêng liêng của hội, đó là giúp các phụ nữ hoàn thành công việc của Thượng Đế theo cách thức cá nhân cũng như tập thể13 bằng cách cứu giúp, “trợ giúp cho người nghèo khó, đau ốm, nghi ngờ, thiếu hiểu biết—trợ giúp cho tất cả những gì cản trở … niềm vui và sự tiến triển.”14

Sự đùm bọc tương tự cũng có trong các nhóm túc số các anh cả và các tổ chức của Giáo Hội dành cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và giới trẻ của chúng ta. Giáo Hội không chỉ là những tòa nhà và cấu trúc của tổ chức tôn giáo; Giáo Hội là chúng ta, các tín hữu. Chúng ta là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, đứng đầu là Đấng Ky Tô và vị tiên tri là phát ngôn viên của Ngài. Chúa đã phán:

“Này, đây là giáo lý của ta—bất cứ ai hối cải và đến cùng ta thì kẻ đó sẽ thuộc giáo hội của ta.…

“Và … bất cứ ai thuộc giáo hội của ta, và kiên trì với giáo hội đến cùng, thì ta sẽ lập kẻ đó trên tảng đá của ta.”15

Thưa các anh chị em, chúng ta hãy nhận biết rằng chúng ta có đặc ân biết bao để được thuộc vào Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, là nơi chúng ta có thể đoàn kết đức tin, tấm lòng, sức mạnh, tâm trí và bàn tay của mình để thực hiện các phép lạ phi thường của Ngài. “[Giáo Hội của Đấng Ky Tô] cũng chẳng phải có một [tín hữu], bèn là nhiều [tín hữu].”16

Một thiếu niên nói với mẹ của mình: “Khi còn nhỏ, mỗi khi con đóng một đồng đô la làm tiền thập phân, con cứ nghĩ là một đồng đô la đó sẽ xây cất được cả một ngôi nhà hội. Thật là ngây thơ, phải không?”

Người mẹ đáp lại đầy xúc động: “Tuyệt thật đó! Con có hình dung được các ngôi nhà hội đó không?”

“Có ạ!” cậu bé thốt lên. “Có đến hàng triệu ngôi nhà hội và nhà hội nào cũng đẹp lắm!”17

Các bạn thân mến của tôi, chúng ta hãy có đức tin của một đứa trẻ và vui mừng khi biết rằng thậm chí những nỗ lực nhỏ bé nhất của mình cũng đang tạo ra sự khác biệt đáng kể trong vương quốc của Thượng Đế.

Mục đích của chúng ta trong vương quốc của Ngài hãy là dẫn dắt nhau đến cùng Đấng Ky Tô. Khi chúng ta đọc thánh thư, Đấng Cứu Rỗi đưa ra lời mời này cho dân Nê Phi:

“Trong các ngươi có ai đau ốm không? Hãy đem họ lại đây. Trong các ngươi có ai … bị đau đớn vì nguyên do nào khác không? Hãy đem họ lại đây, ta sẽ chữa lành cho họ, vì ta hết sức thương hại các ngươi, lòng ta tràn đầy niềm thương xót.

“… Và ta thấy đức tin của các ngươi đủ để ta chữa lành cho các ngươi.”18

Chẳng phải chúng ta đều có những nỗi đau đớn mà có thể được mang đến chân Đấng Cứu Rỗi sao? Mặc dù một số người trong chúng ta gặp thử thách về thể chất, nhiều người hơn nữa đấu tranh với xung đột về cảm xúc, những người khác gặp khó khăn duy trì các mối liên hệ xã hội, và tất cả chúng ta đều tìm cách để nghỉ ngơi khi gặp khó khăn về tinh thần. Chúng ta đều gặp khó khăn theo một cách nào đó.

Chúng ta đọc rằng “tất cả đám đông đồng loạt tiến lên với những người bệnh … cùng tất cả những người bị đau đớn về mọi thể cách khác; rồi Ngài đã chữa lành cho tất cả mọi người được đem lại trước mặt Ngài.

“Và rồi tất cả mọi người, gồm cả những người được chữa lành lẫn những người lành mạnh, đều cúi sấp mình dưới chân Ngài mà tôn thờ Ngài.”19

Từ một cậu bé đóng tiền thập phân với đức tin, đến một người mẹ đơn thân cần ân điển đầy quyền năng của Chúa, đến một người cha đang vật lộn để chu cấp cho gia đình mình, đến các tổ tiên của chúng ta đang cần các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao, đến mỗi người trong chúng ta là những người tái lập các giao ước với Thượng Đế mỗi tuần, chúng ta đều cần nhau, và chúng ta có thể dẫn dắt nhau đến với sự chữa lành cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi.

Anh chị em thân mến của tôi, chúng ta hãy làm theo lời mời của Chúa Giê Su Ky Tô để tự mang bản thân mình và những nỗi đau khổ của mình đến với Ngài. Khi chúng ta đến cùng Ngài và mang những người chúng ta yêu mến đến cùng Ngài, Ngài sẽ thấy đức tin của chúng ta. Ngài sẽ làm cho họ được toàn vẹn, và Ngài sẽ làm cho chúng ta được toàn vẹn.

Giống như “những tín đồ hiền hòa của Đấng Ky Tô,”20 chúng ta đang cố gắng để trở nên “đồng một lòng và một trí”21 và khiêm nhường, biết phục tùng và hiền lành; dễ dạy; lòng đầy kiên nhẫn và nhịn nhục; ôn hòa trong mọi việc; chuyên tâm tuân giữ những lệnh truyền của Thượng Đế bất cứ lúc nào; có đức tin, hy vọng, và lòng bác ái; và luôn luôn làm nhiều việc tốt lành.22 Chúng ta đang cố gắng để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi làm chứng rằng với tư cách là Giáo Hội của Đấng Ky Tô, chúng ta là phương tiện mà, như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy, qua đó “Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ thực hiện một số các công việc lạ lùng nhất của Ngài từ bây giờ cho đến khi Ngài tái lâm.”23

Chúa đã phán:

“Này, ta sẽ gấp rút làm công việc của ta vào đúng kỳ của nó.

“Và ta ban cho các ngươi … một lệnh truyền rằng các ngươi hãy cùng nhau quy tụ lại, và hãy tự tổ chức, cùng tự chuẩn bị, và tự thánh hóa mình; phải, hãy làm cho tâm hồn mình được thanh khiết, và hãy tẩy sạch tay chân các ngươi trước mặt ta, để ta có thể làm cho các ngươi được thanh sạch.”24

Cầu xin cho chúng ta đáp ứng lời mời thiêng liêng này và vui vẻ nhóm họp, tổ chức, chuẩn bị, và tự thánh hóa bản thân mình là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.