Đại Hội Trung Ương
Hãy Làm Điều Quan Trọng Nhất
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


Hãy Làm Điều Quan Trọng Nhất

Khi chúng ta tập trung cuộc sống của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ được ban phước với sức mạnh thuộc linh, sự mãn nguyện và niềm vui.

Cách đây không lâu, một người bạn thân của tôi đã có một ấn tượng phải đi thăm một phụ nữ trong tiểu giáo khu của mình. Bạn tôi đã gạt bỏ sự thúc giục đó vì hầu như không biết người phụ nữ ấy—chỉ vì cảm giác đó không hợp lý chút nào. Nhưng vì ý nghĩ đó cứ tiếp tục đến, nên bạn tôi đã quyết định hành động theo thúc giục đó. Vì không cảm thấy thoải mái lắm khi đi thăm, nên để bớt lo lắng, bạn tôi quyết định là sẽ mang theo một chút quà để biếu chị phụ nữ đó. Chắc chắn là bạn tôi không thể đi tay không rồi! Vậy nên bạn tôi mua một hộp kem và ra khỏi nhà để bắt đầu một cuộc gặp gỡ mà bạn tôi cho là sẽ rất gượng gạo.

Bạn tôi gõ cửa, và chẳng mấy chốc người phụ nữ ấy ra mở cửa. Bạn tôi đưa cho chị ấy một túi giấy màu nâu, và bắt đầu trò chuyện. Bạn tôi nhanh chóng nhận ra lý do lần viếng thăm này là cần thiết. Khi họ ngồi bên nhau trước hiên nhà, chị phụ nữ ấy đã thổ lộ nhiều thử thách chị ấy đang gặp phải. Sau một tiếng đồng hồ trò chuyện trong tiết trời mùa hè ấm áp, bạn tôi nhận thấy kem đang tan chảy qua túi giấy màu nâu.

Bạn tôi thốt lên: “Tiếc quá kem chảy mất rồi!”

Chị phụ nữ này trả lời thật dễ thương: “Không sao đâu! Tôi bị mắc chứng không dung nạp được chất lactose!”

Trong một giấc mơ, Chúa đã phán cùng tiên tri Lê Hi, “Phước thay cho con vì những việc con đã làm.”1

Việc làm một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi nhiều hơn là chỉ hy vọng hay tin tưởng. Nó đòi hỏi nỗ lực, hành động, và cam kết. Nó đòi hỏi chúng ta phải làm một điều gì đó, “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ.”2

Trong ví dụ về việc kem bị tan chảy, điều gì là quan trọng nhất? Kem? Hay là người bạn của tôi đơn thuần đã làm một điều gì đó?

Tôi có một kinh nghiệm tuyệt vời với một thiếu nữ dễ mến đã hỏi tôi một câu hỏi thật chân thành: “Thưa Chị Craven, làm sao chị biết được bất kỳ điều gì về Giáo Hội là chân chính? Vì em không cảm thấy gì hết.”

Trước khi đưa ra câu trả lời, trước tiên tôi đã hỏi em ấy một vài câu hỏi. “Hãy cho tôi biết về việc học thánh thư của em.”

Em ấy trả lời: “Em không đọc thánh thư.”

Tôi hỏi: “Thế còn với gia đình em thì sao? Em có cùng nhau học sách Hãy Đến Mà Theo Ta không?”

Em ấy nói: “Không ạ.”

Tôi hỏi về những lời cầu nguyện của em: “Em cảm thấy ra sao khi cầu nguyện?”

Câu trả lời của em là: “Em không có cầu nguyện.”

Câu trả lời của tôi cho em ấy rất đơn giản: “Nếu em muốn biết bất kỳ điều gì, thì em sẽ phải làm một điều gì đó.”

Chẳng phải đúng như vậy với bất kỳ điều gì chúng ta muốn học hoặc biết không? Tôi đã mời người bạn mới của tôi bắt đầu làm theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô: cầu nguyện, học tập, phục vụ người khác, và tin cậy nơi Chúa. Sự cải đạo sẽ không xảy ra khi không làm gì cả. Sự cải đạo đến qua quyền năng của Đức Thánh Linh khi chúng ta nỗ lực có chủ tâm để biết bằng cách cầu xin, tìm kiếm, và gõ cửa. Sự cải đạo đến bằng cách làm [điều gì đó].3

Trong sách Giáo Lý và Giao Ước, thỉnh thoảng Chúa có phán: “Điều đó không quan trọng.”4 Điều này khiến tôi suy ngẫm rằng nếu có một số điều không quan trọng, hoặc ít quan trọng hơn, thì chắc chắn phải có những điều quan trọng nhất. Trong nỗ lực của chúng ta để làm một điều gì đó hoặc làm bất kỳ điều gì, chúng ta có thể tự hỏi: “Điều gì là quan trọng nhất?”

Các nhà quảng cáo thường sử dụng những khẩu hiệu như “Thiết Yếu” hoặc “Cần Phải Có” với hy vọng dẫn dụ chúng ta tin vào sản phẩm họ đang bán là cần thiết cho hạnh phúc hoặc sự an lạc của chúng ta. Nhưng sản phẩm họ bán có thật sự là thiết yếu không? Chúng ta có thật sự phải có sản phẩm đó không? Sản phẩm đó có thật sự quan trọng không?

Sau đây là một số ý nghĩ để cân nhắc. Điều gì là quan trọng nhất?

  • Chúng ta có bao nhiêu “lượt thích” trên các bài đăng trên mạng truyền thông xã hội của mình? Hay chúng ta được Cha Thiên Thượng của mình yêu thương và quý trọng đến mức nào?

  • Mặc quần áo theo xu hướng thời trang mới nhất? Hay là tôn trọng cơ thể của chúng ta bằng cách ăn mặc trang nhã?

  • Tìm kiếm câu trả lời bằng cách tra cứu trên mạng? Hay là nhận được câu trả lời từ Thượng Đế qua Đức Thánh Linh?

  • Muốn có nhiều hơn nữa? Hay là hài lòng với những gì mình đã được ban cho?

Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy rằng:

“Với Đức Thánh Linh là Đấng đồng hành của mình, các em có thể thấy [rõ ngay] văn hóa của số người nổi tiếng mà thế gian ngưỡng mộ đã trở nên phổ biến trong xã hội chúng ta. Các em có thể thông minh hơn các thế hệ trước. …

“Hãy đặt tiêu chuẩn cho những người khác ở trên thế gian!”5

Cần phải có nỗ lực để luôn tập trung vào điều gì thật sự thiết yếu để có niềm vui lâu dài. Sa Tan vui nhất khi chúng ta nghi ngờ các giá trị vĩnh cửu của mình, dẫn dắt chúng ta đến việc lãng phí thời giờ quý báu, tài năng, hoặc sức mạnh thuộc linh vào những điều không quan trọng. Tôi mời mỗi người chúng ta hãy chân thành cân nhắc những điều mà làm chúng ta xao lãng khỏi việc làm những điều quan trọng nhất.

Cô giáo lớp ba của con trai cả của chúng tôi đã dạy học sinh của cô “hãy làm chủ bộ não của mình.” Đó là một lời nhắc nhở dành cho các học sinh trẻ tuổi của cô giáo ấy rằng chúng cần điều khiển ý nghĩ của chúng và do đó có thể điều khiển điều chúng làm. Tôi tự nhắc nhở mình là hãy “làm chủ bộ não của tôi” khi tôi thấy mình đang có khuynh hướng thiên về những điều ít quan trọng hơn.

Mới đây, một học sinh trung học có nói với tôi về vấn đề đang trở nên phổ biến trong một số giới trẻ của Giáo Hội là coi nhẹ các lệnh truyền với dự tính là sẽ hối cải sau. Tôi được cho biết là “nó giống như là huy chương danh dự vậy.” Chắc là Chúa sẽ tiếp tục tha thứ cho những người nào chân thành hối cải “với chủ ý thực sự.”6 Nhưng đừng bao giờ sử dụng Sự Chuộc Tội đầy thương xót của Đấng Cứu Rỗi theo cách nhạo báng như thế. Chúng ta biết truyện ngụ ngôn về con chiên thất lạc. Dĩ nhiên, một người chăn sẽ bỏ lại 99 con chiên khác để đi tìm con chiên bị lạc. Nhưng các em có thể tưởng tượng được niềm vui mà Đấng Chăn Hiền Lành cảm thấy đối với những người nào chọn thuộc trong số 99 người không? Có phải những người sát cánh bên nhau và giúp đỡ lẫn nhau sống theo các giao ước của họ không? Các em có thể tưởng tượng được thế gian, hay trường học, hay công việc làm, hay nhà của các em sẽ ra sao nếu việc trở nên vâng lời là một điều phổ biến để làm không? Vấn đề không phải là làm cho cuộc sống được hoàn hảo—mà là về việc tìm được niềm vui trong khi làm hết sức mình để sống theo các giao ước chúng ta đã lập với Chúa.

Với việc thế gian đang ngày càng tỏ ra nhiều hoài nghi hơn về Thượng Đế, và ngày càng trở nên hoang mang và nhiều áp lực hơn, thì đây là thời điểm mà chúng ta cần phải ở gần vị tiên tri nhất. Là người phát ngôn của Chúa, chúng ta có thể tin cậy rằng những điều ông thúc giục, khuyên bảo, và khẩn nài chúng ta làm là những điều quan trọng nhất.

Mặc dù có thể không dễ dàng, nhưng luôn có một con đường để làm điều đúng. Trong khi trò chuyện với một nhóm bạn bè ở trường, một thiếu nữ đã cảm thấy thất vọng khi cuộc trò chuyện chuyển sang chỉ trích các tiêu chuẩn của Giáo Hội. Em ấy nhận thấy là mình không thể im lặng—em ấy phải làm một điều gì đó. Một cách tôn trọng, em ấy nói về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và cách mà các lệnh truyền Ngài đặt ra là để ban phước và bảo vệ con cái của Ngài. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu em ấy không làm gì cả. Nhưng điều gì là quan trọng nhất? Hòa nhập với đám bạn? Hay là đứng lên làm nhân chứng của Thượng Đế vào “bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu.”?7

Nếu Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ ra khỏi nơi mù mịt, thì chúng ta cần phải ra khỏi nơi mù mịt. Là các phụ nữ tuân giữ giao ước, chúng ta cần phải tỏa chiếu ánh sáng phúc âm của mình trên khắp thế giới bằng cách hành động và đứng lên. Chúng ta cùng nhau làm điều này với tư cách là các con gái của Thượng Đế—một lực lượng gồm 8,2 triệu phụ nữ từ 11 tuổi trở lên mà công việc của chúng ta đều giống như nhau. Chúng ta đang quy tụ Y Sơ Ra Ên lại khi chúng ta tham gia vào công việc cứu rỗi và tôn cao: cố gắng sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, chăm sóc những người khác đang gặp khó khăn, mời gọi mọi người tiếp nhận phúc âm, và hợp nhất các gia đình cho thời vĩnh cửu.8 Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là phúc âm của hành động và phúc âm của niềm vui! Chúng ta đừng nên đánh giá thấp khả năng của mình để làm điều gì là quan trọng nhất. Di sản thiêng liêng của chúng ta ban cho chúng ta lòng can đảm và sự tin tưởng để làm và trở thành tất cả những gì Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta biết chúng ta có thể trở thành.

Chủ đề của giới trẻ năm nay được trích từ Châm Ngôn 3:5–6:

“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.

“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”

Yếu tố then chốt trong việc tin cậy nơi Chúa là tiến tới phía trước, tin tưởng rằng Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta ngay cả khi chúng ta không có tất cả các câu trả lời.

Thưa các chị em, vấn đề không phải là kem. Và cũng không phải là làm nhiều hơn. Mà là làm điều gì quan trọng. Đó là áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta cố gắng trở nên giống như Ngài hơn.

Chúng ta càng làm nhiều hơn để đứng vững trên con đường giao ước, thì đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô càng tăng trưởng nhiều hơn. Đức tin của chúng ta càng tăng trưởng nhiều hơn, thì chúng ta sẽ có ước muốn nhiều hơn để hối cải. Và chúng ta càng hối cải nhiều hơn, thì chúng ta sẽ càng củng cố mối quan hệ giao ước của chúng ta với Thượng Đế nhiều hơn. Mối quan hệ giao ước đó thu hút chúng ta đến đền thờ, bởi vì việc tuân giữ các giao ước đền thờ là cách chúng ta kiên trì đến cùng.

Khi chúng ta tập trung cuộc sống của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ được hướng dẫn để làm điều quan trọng nhất. Và chúng ta sẽ được ban phước với sức mạnh thuộc linh, sự mãn nguyện, và niềm vui! Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.