Đại Hội Trung Ương
Sự Cải Đạo Là Mục Tiêu của Chúng Ta
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


Sự Cải Đạo Là Mục Tiêu của Chúng Ta

Không có gì thay thế được thời gian anh chị em đọc thánh thư, lắng nghe Đức Thánh Linh phán bảo trực tiếp với anh chị em.

Chỉ trong hơn ba năm nay, chúng ta đã cùng nhau hành trình với tư cách là tín hữu của Giáo Hội của Chúa. Đó là tháng Mười năm 2018 khi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ mời gọi chúng ta học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách học thánh thư theo một cách mới mẻ và đầy soi dẫn, với tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta làm nguồn hướng dẫn cho chúng ta.

Trong bất cứ cuộc hành trình nào, thật là tốt để thỉnh thoảng ngừng lại đánh giá sự tiến triển của chúng ta và chắc chắn rằng chúng ta vẫn đang tiến tới mục tiêu của mình.

Sự Cải Đạo Là Mục Tiêu của Chúng Ta

Hãy suy ngẫm câu nói sâu sắc này trong phần giới thiệu của tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta:

“Mục tiêu của toàn bộ việc học hỏi và giảng dạy phúc âm là nhằm làm cho sự cải đạo của chúng ta theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô được sâu sắc hơn. …

“… Cách học hỏi phúc âm mà củng cố đức tin của chúng ta và dẫn đến phép lạ của sự cải đạo không diễn ra ngay lập tức. Nó vượt ra bên ngoài một lớp học để đi vào tấm lòng và ngôi nhà của chúng ta. Nó đòi hỏi những nỗ lực kiên định hằng ngày để thấu hiểu và sống theo phúc âm. Việc học hỏi phúc âm đưa đến sự cải đạo thực sự đòi hỏi phải có ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.”1

Đó là phép lạ mà chúng ta tìm kiếm—khi một người có một kinh nghiệm trong thánh thư 2 và kinh nghiệm đó được ban phước bởi ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Những kinh nghiệm như vậy là những viên đá nền tảng quý báu cho sự cải đạo của chúng ta theo Đấng Cứu Rỗi. Và như Chủ Tịch Russell M. Nelson gần đây đã nhắc nhở chúng ta, các nền tảng thuộc linh phải liên tục được củng cố.3 Sự cải đạo lâu dài là một tiến trình suốt đời.4 Sự cải đạo là mục tiêu của chúng ta.

Để được hiệu quả nhất, những kinh nghiệm của anh chị em với thánh thư phải là của riêng anh chị em.5 Việc đọc hoặc nghe về những kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc của một người khác có thể hữu ích, nhưng điều đó sẽ không mang đến cùng một quyền năng cải đạo. Không có gì thay thế được thời gian anh chị em đọc thánh thư, lắng nghe Đức Thánh Linh phán bảo trực tiếp với anh chị em.

Đức Thánh Linh Đang Giảng Dạy Tôi Điều Gì?

Mỗi tuần khi mở tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta ra, tôi viết câu hỏi này ở đầu trang: “Đức Thánh Linh dạy tôi điều gì trong tuần này khi tôi đọc những chương này?”

Trong khi học thánh thư, tôi suy ngẫm câu hỏi đó nhiều lần. Và điều sau đây luôn diễn ra, những ấn tượng thuộc linh xuất hiện, và tôi ghi lại những ấn tượng đó trong tài liệu của mình.

Bây giờ, làm thế nào tôi biết được khi nào Đức Thánh Linh đang giảng dạy cho tôi? Điều đó thường xảy ra trong những cách thức nhỏ nhặt và đơn giản. Đôi khi có một đoạn thánh thư nổi bật rất đáng chú ý. Vào những lần khác, tôi cảm thấy như tâm trí tôi được soi sáng với một sự hiểu biết rộng hơn về một nguyên tắc phúc âm. Tôi cũng cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh khi vợ tôi, Anne Marie, và tôi nói về điều chúng tôi đang đọc. Những quan điểm của vợ tôi luôn mời gọi Thánh Linh.

Vị Tiên Tri và Lễ Vượt Qua

Năm nay chúng ta đang học Kinh Cựu Ước—là quyển thánh thư thiêng liêng làm tràn ngập tâm hồn chúng ta với ánh sáng. Trong khi đọc Kinh Cựu Ước, tôi cảm thấy như mình đang dành thời gian với những người hướng dẫn đáng tin cậy: A Đam, Ê Va, Hê Nóc, Nô Ê, Áp Ra Ham, và rất nhiều người khác.

Tuần này, trong khi học sách Xuất Ê Díp Tô Ký các chương 7–13, chúng ta học về cách Chúa giải thoát con cái Y Sơ Ra Ên khỏi bị tù đày trong nhiều thế kỷ ở Ai Cập. Chúng ta đọc về chín tai họa—chín biểu hiện đầy ấn tượng về quyền năng của Thượng Đế—mà Pha Ra Ôn đã chứng kiến nhưng không chịu mềm lòng.

Sau đó, Chúa phán với vị tiên tri của Ngài, Môi Se, về tai họa thứ mười—và cách mà mỗi gia đình Y Sơ Ra Ên có thể chuẩn bị cho tai họa đó. Là một phần của nghi lễ mà họ sẽ gọi là Lễ Vượt Qua, dân Y Sơ Ra Ên phải hy sinh một con chiên đực không tì vết. Sau đó, họ phải đánh dấu các khung cửa nhà của họ bằng máu của con chiên. Chúa hứa rằng tất cả những ngôi nhà đánh dấu bằng máu sẽ được bảo vệ khỏi tai họa khủng khiếp sắp xảy đến.

Thánh thư chép: “Dân Y Sơ Ra Ên … làm theo như lời Đức Giê Hô Va đã phán dặn Môi Se.” (Xuất Ê Díp Tô Ký 12:28). Có một điều gì đó rất mạnh mẽ trong câu thánh thư đơn giản đó về sự vâng lời.

Vì con cái của Y Sơ Ra Ên đã tuân theo lời khuyên dạy của Môi Se và hành động trong đức tin, nên họ được cứu khỏi tai họa và, cuối cùng, được giải thoát khỏi cảnh tù đày.

Tuần này, Đức Thánh Linh đã dạy tôi điều gì trong những chương này?

Sau đây là một vài ý nghĩ đã đọng lại trong tâm trí tôi:

  • Chúa làm việc qua vị tiên tri của Ngài để bảo vệ và cứu rỗi dân Ngài.

  • Đức tin và lòng khiêm nhường để noi theo vị tiên tri dẫn đến phép lạ của sự bảo vệ và giải thoát.

  • Máu trên khung cửa là một dấu hiệu bên ngoài của đức tin bên trong nơi Chúa Giê Su Ky Tô, Chiên Con của Thượng Đế.

Vị Tiên Tri và Những Lời Hứa của Chúa

Tôi ấn tượng trước sự tương đồng giữa cách Chúa ban phước cho dân Ngài trong lời tường thuật này trong Kinh Cựu Ước và cách Ngài cũng đang ban phước cho dân Ngài ngày nay.

Khi vị tiên tri tại thế của Chúa, Chủ Tịch Nelson, giới thiệu cho chúng ta về tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta như là một phương tiện để học thánh thư, ông đã mời gọi chúng ta biến ngôi nhà của mình thành nơi thánh thiện của đức tin và trung tâm học hỏi phúc âm.

Rồi ông hứa bốn phước lành cụ thể:

  1. ngày Sa Bát của anh chị em sẽ là ngày vui thích,

  2. con cái của anh chị em sẽ hứng thú để học hỏi và sống theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi,

  3. ảnh hưởng của kẻ nghịch thù trong cuộc sống của anh chị em và trong mái gia đình của anh chị em sẽ giảm bớt, và

  4. những thay đổi này trong gia đình của anh chị em sẽ rất đáng kể và bền bỉ.6

Bây giờ, chúng ta không có bất cứ mục nhật ký nào từ những người đã có kinh nghiệm về Lễ Vượt Qua với Môi Se ở Ai Cập. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều chứng ngôn từ Các Thánh Hữu, là những người, với đức tin bình đẳng, đang tuân theo lời khuyên dạy của Chủ Tịch Nelson ngày nay và nhận được các phước lành đã được hứa.

Sau đây là một vài chứng ngôn như vậy:

Người mẹ của một gia đình trẻ nói: “Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô và hoan hỷ về Đấng Ky Tô trong nhà mình. Đối với tôi, đó là phước lành lớn lao nhất—rằng con cái tôi có thể lớn lên với những cuộc trò chuyện về phúc âm trong mái gia đình mà mang chúng đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn.”7

Một người anh em cao niên gọi việc học thánh thư của mình qua tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta là “một đường dẫn tràn đầy ánh sáng thiêng liêng nhằm giúp chúng ta thấy được giáo lý phúc âm cần thiết cho sự an lạc thuộc linh của chúng ta.”8

Một người vợ trẻ đã mô tả các phước lành trong hôn nhân của mình: “Tôi đã có thể biết rõ hơn tấm lòng của chồng tôi, và tôi đã có thể mở rộng lòng mình hơn với anh ấy khi chúng tôi cùng học tập với nhau.”9

Một người mẹ trong một gia đình đông con nhận thấy những nỗ lực của chị để giảng dạy gia đình mình đã thay đổi như thế nào. Chị ấy nói: “Nhìn lại, điều đó giống như tôi đang chơi dương cầm với đôi găng tay đi tuyết. Tôi cố gắng đánh đúng các nốt, nhưng bản nhạc lại bị sai. Bây giờ khi cởi găng tay ra, và mặc dù bản nhạc của tôi vẫn không hoàn hảo, nhưng tôi nghe thấy có khác biệt. Tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta đã cho tôi tầm nhìn, khả năng, sự tập trung, và mục đích.10

Một người chồng trẻ nói: “Những ưu tiên quan trọng nhất của tôi ở nhà đã trở nên rõ ràng hơn kể từ khi tôi biến tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta trở thành thói quen buổi sáng của tôi. Việc học tập dẫn tôi đến việc suy nghĩ nhiều hơn về những điều quan trọng nhất đối với tôi, như đền thờ, mối quan hệ của tôi với vợ tôi, và sự kêu gọi của tôi. Tôi biết ơn rằng nhà của tôi là một chốn thiêng liêng nơi mà Thượng Đế là ưu tiên hàng đầu.”11

Một chị phụ nữ đã chia sẻ: “Những kinh nghiệm hằng ngày của tôi với tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta hiếm khi đáng chú ý, nhưng theo thời gian, tôi có thể thấy được cách tôi đang được thay đổi bởi việc học thánh thư liên tục và tập trung như vậy. Kiểu học tập đó giúp tôi khiêm nhường, dạy dỗ tôi, và thay đổi tôi từng chút một.”12

Một người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà đã báo cáo: “Chương trình Hãy Đến Mà Theo Ta đã giúp tôi đến gần với mức độ học thánh thư mà tôi đã thực hiện trong công việc truyền giáo của mình, và tôi đã có thể chuyển từ một bản liệt kê việc học thánh thư thành các buổi học thực sự làm phong phú hóa việc tìm hiểu về Thượng Đế.”13

Một người anh em nói: “Tôi cảm thấy Đức Thánh Linh được chào đón nhiều hơn trong cuộc sống của tôi và cảm nhận được sự hướng dẫn đầy mặc khải của Thượng Đế trong việc đưa ra quyết định. Tôi có nhiều cuộc trò chuyện sâu sắc hơn về vẻ đẹp trong giáo lý giản dị của Đấng Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.”14

Một đứa trẻ bảy tuổi đã chia sẻ: “Em sắp chịu phép báp têm, và tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta giúp em sẵn sàng. Gia đình em và em nói về phép báp têm, và bây giờ em không cảm thấy lo lắng khi chịu phép báp têm. Tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta giúp Đức Thánh Linh đến với tâm hồn em, và em cảm thấy ấm áp khi đọc thánh thư.”15

Và cuối cùng, từ một người mẹ có mấy đứa con: “Khi chúng tôi học lời của Thượng Đế, Ngài đã giúp gia đình chúng tôi chuyển nỗi lo lắng thành sức mạnh; chuyển khó khăn và thử thách thành sự giải thoát; chuyển sự tranh chấp và chỉ trích thành tình yêu thương và sự bình an; và chuyển ảnh hưởng của kẻ nghịch thù thành ảnh hưởng của Thượng Đế.”16

Những người này và nhiều tín đồ trung tín khác của Đấng Ky Tô đã đặt huyết Chiên Con của Thượng Đế một cách tượng trưng trên lối vào nhà của họ. Họ đang cho thấy sự cam kết bên trong để noi theo Đấng Cứu Rỗi. Đức tin của họ đi trước phép lạ. Đó là phép lạ của một người có một kinh nghiệm trong thánh thư và kinh nghiệm đó được ban phước bởi ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.

Khi chúng ta học hỏi thánh thư, sẽ không có nạn đói thuộc linh nào trong xứ. Như Nê Phi đã nói: “Những ai biết nghe theo lời của Thượng Đế và biết giữ vững lời ấy thì sẽ không bao giờ bị diệt vong; và họ cũng không bị mù quáng bởi những cám dỗ cùng những tên lửa của kẻ thù nghịch khiến họ phải đi vào con đường hủy diệt” (1 Nê Phi 15:24).

Trong thời xưa, khi con cái của Y Sơ Ra Ên tuân theo sự hướng dẫn của Chúa được ban cho qua tiên tri Môi Se, họ được ban phước với sự an toàn và tự do. Ngày nay, khi tuân theo sự hướng dẫn của Chúa được ban cho qua vị tiên tri tại thế của mình, Chủ Tịch Nelson, chúng ta cũng được ban phước với sự cải đạo trong lòng và sự bảo vệ trong nhà của mình.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Đây là Giáo Hội của Ngài, đã được phục hồi trên thế gian qua Tiên Tri Joseph Smith. Chủ Russell M. Nelson là vị tiên tri của Chúa ngày nay. Tôi yêu mến và tán trợ ông. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022, vii.

  2. “Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm về sự phát triển phần thuộc linh của cá nhân mình” (Russell M. Nelson, “Lời Mở Đầu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 8).

  3. Xin xem Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Tảng Thuộc Linh Của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 93–96.

  4. Đây là một lý do quan trọng tại sao Chủ Tịch Nelson đã khẩn nài chúng ta “hãy dành thời gian cho Chúa! Hãy làm cho nền tảng thuộc linh của anh chị em được vững mạnh và có thể đứng vững trước thử thách của thời gian bằng cách làm những điều cho phép Đức Thánh Linh luôn ở bên anh chị em” (“Hãy Dành Thời Gian cho Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 120).

  5. “Bất kể điều những người khác có thể nói hoặc làm, không ai có thể lấy đi một chứng ngôn đến trong tâm và trong trí anh chị em về điều gì là thật.” (Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 95).

  6. Xin xem Russell M. Nelson, “Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 113–114. Chủ Tịch Nelson đã lặp lại lời mời này vào tháng Tư vừa qua: “Cam kết của các anh em để biến nhà của mình thành nơi thiêng liêng chính yếu của đức tin sẽ không bao giờ kết thúc. Khi đức tin và sự thánh thiện giảm bớt trong thế giới sa ngã này thì nhu cầu của các anh em về những nơi thiêng liêng sẽ gia tăng. Tôi khuyên nhủ các anh em hãy tiếp tục biến nhà của mình trở thành một nơi thực sự thánh thiện ‘và chớ để bị lay chuyển’ [Giáo Lý và Giao Ước 87:8; sự nhấn mạnh được thêm vào] từ mục tiêu thiết yếu đó” (“Điều Chúng Ta Đang Học và Sẽ Không Bao Giờ Quên,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 79).

  7. Thư riêng; xin xem thêm 2 Nê Phi 25:26.

  8. Thư riêng.

  9. Thư riêng.

  10. Thư riêng.

  11. Thư riêng.

  12. Thư riêng.

  13. Thư riêng.

  14. Thư riêng.

  15. Thư riêng.

  16. Thư riêng.