Đại Hội Trung Ương
Mỗi Chúng Ta Đều Có một Câu Chuyện
Đại Hội trung ương tháng Tư năm 2022


Mỗi Chúng Ta Đều Có một Câu Chuyện

Xin hãy đến tìm gia đình của anh chị em, tất cả các thế hệ của anh chị em, và mang họ về nhà.

Thưa các bạn và các anh chị em, mỗi người chúng ta đều có một câu chuyện. Khi khám phá câu chuyện của mình, tức là chúng ta kết nối, chúng ta thuộc vào, chúng ta trở thành.

Tôi tên là Gerrit Walter Gong. Gerrit là tên Hà Lan, Walter (tên của cha tôi) là tên Mỹ, và Gong dĩ nhiên là một cái tên của người Hoa.

Các chuyên gia ước tính có khoảng 70–110 tỷ người đã sống trên trái đất. Có lẽ chỉ duy nhất một người được đặt tên là Gerrit Walter Gong.

Mỗi chúng ta đều có một câu chuyện. Tôi thích câu hát “the rain on my face [and] the wind as it rushes by.”1 Tôi bước đi lắc lư cùng những con chim cánh cụt ở Nam Cực. Tôi tặng cho trẻ em mồ côi ở Guatemala, trẻ em đường phố ở Campuchia, phụ nữ Masai ở Mara Châu Phi bức ảnh đầu tiên của chính họ.

Tôi chờ đợi ở bệnh viện khi mỗi đứa con của chúng tôi chào đời—có lần bác sĩ còn cho phép tôi hộ sinh.

Tôi tin cậy Thượng Đế. Tôi tin rằng “[chúng ta] có sinh tồn thì [chúng ta] mới hưởng được niềm vui,”2 rằng mọi việc dưới trời đều có kỳ định.3

Anh chị em có biết câu chuyện của mình không? Tên của anh chị em có nghĩa là gì? Dân số thế giới tăng từ 1,1 tỷ người vào năm 1820 lên gần 7,8 tỷ người vào năm 2020.4 Năm 1820 dường như là một dấu ấn trong lịch sử. Nhiều người sinh sau năm 1820 có ký ức sống động và các ghi chép để xác định một số thế hệ gia đình. Anh chị em có thể nghĩ về một ký ức đặc biệt, tuyệt vời với một người ông hay bà hoặc một người khác trong gia đình không?

Dù tổng số người đã sống trên thế gian là bao nhiêu, thì nó là hữu hạn, có thể đếm được, từng người một. Anh chị em và tôi, mỗi chúng ta đều quan trọng.

Và xin hãy suy ngẫm điều này: cho dù chúng ta có biết họ hay không, thì mỗi người chúng ta đều do cha mẹ sinh ra. Và mỗi người cha và mẹ ấy cũng đều do cha mẹ của họ sinh ra.5 Qua dòng dõi sinh ra hoặc nhận nuôi, cuối cùng chúng ta đều được kết nối trong gia đình của Thượng Đế và gia đình nhân loại.

Sinh năm 837 sau Công Nguyên, ông cố đời thứ 30 của tôi, Dragon Gong Đệ Nhất, đã khởi lập ra ngôi làng của gia đình chúng tôi ở miền nam Trung Quốc. Lần đầu tiên tôi đến thăm làng Gong, người dân ở đó đã nói, “Wenhan huilaile” (“Gerrit đã trở về”).

Về họ hàng phía mẹ tôi, những người còn sống trong gia phả của chúng tôi gồm có hàng ngàn cái tên, với nhiều điều hơn để khám phá.6 Mỗi người chúng ta đều có nhiều gia đình hơn để kết nối. Nếu anh chị em nghĩ rằng bà dì của mình đã hoàn thành tất cả gia phả của gia đình mình, thì hãy tìm hết các anh chị em họ của mình. Hãy kết nối các tên của những người còn sống trong gia phả của anh chị em với 10 tỷ tên mà FamilySearch hiện có trong bộ sưu tập trực tuyến và 1,3 tỷ người trong Cây Gia Phả.7

Hình Ảnh
Cây sự sống với rễ và cành

Nhờ bạn bè hoặc gia đình vẽ một cây sự sống. Như Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy, cây sự sống có rễ nhánh.8 Cho dù anh chị em là thế hệ đầu tiên hay thứ mười được biết đến của mình, thì hãy kết nối lịch sử gia đình cho các thế hệ tương lai. Hãy kết nối tổ tiên và dòng dõi trong cây gia phả về những người còn sống của anh chị em.9

Câu hỏi “Bạn từ đâu đến?” hỏi về dòng dõi, nơi sinh, đất nước sở tại hoặc quê hương. Trên toàn cầu, 25 phần trăm chúng ta truy nguyên quê hương của mình đến Trung Quốc, 23 phần trăm đến Ấn Độ, 17 phần trăm đến các khu vực khác ở Châu Á Thái Bình Dương, 18 phần trăm đến Châu Âu, 10 phần trăm đến Châu Phi, và 7 phần trăm đến Châu Mỹ.10

Câu hỏi “Bạn từ đâu đến?” cũng mời gọi chúng ta khám phá ra nguồn gốc thiêng liêng và mục đích thuộc linh của mình trong cuộc sống.

Mỗi chúng ta đều có một câu chuyện.

Một gia đình tôi biết đã kết nối năm thế hệ gia đình khi họ đến thăm căn nhà cũ của họ ở Winnipeg, Canada. Ở đó, người ông kể cho các cháu trai của mình nghe về cái ngày mà hai người truyền giáo (ông gọi họ là các thiên sứ từ thiên thượng) đã mang phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đến, thay đổi gia đình họ mãi mãi.

Một người mẹ tôi biết đã mời con cái và anh chị em họ của chúng hỏi thăm bà cố của chúng về những kinh nghiệm thời thơ ấu của bà. Những cuộc phiêu lưu và bài học về cuộc sống của Bà Cố giờ đây là một quyển sách gia đình quý báu kết nối các thế hệ với nhau.

Một thiếu niên tôi biết đang biên soạn “Nhật ký của cha tôi.” Cách đây nhiều năm, một chiếc xe ô tô tông và giết chết cha của em ấy. Giờ đây, để biết về cha mình, người thiếu niên can đảm này đang giữ gìn những kỷ niệm thời thơ ấu và những câu chuyện từ gia đình và bạn bè.

Khi được hỏi ý nghĩa của cuộc sống nằm ở đâu thì hầu hết mọi người đều xếp gia đình lên hàng đầu.11 Điều này gồm có gia đình còn sống và đã qua đời. Dĩ nhiên, khi chết đi, chúng ta vẫn hiện hữu. Chúng ta tiếp tục sống ở phía bên kia của bức màn che.

Vẫn còn rất nhiều người đang sống, các tổ tiên của chúng ta đáng được nhớ tới.11 Chúng ta ghi nhớ di sản của mình qua lịch sử truyền miệng, các ghi chép của gia tộc và những câu chuyện gia đình, đài tưởng niệm hoặc nơi tưởng nhớ, những lễ kỷ niệm với hình ảnh, món ăn hoặc đồ vật nhắc nhở chúng ta về những người thân yêu.

Hãy nghĩ về nơi anh chị em đang sống—chẳng phải là điều tuyệt vời để đất nước và cộng đồng của anh chị em ghi nhớ và tôn vinh các tổ tiên, gia đình, những người khác đã phục vụ và hy sinh như thế nào hay sao? Ví dụ, tại lễ tưởng niệm vụ thu hoạch mùa thu ở South Moulton, Devonshire, nước Anh, Chị Gong và tôi thích tìm kiếm nhà thờ và cộng đồng nhỏ nơi mà nhiều thế hệ tổ tiên ở Bawden của chúng tôi đã từng sống. Chúng ta tôn vinh tổ tiên của mình bằng cách mở ra các tầng trời qua công việc đền thờ và lịch sử gia đình13 và bằng cách trở thành mối ràng buộc14 trong chuỗi mắt xích các thế hệ của chúng ta.15

Trong thời đại “lợi ích cá nhân” này, xã hội nhận được lợi ích khi các thế hệ kết nối theo những cách đầy ý nghĩa. Chúng ta cần biết cội nguồn của mình để được chắp cánh—các mối quan hệ thật, sự phục vụ có ý nghĩa, cuộc sống vượt ra ngoài những phù du trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Việc kết nối với tổ tiên có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta theo những cách đáng ngạc nhiên. Chúng ta đạt được đức tin và sức mạnh từ những thử thách và thành tựu của họ.16 Chúng ta học cách tha thứ và tiến bước từ tình yêu thương và sự hy sinh của họ. Con cái chúng ta trở nên kiên cường. Chúng ta nhận được sự bảo vệ và quyền năng. Mối quan hệ gắn bó với tổ tiên làm gia tăng sự gần gũi, lòng biết ơn và các phép lạ trong gia đình. Những mối quan hệ gắn bó như vậy có thể mang đến sự giúp đỡ từ phía bên kia bức màn che.

Cũng giống như niềm vui đến trong gia đình, nỗi buồn phiền cũng có thể xảy ra như vậy. Không một người nào là hoàn hảo, cũng như không có gia đình nào là hoàn hảo. Khi những người nên yêu thương, nuôi dưỡng, và bảo vệ chúng ta không làm được điều đó, thì chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi, tủi hổ, bị tổn thương. Gia đình có thể trở thành một cái vỏ rỗng. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của thiên thượng, chúng ta có thể tiến đến việc hiểu gia đình mình và hòa thuận với nhau.17

Đôi khi sự cam kết kiên định trong việc tuân thủ các mối quan hệ gia đình giúp chúng ta hoàn thành những việc khó khăn. Trong một số trường hợp, cộng đồng trở thành gia đình. Một thiếu nữ trẻ phi thường có gia đình đầy rắc rối phải di chuyển thường xuyên đã tìm thấy một gia đình Giáo Hội yêu thương ở bất cứ nơi nào em ấy ở để nuôi dưỡng và cung cấp chỗ dựa. Sự di truyền và khuôn mẫu gia đình ảnh hưởng nhưng không quyết định con người chúng ta.

Thượng Đế muốn gia đình chúng ta được hạnh phúc và ở cùng nhau mãi mãi. Mãi mãi sẽ là quá dài nếu chúng ta gây đau khổ cho nhau. Hạnh phúc sẽ là quá ngắn nếu các mối quan hệ trân quý chỉ dừng lại ở cuộc sống này. Thông qua các giao ước thiêng liêng, Chúa Giê Su Ky Tô ban tặng tình yêu thương, quyền năng và ân điển của Ngài để thay đổi chúng ta18 và chữa lành các mối quan hệ của chúng ta. Việc phục vụ quên mình trong đền thờ cho những người thân yêu khiến Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi trở nên thực tế đối với họ và chúng ta. Khi được thánh hóa, chúng ta có thể trở về nhà nơi hiện diện của Thượng Đế với tư cách là gia đình được kết hợp vĩnh cửu.19

Mỗi câu chuyện của chúng ta là một cuộc hành trình vẫn còn đang tiến triển, khi chúng ta khám phá, sáng tạo, và trở thành với những khả năng ngoài sức tưởng tượng.

Tiên Tri Joseph Smith đã nói, “Có thể sẽ có một số người cho giáo lý chúng ta nói đây thật là bạo dạn—một quyền năng ghi chép hay ràng buộc dưới thế gian và ràng buộc trên trời.”20 Tính xã hội chúng ta tạo ra ở đây có thể tồn tại với vinh quang vĩnh cửu ở đó.21 Quả thật, “không có [những người trong gia đình] thì chúng ta không thể đạt đến sự hoàn hảo, mà không có chúng ta thì họ cũng không thể đạt đến sự hoàn hảo được.” nghĩa là, trong sự “nối liền với nhau một cách trọn vẹn, hoàn bị và toàn hảo.”22

Chúng ta có thể làm gì bây giờ?

Trước hết, hãy tưởng tượng hình ảnh của anh chị em được phản chiếu qua lại giữa hai chiếc gương của thời vĩnh cửu. Ở một hướng, hãy hình dung mình là con gái, cháu gái, chắt gái; ở hướng kia, hãy mỉm cười với bản thân mình với tư cách là dì, mẹ, bà ngoại. Thời gian trôi qua nhanh biết bao! Trong mỗi thời gian và vai trò, hãy lưu ý ai là người ở cùng với anh chị em. Hãy thu thập hình ảnh và những câu chuyện của họ; hãy làm cho những kỷ niệm của họ được chân thực. Ghi lại tên, kinh nghiệm, ngày tháng quan trọng của họ. Họ là gia đình của anh chị em—gia đình mà anh chị em có và gia đình mà anh chị em muốn.

Khi anh chị em khám phá, tôn vinh, và thực hiện sự phục vụ trong đền thờ cho những người trong gia đình, thì tinh thần Ê Li, “một sự biểu hiện của Đức Thánh Linh làm chứng về tính chất thiêng liêng của gia đình”,23 sẽ đồng tâm đoàn kết tấm lòng của cha mẹ và con cái của anh chị em với nhau trong tình yêu thương.24

Thứ hai, hãy để cho cuộc phiêu lưu về lịch sử gia đình trở nên có chủ ý và tự nhiên. Hãy gọi cho bà ngoại của anh chị em. Hãy nhìn sâu vào đôi mắt của đứa bé sơ sinh đó. Hãy dành thời gian—khám phá thời vĩnh cửu—ở mỗi giai đoạn của cuộc hành trình của anh chị em. Hãy học hỏi và thừa nhận với lòng biết ơn và thành thật đối với di sản gia đình của anh chị em. Hãy vui mừng và trở thành người tích cực, và nếu cần, hãy khiêm nhường làm mọi điều để không lưu lại sự tiêu cực. Hãy để cho những điều tốt lành bắt đầu với anh chị em.

Thứ ba, hãy ghé thăm trang mạng FamilySearch.org. Tải xuống các ứng dụng di động có sẵn. Chúng miễn phí và thú vị. Hãy khám phá, kết nối, thuộc vào. Hãy xem anh chị em có quan hệ họ hàng như thế nào với những người trong một căn phòng, thật là dễ dàng và bổ ích biết bao để thêm tên những người còn sống vào cây gia phả của anh chị em, để tìm kiếm và ban phước cho tổ tiên và dòng dõi của anh chị em.

Thứ tư, giúp gắn kết gia đình vĩnh cửu. Hãy ghi nhớ dân số của thiên thượng. Ở bên kia bức màn che có nhiều hơn ở phía bên này. Khi càng có nhiều đền thờ ở gần chúng ta hơn, xin hãy vui lòng cung ứng cho những người đang chờ đợi các giáo lễ đền thờ cơ hội để được tiếp nhận chúng.

Lời hứa vào lễ Phục Sinh và luôn luôn là, trong và qua Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể trở thành câu chuyện hay nhất của mình, và gia đình chúng ta có thể trở nên hạnh phúc và ở cùng nhau mãi mãi. Trong tất cả các thế hệ của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô chữa lành những người đau khổ, giải thoát những người bị giam cầm, mang tự do cho những người bị tổn thương.25 Việc thuộc vào giao ước với Thượng Đế và với nhau26 bao gồm việc biết được linh hồn và thể xác của chúng ta sẽ được tái hợp trong sự phục sinh và các mối quan hệ quý báu nhất của chúng ta có thể tiếp tục sau cái chết với niềm vui trọn vẹn.27

Mỗi chúng ta đều có một câu chuyện. Hãy đến khám phá những câu chuyện của anh chị em. Hãy đến tìm kiếm tiếng nói, bài ca, sự hòa thuận của anh chị em nơi Ngài. Đây chính là mục đích mà Thượng Đế đã sáng tạo ra trời đất và thấy rằng những điều đó là tốt lành.28

Ngợi khen kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, sự phục hồi liên tục trong phúc âm và Giáo Hội của Ngài. Xin hãy đến tìm gia đình của anh chị em, tất cả các thế hệ của anh chị em, và mang họ về nhà. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “My Heavenly Father Loves Me,” Children’s Songbook, trang 228.

  2. 2 Nê Phi 2:25.

  3. Xin xem Truyền Đạo 3:1.

  4. Dựa trên Ban Thư Ký Liên Hợp Quốc, The World at Six Billion (1999), trang 5, bảng 1, “World Population by Year,” Worldometer, worldometers.info.

  5. Nhiều người được ban phước khi có cha mẹ mà đã không sinh ra họ, tuy nhiên họ được kết hợp với gia đình qua mối quan hệ tình cảm và việc nhận con nuôi cùng các giao ước gắn bó thiêng liêng.

  6. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đang thí điểm những cách thức để sắp xếp một số lượng lớn các tên thành viên gia đình lên các cây gia phả.

  7. Vào năm 2021, khoảng 99 triệu cái tên đã được thêm vào các cây gia phả công cộng. Và mới đây, việc số hóa đã hoàn tất 2,4 triệu cuộn vi phim chứa khoảng 37 tỷ cái tên (với một số tên trùng lặp). Các hồ sơ tên cá nhân này giờ đây có thể được chuẩn bị để được tìm kiếm, tìm thấy, và thêm vào cây gia phả của nhân loại.

  8. Xin xem Russell M. Nelson, “Roots and Branches, Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 27–29.

  9. Dĩ nhiên, khi chúng ta khám phá và xây dựng cây gia phả của những người còn sống, xin hãy duy trì sự tôn trọng 100 phần trăm đối với quyền riêng tư và sự tham gia tình nguyện của những người trong gia đình, những người còn sống và đã qua đời.

  10. David Quimette đã ngoại suy những con số này, dựa trên Angus Maddison, The World Economy: A Millennial Perspective (2001), 241, bảng B-10.

  11. Xin xem Laura Silver và các đồng tác giả, “What Makes Life Meaningful? Views from 17 Advanced Economies,” Pew Research Center, 18 tháng Mười Một, năm 2021, pewresearch.org.

  12. 1 Nê Phi 9:5; 1 Nê Phi 19:3; Lời Mặc Môn 1:6–7; và An Ma 37:2 nói về việc lưu giữ các biên sử và ghi nhớ “vì một mục đích thông sáng,” kể cả việc ban phước cho các thế hệ tương lai.

  13. Xin xem Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, “Mở Các Tầng Trời qua Công Việc Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình,” Liahona, tháng Mười năm 2017, trang 14–19; xem thêm “RootsTech Family Discovery Day—Opening Session 2017” (video), ChurchofJesusChrist.org.

  14. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:18.

  15. Xin xem Gordon B. Hinckley, “Keep the Chain Unbroken” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 30 tháng Mười Một năm 1999), speeches.byu.edu. Lời của Chủ Tịch Hinckley cũng được trích dẫn trong David A. Bednar, “A Welding Link” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 10 tháng Chín năm 2017), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org.

  16. Ví dụ, trong gia đình chúng tôi, Henry Bawden, từ Devonshire, nước Anh, kết hôn với Sarah Howard, là người đã di cư cùng với gia đình của bà sau khi họ gia nhập Giáo Hội. Khi Sarah còn là một thiếu nữ sống ở St. Louis, cha, mẹ và năm anh chị em của bà qua đời. Henry và Sarah có 10 người con. Sarah cũng nuôi dạy sáu người con của người vợ đầu tiên của Henry, Ann Ireland, sau khi bà ấy qua đời. Sarah cũng chăm sóc và nuôi nấng hai đứa cháu gái nhỏ sau khi con dâu của bà (của Sa Rah) qua đời. Mặc dù có nhiều thử thách trong cuộc sống, Sarah vẫn ấm áp, yêu thương, trắc ẩn, và dĩ nhiên là rất chăm chỉ. Bà được gọi một cách thân thương là “Bà Ngoại Nhỏ.”

  17. Dù khó đến mức nào, khi chúng ta tha thứ cho bản thân mình và cho nhau với sự giúp đỡ của Đấng Ky Tô, thì chúng ta trở thành “con cái Đức Chúa Trời” (Ma Thi Ơ 5:9).

  18. Ví dụ, xin xem Mô Si A 3:19.

  19. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org.

  20. Giáo Lý và Giao Ước 128:9.

  21. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 130:2.

  22. Giáo Lý và Giao Ước 128:18.

  23. Russell M. Nelson, “A New Harvest Time,” Ensign, tháng Năm năm 1998, trang 34; xem thêm Russell M. Nelson and Wendy W. Nelson, “Mở Các Tầng Trời qua Công Việc Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình,” trang 16–18.

  24. Xin xem Mô Si A 18:21.

  25. Xin xem Lu Ca 4:18.

  26. Tôi học được từ “gia đình” trong tiếng Hê Bơ Rơ—mishpachah—xuất phát từ một từ gốc Hê Bơ Rơ là (shaphahh) có nghĩa là “kết hợp hay ràng buộc với nhau.” Mỗi vai trò trong gia đình là nhằm củng cố mối quan hệ gia đình.

  27. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:15–16, 34; 93:33; 138:17.

  28. Xin xem Sáng Thế Ký 1:4, 31.